Vladimir Putin bảo vệ thành tích chống Tây phương
Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời phỏng vấn trực tiếp người dân Nga qua truyền hình ngày 16/04/ 2015.Reuters
Trong một chương trình truyền hình dài 2 tiếng rưỡi, chủ nhân điện Kremli cảnh báo « âm mưu của Hoa Kỳ và Châu Âu khuynh đảo nước Nga » và tự khen đã tái lập uy thế đại cường thế giới kể từ khi lên cầm quyền cách nay 15 năm. Cựu trung tá mật vụ KGB đắc cử tổng thống nhiệm kỳ ba vào năm 2012 sau khi lần lượt làm tổng thống từ 2000 đến 2008 và thủ tướng từ 2008 đến 2012.
Trong bộ phim tài liệu tuyên truyền đánh dấu 15 năm cầm quyền do đài truyền hình nhà nước Rossia 1 thực hiện từ một căn phòng lộng lẫy trong điện Kremlin và phát ngày Chủ nhật 26/04 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu xem Matxcơva là đối thủ địa chính trị và tìm mọi cách để làm suy yếu chính quyền Nga.
Sau hành động chiếm bán đảo Crimée và can thiệp gây bất ổn định tại vùng đông Ukraina, chính quyền Nga bị Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt kinh tế, tài chính một cách nặng nề.
Nhưng theo tổng thống Putin, không phải chờ đến khủng hoảng Ukraina mà Tây phương mới« khuynh đảo nước Nga ». Ông quả quyết tình báo Nga đã có chứng cớ là từ nhiều năm trước Hoa Kỳ đã « tiếp xúc trực tiếp » với phe Hồi giáo nổi dậy ở Kavkaz. Vào đầu thập niên 2000, theo lời kể của tổng thống Putin, tình báo của Nga đã phát hiện những cuộc tiếp xúc giữa phe nổi dậy ở Tchetchenia và các cơ quan mật vụ Mỹ tại Azerbaidjan.
Tổng thống Putin xác định là « đã đặt câu hỏi với tổng thống Mỹ lúc bấy giờ thì được trả lời « tôi sẽ đá đít bọn chúng ». Tuy nhiên 10 ngày sau, nhân viên tình báo Nga được đồng sự Mỹ thông báo : "Chúng tôi có tiếp xúc và sẽ tiếp tục tiếp xúc với mọi lực lượng đối lập tại Nga. Đó là quyền của chúng tôi".
Vào thời điểm đó, cộng hòa Tchetchenia đã giành được độc lập sau khi đánh bại quân đội Nga trong cuộc chiến tranh thứ nhất từ 1994 đến 1996. Nhưng từ cuộc chiến này đã phát sinh ra một phong trào Hồi giáo võ trang dần dần vượt ra khỏi biên giới Tchetchenia và lan rộng ra khắp vùng Bắc Kavkaz trong thập niên 2000.
Năm 1999, chiến tranh Tchetchenia lần thứ hai nổ ra khi quân đội Liên bang Nga, lúc đó chính phủ Nga do Putin điều hành, phản công. Tổng thống Aslan Maskhadov, chủ trương độc lập bị quân đội liên bang hạ sát năm 2005.
Đến năm 2009 thì chiến tranh Tchetchenia lần thứ hai kết thúc « chính thức ». Tuy nhiên, phe Hồi giáo ly khai vẫn tiếp tục tấn công lực lượng an ninh Nga tại Kavkaz bằng chiến tranh du kích và khủng bố.
Theo giải thích của tổng thống Putin thì ở Tây phương, nhất là trong giới tình báo, vẫn có người tin rằng chỉ cần « khuynh đảo đối thủ địa chính trị, tức nước Nga » thì sẽ chiếm được thượng phong. Tuy nhiên, theo tổng thống Nga thì chiến thuật này đã « thất bại ».
Ngoài sự kiện cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng Hồi giáo võ trang Kavkaz chống Nga để thủ lợi, tổng thống Nga lên án các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính thương mại mà Washington và Bruxelles ban hành từ hơn một năm nay để trả đũa chính sách can thiệp quân sự của Nga tại đông Ukraina mặc dù điện Kremlin vẫn phủ nhận.
Cũng theo lập luận của ông Putin, các biện pháp cấm vận của Tây phương vừa là mưu đồ « bao vây, cản trở không cho Nga phát triển » mà cũng là sách lược của Tây phương từ ngàn đời : "Tây phương chỉ thương dân Nga khi nước Nga nghèo khổ, khi chúng ta (lãnh đạo Nga) đi xin tiền viện trợ".
Theo AFP, nhân vật được tạp chí Time của Mỹ xếp hạng thứ nhất trong số lãnh đạo có thế lực nhất địa cầu, tự cho mình có công phục hồi uy thế của nước Nga, đã hy sinh mọi thú vui cá nhân để phục vụ quyền lợi đất nước. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra khôn ngoan, khiêm tốn, không tự cho cá nhân mình là thành phần « tinh hoa » của dân tộc. Tổng thống Putin cho rằng « ông nhìn vấn đề theo cái nhìn của dân chúng, theo cái lo âu của người dân » và hãnh diện đã « cứu được đất nước bị suy đồi dưới sự cai trị của cố tổng thống Yelsin ».
Cuối cùng, tổng thống Nga khẳng định chức vụ tổng thống là cơ hội « để phục vụ tối đa cho dân và cho nước và không thấy khó khăn khi nghĩ đến một ngày phải trở về căn hộ, sống như một thường dân ». « Kẻ nào sợ rời cung điện là kẻ đã mất liên hệ với thế giới bên ngoài », ông xác quyết như vậy với khán giả truyền hình.
Nếu Putin là một nhà lãnh đạo độc đoán, đối ngoại thì bảo vệ các chế độ độc tài, đối nội thì tham quyền cố vị, không che dấu tham vọng làm tổng thống mãn đời qua các biện pháp sửa đổi Hiến pháp và đàn áp đối lập và tự do ngôn luận, thì ông cũng tỏ ra là một nhà tâm lý dù trong chiến thuật tuyên truyền một chiều : Thất bại là lỗi tại người, thành công là công của ta.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment