Wednesday, November 12, 2014

Biển Đông và chống khủng bố, trọng tâm của thượng đỉnh ASEAN

Biển Đông và chống khủng bố, trọng tâm của thượng đỉnh ASEAN

mediaReuters
    Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 25 tại Naw Pyi Daw, Miến Điện sẽ diễn ra trong hai ngày 12 và 13/11/2014  với hai chủ đề chính : tranh chấp chủ quyển ở Biển Đông và chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo. Từ Nay Pyi Daw, đặc phái viên Thanh Phương gởi về bài tường trình.
    Vì thượng đỉnh Đông Á, diễn ra ngay sau thượng đỉnh ASEAN, sẽ có mặt tổng thống Mỹ Barack Obama, nên an ninh tại thủ đô Nay Pyi Daw của Miến Điện càng được tăng cường tối đa. Ngay khi đặt chân đến sân bay Nay Pyi Daw, hành khách ( mà đa số là phóng viên và đại biểu dự hội nghị ) đã bị kiểm tra hộ chiếu rất kỹ. Trên đường từ sân bay về khu vực khách sạn (nằm ngoài thành phố ), cứ mỗi 1 km là có một xe cảnh sát đậu bên đường, mặc dù đường vắng hoe, ngoài xe taxi của tôi thỉnh thoảng với có một chiếc xe gắn máy hoặc xe hơi. Điều bất ngờ là mỗi lần xe chạy ngang qua xe cảnh sát nào là có một cảnh sát đứng nghiêm chào. Chắc có lẽ chính quyền Nay Pyi Daw vừa muốn chứng tỏ sự trọng thị đối với những người đến dự thượng đỉnh, vừa muốn phô trương khả năng bảo đảm an ninh của cảnh sát nước này. 
    Ngay từ ngày 06/11/2014, tức là từ mấy ngày trước thượng đỉnh ASEAN, cảnh sát Miến Điện đã nâng cấp độ an ninh từ màu cam lên màu đỏ. Cụ thể, họ gia tăng tuần tra, khám xét xe cộ và khách đi đường. Mọi người đều được khuyên là trong thời gian này, đi đâu cũng phải mang theo trong người thẻ căn cước hoặc hộ chiếu, vì cảnh sát có thể xét giấy tờ tùy thân bất cứ lúc nào. Nhiều cảnh sát mặc thường phục cũng trà trộn vào đám đông để phát hiện mọi cử chỉ khả nghi. 
    Cảnh sát Miến Điện huy động đến 20% lực lượng ( tức 20 ngàn cảnh sát ) đến thủ đô Nay Pyi Daw. Thậm chí các nhân viên cảnh sát quốc tế Interpol cũng được triển khai ở các cửa khẩu chính (sân bay, hải cảng…), các ngõ vào thành phố. Cảnh sát Miến Điện cũng hợp tác chặt chẽ với Interpol để bảo vệ các lãnh đạo đến dự thượng đỉnh ASEAN. Chính quyền Miến Điện đã quy định Trung tâm hội nghị quốc tế và các nhà khách của Nhà nước, là khu vực hạn chế đi lại. Xe vào khu vực này đều được rà mìn rất kỹ.
    Các biện pháp tăng cường an ninh nói trên cũng dể hiểu trong bối cảnh nguy cơ khủng bố Hồi giáo đe doạ thượng đỉnh ASEAN. Nên biết rằng tại Đông Nam Á hiện nay có rất nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan, hoặc là đã từng sang các nước Syria và Irak để chiến đấu cùng với lực lượng Nhà nước Hồi giáo, nay trở về, hoặc ủng hộ lực lượng thánh chiến này. 
    Cách đây vài ngày, cảnh sát Miến Điện thông báo có bốn người bị xem là “kẻ khủng bố” đã thâm nhập vào Miến Điện, từ bang Rakhine ở miền Tây, nơi tập trung cộng đồng người Hồi giáo Rohingya. Bốn người này được mô tả là thành viên của “ Tổ chức Hồi giáo Rohingya “, và bị nghi là dự định tiến hành khủng bố tại Nay Pyi Daw và Rangun. Nhưng có vẻ như mối nguy cơ khủng bố này bị thổi phồng.
    Các chủ đề chính sẽ được thảo luận tại thượng đỉnh ASEAN lần này ?
    Hợp tác quốc tế chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo sẽ là một trong những hồ sơ chính được bàn thảo trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này, nhất là sau khi Singapore vừa quyết định tham gia liên quân quốc tế chống lực lượng thánh chiến EI. Tổng thống Obama dĩ nhiên sẽ nhân cơ hội thuợng đỉnh Đông Á để huy động sự tham gia của các nước châu Á diệt trừ hiểm hoạ Nhà nước Hồi giáo. 
    Nhưng bao trùm hơn cả lên hội nghị thượng đỉnh Nay Pyi Daw vẫn là vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhất sau khi Trung Quốc vào tháng 5/2014 đặt giàn khoan tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh với Hà Nội. Các lãnh đạo của Việt Nam và Philippines chắc chắn là sẽ đặc biệt nêu lên vấn đề này trong cuộc họp thượng đỉnh. 
    Nhưng Biển Đông không chỉ là chuyện giữa Trung Quốc với khối Đông Nam Á, mà còn liên quan đến Hoa Kỳ, trong bối cảnh Washington tăng cường trở lại sự hiện ở châu Á, thể hiện qua chính sách “xoay trục” sang khu vực này. Tuy vẫn không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ sẽ không để cho Trung Quốc áp đặt luật chơi ở khu vực này.
    Cách đây vài ngày, nội dung bản dự thảo tuyên bố của chủ tịch ASEAN trong cuộc họp thượng Nay Pyi Daw đã bị lộ ra bên ngoài. Bản dự thảo này ghi nhận đã có một số tiến bộ trong cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, có tính chất ràng buộc, thay thế cho Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông DOC. Nhưng không ai nghĩ là thượng đỉnh Nay Pyi Daw sẽ đạt được thoả thuận, vì Trung Quốc, vốn chủ trương giải quyết vấn đề trên cơ sở song phương, vẫn cứ tìm cách trì hoãn tiến trình thương thuyết với các nước Đông Nam Á.
    Bên cạnh hai hồ sơ bao trùm nói trên, các lãnh đạo Đông Nam Á còn phải xem xét hồ sơ hội nhập kinh tế khu vực, bởi vì theo dự kiến, đến cuối năm 2015, Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành. Thượng đỉnh Nay Pyi Daw phải giải quyết những vấn đề còn tồn tại, có thể cản trở sự ra đời của một khối theo mô hình Liên Hiệp Châu Âu. Chủ đề của thượng đỉnh Nay Pyi Daw là '' Đoàn kết tiến đến một cộng đồng thịnh vượng và hòa bình''. Nhưng cho tới nay, khối AESAN ít khi nào đoàn kết một lòng.
    Ngoài cuộc họp thượng đỉnh ASEAN 12/11 và thượng đỉnh Đông Á 13/11, tại Nay Pyi Daw còn diễn ra nhiều thượng đỉnh giữa ASEAN với các đối tác như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ... Lãnh đạo các nước tham gia thượng đỉnh sẽ có những cuộc gặp song phương bên lề. Đáng chú ý nhất có lẽ là cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Mỹ Barack Obama với tổng thống Miến Điện Thein Sein. Ông Obama cũng dự trù sẽ gặp lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi vào ngày 14/11. Các cuộc gặp này diễn ra đúng vào lúc Quốc hội Miến Điện xem xét việc tu chính Hiến pháp, có thể mở đường cho bà Aung San Suu Kyi tranh cử tổng thống và trong trường hợp này bà có nhiều khả năng thắng cử.
    Đây là lần thứ hai Miến Điện đón tiếp thượng đỉnh ASEAN, sau cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN vào tháng 5/2014, lần này họ tổ chức như thế nào?
    Có thể nói là chưa bao giờ chúng tôi làm việc khó khăn như ở Nay Pyi Daw. Thứ nhất là việc đi lại rất nhiêu khê. Nay Pyi Daw ( có nghĩa là Hoàng Thành ) là một thành phố mà tập đoàn quân sự Miến Điện trước đây xây dựng lên vào năm 2006 tại một vùng đồng không mông quạnh chỉ để làm thủ đô hành chính, tức là thành phố này chỉ toàn là các trụ sở chính phủ và các khách sạn, chẳng có một khu dân cư nào. Từ khách sạn đến khu hội nghị không xa, nhưng cũng phải đi xe, vì không được phép đi bộ vào. Vấn đề là ở Nay Pyi Daw không có taxi, nên mỗi lần đến hoặc rời hội nghị phải chờ các chuyến xe bus dành riêng cho phóng viên hoặc đi nhờ xe của một đoàn nào đó.
    Thứ hai là thông tin cho phóng viên ngoại quốc cũng không rõ ràng, nên chúng tôi phải chờ nhiều tiếng đồng hồ, hỏi hết người này đến người kia, mới lần ra nơi mà người ta phát thẻ cho phóng viên vào theo dõi hội nghị. Coi như mất cả buổi sáng. Về điều kiện làm việc thì nhiều phóng viên như chúng tôi chỉ được phát thẻ báo chí cấp 2, không được vào trung tâm hội nghị, tức là rất bị hạn chế trong việc tiếp xúc với các đoàn đại biểu các nước, ngoài những lúc có họp báo. Mà ngay cả họp báo không phải lúc nào cũng vào được. So với những cuộc họp thượng đỉnh khác của ASEAN thì lần này khó khăn hơn nhiều.
    Nói chung, vì muốn bảo đảm tối đa an ninh, cho nên thượng đỉnh Nay Pyi Daw trở thành như một cuộc họp kín trong nội bộ, vì chỉ có những phóng viên chính thức đi theo các đoàn quốc gia mới được theo dõi đầy đủ các cuộc họp.
    Thanh Phương- Nay Pyi Daw- Miến Điện11/11/2014Nghe

    No comments:

    Post a Comment