Bầu cử : Chiến thắng nửa vời của tổng thống Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc vận động bầu Hạ viện tại Matxcơva, ngày 18/09/2016.Sputnik/Kremlin/Alexei Druzhinin via REUTERS
Về cuộc bầu cử Hạ Viện Nga hôm Chủ Nhật, 18/09/2016, báo La Croix có bài tổng hợp : « Chiến thắng nửa vời của ông Putin trong cuộc bầu cử Quốc Hội », nhấn mạnh đến việc những tiếng nói bất bình của dân chúng rất ít được thể hiện qua lá phiếu, thắng lợi rầm rộ của đảng cầm quyền che lấp những bất mãn sâu xa trong xã hội.
Bài viết nêu bật tính chất « nghịch lý » của cuộc bầu cử, khi đảng Nước Nga Thống Nhất của ông Putin giành được đa số tuyệt đối (54%), trong bối cảnh cử tri đi bầu với tỉ lệ thấp chưa từng có (47%) (thấp nhất kể từ cuộc bầu cử 1993).
Trả lời phỏng vấn báo Pháp La Croix, nữ cử tri Margarita Ilinskaia cho biết thoạt tiên bà đã định bầu cho đảng Cộng Sản để phản đối chính quyền, hoặc vắng mặt, « bởi chính quyền đã hứa hẹn quá nhiều, nhưng lại không làm gì đáng kể, và nhắm mắt làm ngơ cho nạn tham nhũng ». Nhưng rút cục, nữ cử tri 63 tuổi đã chấp nhận chọn đảng Nước Nga Thống Nhất, bởi bà không nhìn thấy đảng nào khác có thể thay thế. Quan điểm của cử tri này là chọn Nước Nga Thống Nhất cũng là « chọn sự ổn định ».
Với chiến thắng áp đảo này, đúng là nước Nga sẽ có một sự ổn định trước mắt, khi « khủng hoảng kinh tế đòi hỏi phải siết chặt ngân sách công », mà nhờ kiểm soát được Hạ Viện, chính phủ Nga sẽ rảnh tay thông qua các khoản cắt giảm. Tuy nhiên, theo chuyên gia về chính trị Nga, bà Lilia Chevtsova, « thắng lợi mang tính chiến thuật của đảng Nước Nga Thống Nhất có thể sẽ biến thành thất bại về chiến lược, xét trong dài hạn : Do tỉ lệ vắng mặt rất cao, nhiều người Nga không có đại diện tại Hạ Viện, và với một đa số áp đảo như vậy, chính quyền sẽ còn ít lắng nghe hơn các tiếng nói phản kháng và những nỗi thất vọng thường ngày của dân chúng. Điều đó nguy hiểm đối với sự ổn định của một đất nước… ».
Uy tín 86% của ông Putin và của đảng Cộng Sản Liên Xô
Báo Le Monde phân tích thắng lợi của đảng Nước Nga Thống Nhất qua bài xã luận « Putin chuẩn bị nhiệm kỳ tổng thống thứ tư », nhấn mạnh đến ưu thế tuyệt đối của ông Putin, với 76% ghế dân biểu và tỉ lệ ủng hộ 86% trong các thăm dò dư luận, trong bối cảnh 18 tháng kinh tế suy thoái liên tục, hai năm bị phương Tây trừng phạt kinh tế sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée. Theo Le Monde, thắng lợi áp đảo của đảng cầm quyền sở dĩ đạt được là do các tổ chức của xã hội dân sự bị gạt ra bên lề, « không có bất cứ một cương lĩnh tranh cử nào được đưa ra », « không có một cuộc thảo luận lớn nào » về bầu cử.
Tâm điểm của truyền thông Nga thân chính quyền không phải là cuộc bầu cử Quốc Hội trong nước mà là cuộc khủng hoảng nhập cư ở Đức và những khó khăn của thủ tướng Đức. Và luận điểm được nhắc đi nhắc lại là « khủng hoảng đã ở đằng sau chúng ta », cho dù một loạt « chỉ báo xã hội quan trọng » đang tiếp tục sụt giảm.
Le Monde dự cảm thắng lợi lớn của đảng cầm quyền lần này và uy tín 86% của ông Putin hiện nay có gì khá giống với uy tín 86% của đảng Cộng Sản Liên Xô hồi 1990, ngay trước khi chế độ Xô Viết sụp đổ.
Sau 5 thất bại, thủ tướng Đức có đổi chính sách nhập cư ?
Thất bại của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) của thủ tướng Đức tại vùng Berlin (với 17,6% phiếu, giảm gần sáu điểm so với cuộc bầu cử 2011), là tâm điểm mục thời sự quốc tế của Le Monde. Thất bại thứ năm trong vòng sáu tháng trong các cuộc bầu cử khu vực khiến Le Monde nói đến « một năm đen tối » với bà Angela Merkel. Một trong những lý do chính khiến đảng của bà Merkel bị mất điểm trong dư luận là chính sách được coi là rất cởi mở với người nhập cư, tị nạn.
