Tổng thống mới Philippines và Biển Đông?
- 2 giờ trước
Việt Nam có thể sẽ “ít được lợi hơn” với cách tiếp cận của Tổng thống Philippines với vấn đề Biển Đông, một nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nói.
Ông Rodrigo Duterte có chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 28-29/9.
Báo Tuổi Trẻ tại Việt Nam tường thuật “Tình hình Biển Đông được dự báo là một chủ đề quan trọng sẽ được lãnh đạo hai bên thảo luận và chia sẻ quan điểm trên cơ sở lập trường và những lợi ích chung.”
Tờ này cũng nói sẽ có thảo luận về “Hợp tác biển và đại dương” và “vấn đề an ninh và tự do hàng hải” cũng như “phát triển kinh tế biển, hoạt động đánh cá, ngư dân, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Ông Malcolm Cook, nhà phân tích từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore nhận định về chính sách ngoại giao: “Tổng thống Duterte, từ khi còn là ứng viên tổng thống đến giờ đã trở thành tổng thống có cách tiếp cận rất khác về vấn đề Biển Đông, so với cựu tổng thống Aquino trong nhiệm kỳ 2012-2016. Ông Duterte phê phán việc ông Aquino đưa Trung Quốc ra Tòa trọng tài."
“Ông cũng tập trung vào làm giảm nhiệt căng thẳng với Trung Quốc về Biển Đông để có thể tập trung vào vấn đề kinh tế trong quan hệ song phương, và khả năng hỗ trợ tiềm năng của Trung Quốc cho các kế hoạch về cơ sở hạ tầng.
“Chừng nào Trung Quốc chưa giận dữ với tình hình trên Biển Đông trong quan hệ với Philippines, thì đây có vẻ là cách tiếp cận rất khác. Nhưng đây lại là cách làm khá giống với tổng thống Philippines Macapagal-Arroyo từ 2001 – 2010.”
"Ít có lợi hơn"
Khi BBC hỏi, liệu động thái đó của Philippines đó có dẫn đến việc Việt Nam sẽ đơn độc trong vấn đề về Biển Đông, ông Malcolm Cook nói “không hẳn” nhưng “chắc chắn là Philippines dưới thời ông Duterte sẽ không thể hiện sự đối mặt trên tuyến đầu với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông hay cố gắng tìm kiếm ủng hộ từ ASEAN”.
Nhà nghiên cứu nói Việt Nam sẽ “ít có lợi hơn” trong xung đột với Trung Quốc về Biển Đông dưới thời Tổng thống Duterte.
Việt Nam giờ đang ở vị trí “chỉ trích mạnh mẽ nhất hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong nhóm các quốc gia thành viên Asean và không thể dựa vào sự hỗ trợ của Philippines nữa,” ông cho biết.
“Tuy nhiên, điều này vẫn có thể thay đổi nếu Trung Quốc làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông với Philippines.”
Về nghị trình chuyến thăm, ông Malcolm nhận định: “Ông Duterte chú trọng hơn vào các đe dọa an ninh nội địa hơn là các thế lực ngoại bang và ông có cái nhìn tiêu cực hơn về Hoa Kỳ cũng như quan hệ Hoa Kỳ - Philippines hơn cựu tổng thống Aquino.”
“Vì Philippines là cựu đồng minh của Hoa Kỳ, xu hướng chính trị có thể tác động tới lợi ích chiến lược nếu Philippines thay đổi cách tiếp cận với Hoa Kỳ. Đó là những gì ta thấy trong chính quyền Duterte cho đến giờ.”
Khi BBC hỏi liệu Việt Nam có thể làm gì về vấn đề Biển Đông, nếu Philippines không còn chung tiếng nói về vấn đề Biển Đông nữa, nhà nghiên cứu này cho biết:
“Việt Nam cần phải ít dựa vào Asean để tìm kiếm sự ủng hộ trong xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông và tập trung vào những cách khác để tìm kiếm ủng hộ, như quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ và những bước tiến đơn phương,” ông nói với BBC Tiếng Việt.
Trong ngày 29/9, ông Duterte sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
No comments:
Post a Comment