Việt Nam bỏ phiếu tín nhiệm 50 lãnh đạo
13.11.2014
Các nhà lập pháp Việt Nam vào ngày thứ Bảy tới đây sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với các 50 quan chức hàng đầu trong chính phủ.
Hãng tin Reuters loan tin này hôm nay nói rằng trong bối cảnh hầu hết các nhà lập pháp đều là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, và họ không được chọn bỏ phiếu 'bất tín nhiệm', cuộc biểu quyết này có thể bị đánh giá là vô nghĩa.
Nhưng tuy sẽ không có quan chức nào bị bãi nhiệm, hãng tin này nói cuộc biểu quyết cũng phần nào hé lộ sự vận hành bên trong nội bộ Đảng Cộng sản đã cai trị Việt Nam với bàn tay sắt trong gần 4 thập niên qua, trong một giai đoạn đang có tranh luận về những vấn đề thiết yếu đối với đất nước.
Theo bản tin, thì Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng và hiện có nhiều đồn đoán về sự rạn nứt trong hàng ngũ lãnh đạo về phương thức tốt nhất để ứng phó với những thay đổi trong tình hình hiện tại trong khi vẫn duy trì nguyên trạng.
Các chuyên gia nói có bất đồng quan điểm giữa các nhân vật bảo thủ về mặt ý thức hệ và thành phần cấp tiến hơn trong đảng CSVN về hướng đi tương lai của đất nước.
Reuters dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói rằng cuộc biểu quyết nhằm ý định phô trương thái độ cởi mở tại Việt Nam, lại có tác động ngược, cho thấy những sự đấu đá giữa các phe phái khác nhau trong nội bộ.
Bản tin của Reuters nói rằng nỗi bất mãn đang âm ỉ trong công chúng tại Việt Nam liên quan tới nạn tham nhũng, các vụ tịch thu đất đai và tính kém hiệu quả của một nền kinh tế tập quyền.
Trong khi các chuyên gia không dự kiến sẽ có thách thức đáng kể đối với quyền cai trị của Đảng Cộng sản trong tương lai có thể tiên đoán được, họ cho rằng nền kinh tế trị giá 178 tỉ đôla của Việt Nam có thực hiện được đầy đủ tiềm năng trong tư cách là một nền kinh tế mới nổi hay không, sẽ tùy thuộc vào phe phái nào sẽ nắm ưu thế trong cuộc tranh chấp nội bộ này.
Một trong những bất đồng quan điểm trong hàng ngũ giới lãnh đạo Việt Nam có liên quan tới cách ứng phó với những hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, trong bối cảnh Mỹ vừa lên tiếng bày tỏ sẵn sàng giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ trên biển.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt Ngữ-Đài VOA, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói Hà Nội nên liên minh với các nước trong khu vực và Hoa Kỳ để bảo vệ đất nước, nhưng cũng nên duy trì quan hệ bình đẳng với Trung Quốc. Tiến sĩ Nguyễn Quang A phát biểu:
“4 Tốt và 16 chữ vàng ấy theo tôi là những cái nên vất đi, mình có quan hệ tốt nhưng mà quan hệ đấy phải là trên một quan hệ láng giềng bình đẳng chứ không phải là quan hệ anh và em hay là quan hệ quỵ lụy với nhau.”
Cuộc biểu quyết sẽ diễn ra hơn một năm sau Đại Hội Đảng tổ chức mỗi 5 năm một lần. Cuộc biểu quyết tín nhiệm đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam hồi năm ngoái đã có phản ứng ngược, sau khi kết quả cho thấy có sự cạnh tranh quyền lực giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Kết quả cuộc biểu quyết đó, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng được sự tín nhiệm cao của 42% các đại biểu, và bị 1/3 bỏ phiếu 'tín nhiệm thấp', so với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đạt 330 phiếu tín nhiệm cao - trong tổng số 498 nhà lập pháp, và chỉ nhận 28 phiếu 'tín nhiệm thấp'.
Nguồn: Reuters, Post
Nguồn: Reuters, Post
No comments:
Post a Comment