GỢI Ý PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - BÀI 1
Phan Văn Song
9-8-2014
Nhơn dịp Wilimania X tại London từ 8/08/2014 đến 10 /08/2014:
Tiểu luận Mùa Hè 2014 - 3 bài
Từ những ngày Giàn khoan Tàu rút đi, không khí Biển Đông bớt căng thẳng, nhà cầm quyền Cộng sản có vẻ tìm một con đường chánh trị mới – một ý muốn thoát Trung ?- Bớt lệ thuộc vào Trung Cộng bằng một mặt chuyển hướng ngoại giao về phía Âu Mỹ, và các quốc gia láng giềng Đông Á và Đông Nam Á hầu hội nhập vào khối đồng minh kinh tế và quân sự để đối đầu với sự bành trướng Hán tộc của Trung Cộng.
Mặt khác về đối nội, vài chỉ dấu đặc biệt, vài dấu hiệu nho nhỏ - một ước mong thoát Cộng ?- Như chấp nhận cho đăng công khai lá thư ngỏ của các 61 Cựu ĐảngViên Đảng Cộng sản - cùng ký tên theo thứ tự thâm niên đảng tịch - gởi Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng ? Lá thư ngỏ tuy với lời lẽ ôn hòa, với một giọng văn hòa hoản, nhưng « yêu cầu xin cho » hơn là « cương quyết đòi hỏi », tuy nhiên cũng biểu lộ một sự « can đảm hiếm hoi » dám nhận định hướng chánh trị nội bộ bằng một chỉ trích rất « xét lại » phê phán đường lối Xã hội Chủ Nghĩa Mác Lê là sai và yêu cầu hãy thay đổi hướng chánh trị về Dân chủ : « chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ... xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền thật sự dân chủ.” Và về mặt đối ngoại « Hãy từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng;... Hãy bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ,... thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc.” … « Cụ thể hơn, ban lãnh đạo đảng phải nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế ».
Nói tóm lại những « yêu cầu » trong bức thư cũng là những điều mà rất nhiều người Việt Nam đang đòi hỏi đảng Cộng Sản phải làm.
Vì vậy, bức thư ngỏ này đáng hoan nghênh. Thế nhưng, tuy đây là một đìểm tích cực, nhưng vẫn mong 61 người tỉnh ngộ muộn màng sau một giấc ngủ dài u mê nầy có dám « bước thêm một bước nữa », thật sự có những hành động cụ thể, nếu Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn u mê phớt lờ, thì phải hoặc trả thẻ Đảng và kêu gọi toàn bộ các đảng viên cùng với mình « buộc » Đảng và Nhà Nước phải trả quyền Tự quyết cho Nhân dân, hoặc lập một Phong trào đối lập đấu tranh chánh trị « cải tổ, xây dựng đất nước và giữ nước »!.
Còn không thì lá Thư Ngỏ nầy cũng như thân phận các kiến nghị, kêu gọi… những năm trước đây là « nằm xọt rác » vì quan niệm của chế độ « xin cho » là quyền tối thượng của người cho, và là một đặc quyền của chế độ độc tài !
Thoát Trung, Thoát Cộng hay cả hai đều do toàn thể người dân trong nước có thật sự muốn làm đến nơi đến chốn không?
Bắt chước lời chúc lành của dân Do Thái những năm tháng lang thang xứ người, chúng tôi xin chúc tất cả Người tỵ nạn Hải ngoại và người Việt trong nước
Hẹn nhau ngày mai gặp nhau ở Sài gòn. Tomorrow, See you in Saigon
Trong dịp Hội Thảo Wikimania lần thứ 10 diễn ra tại London Anh Quốc từ 8 đến ngày 10 tháng 8 năm 2014 nầy, chúng tôi xin đóng góp câu tiêu đề của Hội Thào “Imagination is more important than knowledge - Trí tưởng tượng quan trọng hơn sự hiểu biết”và cũng trong tinh thần ấy, hãy cùng nhau mơ tưởng xây dựng một Việt Nam tương lai. Chúng tôi xin đóng góp bài viết nầy với cùng tất cả những người con Việt cùng chung một giấc mơ xây dựng lại một Việt NamTương Lai, Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ, đầy tình người..
A/ Bối Cảnh Thế Giới:
1/ Toàn cầu hóa và liên lập kinh tế :
Thế giới đang chuyển mình: cơn khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ những năm 2007/2008 đã đưa thế giới tài chánh kinh tế vào một ngõ rẽ khác. Các nhà nhơn chủng học và sử học thường chia sự phát triển văn minh con người bằng những khoảng thời gian bắt đầu bằng từ ngữ «cách mạng-révolution», từ người tiền sử bán khai đến «cách mạng dụng cụ», dụng cụ bằng đá, bằng xương, đến thời kỳ dùng đồng, dùng sắt, biết rèn, biết luyện, biết tôi sắt thành thép, «cách mạng kỹ nghệ» ... đến ngày nay thế kỷ thứ 21, với «cách mạng tin học» biến cả quả Địa cầu chúng ta thành một cái làng nhỏ, “Một thế gìới phẳng-The world is flat”, thể theo lời tựa của cuốn sách best-seller của nhà báo Thomas L. Friedman, xuất bản ngày 5 tháng 4 năm 2005 do nhà xuất bản Farrar Srauss & Giroux-USA đã được giải thưởng Financial Times & Goldman Sachs Business Book of the Year năm 2005.
Thế kỷ 19, với «cách mạng kỹ nghệ» thay thế sức người mồ hôi bằng sức «hơi nước», biết dùng dây chuyền, chuyển sức kéo vào các cơ khí, thay thế sức kéo của con người, của con vật, đã là bước nhảy vọt khổng lồ đưa nền văn minh con người làm chủ thiên nhiên sau bao nhiêu thế kỷ nằm ngủ.
Với thế kỷ 20, con người đem «kỹ nghệ máy móc» áp dụng vào nông nghiệp, dùng máy để thay thế con người: thoạt tiên máy cầy, máy gặt, sau đó biết tách phần thóc gạo một bên, phần rơm rạ một bên, xong đưa vào máy bó, máy cuốn rơm, cuốn rạ thành từng bó.
«Văn minh máy móc» đã đưa con người đi nhanh, đi xa, thoải mái…biến xe hơi là dụng cụ, xe lửa, máy bay là phương tiện giao thông, tàu thủy là phương tiện chuyên chở, quả địa cầu chỉ là một cái làng nhỏ, đi đầu hành tinh nầy đến đầu hành tinh nọ tốn có một ngày.
Một gia đình như gia đình tỵ nạn người Việt Nam chúng ta ngày nay không còn lẩn quẩn, người anh nầy ở cuối làng, người chị nọ ở thôn trên, mà có ông anh ở Pháp, cô em ở Mỹ, bà chị ở Úc châu. Cách đây vào khoảng trên 60 năm, tuổi thiếu thời, cá nhơn người viết đi học xa, nội trú ở Đà Lạt, viết thơ cho cha mẹ mỗi tuần một lần về Ban Mê Thuột, chưa đầy 300 cây số, mà lá thơ đi gần một tuần mới đến. Cách đây trên 50 năm người viết du học ở Pháp viết thơ về cha mẹ ở Sài Gòn một tuần một lần, 20.000 cây số, thơ cũng đi gần một tuần mới đến. Đó đã là phát triển, đó đã là tiên tiến! Tuần qua, con trai ông bạn đi du lịch «ba lô » ở Việt Nam, vừa đến Hà Nội, về đến khách sạn, «e-mail» ngay về cha mẹ, chỉ tích tắc, một phút sau, cha mẹ biết ngay, cậu bé vừa tháo xong hành lý, vừa tắm xong, tóc chưa kịp khô! Nếu cháu có thêm tí tiền, cháu mua «sim điện thoại cầm tay», điện thoại ngay lập tức nói chuyện với cha mẹ, hay dùng «skype truyền hình» giới thiệu cho cha mẹ viếng thăm căn phòng khách sạn!
Hai năm trước đây, chiếc phi thuyền tự động Curiosity vừa đáp xuống Sao Hỏa, sau 8 tháng hành trình, 56 triệu cây số, đáp sai chỗ đã được hoạch định … 20 cm! Những hình chụp sau vài phút đã đến Trái đất. Thật là mầu nhiệm! Toàn cầu hóa! Một sự mầu nhiệm! Tin tức bên nầy địa cầu, bên kia địa cầu nói chuyện với nhau. Không còn các cảnh tương tư kiểu: «Thiếp tại Tương giang đầu, Chàng tại Tương giang vỹ. Đồng ẩm Tương giang thủy, tương tư bất tương kiến». Ngày nay có nhớ nhau, thì chỉ một cú skype thì tương kiến ngay- nhưng tuy không được uống Tương giang thủy, nhưng vẫn đồng ẩm Heineken thủy vì đã được sản xuất kỹ nghệ và bán toàn thế giới. Thật là một “Thế giới phẳng” như Thomas L.Friedman đã nhận định vào năm 2005 rồi.
