Monday, September 26, 2016

The Guardian : Chính sách « xoay trục » sang châu Á của Obama thất bại

The Guardian : Chính sách « xoay trục » sang châu Á của Obama thất bại

mediaTT Obama chụp hình lưu niệm với các lãnh đạo châu Á tại thượng đỉnh Viêng Chăng, 07/09/2016.Reuters
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã củng cố liên minh với các nước châu Á, gia tăng trao đổi mậu dịch và tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Chính sách « xoay trục » sang châu Á của tổng thống Obama chính là nhằm kềm chế sự trỗi dậy « hoà bình » của Trung Quốc. Nhưng theo tờ nhật báo Anh The Guardian, trong một bài viết đăng trên mạng ngày 25/09/2016, chính sách « xoay trục » này đã thất bại.
Tờ báo này ghi nhận rằng, kế hoạch của ông Obama thúc đẩy tự do mậu dịch ở châu Á Thái Bình Dương mà không bao gồm Trung Quốc, thông qua hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, hiện đang bị đe dọa. Vào tuần trước, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố rằng TPP là một « cột trụ » quan trọng của ảnh hưởng của Mỹ trong tương lai. Ông Abe cho rằng thành công hay thất bại của hiệp định này sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tự do mậu dịch toàn cầu, cũng như đến môi trường chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương.
Lời cảnh báo của thủ tướng Nhật phản ánh mối lo ngại của Tokyo rằng một lần nữa ông Obama lại tỏ ra là một đối tác không đáng tin cậy và sẽ không thuyết phục được Quốc hội phê chuẩn hiệp định TPP. Chưa gì hiệp định này đã bị hai người có khả năng kế nhiệm ông Obama là Hillary Clinton và Donald Trump bác bỏ.
Cũng theo The Guardian, một bằng chứng khác cho thấy chính sách “xoay trục » của ông Obama đã thất bại, đó là Washington đã không ngăn chận được Trung Quốc xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Các cuộc tuần tra bảo vệ « tự do hàng hải » của các chiến hạm Mỹ, mà sắp tới đây sẽ có sự hỗ trợ của hải quân Nhật, chẳng có tác dụng gì đáng kể, mà chỉ làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Chính vì thấy những dấu hiệu yếu kém của Mỹ mà một số đồng minh phải tự lo lấy thân. Vào tuần trước có tin là Đài Loan cũng đang củng cố phòng thủ trên đảo Ba Bình, đảo duy nhất mà Đài Bắc kiểm soát ở Trường Sa.
Đáng nói hơn cả là vào tuần trước tổng thống Philippines Duterte tuyên bố rằng Manila sẽ ngưng hợp tác với Hoa Kỳ về tuần tra trên Biển Đông và theo ông, Trung Quốc là đối tác mạnh hơn. Tất nhiên những tuyên bố nói trên của tổng thống Duterte phản ánh sự tức giận của ông trước chỉ trích của Mỹ về những vi phạm nhân quyền ở Philipines, hơn là một sự chuyển hướng chiến lược. Nhưng điều này dĩ nhiên làm Bắc Kinh hoan hỉ.
Các quốc gia khác trong khu vực thì thận trọng hơn, một thái độ được Bắc Kinh khuyến khích, theo đúng chiến thuật « chia để trị ». Trong tháng này, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng « hợp tác trên biển thông qua đối thoại hữu nghị » là cách tốt nhất. Nhưng giống như Trung Quốc, Hà Nội cũng đang nhanh chóng xây dựng khả năng quân sự và củng cố liên minh với nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, dự phòng cho thời kỳ sau này quan hệ với Bắc Kinh bớt « hữu nghị » hơn.
Cũng theo The Guardian, một dấu hiệu khác cho thấy các nước khu vực bớt tin tưởng vào Hoa Kỳ, đó là thượng đỉnh ASEAN ở Viêng Chăng trong tháng này đã tránh nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông.
Sự bất lực của Obama khiến dư luận ở Nhật và các nước khác đặt câu hỏi về tính đáng tin cậy của chiếc dù an ninh Mỹ, và khiến những thành phần dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở nước này có thêm lý do để đòi chính phủ Tokyo phải nhanh chóng tái vũ trang, thậm chí triển khai vũ khí nguyên tử của riêng mình.
Lầu năm góc nay đã chính thức xem Trung Quốc là một « mối đe dọa », cho thấy kể từ nay ngày càng khó tránh xung đột quân sự giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Một nghiên cứu gần đây đã đi đến kết luận là trong trường hợp xảy ra xung đột Mỹ-Trung, cả hai bên đều sẽ thiệt hại nặng nề. Nghiên cứu này đề nghị là nếu không tránh được chiến tranh, tốt nhất là Hoa Kỳ nên tấn công trước, trước khi Trung Quốc mạnh hơn và lợi thế quân sự hiện nay của Mỹ suy giảm.


No comments:

Post a Comment