Thủ tướng qua kỳ 'sát hạch'

  • 7 giờ trước
Thủ tướng Dũng tại Thượng đỉnh Đông Á ở Myanmar hôm 13/11/2014
Uy tín của ông Dũng tăng trong lần bỏ phiếu tín nhiệm thứ hai
Hai hãng thông tấn lớn Reuters và AFP đều nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã "vượt qua" được kỳ sát hạch ở Quốc hội hôm 15/11.
Tin đầu tiên được Reuters chuyển ra thế giới vào lúc 16:17 phút hôm 15/11 chỉ vỏn vẹn đúng một câu viết hoa: "TT VIỆT NAM QUA ĐƯỢC KỲ KIỂM ĐIỂM CỦA QUỐC HỘI".
Chừng nửa tiếng sau họ có bản tin nguyên văn:
"Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã vượt qua được đợt bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội hôm thứ Bảy với 64% đại biểu bỏ phiếu 'tín nhiệm cao' về khả năng lãnh đạo của ông và 14% bỏ phiếu 'tín nhiệm thấp'.
"Kể từ năm ngoái, Quốc hội bỏ phiếu hàng năm để đánh giá khả năng của các quan chức hàng đầu.
"Có tới 485 đại biểu có mặt tại phiên bỏ phiếu tín nhiệm đối với 50 quan chức chính quyền.
"Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đạt mức 'tín nhiệm cao' 64.9% trong khi Chủ tịch Trương Tấn Sang đạt 76%, theo tuyên bố của Quốc hội tại phiên toàn thể."

'Tăng uy thế'

AFP đưa tin muộn hơn vào lúc 19:00 giờ Việt Nam nhưng viết chi tiết hơn.
Họ mở đầu bằng hai câu:
"Uy thế của Thủ tướng Việt Nam đã tăng lên hôm thứ Bảy khi đa số các nhà lập pháp tại nhà nước độc đảng bỏ phiếu ủng hộ ông trong kỳ bỏ phiếu tín nhiệm lần thứ hai tại đất nước cộng sản, đánh dấu sự đảo ngược so với kết quả thấp kém của ông hồi năm ngoái.
"Khoảng 320 trong số 484 đại biểu nói họ "tín nhiệm cao" đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thể hiện sự tương phản rõ rệt so với năm ngoái khi một phần ba dân biểu trong Quốc hội nghị gật nói họ "tín nhiệm thấp" về khả năng lãnh đạo của ông."
Ông Trương Tấn Sang đón cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton ở Hà Nội hồi tháng Bảy
Ông Sang là một trong những người có nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất
AFP cũng dẫn lời báo chí trong nước nói các quan chức nhận được hơn 50% phiếu "tín nhiệm thấp" trong hai năm liên tục có thể bị yêu cầu từ chức.
Hãng tin Pháp đánh giá một trong những quan chức được tin tưởng nhất năm nay với 380 phiếu "tín nhiệm cao" là Chủ tịch Trương Tấn Sang.
Trong khi đó Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được nhiều phiếu "tín nhiệm thấp" nhất với 192 phiếu.
Riêng về Thủ tướng Dũng, AFP nói ông đã cải thiện được uy tín nhờ có những tuyên bố mạnh mẽ phản đối Trung Quốc trong tranh chấp trên Biển Đông.
Mặc dù vậy AFP nói các nhà quan sát chính trị cho rằng kết quả bỏ phiếu "gần như vô nghĩa" cho dù đây cũng là chỉ dấu cho thấy chính quyền đang cố gắng để đáp lại sự chán nản của dân chúng.
Tại một cuộc tọa đàm trực tuyến http://bit.ly/1onwvra của BBC về phiên họp mới nhất của Quốc hội khóa 13, cựu đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nói nếu Việt Nam hiện nay đang có một Quốc hội mà người dân 'không hài lòng', thì chính người dân cũng phải 'tự hỏi lại chính mình':
"Người dân như thế nào, thì Quốc hội như thế. Nếu bao giờ người dân của mình mà giác ngộ, mình đi bầu, mình chọn lọc thật cẩn thận, thì lúc ấy mình sẽ có một Quốc hội như ý của mình," Giáo sư Thuyết nói.
Một cử tri cũng nói với BBC trong cuộc tọa đàm rằng ông đã chọn không đi bỏ phiếu để phản đối cách bầu cử thiếu cương lĩnh và chương trình hành động mà thay vào đó chỉ là "bản lý lịch ngắn ngủn treo ở chỗ bầu cử ... không có một tí thông tin gì cả" khiến việc đi bầu thành "vô nghĩa".
Quý vị cũng có thể đăng ký với BBC tại http://bit.ly/1CkBIB5 để được báo trước về các tọa đàm trực tuyến từ 19:30-20:00 thứ Năm hàng tuần.