Thế mà, nực cười thay, vẫn còn những nhà độc tài, ngu dốt cố bưng bít tin tức, cố nói láo, cố xào xáo tin tức, bịa đặt tin tức … Và càng ngu xuẩn hơn khi dùng bạo lực , công an trị để khủng bố tin tức, và những bloggers nói chuyện với nhau trên mạng.
Nhưng bề trái toàn cầu hoá cũng là toàn cầu hóa những bênh hoạn, toàn cấu hóa những dịch tả.Vì thế giới nhỏ bé, nên bệnh hoạn, dịch hạch cũng lan tràn rất nhanh. Người đông, thế giới nhỏ bé một bệnh cúm nho nhỏ cũng có thể biến thành dịch lây nhau, vì di chuyển theo làn sóng người du lịch, đi lại với máy bay, có thể khử trùng người, che chở người nhưng làm sáo tránh được vi khuần, trứng muổi, trứng dán, trứng ruồi bám vào hành lý quần áo?...Vì vậy bệnh phát triển, lan tràn, chết vài ngàn người dễ dàng, nhanh chóng, nào là dịch gà, dịch heo, lây sang người… Ngày nay tai nạn xe lửa, rớt máy bay chết cả chục, có khi cả trăm mạng người. Vừa qua trong sáu tháng đầu của năm 2014, chỉ với bốn tai nạn máy báy lớn, chết gần ngàn người, công dân gần một chục quốc gia khác nhau. Trái lại, hồi xưa đi bộ trợt té chết có một mình. Hồi xưa, thất mùa, làm ăn thua lỗ chết đói vài trăm người, nghèo vài chục gia đình, lang thang thất nghiệp vài làng. Bây giờ khủng hoảng kinh tế tài chánh, cả trăm ngàn công nhơn, hai ba quốc gia sập tiệm.
Toàn cầu hóa tạo những «dịch giây chuyền khủng hoảng» rất nhanh. Từ khủng hoảng ngân hàng, tài chánh do nợ khó đòi, do quản trị cơ sở kém, đến quản trị thương mại sai, đến tiêu hao mãi lực, tạo lạm phát phi mã và chẳng chốc suy thoái. Ngày xưa, quen nhau lắm mới vay mượn, nợ nần nhau, dính líu liên hệ nhau nhưng chỉ lay hoay trong làng xã, thôn xóm, phố phường với nhau. Có giựt hụi, úp hụi cũng kẹt nhau vài chục mạng. Ngày nay với hệ thống ngân hàng, nợ khó đòi, khách giựt nợ làm sập tiệm vài ngân hàng và có khi cả một quốc gia Hy lạp, Ái Nhĩ Lan, Tây Ba Nha, Bồ đào Nha, và e rằng nay mai xứ Pháp của chúng tôi.
Toàn cầu hóa, cả thế giới sống liên lập với nhau :
Một cơn động đất nhỏ bờ Đông Thái Bình Dương thể làm một cơn sóng thần to bờ Tây Thái Bình Dương tàn phá hàng trăm hàng ngàn cây số vuông đất đai, nhà cửa, ruộng vườn, giết hại hàng ngàn nhơn mạng. Ngày nay những khủng hoảng kinh tế thường bắt đầu bởi những khủng hoảng ngân hàng nho nhỏ, như khủng hoảng subprimes năm 2008 ở Huê Kỳ làm sập tiệm, phá sản Ngân hàng Lehman Brothers … nhưng chẳng chốc lây sang giá cả thị trường địa ốc. Và thị trường chứng khoán sụt theo, và dĩ nhiên tiền lời các ngân hàng cũng tăng theo, và chỉ số thương mại địa ốc giảm, kéo theo chỉ số mãi lực, số dân thất nghiệp tăng lên, lạm phát bắt đầu và cơn lốc khủng hoảng kinh tế bắt đầu.
Khủng hoảng kinh tế mà chúng ta đang sống đây bắt đầu một cách rất cục bộ, thoạt đầu chỉ ở Mỹ thôi ! Nhưng từ ấy, được toàn cầu hoá, năm nay 2014, là đã 7 năm có thừa… mà thế giới chưa có lối ra. Bắt đầu từ Huê Kỳ ngày 9 tháng 8 năm 2007, thử hỏi ngày 9 tháng 8 năm nay 2014 đã hoàn toàn hồi phục chưa ? Vì ngày nay đã chạy qua Âu châu rồi, thoạt đầu nhập vào Ái nhĩ Lan, rồi Hy Lạp, Ý đại Lợi, Tây Ban Nha… rồi toàn thể các quốc gia Tây Âu, rồi hệ thống đồng Euro… . và tương lai sẽ là các quốc gia đang lên, … Á châu, Nam Mỹ … Với những chỉ số phát triển còn đo bằng hai con số ở các năm qua, các quốc gia đang lên đến ngày hôm qua vẫn tưởng còn được yên ổn, nhưng với hiện tượng toàn cầu hóa khủng hoảng giây chuyền, vài hiện tượng cũng cho thấy đã và sẽ gặp vài khó khăn. Mãi lực các quốc gia Âu Mỹ đang đà đi xuống thì thị trường hàng hóa bán ra ở các quốc gia chuyên nghề gia công cũng phải xuống thôi!
Và cũng từ đây, một quan niệm mới cũng bắt đầu được các nhà nghiên cứu kinh tế nghĩ tới: Bớt trao đổi, bớt xuất nhập cảng. bớt gia công, giảm tiêu thụ.
2/ Trở về với vùng, với khu vực, sống theo mùa, ở theo thời ?:
Thay đổi não trạng và thái độ tiêu thụ:
Giá nhiên liệu đang lên, cộng với hiện tượng nhà kiếng đang hăm dọa tàn phá quả địa cầu buộc người dân địa cầu chúng ta phải có một thái độ tiêu dùng khác. Từ nay sẽ phải tiêu dùng bớt phung phí, phải biết tiết kiệm.
Sạch sẽ, không làm ô nhiễm thiên nhiên, hạp với lẽ Trời Đất, hạp với luật thiên nhiên… tiêu thụ hợp với sanh thái, sống hợp với môi sanh, hòa hợp với môi trường, bền vững, sống với khu vực, với địa phương, với mùa màng… Tỷ dụ ăn uống tiêu dùng những hoa cải mùa màng, hợp với địa lý khu vực. Mùa đông ăn tiêu hàng hóa mùa đông, mùa hè ăn uống hoa trái mùa hè. Ở khu vực nào tiêu dùng theo khu vực ấy. Ở Pháp, không nên ăn cà chua mùa đông, không nên ăn chuối hay cây trái vùng nhiệt đới, tránh bớt uống cà phê, bớt uống trà vì phải nhập cảng, hao ngoại tệ, tốn nhiên liệu, và khí thải CO2… vì phải chuyên chở.
Trở về với thiên nhiên, trở về với khu vực…
Sự phát triển của một quốc gia từ chậm tiến đang tiến lên phát triển như Trung Quốc, đi từ một thế giới cổ lổ xỉ Á châu đến văn minh tân tiến Âu Mỹ quá nhanh là một sự phá hoại môi trường ngoài tưởng tượng… đã làm ô nhiễm một góc trời Đông Nam Á. Không phải là một sự ngẫu nhiên mà lũ lụt, bão tố, hạn hán, mất mùa … càng ngày càng nhiều ở Đông Nam Á, đó cũng do sanh thái quá ô nhiễm, quá thay đổi mà ra cả. Những hiện tượng El Ninõ hay El Ninã ở Thái Bình Dương là do nguồn ô nhiễm vì phát triển nhanh nên thay đổi, tàn phá sanh thái lục địa Trung Hoa quá nhanh! Quả Đất không hấp thụ kịp! Thử hỏi
Cái giá phát triển quá đắt ấy có đáng không?:
Sự thật nền kinh tế nước Tàu có giàu đó, sự thật là Trung quốc nay là cường quốc kinh tế số 2 đó, nhưng người dân Tàu vẫn còn nghèo, nghèo lắm. Phải nói, người Tàu vẫn còn rất nghèo, bằng chứng người dân Trung quốc, công dân một quốc gia giàu có nhứt thế giới (nếu tính vào mức thặng dư mậu dịch), xứ Tàu nay hãnh diện là có nền kinh tế số 1 của thế giới. Thế mà tại sao người dân vẫn tiếp tục bỏ xứ, vượt biên tỵ nạn kinh tế đi nhập cư lậu vào các quốc gia nghèo hơn quốc gia Tàu của mình… như Pháp, Anh, Đức … kể cả Phi châu hay cả Việt Nam ta… thật là mâu thuẫn, hay thật là thê thảm! Đây là một điển hình duy nhứt trên thế giới! Những thành phố lớn như Beijing, Shanghai… ngày nay đã bị hoàn toàn ô nhiểm. Phương thức phát triển đấy, mô hình sản xuất đấy của Tàu, với cái giá rất đắt là làm ô nhiễm cả một vùng trời, có đáng để Việt Nam chúng ta theo không?
