Tuesday, September 16, 2014

Hội chiến tại Paris chống thánh chiến

Hội chiến tại Paris chống thánh chiến

mediaTổng thống Irak dự hội nghị Paris ngày 15/09/2014.REUTERS/Michel Euler/Pool
    Tuyên chiến với Nhà nước Hồi giáo, Tây phương tổng động viên đương đầu với khủng bố Hồi giáo. Liên minh chống thánh chiến chuẩn bị phản công. Paris tổ chức hội nghị các nước tham gia vào liên minh quốc tế do Hoa Kỳ đề xuất và Pháp đóng vai trò chủ động sau hàng loạt vụ chặt đầu, cưỡng hiếp ở Trung Đông.
    Bên cạnh thời sự nóng liên quan đến chính trị Pháp, đến tình hình căng thẳng tại Ukraina, tất cả báo chí phát hành tại Paris đều tập trung vào hội nghị quốc tế chiều nay do Tổng thống Pháp và Irak đồng chủ tọa với sự tham gia của 5 nước thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An cùng với hàng chục quốc gia Tây phương và Trung Đông.
    Để làm gì ? Nhật báo cánh tả Libération nhấn mạnh đến "quyết tâm" của cộng đồng quốc tế sử dụng quân sự đánh Nhà nước Hồi giáo mà thủ đoạn độc ác mới nhất là chặt đầu một nhà hoạt động thiện nguyện người Anh và tung đoạn phim khủng bố tinh thần lên mạng.
    Quyết tâm này theo nhật báo Le Monde thể hiện qua thái độ công khai của Tổng thống Pháp François Hollande cam kết yểm trợ Bagdad trong cuộc chiến lâu dài này, tham gia vào chiến dịch oanh kích cũng như tiếp tục viện trợ vũ khí cho lực lượng Kurdistan ở mặt trận phía bắc Irak.
    Về phần Mỹ, thông tín viên Gilles Paris từ Washington cho biết Tổng thống Obama có thể đưa Hoa Kỳ vào cuộc chiến mà không cần thông qua lá phiếu tại Quốc hội. Lý do là ông Obama không muốn bị rơi vào tình huống năm 2013, không hội đủ đa số phải muối mặt hủy bỏ kế hoạch oanh kích Syria vào phút cuối cùng.
    Theo Le Monde, Tổng thống Pháp không quên thái độ tiền hậu bất nhất của chính quyền Obama trong hồ sơ Syria cho nên tại Bagdad, François Hollande nhắc lại : « cách nay một năm, tôi đã báo động về tình hình nguy ngập tại Syria nhưng cộng đồng quốc tế đã chọn một con đường khác ». Ông Hollandehàm ý con đường không can thiệp với hệ quả là đối lập võ trang Syria yếu đi, chính quyền Damas tồn tại và thánh chiến cực đoan kiểm soát nhiều vùng rộng lớn ở Syria trước khi đánh chiếm hàng loạt thành phố lớn tại Irak.
    Nhật báo công giáo La Croix nêu lên yếu tố Syria để nhấn mạnh đến nhược điểm của liên minh quốc tế đang hình thành : không một nước nào tham gia liên minh, trừ Hoa Kỳ, cam kết oanh kích Syria. Ngoại trừ nhu cầu cần một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An mà chắc chắn Nga và Trung Quốc sẽ phủ quyết, các quốc gia Tây phương còn đứng trước một vấn nạn : tiêu diệt thánh chiến cuồng tín nhưng để củng cố chế độ độc tài Damas hay sao ?
    Bình luận về " vấn nạn " của Tây phương, nhật báo Le Figaro viết như sau : Những tên sát nhân của Nhà nước Hồi giáo khoan khoái một cách thâm hiểm đặt Tây phương vào thế yếu chính trị. Tây phương chúng ta phản ứng theo những đoạn phim cắt cổ chặt đầu. Barack Obama cũng hành xử theo từng cơn xúc động.
    Libération cũng nhận định tương tự : chống lại kẻ thù hung bạo này, liệu những máy bay không phi công , những phản lực cơ Rafale hay F15 dù tối tân đến đâu có đủ hiệu quả tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo mà vũ khí là kích động người Suni trả thù người Shi-a ?
    François Hollande và Barack Obama có sẵn sàng củng cố quyền lực cho nhà độc tài Damas, Bachar al Assad mà thủ đọan ác độc không thua gì Nhà nước Hồi giáo ? Theo Libération, mục tiêu của cuộc chiến phải được sáng tỏ tại cuộc hội chiến quốc tế tại Paris. Nhật báo cánh tả dành hai trang để cảnh báo qua bài phóng sự từ Raqqa, thành phố Syria rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo từ một năm nay.  Điều tệ hại nhất và " lực lượng chiếm đóng ", cụm từ ám chỉ thánh chiến, đã đưa luật Hồi giáo vào học đường.
    Ukraina : Bruxelles lại nhượng bộ yêu sách của Matxcơva
    Theo Le Monde, để giúp đỡ Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu phải cư xử một cách khéo léo với Nga. Trong tinh thần này, Bruxelles vừa dội một gáo nước lạnh lên đầu Kiev. Hiệp định hội viên liên kết với châu Âu mà Tổng thống Ukraina xem là lịch sử và sẽ được quốc hội Ukraina phê chuẩn vào ngày mai 16/09 chỉ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2016.
    Tại sao Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của Liên Hiệp Châu Âu có thái độ thay đổi như vậy ?
    Theo giải thích của một nhà ngoại giao châu Âu thì một số thành viên lo ngại bị Nga trả đũa cấm vận đưa đến "chiến tranh khí đốt "  và "chiến tranh Ukraina " . Lý do khác là để tránh cho Ukraina cái giá quá cao trong khi đất nước đang khủng hoảng.
    Tuy nhiên, theo chính quyền Kiev, thì đây là một ví dụ cụ thể cho thấy Châu Âu nhượng bộ yêu sách của Nga. Hiện nay, Nga và Ukraina còn bị lệ thuộc nhau qua quan hệ mậu dịch tự do từ thời còn êm ấm. Vladimir Putin e rằng, nếu lãnh vực kinh tế, thương mại trong hiệp ước hội viên liên kết có hiệu lực ngay, thì bao nhiêu hàng hóa của Châu Âu nhập vào Ukraina sẽ tràn ngập thị trường Nga và làm điêu đứng kinh tế Nga.
    Đây là nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos về thái độ « quanh co » của châu Âu . Trong khi Mỹ tăng cường độ " trừng phạt " ngân hàng tiết kiệm Sberbank của Nga, cấm bán trang thiết bị cho các tập đoàn dầu khí quốc doanh thì Châu Âu dời ngày đi vào hiệu lực thỏa thuận hội viên liên kết của Ukraina đến hết năm 2015. Đằng sau thái độ do dự của Châu Âu là một cuộc chiến tranh kinh tế. Ukraina tố cáo Matxcơva muốn tái lập Liên Xô, Nga lên án Tây phương cắt đứt quan hệ Nga-Ukraina. Hậu quả là đồng tiền rúp của Nga trược giá kỷ lục so với đôla Mỹ.
    Để tìm hiểu tại sao Matxcơva sợ Kiev thoát ra khỏi ảnh hưởng Nga, nhà phân tích Pierre Avril trên Le Figaro trích dẫn hai lời tuyên bố của hai nhân vật cao cấp trong chính quyền Nga : Người thứ nhất là tướng Yuri Baluevski, nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội, nay là tác giả soạn thảo học thuyết an ninh quốc phòng mới cho rằng " những hành động tìm cách phá hủy đất nước chúng ta (Nga) từ bên trong và bằng cách gián tiếp nguy hiểm hơn là tấn công trực diện ".
    Viên tướng này cho biết là Nga sẽ tiết lộ vào cuối năm nay học thuyết quốc phòng mới chống NATO. Tuy nhiên, trợ lý thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Mikhail Popov vừa tuyên bố e ngại " một Mùa xuân Ả Rập "  thổi qua nước Nga. Cụ thể là Nga sợ phong trào phản kháng ở quảng trường Maidan sẽ " xuất khẩu " sang Nga nhất là hai nền văn hóa Nga và Ukraina đan trộn vào nhau.
    Sự lo ngại này là nguyên nhân thúc đẩy Nga tấn công Ukraina bằng mọi hình thức từ một năm nay, Nhà phân tích Maria Snegovaia, thuộc đại học Columbia Hoa Kỳ, nói thẳng : nổi sợ của Nga là Ukraina gia nhập thành công vào Liên Hiệp Châu Âu sẽ xây dựng một chế độ dân chủ sát nách nước Nga .
    Nicolas Sarkozy « tái xuất » chính trường
    Vào lúc Pháp ráo riết chuẩn bị lực lượng tham chiến tại Irak thì trên chính trường Pháp tình hình cũng rất nóng mà theo Le Figaro là " tuần lễ của sự thật ". Không phải một mà là nhiều" sự thật " : Thủ tướng Valls có qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội hay không trong bối cảnh hơn 40 dân biểu đảng Xã Hội phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng. Tổng thống François Hollande sẽ trả lời ra sao trong cuộc họp báo định kỳ hai lần mỗi năm trong khi kinh tế bế tắc, điểm uy tín xuống thật thấp. Hành pháp đang trong thế rối ren thì cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy chuẩn bị tuyên bố trở lại chính trường qua cuộc phỏng vấn được dự kiến vào cuối tuần.
    Theo nhận định của Le Figaro thì tTng thống và Thủ tướng Pháp đang nằm trên " lò nướng " còn Le Monde nhấn mạnh đến chiến thuật tái xuất giang hồ của cựu Tổng thống Sarkozy : tranh ghế chủ tịch đảng cánh hữu UMP, đổi tên, xoa dịu căng thẳng giữa các phe nhóm, tập họp thành một tổ chức mới vượt lên trên xung khắc tả hữu để chuẩn bị cho bước kế tiếp là giành lại điện Elysée năm 2017.
    Rượu và cà phê
    Reo vui một cách gián tiếp, nhật báo Les Echos cho biết sau 4 năm bị Ý đoạt ngôi, nước Pháp giành lại vương miện sản xuất và xuất khẩu rượu nho đứng đầu thế giới.
    Thời tiết xấu và mùa màn thất bát là nguyên do chính. Trung bình mỗi năm Ý sản xuất gần 50 triệu hecto lít nhưng năm nay bị mất từ 5% đến 15% tùy theo vùng.
    Dù ở thứ hạng nào về khối lượng rượu, Pháp vẫn luôn đứng đầu về xuất khẩu với 7,9 tỷ euro trong năm 2012. Giá rượu của Pháp phải nói là cao gấp đôi rượu Ý.
    Còn đối với các thính giả ghiền cà phê mỗi ngày uống từ 4 đến 5 cữ thì nên vui.Theo kết quả nghiên cứu của viện khoa học Pháp Inserm được Le Figaro trích dẫn " với liều lượng vừa phải, tức là tối đa 5 tách cà phê mỗi ngày, người uống tận hưởng được những tác dụng ích lợi của cà phê " cụ thể là tỉnh táo để làm việc trong ngày. Phụ nữ có thai thì liều lượng nên giảm xuống từ hai đến ba tách.Vị nào làm đến « 8 cử » thì coi chừng nhịp tim rối loạn.
    Vấn đề là không phải chỉ có cà phê mới có caféine. Theo một bản nghiên cứu của Mỹ, ít nhất 570 thức uống và 150 thức ăn có chứa caféine. Cho nên, uống ít cà phê nhưng lại nốc coca và nhai kẹo cao su loại " tăng cường năng lực " thì hệ quả xấu cũng như nhau nếu vượt qua giới hạn 800 mg mỗi ngày.

    No comments:

    Post a Comment