Tuesday, April 28, 2015

Sự kiện đang được tường thuật

Sự kiện đang được tường thuật

Nhắn tin trực tiếp

11:39

Liên quan tới đánh dấu tròn bốn chục năm ngày 30/4 và đặc biệt một cuộc tranh luận trên BBC gần đây về việc liệu ở Việt Nam hậu 30/4/1975 có hay không có việc 'ngược đãi' đối với các thành phần cựu sỹ quan, binh sỹ, quan chức, nhân viên chế độ cũ (Việt Nam Cộng Hòa), mà trong đó có sử gia cho rằng không có 'chuyện ngược đãi' với những người đi cải tạo sau, ông Võ Văn Ái, từ Paris, cung cấp cho BBC một tư liệu là một bản đồ.
Theo số liệu trên bản đồ này, sơ bộ có ít nhất 500.000 tù nhân chính trị trong các trại cải tạo và nhà tù Việt Nam, trong đó có những trung tâm cái tạo được cho là giam giữ ít nhất từ 1.000 người, 3.000 người, 5.000 người và 15.000 người trở lên.
Bản đồ cũng cho thấy vào thời điểm công bố có 1.000.000 thuyền nhân Việt Nam sông sót sau khi đã rời bỏ đất nước tìm nơi tị nạn bằng tàu, thuyền trên Biển Đông.
Tấm bản đồ được công bố bởi một Ủy ban vận động từ trước và in lại gần đây trong một cuốn sách của ông Võ Văn Ái, nhà hoạt động về nhân quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam, có tựa đề "Người trí thức & hành động dẫn đường" (trang 17).
Ông Ái, người hiện là phát ngôn nhân của Viện Hóa đạo và Văn phòng II Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất cho hay bản đồ được Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam công bố tại cuộc họp báo "Bắc hóa chế độ tù ngục tại Miền Nam Việt Nam" tại Paris ngày 29/5/1978, tức chỉ 3 năm sau ngày 30/4.
Nhà hoạt động nói thêm tấm bản đồ và sự kiện này khi đó đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông phương Tây, với 60 ký giả truyền hình, truyền thanh và báo chí quốc tế với nhiều kinh nghiệm đã tham dự và đưa tin.

11:17

Một độc giả gửi cho BBC một tư liệu được một nhà báo, nhà văn và phóng viên nổi tiếng người Ý, Tiziano Terzani, từng có 30 năm viết lách và tường thuật từ châu Á về Đông và Đông Nam Á, cho tờ báo Đức Der Spiegel (Tấm Gương) công bố chỉ trong vòng một thập niên sau sự kiện 30/4/1975.
http://bit.ly/1zbRNNM
Tư liệu có tựa đề "Mười năm sau chiến tranh: Cả người chết cũng bị lừa" do nhà báo được cho là một thời 'thân cộng' viết:
"Trước đây mười năm, khi những chiếc xe tăng đầy bụi bặm với lá cờ Việt Cộng chạy ngang qua tòa Đại sứ quán Mỹ tiến tới dinh thự của tổng tống Thiệu bại trận, khi những người lính du kích đầu tiên, gầy gò, rụt rè, trẻ tuổi, kéo xuống đường Tự Do, con số ít ỏi của những người ngoại quốc có mặt trong lúc đó đã khóc vì mừng rỡ: một cuộc chiến tranh tàn bạo đã chấm dứt, Việt Nam dường như đã giành lại được độc lập, một dân tộc tái thống nhất bây giờ sẽ có hòa bình và công lý – thời đó chúng tôi tin là như vậy.
Hòa bình không trở lại
"Hòa bình đã không trở lại với Đông Dương. Hàng trăm người Việt trẻ tuổi đã hy sinh trên các chiến trường Campuchia. Không có công lý, nếu như công lý khác với việc lật đổ một xã hội và thay thế một chế độ độc tài bằng một chế độ độc tài khác. Người Sài Gòn, rõ ràng là như vậy, ngày nay sống tồi tệ hơn, phải chịu đựng tình trạng thiếu năng lực và tham nhũng nhiều hơn, sợ cảnh sát nhiều hơn là trước kia.
“Cách mạng đã không thực hiện bất cứ lời hứa nào của họ”, một người bạn nói. “Ngay cả người chết cũng bị lừa.” Trên nghĩa trang cũ ở Biên Hòa, nơi nhiều người lính Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến chống cộng sản được chôn cất ở đó, phần lớn các ngôi mộ đã bị xe ủi đất san phẳng – mặc dù chế độ mới đã tạo một nghĩa trang riêng cho những người anh hùng đã hy sinh cho cuộc cách mạng.
Đối với người sống
Đối với người sống, lời hứa hòa giải dân tộc còn được thực hiện ít hơn như thế nữa.
Trong tháng Năm 1975, một sĩ quan từ quân đội của Thiệu được lệnh đi “học tập cải tạo”. Ông mang theo mùng, bàn chải đánh răng và gạo cho 30 ngày đi trình diện; và ông cũng như tôi tin rằng sau 30 ngày ông thật sự sẽ trở về.
“Nào phải 30 ngày! Thành 3289 ngày”, bây giờ ông nói; ông còn có may mắn. Nhiều người lính, sĩ quan và nhân viên trước kia của chính quyền bại trận đã chết trong các trại cải tạo. Nhiều người vẫn còn ở trong những trại trong rừng đó, những trại mà các quan chức cộng sản ngày nay trong những khoảnh khắc bất cẩn đã gọi chúng là “trại tập trung”.
Người dịch tư liệu này trong phần giới thiệu về tác giả Tiziano Terzani (1938 – 2004) cho hay:
"Ông đã từng vào rừng sống chung với Việt Cộng. Tháng 4 năm 1975, ông là một trong số ít nhà báo đã ở lại Sài Gòn, nhân chứng của thời điểm lịch sử đó. “Tôi đã rơi nước mắt”, Terzani nhớ lại. Bài báo này do ông viết nhân dịp kỷ niệm mười năm kết thúc cuộc Chiến tranh Việt Nam.

10:50

Trang điện tử 'Tuyên giáo' của Ban Tuyên Giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đăng nổi một bật tin về cầu truyền hình được mở ra giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với sự hiện diện của lãnh đạo đảng của hai thành phố này.
Tờ Tuyên giáo cho hay tối hôm thứ Năm "tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra cầu truyền hình mang chủ đề “Mùa xuân đầu tiên”.
"Đây là chương trình đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
"Tham dự chương trình có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội;
"Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh."

10:39

Nhiều đài báo Việt Nam dường như đã sẵn sàng tung ra các chương trình chuẩn bị dầy công trong dịp kỷ niệm "Đại thắng Mùa Xuân, Giải phóng Miền Nam, Thống nhất Đất nước", năm nay.
Đài truyền hình Việt Nam (VTV) giới thiệu chương trình "Khoảnh khắc tháng Tư" trên trang mạng báo điện tử của mình với một tấm hình có lá cờ màu đỏ rộng lớn với một chiếc xe tăng T34 ở phía dưới, biểu tượng cho 'chiến thắng' của quân đội Bắc Việt ở Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975.

10:15

“Thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng,” đó là nhận định của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, được đăng tải trong bài viết của ông trên Tạp chí Cộng sản nhân dịp 40 năm ngày 30/4.
Ông Nguyễn Phú Trọng viết tiếp:
"Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của quân và dân ta, tạo bước ngoặt trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới đối với nước ta - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thể hiện sâu sắc sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó cũng là một sự kiện có tầm vóc quốc tế to lớn và mang tính thời đại sâu sắc. Thắng lợi đó bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó nhân tố quyết định nhất là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, phát huy cao độ nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam."
NẮM VỮNG MÁC - LÊ

"Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta (1954-1975) là sự tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Trong điều kiện đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn cứ vào tình hình quốc tế, trong nước, so sánh thế và lực giữa ta và địch, nắm vững phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đề ra đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo và tổ chức thực hiện đường lối đó phù hợp với điều kiện cụ thể và sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới."
Ông Trọng nhấn mạnh ý nghĩa, bối cảnh của lần kỷ niệm 30/4 năm nay:
"Năm nay, chúng ta kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đúng vào thời điểm Đảng ta tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng. Đây là một sự kiện trọng đại đối với Đảng ta, dân tộc ta; đồng thời, cũng là dịp để Đảng ta nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, hoàn thiện đường lối đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới."
NHẮC NHỞ QUÂN ĐỘI
Và ông Tổng bí thư cũng không quên nhấn mạnh yêu cầu của Đảng với quân đội Việt Nam.Ông viết:
"Quân đội nhân dân với vai trò là một lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Tổ quốc, Nhân dân, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại". 

Quân đội cần chủ động nắm chắc tình hình, dự báo chính xác xu hướng phát triển, nhất là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh của đất nước; trên cơ sở đó, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, đối ngoại để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc và có đối sách, xử lý đúng đắn các tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần tạo môi trường hòa bình ổn định để xây dựng, phát triển đất nước."

10:00

Báo Người Việt Online từ Hoa Kỳ, trong một bản tin truyền hình, cho rằng chính quyền Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 'chiến thắng' nhưng 'bất an chưa từng có'.
http://bit.ly/1ElZC2F
Người Việt dẫn ý kiến phản ánh trên truyền thông, mạng xã hội và dư luận người dân trong nước cho thấy sự quan ngại về quy mô chuẩn bị cho lễ mừng 'đại thắng mùa xuân, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước' làm đảo lộn sinh hoạt của người dân địa phương.
Trong khi đó, vẫn theo nhật báo của cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ, chính quyền có thể sẽ phải tiêu phí nhiều tỷ đồng cho đại lễ, diễu binh, trong khi tình hình kinh tế của đất nước đang gặp nhiều khó khăn.
Tờ Người Việt phản ánh nhiều người dân đưa đón con cái đi học, đưa bệnh nhân tới bệnh viện, hoặc ra vào khu vực sinh sống đã đang gặp khó khăn trong suốt gần một tuần chuẩn bị cho 'đại lễ' hiện nay.

09:42

“Cần gọi đúng tên cuộc chiến này” là một bài viết hay, đầy tâm huyết và giá trị của nhà văn Phạm Đình Trọng. Tuy nhiên đề xuất của tác giả gọi tên cuộc chiến hai miền Việt Nam vừa qua là “Nội chiến” không được độc giả chấp nhận. Vì sao vậy?", đó là ý kiến của Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, nhà vận động cho nhân quyền và dân chủ hóa tại Việt Nam trong bài viết của ông đăng trên trang mạng Bauxit Việt Nam.
Ông viết tiếp:
"Trước hết, gọi như vậy không đúng thực tế. Không ai thấy người dân miền Nam ra đánh Miền Bắc. Cũng không thấy người dân Miền Bắc vào đánh Miền Nam, ngoại trừ những người bị Cộng sản Việt Nam xúi giục/cưỡng bức"
"Gọi như vậy sẽ góp phần nuôi dưỡng hận thù Nam Bắc vốn đã ẩn tàng đâu đó.
"Đã một thời người ta xem tất cả những người sống ở Miền Nam đều là đang theo giặc, không chỉ xâm lăng Miền Nam mà còn chuẩn bị lấp sông Bến Hải tấn công ra Bắc; xem tất cả những ai bỏ nước ra đi đều là phản động, là phản bội tổ quốc đáng bị lên án, đáng bị trừng trị," TS. Nguyễn Thanh Giang nêu quan điểm trên trang mạng http://boxitvn.blogspot.co.uk/

