Ký ức 25 năm cuộc cách mạng nhung: Bức tường Berlin sụp đổ
Bức tường Berlin được chính quyền Cộng hòa dân chủ Đức dựng lên vào năm 1961 chia đôi thủ đô nước Đức nhằm ngăn cản những người dân nước này thoát sang phía Tây. Nó còn được người dân Đức gọi là bức tường ô nhục, và nó là biểu tượng cho sự phân cách ý thức hệ trong thời gian chiến tranh lạnh. Ngày 9/11/1989, sau 28 năm tồn tại bức tường bị dỡ bỏ.
“Có thể là giống như người vỡ tung vậy. Cho đến bây giờ mình vẫn nhớ cảm giác đó, nó vừa giống như một ngày hội mà lại không phải là một ngày hội. Cảm giác về nước Đức thống nhất nó tác động đến những người hợp tác lao động như mình. Ngoài cái nỗi mình cảm thấy giống như đất nước mình được thống nhất vậy. Ở trong nhà máy bọn mình cũng la hét, cũng hò reo, rồi những lời chúc mừng, chúc mừng các đồng nghiệp.”
Nhìn nước Đức bị chia đôi trước khi bức tường Berlin đổ, mình là người Việt Nam thì cũng nhớ về Việt Nam trước năm 1975, lòng cũng nao nao nhớ về biên giới miền Bắc và miền Nam.
- Kỹ sư Lâm Đăng Châu
Đó là lời chị An nói về cảm xúc của chị trong đêm 9/11/1989 khi chị và các đồng nghiệp người Đức nghe tin bức tường Berlin ngăn đôi nước Đức bị kéo đổ. Chị An là một trong hàng chục ngàn công nhân Việt Nam đến Đông Đức làm việc theo một chương trình gọi là hợp tác lao động giữa Việt Nam và các quốc gia cộng sản Đông Âu lúc đó.
Ông Lâm Đăng Châu, vào năm 1989 là một kỹ sư tại thành phố Hannover của Tây Đức, nhớ lại cảm xúc của ông khi nghe bức tường Berlin sụp đổ:
“Nhìn nước Đức bị chia đôi trước khi bức tường Berlin đổ, mình là người Việt Nam thì cũng nhớ về Việt Nam trước năm 1975, lòng cũng nao nao nhớ về biên giới miền Bắc và miền Nam. Bây giờ Đông Tây được gặp gỡ nhau, lúc đó tôi rất mừng cho người dân Đức. Nhiều khi mình thấy họ gặp gỡ nhau, họ ôm hôn nhau, chính tôi, mình mừng mà cũng ứa nước mắt.”
Những tháng trước ngày 9/11 lịch sử đó, không khí chính trị trong các thành phố Đông Đức đã trở nên căng thẳng với những cuộc biểu tình đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn. Tại thành phố Leipzig của Đông Đức cứ mỗi tối thứ hai người dân lại đi biểu tình trương lên khẩu hiệu: Chúng tôi là nhân dân. Trong ngày 9/11 chính quyền Đông Đức tuyên bố rằng công dân của họ sẽ được nhiều quyền tự do đi lại hơn. Sau khi tin này được loan truyền, hàng ngàn người dân hai phía bức tường cùng nhau hô vang kêu gọi mở cánh cửa ngăn đôi hai miền nước Đức.
Có đến hai triệu người dân ở Đông Berlin sang thăm phía Tây trong tuần lễ đó, và quá trình thống nhất nước Đức một cách hòa bình bắt đầu.
Kỹ sư Lâm Đăng Châu nhớ lại:
“Nhìn lại mình mới thấy đây là một biến cố lịch sử, không ai có thể nghĩ đến bức tường Berlin có thể đổ nhanh như vậy. 25 năm nhìn lại cuộc cách mạng ôn hòa này, nước Đức đã thống nhất không đổ máu, không có tiếng súng. Thì cái sự may mắn này thì thế giới họ cho rằng đó là một sự may mắn kỳ diệu cho nước Đức, một phép lạ.”
Nhưng để đạt được đến sự may mắn kỳ lạ đó, nước Cộng Hòa Liên Bang Đức đã thực hiện một chính sách hòa hoãn, mềm mỏng với người anh em Cộng hòa dân chủ Đức để từ đó tạo nên sự thay đổi. Cuối thập niên 80 cũng xuất hiện một nhân vật chính trị lớn của thế kỷ 20 là Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev với ý chí cải tổ toàn bộ hệ thống cộng sản. Quyết định của ông không mang Hồng quân can thiệp vào các nước Đông Âu như Liên xô đã từng làm vào các năm 1956, 1968 đã tạo thêm điều kiện thuận lợi cho sự thống nhất nước Đức kỳ diệu xảy ra.
Sự kiện lịch sử đó đã đánh thức cả những người Việt Nam sang nước Đức hợp tác lao động. Chị An nhớ lại:
“Mình thực ra là người không quan tâm đến chính trị, nhưng mà những ngày đó cái không khí sôi sục đó làm cho những người không quan tâm cũng phải quan tâm. Những người Đức xung quanh mình, rồi những người hợp tác lao động như bọn mình ở Đông Đức, quan tâm tới sự kiện ấy vì nó ảnh hưởng đến việc bọn mình sẽ tiếp tục sống ở Đức như thế nào.”
Mình thực ra là người không quan tâm đến chính trị, nhưng mà những ngày đó cái không khí sôi sục đó làm cho những người không quan tâm cũng phải quan tâm.
- Chị An
Nhiều người Việt Nam ở Đông Âu đã sang nươc Đức, vượt qua bức tường Berlin đổ vỡ và không quay về nữa.
Nước Đức đã thống nhất, tuy nhiên sau cuộc chia rẽ 28 năm, trong lòng dân tộc Đức không phải chỉ là những nụ cười hân hoan của ngày 9/11. Kỹ sư Lâm Đăng Châu, người sống ở Đức từ năm 1968, nhận xét:
“Sau khi thống nhất, 25 năm sau bức tường đổ, chúng tôi vẫn còn nhận thấy đâu đó có những mặc cảm của những người bên Đông. Có những ngộ nhận, hay những liên hệ còn giới hạn, tức là nhiều người họ nói đùa rằng vẫn còn một bức tường trong đầu của một số người bên Đông và bên Tây Đức.”
Kỹ sư Lâm Đăng Châu cũng nói là người Đức xem sự phân cách do lịch sử để lại ấy là một chuyện bình thường, và họ hy vọng rằng thế hệ trẻ của nước Đức sẽ không còn có sự khác nhau nữa.
Nước Đức 25 năm sau ngày thống nhất là một quốc gia hùng mạnh của châu Âu. Quốc gia này đang vượt qua sự suy thoái kinh tế hiện thời dưới sự dẫn dắt của một phụ nữ có gốc gác từ vùng Đông Đức cũ, bà Thủ tướng Angela Markel.
No comments:
Post a Comment