Giải pháp nào cho Biển Đông - phần 2
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-04-12
Vấn đề Biển Đông đã vượt khỏi ranh giới của các nước đang tranh chấp và trở thành đề tài chung đáng quan tâm ngay cả trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN cũng như tại các diễn đàn khác có liên quan.
Trong bối cảnh này, Mặc Lâm thực hiện loạt bài tìm hiểu và lấy ý kiến của những chuyên gia về Biển Đông, các luật gia, nhà báo cũng như những vị đại sứ từng hiểu biết sâu sắc vấn đề nhằm tìm ra một câu trả lời tương đối thoả đáng có thể giải quyết bài toán hóc búa này.
Phải dựa vào lòng dân
Kỳ này luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch MTTQVN thành phố HCM sẽ đưa ý kiến về chính sách mà nhà nước đang áp dụng hiện nay, trước tiên ông cho biết:
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Theo tôi thì trước hết ta phải thấy rõ cái bản chất của Trung Quốc, tức là một nước lớn và luôn luôn có chủ trương bành trướng lãnh thổ cũng như là đi khuất phục những dân tộc nhỏ khác, vì vậy mà mình thấy cái bản chất này, và bản chất này cho tới bây giờ vẫn không thay đổi, từ đó chúng ta mới có một chiến lược và sách lược cho phù hợp.
Nếu chúng ta cứ khẳng định đó là “bạn vàng” hay là “đồng minh chiến lược” thì dứt khoát chúng ta sẽ không quyết tâm trong việc chống lại chính sách bành trướng xâm lược của Trung Quốc.
Tôi cho rằng nhà nước phải dựa vào hai cái, một là thế trận lòng dân, phải dựa vào sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của dân Việt Nam, vì vậy phải để cho người dân bày tỏ thái độ của mình trước những hành động bách hại dân Việt Nam. Bởi vì ngư dân Việt Nam đánh bắt trên ngư trường truyền thống của mình. Hoàng Sa là ngư trường truyền thống từ bao đời nay rồi thế mà bây giờ Trung Quốc lại nghiêm cấm thì là thế nào? Và khi mà ngư dân mình đánh bắt trên ngư trường đó thì lại bị Trung Quốc bắt, bị tịch thu và bị đòi tiền chuộc, và thậm chí có nhiều người bị mất tích, và cho đến bây giờ vẫn chưa được thả, làm cho vợ con họ hết sức khổ sở. Chính vì vậy nên có bộ phim của anh André Menras là “Hoàng Sa – Nỗi đau mất mát”.
Do đó chúng tôi thấy rằng trước hết phải dựa vào sức mạnh của người dân nếu muốn chống lại các hành vi của Trung Quốc.
Mặc Lâm : Vâng. Thưa ông, có người cho rằng Việt Nam vẫn còn chần chừ chưa đẩy mạnh việc liên minh với các nước vì vẫn còn cái bóng của Trung Quốc ở phía sau. Ý kiến của ông như thế nào về việc này ạ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Sự liên minh của tất cả các nước thì hiện nay Việt Nam đã tham gia vào những định chế quốc tế rồi, ví dụ khối ASEAN hay là APEC, thì chúng ta phải dựa vào đó để mà chống lại âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Và nhất là đã có nhiều người đề nghị là nếu mà Trung Quốc cứ lấn tới và cứ khẳng định “đường lưỡi bò” như vậy đó thì chúng ta phải kiện ra Tòa Án Quốc Tế. Tôi thấy cái này là hoàn toàn nằm trong khả năng của Việt Nam.
Nhà nước phải dựa vào thế trận lòng dân, phải dựa vào sức mạnh của dân tộc Việt Nam, phải để cho người dân bày tỏ thái độ của mình trước những hành động bách hại dân Việt Nam.Luật gia Lê Hiếu Đằng
Nhà nước đã nói Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam và điều này không thể chối cãi, như vậy tại sao chúng ta đã có chứng cứ mà chúng ta lại không chuẩn bị hồ sơ và sau đó nếu cần thiết phải đưa ra quốc tế? Như vậy thì mới có thể giải quyết được vấn đề một cách công khai minh bạch. Chứ nếu chúng ta quan niệm rằng đây là vấn đề song phương giữa hai nước thì ta sẽ lọt vào cái âm mưu của Trung Quốc.
Vừa rồi Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố rằng vấn đề Biển Đông là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc thì cũng không đúng nữa, bởi vì Biển Đông là đường hàng hải chung và trong đó có những lợi ích chung và ngoài các nước ASEAN ra còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước khác, như Ấn Độ cũng vừa tuyên bố đây là lợi ích chung. Vì vậy chúng ta phải dựa vào sức mạnh của quốc tế, sức mạnh của thời đại để chống lại âm mưu bành trướng và xâm lượcc của Trung Quốc.
Phải cương quyết với TQ
Mặc Lâm : Trước những áp lực ngày một lớn hơn của Trung Quốc rõ ràng là Việt Nam không thể dùng giải pháp quân sự trong thời điểm này vì rất nhiều lý do. Theo ông, có cách nào khác để hãm lại sự khống chế ngày một công khai hơn của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam trong vùng biển Hoàng Sa hay không?
Luật gia Lê Hiếu Đằng :Như anh nói đó, chúng ta không thể dùng lực lượng quân sự được bởi vì chúng ta yếu, với lại không nên gây chiến tranh. Tôi nhất trí rằng chúng ta phải đấu tranh một cách hòa bình để giành lại Hoàng Sa và để bảo vệ Trường Sa. Nhưng hòa bình không có nghĩa là chúng ta hèn yếu, chúng ta nhu nhược, mà hòa bình ở đây là chúng ta sẽ có những hành động rất cương quyết dựa trên lòng nhân, dựa trên những hỗ trợ của quốc tế. Và nếu với phương án này thì chúng ta hoàn toàn có thể chống lại và chúng ta có thể bảo vệ được ngư dân của chúng ta.
Về mặt quân sự mà nói thì chúng ta cũng có thể có những hành động hạn chế và trong phạm vi chủ quyền quốc gia của chúng ta, như Philippines thì người ta cũng đã làm. Chúng ta phải tổ chức những lực lượng quân sự để bảo vệ dân đánh cá, hoặc khi mà Trung Quốc có những hành động gây hấn bách hại ngư dân chúng ta thì chúng ta có thể dùng máy bay để đề nghị họ phải rút lui, như Philippines thì họ vẫn làm. Tuy chúng ta không gây chiến tranh nhưng mà cũng phải có những hành động quân sự nhất định để bảo vệ ngư dân của chúng ta, chứ không phải chỉ bằng những lời tuyên bố, rồi những công hàm như hiện nay chúng ta làm. Thái độ cương quyết của chúng ta trên rất nhiều lãnh vực thì Trung Quốc mới có thể không tiếp tục những hành động bách hại ngư dân. Còn nếu chúng ta chỉ có những lời tuyên bố mà không hành động cương quyết thì những việc bách hại ngư dân sẽ tiếp tục, gây sự bất bình rất sâu sắc trong nhân dân Việt Nam.
Mặc Lâm : Dư luận cho rằng tinh thần yêu nước của thanh niên hiện nay xem ra khá mờ nhạt so với trước đây thể hiện qua việc kiếm sống và chạy theo vật chất cũng như ăn chời của họ của họ quá lớn. Ông nghĩ sao về việc giáo dục ý thức quốc gia dân tộc hiện nay trong nhà trường ?
Nếu chúng ta chỉ có những lời tuyên bố mà không hành động cương quyết thì những việc bách hại ngư dân sẽ tiếp tục, gây sự bất bình rất sâu sắc trong nhân dân Việt Nam.Luật gia Lê Hiếu Đằng
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Nói cho cùng, khi mà có vấn đề gì xảy ra thì lực lượng thanh niên chính là người dân đứng ra bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đất nước, vì vậy mà phải có tuyên truyền một cách sâu rộng trong nhân dân về cái bản chất của Trung Quốc như thế nào, vì người dân người ta rất là hoài nghi về cái mối quan hệ giữa hai nước. Như chúng ta biết Trung Quốc là nước lớn nằm cạnh Việt Nam mà như vậy thì vấn đề là phải có những đường lối, chủ trương, chính sách rõ ràng và minh bạch để chúng ta củng tồn tại với nhau trong một không gian chung. Phải giữ gìn hòa bình, phải làm sao cho các dân tộc cùng sống với nhau và cùng phát triển.
Mặc Lâm : Nhà nước một mặt lên tiếng về ngư dân bị bắt nhưng lại vẫn giữ lập trường được gọi là “nhận thức chung” trong các lần gặp gỡ giữa hai quốc gia. Theo ông có nên đặt lại vấn đề này một cách rốt ráo trên tinh thần gìn giữ bản sắc dân tộc trong đó lòng tự hào dân tộc là điểm then chốt để giáo dục thanh niên hay không, thưa ông?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Giữa hai nhà nước mà chúng ta nói là có cái nhận thức chung về vấn đề Biển Đông thì cái nhận thức chung đó là gì? Phải nói cho rõ về cái nhận định đó. Trong khi nhận thức chung thì có như vậy, nhưng mà hành động cụ thể lại đi ngược lại cái nhận thức chung đó, như vậy là thế nào? Như vậy có phải là vì “16 chữ vàng, 4 tốt” hay không? Thì chúng ta phải xác định lại cho rõ chứ chúng ta không thể mơ hồ, nhất là khi chúng ta giáo dục thanh niên của chúng ta đó.
Mặc Lâm : Xin cảm ơn luật gia Lê Hiếu Đằng.
Theo dòng thời sự:
- Giải pháp nào cho Biển Đông - phần 1
- ASEAN bế tắc về vấn đề Biển Đông
- Không có biển Đông trong chương trình hội nghị ASEAN
- Biển Đông lỡ hẹn tại thượng đỉnh ASEAN 2012
- Philippines không muốn Trung Quốc tham gia bàn thảo Bản Quy tắc Ứng xử
- Trung Quốc đòi khối ASEAN đứng ngoài tranh chấp biển Đông
- Thượng đỉnh ASEAN: chưa đoàn kết- có chút thành tựu nào?
No comments:
Post a Comment