Sài Gòn tập dợt kỉ niệm 30 tháng 4
Sau bốn mươi năm dài, người tứ xứ phiêu bạt, người lên thuyền tìm sang xứ sở tự do, cũng có người may mắn đặt chân lên mảnh đất hy vọng, cũng có người vĩnh viễn gửi mình nơi trùng dương. Một Sài Gòn với bao biến cố thăng trầm trong vòng chưa đầy nửa thế kỉ và con người bỗng chốc phải đối mặt với cuộc sống hết sức lạ lẫm, cay nghiệt. Người Sài Gòn hôm nay nghĩ gì về bốn mươi năm đã trải qua trọng cuộc đời? Và người Sài Gòn hôm nay ẩn chất những ý niệm gì về cái điều gọi là “lễ ăn mừng chiến thắng” nhân dịp kỉ niệm bốn mươi năm nối liền hai miền Nam Bắc mà nhà nước đang tổ chuẩn bị tổ chức với qui mô rầm rộ và hoành tráng?
Ôi Sài Gòn kẹt xe!
Trả lời câu hỏi người Sài Gòn đã trải qua những gì về bốn mươi năm đã trải qua trong cuộc đời, một cư dân Sài Gòn không muốn nêu tên, chia sẻ: “Ngày 30 tháng 4 là một ngày sai lầm của cả dân tộc. Nó sai lầm vì mặc dù nó là ngày đánh dấu ngày chấm dứt chiến tranh nhưng nó mở ra một chế độ cai trị trên toàn dân tộc, độc đoán, độc tài, níu kéo dân tộc trong nghèo khổ trong 40 năm nay, không khá lên nổi. Mặc dù họ vẫn tự hào rằng đất nước có tiến bộ, giàu có lên nhưng thực ra là chỉ là so với chính nó thôi. Như một cơ thể đói nhưng theo thời gian thì phải lớn nhưng nó không to theo chiều ngang thôi. Như so sánh với các nước láng giềng, như Singapore năm 1965 họ mới lập quốc, nhưng giờ mình so ra không bằng ai cả, so với Hàn Quốc cũng vây, hoặc như là Thái Lan. Nói chung đây là một ngày sai lầm mà tất cả mọi người Việt Nam phải chịu trách nhiệm không riêng gì cộng sản Việt Nam bởi những người cộng sản tạo ra sai lầm đã đành nhưng những người không phải cộng sản đã không dám làm gì để chống lại những sai lầm đó.”
Theo vị này, một Sài Gòn hoa lệ và thân yêu đã mất đi vĩnh viễn kể từ ngày người ta gắn cho thành phố một cái tên mới. Vấn đề cái tên không là gì cả đối với người Sài Gòn bởi mỗi cái tên gắn liền với một vùng ký ức cũng như một trường ý niệm về thuộc tính căn bản của đối tượng, cụ thể ở đây là đối tượng Sài Gòn phố.
Vị này buồn bã nói thêm rằng tâm tính của người Sài Gòn bây giờ nếu muốn biết cũng không khó khăn lắm đâu, những người Sài Gòn xưa ít muốn ra đường vào những giờ cao điểm, họa hoằng lắm họ mới đi ra đường bởi lý do công việc hay đón cháu đi học về, còn lại, người Sài Gòn xưa dù muốn hay không vẫn tiềm tàng trong huyết quản một sự dị ứng nào đó với thực tại.
Và nhìn những con đường kẹt xe, người ta có thể hình dung được tâm tính của Sài Gòn hiện tại: Hối hả, vội vàng, cuống cuồng, xô bồ, chen chúc nhau mà sống. Đó là tất cả những gì có được sau bốn mươi năm dài. Và hiện tại, nạn kẹt xe Sài Gòn tăng đột ngột bởi nhà nước chắn đường để tập dợt lễ duyệt binh mừng “kỉ niệm bốn mươi năm giải phóng”. Kết thúc câu chuyện, vị này than một câu: “Ôi Sài Gòn kẹt xe!”.
Lễ duyệt binh mừng “giải phóng”
Một cư dân Sài Gòn khác, tên Phùng, sống tại quận Phú Nhuận, Sài Gòn, chia sẻ với chúng tôi ý niệm của cá nhân ông về cái điều gọi là “lễ ăn mừng chiến thắng” sắp tới: “Kẹt xe rất nhiều, ở đường Hai Bà Trưng, trước đài truyền hình. Như tôi cũng bị kẹt ở đường Lê Duẩn. Tôi cách cháu nội có 200 – 300 mét nhưng không tài nào gặp được. May mà cuối cùng cũng được giải thoát khi chiếc xe ô tô ở trước nhích từng chút một rồi mình quay xe lại.”
Theo ông Phùng, vấn đề ăn mừng chiến thắng hay gì đó na ná như vậy là chuyện hết sức tự nhiên của con người, thậm chí có tính bản năng. Nhưng nếu xét trên cục diện chính trị và bình diện dân tộc, theo ông, với tư cách của một cựu sĩ quan Cộng sản biệt động thành, từng có nhiều đóng góp cho công cuộc chiếm lĩnh miền Nam, ông cảm thấy có một vấn đề gì đó rất khó nói cụ thể.
Nhưng dù không thể nói ra một cách cụ thể được, bởi dù sao cũng là người từng mang lựu đạn đến đồn bốt của phe bên kia để ném, từng tham gia ám sát các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, ông Phùng vẫn thấy có một chút gì đó thiếu sòng phẵng giữa con người với con người, giữa cái gọi là chủ trương lớn với những trái tim quá nhỏ nhoi khi sự nghiệp chiếm lĩnh miền Nam thành sự.
Ông Phùng nói rằng sau 30 tháng 4 năm 1975 vài ngày, ông từng ngồi ăn cơm với những người lính Việt Nam Cộng Hòa, dường như với một số người lính Cộng sản cũng như lính Việt Nam Cộng Hòa, câu chuyện chiến tranh và thù hận đã kết thúc sau khi buông súng, mặt đầy khói chiến trường và lòng đầy đau xót vì ai cũng có người thân, ai cũng cảm thấy trống rỗng, buồn bã sau một cuộc khói lửa binh biến. Lúc đó, giữa nhóm của ông và những người lính phía bên kia có một mối đồng cảm, thương tình đến lạ lùng.
Nhưng rất tiếc đó chỉ là những trường hợp đơn lẻ, và mối giao tình giữa nhóm biệt động Sài Gòn của ông Phùng với những người lính Việt Nam Cộng Hòa không phải là những điển hình có tính bao quát sau chiến tranh. Và hơn hết là cũng giống như ông, những người lính biệt động Sài Gòn khác cũng không có quyền lực gì trong tay, sau chiến tranh, hình như ông và các đồng đội bị quên lãng. Còn những người lính Việt Nam Cộng Hòa thì bị mời đi học tập cải tạo và sau đó không bao giờ ông gặp lại họ nữa.
Với ông Phùng, mốc 30 tháng 4 năm 1975 là một mốc hội ngộ bất thường nhất, ngắn ngủi nhất giữa những người Việt cùng màu da, cùng ngôn ngữ, cũng nỗi thảm sầu chiến tranh để rồi chia ly vĩnh viễn trong ánh hào quang ảo của chiến thắng, giải phóng, độc lập, dân quyền và tự do… Tất cả những khái niệm ấy như một chiếc bánh vẽ khổng lồ mà không chỉ riêng những người lính áo bám đầy bụi bặm chiến trường như ông cảm nhận. Hình như cả dân tộc đều nếm trải cảm giác này.
Và cũng theo ông Phùng, Sài Gòn đang trải qua hội chứng “hậu chiến tranh”, hội chứng này vẫn đang bùng phát và kéo dài triền miên mà người ta cố tình không thấy hoặc không nhìn thấy thật sự. Bởi một khi kỉ niệm ngày 30 tháng 4 hoành tráng, tốn kém bao nhiêu thì điều đó cho thấy hệ thống chính trị đang ở trạng thái mặc cảm nặng bấy nhiêu. Bởi lẽ, xét cho cùng thì cái công cuộc gọi là “giải phóng”, cho đến thời điểm 11h ngày 30 tháng 4, chỉ có một trận binh biến nồi da xáo thịt, người miền Bắc tiến công thẳng vào miền Nam chứ không có bóng ngoại xâm hay đô hộ nào ở miền Nam Việt Nam.
Hiện tại, trong những ngày tập dợt lễ duyệt binh, ở các tuyến đường bị cấm, người dân tìm cách về nhà nhưng không tài nào về nhà được bởi không mấy ai mang theo đủ giấy tờ chứng minh nhà của mình ở trong khu vực bị cấm. Cuối cùng, phải gọi điện nhờ người nhà mang giấy tờ ra cho mình. Nhưng khi người nhà ra đến nơi phải mất hết vài giờ đồng hồ đi vòng vèo trong khi khoảng cách thật chỉ vài trăm mét.
Lại một lần nữa, Sài Gòn kẹt xe, chật chội, ngột ngạt và nạn cướp giật, móc túi hoành hành bởi lễ ăn mừng chiến thắng sắp diễn ra!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment