Việt Nam 'mua tên lửa đối phó Trung Quốc'
- 1 giờ trước
Việt Nam đang trang bị cho đội tàu ngầm loại tên lửa có khả năng bắn tới các thành phố ven biển của Trung Quốc, hãng thông tấn Reuters cho biết.
Động thái trên nhiều khả năng sẽ bị Trung Quốc cho là hành động khiêu khích, Reuters nhận định.
Dữ liệu được bổ sung gần đây trên trang web của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy Việt Nam đang mua phiên bản dùng để tấn công đất liền của loại tên lửa Klub, do Nga chế tạo.
Nghiên cứu gia về vũ khí của SIPRI, Siemon Wezeman, nói thông tin này được cập nhật dựa trên hồ sơ đăng ký mà Việt Nam gửi lên Liên Hiệp Quốc hồi năm ngoái về vũ khí thông thường.
Các tùy viên quân sự và giới chuyên gia trong khu vực xem việc trang bị loại tên lửa nói trên thể hiện quyết tâm của Việt Nam nhằm đối phó với sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc.
Đây cũng được xem là một phần trong xu hướng tái vũ trang chung của các nước châu Á nhằm đáp lại căng thẳng chủ quyền đang lên cao trong khu vực.
Loại tên lửa này cũng được cho là gửi đi một thông điệp mạnh mẽ hơn loại tên lửa đối hạm mà Việt Nam dự kiến sẽ mua.
Dù tên lửa đối hạm có thể được sử dụng để tấn công bất cứ chiến hạm hay tàu ngầm nào của Trung Quốc ở Biển Đông, các vũ khí tấn công đất liền có khả năng nhắm chính xác vào các mục tiêu trong cự ly 300km.
Điều này sẽ khiến nhiều thành phố ven biển của Trung Quốc trở thành mục tiêu tiềm năng trong bất cứ xung đột nào.
Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, được Reuters dẫn lời nói động thái mới nhất là một "sự chuyển hướng lớn", khiến bản thân ông cũng phải "ngạc nhiên".
Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên trang bị tên lửa tấn công đất liền cho tàu ngầm.
Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa có phản hồi chính thức trước yêu cầu xác nhận thông tin từ phía Reuters.
Các quan chức quốc phòng Việt Nam từng nhiều lần miêu tả việc mua vũ khí, trong đó có tàu ngầm, là nhằm mục đích tự vệ.
Hãng Almaz-Antey, công ty mẹ của nhà sản xuất tên lửa Novator, từ chối bình luận về bất cứ hợp đồng bán vũ khí nào với Việt Nam.
Các mục tiêu tiềm năng
Thay vì liều lĩnh tấn công vào những thành phố như Thượng Hải, Việt Nam có nhiều khả năng sẽ tấn công vào các cảng hoặc sân bay gần hơn, như căn cứ hải quân trên Đảo Hải Nam của Trung Quốc, hoặc các mục tiêu trên những đảo mà Bắc Kinh vừa cải tạo gần đây, giáo sư Thayer nói.
Dù cùng là hai nước cộng sản, Hà Nội từ lâu đã tỏ ra lo ngại trước Trung Quốc, nhất là sau khi nước này tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng Biển Đông.
Việc Bắc Kinh đưa giàn khoan vào vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền hồi năm ngoái đã châm ngòi cho các cuộc bạo động chống Trung Quốc cũng như làm cho giới lãnh đạo ở Hà Nội giận dữ.
Trước khi có được loại tên lửa mới nhất, khả năng tấn công đất liền của Hà Nội chỉ gói gọn trong các tên lửa Scud cũ kĩ và các vũ khí từ máy bay Su-30 của Nga.
Hải quân Việt Nam gần đây đã nhận ba tàu ngầm lớp Kilo từ Nga. Chiếc thứ tư sắp được giao và chiếc thứ năm đang được thử nghiệm tại St Petersburg. Chiếc thứ sáu sẽ hoàn thành vào năm 2016.
Các tàu ngầm nói trên được Việt Nam mua từ Nga trong hợp đồng trị giá 2,6 tỷ đôla năm 2009.
Hợp đồng này bao gồm cả 50 tên lửa đối hạm và tấn công đất liền loại Klub, trong đó 28 quả đã được giao cho Việt Nam, theo SIPRI.
Số lượng tên lửa tấn công đất liền đã được giao cho phía Việt Nam vẫn chưa được công bố.
Ông Vasily Kashin, một nhà quan sát từ Moscow, nói các tàu ngầm Kilo mà Nga bán cho Việt Nam hiện đại hơn phiên bản mà nước này bán cho Trung Quốc.
Trong khi đó, Moscow cũng chưa bao giờ từng bán tên lửa tấn công đất liền Klub cho Bắc Kinh.
Trung Quốc đã tự sản xuất loại tên lửa tương tự, Ỵ-18.
Ông Tra Đáo Huỳnh, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nói động thái mới nhất của Hà Nội là một phần trong xu hướng tái vũ trang của khu vực.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng Hà Nội thừa hiểu hậu quả phải hứng chịu nếu dùng loại vũ khí này nhằm vào Trung Quốc.
"Khẩu súng đã được lên đạn, nhưng họ có dám bắn hay không"? ông nói.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa có phản hồi trước yêu cầu bình luận của Reuters.
Ông Trevor Hollingsbee, một cựu phân tích gia tình báo hải quân tại Bộ Quốc phòng Anh, nói Việt Nam đang là 'cơn đau đầu' lớn nhất của Trung Quốc tại Biển Đông.
"Mọi dấu hiệu cho thấy nước này đang học cách sử dụng tàu ngầm khá nhanh chóng ... Đây sẽ là vấn đề rất lớn cho Trung Quốc", ông nói.
No comments:
Post a Comment