Tuesday, July 1, 2014

Chính phủ Nhật Bản xét lại ý nghĩa điều 9 Hiến pháp

Chính phủ Nhật Bản xét lại ý nghĩa điều 9 Hiến pháp

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (G) vẫy tay chào khi đi văn phòng chính phủ, Tokyo, 01/07/2014
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (G) vẫy tay chào khi đi văn phòng chính phủ, Tokyo, 01/07/2014
REUTERS/Issei Kato

Tú Anh
Nội các Shinzo Abe chấp thuận dự thảo nghị quyết cho phép Nhật Bản sử dụng quyền « tự vệ tập thể ». Sáng nay 01/07, đúng như dự kiến, liên minh bảo thủ cầm quyền tại Tokyo đã bật đèn xanh « lách né » điều 9 bản Hiến pháp 1947 cấm Nhật Bản tham gia chiến dịch quân sự bên ngoài lãnh thổ. Sau quyết định của hành pháp, dự thảo sẽ đưa sang Quốc hội để biến thành luật.

Điều 9 của bản Hiến Pháp chủ hòa đã được vô hiệu hóa. Với liên minh Tự Do Dân Chủ là đảng Phật giáo Komeito (Công Minh đảng) chiếm đa số tại Quốc hội, Thủ tướng Shinzo Abe không gặp khó khăn trong kế hoạch sửa đổi học thuyết an ninh chủ hòa từ sau Thế chiến thứ hai.
Hai chướng ngại đầu tiên được tháo gỡ ngay trong ngày hôm nay 01/07 : Hai đảng cầm quyền đạt được thỏa thuận cho phép quân đội can thiệp ở nước ngoài. Và ngay sau đó, nội các Shinzo Abe thông qua dự luật « tự vệ tập thể » để đưa sang quốc hội biểu quyết mà không cần sữa đổi Hiến Pháp.
Theo phe bảo thủ tại Nhật, điều 9 của bản Hiến Pháp ngăn cản nước Nhật phòng vệ một cách hiệu quả trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường võ trang và công khai tranh giành biển đảo với Nhật và các nước khác trong vùng.
Hiến pháp chủ hòa 1947 sẽ được tu chính theo chiều hướng cho phép quân đội Nhật quyền «tự vệ tập thể ». Thay vì chỉ được nổ súng tự vệ khi bị tấn công, quân đội Nhật có thể can thiệp bên ngoài lãnh thổ và có quyền ra tay trước để bảo vệ một đồng minh bị huy hiếp.
Từ trước đến nay, các đơn vị Nhật được gửi sang nước ngoài tham gia các chiến dịch ổn định hòa bình dưới ngọn cờ Liên Hiệp Quốc.
Các hành động uy hiếp của Trung Quốc trong những năm gần đây tại Senkaku hay trên không phận Hoa Đông đã gây một làn sóng phản cảm trong dân chúng Nhật đối với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo thăm dò ý kiến chỉ có 34% dân chúng Nhật ủng hộ và đến 50% chống lại dự án tu chính Hiến pháp.
Ngược lại Hoa Kỳ sẽ hài lòng vì đồng minh thân thiết nhất tại Châu Á có thêm phương tiện để đối phó với sức mạnh và tham vọng địa chiến lược của Trung Quốc.
TAGS: CHÂU Á - NHẬT BẢN - AN NINH - HIẾN PHÁP - QUÂN SỰ - QUỐC PHÒNG - SHINZO ABE - QUÂN ĐỘI

No comments:

Post a Comment