Khả năng xung đột ở Biển Đông?
Cập nhật: 04:26 GMT - thứ năm, 12 tháng 4, 2012
Xoay quanh câu hỏi liệu sẽ xảy ra chiến tranh vì Biển Đông hay không, BBC tiếp tục giới thiệu bình luận của hai chuyên gia từ Singapore và Hoa Kỳ.
Ở Bấmphần một, BBC đã lắng nghe ý kiến ba chuyên gia quan tâm tranh chấp Biển Đông hoặc quan hệ Việt - Trung về câu hỏi liệu một cuộc chiến tranh ngắn vì Biển Đông có sớm xảy ra.
Chủ đề liên quan
Tiến sĩ Ang Cheng Guan, Viện Giáo dục Quốc gia, Singapore. Ông là tác giả bộ ba tác phẩm về chiến tranh Việt Nam, Vietnamese Communist Relations with China and the Second Indo-China Conflict, 1956-1962 (1997), The Vietnam War from the Other Side: The Vietnamese Communists' Perspective (2002) và Ending the Vietnam War: The Vietnamese Communists’ Perspective (2004).
Tôi không dự đoán hai phía sẽ làm tăng căng thẳng trên Biển Đông đến mức xảy ra một cuộc chiến tranh. Hai phía sẽ tiếp tục ầm ĩ khẳng định chủ quyền ở các đảo. Đồng thời, họ cũng lại tiếp tục thảo luận song phương và qua kênh Asean.
Trung Quốc có những ưu tiên khác như Đài Loan , Tây Tạng, Hoa Kỳ. Hiện nay, vấn đề Biển Đông không đủ lớn để đánh nhau. Trừ phi ngày mai họ tìm thấy nhiều dầu khí để cảm thấy xứng đáng phải có chiến tranh.
Mà ngay cả nếu các nước tìm thấy tài nguyên, thì chiến tranh chưa chắc là giải pháp nhanh chóng hay tốt nhất. Dĩ nhiên, Việt Nam không đủ sức để thắng thuyết phục trong một cuộc hải chiến với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc cũng gặp những hậu quả ví dụ như quan hệ ngoại giao với Asean.
Ta nên nhớ Trường Sa - khác với Hoàng Sa - liên quan cả những nước khác trong Asean. Trung Quốc cũng phải tính đến Hoa Kỳ đang quan tâm vùng này. Nếu Trung Quốc có bước tiến quân sự, nó sẽ chỉ đẩy các nước Asean lại gần với Hoa Kỳ. Thế nên rốt cuộc, đó sẽ là một cuộc chiến dai dẳng, hỗn độn.
"Dĩ nhiên, Việt Nam không đủ sức để thắng thuyết phục trong một cuộc hải chiến với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc cũng gặp những hậu quả ví dụ như quan hệ ngoại giao với Asean. "
Tiến sĩ Ang Cheng Guan
Có thể thỉnh thoảng lại xảy ra va chạm, vốn không thể tránh khỏi và tất cả các bên liên quan đều cố giảm nhẹ ảnh hưởng. Tăng trưởng kinh tế, việc làm, giao thương vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Trung Quốc có thể tìm cách lợi dụng các khác biệt trong Asean. Tôi tin rằng vấn đề Biển Đông sẽ là câu chuyện dài, giống như một cuộc cờ.
Không ai đi các nước cờ lớn liều lĩnh trừ phi đã có đầy đủ lợi thế. Vì vậy, nó sẽ phụ thuộc vào hành động của Hoa Kỳ, vào khả năng đoàn kết của Asean. Trong tương lai gần khi Trung Quốc có hàng không mẫu hạm, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến các nước cờ.
Tôi không thấy có lý khi so sánh với Georgia. Georgia không thể nào lại so với Asean được.
Tiến sĩ Alexander Vuving, Phó Giáo sư, Asia-Pacific Center for Security Studies (Trung Tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương)
Tôi không cho rằng Trung Quốc đã sẵn sàng cho chiến tranh, dù là một cuộc chiến nhỏ, ở các vùng biển xung quanh. Đó là một trong các lý do vì sao Thủ tướng Ôn Gia Bảo phải thúc giục quân đội chuẩn bị tốt hơn cho "cuộc chiến cục bộ".
Tuy nhiên, viễn cảnh chiến tranh, có thể theo hình thức chiến tranh chớp nhoáng, ở Biển Đông sẽ gia tăng tùy theo ưu thế của Trung Quốc về cả sức mạnh và lợi ích trong khu vực. Bốn thập niên vừa qua cho ta thấy Trung Quốc hung hăng hơn khi khả năng và lợi ích của các đại cường khác trong vùng tụt giảm đi.
"Trong hai đến ba thập niên tới, một cuộc chiến cục bộ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông không thể bị loại trừ."
Tiến sĩ Alexander Vuving
Trung Quốc đã tính toán nhầm về cân bằng sức mạnh và lợi ích trong vùng giai đoạn 2008-2011. Khi ấy Bắc Kinh tưởng rằng sự suy thoái của Hoa Kỳ giúp mở rộng hoạt động hải quân của Trung Quốc. Nhưng, sự "áp đặt hung hăng" (cụm từ aggressive assertiveness do Ian Storey đặt ra) không tạo nên làn sóng quy phục như Bắc Kinh tưởng, mà lại khiến Washington thêm quan tâm Biển Đông và Tây Thái Bình Dương, cũng khiến nhiều nước gần hơn với Hoa Kỳ. Tôi tin Trung Quốc đã rút ra bài học từ thất bại này.
Khi xét khả năng và lợi ích của các đại cường trong vùng (như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga và Ấn Độ), tôi cho rằng viễn cảnh chiến tranh ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương là thấp trong tương lai gần.
Tuy nhiên, trong hai đến ba thập niên tới, một cuộc chiến cục bộ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông không thể bị loại trừ. Nghiên cứu của tôi về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc (sẽ in trong số tháng Bảy của Asian Politics and Policy) dự báo Trung Quốc sẽ thay Hoa Kỳ để thành nền kinh tế lớn nhất trong giai đoạn 2020-2025.
Dĩ nhiên nó không có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ về sức mạnh, vì GDP không thể chứng tỏ "sức mạnh cứng". Trong nửa đầu thế kỷ 19, GDP của Anh kém xa Trung Quốc, nhưng Anh đánh thắng Trung Quốc trong hai cuộc chiến Nha Phiến, mở đường cho "thế kỷ ô nhục" của Trung Quốc. Một chỉ số tốt hơn về sức mạnh cứng là "GDP công nghệ cao", tức các dịch vụ tri thức và công nghiệp sản xuất công nghệ cao đem lại giá trị gia tăng. Tôi tính rằng GDP công nghệ cao của Trung Quốc sẽ chỉ bằng 50% của Hoa Kỳ trong khoảng 2017-2025.
Là một cường quốc ở Bắc Mỹ, Hoa Kỳ chỉ có thể tập trung tối đa 70% sức mạnh ở châu Á trong dài hạn. Trung Quốc, ở ngay trung tâm châu Á, có thể dồn hết lực lượng và chú ý cho khu vực. Vì vậy, tôi nghĩ khả năng chiến tranh sẽ cao bắt đầu từ thập niên 2020.
"Mục tiêu của họ là xác lập việc làm chủ vùng biển. Trung Quốc có thể không cần phải thu tóm hết các đảo, đá, bãi ở Trường Sa để đạt mục tiêu đó. Triển khai hàng không mẫu hạm, tàu ngầm, dùng lực lượng phi quân sự và bán quân sự tuần tiễu trên biển, có thể đủ để có sự khống chế trên thực tế ở Biển Đông. "
Tiến sĩ Alexander Vuving
Dẫu vậy, người ta có thể và thường là tính toán sai về sức mạnh và lợi ích. Nếu Washington chứng tỏ dấu hiệu yếu đuối hay thờ ơ, Bắc Kinh có thể tóm lấy cơ hội để dạy cho các láng giềng bài học về ai là ông chủ trong vùng. Nó có thể là một cuộc chiến chớp nhoáng chỉ kéo dài vài ngày. Có điều sẽ sai lầm khi so với chiến dịch Nam Ossetia của Nga năm 2008. Nói sai lầm là vì vùng Caucasus cách xa mọi tuyến giao thông lớn của thế giới còn Biển Đông là trung tâm của các luồng vận chuyển hàng hóa bận rộn. Một cuộc chiến kéo dài quá vài ngày ở vùng biển này sẽ gây ra hỗn loạn cho thế giới, và hậu quả cho Trung Quốc là không thể tính hết.
Đa số bình luận về một cuộc chiến Biển Đông cho rằng chiến tranh nhằm "giành lại" đảo ở Trường Sa. Nhưng theo tôi, thay vì tấn công các đảo, Trung Quốc sẽ tấn công các con tàu, giàn khoan dầu khí và những cấu trúc không nằm trên đảo như nhà giàn của Việt Nam. Nhắm đến đất liền có thể bị quy là xâm lược, nhưng tấn công các cấu trúc không nằm trên đảo thì có thể không bị nói như vậy.
Tôi nghĩ Trung Quốc có mục tiêu cao hơn là "giành lại các đảo đã mất". Mục tiêu của họ là xác lập việc làm chủ vùng biển. Trung Quốc có thể không cần phải thu tóm hết các đảo, đá, bãi ở Trường Sa để đạt mục tiêu đó. Triển khai hàng không mẫu hạm, tàu ngầm, dùng lực lượng phi quân sự và bán quân sự tuần tiễu trên biển, có thể đủ để có sự khống chế trên thực tế ở Biển Đông. Khi đó, các đảo, đá, bãi mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan chiếm ở Trường Sa sẽ chỉ là những bãi đá mà thôi.
No comments:
Post a Comment