Tuyên truyền : Chiến thuật mới của Ấn Độ để đối phó với Pakistan
Một binh sĩ Ấn Độ tuần tra dọc theo một đường cao tốc ở ngoại ô Srinagar, thủ phủ mùa hè của bang Jammu và Kashmir, Ấn Độ.REUTERS/Danish Ismail
Súng lại nổ ra tại Kashmir, vùng tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước Ấn Độ và Pakistan. New Dehli lên án Islamabad đứng sau vụ tấn công căn cứ quân sự tại Uri làm 18 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Không chỉ có căng thẳng quân sự tại vùng biên giới, giữa hai nước còn đối đầu kịch liệt nhau trên mặt trận ngoại giao. Ấn Độ vẫn ấm ức không được gia nhập nhóm các quốc gia cung cấp hạt nhân (NSG) do sự cản trở của Pakistan. Làm thế nào lấy lại danh dự của mình, mà không làm sứt mẻ hình ảnh cường quốc có trách nhiệm. Đây chính là tình huống tế nhị hiện nay của Ấn Độ được nhật báo Le Monde (30/09/2016) phân tích trong bài viết đề tựa « Chiến thuật mới của New Dehli để đối phó với Islamabad ».
Xung đột giữa hai nước đã kéo dài từ sau khi cả hai bên giành được độc lập. Làm thế nào để thoát ra khủng hoảng là một bài toán nan giải. Giải pháp ngoại giao hầu như bế tắc. Ich lợi gì khi đàm phán với Pakistan khi mà Ấn Độ vẫn luôn nghi ngờ quân đội nước láng giềng duy trì các mối liên hệ với các nhóm khủng bố.
Trừng phạt kinh tế cũng không xong, vì giao thương xuyên biên giới giữa hai bên gần như không tồn tại. Bản thân Ấn Độ cũng chưa phải là cường quốc kinh tế. Chặn nguồn cung cấp nước cho Pakistan bằng cách chuyển đổi dòng chảy các con sông thì không khả thi do quá tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian.
Giờ chỉ còn giải pháp quân sự. Nhưng chỉ cần một sự leo thang quân sự cũng có thể để lại những hậu quả bi thảm giữa hai nước láng giềng thù nghịch, vốn đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Và hơn nữa, Ấn Độ lại sẽ phung phí mất vốn ngoại giao kiên nhẫn tích lũy từ bao năm nay, vào lúc mà vị thế « cường quốc có trách nhiệm » bắt đầu đơm hoa kết trái.
Giờ thì không một quốc gia nào dám can thiệp đưa ra các nghị quyết về khủng hoảng Kashmir, theo như mong muốn của Ấn Độ. Nhưng cũng không một quốc gia nào tỏ ra mủi lòng về những vụ tra tấn hay vi phạm nhân quyền tại vùng Kashmir Ấn Độ.
Trả thù bằng tuyên truyền ?
Trong bối cảnh này, New Dehli phải làm gì ? Sau một tuần im lặng, thủ tướng Narendra Modi đã có một bài phát biểu gây bất ngờ vì những lời lẽ hòa dịu của ông trước các thành viên trong đảng cầm quyền. Ông lôi Pakistan từ trận địa Kashimir vào một trận chiến khác. Ông nói: “Ấn Độ sẵn sàng chiến đấu với Pakistan. Nhưng chúng ta hãy chiến đấu chống lại đói nghèo, thất nghiệp và thất học. Và hãy xem xem ai sẽ thắng”.
Một tầm nhìn cứng rắn và thực dụng, Le Monde nhận xét. Ông đang dịch chuyển địa bàn đối đầu giữa Pakistan và Ấn Độ. Một mũi tên trúng hai mục tiêu: hạ nhiệt căng thẳng với Islamabad và gây chia rẽ giữa người dân với lãnh đạo Pakistan.
Dùng tuyên truyền để phá khẩu với Pakistan và thoát khỏi vị thế nạn nhân. Hạ uy tín Islamabad không bằng cách đối đầu mà là phớt lờ. Khi gởi thông điệp đến người dân Pakistan, ông Modi điểm mặt các nhà chức trách: “Hỡi nhân dân Pakistan, các bạn hãy thử hỏi các nhà lãnh đạo của quý vị: cả hai nước chúng ta có tự do cùng lúc, nhưng vì sao Ấn Độ xuất khẩu các phần mềm trong khi mà đất nước các bạn lại xuất khẩu quân khủng bố?”
Ông thích nhắc đến các “nạn nhân vô tội” của nạn khủng bố tại Paris, Bruxelles, Kabul và Uri hơn là tại Pakistan. Xếp vụ tấn công căn cứ quân sự vào loại tấn công khủng bố nhắm vào thường dân. Bằng cách xem khủng bố như là “tội ác chống nhân loại”, mà Ấn Độ có lẽ cũng là nạn nhân, New Dehli đang hòa lẫn lý lẽ phương Tây và Ấn Độ vào nhau.
Bất chấp những cáo buộc một “chuỗi dối trá bóp méo sự thật và lịch sử”, tiếng nói của Pakistan ngày càng ít được lắng nghe. Ngày 20/9/2016, trong bài phát biểu cuối cùng trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các quốc gia có can dự trong những “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” phải chấm dứt điều này. Một lời cảnh báo cho Pakistan, tuy không nói ra. Dù rằng Islamabad vẫn có thể trông đợi vào sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc, nhưng với New Dehli cũng là một thắng lợi nhỏ.
Dầu lửa : Khối các nước xuất khẩu dầu lửa bắt đầu khóa van
Hôm thứ Tư, 28/09/2016, khối các nước xuất khẩu dầu lửa - OPEP họp tại Alger, Algéria và điều gây ngạc nhiên là các nước trong khối đã đạt được đồng thuận về việc giảm sản lượng dầu lửa với hy vọng đẩy giá lên. Báo Libération có bài phân tích : « Dầu lửa : Khối các nước xuất khẩu dầu lửa bắt đầu khóa van ».
Hiện nay, giá dầu lửa chỉ ở mức 50 đô la/thùng và trước cuộc họp ở Alger, hầu như giới chuyên gia đều cho rằng cuộc gặp giữa OPEP và Nga sẽ không mang lại kết quả gì, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa hai kẻ thù không đội trời chung, Ả Rập Xê Út và Iran, đang rất căng thẳng.
Thế nhưng, sau sáu giờ thương lượng, OPEP đã đạt được đồng thuận giảm sản lượng, từ 33,47 triệu thùng/ngày trong tháng Tám xuống còn 32,5 hoặc 33 triệu thùng/ngày. Về mặt khối lượng, mức giảm này quá ít, nhưng đồng thuận đạt được lại có ý nghĩa lịch sử.
Báo Liberation nhận định : Đây là mức giảm lớn nhất đầu tiên, kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, trong bối cảnh tất cả các nước sản xuất và xuất khẩu dầu lửa đang gặp khó khăn về kinh tế. Không một ai nghĩ tới việc Ả Rập Xê Út và Iran lại đạt được đồng thuận trong lúc hai bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao. Cả hai cường quốc khu vực này không những cạnh tranh với nhau trong vai trò là thủ lĩnh của hai hệ phái đạo Hồi (Ả Rập Xê Út với hệ phái Sunni và Iran với hệ phái Shia) để mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông, mà còn tranh giành với nhau về thị phần dầu lửa.
OPEP đã đạt được đồng thuận sau khi Ả Rập Xê Út đồng ý là Iran không bị hạn chế sản lượng. Teheran muốn khôi phục lại mức sản xuất như trước khi bị quốc tế cấm vận do phát triển chương trình hạt nhân. Mục đích giảm sản lượng dầu lửa của từng nước thành viên sẽ được xác định rõ nhân cuộc họp thượng đỉnh của OPEP tại Vienna, Áo vào ngày 30/11 tới đây.
Thỏa thuận Alger có tác động ngay lập tức tới thị trường dầu lửa. Hôm thứ Tư, 28/09, giá một thùng dầu thô tăng thêm 4 đô la. Trong những ngày tới, nếu tin tưởng là OPEC thật sự giảm sản lượng dầu lửa, thị trường tài chính quốc tế sẽ đổ xô đi mua với giá hiện nay để bán lại hợp đồng giao dầu lửa trong 3 hoặc 6 hoặc 9 tháng tới.
Theo phân tích của báo Liberation, thỏa thuận Alger cũng làm giới ngân hàng hài lòng. Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Mỹ hay Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, cho đến nay vẫn luôn luôn lo ngại tình trạng thoái lạm, thì giờ đây với giá dầu lửa tăng lên, có thể mở van, bơm thanh khoản vào thị trường để thúc đẩy tiêu dùng, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Triển lãm ô tô 2016: Triển vọng cho xe không người lái
Thế nhưng, thỏa thuận Alger vừa đạt được lại đưa ra không đúng lúc, vào thời điểm triển lãm xe ô tô vừa khai mạc tại Paris. Với thỏa thuận này, giá nhiên liệu sẽ phải tăng lên. Trong chiều hướng đó, đấy có lẽ là cơ hội cho các đời xe công nghệ mới.
Theo Libération, “Xe ô tô không người điều khiển” sẽ là ngôi sao tại lần triển lãm này. Đây cũng chính là điều làm cho nhật báo băn khoăn: “Ai là người điều khiển?”, tít lớn trên trang nhất. Chúng ta sẽ xử lý ra sao khi xảy ra việc đánh cắp dữ liệu xe từ xa và nhất là khi xảy tai nạn? Những lo âu về xe không người điều khiển có lẽ sẽ làm lu mờ những kỳ tích công nghệ.
Về phần mình, Les Echos trích khẳng định của chủ tịch tập đoàn Renault-Nissan, ông Carlos Ghosn cho rằng mục tiêu “trở thành hãng chế tạo xe hàng đầu thế giới là có thể đạt được”.
« Cuộc chiến bí mật của Nga tại Syria »
Một năm đã trôi qua kể từ khi can thiệp vào Syria, chính quyền Nga đã chính thức có được một sự hiện diện quân sự tối thiểu tại nước này. Nhân dịp này, báo La Croix có bài nói về « cuộc chiến bí mật của Nga tại Syria » và nhấn mạnh đến việc Matxcơva giữ bí mật về các hoạt động quân sự ở Syria, đặc biệt là việc sử dụng lực lượng đánh thuê.
Tờ báo nhấn mạnh không ai biết được con số chính xác lính đánh thuê Nga tại Syria. Nhân cuộc bầu cử lập pháp Nga, thông qua kiểm phiếu, người ta biết được là có tới 4300 người Nga ở Syria, không tính ở thủ đô Damas. Còn theo thẩm định của giới chuyên gia, tổng số nhân viên quân sự và dân sự Nga tham gia vào chiến dịch này lên tới khoảng 25000 người. Bộ tổng tham mưu Nga không không bình luận về con số này và cũng không tiết lộ về mục tiêu, phương tiện quân sự được huy động.
Theo La Croix, số lính đánh thuê Nga đang quyết tâm thực hiện mục tiêu của Matxcơva, tạo một chiến thắng cho chính quyền Damas : đó là đánh chiếm được thành phố Aleppo.
Chuyên gia Rouslan Poukhov, giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ, trụ sở tại Matxcơva nhận định : « Tham vọng của Nga là chống lại các nguồn khủng bố Hồi Giáo. Nhưng đằng sau đó, có một lịch trình được dấu kín : sau khi sáp nhập Crimée vào Nga và sau cuộc khủng hoảng Ukraina làm cho Nga bị cô lập, mục tiêu của Matxcơva là buộc phương Tây phải chấp nhận Nga tham gia vào bàn đàm phán » về hồ sơ Syria.
Do vậy, Matxcơva sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện để đạt được mục đích của mình. Ông Alexandre Konovalov, chủ tịch Viện phân tích chiến lược Matxcơva, được báo La Croix trích dẫn, giải thích : « Ngoài việc ủng hộ (tổng thống) Assad, Matxcơva hoạt động tại Syria để ngăn cản chiến lược của phương Tây thành công ». Sự suy yếu của phe đối lập, sự hồi phục của chế độ Damas, bất kể mức độ như thế nào, cũng đều là một thắng lợi đối với Matxcơva. Do vậy, chiến lược của Nga là duy trì bầu không khí bấp bênh tại Syria.
Trong số các phương tiện được Matxcơva huy động, đó là việc sử dụng lính đánh thuê, cho dù bị pháp luật Nga cấm. Về mặt chính thức, Nga không có binh lính chiến đấu trên bộ tại Syria, nhưng sự tham chiến của lính đánh thuê theo yêu cầu của Matxcơva cho phép bổ sung các vụ không kích của các oanh tạc cơ Nga, xuất kích từ căn cứ Hmeimim (phía đông nam thành phố Lataquia – Syria)
Cũng giống như trong các cuộc chiến tranh ở Tchetchenia vào cuối những năm 1990, tại Crimée vào năm 2014, rồi ở phía đông Ukraina, hoạt động của lính đánh thuê không bao giờ được nhắc tới. Các phương tiện truyền thông chính thức của Nga chỉ đưa lại các thông tin mà chính quyền cung cấp.
Chỉ có các truyền thông độc lập mới đưa tin về sự hiện diện của lính đánh thuê tại Syria, dưới danh nghĩa « cố vấn giúp chuẩn bị chiến thuật » quân sự ; trước khi sang Syria, những người này được huấn luyện tại một căn cứ bí mật ở phía nam nước Nga và họ được trả lương khoảng 7000 euro/tháng.
Theo La Croix, đó là các nhân viên không mặc quân phục thuộc lực lượng đặc nhiệm, các cựu quân nhân đã từng tham chiến ở Afghanistan hoặc Tchetchenia, nhân viên của các công ty an ninh tư nhân… Dường như lực lượng đánh thuê này đặt dưới sự chỉ huy và điều phối của một tổ chức có tên « Wagner ».
Theo báo RBK Daily và trang mạng Fontanka.ru, thì xác của lính đánh thuê tử trận tại Syria được bí mật đưa về chôn cất tại Nga và gia đình, người thân của họ được khuyến cáo không nên làm ầm ĩ về việc này.
Con người là “sói đội lốt người”
Dẫu sao thì các cuộc khủng hoảng tại Syria hay Ukraina cũng đang minh chứng cho một nghiên cứu vừa được công bố: “Tính hung bạo của con người bám rễ trong quá trình tiến hóa”.
Le Monde trên mục khoa học cho biết nghiên cứu trên do các nhà khoa học Tây Ban Nha thực hiện được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín Nature. Theo đó, tính chất hung bạo giữa các thành viên trong cùng một giống nòi là đặc tính của loài linh trưởng, tức là có nhân loại chúng ta.
Các nhà sinh học chưa bao giờ thấy hiện tượng tàn sát ở loài các voi. Loài dơi không gây chiến với nhau. Khi chúng thể hiện hành vi bạo lực, thường là đối với loài côn trùng, hay những loài bò sát nhỏ. Nghiên cứu của các nhà khoa học Tây Ban Nha chỉ ra rằng: con người đích thực là một “con sói đội lốt người”. Không những con người bạo lực với những loài khác, mà con người còn hung bạo với chính các thành viên của mình trong cùng một nhóm.
Đây chính là kết quả của một công trình nghiên cứu tỉ mỉ khi cho phân tích nguyên nhân cái chết của 4 triệu động vật có vú, trong đó có 600 nhóm người ở nhiều độ tuổi khác nhau. Từ đó, các nhà khoa học đưa ra kết luận: giống loài càng tiến hóa, chúng càng tàn sát lẫn nhau. Bạo lực giữa các thành viên trong cùng một loài là một đặc tính của nhóm loài linh trưởng, mà con người có cùng nguồn gốc.
Cuối cùng các tác giả khẳng định : bẩm sinh và tiến hóa đã kiến tạo nên tính bạo tàn này. Con người hung dữ là do tự nhiên, nhưng cũng do sự tiến hóa của xã hội.
Văn hóa cuối tuần: Đọc gì? Xem gì?
Hergé và Tintin « chễm chệ » tại Grand Palais. Le Monde cho biết bhững ai yêu thích nhân vật Tintin, chú chó Milou và nhân vật thuyền trưởng Haddock khôi hài sẽ có dịp được tìm hiểu rõ về tác giả, Hergé và những tuyệt tác của ông, được trưng bày ở Đại Điện (Grand Palais), Paris. Triển lãm được mở cho công chúng từ ngày 28/09/2016 cho đến cuối năm 2016.
Phải đợi đến 30 năm sau, Hergé của Tintin mới được nối gót Hugo Pratt, cha đẻ của nhân vật lãng tử Corto Maltese, có được vinh hạnh mở một triển lãm tại Đại Điện. Đặc biệt, người xem sẽ có dịp khám phá con đường nghệ thuật của Hergé từ việc vẽ quảng cáo, hội họa, cho đến niềm đam mê các nền văn minh ngoài phương Tây và những sáng tạo thẩm mỹ phổ quát.
Wilde ngự trị Petit Palais. Nhà thơ Beaudelaire tại Bảo tàng trường phái lãng mạn, George Sand tại phòng trưng bày Delacroix, hay Manet ở bảo tàng Orsay, thì Petit Palais lại dành một vinh hạnh cho Oscar Wilde (1854-1900) tác giả tiểu thuyết « Portrait de Dorian Gray » (tạm dịch là Chân dung Dorian Gray). Theo Le Figaro, đây là một cuộc triễn lãm sâu sắc và đầy cảm xúc mà ở đó mỗi giai đoạn và mỗi góc của nhà văn được mô tả chi tiết như là ta đang đi theo từng vòng xoáy của chính chữ ký cháy bỏng của tác giả.
Pháp nghĩ gì về tư pháp Trung Quốc? Bạn muốn biết Pháp tìm hiểu về những biến đổi ngành tư pháp Trung Quốc ra sao kể từ cuối những năm 1970, Le Monde giới thiệu tập sách « Chine, les visages de la justice ordinaire » của tác giả Stephanie Balme (tạm dịch là Trung Quốc, muôn mặt ngành tư pháp thường nhật). Đương nhiên, hệ thống này vẫn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng cộng sản Trung Quốc.
Nhưng theo quan sát của tác giả, kể từ khi ông Đặng Tiểu Bình đưa ra chương trình cải cách vào cuối những năm 1970, hệ thống tư pháp của Trung Quốc đã có những thay đổi sau sắc, đoạn tuyệt với quan điểm Mao-ít về một nền tư pháp giai cấp. Ngày nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có đến hơn 3.000 tòa án và hơn 22.000 thẩm phán.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment