Trung Quốc nói Nhật Bản không được chào đón ở Biển Đông
01.07.2015
Một vị tướng nổi tiếng của Trung Quốc lên tiếng nói việc tuần tra của Nhật Bản ở Biển Đông là “không thể chấp nhận được”, trong khi quan chức cấp cao hàng thứ tư của nước này kêu gọi Nhật Bản “tránh xa” các tranh chấp Biển Đông, qua đó giúp cải thiện quan hệ song phương.
Ông Du Chính Thanh, nhân vật đứng thứ 4 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, một trong 7 người nắm quyền lãnh đạo tối cao của Bắc Kinh, hôm 29/6 nói với các thành viên Quốc hội, thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Nhật Bản, trong chuyến thăm của nhóm này đến Bắc Kinh rằng: Các vấn đề trên “không liên can gì đến Nhật Bản cả”.
Ông Du nói “thật không công bằng” khi Nhật Bản cùng với Hoa Kỳ chỉ chỉ trích Trung Quốc mà không nói gì đến Philippines và các bên tranh chấp khác ở châu Á.
Trong khi đó, một vị tướng nổi tiếng của Trung Quốc lên tiếng nói việc tuần tra của Nhật Bản ở Biển Đông là “không thể chấp nhận được”.
Thiếu tướng Chu Thành Hổ, một giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc nói với đài NBC rằng: “Đối với sự hiện diện quân sự của Nhật Bản, thật khó cho người dân Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc chấp nhận điều đó”. Trong khi đó, thiếu tướng Chu Thành Hổ cho rằng “Hoa Kỳ đã từng có các căn cứ quân sự ở Đông Nam Á như ở Philippines và ngay tại Việt Nam, và có hợp tác quân sự với Singapore, nên sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông là chấp nhận được đối với Trung Quốc”.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, tuyến hàng hải quan trọng và được cho là rất giàu tài nguyên.
Hồi đầu tháng này, Trung Quốc cho biết một số hoạt động cải tạo đất xung quanh các bãi đá trong quần đảo Trường Sa sẽ sớm được hoàn thành, bất chấp lời kêu gọi trong khu vực là phải lập tức dừng lại.
Trước đó tại hội nghị thượng đỉnh về an ninh được gọi là Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, nói rằng các công trình xây dựng của Trung Quốc là “hợp lý, hợp pháp và phải lẽ”, nhằm mục đích cung cấp các dịch vụ công cộng quốc tế. Ông Tôn Kiến Quốc khẳng định: “Sẽ không có thay đổi trong các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Cũng không có sự thay đổi về lập trường của Trung Quốc trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan thông qua đàm phán và tham vấn”.
Những hoạt động gần đây của Trung Quốc đã làm tăng căng thẳng không chỉ với Philippines, đối thủ lên tiếng mạnh mẽ nhất trong những tháng gần đây đối với thái độ quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực Biển Đông, mà cả với Hoa Kỳ và các nước khác có tranh chấp trong khu vực.
Trong cuộc họp với các nhà lập pháp của LDP, ông Du Chính Thanh nói quan hệ Bắc Kinh - Tokyo đang ở trong một đường hướng tốt hơn so với một năm trước:
“Vào thời điểm đó, quan hệ Trung - Nhật vẫn còn khá nhiều vấn đề rắc rối”, ông nói với các nhà lập pháp, đề cập đến một cuộc họp của ông với một nhóm nhà lập pháp của LDP đến viếng thăm Trung Quốc hồi tháng 5 năm ngoái. “Thế nhưng tình hình bây giờ đã khác”.
“Trong tình hình này, tôi rất vui lòng tổ chức đối thoại", ông Du cho biết ngay từ đầu của cuộc họp tại Nhân dân Đại sảnh, vốn được mở cửa cho báo giới.
Cựu nghị sĩ LDP Takeshi Noda, người đứng đầu nhóm, cho biết cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc nói rằng để xây dựng lòng tin lẫn nhau, điều quan trọng là làm suy yếu nhận thức về “mối đe dọa Trung Quốc” đang gây chú ý ở Nhật Bản và các nhà lãnh đạo chính trị ở Tokyo phải đủ chân thành khi nói lời xin lỗi về các hành vi trong thời chiến của Nhật Bản.
Việc trao đổi chính trị ở cấp cao giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã gia tăng kể từ cuộc họp đầu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe với Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng 11, mặc dù tranh chấp vẫn tồn tại về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku) và các vấn đề lịch sử chiến tranh.
Hôm thứ Bảy, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói sự miễn cưỡng của Nhật Bản chấp nhận sự tái xuất hiện của Trung Quốc là “nguyên nhân gốc rễ” của rất nhiều các vấn đề hiện tại trong quan hệ ngoại giao.
Trong một diễn đàn với sự tham dự của các cựu quan chức và học giả tại Bắc Kinh, ông Vương kêu gọi Thủ tướng Nhật Abe hãy có quan điểm “đúng đắn” về chủ nghĩa quân phiệt trong quá khứ của Nhật Bản, nhưng không đề cập đến tên ông.
Mặc dù Nhật Bản không tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa, nhưng Tokyo rất lo ngại về sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc trong khu vực.
Ngũ Giác Đài nói Bắc Kinh muốn tăng cường quyền kiểm soát ở Biển Đông bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo để có thể thiết lập các căn cứ quân sự và bố trí vũ khí hạng nặng.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 26/6 nói rằng sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông không khác gì với những mưu toan của Nga nhằm tách Donbas ở miền đông Ukraine ra khỏi Kiev.
Nguồn: Kyodo, International Business Times, VOA.
No comments:
Post a Comment