Hồng Kông : Phong trào đòi dân chủ bị phân hóa
Biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông, ngày 01/07/2015REUTERS
Hàng chục ngàn đã xuống đường tuần hành hôm nay, 01/07/2015 tại Hồng Kông, nhân kỷ niệm 18 năm ngày thuộc địa cũ của Anh Quốc được giao trả cho Trung Quốc. Nhưng số người tham gia tuần hành lần này thấp hơn nhiều so với con số kỷ lục 510 000 người rầm rộ xuống vào năm ngoái, để phản đối việc Bắc Kinh không cho người dân Hồng Kông quyền tự do bầu chọn lãnh đạo hành pháp vào năm 2017.
Phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông đã lên đến đỉnh điểm vào mùa thu năm ngoái, với hai tháng liên tiếng những người biểu tình chiếm giữ các trục lộ chính, gây xáo trộn nặng nề các hoạt động ở thành phố này, cho đến khi cảnh sát Hồng Kông can thiệp để giải tán. Nhưng từ đó cho đến nay, các chính đảng cũng như các hiệp hội đã không thể huy động được lực lượng như trước nữa.
Phe dân chủ đã chỉ đạt được một thắng lợi, đó là trong cuộc biểu quyết vào đầu tháng trước tại Hội đồng Lập pháp, các nghị sĩ thuộc phe này đã ngăn chận được dự luật cải tổ bầu cử do chính quyền Hồng Kông đề nghị. Dự luật này đúng là có cho cử tri Hồng Kông được quyền bầu lãnh đạo hành pháp theo thể thức phổ thông đầu phiếu, nhưng lại quy định là chỉ có 2 hoặc 3 ứng cử viên được ra tranh cử, mà những ứng cử viên này phải do một ủy ban thân Bắc Kinh phê chuẩn. Nói cách khác, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ kiểm soát toàn bộ tiến trình bầu cử. Cho nên phe đối lập Hồng Kông đã lên án đây là một thứ « dân chủ giả hiệu».
Trong buổi lể kỷ niệm ngày Hồng Kông được giao trả lại cho Trung Quốc, hôm nay trưởng đặc khu hành chính Lương Chấn Anh đã chỉ trích các nghị sĩ phe dân chủ. Những nhà hoạt động dân chủ đã tìm cách phá rối bài diễn văn của ông Lương Chấn Anh. Họ mang một quan tài trên đó có ghi hàng chữ « Linh cữu của Hồng Kông – Ngày mất : 1997 », đồng thời đốt bức chân dung của lãnh đạo hành pháp Hồng Kông. Một người trong số họ đã bị bắt vì đốt cờ Hồng Kông.
Nhưng bên cạnh những hành động có tính chất biểu tượng đó, phe dân chủ Hồng Kông đang cố gắng khôi phục khí thế đấu tranh, trong bối cảnh mà phong trào đang bị suy yếu và phân hóa, sau khi không buộc được chính quyền chấp nhận những nhân nhượng về cải tổ bầu cử.
Các nhóm sinh viên nay tiếp tục đấu tranh theo kiểu của họ, còn những nhà hoạt động trẻ thì chỉ trích ngày càng nặng nề đường lối đấu tranh của các nghị sĩ phe dân chủ. Một số người thì ủng hộ chủ trương gọi là « địa phương », tức là thay vì vận động cho dân chủ ở toàn Trung Quốc, thì nên tập trung đòi cho Hồng Kông độc lập nhiều hơn với Bắc Kinh.
Tuy số người tham gia tuần hành năm nay ít hơn nhiều so với năm ngoái, nhưng những người tổ chức hy vọng đây sẽ là dịp để bày tỏ sự bất mãn đối với chính quyền Hồng Kông và chính quyền Trung Quốc, cũng như là cơ hội để xác định đường hướng đấu tranh sắp tới nhằm thúc đẩy trở lại phong trào dân chủ. Nhưng chắc là sẽ không dễ mà lấy lại được khí thế của năm ngoái, nhất là vì công luận Hồng Kông nay đang bị chia rẽ sâu sắc sau những xáo trộn, tê liệt hoạt động gây phiền toái cho rất nhiều người, mà rốt cuộc chẳng đi đến đâu.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment