Saturday, April 7, 2012

Biên giới Việt - Trung trong viễn cảnh khu vực

Biên giới Việt - Trung trong viễn cảnh khu vực
 

 
 
Tiến sĩ Chan Yuk Wah
Tiến sĩ Chan Yuk Wah dự báo tầm quan trọng của đường biên giới trong tương lai
30 năm đã qua kể từ cuộc chiến tại biên giới Việt – Trung. Trong khoảng thời gian này, quan hệ hai nước đã chuyển từ thù địch sang tương đối thân thiện và tương đối ổn định.
Biên giới, trong vai trò thực tế địa chính trị cho hai nước, đã định hình quan hệ Việt – Trung theo nhiều mức độ.
Quả thực mối quan hệ này đã thường được xây dựng trên thực tế địa chính trị của đường biên giới. Nằm ngay cạnh một đại cường như Trung Quốc, Việt Nam thường cảm thấy đe dọa sát nách, nhất là vì miền Bắc đã là một phần của Trung Quốc trong hơn 10 thế kỷ.
Biên giới không chỉ là một sự thật địa chính trị cho hai nước, mà còn là ẩn dụ biểu trưng cho sự thân mật và khoảng cách giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Bước thăng trầm
Thập niên 1950 và 1960 chứng kiến đường biên giới thân thiện được củng cố bằng tình đồng chí ý thức hệ và quan hệ cá nhân mật thiết giữa cán bộ của hai hệ thống XHCN mới nổi. Khi đó, biên giới là biểu tượng của tình đoàn kết và anh em thắm đượm màu hồng.
Nhưng biên giới đồng chí nhanh chóng chuyển sang thù hằn. Những đổi thay chóng mặt trong quan hệ quốc tế thập niên 1970 đã chính trị hóa đường biên giới, gắn nó vào đủ loại căng thẳng.
Từ đầu thập niên 1970, hai bên cảm thấy quan hệ trở nên xa cách, mà một yếu tố chính là cuộc tranh đấu ngoại giao trong khối cộng sản. Trong lúc Trung Quốc mâu thuẫn với Liên Xô, Việt Nam lại gần hơn với Moscow. Biên giới, chỉ dấu cho sự tự chủ và sức mạnh nhà nước, biến thành lò xung đột.
Những biến cố - như sự trục xuất Hoa kiều, Việt Nam thôn tính Campuchia, và các vụ chạm súng ở biên giới – đã lên đến đỉnh điểm với cuộc chiến tháng Hai 1979.
Người dân Việt Nam sống ở biên giới phải sơ tán và biên giới bị đóng cửa suốt một thập niên sau đó.
Sự đóng cửa không chỉ chặn mọi tiếp xúc ở cửa khẩu mà nó còn chặn mọi dạng liên hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc học gần như bị cấm tại Việt Nam; trong giai đoạn này, không ai học tiếng Hoa. Vì thế khi cửa khẩu mở lại năm 1991, Việt Nam thiếu các chuyên gia trẻ về Trung Quốc.
Bình thường hóa
Sau sự bình thường hóa quan hệ năm 1991, những liên hệ xuyên biên giới được gia tăng nhờ hoạt động kinh tế. Hai chính phủ khuyến khích biên mậu và du lịch.
Thay thế xe tăng và lính là hàng đoàn du lịch Trung Quốc đi qua các cây cầu bắc ngang biên giới hai nước. Hàng đoàn xe tải, xe thồ, chở sản phẩm từ cả hai phía, chờ từ rạng đông ở cửa khẩu.
Trong cả thập niên 1990, mậu dịch biên giới phát triển chóng mặt ở cả bình diện chính thức và phi chính thức (như buôn lậu).
Biên mậu Việt - Trung phát triển từ khi bình thường hóa

Một ngôn ngữ chính thống mới về “tình hữu nghị” và “quan hệ láng giềng tốt” được vẽ ra để thúc đẩy hợp tác và bình ổn hóa quan hệ song phương. Quan hệ đó dựa trên năm nguyên tắc: “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, “không gây hấn”, “không can thiệp công việc nội bộ”, “bình đẳng và cùng có lợi”, và “cùng tồn tại hòa bình”.
Trong giai đoạn nặng về kinh tế này, Trung Quốc và Việt Nam đã nỗ lực giải quyết khác biệt về biên giới trên bộ và biển, và các đảo ở Biển Đông. Nhiều thỏa thuận quan trọng đạt được, bao gồm việc phân định biên giới đất liền và tại Vịnh Bắc Bộ, và về hợp tác đánh cá.
Các tuyên bố và thỏa thuận song phương này đã là nền tảng và hướng dẫn chính sách cho hai nước để tiếp tục cải thiện quan hệ và giảm bớt khác biệt. Nhưng tranh cãi chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa vẫn là vấn đề gai góc.
Quỹ đạo Trung Quốc + ASEAN
Bước vào thiên niên kỷ mới, xuất hiện viễn kiến phát triển mới xuất hiện khi Trung Quốc tìm cách thúc đẩy quỹ đạo Trung Quốc + ASEAN. Một số kế hoạch khoanh vùng đặc biệt được giới thiệu từ 2004, ví dụ Khu Kinh tế “Hai hành lang, Một vành đai” (hai hành lang gồm Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, và Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng; vành đai nghĩa là khu phát triển Việt Nam – Quảng Tây – Quảng Đông và Hải Nam).
Ngoài ra, còn có ý tưởng về chương trình hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ, chương trình kinh tế “Một trục, Hai cánh” (trục đi từ Nam Ninh đến Singapore; hai cánh là Tiểu vùng Sông Mekong một bên và bên kia là các khu vực cảng Nam Trung Hoa và ASEAN).
Tất cả những kế hoạch này là nhằm hướng tới thành lập CAFTA (Khu vực Mậu dịch Tự do Trung Quốc – ASEAN).
Để thúc đẩy những viễn kiến kinh tế này, Trung Quốc thành lập nhiều cơ chế và diễn đàn hợp tác. Trung Quốc đã tài trợ nhiều cuộc họp, hội chợ cho các viên chức và doanh nhân ASEAN. Nam Ninh, thủ phủ của Quảng Tây, đang cố gắng trở thành một thành phố quốc tế đăng cai các sự kiện liên quan việc thành lập CAFTA.
Những đại kế hoạch và viễn kiến phát triển trên chắc chắn sẽ tái cấu trúc kinh tế chính trị của biên giới Việt – Trung.
Thứ nhất, trong kế hoạch Trung Quốc – ASEAN, đường biên giới Việt – Trung là nút quan trọng để Trung Quốc gắn kết với phần còn lại của Đông Nam Á.
 Trong kế hoạch Trung Quốc – ASEAN, đường biên giới Việt – Trung là nút quan trọng để Trung Quốc gắn kết với phần còn lại của Đông Nam Á
 

Thứ hai, toàn bộ Việt Nam sẽ sớm trở thành điểm trung gian chiến lược để Trung Quốc mở rộng tiếp cận đến các nước ASEAN dựa trên tuyến đường bộ và biển. Mặc dù Việt Nam đã cảm thấy tầm quan trọng khi nằm trong vùng kinh tế, thật khó cho Việt Nam dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì, đến mức độ nào, đặc biệt khi ta thấy kể từ khi mở lại đường biên giới, Việt Nam luôn chịu thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc.
Ngôn ngữ ca ngợi lợi ích của đặc khu kinh tế in sâu trong viễn kiến phát triển cơ chế chính trị khu vực của Trung Quốc. Các sơ đồ hợp tác không chỉ là kinh tế, mà còn mang tính chính trị vì Trung Quốc thường chủ động thúc giục thiết lập cơ chế rõ ràng hơn khi đàm phán về các đặc khu, mà chuyện này có lẽ sẽ góp vào sự chi phối khu vực của Trung Quốc.
Biên giới (cả đất liền và biển) giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ sớm mang cả tầm quan trọng và ý nghĩa trong ngoại giao và cai trị xuyên quốc gia trong vùng.
Việt Nam, một mặt thừa nhận tiềm năng kinh tế của một thị trường thương mại tự do, nhưng cũng không muốn thấy ưu thế của Trung Quốc tăng quá nhanh trong vùng. Để đạt được vai trò khu vực, Trung Quốc cần nhạy cảm chú ý hơn đến lo lắng của Việt Nam.
Tương lai
Trong một thập niên nữa tại vùng này, ngoại giao và cai trị xuyên quốc gia thông qua đặc khu kinh tế sẽ được nhiều chú ý hơn, cả trong giới học giả lẫn đại chúng.
Trong 15 năm qua, Trung Quốc và Việt Nam đã chứng kiến một trong những giai đoạn yên bình nhất trong quan hệ song phương.
 Trong một thập niên nữa tại vùng này, ngoại giao và cai trị xuyên quốc gia thông qua đặc khu kinh tế sẽ được nhiều chú ý hơn
 

Dù có áp lực của thâm hụt mậu dịch và va chạm biên giới, nhưng hai bên đã có thể bày tỏ tình láng giềng hữu hảo và giải quyết vấn đề thông qua đàm phán và hòa dịu.
Nói chung, chuyển biến từ biên giới quân sư sang kinh tế đã diễn ra suôn sẻ, với việc hai nước có hàng trăm đàm phán ngoại giao, giúp nuôi dưỡng một cảm thức mới về hợp tác và kỹ năng thương thảo. Các cuộc đàm phán cũng giúp hai bên quen thuộc hơn với những xúc cảm, tâm lý của bên kia.
Viễn cảnh đặc khu kinh tế sẽ có nhiều tác động đến ngoại giao của cả Trung Quốc và Việt Nam. Hai nước đều cần nhiều sự khôn ngoan để tránh xung đột, nghi kỵ cũng như cần thêm nhiều nghiên cứu về phát triển chiến lược có lợi cho cả hai một cách bình đẳng.
Có lẽ một bí quyết, đã giúp có một biên giới an toàn, thịnh vượng, là hãy thay ngoại giao nhuốm màu ý thức hệ và chính trị bằng các chiến lược kinh tế tri thức mà sẽ giúp củng cố kịch bản “hai bên cùng thắng” – một kịch bản hiện đang được cả hai chính phủ nhiệt tình thúc đẩy.
Về tác giả:Tiến sĩ Chan Yuk Wah đang dạy ở Khoa Nghiên cứu châu Á và Quốc tế của Chinese University of Hong Kong. Dự án nghiên cứu của bà hiện nay liên quan người Hoa ở Việt Nam.

No comments:

Post a Comment