3/ Và Việt Nam ?:
Đất nước Việt Nam chúng ta ngày nay vẫn giữ nền kinh tế phát triển nông nghiệp cổ truyền. Mô hình cổ truyền Á đông là nông nghiệp. Câu giáo đầu của các nhà kinh tế địa lý Việt Nam vẫn là «Đất nước ta là một đất nước nông nghiệp, nghề nông là nghề chánh của dân ta: phải xuất cảng gạo, phải xuất cảng cây trái, hoa quả, có kỹ nghệ cũng phải trồng nông nghiệp, cây trái kỹ nghệ như cao su, cà phê, trà, mía (làm đường), lá stévia (đường), bông sợi, bắp, đậu nành (thực phẩm, gia súc… nông nghiệp cũng là chăn nuôi, (bò, gà heo gia súc)… nông nghiệp cũng là ngư nghiệp… Nuôi cá, xuất cảng cá ba sa, nuôi tôm, xuất cảng tôm … Nông nghiệp chiếm 70% tổng sản xuất của Việt Nam, sử dụng trên 80% tổng số lao động Việt Nam ( con số tài liệu không rõ ràng vì do cơ quan công quyền cộng sản Việt Nam cung cấp trên mạng theo dạng tuyên truyền hơn dạng khoa học).
Thế nhưng …
Ngày nay, nếu chúng ta so sánh, tại một quốc gia tiên tiến, chỉ số người làm ruộng dưới hai con số vẫn có thể nuôi hằng chục triệu dân. Nước Pháp, với chỉ số nông dân là 3,5% của tổng số dân sản xuất, chẳng những nuôi 65 triệu dân Pháp mà còn đứng hàng thứ hai về xuất cảng nông sản. Quốc gia đứng đầu thế giới về nông nghiệp là Huê kỳ, chẳng những đứng đầu mà còn là đệ nhứt xuất cảng nông sản phẩm. Sức mạnh của Huê Kỳ đâu chỉ có kỹ nghệ, đâu chỉ có quân sự, sức mạnh của Huê Kỳ là sức mạnh của ngành nông nghiệp. Hằng năm, thị trường Chicago về các nhu yếu phẩm nông nghiệp (commodities) vẫn chờ con số thu hoạch, gặt hái nhu yếu phẩm nông nghiệp của Mỹ để đo lường chỉ số phát triển. Các chỉ số Dow, Wall Street, CAC … của các thị trường chứng khoán trên thế giới thường được dân chơi, giới tư bản, các nhà nghiên cứu kinh tế theo dõi, bàn cãi, tiên liệu chỉ để đo lường sức mạnh kinh tế, sức khỏe nền kinh tế thế giới hằng ngày thôi. Nhưng một số nhỏ dân thiện nghệ thương mại, vẫn theo dõi và đầu tư mua bán trên thị trường nhu yếu phẩm nông nghiệp Chicago, thị trường nhu yếu phẩm nông nghiệp, lúa mì, bắp ngô, đậu nành, bông sợi, đường, dầu ăn, dầu cọ dừa…
Hè năm nay (2014), vì hạn hán nặng từ bốn tháng nay, hai vựa lúa thế giới là vùng đồng bằng lưu vực sông Missouri & Missisipi Huê kỳ và Tây Âu & Ukraine (vì nội loạn) thất mùa. Thiên hạ đang lo lắng lúa mì, ngô bắp, đậu nành sẽ tăng giá… Cơ quan Thực phẩm thế giới đang sợ nạn đói và đang sợ những cuộc di dân tỵ nạn về thiếu ăn sẽ làm xáo trộn. Tình hình kinh tế đang gặp khó khăn sẽ khó khăn hơn. Nhứt là với những cuộc di dân tỵ nạn chiến tranh, Syria, Irak, Palestine, Phi châu…
Số một thế giới về nông nghiệp, nhưng Mỹ có bao nhiêu dân làm nghề nông ? Chưa đầy 2% tổng số dân lao động, đúng hơn là chỉ 1,7%, gồm có 2 triệu 2 cơ sở (fermes – farms) trồng trọt, chăn nuôi, chiếm tổng cộng là 373 triệu mẫu tây – hectare, như vậy trung bình mỗi cơ sở sử dụng 250 ha. (Tài liệu Wikipédia 2012). Nông dân Huê Kỳ sử dụng 5 triệu đầu máy cày, 50% tổng số máy cày thế giới. (Một đầu máy cầy ngày nay có thể kéo toàn bộ hệ thống giây chuyền, từ gặt, lựa hột và rạ, bó rạ, cuốn rạ). Nói tóm lại nghề nông ngày nay không có cảnh «chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa» nữa !
(Xin hẹn tuần sau tiếp).
No comments:
Post a Comment