Sinh viên và kiến thức về biển đảo - phần 1
Biển Đông vẫn đang là đề tài nóng bỏng. Trung Quốc mang giàn khoan HD981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã hơn hai tháng nhưng chính phủ Việt Nam vẫn chưa có một động thái nào khác ngoài việc kiên trì giải quyết bằng con đường hòa bình nhằm giữ vững quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Gần đây nhất, tại cuộc họp thông báo kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13, thứ trưởng thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết Quốc hội đã nghe chính phủ bổ sung báo cáo về tình hình biển Đông, nhưng vì tình hình diễn biến còn phức tạp nên quốc hội yêu cầu toàn đảng, toàn dân đoàn kết, giữ vững ổn định chính trị để phát triển đất nước, giữ vững quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Với tình hình biển Đông dậy sóng như vậy, các bạn trẻ Việt nam, chính xác là giới sinh viên, học sinh có nắm vững được vấn đề biển, đảo của đất nước hay không là chủ đề Chân Như muốn được trò chuyện cùng các bạn trong Diễn Đàn Bạn Trẻ cùng với sự đóng góp của bạn Mặc Khải, là một tác giả đang sinh sống và làm việc tại sài gòn, bạn Bảo Nguyễn là một nhà kinh doanh cũng đang ở sài gòn và bạn Đoan Trang một nhà báo, hiện đang công tác tại hoa kỳ.
Trước khi chúng ta bước vào cuộc thảo luận, Chân Như mời các bạn nghe trích dẫn cuộc khảo sát của chúng tôi trong giới sinh viên, học sinh về tình hình biển đảo của Việt Nam.
Thực ra mà nói thì vấn đề lịch sử và giáo dục thì nó cũng là một công cụ chính trị của nhà cầm quyền. Bất cứ một nhà cầm quyền nào cũng muốn chép sử theo hướng có lợi cho họ, thực tế là như vậy.
- Mặc Khải
“Cách đây 3 năm, khi còn đang lao động ở Đài Loan, thì mình được các Cha hướng dẫn chỉ cho mình biết về vấn đề tình hình Biển Đông, và từ đấy trở đi thì mình để ý đến tình hình Biển Đông”. “Khi mà còn đi học, thì em vẫn được phồ biến những kiến thức về chủ quyền biển đảo, nói chung là nó cũng không được sâu sắc”. “Mình thực sự quan tâm đến tình hình Biển Đông từ khi Trung Quốc kéo dàn khoan 981, thông qua nguồn thông tin của thời sự, với cả các trang mạng”. “Khi còn đi học phồ phông tôi có được dạy những kiến thức địa lý lịch sử, nhưng mà những kiến thức địa lý lịch sử liên quan đến biển đông, và các cuộc chiến, thì tôi nhớ là hình như tôi không được dạy, tôi chỉ thông qua nguồn tin như báo chí, và các phương tiện thông tin đại chúng, mạng, TV truyền hình mà thôi”.
Chân Như: Qua chia sẻ trên, các bạn nhận xét sao về kiến thức lịch sử, địa lý liên quan đến vấn đề biển, đảo mà chương trình phổ thông tại Việt Nam trang bị cho các bạn trẻ?
Đoan Trang: Qua các ý kiến của các bạn vừa rồi mà anh có trích dẫn, thì em thấy rằng tình hình giáo dục ở Việt Nam về biển đảo, về lịch sử, về địa lý thì nó cũng không có cải thiện gì so với thời em học, nó rất là khô khan, không có gì gọi là hấp dẫn thú vị để học sinh phải quan tâm. Và đặc biệt, theo như em nhớ thì nó không có gì về Trường Sa Hoàng Sa cả, thật sự thực tế bây giờ nó vẫn như các bạn đã phản ánh thì có nghĩa là nó cũng không khác gì so với thời em học.
