Thursday, September 22, 2016

Nga, Trung Quốc xích lại gần nhau hơn nhưng ngờ vực vẫn còn

Nga, Trung Quốc xích lại gần nhau hơn nhưng ngờ vực vẫn còn


Binh sĩ quân đội Trung Quốc và Nga trong cuộc tập trận chung ở Trạm Giang, Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 14 tháng 9 năm 2016.
Binh sĩ quân đội Trung Quốc và Nga trong cuộc tập trận chung ở Trạm Giang, Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 14 tháng 9 năm 2016.
Trung Quốc và Nga vừa tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên ở Biển Đông, bao gồm một cuộc diễn tập chiếm đảo và đổ bộ lên đảo cũng như diễn tập chống tàu ngầm và phòng không.
Ở Trung Quốc, những cuộc diễn tập này được ca ngợi là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước, nhưng những nhà phân tích cảnh báo rằng dù Moscow và Bắc Kinh đang nhìn thấy sự hội tụ lợi ích và những cơ hội hợp tác, song mối quan hệ này hãy còn xa mới đạt tới mức liên minh chiến lược, ngay cả khi Trung Quốc muốn mô tả nó như vậy.
Tàu thuyền qua lại trong đêm
Cuộc diễn tập huấn luyện hải quân chung giữa Nga và Trung Quốc được tổ chức gần hai tháng sau khi một tòa án quốc tế phán quyết chống lại tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết thủy lộ có tranh chấp và giàu tài nguyên này. Một mục tiêu chính là gửi đi tín hiệu tới Mỹ và những nước khác.
Ông Alexander Neill, nhà nghiên cứu cao cấp Đối thoại Shangri-La phụ trách châu Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Singapore, nhận định: "Đây rõ ràng là một sự thể hiện những lợi ích chiến lược mới và rằng Nga và Trung Quốc, và cả hai hợp lại nếu cần thiết, sẽ là những nước dự phần ở Biển Đông."
Đợt diễn tập năm nay ở châu Á là đợt diễn tập thứ tư mà hải quân hai nước đã tổ chức. Năm ngoái, hai nước tiến hành những cuộc tập trận chung ở Địa Trung Hải, trong một hoạt động mà Trung Quốc coi là một nỗ lực được hợp thức hóa để tạo dựng sự hợp tác giữa quân đội hai nước.
Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể có cùng quan điểm về môi trường an ninh khu vực, cho dù đó là việc thách thức vai trò của Mỹ ở Biển Đông hay chống đối Hàn Quốc triển khai hệ thống phi đạn Phòng thủ Khu vực Cao độ Giai đoạn cuối (THAAD), sự hội tụ lợi ích của hai nước giống như tàu thuyền qua lại trong đêm hơn, theo lời ông Neill.
Ông nói: "Trong khi sức mạnh quốc gia toàn diện của Nga suy yếu về mặt chiến lược, Trung Quốc trỗi lên trên trường quốc tế về mặt chiến lược và có một điểm giao nhau, một khoảng thời gian mà hai nước chia sẻ những lợi ích chung."
Tàu chiến của Nga trong cuộc tập trận hải quân chung Trung-Nga ở Trạm Giang, Trung Quốc, ngày 12 tháng 9 năm 2016.
Tàu chiến của Nga trong cuộc tập trận hải quân chung Trung-Nga ở Trạm Giang, Trung Quốc, ngày 12 tháng 9 năm 2016.
Dấu ấn trong khu vực
Nga đã chuyển sự chú ý của mình nhiều hơn sang Thái Bình Dương và Đông Nam Á trong những năm gần đây, khi chế tài bắt đầu có tác động mạnh tới Moscow. Quyết định của Nga tham gia những cuộc diễn tập ở Biển Đông chỉ là sự kiện nổi bật mới nhất của sự chuyển dịch đó.
"Nga đang bắt đầu tăng cường sự hiện diện của mình ở vùng Viễn Đông trong mấy năm qua và họ muốn để lại dấu ấn ở đâu đó trong vùng biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông)," Hoàng Giới Chính, một giáo sư tại Đại học Đạm Giang ở Đài Loan, nhận định.
Ông nói thêm: "Nó có thể là một cử chỉ, có thể không có ý nhĩa về mặt quân sự, nhưng việc này chắc chắn là nhằm gửi đi một tín hiệu tới Mỹ."
Mối quan tâm chung đối với việc thách thức Mỹ không nhất thiết có nghĩa là Moscow muốn chỉ hợp tác với Bắc Kinh không thôi. Ông Hoàng lưu ý rằng dù Nga đã đồng ý tham gia những cuộc diễn tập chung năm nay ở Biển Đông, các cuộc diễn tập được tổ chức cách xa những điểm nóng nhiều tranh chấp hơn, có lẽ một phần là để tránh chọc giận Philippines hay Việt Nam, hai trong số những nước có tuyên bố chủ quyền cạnh tranh trong khu vực.
Ông Hoàng nói: "Khi bạn di chuyển lực lượng ra xa đường bờ biển hoặc khu vực phô diễn trên bộ thì bạn sẽ cần hàng không mẫu hạm. Và việc này phức tạp hơn. Vì thế có lẽ họ không thoải mái với việc này trong năm nay."
Liên kết, nhưng không liên kết
Những nhà phân tích Trung Quốc cho rằng mối quan hệ sẽ chỉ trở nên mạnh hơn và chính sự kìm tỏa của Mỹ đang khiến hai nước xích lại gần nhau hơn.
Một bài bình luận đăng trên Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan thông tấn được Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn, hôm thứ Hai nói rằng những cuộc tập trận chung nêu bật cách thức mà Trung Quốc và Nga hợp tác về những lợi ích cốt lõi.
Binh sĩ Trung Quốc và Nga trong cuộc tập trận chung ở Trạm Giang, Trung Quốc, ngày 13 tháng 9 năm 2016.
Binh sĩ Trung Quốc và Nga trong cuộc tập trận chung ở Trạm Giang, Trung Quốc, ngày 13 tháng 9 năm 2016.
Bài bình luận viết: "Nga chịu những biện pháp trừng phạt kinh tế vì sáp nhập Crimea, và chỉ có Trung Quốc mới có thể làm nhẹ bớt bớt gánh nặng của Moscow. Trung Quốc bị Mỹ và Nhật Bản kìm tỏa ở Đông Hải và Nam Hải, và chỉ có Nga mới đủ mạnh để giảm bớt áp lực của Trung Quốc."
Bài báo cũng nói những cuộc diễn tập này nêu bật cách thức mà sự hợp tác chiến lược Trung-Nga còn nhiều hơn chỉ là một liên minh. Bài báo nói thêm rằng sự hợp tác song phương và sự tin tưởng lẫn nhau về mặt chính trị đã phát triển đến mức cao.
Trong khi truyền thông nhà nước tập trung vào những cơ hội mà cả hai đều có để phát triển mối quan hệ, những nhà phân tích lưu ý rằng mối quan hệ này vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi sự ngờ vực và thái độ tiêu cực ngầm, và sẽ tiếp tục như vậy, cho dù đó là sự bành trướng của Trung Quốc vào Trung Á hoặc những thương vụ bán vũ khí của Nga cho Bắc Kinh.
Ashley Townshend, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ ở Đại học Sydney, nhận xét:
"Trung Quốc nhận thấy có lợi khi cường điệu mức độ mà Nga liên kết với họ ở Biển Nam Trung Hoa ngay tại thời điểm này, nhưng điều đó không có nghĩa là họ liên kết với nhau."
Ông Townshend nói sự liên kết về lợi ích mà hai nước đang chứng kiến mang tính ngoại giao nhiều hơn.
Nếu Nga được xem là một đối tác liên minh với Trung Quốc trong khu vực, thì điều này sẽ gây tổn hại tới những lợi ích quốc phòng trong khu vực, ông nói thêm.
Ông nói: "Nga bán vũ khí tinh vi, không chỉ là bất kỳ vũ khí cũ nào, cho Việt Nam, nước rõ ràng ở phía bên kia cuộc tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa, và vì vậy Nga, cũng như những nước khác trong khu vực, chắc chắn không muốn thể hiện mình ủng hộ lập trường của Trung Quốc quá mạnh mẽ trong tranh chấp."

No comments:

Post a Comment