Sắp Có Bước Ngoặt Trong Quan-Hệ Mỹ-Việt?
GS. Nguyễn Ngọc Bích
August 28, 20140 Bình Luận
August 28, 20140 Bình Luận
Những tin tức dồn dập về các trao đổi Mỹ-Việt trong những ngày gần đây đang làm cho không ít người nức lòng, nhất là ở trong nước, vì một lý-do dễ hiểu: Càng chán, càng thất vọng về chính-sách “16 chữ vàng” và “4 chữ tốt” trong quan-hệ Việt-Trung thì người ta càng đi tìm sự đối-trọng trong quan-hệ Việt-Mỹ.
Việc Trung-Cộng đưa giàn khoan 981 vào vùng biển VN hồi đầu tháng 5 lại càng làm bùng nổ sự phẫn nộ của người dân ở trong nước (dẫn đến những hành-động bạo-lực của quần-chúng ở Bình-dương và Vũng Áng, Hà-tĩnh) giờ đây đã làm cho các quan-chức Cộng-sản ở quê nhà phải câm miệng hến, không anh nào còn dám nhắc đến công-thức “16 chữ vàng, 4 tốt” nữa–bắt đầu ngay từ Tổng-bí-thư Nguyễn Phú Trọng mà trước kia được coi là một người thuộc hạng thần-phục Trung-Cộng vào bậc nhất. Tóm lại, xem ra Trọng “Lú” từ giàn khoan 981 của Tàu khựa cũng đã bớt “lú” đi một phần.
Chuyến viếng thăm của Ủy-viên Bộ Chính-trị Phạm Quang Nghị
Một thăm dò dư-luận VN của BBC cho thấy 87% người được hỏi tin ai hơn, tin cường-quốc nào hơn thì đều nói là tin Mỹ hơn và chỉ có 1% dành cảm-tình cho Bắc-kinh. Có lẽ cũng vì biết đọc những con số này mà Hà-nội đã cử Phạm Quang Nghị, một ủy-viên Bộ Chính-trị, sang Mỹ thay vì Bộ-trưởng Ngoại-giao Phạm Bình Minh, người được trực-tiếp và đích-danh mời sang Mỹ bởi Ngoại-trưởng John Kerry của Hoa-kỳ. Mặc dù ông Nghị không phải là người có kinh-nghiệm ngoại-giao (vì thế nên mới hố nặng khi gặp Thượng-nghị-sĩ John McCain của Đảng Cộng-hòa mà lại tặng 2 tấm hình vừa thiếu tế-nhị vừa sai–viết tên ông McCain sai cũng như ghi binh-chủng ông sai) song vai vế của ông thì hơn hẳn ông bộ-trưởng Phạm Bình Minh trong cái tôn ty trật-tự của Đảng CSVN.
Vì cuộc thăm viếng của ông Nghị không đúng “lễ-nghi quân-cách,” nghĩa là hoàn-toàn không phù-hợp với những tập-tục ngoại-giao thông-thường nhất nên ông Kerry cũng từ chối không cho gặp và, trái lại, chỉ cử một người thứ-trưởng khá thấp đến gặp ông. Tuy ông lưu lại nhiều ngày ở Mỹ (từ 23 đến 28/7) song người cao nhất ông gặp lại chỉ là một thượng-nghị-sĩ, ông John McCain thuộc Đảng Cộng-hòa, một đại diện Lập pháp thay vì một người có thực-quyền bên Hành pháp. Tóm lại, hình ảnh của chuyến viếng thăm DC của ông Nghị là một thảm-cảnh, không phải là một chuyến đi vinh-quang gì cho lắm–bởi trong thực-tế ông cũng chỉ là bí-thư Thành-ủy Hà-nội, tương-đương với ông thị-trưởng Hoa-thịnh-đốn (chứ không thể bằng một ông bộ-trưởng kiêm Phó-thủ-tướng) và cũng bởi vì trong ngoại-giao Mỹ không có cái gì tương-đương với quan-niệm liên-hệ “đảng với đảng” như trong quan-niệm ngoại-giao của một nước CS (theo đó thì có quan-hệ ngoại-giao giữa hai chính-quyền [government-to-government], giữa hai nhân-dân [people-to-people] và giữa hai đảng với nhau [party-to-party diplomacy]).
Song thông-điệp mà ông Nghị đem sang, hiển-nhiên không phải là ý-kiến cá-nhân của ông mà chắc chắn phải là một sự đồng-thuận nào đó của Bộ Chính-trị Đảng CSVN, xem ra hình như cũng có khá nhiều trọng-lượng nên gần như liền lập-tức ta đã có những đáp-ứng khá thuận lợi từ phía Mỹ.
Liên-tiếp ba thượng-nghị-sĩ
Khoảng một tuần sau khi ông Nghị về nước, ngày 5 tháng 8, ông Bob Corker, Thượng-nghị-sĩ thuộc Đảng Cộng-hòa ở Tennessee, đồng-chủ-tịch Ủy-ban Ngoại-giao Thượng-viện, đã có mặt ở Hà-nội để đưa ra những tín-hiệu lạc-quan về bang-giao Mỹ-Việt. Ông cho biết Mỹ đang tìm cách tăng tốc việc hoàn-tất Hiệp-định Đối-tác Xuyên Thái-bình-dương (TPP, tắt cho Trans-Pacific Partnership), để giúp VN có một thị-trường lớn và ổn-định cũng như hạ được các hàng rào quan-thuế (để cho hàng VN có tính cạnh tranh mạnh hơn). Ông cũng cho biết Thượng-viện Mỹ đang nghiên cứu việc có thể bãi bỏ cấm vận chuyện bán vũ-khí sát thương cho VN–chuyện Hà-nội đang rất cần để cải thiện khả-năng chống đỡ Trung-Cộng trong trường-hợp có đối đầu quân-sự.
Xong đến lượt hai ông thượng-nghị-sĩ, John McCain thuộc Đảng CH ở Arizona và Sheldon Whitehouse thuộc Đảng Dân-chủ TB Rhode Island, cũng sang ngay tiếp theo cuộc viếng thăm của ông Bob Corker. Ngày 8/8, TNS John McCain có một bài diễn-thuyết vô cùng hệ-trọng ở Hà-nội theo đó:
1. Mỹ “sẵn sàng để ký kết” việc cho VN gia-nhập TPP.
2. Mỹ “sẵn sàng để hợp-tác quân-sự” với VN và cho tàu Mỹ ghé thăm các hải-cảng VN dù như Mỹ không tìm cách đặt căn-cứ quân-sự ở VN.
3. Mỹ cũng “sẵn sàng tăng cường viện-trợ trong lãnh-vực an-ninh… nhất là trên mặt biển.”
4. “Tôi cho rằng giờ đã tới lúc nới lỏng việc cấm vận về vũ-khí sát thương cho VN.”
5. Nhưng làm những chuyện đó tới đâu và đi bao xa còn tùy thuộc vào VN có cải thiện về mặt nhân-quyền hay không.
Lời phát biểu của ông McCain được đặt trong một khung-cảnh rất thân thiện đối với VN và nhất là người cầm đầu chính-phủ VNCS, ông Nguyễn Tấn Dũng, người đã đưa ra những hứa hẹn dân-chủ-hóa từ đầu năm 2014.
Chuyến viếng thăm của Tướng Martin Dempsey
Gần như liền ngay sau đó, Tướng Martin Dempsey, Tổng-tham-mưu-trưởng Liên-quân Hoa-kỳ, vị sĩ-quan cao-cấp nhất trong Quân-lực Hoa-kỳ, cũng đã tới VN. Một vị TTM trưởng Liên-quân Hoa-kỳ chỉ tới VN (miền Nam) cách đây hơn 40 năm, từ năm 1971, đủ tỏ tầm quan-trọng của chuyến viếng thăm này của Tướng Dempsey. Không những thế, ông còn lưu lại VN tới 4 ngày, từ thứ Năm 14/8 đến Chủ-nhật 17/8, có nhiều buổi gặp gỡ và làm việc với nhiều cơ-quan trong Quân-đội Nhân-dân VN ngoài việc viếng thăm Tướng Đỗ Bá Tỵ, tham-mưu-trưởng QĐND, và Thượng-tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ-trưởng Quốc-phòng chuyên lo về các vấn-đề đối-ngoại của quân-đội. Ông cũng có một buổi gặp gỡ với Thủ-tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong thời-gian ông ở VN, ông Dempsey cũng đã đi thăm Đà-nẵng và đã hứa: (1) giúp giải-quyết hậu-quả của Độc-tố màu da cam (Agent Orange) bị trải ra trong chiến-tranh VN; (2) giúp huấn luyện các sĩ-quan VN về tiếng Anh và quân-sự; (3) sẽ có những cuộc thao diễn chung trên biển giữa hải-quân của hai nước trong những mục-đích hòa-bình như cứu người trên biển hay gặp trường-hợp thiên-tai; (4) giúp VN một số tàu tuần duyên để VN có thể bảo vệ hữu hiệu hơn vùng biển của mình. Cuối cùng, ông cũng nghĩ là chuyện gỡ bỏ cấm vận về vũ-khí sát thương cho VN có thể sẽ được thực-hiện bắt đầu ngay từ tháng tới, tức tháng 9/2014.
Tóm lại, tất cả những dấu hiệu trên cho phép ta tin tưởng là quan-hệ Mỹ-VNCS có vẻ đang chuyển sang một bước ngoặt chiến-lược mà những vụ đàn áp về nhân-quyền thô bạo của Hà-nội trong những ngày gần đây (tỷ như phiên tòa xét xử bà Bùi Thị Minh Hằng và ông Nguyễn Văn Minh cũng như cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh ở Đồng Tháp hôm 26/8 là một điển-hình) cũng không ngăn cản được.
Trong một nghĩa nào đó, ta có thể bi-quan mà cho rằng Mỹ đang lún dần vào một trò chơi nguy-hiểm, nâng đỡ một chế-độ độc-tài thuộc vào hạng tệ-hại nhất trong vùng, còn tệ hơn cả Miến-điện, và phản lại những quyền lợi lâu dài của 90 triệu dân VN–mà hầu như tất cả, nhất là tuổi trẻ, đang có những khát-vọng tự do và dân-chủ không thể dập tắt được.
Nhưng ta cũng có thể lạc-quan phần nào khi nghĩ là trò chơi của Mỹ trong lúc này ở VN là đang giúp VN đi ra khỏi quỹ-đạo của Bắc-kinh, nghĩa là đang giúp VN “thoát Trung” trước khi ta có thể hoàn-toàn đòi “thoát Cộng.”
Việc ta cần để ý quan-sát trong lúc này là:
Một, xem kỳ ân-xá nhân ngày Lễ Độc-lập của Hà-nội, mồng 2 tháng 9 tới đây, liệu có bao nhiêu người tù-nhân lương-tâm được thả hay giảm án. Những người đó là ai, và con số sẽ là bao nhiêu? Chỉ có thế ta mới có thể có bằng-chứng rõ ràng về thật-tâm của Hà-nội sau lá thư của 61 vị lão-thành cách mạng mà đứng đầu sổ là Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu-đại-sứ của VNCS ở Bắc-kinh từ 1974 đến 1988. Liệu họ có đáp-ứng được nhận-định của Cù Huy Hà Vũ cho rằng “đi với Mỹ lúc này là mệnh-lệnh của lịch-sử,” một cái nhìn có viễn-kiến mà anh đưa ra từ năm 2010?
Hai, xem Hà-nội thật lòng tới đâu để đáp-ứng những đòi hỏi về nhân-quyền và các quyền tự do căn-bản của người dân ngõ hầu được sự tiếp tay, giúp đỡ của siêu-cường số 1 trên thế-giới để có thể đương đầu được với Trung-Cộng?
Ba, xem sức ép của các lực-lượng dân-chủ và xã-hội dân-sự ở trong nước có thể kết hợp thành đủ mạnh để buộc chế-độ hiện-hành ở quê nhà phải cởi mở và đi vào con đường dân-chủ thực-sự hay không?
Tóm lại, chúng ta đang sống những giờ rất trọng đại trong lịch-sử của dân-tộc. Liệu chúng ta, toàn-dân trong và ngoài nước, có đủ can trường và đoàn-kết để có thể làm nên lịch-sử trong giai-đoạn này không?
GS. Nguyễn Ngọc Bích
Đồng Xuân, Bang Trinh Nữ, Hoa-kỳ-quốc
Đêm 26 tháng 8, 2014
Đêm 26 tháng 8, 2014
No comments:
Post a Comment