Giàn khoan TQ trở lại vùng biển ngoài khơi VN gây căm phẫn
01.07.2015
Quyết định của Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương trở lại vùng biển ngoài khơi duyên hải Việt Nam có thể khơi lên một làn sóng căm phẫn mới.
Hãng tin Reuters hôm 30/6 tường thuật rằng Cục An toàn Hàng Hải Trung Quốc cho biết giàn khoan Hải Dương 981- trị giá 1 tỉ đôla, sẽ tiến hành các cuộc thăm dò để tìm dầu khí trong thời gian gần 2 tháng, từ ngày 25/6 đến 20/8, tại một địa điểm nằm cách thành phố nghỉ mát Sanya trên đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 75 hải lý, và cách bờ biển Việt Nam 100 hải lý về hướng Đông.
Bắc Kinh yêu cầu tất cả các tàu bè trong khu vực hãy tránh xa giàn khoan này ít nhất là 2000 mét ‘để bảo đảm sự an toàn của chính họ và của những người làm việc trên giàn khoan’.
Giàn khoan 981 lần này sẽ hoạt động trong vùng biển mà hai nước đều cho là thuộc khu đặc quyền kinh tế của mình.
Theo Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bao phủ một vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển Việt Nam.
Trong khi đó, Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của họ nằm trong phạm vi cái gọi là ‘đường 9 đoạn’ hay đường lưỡi bò do chính họ vẽ ra, trùng lắp với khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trang mạng Oilprice.com nhận định rằng năm nay, địa điểm giàn khoan nằm cách vùng duyên hải Việt Nam xa hơn so với hồi năm ngoái, khi Trung Quốc lần đầu tiên kéo giàn khoan 981 vào vùng biển mà Hà Nội cho là thuộc thềm lục địa của mình ở Biển Đông, gây làn sóng căm phẫn tại Việt Nam, đưa đến nhiều cuộc biểu tình, có nơi dẫn tới bạo động gây tử vong.
Giàn khoan năm nay gần với đảo Hải Nam hơn, do đó Bắc Kinh có thể lập luận rằng địa điểm này nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của đảo Hải Nam.
Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều quan ngại tại Đông Nam Á về những hoạt động cải tạo đất, xây đảo ráo riết của Trung Quốc trong Biển Đông.
Nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc đang quân sự hoá vùng biển đang trong vòng tranh chấp.
Theo Oil.com, Reuters.
No comments:
Post a Comment