Monday, April 27, 2015

Sài Gòn trước ngày thất thủ

Sài Gòn trước ngày thất thủ

Sự kiện đang được tường thuật


Nhắn tin trực tiếp


12:48

Trong hình là các phi công Không quân Hoàng gia Úc trong chiến dịch 'Baby Lift' nhằm đưa trẻ em mồ côi ra khỏi miền Nam Việt Nam trước ngày Sài Gòn thất thủ.
Theo số liệu thống kê chính thức, hơn 3.000 trẻ em Việt Nam đã được đưa sang Hoa Kỳ và các quốc gia khác như Úc, Pháp, Canada, trong thời gian từ 3/4 đến 26/4 năm 1975.

12:35

Ý thức về tự do và kinh tế thị trường đã ăn sâu vào xã hội miền Nam Việt Nam, giúp nơi đây trở thành bàn đạp cho Đổi Mới.
Nhận định trên được một người làm việc ở Sài Gòn trước 1975 nói với BBC trong dịp đánh dấu 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, từng là phụ tá Tổng trưởng Tài chính thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, trao đổi với BBC từ California, Hoa Kỳ. Ông cho rằng chính sách viện trợ của Hoa Kỳ không những không giải quyết được các vấn đề của miền Nam thời bấy giờ, mà còn gây thêm nhiều khó khăn.
"Ý thức về tự do và kinh tế thị trường đã ăn sâu vào xã hội ở miền Nam", ông nói.
"Không khí, tinh thần kinh doanh, làm việc ở miền nam là điều còn kế thừa được sau một giai đoạn ngắn ngủi, đầy tai ương, chết chóc."
"Bây giờ cũng vậy, những người ưu tú nhất của miền bắc cũng đi vào trong nam và tìm đến không khí tự do, cởi mở, thông thoáng, rộng rãi. Đó là di sản mà người ta cứ tưởng đã mất, nhưng vẫn còn đó."
"Đó là đóng góp của miền Nam, vùng đất nhiều vấn đề, tai ương, nhưng cũng là nơi cho nhiều cơ sở để có thể bùng lên sau thời kỳ Đổi Mới."

12:08

Việt Nam đã để mất cơ hội trở thành một cường quốc sau năm 1975 do coi thường các thành quả trong chính sách của Việt Nam Cộng hòa.
Nhận định trên được Tiến sỹ Vũ Minh Khương, từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 25/4.
"Sau năm 75, tôi từ Bắc vào làm việc ở TP.HCM thì thấy trình độ quản lý của các cơ sở tiếp quản từ doanh nghiệp miền Nam rất tốt, kể cả từ mặt thiết bị, tính chuyên nghiệp, sổ sách, tính quy hoạch. 

"Rõ ràng là có dấu ấn của nỗ lực khá tốt trong việc xây dựng một nền kinh tế thị trường có hiệu quả."

"Tôi thấy trong bối cảnh của miền Nam sau 75 thì ý thức học hỏi của Việt Nam rất hạn chế vì tâm lý là người chiến thắng. Khi đó miền Bắc nhìn nhận mọi vấn đề ở miền Nam một cách rất coi thường, đánh giá thấp, không trân trọng những gì họ đã làm được.", ông nói.

"Tôi từng làm việc ở một trung tâm tính toán và thấy tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ ở đó rất cao. Họ tận tình chỉ bảo nhau rất kĩ càng mà tôi là người mới vào, được chỉ dẫn rất rõ."

"Hệ thống IBM hiện đại lúc đó còn để lại, duy trì hàng chục năm mà vẫn còn giúp cho miền Bắc rất nhiều, từ xây dựng Thủy điện Sông Đà, tới tuyển sinh và quản lý hoàn toàn hệ thống điện lực ở miền Nam, rất hiệu quả."

"Cũng không hề có tham nhũng tiêu cực ở đó, tính chuyên nghiệp rất cao. Đồng lương thì khiêm nhường nhưng anh em làm việc ở đó gắn bó tình cảm lắm. Sau này thì mọi người ly tán, mỗi người đi một nơi, xuất cảnh ra nước ngoài."

"Sau này nghĩ lại tôi thấy chúng ta rõ ràng đã làm tổn thất một nguồn lực rất lớn, từ ý chí dân tộc đến tính chuyên nghiệp đã được đào tạo ở chế độ cũ, cũng như sự gắn bó giữa người dân hai miền."

11:41

Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, cựu phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam, nói với Hồng Nga tại TP HCM: "Hãy để thế hệ trẻ làm công việc hoà hợp hoà giải một cách tự nhiên và phù hợp hơn chúng ta nhiều lần".

