Tham nhũng ẩn mình sau thư pháp Trung Quốc
Des yens japonais (G) des billets de 100 dollars et des billets chinois de 100 yuans.REUTERS/Truth Leem/Files
Thư pháp, một bộ môn nghệ thuật truyền thống, đã được nhiều nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc biến hóa thành cách tham nhũng an toàn trong thời gian dài. Tuy nhiên, cách thức trên đã trở thành « nạn nhân » mới trong chiến dịch « bàn tay sạch » của Bắc Kinh. Tờ Le Figaro phản ánh hiện tượng này dưới tựa đề : « Tham nhũng ẩn mình sau thư pháp Trung Quốc ».
Từ một năm nay, với chiến dịch « bàn tay sạch », ông Tập Cận Bình yêu cầu công chức của Đảng hạn chế « tài năng » nghệ sĩ của mình. Từ đó, công việc kinh doanh tại khu phố thư pháp ngay cạnh Tử Cấm Thành trở nên ế ẩm. Một người kinh doanh tại đây cho biết : « Không ai dám mua hay bán tác phẩm của các cán bộ Đảng đương chức. Còn tác phẩm của các quan chức nghỉ hưu thì chẳng còn giá trị ».
Đây là biện pháp mới của Ủy ban kiểm tra kỉ luật Trung ương Đảng, sau khi đã « sờ gáy » những sở thích sang trọng của quan chức, như sưu tập rượu quý, đồng hồ hay xe hơi hạng sang của Đức. Kết quả là nhiều cán bộ đương nhiệm đã phải từ chức tại các hội thư pháp-hội họa vì theo nhận định của Ủy ban, loại hình nghệ thuật này là một cách hối lộ tinh vi, với nhiều cách thức khác nhau.
Một cán bộ cấp cao, nắm quyền quyết định, viết thư pháp hay vẽ tranh ngoài giờ làm việc. Các nhà đầu tư hay chủ doanh nghiệp giầu có được mời tới để thưởng thức tác phẩm. Và người nào mua một trong những tác phẩm đó sẽ trúng thầu một dự án bất động sản. Thậm chí, để bán tác phẩm với giá cao nhất, nhiều cán bộ còn tổ chức bán đấu giá tác phẩm của mình song song với các thông báo mời thầu của chính quyền địa phương. Cán bộ có chức càng cao, tác phẩm càng có giá trị. Các doanh nhân hay những người muốn mở công ty cũng thường treo thư pháp của một cán bộ để chứng tỏ có « quan hệ ».
Một cách thức khác, cán bộ của đảng bán tranh tại các triển lãm dưới một tên giả. Thế nhưng, các doanh nhân vẫn « tinh ý » nhận ra được dấu ấn của tác giả nhờ sự giúp đỡ của một chuyên gia được trả thù lao hậu hĩnh. Khi đã mua được bức tranh, doanh nhân sẽ tới chào và thể hiện sự ngưỡng mộ tài năng đối với tác giả trước khi chuyển qua chuyện làm ăn.
Một số quan chức cấp cao trao đổi tác phẩm với các nghệ sĩ nổi tiếng. Những người này không dám từ chối. Trong khi, tác phẩm thư pháp của quan chức đó chẳng có giá trị gì, thì tác phẩm của người nghệ sĩ được vị quan chức rao bán với giá vài trăm nghìn nhân dân tệ.
Mới đây, tờ Trung Quốc nhật báo (China Daily) phản ánh trường hợp một trợ lý giám đốc Phòng Tuyên truyền của tỉnh Giang Tô. Trị giá các tác phẩm của cựu cán bộ này lên tới 1,7 triệu euro. Khi nghiên cứu thị trường bất động sản tại đây, các nhà điều tra đã phát hiện rằng nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chi tới 15 200 euro để mua một tác phẩm của ông.
Bài viết dẫn lại lời một chuyên gia về thư pháp, kết luận : « Học thư pháp như leo núi. Cần phải có lòng kiên nhẫn trước khi lên tới đỉnh. Để trở thành một bậc thầy nổi tiếng ngày nay, phải nắm được hết các kỹ thuật của các bậc tiền bối trước khi phát triển phong cách riêng của mình. Các nhà lãnh đạo và cán bộ hiện nay chỉ ở trình độ rất thấp. Các bức vẽ nguệch ngoạc của họ chẳng có giá trị gì thế nhưng được bán với giá rất cao ».
Trung Quốc chống hoang mạc hóa tại thị trấn Minqin
Trái ngược với cuộc sống xa hoa của các nhà lãnh đạo, người dân tại thị trấn Minqin lao đao vì thiếu nước và khó khăn đối mặt với tình trạng sa mạc hóa. Đặc phái viên của Le Monde phản ánh quá trình chiến đấu chống hoang mạc của Trung Quốc tại thị trấn nhỏ bé này.
Ốc đảo Minqin đang bị sa mạc gặm nhấm từ hai phía : phía đông là sa mạc Tengger và phía tây là sa mạc Badain Jaran, cả hai đều bắt nguồn từ sa mạc Gobi khổng lồ. Tại đây, lượng mưa rất ít, chỉ đạt 120 mm/năm.
Trung Quốc đang chiến đấu không mệt mỏi chống tình trạng sa mạc hóa. Một mặt, nhà nước tạo một vùng đệm, trồng các cây thích nghi với khí hậu sa mạc để bảo vệ khu vực đất trồng trọt. Mặt khác, chính phủ áp dụng chính sách di dân. Thế nhưng, do chỉ đạo từ trung ương nên chính sách này bộc lộ nhiều thiếu sót. Nhà mới cho dân không đủ khả năng chống lại điều kiện khắc nghiệt tại đây vào mùa đông. Hơn nữa, địa điểm các khu nhà mới nằm quá xa trục đường chính. Ngoài ra, các cánh đồng xung quanh cũng khô hạn như tại địa điểm cũ. Những gia đình không chịu di dời cũng phải trả giá đắt khi tiền trợ cấp bị cắt bỏ và họ không được quyền canh tác tại nơi ở cũ.
Minqin đang phải trả giá cho những sai lầm về quản lý. Từ những năm 1970, chính phủ chú trọng phát triển nông nghiệp tại vùng này, dù đất đai màu mỡ song thiếu nước. Toàn bộ nền nông nghiệp trong vùng phụ thuộc vào nước từ sông Thạch Dương (Shiyang), trong khi nhu cầu nước ở Minqin còn cao hơn các nơi khác. Do thiếu nước, người dân khoan rất nhiều giếng khơi. Nguồn nước ngầm giảm dần và không còn đủ để tưới cho hàng rào cây bảo vệ tự nhiên.
Ngoài sai lầm do con người, còn phải kể tới vấn đề thay đổi khí hậu, không chỉ ở Minqin mà trên toàn bộ khu vực sa mạc ở phía Bắc Trung Quốc. Một chuyên gia về khí hậu cho rằng nguyên nhân của việc sa mạc hóa là do chính sách quản lý đất đai. Ngoài ra, lượng mưa và tuyết rơi thay đổi trong vài năm gần đây còn do yếu tố khí hậu.
Dù đã đạt được một số kết quả khả quan, song chính phủ vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác, như giải quyết tranh chấp nguồn nước giữa các khu dân cư tại đây. Ngoài ra, nhà nước còn phải huy động tình nguyện viên trồng cây tại vùng đệm, tiếp theo đó là tìm người chăm sóc hàng rào xanh xung quanh Minqin. Từ năm 2007, chính phủ của thủ tướng Ôn Gia Bảo đã chi 4 tỉ nhân dân tệ để phục hồi Minqin. Thế nhưng, cho tới nay, quỹ này đã cạn kiệt.
Vai trò của Hoa Kỳ trong thế giới đa cực
Từ khi Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á (AIIB) được thành lập, Trung Quốc trở thành một đối trọng của Mỹ. Vậy, Hoa Kỳ giữ vai trò lãnh đạo như thế nào trong thế giới đa cực ? Báo Le Monde dẫn lại phần phân tích của một giáo sư đại học Bologne tại Ý.
Hoa Kỳ không còn lựa chọn nào khác là phải chấp nhận một thế giới không còn như trước, được xây dựng trên sự đối đầu giữa hai cực hay sự thống trị của Mỹ từ khi Liên Xô sụp đổ.
Từ giờ, thế giới phát triển theo nguyên tắc đa cực, xuất phát từ việc các nền kinh tế mới trỗi dậy. Các nước trong khối G7, đặc biệt là Hoa Kỳ, sẽ phải cạnh tranh và hợp tác không chỉ riêng với Trung Quốc mà còn với các quốc gia đang lên như Ấn Đô, Brazil, cũng như các thành viên khác của khối G20.
Trung Quốc đã khai thác tầm ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của mình để tạo nên một trật tự kinh tế mới, nơi đồng đô la không còn độc quyền ngự trị. Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thay đổi thành công hệ thống tiền tệ thế giới. Từ giờ, các loại tiền tệ khác nhau được phép đưa vào giao dịch. Đây là một cuộc cách mạng giúp giảm bớt rủi ro và ảnh hưởng xấu từ các cuộc khủng hoảng tiền tệ. Đồng thời, nó cũng giúp tách rời hệ thống tiền tệ thế giới khỏi những điều kiện kinh tế và lợi ích của một quốc gia duy nhất.
Dĩ nhiên, Trung Quốc muốn đồng tiền nước mình đóng vai trò trung tâm trong hệ thống này để phản ánh đúng sức mạnh của mình dưới danh nghĩa là đầu tầu tăng trưởng và là chủ nợ lớn nhất thế giới. Từ năm 2009, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khuyến khích sử dụng đồng nhân dân tệ đối với các giao dịch trong khu vực, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la đối với các thanh toán quốc tế. Mở rộng sử dụng nhân dân tệ chỉ là bước đầu dẫn tới thành lập một trật tự thế giới đa cực.
Trung Quốc cũng khởi xướng sự thành lập nhiều tổ chức đa phương mới. Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) cũng nằm theo đường hướng mà Trung Quốc định ra với Ngân hàng Phát triển mới, liên kết giữa các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Hoa Kỳ không thể phủ nhận cần phải thay đổi và phải đối thoại với Trung Quốc về vấn đề cải cách quản lý toàn cầu nếu không muốn mất khả năng định hình cho tương lai.
Bangladesh : « Nô lệ » của ngành may mặc vẫn bị tước quyền lợi
Đã hai năm trôi qua từ sau thảm kịch tòa nhà Rana Plaza (Bangladesh) sập đổ, khiến hơn 1000 công nhân thiệt mạng. Tuy nhiên, các cải cách lao động vẫn chưa hoàn thiện và gia đình các nạn nhân vẫn chưa được bồi thường đủ. Báo Libération trở lại vấn đề này trong bài : « Rana Plaza : « Nô lệ » của ngành may mặc vẫn không có quyền lợi ».
Trong tổng số 30 triệu đô la bồi thường cho các gia đình nạn nhân, vẫn còn thiếu 6 triệu (5,6 triệu euro). Khoảng 10 nhãn hiệu sản phẩm vẫn chưa chịu dốc hầu bao. Số tiền đóng góp của mỗi nhãn hiệu được đánh giá dựa trên mối liên hệ giữa các nhãn mác với Bangladesh, và với các xưởng may mặc tại Rana Plaza. Chỉ có Primark của Anh và Loblaw của Canada đã cung cấp đủ số tiền yêu cầu.
Ngoài tiền bồi thường, điều kiện làm việc của người lao động tại đây vẫn đầy bất trắc, dù nhiều hứa hẹn đã được đưa ra. Các nhà đấu tranh vì nhân quyền mong muốn chính phủ và các thương hiệu quốc tế phải nỗ lực hơn nữa để các tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng đối với quyền lợi của người lao động. Sau thảm họa Rana Plaza, đã có nhiều cải thiệnn, song vấn đề theo dõi việc tuân thủ các quy định vẫn là một thách thức lớn tại đây. Từ cuối năm 2013, mức lương tối thiểu của công nhân may mặc đã được tăng lên 63 euro/tháng, thay vì 39 euro như trước đây.
Một số thông tin khác
Âm mưu tấn công một số nhà thờ tại Villejuif, ngoại ô Paris, được phát giác ngày 19/04 vừa qua, vẫn được báo chí Pháp quan tâm trong số ra ngày hôm nay. Le Figaro xoay quanh dự luật kiểm soát thông tin đang được thảo luận tại Quốc hội. Les Echos nhận định chính phủ lại phải đối mặt với nguy cơ khủng bố.
Chương trình cải cách giáo dục là chủ đề phân tích của hai tờ Libération và Le Figaro. Không chỉ các cổ ngữ, như chữ la tinh hay chữ Hy Lạp, thậm chí tiếng Đức và cổ sử Pháp cũng sẽ là đối tượng giảm tải của chương trình giáo dục mới.
Kỉ niệm 100 năm diệt chủng Armenia là thông tin chính trong mục thời sự quốc tế. Đây vẫn là chủ đề cấm kị tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng nước này chia buồn tới dân tộc Armenia nhưng vẫn bảo vệ giả thuyết « tàn sát lẫn nhau ».
No comments:
Post a Comment