Wednesday, April 22, 2015

Tôn Tử Binh pháp. Thiên thứ mười một: Cửu địa



Tôn Tử Binh pháp. Thiên thứ mười một: Cửu địa

VietnamDefence - Tôn Tử nói: Trong binh pháp có chín thế đất khác nhau: Thế đất ly tán; Thế đất dễ lui (vào cạn); Thế đất tranh giành; Thế đất giao thông; Thế đất ngã tư; Thế đất khó lui(vào sâu); Thế đát khó đi lại; Thế đất vây bọc; Thế đất chết kẹt.
Chư hầu tự đánh trên đất mình, đó là thế đất ly tán.

Vào đất người chưa được sâu, đó là thế đất vào cạn hay dễ lui.

Ta chiếm được thì lợi cho ta, địch chiếm được thì lợi cho địch, đó là thế đất tranh giành.

Ta đi lại dễ dàng, địch đi lại cũng dễ dàng, đó là thế đất giao thông.

Đất tiếp giáp với ba nước chư hầu, ai đến trướcthì giao kết được với dân chúng trong thiên hạ, đó là thế đất ngã tư.

Đi sâu vào đất nước của người, đã vượt qua nhiều thành ấp của địch, đó là thế đất vào sâu hay khó lui.

Ở những vùng núi rừng hiểm trở, có nhiều đầm lầy, các đường xá đi lại rất khó khăn, đó là thế đất khó đi lại.

Lối vào thì chật hẹp, lối ra thì quanh co, binh địch ít có thể đánh được binh ta nhiều, đó là thế đất vây bọc.

Đánh gấp thì còn sống, không dám đánh gấp thì phải thua chết, đó là thế đất chết kẹt.

Bởi thế cho nên:

Ở đất ly tán thì không nên đánh đường hoàng.

Ở đất vào cạn (dễ lui) thì chớ dùng binh.

Ở đất tranh giành thì chớ tấn công.

Ở đất giao thông thì chớ đóng binh ngăn đường.

Ở đất ngã tư thì nên kết giao với các nước chư hầu.

Ở đất vào sâu (khó lui) thì nên cướp đoạt.

Ở đất khó đi lại thì nên bỏ đi nơi khác.

Ở đất vây bọc thì nên dùng mưu.

Ở đất chết kẹt thì nên liều đánh

Ngày xưa kẻ giỏi dùng binh có thể khiến cho quân địch trước sau mất liên lạc, binh nhiều và ít không thể cậy nhờ nhau, người sang và kẻ hèn không thể cứu nhau người trên và kẻ dưới không thể giúp nhau, sỹ tốt ly tán mà không thể tập trung được, binh tụ hợp mà không thể chỉnh tề kẻ dùng binh thấy có lợi thì dấy không có lợi thì dừng.

Nếu quân địch kéo đến đông đảo và chỉnh tề thì ta phải làm thế nào?

Trước hết hãy đoạt hết chỗ thiết yếu của chúng, như thế ắt chúng phải nghe theo ta. Việc binh cốt yếu phải mau lẹ, thừa dịp địch không kịp xoay trở, ta đi theo những đường lối mà chúng không ngờ tới để đánh vào những chỗ mà chúng không phòng bị.

Binh giữ vai khách ở nước người, tiến vào sâu thì được chuyên nhất, chủ nhân không thể khắc trị nổi. Ta chiếm đoạt những đồng ruộng phì nhiêu để nuôi sống ba quân; ta bồi dưỡng sĩ tốt đừng bắt họ làm lụng vất vả, để dồn chứa khí lực cho họ, khi động dùng thì dùng mưu kế lạ khiến cho kẻ địch không thể lường được.

Ta ném binh vào chỗ không thể tháo lui nên binh ta dẫu chết cũng không trốn chạy thế mà không lẽ chịu chết mà không được gì sao bởi thế nên sĩ tốt hết lòng chiến đấu.

Binh sĩ bị vây hãm quá mức ắt không còn lo lắng sợ hãi nữa, không có chỗ chạy nên phải vững chí, tiến vào sâu nên không bị trói buộc cực chẳng đã phải đánh vậy. Cho nên binh ấy không cần phải căn dặn gì mà vẫn giữ gìn, không cầu mong mà được lòng sĩ tốt, không cần ước thúc mà thương yêu bề trên không ccàn nói mà đã tin cậy. Cấm bàn điềm gở, trừ khử nghi ngờ thì binh ấy đến chết cũng không thay lòng.

Sĩ tốt ta không thừa tiền của không phải họ ghét tiền của, họ không tiếc tính mạng không phải họ ghét sống lâu. Ngày ra lệnh sĩ tốt kẻ thì ngồi khóc nước mắt chảy ướt áo, kẻ thì nằm khóc lệ tràn ướt má. Ném binh ấy và chỗ không chạy được thì họ sẽ dũng cảm như Chuyên Chư và Tào Quệ.

Binh biết dùng sẽ như con suất nhiên. Suất nhiên là giống rắn ở Thường Sơn. Đánh vào đầu thì đuôi quặt lại đâm, đánh vào đuôi thì đầu quay lại cắn, đánh vào mình thì đầu đuôi đều quặp vào giữa.

Có thể dùng binh như con suất nhiên được không?

Có thể. Người ở nước Ngô và người ở nước Việt tuy ghét nhau nhưng khi ngồi chung một thuyền để qua sông gặp phải sóng gió, thì cùng cứu nhau như tay trái và tay phải vậy.

Trói chân ngựa chôn bánh xe đều chưa đủ tin rằng đứng yên một chỗ. Làm sao cho mọi người cùng một lúc trở nên bạo dạn như một người, như thế mới đúng là phép cầm binh. Ba quân cứng hay mềm mạnh hay yếu, đều có thể dùng được cả, đó là nhờ địa thế vậy. Cho nên kẻ giỏi dùng binh, sai sử ba quân giống như dẫn dắt một người thành thử họ cực chẳng đã phải tuân theo vậy.

Khi mưu đồ việc gì bậc tướng súy phải lặng lẽ để được sâu kín, phải ngay thẳng chỉnh tề để được trị được yên, phải bịt tay che mắt sĩ tốt khiến cho họ chẳng biết được ý mình, phải đổi công việc thay mưu kế khiến cho sĩ tốt không hiểu được việc mình, phải dời chỗ ở dẫn binh đi quanh co, khiến cho sĩ ttố không lường được kế mình.

Tướng sĩ dẫn binh đi lâm trận cũng như leo lên cao rồi vứt thang đi; dẫn quân đi sâu và đất chư hầu, đốt thuyền đập nồi để phát động tâm cơ của sĩ tốt, giống như là xua một bầy dê xua qua thì qua xua lại thì tìm lại, chẳng biết là đi đâu; nắm ba quân, ném vào nơi hiểm yếu đó là công việc của tướng súy.

Cách ứng biến của chín thế đất, điều lợi hại sự co duỗi, lẽ thường của nhân tình, đó là những điều mà tướng súy không thể không xét kỹ.

Theo phép đem quân giữ vai khách ở nước người thì :
Vào sâu ắt được chuyên nhất.

Vào cạn ắt phải ly tán.

Ra khỏi nước mình, vượt biên giới để đóng quân đó là đất cách tuyệt.

Giao thông được bốn nước đó là đất ngã tư.

Đã vào sâu rồi đó là đất khó lui.

Mới vào cạn đó là đất dễ lui.

Mặt sau hiểm trở không lui được, mặt trước có đèo ải khó qua,đó là ở đất vây bọc.

Không có lối thoát đó là ở đất chết kẹt.

Bởi thế cho nên:

Ở đất ly tán, ta thống nhất ý chí của ba quân.

Ở đất dễ lui, ta cho ba quân đi liền nhau vì đó đồn trấn giữ liền nhau.

Ở đất tranh giành, ta đem quân đánh vào lưng địch.

Ở đất giao thông, ta giữ gìn cẩn thận.

Ở đất ngã tư, ta củng cố tình giao hảo với các nước chư hầu.

Ở đất vào sâu (khó lui), ta lo chu cấp đều dặn lượng thực cho quân sĩ.

Ở đất chết kẹt, ta cho sĩ tốt biết rằng không thể sống còn

Ở đất vây bọc, ta cho bít chỗ hở.

Ở đất khó đi lại, ta đi qua khỏi cho gấp rút.

Cho nên tình trạng việc binh phải như sau:

Bị vây thì phải chống cự.

Cực chẳng đã nên phải đánh.

Bị địch bức bách quá nên phải tuân lệnh tướng súy.

Không biết được mưu kế của chư hầu thì không tính trước việc kết giao.

Không biết hình thế núi rừng, đầm lầy hiểm trở như thế nào thì không thể hành quân.

Không dùng kẻ hướng đạo thì không thể lấy địa lợi.

Trong những điều đấy không biết một thì không đáng gọi là binh của bậc bá vương.

Binh của bậc bá vương hễ đánh nước lớn nào thì khiến cho binh của họ không thể tụ hợp được, uy hiếp địch đến nỗi các nước khác không giám đến kết giao với địch.

Bởi thế cho nên không cần tranh giành việc kết giao với thiên hạ, không cần bồi đắp quyền thế của mình đối với thiên hạ, chỉ tin cậy thực lực riêng của mình để uy hiếp địch quốc nên có thể đánh lấy thành của họ. Nên ban thưởng đặc biệt ra ngoài phép ban thưởng, nên ra những mệnh lệnh đặc biệt ra ngoài thông lệ thì có thể sử dụng ba quân như sai khiến một người. Bày công việc ra để sai khiến mà chớ nói trước cho biết, bày điều lợi để sai khiến mà chớ cho thấy điều hại.

Ném binh vào đất mất rồi mới còn, để binh bị vây hãm ở đất chết rồi sau mới cho sống. Để cho binh thấy sự nguy hại đe dọa rồi sau ta mới làm chủ sự thắng bại được.

Phép dùng binh là giả vờ thuận theo ý địch, dồn binh đánh vào một hướng, từ ngàn dặm đế giết tướng địch, đó gọi là khéo nên làm nên việc.

Ngày quyết định dấy binh, hãy đóng chặt các nơi quan ải, hủy bỏ phù tiết không thông sứ với địch quốc, trước phải tính toán cẩn thận chốn miếu đường để sắp đặt công việc cho được chu đáo. Thấy địch sơ hở chỗ nào thì vội len vào. Muốn đánh chiếm chỗ thiết yếu nào thì phải giấu kín ý địng của ta, phải tùy theo địch tình mà sắp đặt kế hoạch chiến đấu.

Lúc mới đầu binh phải như gái tơ, chờ địch hé cửa thì xông vào như thỏ chạy trốn khiến địch không kịp chống cự.
  • Nguồn:
    1 - vnthuquan.net.
    2 - Tôn Tử binh pháp & 36 kế / Lỗ Trung Kiệt (Duy Hinh dịch).-Thanh Hoá: Thanh Hoá, 2008, 695tr.
 
PrintPrintShare on Zing MePrintPrintPrintChia sẻ bài này lên Yahoo Messenger
E-mailPrint
 

No comments:

Post a Comment