11:35

Chính quyền ngày nay học được gì từ Việt Nam Cộng hòa?
"Nói chung nền kinh tế VNCH là một nền kinh tế thị trường có nhiều tiềm năng, nếu được phát triển trong hòa bình thì sẽ có nhiều khả năng phát triển tốt hơn là chính sách phát triển tập trung sau 30/4/1975", chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói với BBC.
"Nếu có hòa bình thì những chính sách phát triển kinh tế bắt đầu từ nền Đệ nhất Cộng hòa vẫn được duy trì, như khu công nghiệp Biên hòa, các trung tâm phát triển công nghiệp. Khi đó chúng ta đã học dần dần và tích lũy kinh nghiệm, bắt đầu đi lên."
"Tuy nhiên, sau 30/4 thì tất cả những kinh nghiệm đó bị chặn đứng, áp dụng kế hoạch tập trung của miền Bắc vào miền Nam, bao nhiêu doanh nghiệp bị quốc hữu hóa, doanh nhân thì vào trại cải tạo hoặc bỏ xứ ra đi."
Ông Thành cho rằng có ba bài học lớn mà chính quyền ngày nay cần tiếp thu từ Việt Nam Cộng hòa.
Thứ nhất "kinh tế là việc của nhân dân chứ không phải của chính phủ, chính phủ không làm kinh tế. Đó là bài học lớn nhất".
"Kinh tế làm sao phải lan tỏa được để mọi người có thể tham gia, làm sao để tổ chức mà cả hệ thống chính trị, hệ thống hành chính tạo điều kiện cho người dân tham gia bình đẳng vào vấn đề kinh tế."
Thứ hai là vấn đề trọng dụng nhân tài trong hệ thống quản lý nhà nước, ông cho biết.
"Ở miền Nam khi đó không có vấn đề là đảng viên hay ở trong hệ thống tổ chức nào mới được trọng dụng."
"Đến bây giờ chúng ta thấy rằng toàn thể Việt Nam vẫn ở trong hệ thống Đảng Cộng sản, không phải đảng viên thì không được gì, mà chưa hẳn là 4 triệu đảng viên cộng sản đã là tinh túy nhất của toàn dân Việt Nam."
Thứ ba là hệ thống giáo dục mở nhằm tiếp nhận những kiến thức, kinh nghiệm mới.
"Ở miền Nam trước 75 thì là một nền giáo dục rất mở, người sinh viên và các thầy giáo được quyền tiếp cận các nền giáo dục, tư tưởng, dù là tư bản hay cộng sản, không hạn chế," ông nói.
"Giáo dục miền Bắc khi đó chỉ có Marxist thôi, không được đọc sách báo, không nghe về tư bản chủ nghĩa, không nghe BBC, radio thì bị khóa không được mở các tần số đấy."
"Dư âm của một nền văn hóa tập trung vẫn khiến Việt Nam bị hạn chế cho đến nay."

10:49

Học giả Hoa Kỳ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Jonathan London chia sẻ trên FB và trang blog cá nhân của ông một bài viết nhân dịp 30/4. Ông viết:
"Nhân dịp kỷ niệm ngày 30/4/1975 xin chia sẻ với mọi người bài hát “Bức Tường” do Bruce Springstein (Mỹ) viết và biểu diễn (ở trên). Mời các bạn nghe/xem bài và tìm hiểu về lời hát cả tiến Anh lẫn tiếng Việt. (ở dưới). Cảm ơn bạn Ian Bùi dịch sang Việt.
http://bit.ly/S510Tx
"Bức tường trong bài hát chính là Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, hay Bức tường Chiến tranh Việt Nam. Nhưng, bài hát không phải là về bức tường mà là về những cảm giấc liên quan đến kính nghiệm chiến tranh tại Việt Nam do một người Mỹ ghi nhận.
"Trong đầu video clip trên Ông Springstein nói khi mới bất đầu lên đường âm nhạc mọi thứ đã rất khác. Thậm chí hồi ấy trong những người bạn thân trẻ của ông đã chưa có ai bao giờ lên máy bay cả. Ông nói đã rất may có hai người anh em trong cộng đồng, và đã viết bài này để nhớ đến anh trai trong hay người bạn đó. Ông Springstien đã viết bài cho bạn này và một người bạn khác mà đã đều hy sinh ở Việt Nam khi ở độ tuổi 19.
"Qua nhiều năm Ông Springstein Gặp những người cư cựu binh đã từng đánh nhau ở Việt Nam. Trong đó có những người bị thương nặng. Họ thường nói “Đừng bao giờ có (chiến tranh) nữa (tức “never again, never again”). Nhưng nói vẫn tiếp tục xây ra.
"Ông Springstein nói viết bài hát này “như một cầu kinh ngấn cho đất nước mình.” Lời đáng nhớ nhất là “apology and forgiveness got no place here at all, here at the wall.”
BỨC TƯỜNG
Bức Tường (“The Wall”, tác giả: Bruce Springsteen)
Một chai bia, chục bao thuốc lá,
Đây bài thơ tôi vừa viết cho anh
Dòng nước mắt, bức tường đen bằng đá
Hết những gì tôi còn giữ cho anhTôi còn nhớ, anh trang bộ quân phục sang sảng cười trong buổi tiệc lên đường
Tôi có đọc đâu đó lời xin lỗi Từ McNamara, bộ trưởng quốc phòng
Đôi giày bốt và chiếc áo thun sọc,
Trông anh ngầu quá cỡ, Billy ơi
Ban nhạc rock của anh, thôi khỏi nói, số dách của cái làng như cứt này
Những người đã đưa anh vào chỗ chết đang no nê trong nhà cửa cao sang
Đâu còn chỗ cho những lời tạ lỗi hay thứ tha trên bức tường đá đen
Tôi ân hận năm ngoái không đi đón, vì chẳng tìm ra ai để quá giang
Nếu mắt anh nhìn xuyên được hắc thạch, không biết còn có nhận ra tôi chăng
Người ở lại tháng năm không ngừng nghỉ, chay bia, thuốc lá, làn da áp đá đen
Dưới đất thẻ bài, hoa, vòng nơ đỏ,
Như máu anh đỏ bùn đất Cao Nguyên
Trên đại lộ Pennsylvania xe li-mô qua lại
Tung toé bay những cánh lá thu vàng
Đâu còn chỗ cho những lời tạ lỗi hay thứ tha trên bức tường đá đen./.
http://bit.ly/S510Tx

10:28

Đây là một bức hình từ buổi tổng duyệt cho lễ diễu binh 30/4 tới, được cho là tạo dựng lại con voi của nữ tướng Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) và xe tăng của quân đội miền Bắc. Tuy nhiên, các hình mẫu này đều được chế tạo với giấy bồi. Lễ diễu binh sẽ được tổ chức sáng 30/4 tại TP Hồ Chí Minh, theo phóng viên Hồng Nga của BBC hôm 28/4.
Trước đó, báo chí nhà nước cũng đưa tin sẽ có cấm đường ở nhiều tuyến phố trong lộ trình diễu bình hôm thứ Năm tuần này.
Tờ Đởi sống & Pháp luật Online dẫn lời quan chức TP. Hồ Chí Minh cho hay vành đai các tuyến đường vào khu tổng duyệt binh, diễu hành chuẩn bị tại trung tâm thành phố bị cấm lưu thông, phong tỏa nghiêm ngặt từ 4h đến 12h ngày 26/4.
Tờ này nói thời gian cấm bắt đầu từ 4h đến 12h. Các tuyến vành đai cùng đường bên trong bị cấm gồm Nguyễn Thị Minh Khai – Nguyễn Bỉnh Khiêm – Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi – Phạm Hồng Thái – Lê Lai – Cách Mạng Tháng Tám.
"Trong đó, đường Cách Mạng Tháng Tám, Lê Lai, Hàm Nghi được lưu thông bình thường, nhưng người dân không được đi vào các con đường bên trong vành đai."
Theo kế hoạch của chính quyền, chương trình tổng duyệt sẽ diễn ra vào ngày 28/4, tuy nhiên "do rơi vào ngày thường, mật độ giao thông sẽ rất lớn nên thành phố đã kiến nghị tổ chức diễn tập vào ngày 26/4, tức ngày chủ nhật để ít ảnh hưởng đến đi lại của người dân hơn."
Tờ báo nói thêm:
"Trong các trường hợp người dân phải đi cấp cứu quanh khu vực vành đai cấm đều đã có đội ngũ y tế, xe cấp cứu được bố trí. Ngoài ra, người dân cũng có thể lựa chọn các bệnh viện bên ngoài khu vực giới hạn của nơi tổ chức lễ."

09:31

Từ miền Nam California, ông Lê Xuân Khoa, cựu giáo sư Đại học John Hopkins, nêu quan điểm với BBC về nên gọi ngày 30/4 là gì.
Ông nói:
"Gọi là Ngày Chiến thắng hay Quốc hận là tùy theo đứng về phía thắng trận hay thua trận. Về phía thắng trận, càng ngày về sau chữ chiến thắng nó mất dần ý nghĩa đi. Ngay cả trong nội bộ phía thắng cũng thấy nó mất đi ý nghĩa. Tại vi sau khi thắng trận không bao lâu thì các lãnh đạo miền Bắc có sự bội ước với miền Nam, tức là bản chất giải phóng miền Nam. Thứ hai là họ áp dụng chế độ đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân. Có lẽ vì thế những năm sau này người ta dùng nhiều hơn từ Thống nhất.
"Nhưng đối với người Việt ở hải ngoại, ngoài chữ Quốc hận thì phải có thêm một chữ ‘Ngày tìm tự do’ bởi vì đáng lẽ thống nhất lòng người mà người ta lại bỏ ra đi thì như vậy có sự chia rẽ nặng nề vấn đề dân tộc.
"Chữ Quốc hận là đứng về phía cộng đồng hải ngoại. Lý tưởng mà nói hận thù cần phải xóa bỏ, cần phải quên đi. Là con người không ai muốn nuôi hận thù làm gì nhưng chữ Quốc hận đến giờ không thể bỏ được. Người ta muốn quên nhưng không bỏ được cho đến chừng nào có sự thay đổi trong nước tức là thật sự bảo vệ quyền lợi đất nước đối với Trung Quốc và đi vào con đường thật sự của dân, do dân, vì dân, thật sự dân chủ hóa đất nước. Như vậy sẽ hóa giải hận thù đi. Từ chỗ hóa giải hận thù chữ Quốc hận cũng bỏ được.
"Trong tương lai hy vọng đến một ngày nào đó sẽ không còn dùng chữ Quốc hận nhưng cho đến ngày đó thì người ta còn đầy đủ lý do để dùng chữ Quốc hận," Giáo sư Lê Xuân Khoa nói với BBC.

09:25

Với tựa đề "Đại thắng mùa Xuân 1975 - sự kiện khẳng định ý chí thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Mình", trang nhất của Tạp chí Quốc phòng Toàn dân (điện tử) đăng bài viết đánh dấu ngày 30/4 của Đại tướng Phùng Quang Thanh (trái, ảnh trên), Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.
Bài viết có đoạn: "
"Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - Phủ Tổng thống ngụy - toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn bị bắt và phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ngay sau đó, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và các đảo còn lại như Thổ Chu, Côn Đảo, Phú Quốc đã được giải phóng. Cả miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn liền một dải từ Móng Cái đến mũi Cà Mau. Nhân dân ta đã thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào và chiến sỹ cả nước như thấy có bóng Bác trong ngày vui toàn thắng.
'MỸ CÚT, NGỤY NHÀO'
"Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam, khẳng định ý chí thống nhất đất nước không gì lay chuyển nổi của nhân dân ta, được hun đúc bởi truyền thống chống ngoại xâm qua lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Tiêu biểu cho ý chí, quyết tâm cao độ đó và cũng là linh hồn của cuộc kháng chiến chính là Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố cơ bản nhất, quyết định nhất thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tầm cao trí tuệ, Đảng ta đã đánh giá đúng tình hình, chỗ mạnh, chỗ yếu của đế quốc Mỹ, định ra đường lối chiến lược xuyên suốt sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với hai giai đoạn: “đánh cho Mỹ cút” tiến tới “đánh cho ngụy nhào”; đồng thời, đề ra sách lược cách mạng thích ứng với từng giai đoạn của cuộc kháng chiến. Đường lối chiến lược và sách lược cách mạng đó của Đảng không những rất phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, mà còn phù hợp với tình hình thế giới trong thời kỳ này.
THẮNG LỢI ĐƯỜNG LỐI
"Nó mang đậm tính cách mạng, khoa học, phát huy cao nhất các nhân tố dân tộc và thời đại, kết hợp sức mạnh trong nước và quốc tế. Đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sự kế thừa, phát triển ở tầm cao mới, trong điều kiện mới của đường lối độc lập, tự chủ, tự lực cánh sinh, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây.
"Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền có quan hệ chặt chẽ với nhau, đó là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhằm thực hiện một mục tiêu chung: hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đánh giá, phân tích vị trí, vai trò của hai chiến lược cách mạng ở hai miền, Đảng ta chỉ rõ: “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam có tác dụng quyết định trực tiếp đối với việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, còn cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà”

No comments:

Post a Comment