Quốc hội VN công bố kết quả 'tín nhiệm'
- 3 giờ trước
Quốc hội Việt Nam hoàn tất lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 vị trí quan chức lãnh đạo nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, theo truyền thông trong nước.
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang nhận được 380 phiếu tín nhiệm cao (76,46%), 84 phiếu tín nhiệm (16,9%) và 20 phiếu tín nhiệm thấp (9,52%), theo kết quả kiểm phiếu được công bố, tờ Vietnamnet đưa tin hôm 15/11/2014.
Năm ngoái, ông Sang nhận được 330 phiếu tín nhiệm cao, 133 phiếu tín nhiệm và 28 phiếu tín nhiệm thấp trong cuộc lấy phiếu tháng 6/2013 với tổng số 492 đại biểu tham dự.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lần này nhận được 340 phiếu tín nhiệm cao (68,44%), 93 phiếu tín nhiệm (18,71%) và 52 phiếu tín nhiệm thấp (10,4%).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận được 320 phiếu tín nhiệm cao, 96 phiếu tín nhiệm và 68 phiếu tín nhiệm thấp.
Năm 2013, Thủ tướng Dũng được 210 đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm cao, 122 phiếu tín nhiệm và 160 phiếu tín nhiệm thấp.
Trong số các chức danh nhận được số phiếu 'tín nhiệm thấp' nhiều nhất lần này có các vị Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (192 phiếu), Bộ trưởng Văn hóa, Du lịch và Thể thao Hoàng Anh Tuấn (157 phiếu), Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình (154 phiếu) và Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận (149 phiếu).
Cũng đã có một số thay đổi về tín nhiệm đối với một số vị trí trong chính phủ trong lần lấy phiếu 2014. Hôm thứ Bảy, tờ VnExpress cho hay:
"Đứng cuối bảng xếp hạng ở lần lấy phiếu trước, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình lội ngược dòng ngoạn mục khi đạt 323 phiếu tín nhiệm cao so với 88 phiếu năm ngoái.
"Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng được 362 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao so với 186 phiếu lần đầu."
Ông Thăng có kết quả phiếu tín nhiệm từ cao đến thấp là 362, 91 và 28 phiếu. Bộ trưởng Y tế Kim Tiến có kết quả là 97, 192 và 192 phiếu, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận có kết quả 133 - 202 và 149 phiếu, theo tờ Tuổi trẻ.
Kết quả tín nhiệm với Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, là 264, 166 và 50 phiếu. Với Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, kết quả là 313, 129 và 41 phiếu.
Bộ trưởng Ngoại giao, kiêm Phó Thủ tướng, ông Phạm Bình Minh có kết quả tín nhiệm là 320, 146 và 19 phiếu.
Người xếp đầu bảng 'xếp hạng' năm ngoái, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, năm nay nhận được 390 phiếu tín nhiệm cao (78,4%), 86 phiếu tín nhiệm (17,5%) và 9 phiếu tín nhiệm thấp (1,84%).
Thành công hay phân tán?
Phiên lấy phiếu bắt đầu từ lúc 8:30 phút sáng ngày thứ Bảy, với sự tham gia của 484 đại biểu Quốc hội, và kết quả toàn bộ đánh giá 50 chức danh được công bố lúc 16h23 phút, theo tờ báo điện tử VnExpress.
Trong số 50 vị trí được mang ra lấy phiếu tín nhiệm có Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
Các lá phiếu được chia làm ba loại: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Các đại biểu Quốc hội đã có thời gian 30 phút để 'suy nghĩ' trước khi đưa ra đánh giá tín nhiệm với các chức danh trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm mà Quốc hội đưa ra.
Năm ngoái, Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh lãnh đạo được Quốc hội cử và các Hội đồng nhân dân bổ nhiệm.
Cuộc lấy phiếu 6/2013 được truyền thông nhà nước gọi là một "thành công".
Tuy nhiên, cũng ý kiến trong dư luận và giới quan sát cho rằng việc bầu hàng chục chức danh như vậy có thể quá 'phân tán' và các tiêu chí đánh giá là quá phức tạp.
Cũng có các đề xuất cho rằng thay vì khi đo độ tín nhiệm được ghi thành 3 nấc 'tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp', nên chỉ được ghi đơn giản thành hai nấc là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm."
Gần đây, có ý kiến từ cựu Đại biểu Quốc hội cho rằng chỉ nên đánh giá tín nhiệm (hay bỏ phiếu bất tín nhiệm) với quan chức nào 'có vấn đề' để tránh gây mất thời gian và làm ảnh hưởng tới những người còn lại mà 'đang làm việc tốt' và 'không có vấn đề'.
Hôm thứ Bảy, một nhà quan sát từng làm tham vấn trong hoạch định chiến lược và chính sách cấp cao của chính phủ nói với BBC:
"Các cuộc đo tín nhiệm là bước đầu, tuy vậy, như cuộc lấy tín nhiệm năm 2013, đã có những dấu hiệu tích cực, một số chức danh, quan chức đã chịu áp lực và họ đã có tiến bộ ít nhiều trong đảm trách công việc được giao của mình, chẳng hạn như vị trí của Thống đốc Ngân hàng, Bộ trưởng Giao thông & Vận tải hay thậm chí trong chừng mực nào đó là Bộ trưởng Y tế," nhà quan sát không muốn tiết lộ danh tính này nói.
No comments:
Post a Comment