Mặc Khải: Thưa với anh là, về mặt cơ hữu thì trong chương trình địa lý và lịch sử của chúng ta, hầu như là không có các vấn đề liên quan đến biển đảo, và thậm chí là cái xu thế mà giảm tải người ta càng cắt bỏ thêm. Cũng trong thời điểm đó thì trong dân chúng cũng như là giới cầm quyền cũng không ai có ý kiến về việc đó, mãi cho đến khi mà có những động thái đầu tiên trên Biển Đông thì người ta mới đặt ra vấn đề tại sao không giáo dục về biển đảo, không giáo dục về chủ quyền biển đảo, vân vân.
Để khắc phục điều này, theo như em được biết thì Bộ giáo dục đã có đưa các bài giảng về biển đảo vào chương trình địa lý của lớp 11 và 12, và hầu như trong thời điểm đó em nhớ rằng khoảng năm 2008 – 2009 thì chương trình về biển đảo là một cái nội dung ôn tập thi tốt nghiệp của học sinh phổ thông. Người ta bắt đầu dạy thế nào là bãi san hô, bãi đá cạn, bãi đã ngầm vân vân.
Còn sinh viên đại học thì trước mỗi học kỳ đều có một cái tuần gọi là tuần sinh hoạt chánh trị công dân sinh viên, thì tại đây bắt đầu người ta tuyên truyền về thế nào là lãnh hải, nội thủy, Công ước quốc tế về luật biển, UNCLOS vân vân. Thì rõ ràng là nhà cầm quyền họ cũng có những động thái nhất định, mặc dù là chữa cháy, còn để việc mà chúng ta quy định cơ hữu về trong bài giảng và sách giáo khoa thì cần phải có cách giáo dục, cần phải thay đổi sách giáo khoa thì là một vấn đề lâu dài khác nữa.
Bảo Nguyễn: Vấn đề đổi sách giáo khoa thì tốn rất là nhiều tiền, nên là nó cần có một khoảng thời gian rất là dài mới sửa được. Cái tình huống mà cấp tốc nhất bây giờ là tổ chức những hoạt động ngoại khoá, đưa những thông tin nhiều hơn trong môi trường phổ thông dành cho các bạn, để các bạn hiểu hơn về biển đảo chủ quyền của mình.
Mặc Khải: Theo Mặc Khải thấy thì trên thực tế là mỗi khi mà xã hội có một cái bất ổn gì đó xảy ra thì người ta luôn đổ tội cho giáo dục và người ta nói tại sao trường lớp không dạy về vấn đề này hay vấn đề khác, nhưng mà người ta quên mất một điều rằng cái sự học là cái sự muôn đời, và cái chương trình học phổ thông hiện nay của học sinh Việt Nam nó quá nặng nề rồi, chúng ta không thể đụng một cái vấn đề gì cũng đùn nó vào vấn đề giáo dục thì các em sẽ không gánh nổi.
Nên chăng rằng chúng ta sẽ bổ sung vào việc giáo dục công cộng, giáo dục cộng đồng, giáo dục qua các kênh về báo chí truyền hình vân vân. Có thể đăng tải những video clip ngắn trên truyền hình, hay là những mẩu nghiên cứu nhỏ trên báo chí, để toàn dân được giáo dục, cái sự giáo dục đó nó mang tính chất công cộng chứ không phải chúng ta cứ đẩy cho các thế hệ các em học sinh phải gánh rất rất nhiều những cái trông đợi từ xã hội như vậy được.
Đoan Trang: Em nghĩ là đến thời điểm này mà chúng ta, sửa đổi sách lịch sử rồi làm tất cả mọi thứ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa hay các vùng tranh chấp khác, thì nó vừa là muộn vừa là điều không nên làm bởi vì có gì đó rất là chụp giật, ngắn hạn, đặc biệt là chuyện khuyến khích tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong giáo dục, chính trị hóa giáo dục, em nghĩ đó là điều không nên. Tuy nhiên vẫn phải nói rằng, về lâu về dài thì việc thay đổi phương pháp giáo dục về lịch sử địa lý là điều cần phải làm.
Chân Như: Theo như Chân Như thấy, hầu như các kiến thức về biển đảo mà các bạn trẻ có được, không được học qua trường lớp mà hoàn toàn do tự tìm hiểu qua các mạng xã hội, qua internet và gần đây nhất là qua báo chí truyền thông. Và bên cạnh đó các bạn có thấy là phần lịch sử mà các bạn trẻ trong nước được học thiên về chống Pháp, chống Mỹ, còn lịch sử về biển đảo chỉ là một phần nhỏ bé, khiêm tốn không?
Cái tình huống mà cấp tốc nhất bây giờ là tổ chức những hoạt động ngoại khoá, đưa những thông tin nhiều hơn trong môi trường phổ thông dành cho các bạn, để các bạn hiểu hơn về biển đảo chủ quyền của mình.
- Bảo Nguyễn
Đoan Trang: Nói chuyện lịch sử biển đảo chỉ là một phần nhỏ bé khiêm tốn thì em phải nói rằng là không chỉ riêng biển đảo, mà gần như mọi lãnh vực đều là phần nhỏ bé khiêm tốn, chỉ có mỗi chống Pháp và chống Mỹ là nhiều thôi. Em nhớ hồi em thi tốt nghiệp môn sử, câu hỏi về cuộc kháng chiến chống Mỹ các chiến dịch của chúng ta, các trận thắng lớn vân vân, gọi là tổn thất của địch và chiến công của ta là chiếm phần lớn.
Bảo Nguyễn: Đúng là các bạn trẻ thì bị một cái nền giáo dục bị kiểm duyệt bởi đảng, nên các cuộc chiến tranh Pháp, Mỹ và những thắng lợi của 2 cuộc chiến đó sẽ được nêu rất nhiều trong sách lịch sử. Còn một số vấn đề nhạy cảm khác thì hoàn toàn không có nhắc đến, ví dụ như cái công văn của ông Phạm Văn Đồng thì được đưa lên mạng internet thì một số các bạn đọc trên Facebook nghĩ đó là phản động tung ra để bôi nhọ đảng. Sau này thì khi cái giàn khoan 981 đến Việt Nam thì cái công văn được nhắc đến trên báo chí trong nước, thì các bạn mới tin cái công văn đó là sự thật.
Mặc Khải: Thực ra mà nói thì vấn đề lịch sử và giáo dục thì nó cũng là một công cụ chính trị của nhà cầm quyền. Bất cứ một nhà cầm quyền nào cũng muốn chép sử theo hướng có lợi cho họ, thực tế là như vậy. Trên thực tế chúng ta đã từng biết Nhật Bản cũng từng bị chỉ trích về chép sử có sự sai lệch với phátxít của họ. Thì việc nhà cầm quyền hiện thời của chúng ta có sự chép sử theo hướng có lợi cho họ là một điều chúng ta dễ hiểu, chưa kể là sử chúng ta học ở phổ thông chỉ mang tính chất tổng quát, phổ quát.
Còn những cái vấn đề chuyên sâu cụ thể thì tùy những người có ham muốn nghiên cứu hoặc chuyên môn mà họ sẽ nghiên cứu thêm. Thì trong trường hợp này cái công hàm của ngài Phạm Văn Đồng cũng như vậy, chúng ta không thể nhất nhất một cái văn kiện chánh trị nào chúng ta cũng đưa vào sách sử thì như vậy thì chương trình học sử nó sẽ rất là cồng kềnh và nặng cho giới sinh viên học sinh của Việt Nam.
Chân Như: Cám ơn những chia sẽ trên của các bạn. Và từ những kiến thức địa lý, lịch sử mà mỗi người sẽ có nhận định, quan điểm khác nhau về vấn đề biển, đảo hiện nay. Minh chứng cho điều này mời các bạn nghe đôi lời chia sẻ của giới trẻ trong nước :
“Mình thấy khả năng là (Việt Nam) sẽ bị mất Trường Sa và Hoàng Sa hoàn toàn”. “Em thì nói chung bây giờ đánh nhau mãi cũng không được, tóm lại là nếu mà Biển Đông của Việt Nam thì vẫn là tốt nhất”. “Theo em thì thông qua lịch sử thứ nhất, thứ hai là thông qua thông tin về đại chúng thì chúng ta cũng nên nắm bắt và tìm hiểu thêm về chủ quyền, về lịch sử của Biển Đông, và kêu gọi mọi người có một tinh thần quyết tâm chủ quyền của đất nước như là bảo vệ cho đất nước tránh những thế lực thù địch có ý định xấu rất là tốt”.
“Mình có nhận định là ở trên Biển Đông hiện nay rất là căng thẳng, mình cũng rất khó nói lắm, nhưng mà mình cảm giác như rất căng thẳng nó đang ảnh hưởng đến cả đất liền, về các hoạt động sinh hoạt bình thường, như trong thường ngày của bọn mình nó đã đang bị khó khăn, như xưa mình cần mua một cái đồ gì thường nó số lượng của nó nhập bên TQ nhiều, mà giờ nó bị hạn chế, mình chỉ cảm nhận thấy nó như thế”.
“Theo mình thì phía trung quốc đã vi phạm luật biển theo liên ước Liên Hiệp Quốc, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN trên vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, khi đưa giàn khoan vào vùng biển như hiện nay.
... đến thời điểm này mà chúng ta sửa đổi sách lịch sử rồi làm tất cả mọi thứ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa hay các vùng tranh chấp khác, thì nó vừa là muộn vừa là điều không nên làm...
- Đoan Trang
Tuy nhiên thì mình nghĩ Việt Nam nên cần bình tĩnh tránh gây bất đồng và tranh chấp mới để xử lý hiệu quả các vụ bạo lực mới xảy ra mới đây để đảm bảo an toàn cho các cơ quan Trung Quốc tại Việt Nam”. “Theo cá nhân nhận định về tình hình Biển Đông hiện nay thì mình thấy nó rất căng thẳng, với giới trẻ chúng ta cần bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
“Riêng cá nhân tôi thì, có nhận định về tình hình Biển Đông hiện nay là, tôi nghĩ là có lẽ là một khía cạnh nào đó thì khá là nghiêm trọng và đảng và chính quyền nên có cách xử lý như thế nào đấy để giúp dân tốt hơn và để xóa đi cái nỗi lo lắng của người dân. Còn đối với mỗi người chúng ta thì cần phải có cái tư tưởng nhất định, để có thể bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước mình, đoàn kết đồng lòng với nhau, cùng đứng lên bảo vệ Biển Đông, và hãy chứng tỏ là Biển Đông thuộc về VN. Hơn thế nữa tôi cũng hy vọng rằng, dân của VN cũng có thể ngày một đoàn kết hơn để cùng bảo vệ xây dựng, góp phần tốt hơn cho đất nước”.
Vừa rồi là phần chia sẻ của một số các bạn sinh viên học sinh, quan điểm của họ đối với vấn đề biển, đảo. Trong kỳ tới, các bạn khách mời của chúng ta chia sẻ gì những suy nghĩ về hành động cấp thiết hiện nay để trang bị kiến thức đúng đắn cho các bạn sinh viên về biển đảo trong lịch sử cũng như địa lý.
Chân Như cũng hy vọng các bạn trẻ đang nghe chương trình cũng sẽ tham gia vào hội luận để hầu nêu lên chính kiến của mình, đó là quyền bày tỏ mà mỗi con người trên trái đất này đều phải có.
Các bạn có thể gởi email về cho chân như qua hoangc@rfa.org hay theo dõi chân như qua facebook tạifacebook.com/Channhu.rfa
No comments:
Post a Comment