Saturday, April 7, 2012

Cuộc chiến mười năm

Cuộc chiến mười năm
 

 
 
Đền Angkor

"Khi đã trải qua cuộc chiến đó rồi, nay suy nghĩ lại thì thật là khiếp sợ. Không thể tưởng tượng được ngày đó tháng đó, mình lại còn sống sót."
Lời ông Đinh Văn Hùng*, cựu bộ đội Việt Nam ở chiến trường Campuchia từ 1982 tới 1986, chỉ phản ánh phần nào nỗi kinh hoàng thời chiến.
"Hồi mới đi bộ đội, tôi rất là hận, vì nghĩ rằng: Đây là đất nước của họ, đâu dính líu gì đến mình mà mình phải sang đây đổ xương máu?"
"Nhưng ngày hôm nay suy xét lại, thì tôi thấy tự hào. Không có những người như tụi tôi, và các anh em bộ đội đã hy sinh, thì đất nước Campuchia không thể có ngày hôm nay."
Từ khi quân Việt Nam tiến vào thủ đô Phnom Penh ngày 7/1/1979 cho tới khi rút hoàn toàn khỏi xứ sở Chùa Tháp tháng 12/1989, là mười năm quân tình nguyện Việt Nam dầm sương giãi nắng, hy sinh tính mạng để thay người Campuchia đánh Khmer Đỏ.

Hao binh tổn tướng
Mười năm chiến tranh du kích giữa các phe từng có thời là đồng minh ý thức hệ đã tổn hao hàng chục ngàn binh sỹ mỗi bên.
 Hồi mới đi bộ đội, tôi nghĩ rằng: Đây là đất nước của họ, đâu dính líu gì đến mình? Nhưng suy xét lại thì tôi thấy tự hào. Không có những người như tụi tôi thì Campuchia không thể có ngày hôm nay.
 
Cựu chiến binh Đinh Văn Hùng

Theo thống kê, Việt Nam mất từ 10.000 tới 30.000 quân, cũng có nguồn nói con số lên tới 5 vạn. Có nhân chứng hồi tưởng về cảnh ba lô bộ đội tử trận chồng chất trên đường băng Tân Sơn Nhất những lần gom quân.
Ông Hà Văn Tuấn, người đã từng tham chiến hơn ba năm trên mặt trận Siem Riep, không ghìm nổi nước mắt khi nghĩ về các đồng đội cũ của mình:
"Hồi đó ở chiến trường, lúc nào sống thì biết sống, mà lúc nào chết thì biết chết. Đang ngồi chung với nhau, cũng có thể chết bất cứ lúc nào hai, ba người..."
Các địa danh nằm dọc biên giới Thái Lan nơi lính Khmer Đỏ lui về cố thủ, ghi dấu những trận đánh đẫm máu, giành giật không phân thắng bại. Một cựu bộ đội khác, ông Bùi Văn Lương, nhớ lại:
"Hồi đó chiến dịch mùa khô, tôi là lính xe tăng đi chiến dịch. Phơi nắng phơi sương cả ngày đêm. Trận đầu tiên, đánh từ lúc bốn giờ sáng tới một giờ chiều mà không lấy được căn cứ của địch. Xe tăng cháy không biết bao nhiêu."
Với hỗ trợ của Trung Quốc và Thái Lan, quân Khmer Đỏ dần dần khôi phục lực lượng. Cựu đại tá Bùi Tín nay sống tại Paris, người có mặt một thời gian dài ở Campuchia lúc ấy nhớ lại, rằng quân Pol Pot củng cố từ 15 lên tới 21 sư đoàn.
Theo ông, lực lượng càng ngày càng bổ sung thêm, lại cộng thêm yếu tố dân tộc, khiến chiến cuộc vô cùng khó khăn cho bộ đội Việt Nam, lúc đó dưới sự chỉ huy của tướng Lê Đức Anh.
'Sa lầy'
Ông Bùi Tín nói: "Trung Quốc đã giúp hết sức cho Khmer Đỏ dựng dậy. Cả Thái Lan cũng rõ ràng đứng về phía Trung Quốc và Khmer Đỏ".
"Đến năm 81-82 tôi đã thấy là không ổn, tình hình không kiểm soát nổi. Vào thời điểm ấy đã có ý kiến là nên giao Campuchia lại cho Liên Hiệp Quốc."
"Đáng lẽ phải giật mình, nhưng lúc đó chúng ta đã sa lầy nặng."
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gặp vô vàn khó khăn trên các mặt trận khác. Kinh tế trong nước suy sụp, vị thế ngày càng cô lập trên trường quốc tế.
Cựu chiến binh VN tại Campuchia
 Hồi đó ở chiến trường, lúc nào sống thì biết sống, mà lúc nào chết thì biết chết.
 
Cựu chiến binh Hà Văn Tuấn

Cựu thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ, người được trao nhiệm vụ chuyên trách vấn đề Campuchia năm 1987, nói với BBC:
"Trước Đại hội Đổi mới (năm 1986), Việt Nam đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa được quan hệ."
"Lời Cụ Hồ nói là thêm bạn bớt thù, thời kỳ đó chúng ta không thực hiện được. Mà chúng ta lại bớt bạn thêm thù."
Trong cuốn hồi ký tựa đề Hồi ức và Suy nghĩ của mình, ông Trần Quang Cơ cũng đề cập tới việc các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc đã dùng sức ép để can thiệp vào vấn đề Campuchia, khiến tình thế trở nên vô cùng nan giải.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Việt Nam với các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đứng đầu đã quá tự tin vì có sự hỗ trợ quân sự của Liên Xô nên không chú ý đến giải pháp rút quân sớm.
Cho tới tận sau khi Việt Nam đã rút hết quân khỏi Campuchia năm 1989, vấn đề Campuchia vẫn là thách thức đau đầu cho các nhà cầm quyền Hà Nội.
Nỗi đau chưa lành
Tôi đã có một ngày dài ngồi xe Honda đi trên các con đường gập ghềnh đầy ổ gà, vào các phum xóm xa xôi ở tỉnh Siem Riep để tìm bộ đội Việt Nam còn ở lại.
Mùa khô xứ Chùa Tháp, nắng mềm mại giăng giăng trong một không trung trong trẻo và thoáng đãng, như chưa từng chứng kiến những ngày tháng đau thương hồi nào.
 Lời Cụ Hồ nói là thêm bạn bớt thù, thời kỳ đó chúng ta không thực hiện được. Mà chúng ta lại bớt bạn thêm thù.
 
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ

Không có thống kê chính thức bao nhiêu bộ đội Việt Nam còn lại Campuchia từ thời chiến tranh, nhưng con số chắc là không nhỏ.
Người tiếp tục tham gia quân đội địa phương, kẻ về nhà làm ăn buôn bán, nhưng vết thương lòng thì còn lâu mới có thể lành, như ông Hà Văn Tuấn tâm sự:
"Vừa rồi, tôi tìm được xác một thằng bạn chiến đấu cũ, đưa về đất nước. Nhưng rồi nghĩ tới lượt mình, có ai giúp được cho tôi không?"
"Ở đây là quê hương của người ta, mình lỡ có vợ con nên phải ở lại. Con người sống chết ai cũng quay đầu về núi."
"Nhớ thương Việt Nam nhiều lắm, nhưng muốn về bên ấy thì không có điều kiện nữa rồi."
*Tên một số nhân vật đã được thay đổi.
Đài BBC sẽ tiếp tục có các bài viết và chương trình radio về bối cảnh Đông Dương dẫn tới Chiến tranh Biên giới tháng 2/1979. Mời quý vị đón theo dõi.

No comments:

Post a Comment