Mỹ- Nhật mở rộng hợp tác quốc phòng
Ngoại giao - Quốc phòng liên hệ gắn bó Mỹ- Nhật tại New York ngày 27/04/2015.Reuters
Trước lúc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bắt đầu chuyến thăm chính thức Mỹ, ngày 27/04/2015, Washington và Tokyo đã công bố thỏa thuận sửa đổi phương hướng hợp tác quân sự. Theo đó, quân đội Nhật chủ động mở rộng phạm vi hành động trên trường quốc tế.
Văn kiện điều chỉnh « phương hướng chủ đạo » hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật được thông qua sau hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của hai nước tại New York.
Thỏa thuận mới về hợp tác quốc phòng song phương lấy cơ sở là nội dung sửa đổi bản Hiến pháp hiếu hòa của Nhật đã được chính phủ Shinzo Abe đề nghị. Với thỏa thuận mới, quân đội Nhật được phép tham gia vào các chiến dịch quân sự ở bên ngoài đất nước nhằm hỗ trợ các đồng minh.
Một quan chức Mỹ giải thích, với « phương hướng chủ đạo » mới về quốc phòng, quân đội Nhật Bản có thể tham gia hỗ trợ quân đội Mỹ trong trường hợp bị nước thứ 3 đe dọa. Cụ thể quân đội Nhật có thể « bắn hạ tên lửa được bắn về nước Mỹ ngay cả khi Nhật không phải là mục tiêu ».
Được hỏi liệu có phải nguyên tắc mới trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước có nhằm đối phó với những tham vọng gia tăng sức mạnh quân sự gần đây của Trung Quốc hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định thỏa thuận mới này « không nhằm vào cụ thể Trung Quốc ».
Tuy nhiên trong một phát biểu mới đây trên truyền hình Nhật, Thủ tướng Shinzho Abe đã tuyên bố : « Liên minh Nhật –Mỹ sẽ trở nên hiệu quả hơn và mạnh mẽ hơn. Vì thế mà sức răn đe sẽ tăng cường và tình hình khu vực sẽ được ổn định hơn ».
Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry lưu ý : Liên minh quốc phòng giữa hai nước « bao trùm toàn bộ các phần lãnh thổ » thuộc Nhật Bản, « trong đó có cả quần đảo Senkaku ».
Phản ứng đầu tiên về thỏa thuận mở rộng hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ, đến từ nước láng giềng. Hàn Quốc cho biết rất quan tâm đến « phương hướng hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật », đồng thời đề nghị Tokyo và Washington phải tham khảo Seoul trong các vấn đề liên quan đến an ninh trên bán đảo Triều Tiên và vì lợi ích của Hàn Quốc.
Lần gần đây nhất Washington và Tokyo điều chỉnh hợp tác phòng thủ là vào năm 1997, theo đó đã mở rộng sự tham gia hỗ trợ quân đội Mỹ trong các chiến dịch quân sự, nhưng vẫn giới hạn trong các hoạt động tiếp liệu hậu cần.
Từ năm 1960, Hoa Kỳ đã ký với Nhật Bản Hiệp ước Quốc phòng, trong đó dự trù Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo vệ Nhật trong trường hợp nước này bị tấn công. Đổi lại Mỹ được mở các căn cứ quân sự trên đất Nhật. Hiện có gần 47 nghìn quân Mỹ đồn trú thường trực trên lãnh thổ Nhật Bản.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment