Hòa giải dân tộc - Hành xử của chính quyền với hòa giải dân tộc (phần 3)
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt tròn 40 năm. Cho đến nay những ký ức và hậu quả của cuộc chiến đó vẫn chưa phai nhòa. Giới trẻ trong nước và hải ngoại có cái nhìn thế nào về câu chuyện lịch sử đau thương này và sự hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc trong hiện tại và tương lai? Đó là những điều mà tạp chí diễn đàn bạn trẻ mong muốn được truyền tải đến quý vị và các bạn cho đến hết ngày 30/4/ 2015.
Và trong kỳ này mời quý vị cùng đến với những suy nghĩa của giới trẻ về hành xử của chính quyền với hoà giải dân tộc. Cùng với 3 bạn khách mời, Đắc Đạt, Lê Văn Nước và Lý Hùng.
Chân Như: Các bạn có biết về những phát biểu hay hoạt động từ phía chính quyền liên quan tới vấn đề hòa giải dân tộc hay không ? Những phát biểu và hoạt động đó nhắm tới những ai ? có tác dụng hay không ?
Đắc Đạt: Theo em được biết bộ chính trị ban chấp hành trung ương ĐCSVn đã ra nghị quyết 36-NQTW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có nêu lên nghị định, em xin trích dẫn ở đây cho mọi người cùng nghe: “Cộng đồng người Việt ở nước ngoài có tiềm lực kinh tế nhất định, có mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp tổ chức kinh tế ngoài quốc tế. Nhiều trí thức có trình độ học vấn và chuyên môn cao một số người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, cơ sở nghiên cứu đào tạo, các công ty tổ chức quốc tế. Vì thế công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần phải được thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết của dân tộc. Cơ sở đại đoàn kết là ý thức người dân về lòng yêu nước, lòng tự hào của dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam và giữ vững nền độc lập dân tộc thống nhất của tổ quốc, làm cho đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xóa bỏ mặc cảm định kiến, phân biệt đối xử quá khứ hay thành phần giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở tôn trọng thông cảm và tin trợ lẫn nhau”. Khi đọc được thông tin này em thấy là chủ yếu tập trung vào những người Việt Nam đang sống ở hải ngoại.
Chính quyền cũng đã có một số việc làm đó là tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến việc hoà giải hoà hợp dân tộc này. Em đưa ra một số dẫn chứng ở đây là mối quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ đã thay đổi cách nhìn về vấn đề hoà hợp hoài giải dân tộc của các thế hệ người Việt trong và ngoài nước. Thứ hai trong chuyến thăm cộng đồng người Việt tại Mỹ năm 2012, thứ trưởng bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cũng công khai kêu gọi những người được xem là những người chống đối nhà nước VN. Sau đó chính phủ VN đã nhiều lần đưa người Việt ở nước ngoài đến thăm Trường Sa, rồi ngày 27 tháng 4 năm 2014 chính phủ VN cũng đã tổ chức cho đoàn kiều bào đến viếng nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương và nghĩa trang Bình An, hay còn gọi nghĩa trang quân đội Biên Hoà thời VNCH. Em thấy là chính phủ VN cũng có một số việc làm để nhắm đến những đối tượng người Việt ở hải ngoại nhằm hướng tới việc hoà giải dân tộc
Lê Văn Nước: Theo em những hoạt động này chủ yếu từ chính phủ CHXHCNVN yêu cầu những người ở hải ngoại họ muốn hòa giải nhưng hoà giải một cách vô điều kiện; Tức là có nghĩa bên ngoài họ phải theo chính phủ của VN chứ không phải là hai bên cùng ngồi lại với nhau để giải quyết những vấn đề về hòa hợp hoà giải dân tộc. Chính vì thế nên em thấy hiệu quả của nó không hề như những gì mà người ở trong nước cũng như người ở ngoài nước mong muốn. Đó chỉ gọi là màu mè cho nó có.
Lý Hùng: Theo em thì nhà nước cũng kiểu kêu gọi đồng bào người Việt bên hải ngoại gởi (tiền) về nước để xây dựng phát triển đất nước. Đấy là mời gọi như thế nhưng chỉ là kiểu đấy thôi chứ không phải là thiện chí kêu gọi kiều bào về, nó không có tác dụng gì hết.
Chân Như: Theo những gì các bạn biết và tìm hiểu, chính quyền đã làm những gì để hòa giải dân tộc, hàn gắn quá khứ chiến tranh với những người từng ở phía bên kia chiến tuyến đang sinh sống ở trong nước - đối với cả người sống cũng như người đã khuất ?
Đắc Đạt: Theo em được biết thì khi có chính sách hoà giải hoà hợp dân tộc thì nhà nước Việt Nam có chính sách cởi mở hơn điều kiện cho đồng bào đóng góp cho quê hương đất nước. Nhưng đối tượng ở đây chỉ là những kiều bào còn đang sinh sống ở nước ngoài, cụ thể về một số vấn đề về văn hoá nghệ thuật thì chính quyền có nới lỏng một số tác phẩm nghệ thuật hay các chương trình ca múa nhạc; Cụ thể có một số ca sĩ ở hải ngoại cũng có thể về VN tổ chức liveshows được . Tuy nhiên, đó là những đối tượng hiện đang sinh sống công tác làm việc ở nước ngoài. Còn đối với những người lính của chế độ VNCH cũ thì ngược lại, họ bị đối xử rất tàn tệ, không như những người thuộc bên phiá quân đội nhân dân VN, tức là của chính quyền CS. Những người thương phế binh của chế độ VNCH thì gần như họ phải tự bươn chải để kiếm sống, cho nên em thấy đây là môt chính sách rất là bất cập và nó chỉ mang hình thức là để tiếp đón những người có tiền, có điều kiện để về đóng góp tài chính thôi còn gần như là những người sống trong nước thì hoàn toàn họ không được cái sự đối đãi tử tế nào từ chính quyền.
Chân Như: Đợt kỷ niệm 40 năm ngày 30.4 năm nay, chính quyền sẽ tổ chức rất hoành tráng hơn mọi năm trước. Theo các bạn, việc làm những lễ kỷ niệm như vậy, có khoét sâu thêm vết thương của dân tộc hay không ? Vì sao ?
Lê Văn Nước: Theo em ngày 30 tháng 4 này chính quyền sẽ cho tổ chức rất to, bắn pháo hoa này nọ. Thật sự em thấy kiểu như khoét sâu thêm nỗi đau cho những người ở bên kia chiến tuyến hầu như những cái đó thì không nên. Ngày 30 tháng 4 đáng lẽ phải là ngày cùng nhớ lại những người đã mất, chứ không phải là ngày mà để gọi là mọi người ăn mừng hay này nọ, nó thực sự làm thêm (…cà thịt lên ) nỗi đau của người khác, nó hơi dã man.
Lý Hùng: 30 tháng 4 đối với các chiến sĩ và các anh em bên VNCH thì họ xem đấy là một ngày quốc hận, một ngày chính quyền của họ bị mất. Đối với đại đa số nhân dân miền Nam và đồng bào người Việt bên hải ngoại thì đấy là một vết thương, một vết thương khó để hàn gắn được. Chính quyền năm nay tổ chức hoành tráng như thế là một sai lầm. Làm như thế như kiểu khoét thêm nỗi đau vào nhân dân miền Nam, và những chiến sĩ VNCH. Hoà giải kiếu đấy thì thật ra nó không mang ý là hoà giải mà là khoét sâu thêm vết thương lòng.
Đắc Đạt: Em rất đồng ý với ý kiến của anh Hùng và anh Nước vừa rồi. Em xin đưa một số ý kiến: không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người VN hải ngoại thường nói chính quyền VN là ăn mày dĩ vãng bởi vì họ rất say sưa chiến thắng trong lịch sử mà nhiều khi họ quên đi những cái việc làm trước mắt là phải làm gì để hướng tới tương lai. Cho nên trong những cuộc kỷ niệm và nhất là những năm chẵn họ thường tổ chức rất hoành tráng. Đối với những người thuộc chế độ cũ ngày xưa khi giải phóng thì những sĩ quan đi lính trong chế độ VNCH, khi họ đã buông súng đầu hàng rồi nhưng chế độ mới vẫn đưa họ vào những trại cải tạo. Không những không cải tạo được con người mà ra còn chuốc thêm thù oán, rồi thì hàng trăm nghìn, hàng chục nghìn người phải bươn ra ngoài biển, những thuyền nhân ấy phải bươn ra ngoài biển bất kể sống chết. Cho nên hàng năm chính quyền nhắc đến những sự kiện 30 tháng 4 thì em nghĩ đấy nó là sự kiện mà nó làm cho người ta khoét sâu vào nỗi đau người ta thêm rất nhiều.
Chân Như: Như những gì chúng ta cảm nhận, quá trình hòa giải dân tộc sau 40 năm vẫn còn có nhiều vướng mắc, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Các bạn mong muốn ở chính quyền điều gì nhằm thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn, thuận lợi hơn ?
Lý Hùng: Sau 40 năm thực sự nỗ lực hoà giải rất là thấp cho nên muốn thúc đẩy quá trình hoà giải nhanh hơn thì chính quyền phải có những hành động thiết thực. Chẳng hạn như thay đổi cơ chế đối với kinh tế để phải tạo điều kiện tốt nhất cho những nhân sĩ trí thức, doanh nghiệp và kiều bào về nước để xây dựng nước, để bớt thủ tục hành chính, hợp lý hơn, bớt thời gian, tránh tình trạng tham nhũng.
Lê Văn Nước: Em muốn chính quyền phải đặt lợi ích của những người trước kia và kể cả những người ở cộng đồng hải ngoại. Trong phía họ, kiểu như là họ có nghĩ là bên kia là phải phụ thuộc vào chính quyền, nên họ làm một cách hời hợt. Họ đã đặt lợi ích của những người mà họ muốn hòa giải lên cái kiểu như làm sao cho quá trình hoà giải nó tiến tốt nhanh hơn. Thực ra hiện nay em thấy họ cũng dẫn dựa và vị tha lắm chứ họ không có chuyện ôm hận đến 30 – 40 năm nay mà vẫn như thế; Chẳng qua là do chính sách nó thiếu sự tin tưởng giữa cả hai bên. Em nghĩ họ cần phải có sự tin tưởng thêm giữa cả hai bên để đầy nhanh quá trình hoà giải.
Đắc Đạt: Theo em hoà hợp dân tộc chỉ xảy ra khi một chính thể cởi mở. Trong chính thể đó có nhiều tổ chức xã hội quy tụ nhân dân, chính quyền và nhân dân cùng phấn đấu một mục đính chung, đòi hỏi sự minh bạch để nhân dân tin tưởng là một chính quyền trong sạch. Và từ đó tin tưởng sự đóng góp của mình để xây dựng và bảo vệ tổ quốc, giúp đỡ cộng đồng chứ không phải để nuôi một nhóm người hay một đảng phái nào đó. Em nghĩ, do đó, hòa hợp dân tộc còn phải dựa trên tinh thần phản biện từ tâm lý hay tính sùng bái cá nhân hoặc tâm lý đám đông. Chính vì vậy, em nghĩ với chính quyền VN hiện tại thì chuyện hòa hợp hoà giải dân tộc thì khó có thể xảy ra trong một sớm một chiều em nghĩ nó phải trải qua một quá trình rất dài.
Cám ơn phần chia sẻ của ba bạn Lý Hùng, Lê Văn Nước và Đắc Đạt.
No comments:
Post a Comment