Thủ tướng Đức thường xuyên nhắc lại câu nói nổi tiếng « Wir schaffen das» (tạm dịch là : Chúng ta sẽ đến đích). Tuy nhiên, theo Le Monde, kể từ đầu tháng 9 đến nay, không còn thấy bà Merkel nhắc đến câu này. Le Monde đặt câu hỏi, liệu để tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ tư, thủ tướng Đức có sẵn sàng chấp nhận các nhân nhượng lớn như : chấp nhận khống chế số người tị nạn tiếp nhận hàng năm ở mức 200.000 người, bỏ chế độ hai quốc tịch…
Áp lực tị nạn gia tăng, LHQ dậm chân tại chỗ
Cộng đồng quốc tế đang bất lực trước đòi hỏi tiếp đón người tị nạn gia tăng cũng là tiêu điểm thời sự quốc tế của Les Echos, nhân hai thượng đỉnh về chủ đề này diễn ra hôm qua và hôm nay tại New York. Tờ báo kinh tế Pháp điểm lại toàn cảnh di cư thế giới với khoảng 65 triệu người « phải tha hương » trong năm ngoái 2015, trong đó có 21 triệu người được coi là « tị nạn ». Tiêu điểm chú ý của Les Echos là số 4,8 triệu người nhập cư vào các nước thuộc Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE (gồm 34 nền kinh tế hàng đầu).
Theo les Echos, tất cả các chuyên gia đều nhấn mạnh sở dĩ các nước OCDE phải đối mặt với áp lực nhập cư tị nạn hết sức lớn hiện nay là do đóng góp cho các chương trình của Phủ Cao Ủy Tị Nạn và cho chương trình lương thực Liên Hiệp Quốc bị suy giảm. Hệ quả là các quốc gia láng giềng với nước bị khủng hoảng, như Syria, không đủ khả năng đón tiếp người tị nạn tại nước mình. Trong thượng đỉnh hôm nay, tổng thống Mỹ kỳ vọng huy động được cam kết đóng góp 3 tỷ đô la từ các nước.
Về chủ đề này, bài « Người nhập cư : đằng sau các lo ngại, là những hiệu ứng tích cực » của Le Monde, nhấn mạnh đến việc đón tiếp người nhập cư không đồng nghĩa với việc làm thất nghiệp ở nước sở tại gia tăng. Phụ trách cơ quan di trú quốc tế của OCDE đưa ra con số tỉ lệ người nhập cư có việc làm mới tại các ngành nghề đang suy yếu cao gấp đôi so với những nghề đang tăng trưởng. Les Echos có bài « Những người tị nạn phải mất 20 năm mới có thể hội nhập hoàn toàn vào thị trường lao động ».
Ngôi sao truyền hình gốc Đài Loan thành lãnh đạo đối lập Nhật Bản
Về thời sự châu Á, báo Le Figaro chú ý đến một nữ nhân vật mới nổi lên trên chính trường Nhật Bản, cựu ngôi sao truyền hình Renho, 48 tuổi, gốc Đài Loan. Hôm thứ Năm tuần trước, thượng nghị sĩ Rendo được bầu làm chủ tịch đảng Dân Chủ, đảng đối lập lớn nhất tại Nhật.
Theo một số bình luận gia, người phụ nữ trung niên với mái tóc ngắn như con trai, miệng rộng và vẻ ngoài rất trẻ là « hoàn toàn tương phản » với đương kim thủ tướng Shinzo Abe, và có khả năng đối đầu với ông Abe tại Quốc Hội. Tuy nhiên, theo Le Figaro, trên thực tế, đảng Dân Chủ không thực sự là đối lập, bởi đảng này về cơ bản đi theo đường lối của đảng cầm quyền. Nữ thượng nghị sĩ Rendo suýt nữa mất chức, sau khi bị cáo buộc che giấu quốc tịch Đài Loan.
Trung Quốc : Nợ tăng vọt, nguy cơ khủng hoảng tài chính
Về kinh tế châu Á, theo Les Echos, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements/ BIS) – tổ chức quốc tế của các ngân hàng trung ương, có trụ sở tại Thụy Sĩ - đưa ra cảnh báo mới về mức nợ tăng vọt của Trung Quốc, với nợ của các doanh nghiệp tư lên đến 145% GDP. Theo BIS, nếu đà này tiếp tục, khủng hoảng tài chính Trung Quốc sẽ bùng phát trong vòng ba năm tới. Tỉ lệ nợ của Trung Quốc so với GDP là cao nhất trong số 43 quốc gia được BIS nghiên cứu.
Theo một trung tâm thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, tổng cộng nợ của nước này là khoảng 25 nghìn tỉ đô la, tương đương 249% GDP. Bắc Kinh lo ngại nợ xấu tăng vọt, vượt tầm kiểm soát. BIS cảnh báo việc gia tăng tín dụng quá nhanh sẽ đẩy Trung Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính. Tháng 6/2016, các ngân hàng Trung Quốc phải xóa hơn 300 tỷ nợ xấu.
