Brexit : Tài chính thế giới « ngồi trên lửa »
Cờ Anh (P) và cờ Liên Hiệp Châu Âu. Ảnh minh họa.REUTERS/Toru Hanai
Lo sợ làn sóng hoảng loạn của tài chính Anh lan rộng sang châu Âu và thế giới. Brexit, một trong những hậu quả từ sai lầm khi Luân Đôn can thiệp quân sự tại Irak năm 2003 ? Bầu cử tổng thống Mỹ, hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump ráo riết tìm ứng viên phó tổng thống liên danh. Trên thực tế, làng báo Paris tập trung cả vào « sự kiện » : Trận đấu Pháp - Đức trong trận bán kết bóng đá Euro 2016. Đội tuyển Pháp trước vòng bán kết.
Hai tuần lễ sau khi người dân Anh đòi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, thị trường địa ốc trên vương quốc của nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị tuột giá, đồng bảng Anh tiếp tục rơi so với đô la và euro. Thế giới lo ngại đám mây đen đang phủ lên khu tài chính Luân Đôn, City lan rộng sang châu Âu và thế giới. « Brexit : các sàn chứng khoán trong tình trạng báo động » tựa lớn trên trang kinh tế của tờ Le Figaro. Libération trên trang nhất nhại lại tựa đề một bộ phim Pháp, La « City de la peur » –Thành phố của nỗi sợ hãi để nói đến tâm trạng của những tập đoàn ngân hàng trong khu City Luân Đôn hiện nay sau Brexit.
Hiệu ứng đô mi nô
" Nỗi sợ to lớn vì hiệu ứng đô mi nô ” trên các sàn chứng khoán, tít trên trang nhất tờ báo kinh tế Les Echos. Le Monde thì nói đến « stress » do Brexit gây nên bắt đầu lan tới thị trường địa ốc ở bên kia bờ biển Manche.
Cùng với đồng bảng Anh, ngành địa ốc là nạn nhân thứ nhì của lá phiếu nói không với châu Âu đã được gần 52 % dân Anh bày tỏ trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/06/2016. Chỉ số chứng khoán Ftse 350 Real Estate của Luân Đôn mất giá 21,8 % trong hai tuần qua. Giới trong ngành chờ đợi, các hoạt động trong lĩnh vực địa ốc tại Anh sẽ giảm sụt đến 20 % trong những tuần lễ sắp tới.
Chính vì vậy Les Echos nhắc lại : khách hàng của 6 quỹ đầu tư trong ngành bất động sản tại Anh Quốc không thể rút vốn khỏi các quỹ này để đem đi đầu tư vào những lĩnh vực khác, hay hướng tới các sản phẩm khác được coi là an toàn hơn.
Đây là một tín hiệu mới cho thấy thị trường tài chính Anh đang « ngồi trên lửa ».
Mọi người còn nhớ, khủng hoảng tín dụng địa ốc subprime năm 2007 là nguồn gốc đã dẫn tới « cơn bão » tài chính 2008 với những hiệu ứng dây chuyền, cuốn trôi hàng ngàn tỷ đô la của thế giới. Vì muốn tránh để kịch bản đen tối đó tái diễn, mà một số các nhà đầu tư đã thận trọng rút vốn ra khỏi thị trường bất động sản Anh Quốc.
Le Figaro đặt câu hỏi : « Một lần nữa, liệu bất động sản có là mắt xích yếu kém trong dây chuyền kinh tế thế giới hay không ? »
Les Echos không quá bi quan khi cho rằng, chỉ riêng tại châu Âu, so với 2007-2008, giờ đây, các ngân hàng lớn đã thu hẹp các hoạt động tín dụng địa ốc, thế nhưng các tổ chức cò con thì vẫn chứng nào tật nấy. Có điều, trong 8 năm qua, Liên Hiệp Châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã dựng nên những lá chắn, những con đê, để bảo vệ ngành ngân hàng khi phải đối mặt với những cơn bão lớn.
Riêng đối với nước Anh, Le Monde trích lại phân tích của Ngân hàng Trung ướng Anh cho rằng nguy cơ bất ổn đến từ chỗ : thứ nhất, trước trưng cầu dân ý, các luồng tư bản đổ vào Anh đã giảm đi một cách đáng kể. Điều đó có nghĩa là chính phủ và các doanh nghiệp phải đi vay tín dụng với lãi suất cao hơn. Thứ hai là rủi rõ nợ của các hộ gia đình tăng cao khi kinh tế của bản thân nước Anh bị trì trệ trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu bước vẫn còn nhiều bất trắc.
5 ẩn số sau Brexit
Trước khi đóng lại các bài báo nói về hậu quả Brexit, xin trở lại với 5 yếu tố cơ bản gây hoang mang cho toàn cầu hiệu nay, được Le Figaro nêu lên trong phần phụ trang kinh tế.
Một là sau khi đã quay lưng lại với châu Âu, nước Anh của thủ tướng Cameron không biết tương lai đi về đâu. Thứ hai là lo ngại Anh Quốc bị suy thoái hoặc bị khủng hoảng kinh tế đang đẩy các thị trường tài chính trên thế giới vào cảnh bấp bênh. Chiều hướng này sẽ còn kéo dài tối thiểu là suốt mùa hè năm nay.
Thứ ba là các nhà đầu tư cũng rất lo ngại khi thấy lãi suất chỉ đạo của các ngân hàng đã xuống tới mức thấp chưa từng thấy vậy mà vẫn chưa tạo đà cho tăng trưởng. Tăng trưởng yếu kém của từ Âu sang Á là mối lo ngại thứ tư.
Cuối cùng, giới tài chính sợ rằng, phe chống chính sách thắt lưng buộc bụng của châu Âu dùng Brexit như một lá bài đòi Bruxelles ngừng các biện pháp khắc khổ mà những nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đang phải áp dụng triệt để. Ý và cả Pháp thì thường xuyên bị cảnh cáo để cân bằng cán cân chi tiêu.
Sai lầm khi nước Anh can thiệp quân sự vào Irak
Sau khi báo cáo Chilcot về sai lầm của cựu thủ tướng Anh, Tony Blair theo chân nước Mỹ can thiệp quân sự và Irak được công bố, tờ Libération nói đến « Dư âm của một vụ thất bại ê chề » 13 năm sau khi Anh, Mỹ lật đổ chế độ Saddam Hussein. Vào lúc Luân Đôn trình làng báo cáo Chilcot thì tại Bagdad, hàng ngàn người dân Irak xuống đường ba ngày sau vụ khủng bố đẫm máu làm 250 người thiệt mạng. Theo tác giả bài báo, Hala Kodmani, công luận Irak phẫn nộ vì chính phủ bất tài, không bảo đảm được an ninh cho người dân.
Libération chốt lại : từ 2003 tới nay, Irak lâm và cảnh hỗn loạn, khủng bố, tham nhũng đè nặng lên đời sống hàng ngày của 35 triệu dân xứ này.
Báo La Croix nhắc lại trong thời gian từ 2003 đến 2009 nước Anh đã huy động 45.000 lính tham gia chiến tranh Irak, 179 người tử vong. Tờ Le Figaro thì nhắc lại : khi lên cầm quyền năm 1997 ông Tony Blair, 43 tuổi, là vị thủ tướng trẻ tuổi nhất của vương quốc Anh ể từ năm 1812. Ông được xem là biểu tượng mới của cánh tả, là người có công khép lại 18 năm đảng bảo thủ nắm quyền. Là người có tài ăn nói, ông Blair đã chinh phục cả châu Âu.
Năm 2005 ông tái đắc cử trong đường tơ kẽ tóc trong bối cảnh, nước Anh bị khủng bố tấn công, 52 người thiệt mạng. Hai năm sau, Tony Blair phải nhường chiếc ghế thủ tướng lại cho cánh tay phải và cũng là một đối thủ của mình là ông Gordon Brown.
Rời số 10 Downing Street, cựu thủ tướng Anh bắt tay vào một công việc mới : ngoài vài trò đại diện cho bộ Tứ (gồm Mỹ, nga, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc) về Cận Đông, ông chủ yếu trở thành một nhà cố vấn « đắt giá » cho Azakhstan, Abanie hay cho ngân hàng Mỹ JP Morgan. Le Figaro kết thúc bài báo : Chính nhờ những hoạt động này mà tài sản của hai vợ chồng ông bà Tony và Cherie Blair được ước tính đã lên tới hàng chục triệu bảng Anh.
Euro 2016 : Bán kết Pháp - Đức, hơn cả một trận cầu
Tối nay trên sân vận động Vélodrome thành phố Marseille, đội tuyển Pháp và Đức gặp nhau để giành một vé vào chung kết. Cả nước Pháp tối nay hướng về trận cầu bán kết nhiều duyên nợ của bóng đá hai nước Pháp-Đức. Nhưng ngay từ sáng sớm nay, sự kiện trọng đại này đã chiếm trang nhất của hầu hết các tờ báo ra ở Pháp với những hàng tựa lớn mang nhiều cung bậc cảm xúc, từ lạc quan, thận trọng cho đến hồi hộp.
Nhật báo thể thao hàng đầu của Pháp L’Equipe có vẻ tự tin với tựa « Ngày vinh quang ». Tờ Le Parisien phủ kín trang nhất hình chụp cây làm bàn của Pháp Antoine Griezmann và thủ môn Olivier Neur của Đức trên nền cờ hai nước và dòng tựa « Buổi tối trọng đại ».
Trong khi đó nhật báo Libération và Le Figaro thì tỏ ra thận trọng hơn. Với Libération các cầu thủ Pháp (Les Bleus) phải thận trọng không thể xem thường đối thủ.
Còn Le Figaro đặt câu hỏi « Liệu Les Bleus có xóa được lời nguyền của Đức » ? Với le Figaro, để có được tấm vé vào chung kết Euro 2016, đội Pháp phải vượt qua được đương kim vô địch thế giới Đức : « Les Bleus đối mặt với một thách thức Khổng lồ -Kolossal », từ Khổng lồ được tờ báo viết bằng tiếng Đức.
Nhắc lại hào quang quá khứ của bóng đá Pháp từng đoạt chức vô địch châu Âu năm 1984, vô địch thế giới 1998 trên sân nhà rồi vô địch châu Âu năm 2000, Le Figaro cho là giờ đây để« viết lên trang sử mới cho bóng đá Pháp, Les Bleus phải thay đổi tốc độ ». Tờ báo nhắc lại hành trình khá hoàn hảo của đội tuyển Pháp tại kỳ Euro 2016 cho đến lúc này. Họ đã lần lượt giành 4 chiến thắng và 1 trận hòa, nhưng đến lúc này các cầu thủ Pháp đang chuẩn bị cuộc« vượt đỉnh Everest » trong bóng đá.
Trước mặt họ giờ đây là đội Đức với bề dày thành tích 4 lần vô địch thế giới, 3 lần vô địch châu Âu và nhất là trên sân cỏ, người Đức luôn là một khắc tinh đội tuyển áo Lam, Les Bleus.
Tờ báo nhắc lại là « từ năm 1958, Nationalmannschaft (tuyển Đức) luôn thắng đội Pháp ở những giải đấu lớn ». Những thất bại trong những trận cầu quyết định ở Cúp thế giới 1982, 1986 và 2014 là những « kỷ niệm đau đớn cần phải xóa ».
Tình hình thuận lợi cho đội Pháp ?
Giờ đây là lúc mà đội tuyển Pháp có thể tạo dựng cho mình một tương lai tươi sáng hơn. Phân tích tình hình lực lượng của hai đội chuẩn bị cho trận đấu tối nay cho thấy tình thế có vẻ thuận cho Pháp khi đội Đức sẽ vắng mặt một số vị trí chủ chốt như hậu vệ Mats Humels hay tiền vệ Kheidira, tiền đạo Gomes. Trong khi quân số Pháp trở lại hoàn chỉnh với những cái tên đã và đang tỏa sáng ở giải và họ có lợi thế sân nhà.
Thế nhưng trận đấu tối nay vẫn là một thách thức lớn đối với đội quân của huấn luyện viên Didier Deschamps. Những phát biểu của các cầu thủ, của dàn huấn luyện cho đội Pháp trước giờ xung trận chỉ toát lên một quyết tâm : chơi hết mình vì, như báo Le Figaro viết : Les Bleus đã xác định được đối thủ của họ cũng như tầm quan trọng của trận bán kết tối nay. Họ đang cần một thắng lợi mang dấu ấn, để hành trình Euro 2016 của đội tuyển Pháp trở nên huy hoàng và để cả nước được sống trong niềm hân hoan chiến thắng.
Hệ quả chính trị, xã hội của trận banh
Thuần túy chuyên môn các báo đều gọi trận cầu bán kết tối nay giữa Pháp và Đức là một cú sốc lớn trước ngưỡng cửa thiên đường, hệ quả về mặt chính trị xã hội của trận đấu đối với hai nước cũng được nhiều báo chú ý.
Nhật báo Le Parisien nhìn vào trận bán kết tối nay ở góc độ rộng hơn một trận bóng. Trong một bài viết lấy tự đề : « Hơn cả một trận đấu ! ». Tờ báo nhận thấy : Cho dù tương lai quan hệ Pháp-Đức không phải ở trên sân cỏ, nhưng quả bóng tròn cho phép lãnh đạo hai nước ghi điểm trong các cuộc thăm dò dự luận. Bà Angela Merkel hiểu được sức mạnh và ảnh hưởng của một chiến thắng trong bóng đá thế nào đối với bầu không khí chính trị với uy tín cá nhân bà ở trong nước. Nhưng tối nay, bà thủ tướng Đức, nổi tiếng là người mang lại may mắn cho Mannschaft sẽ không có mặt ở sân Marseille.
Tờ báo viết tiếp, còn nếu tối nay Les Bleus vào chung kết và loại được Bồ Đào Nha tối ngày 10/07/2016, để được nâng chiếc Cúp vô địch châu Âu 4 ngày trước lễ Quốc khánh thì chắc chắn uy tín của tổng thống Pháp François Hollande, một fan bóng đá, sẽ tăng lên trở lại, chứ không còn trong tình trạng « việt vị » như lúc này.
Brontë, 200 năm văn học Anh
Với độc giả của các tờ báo Paris quá mệt mỏi với chủ đề kinh tế, bóng đá hay cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp Tour de France, xin giới thiệu qua về bài báo trên La Croix nói về gia đình 4 chị em nhà Brontë.
Nói đến gia đình Brontë người ta liên tưởng ngay đến tiểu thuyết Jane Eyre của Charlotte, hay Wuthering Heights- Đỉnh gió hú của Emily. Hai cây bút còn lại trong gia đình này ít được nhắc đến đó là Anne và cậu con trai duy nhất, Branwell. Branwell không viết tiểu thuyết như ba người chị nhưng lại là tác giả của nhiều bài thơ và cũng là người có ảnh hưởng lớn với sự nghiệp văn chương của ba cô con gái trong gia đình này.
Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Charlotte, La Croix đưa độc giả đến gần với thế giới của 4 chị em gia đình Brontë : mẹ mất sớm, bố là một mục sư tin lành, độc đoán, gia trưởng. Ông là nỗi ám ảnh đối với 4 người con.
Ngôi nhà ở Haworth, Tây Yorshire, sát cạnh nghĩa trang là bối cảnh đã được đưa vào Đỉnh gió hú. Đó cũng là nơi gia đình Brontë sống biệt lập. Chỉ có những cuốn sách của người cha, Patrick Brontë là bầu bạn.
Ngôi nhà ở Haworth, Tây Yorshire, sát cạnh nghĩa trang là bối cảnh đã được đưa vào Đỉnh gió hú. Đó cũng là nơi gia đình Brontë sống biệt lập. Chỉ có những cuốn sách của người cha, Patrick Brontë là bầu bạn.
Walter Scott, Byron, Shakespeare và bộ sách Ngàn lẻ một đêm hay Kinh thánh dẫn đường đưa bốn chị em nhà Brontë đến với văn chương. Như nhận định của tờ báo, ba cô chị và cậu em trai này đã tìm cho mình một hướng đi riêng biệt trên con đường nghệ thuật, bên cạnh mảnh đời đầy rẫy nước mắt.
Bà thầy kèm Anne học tập là mẫu hình để Charlotte Brontë tạo ra nhân vật Jane Eyre. Những khổ đau dằn vặt của chính cậu em trai Branwell là chất liệu để Emily phác họa bức chân dung tâm lý của Heathcliff trong Đỉnh gió hú - Wuthering Heights.
No comments:
Post a Comment