09:27

Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, trong tác phẩm 'Khi đồng minh tháo chạy', Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Phụ tá Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Tổng trưởng về Tái thiết năm 1973 trong nội các của Tổng thống Thiệu, khi rút tỉa bài học cho các đồng minh với Mỹ, viết:
"Nếu những bài học cho Mỹ đã được nhiều tác giả bình luận thì những bài học cho các đồng minh của Mỹ lại chỉ được các nhà lãnh đạo quốc tế rỉ tai nhau và truyền miệng về những nhận xét của họ.
"Bài học thứ nhất cho một đồng minh của Hoa kỳ là nên nhận định rõ ràng vấn đề quyền lợi. Lý do quan trọng nhất mà Hoa kỳ nhảy vào một cuộc chiến là quyền lợi của Hoa kỳ.
"Những mục tiêu khác như bảo vệ nhân dân, tranh thủ nền độc lập, hay xây dựng dân chủ (cho VNCH hay Iraq, hay Afghanitan) thì chỉ là thứ yếu. Năm 1965, trước khi cho Thủy quân Lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng (ngày 6 tháng 3), trong một cuộc họp mật và cao cấp tại Washington, D.C. vào tháng 1, 1965, Bộ trưởng quốc phòng Robert Mcnamara và thứ trưởng Mcnaughton đã nói toạc ra là mục liêu của Mỹ "không phải là để giúp một nước bạn thắng là để ngăn chặn Trung Cộng".
TÍNH TOÁN MỤC ĐÍCH
"Về việc đưa quân vào Việt nam, trong buổi họp ngày 24 tháng 3, 1965, Mcnaughton còn tính toán rõ ràng về mục đích của Mỹ theo phần trăm như sau:
- 70% là để tránh một sự thất bại làm bẽ mặt cho Mỹ;
- 20% để giữ Miền Nam khỏi rơi vào tay Trung Cộng; và
- 10% để cho nhân dân Miền Nam được tự do, hạnh phúc.
"Thứ hai, quyền lợi về kinh tế là bền vững, lâu dài; quyền lợi về chính trị hay ngoại giao chỉ là giai đoạn. Nó chỉ tồn tại vào thời gian nào đó mà thôi. Hoa kỳ can thiệp vào chiến trường Việt nam trong thời điểm lúc cường độ chiến tranh lạnh còn đang lên cao.
"Tới lúc bắt đầu "détente", giảm căng thẳng được với Liên Xô thì quyền lợi đó cũng bắt đầu giảm. Tới khi Tổng thống Nixon bắt tay với Mao Trạch Đông (tháng 2, 1972) thì quyền lợi đó coi như đã chấm dứt," tác giả Nguyễn Tiến Hưng viết.

09:13

Trang mạng của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI Online) nhân dịp này cũng có mục "Một số ca khúc đi cùng Năm tháng nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam Việt Nam".
Trong mục này, ban biên tập đã có cuộc trao đổi với một khách mời người Việt Nam 'từng học tập' và hiện 'đang công tác' ở Trung Quốc nhắc tới sự kiện 30/4 cũng như chuyến thăm của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, gần đây tới Trung Quốc.
Đài TQ: Năm 2015 này là một năm có nhiều ngày kỷ niệm đặc biệt đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui của đất nước Việt Nam nói riêng và hai nước Trung Quốc- Việt Nam nói chung.
Khách mời VN: "Là người Việt Nam từng học tập và hiện nay đang công tác tại Bắc Kinh, Thành Trung rất phấn khởi và tự hào về đất nước mình đồng thời cũng rất vui vì đang thực hiện nguyện vọng góp phần nhỏ bé của mình vào công trình xây dựng lâu đài hữu nghị Việt-Trung."

Đài TQ: Đúng rồi. Bây giờ chúng ta sẽ cùng điểm lại những ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa diễn ra trong năm 2015 của hai nước Trung-Việt nói chung và của đất nước Việt Nam nói riêng nhé. 18 tháng 1 năm nay là kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao Trung Quốc-Việt Nam.
Khách mời VN: Riêng về đất nước Việt Nam em trong năm nay có những ngày kỷ niệm như: 30 tháng 4 sắp tới là kỷ niệm 40 ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam, 19 tháng 5 là kỷ niệm 125 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, mồng 2 tháng 9 là kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Việt nam.
THẮT CHẶT QUAN HỆ
Đài TQ: Còn một sự kiện quan trọng và rất vui của nhân dân hai nước Trung –Việt, đó là chuyến thăm chính thức Trung Quốc rất thành công và giàu thành quả của Tổng Bí thư BCH TƯ ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư BCH TƯ ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình vừa diễn ra tốt đẹp từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 4 vừa qua. Đã đánh dấu quan hệ hai nước sẽ phát triển và thắt chặt hơn mối quan hệ truyền thống đã được các thế hệ tiền bối Cách mạng của hai nước dày công vun đắp.
Khách mời VN: Đây cũng chính là nguyện vọng chung của nhân dân hai nước.
Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc cũng không quên đăng lại tấm hình cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tiếp cố Chủ tịch Việt Nam ông Hồ Chí Minh trong những năm tháng Việt Nam được Trung Quốc hậu thuẫn 'chống Mỹ, cứu nước'.

No comments:

Post a Comment