Tư pháp Mỹ - « vũ khí của siêu cường kinh tế »
Vụ tư pháp Hoa Kỳ mới đây đòi ngân hàng lớn nhất nước Đức Deutsch Bank 14 tỉ đô la, do can dự vào cuộc khủng hoảng nợ xấu hồi 2007-2008, đặt ra một câu hỏi lớn đối với giới chuyên môn và chính giới châu Âu về vai trò của tư pháp đối với uy lực của nền kinh tế. Báo Le Figaro có bài « Tư pháp Mỹ, vũ khí của siêu cường kinh tế », đặt vấn đề phải chăng có sự trùng hợp về thời gian giữa việc Bruxelles yêu cầu tập đoàn Apple phải bồi hoàn 13 tỷ euro, thì chỉ hai tuần sau, bộ Tư Pháp Mỹ ra quyết định đòi tiền ngân hàng Đức.
So sánh tư pháp Hoa Kỳ với tư pháp châu Âu, Le Figaro nhấn mạnh đến ưu thế vượt trội, vươn ra ngoài biên giới của hệ thống luật pháp Mỹ. « Chỉ cần có một đô la sử dụng tại Mỹ, hoặc lên sàn chứng khoán tại Mỹ », một công ty nước ngoài, phạm pháp ở nước ngoài có thể bị tư pháp Mỹ sờ đến. Một loạt các ngân hàng, công ty lớn của châu Âu đã phải nộp cho tư pháp Mỹ các khoản tiền khổng lồ hàng tỉ đô la. Ngược lại, cho đến nay, vũ khí duy nhất của tư pháp châu Âu trong lĩnh vực này là luật bảo vệ cạnh tranh lành mạnh. Riêng về khủng hoảng nợ xấu bùng phát tại Mỹ năm 2007, đã có gần 200 tỷ đô la đền bù cho các nạn nhân Mỹ, trong khi đó các nạn nhân châu Âu không hề nhận được gì.
Nông nghiệp : Quái vật ra đời từ các vụ sáp nhập lớn
Liên quan đến kinh tế Mỹ, báo Le Monde đặc biệt chú ý đến vụ sáp nhập hôm 14/09, khi tập đoàn dược phẩm và nông phẩm Đức Bayer tuyên bố mua lại tập đoàn thuốc trừ sâu công nghệ sinh học Monsanto của Mỹ. Bài « Hướng tới một hệ thống độc quyền trong lĩnh vực thuốc trừ sâu, hóa chất nông nghiệp » lưu ý, trong lĩnh vực này, ngoài vụ sáp nhập nói trên, có có hai vụ đáng chú ý khác là việc công ty Trung Quốc ChemChina mua lại công ty Thụy Sĩ Syngenta và hai công ty Mỹ DuPont và Dow hợp nhất. Le Monde dự đoán : « Rất có thể sẽ có những quái vật » ra đời từ những cuộc hôn nhân này.
Tổng cộng ba cặp đôi mới nói trên sẽ kiểm soát khoảng 80% thuốc diệt cỏ, 65% thị trường thuốc trừ sâu và 60% hạt giống toàn cầu. Nhiều nhà làm nông lo ngại, « cuộc cách mạng cây trồng biến đổi gien » có thể khiến giá hạt giống cây trồng tăng vọt.
Theo The Wall Street Journal, chi phí cho giống cây tăng gấp bốn lần kể từ 1996, tức thời điểm Monsanto khởi sự phát triển cây trồng biến đổi gien, trong khi đó từ khoảng ba năm này, giá bán nông phẩm liên tục xuống thấp. Bên cạnh đó, do thuốc trừ sâu bị kháng, người làm nông phải bỏ nhiều chi phí hơn cho việc mua thuốc mới và phải làm việc nhiều hơn trên đồng ruộng. Để bảo đảm năng suất cây trồng, người nông dân đứng trước áp lực phải sẵn sàng để thường xuyên mua giống và thuốc trừ sâu mới, và ngày càng phụ thuộc vào các tập đoàn lớn.
Sáng kiến kinh tế : Hướng đến một thế giới không rác thải
Về kinh tế và sinh thái, báo Les Echos có bài « Làm thế để chấm dứt rác thải », giới thiệu sáng kiến tái chế ngay từ nguồn « upcycling », một hướng làm ăn mới có thể mang lại một tiến bộ đột phá cho khu vực kinh tế tái chế. Sáng kiến do thủ lĩnh của nền kinh tế tái chế, Michael Braungart, mở ra nhắm tới một quy trình sản xuất và tiêu thụ không tạo ra rác thải, bởi dự kiến phương thức xử lý các bộ phận bỏ đi của hàng hóa ngay tại doanh nghiệp trước khi chúng bị vứt vào thùng rác.
Một ví dụ : tập đoàn Suez Environnement vừa ký hợp đồng với hai công ty tái chế Sita và Veka Recyclage để tái chế ngay tại các công trường hàng nghìn tấn phế thải. Hợp đồng tuy không nhiều, nhưng thị trường hứa hẹn sẽ rất lớn. Riêng tại Pháp, ngành xây dựng hàng năm tạo ra hơn 255 triệu tấn phế thải.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment