Hoa Đông, biển Đông: hoà hay chiến?
Tình hình biển Hoa Đông căng thẳng thêm, với những lời lẽ và hành động leo thang của cả hai bên Nhật Bản lẫn Trung Quốc. Trung Quốc lại có dấu hiệu lăm le xác lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông. Liệu thùng thuốc súng châu Á sẽ nổ ở phía đông hay phía đông nam?
Tình hình giống châu Âu thế kỷ 19?
Tuần qua có những sự kiện liên quan đến Đông Á và biển Đông gây nên mối lo về chiến tranh sắp nổ ra giữa hai cường quốc châu Á, là Trung Quốc và Nhật Bản. Trước hết, trong hội nghị an ninh quốc tế quy tụ những nhà ngoại giao, quốc phòng hàng đầu của thế giới tại Munich hồi cuối tuần qua, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại quốc hội Trung Quốc phát biểu rằng quan hệ Nhật Trung đang ở vào thời điểm xấu nhất, và Trung Quốc sẽ hành động để duy trì sự ổn định trong khu vực. Cùng dự hội nghị, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger, năm nay đã 90 tuổi, tuyên bố rằng châu Á ngày nay giống như châu Âu hồi thế kỷ thứ 19, khi các nước liên quan không ai chịu từ bỏ đường lối chiến tranh để giải quyết vấn đề. Quan điểm của TS. Kissinger liệu có báo trước điều không lành chăng?
Nhìn lại 40 năm trước, ông Kissinger là nhà kiến trúc chính sách cho Hoa Kỳ bắt tay với Trung Quốc để khống chế Liên Xô, dù phải bỏ Việt Nam. Cho tới nay, ông đã 90 tuổi, chủ trương của ông vẫn là Mỹ có thể hy sinh bất kỳ đồng minh nào để bắt tay hợp tác với Trung Quốc hùng mạnh để cùng chia chác quyền lợi trên thế giới. Lúc Thủ tướng Phan Văn Khải của Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ, ông viết báo cảnh giác Washington phải thận trọng trong mối quan hệ với Việt Nam, đừng để mất đi mối bang giao tốt đẹp với Trung Quốc. Từ những dữ kiện đó, mọi điều phán đoán của ông Kissinger liên quan đến Trung Quốc dường như đều bị ảnh hưởng của lập trường thân Trung Quốc. Sự so sánh tình hình thế giới ngày nay với thế kỷ 19 là hoàn toàn khập khiễng. Nền bang giao quốc tế ngày nay hoàn toàn khác với cả thế kỷ 20, đừng nói tận thế kỷ 19, là khi toàn thế giới chủ trương nuốt chửng lẫn nhau bằng chiến tranh, mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, chủ nghĩa thực dân đế quốc thịnh hành, các chế độ dân chủ chỉ mới manh nha bên cạnh các đế chế lâu đời còn vững mạnh, kinh tế thì chỉ dựa vào cướp đoạt tài nguyên nước khác...
Như vậy ý kiến của TS.Kissinger có giá trị nào?
Ông Kissinger là người ủng hộ Trung Quốc, và bài báo đăng trên tờ New York Times lúc Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải sang Mỹ đã có người cho là do Bắc Kinh nhờ viết, hay nói đúng hơn là viết bài có nhuận bút. Tuy nhiên việc thân Bắc Kinh không gây ảnh hưởng trong nhận định của ông ở Munich, mà chính sự so sánh giữa thế giới ngày nay với thế giới vào thế kỷ 19 mới là căn bản sai lạc để nhận định, vì như đã nói, đó là lúc quan hệ quốc tế còn nghiêng hẳn về phía sử dụng bạo lực quân sự tiêu diệt lẫn nhau. Tuy nhiên chiếu theo những diễn biến gần đây, không phải hoàn toàn vô lý khi nói chiến tranh có thể xảy ra.
Cao giọng đe dọa chiến tranh
Theo lời tuyên bố của bà Phó Anh, chủ tịch Ủy ban đối ngoại của quốc hội Trung Quốc, tại Munich thì người ta thấy rõ Bắc Kinh đang cao giọng đe dọa chiến tranh. Trong khi đó một Ủy ban chính phủ của Nhật Bản cho biết sẽ đề nghị chính quyền giải thích lại hiến pháp Nhật để hủy bỏ lệnh cấm lực lượng quân sự Nhật Bản can thiệp ra bên ngoài biên giới, và quân đội Nhật có thể tiếp sức, yểm trợ đồng minh ở bên ngoài nếu xảy ra xung đột quân sự liên quan tới nước đồng minh đó. Vậy khi nói sự viện dẫn lịch sử của ông Kissinger không có giá trị, liệu chiến tranh có thể vẫn xảy ra chăng?
Về vấn đề Nhật muốn tiếp trợ đồng minh bên ngoài biên giới, ta thấy đồng minh của Nhật hiện nay là Mỹ, sắp tới có thể là Úc, Ấn Độ, và không chừng sau này còn có cả Philippines và Việt Nam nữa. Cho nên tin này rất có ý nghĩa. Và tuy hiện tại cả hai phía đều lớn giọng nói không loại trừ phương tiện chiến tranh, nhưng yếu tố quan trọng nhất, là Trung Quốc chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột quân sự với một cường quốc khác, trước khi đạt tiến bộ kinh tế và kỹ thuật ngang với Mỹ.
Không dễ nuốt
Ngay cả việc xung đột với những nước yếu hơn như Việt Nam, Philippines, Bắc Kinh cũng phải cân nhắc vô cùng thận trọng. Chưa nói tới Nhật Bản là đồng minh chí cốt của Mỹ và có hiệp ước an ninh chung với Mỹ, ngay cả Việt Nam cũng không phải là một mục tiêu dễ nuốt, khi hầu khắp cả thế giới đều chống lại Trung Quốc xâm lược hay áp bức Việt Nam. Mỹ vừa có tiếng nói khá mạnh trong vấn đề này, thậm chí còn sớm sủa và kịp thời hơn là khi Trung Quốc giảnh chiếm không phận nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông.
Đó là tiếng nói của Hoa Kỳ cảnh cáo Bắc Kinh đừng nên có ý định xác lập vùng ADIZ ở biển Đông. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf họp báo tuyên bố rằng bất kỳ hành động nào tương tự như vậy sẽ bị coi là hành động khiêu khích và đơn phương, có thể làm tăng thêm căng thẳng. Tuy nhiên bà Marie Harf không quên nhấn mạnh rằng tin tức về vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông chưa được xác nhận.
Căn nguyên của sự việc này là bản tin của nhật báo Asahi của Tokyo cho hay không quân Trung Quốc đã đề nghị lập một vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông, lấy Hoàng Sa làm trọng tâm. Đây là một tin rất chính xác dù chỉ mới có môt nguồn cung cấp. Vì vậy phát ngôn viên Marie Harf nói thêm,nguyên văn là “Washington muốn nói thật rõ rằng các bên liên quan không được xác định một vùng nhận dạng phòng không hay bất kỳ quy định hành chánh nào mà có thể hạn chế hoạt động của các phía khác trong những vụ tranh chấp lãnh thổ” Bà nói thêm rằng Hoa Kỳ tất nhiên sẽ khuyến cáo Trung Quốc đừng làm như thế.
Lập trường của Hoa Kỳ rất rõ ràng trong vấn đề này, vậy liệu Trung quốc có tiến hành xác lập ADIZ biển Đông không?
Chưa đủ sức
Câu trả lời có thể là ít nhất trong vòng vài năm tới Trung Quốc chưa thể lập một vùng ADIZ theo đường lưỡi bò. Tin của Asahi Shimbun nói vùng ADIZ đó có trọng tâm ở Hoàng Sa, nên nếu có chăng cũng không thể bao trùm biển Đông theo đường lưỡi bò tới tận Trường Sa.
Về mặt quân sự, hiện nay không quân Trung Quốc chưa đủ mạnh để khống chế không phận toàn biển Đông. Chính vì thế mà Bắc Kinh cao giọng rêu rao về lực lượng hàng không mẫu hạm, ý nói sẽ mạnh như hạm đội 7 của Hoa Kỳ để thống trị biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc chưa đủ khả năng hình thành một hải đội tác chiến HKMH giống như của Hoa Kỳ, với tất cả lực lượng không quân, hải quân trực thuộc gồm hằng trăm phi cơ oanh tạc chiến đấu và những tàu ngầm tấn công chạy năng lượng hạt nhân, phóng hoả tiễn hạt nhân... quanh chiếc tàu thống soái đó.
Hải đội cỡ HKMH Liêu Ninh chưa chắc chống nổi tàu ngầm, phi cơ hoả tiễn của Việt Nam, chưa nói đến Nhật hay Mỹ.
Tóm lại, rõ ràng Trung Quốc chưa sẵn sàng cho chiến tranh. Trong khi đó Nhật Bản lại ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh, nhưng không phải vì thế mà Nhật muốn khai chiến, vì Nhật cũng không dễ thắng Trung Quốc như đã từng thắng nhà Thanh ở Triều Tiên năm 1895 và đánh tan hạm đội Nga ở Tsushima (Đối mã) năm 1905. Lịch sử không bao giờ lặp lại giống hệt nhau!
Chắc chắn Tokyo cũng không thể "tiên hạ thủ vi cường" vì đã có đồng minh Hoa Kỳ luôn luôn muốn duy trì hoà bình trên khắp thế giới.
Nhà tư bản luôn luôn cần ổn định để kiếm tiền cho đầy túi. Trung Quốc đang muốn làm nhà tư bản hàng đầu thay cho Mỹ, thì Trung Quốc cũng phải mong ổn định, mặc dù có lên gân hù dọa tới đâu chăng nữa.
c
No comments:
Post a Comment