Saturday, September 13, 2014

Phát triển kinh tế tư nhân: khẩu hiệu suông

Phát triển kinh tế tư nhân: khẩu hiệu suông

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-09-13
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg10094608.jpg
Một cửa hàng bán sỉ bia và nước giải khát tại Hà Nội hôm 8/9/2014.
 AFP PHOTO/HOANG DINH Nam

Những đứa con bị hắt hủi?

Nhà nước Việt Nam vẫn chưa nhận thức đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, do vậy mọi nguồn lực vẫn ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân được ví von là phải chịu số phận của những đứa con bị hắt hủi.
Những số liệu về tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam khá mù mờ. Theo Bộ Kế hoạch đầu tư tính đến cuối năm 2013, khoảng 650.000 doanh nghiệp có đăng ký thành lập trên cả nước. Tuy vậy có thể chỉ còn khoảng 360.000 doanh nghiệp hoặc ít hơn đang thực sự còn hoạt động.  Theo Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Thị Thu Hằng phát biểu tại cuộc Hội thảo ngày 9/9/2014 tại Hà Nội, doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam tính đến năm 2012. Nhưng toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân chỉ chiếm 42% tổng nguồn vốn. Tuy bà Hằng không nói ra, nhưng có thể hiểu rằng doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 2%-3% tổng lượng doanh nghiệp nhưng lại sử dụng phần vốn lớn hơn của nền kinh tế. Thật không ngạc nhiên khi tường thuật cuộc Hội thảo, SaigonTimes Online đã ví von “Khu vực kinh tế tư nhân vẫn chỉ là đứa con bị hắt hủi, cho dù Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ.”
Sự phân bổ nguồn lực của Việt Nam rất kém hiệu quả và không hợp lý. Khối kinh tế Nhà nước thì thu hút tới 65% tổng tín dụng, nhưng chỉ sản xuất ra được 28% tổng sản phẩm xã hội.
-TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội từng có nhận định:
“Một trong những chức năng cơ bản của Nhà nước là phân bố nguồn lực một cách hợp lý, để bảo đảm sự phát triển xã hội và tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng nhìn lại thì thấy sự phân bổ nguồn lực của Việt Nam rất kém hiệu quả và không hợp lý. Khối kinh tế Nhà nước thì thu hút tới 65% tổng tín dụng, nhưng chỉ sản xuất ra được 28% tổng sản phẩm xã hội.”
Trong tư liệu của chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, số liệu của Tổng Cục Thống Kê ghi nhận khối kinh tế nhà nước đóng góp tới 34% tổng sản phẩm xã hội là đã gộp luôn cả đóng góp của quốc phòng, của bộ máy hành chính, của thể dục thể thao…
Được biết các số liệu thống kê của cơ quan nhà nước Việt Nam công bố thường có sai biệt lớn với các nguồn độc lập.
Về vấn đề doanh nghiệp tư nhân gặp quá nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phải đóng của hàng loạt trong khi nhà nước vẫn chú trọng ưu tiên khu vực doanh nghiệp nhà nước, hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành từ Hà Nội nhận định:
“Hiện trạng bây giờ những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ không có hiệu quả kinh tế. Chỉ số ICOR tỷ lệ đầu tư đưa ra sản xuất rất là tệ, nhưng mà chúng ta vẫn nói đó là chủ đạo thì làm sao được. Vì vậy tư duy của lãnh đạo nhà nước là phải xem lại quan niệm của mình, trách nhiệm của mình đối với nền kinh tế là gì. Trong khi đó phần dân doanh tuy gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng lại thể hiện hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội. Bằng chứng là doanh nghiệp dân doanh đã tạo ra bao nhiêu công việc làm mà nhà nước không làm được…”
000_Hkg9758500-400.jpg
Một chi nhánh Ngân hàng Quân đội (MB Bank) ở Hà Nội hôm 25/4/2014. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Ông Bùi Kiến Thành cho rằng khu vực kinh tế tư nhân tự bơi một mình, sự tiếp cận tín dụng ngân hàng là cực kỳ khó khăn. Ông nói:
“Chúng tôi cho là không có chính sách ủng hộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dân doanh phát triển. Thậm chí có những chuyện hết sức đơn giản, chính sách tiền tệ để tạo nguồn tín dụng cần thiết cho cả nền kinh tế hoạt động chúng ta cũng chưa nắm được…chưa nắm được thể chế cơ bản của chính sách tiền tệ là cái gì… Ngân hàng Nhà nước hiện đương làm gì, có phải là một Ngân hàng Trung ương hay không… Nhà nước có phận sự cung cấp tín dụng đầy đủ cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững, dân doanh cũng như quốc doanh không thể nào mà để cho ruộng khô lúa cháy được, cũng không thể nào khi ruộng đang khô như thế mà anh tưới nước nóng vào cho nó chết thêm với lại những loại lãi suất trời ơi đất hỡi… ”

Đối xử không bình đẳng

Trở lại cuộc hội thảo do Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức tại Hà Nội ngày 9/9/2014, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Thị Thu Hằng được SaigonTimes Online trích lời đã nhìn nhận: “Doanh nghiệp vừa và nhỏ dân doanh chưa thực sự được đối xử bình đẳng với khối doanh nghiệp nhà nước và đầu tư nước ngoài… nhiều doanh nghiệp tư nhân không có cơ hội phát triển khi gần đây đã xuất hiện chủ nghĩa thân hữu. Hơn nữa thủ tục hành chính phiền hà vẫn cản trở đối với khu vực kinh tế này…”
 Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam không giải thích cũng không đưa ra các ví dụ về chủ nghĩa thân hữu cản trở sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Chủ nghĩa thân hữu là bạn bè thân quen thì anh được sự ưu đãi, anh không bạn bè thì tôi quên anh đi. Bạn bè là cái gì, bạn bè là anh có phong bao phong bì cho tôi hay không.
-Bùi Kiến Thành
Có thể hiểu sự tác động của chủ nghĩa thân hữu như thế nào? Chuyên gia Bùi Kiến Thành phân tích:
“Chủ nghĩa thân hữu là bạn bè thân quen thì anh được sự ưu đãi, anh không bạn bè thì tôi quên anh đi. Bạn bè là cái gì, bạn bè là anh có phong bao phong bì cho tôi hay không, chứ không phải bạn bè ngồi đó nói chuyện chơi với nhau được. Nói chung dùng cái từ ngữ để nói chế độ này nó đương ở trong tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Từ thành thị tới thôn quê từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất của vấn đề quản lý nhà nước. Việc này Nghị quyết Trung ương 4 đã nói rõ từ hai năm nay rồi, vấn đề này nó ảnh hưởng sự sống còn tồn vong của Đảng và của chế độ này. Nghị quyết Trung ương của Bộ Chính trị nói rõ như thế mà chúng ta không làm gì cả, đấy là trách nhiệm của người quản lý nhà nước và quản lý chính trị của đất nước Việt Nam này.”
Theo Ngân hàng Thế giới, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam chưa được phát triển theo mức cần phải có và hoạt động với nhiều rào cản. Dù vậy hiện nay doanh nghiệp tư nhân sử dụng vốn có hiệu quả hơn hẳn doanh nghiệp nhà nước. Thí dụ mỗi một đơn vị vốn bổ sung thì khu vực doanh nghiệp tư nhân tạo ra doanh thu bổ sung nhiều gấp ba lần so với doanh nghiệp nhà nước.
Ngân hàng Thế giới từng kêu gọi Việt Nam xóa bỏ độc quyền tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. Nếu được như vậy thì khu vực tư nhân sẽ phát triển mạnh và tạo ra nhiều công việc làm hơn nữa góp phần phát triển đất nước.
Dù Hiến pháp 2013 của Việt Nam tiếp tục nhìn nhận sự chủ đạo của kinh tế nhà nước. Nhưng việc Việt Nam hội nhập sâu với thế giới, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, lại chính là động lực buộc nhà nước cải cách sâu rộng hơn về pháp luật kinh doanh và đầu tư và chịu nhiều áp lực hơn về xóa bỏ độc quyền, đặc quyền, đặc lợi của tổng công ty doanh nghiệp nhà nước.

No comments:

Post a Comment