Wednesday, April 22, 2015

Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (3)

Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (3)

VietnamDefence - Khái niệm “Tác chiến không-biển”.
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (1)
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (2)

>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (4)>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (5)

Khái niệm “Tác chiến không-biển”

Về kết cấu, ASB được gắn kết chặt với hệ thống các văn kiện khái niệm-chiến lược nền tảng hiện có của Mỹ được tạo lập trong thời gian Barack Obama cầm quyền. ASB bổ sung cho Khái niệm Bảo đảm tiếp cận tác chiến liên quân (Joint Operation Access Concept) và Khái niệm nền tảng cho các hoạt động liên quân có tính cơ bản hơn “Lực lượng liên quân 2020” (Capstone Concept for Joint Operations “Joint Force 2020”). Tất cả những khái niệm này dựa trên Hướng dẫn chiến lược về quốc phòng “Duy trì sự lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu: Các ưu tiên quốc phòng thế kỷ XXI” (Defense Strategic Guidance “Sustaining U.S. Global Leadership: Priorities for 21st Century Defense”) mà hiện nay đang đóng vai trò then chốt trong chính sách quân sự Mỹ.


Ý tưởng trung tâm của ASB là đạt được trình độ mới về chất về mặt tích hợp và linh hoạt của Không quân, Hải quân và các quân chủng khác của quân đội Mỹ, vốn có khả năng tiến hành các chiến dịch tích hợp lấy mạng làm trung tâm nhằm thực hiện các đòn tấn công sâu nhiều thê đội nhằm phá vỡ hoạt động, loại khỏi vòng chiến và triệt tiêu các mối đe dọa (NIA/D3 - networked, integrated attacks-in-depth to disrupt, destroy and defeat). Trong trường hợp này, mỗi bộ phận của cái định nghĩa quá rối rắm, cồng kềnh này đều có một ý nghĩa khá cụ thể.

ASB trù tính sử dụng các cụm lực lượng liên quân chủng và các lực lượng khác nhau có khả năng hành động hiệu quả trong cả 5 không gian chủ yếu. Thành phần của các cụm lực lượng được xác định bởi các yêu cầu tác chiến cụ thể, các hành động của chúng không được bó buộc hay hạn chế bởi những khác biệt về các quy trình chỉ huy, các nguyên tắc sử dụng tác chiến và sự tương thích của các loại vũ khí trang bị hiện có của các quân chủng khác nhau. Việc tích hợp các cụm lực lượng liên quân chủng quy định việc sử dụng tích cực hơn các lực lượng và phương tiện trong một không gian để triệt tiêu các mối đe dọa trong các không gian khác.

ASB phần nhiều là sự kế tiếp của ý tưởng “liên quân”, nhưng ASB, một mặt hướng đến giải quyết một nhiệm vụ khác cụ thể là đối phó với các hệ thống A2/AD, còn mặt khác là phải đưa sự tích hợp, liên kết lên một trình độ mới về chất. Nhờ thực hiện khái niệm ASB, Mỹ dự định chuẩn bị cho Không quân và Hải quân tiến hành các chiến dịch chung nhằm xác lập ưu thế trên không, trên biển, trong vũ trụ và trong không gian mạng trong điều kiện có sự đối kháng từ phía các hệ thống A2/AD mà không cần thực hiện công tác chuẩn bị hay hiệp đồng lớn. Điều đó sẽ tạo ra các điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành chiến dịch mặt đất khi cần thiết.

Trong những năm dài nắm giữ ưu thế quân sự toàn cầu, nước Mỹ đã quen với các điều kiện “dễ chịu” trên chiến trường
ASB nhằm vào đối phó với cái gọi là “các chuỗi tác động” A2/AD của đối phương vào các lực lượng Mỹ (“effects chains” hay “kill-chains”), vốn bao gồm toàn bộ tổ hợp các hành động từ phát hiện đến trực tiếp tiêu diệt các lực lượng, phương tiện và mục tiêu hạ tầng của Mỹ. ASB trù định đối phó các hệ thống chỉ huy, điều khiển, liên lạc và tình báo của đối phương, tiêu diệt bản thân các hệ thống A2/AD và bảo vệ các lực lượng bạn chống tác động của việc sử dụng các vũ khí A2/AD. Đồng thời, ASB trù tính việc tìm kiếm nhanh và tác động vào các “mắt xích” yếu và dễ tổn thương nhất, mà việc vô hiệu hóa chúng sẽ phá hủy toàn bộ cả “chuỗi tác động”. Người ta đặc biệt chú ý đến các hành động sâu trong lãnh thổ đối phương, điều đòi hỏi phải tăng bán kính chiến đấu của vũ khí trang bị và khả năng hành động trong vùng sử dụng tích cực các vũ khí A2/AD.

Các vấn đề tích hợp các lực lượng Mỹ ở mức độ đáng kể hiện đang được giải quyết bởi các bộ chỉ huy khu vực và bộ chỉ huy chức năng trực tiếp phụ trách chỉ huy tác chiến các lực lượng trực thuộc. Trong khuôn khổ ASB, việc tích hợp sẽ được bảo đảm bởi ban lãnh đạo các quân chủng làm nhiệm vụ chỉ đạo hành chính và các bộ quân chủng.

Vai trò lãnh đạo các quân chủng và các bộ quân chủng của Mỹ trong khuôn khổ thực hiện khái niệm ASB là phát triển sự phối hợp về tổ chức giữa các quân chủng ở  trình độ mới về chất, chấn chỉnh các nguyên tắc cơ bản trong sử dụng các cụm lực lượng lien quân chủng trong điều kiện có sự đối kháng A2/AD, cũng như việc phối hợp tìm kiếm các giải pháp công nghệ nhằm đối kháng với A2/AD.

ASBO đã xác định 10 lĩnh vực ưu tiên thực hiện khái niệm ASB:

• xây dựng hệ thống tích hợp chỉ huy tác chiến và điều khiển các cụm lực lượng liên quân và các lực lượng hỗn hợp;

• giành ưu thế trong môi trường dưới mặt nước;

• phát triển các tên lửa chống hạm và các phương tiện khác tác chiến chống tàu mặt nước của đối phương;

• phát triển các hệ thống tác chiến chống các vũ khí A2/AD bố trí trên mặt đất, trong đó có máy bay tầm xa và lực lượng không quân cho “ngày chiến tranh đầu tiên”, các hệ thống tác chiến điện tử và vũ khí mạng;

• các hệ thống chủ động và thụ động bảo vệ quân đội;

• phân tán các điểm đóng quân và sử dụng các điểm đóng quân tạm thời và vận dụng;

• bảo vệ các hệ thống vũ trụ của Mỹ, trước hết là các cụm vệ tinh chống tác động của đối phương;

ASBO dự định bắt đầu công việc cùng với một mặt là các đại diện của các bộ chỉ huy lien quân, các hạm đội tác chiến của Hải quân Mỹ và các tập đoàn không quân của Không quân Mỹ, mặt khác là các đại diện của bộ máy hành chính của các quân chủng. Dự kiến, tính ưu tiên của các lĩnh vực nhất định trong 10 lĩnh vực nêu trên khi thực hiện khái niệm ASB sẽ được xác định tùy thuộc vào các ưu tiên và các nhiệm vụ của từng bộ chỉ huy liên quân khu vực và chức năng.

Việc phát triển khái niệm ASB đã dẫn đến sự xuất hiện của hàng loạt ý tưởng thay thế nó. Khác với ASB vốn định hướng vào một phổ rộng các kịch bản có thể, các khái niệm thay thế tập trung vào việc đối kháng với Trung Quốc.

Ý tưởng đầu tiên trong số đó đang được Thomas Hammes sĩ quan Thủy quân lục chiến về hưu, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ, tích cực thúc đẩy. Thay vì khái niệm ASB có tính “chung”, Hammes đề nghị thong qua một chiến lược chiến tranh lâu dài với Trung Quốc với tên gọi “kiểm soát tầm xa” (offshore control) mà nền tảng của nó là thực hiện phong tỏa, cho phép gây cho Trung Quốc tổn thất kinh tế không thể chấp nhận mà không cần trực tiếp tác chiến chống các hệ thống A2/AD. Nhưng bản thân ý tưởng xung đột kéo dài với Trung Quốc, trong quá trình đó Mỹ không hậu thuẫn trực tiếp cho các đồng minh, mà chỉ cố gắng làm dao động ý chí tiếp tục xung đột của Bắc Kinh, bị chỉ trích mạnh mẽ và không được ủng hộ rộng rãi trong cộng đồng chuyên gia Mỹ. Hơn nữa, bản thân khả năng thiết lập phong tỏa tầm xa đối với Trung Quốc và hiệu quả của nó cũng bị nghi ngờ.

Cách tiếp cận thay thế thứ hai, có nhiều tương đồng với ý tưởng thứ nhất về mặt kỹ thuật là từ bỏ việc đối kháng chống các hệ thống A2/AD của Trung Quốc và tiến hành các chiến dịch tiến công có lợi cho việc Mỹ và đồng minh phát triển các hệ thống A2/AD của mình. Ý tưởng này được Giáo sư Học viện Hải quân Mỹ Andrew Erickson và hãng RAND nêu ra. Nhưng khái niệm phòng thủ chiến lược này là nhằm ngăn chặn thực hiện các yêu sách của Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương và cũng không được đồng tình đặc biệt, cũng như bị chỉ trích vì quá thụ động.

Đồng thời, sự xuất hiện các khái niệm thay thế ASB sẽ thúc đẩy phát triển bản than khái niệm ASB và xác định các ưu tiên phát triển nó. Ví dụ, đa số những người phản đối và ủng hộ ASB đều nhất trí rằng, một trong các hướng ưu tiến đối với Mỹ là củng cố hạm đội tàu ngầm hạt nhân đa năng.

>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (1)
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (2)

>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (4)
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (5)

(Còn tiếp)
Nguồn:
"Tác chiến không-biển" bí ẩn / Prokhor Tebin, Aleksandr Ermakov // Oborona, N.6.2014.
 PrintPrintShare on Zing MePrintPrintPrintChia sẻ bài này lên Yahoo Messenger
E-mailPrint

No comments:

Post a Comment