Nga : Các ngân hàng lần lượt bị phá sản
Ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục thanh lọc hệ thống ngân hàng. Ảnh minh họa.REUTERS/MAXIM ZMEYEV
Nga tiếp tục chính sách thanh lọc ngân hàng. Hiện tượng này được thông tín viên của Le Monde tại Matxcơva tường thuật trong số ra ngày 21/09/2016. Trước đó hai ngày, chính quyền đã để hai ngân hàng lớn phá sản.
Theo nhiều thông cáo của Ngân Hàng Trung Ương Nga, hai ngân hàng Rosinterbank và Finprombank đã bị rút giấy phép kinh doanh. Theo thứ tự đứng ở vị trí thứ 68 và 94 trên tổng số khoảng 650 ngân hàng tại Nga, hai cơ quan tài chính này giữ khoảng 1 tỉ euro tín dụng tài khoản cá nhân. Ngoài ra, ngân hàng thứ ba, RKB, có quy mô nhỏ (đứng vị trí thứ 404), cũng vừa bị giải thể.
Nếu như FinPromBank bị đóng cửa do tình hình tài chính yếu kém, thì RosinterBank và RKB bị chỉ trích vi phạm luật pháp, cụ thể là rửa tiền. Những lý do trên được đưa ra từ ba năm nay cho thấy tình trạng thiếu tiền của các ngân hàng, khiến các dịch vụ thông thường của khách hàng bị gây trở ngại.
Do thiếu nguồn tiền cũng như thiếu kỹ năng quản lý và trách nhiệm, các ngân hàng này thường không có những biện pháp cần thiết để củng cố nguồn vốn. Một số ngân hàng buộc phải hạn chế số lượng tiền mặt mà mỗi khách hàng được quyền rút. Để tránh mọi bất bình xã hội dẫn đến việc đóng tài khoản, chính quyền đã chọn cách đặt các ngân hàng này dưới sự bảo trợ của nhà nước, mà kết quả là đa số bị giải thể. Những vụ phá sản này được tiến hành dưới sự kiểm soát của Nhà nước, nên không gây thiệt hại lớn cho khách hàng.
Tuần trước, chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương, bà Elvira Nabioullina, thông báo 279 ngân hàng đã bị rút giấy phép hoạt động trong vòng ba năm gần đây, trong đó chỉ tính từ đầu năm 2016 đã có đến 68 ngân hàng. Ba ngân hàng mới bị giải thể ngày 19/09, Rosinterbank, Finprombank và Voienno-Promychlenny Bank, gia nhập danh sách dài các ngân hàng nằm dưới sự quản lý của cơ quan bảo hiểm tiền gửi. Sau khi phân tích tình hình tài chính, cơ quan này sẽ quyết định cứu ngân hàng hay để phá sản. Chính ngân hàng FRCB, từng cho đảng Mặt Trận Quốc Gia Pháp (Front national) vay 9 triệu đô la vào năm 2014, cũng bị giám hộ.
Cách đây 10 năm, lĩnh vực ngân hàng Nga có hơn 1.200 ngân hàng lớn nhỏ, dù 80% hoạt động giao dịch nằm trong tay 200 ngân hàng lớn nhất. Hiện nay, con số này chỉ còn 619. Quá trình thanh lọc đang được thực hiện nằm trong khuôn khổ chính sách củng cố một thị trường, hiện vẫn bùng nổ quá mạnh, trong đó có rất nhiều ngân hàng nhỏ thuộc các lĩnh vực ngân hàng hay thuộc cả các tập đoàn công nghiệp, thậm chí thuộc cả các tổ chức chuyên rửa tiền.
Để giải thích việc rút giấy phép, chính quyền thường đưa ra lý do không đủ vốn hoặc phát hiện những « giao dịch đáng ngờ ». Theo Ngân hàng Trung ương Nga (BCR), trong 70% trường hợp phá sản, lời giải thích được đưa ra là không tôn trọng luật pháp về chống rửa tiền.
Chiến dịch « làm sạch » này diễn ra vào thời điểm Ngân Hàng Trung Ương đang cố hỗ trợ nền kinh tế Nga bằng cách tung ra hàng loạt hoạt động tín dụng. Cho rằng lạm phát đã giảm bớt, ngân hàng nhà nước Nga vừa giảm lãi suất chỉ đạo xuống còn 10%. Một cú hích mà chính phủ cũng như lĩnh vực công nghiệp mong đợi từ lâu để kích thích tăng trưởng sau gần 1 năm rưỡi suy thoái do giá dầu thô giảm mạnh và bị phương Tây trừng phạt do Matxcơva can thiệp vào Ukraina.
Với sự bình ổn của nền kinh tế từ quý hai năm 2016, Nga có thêm chút hy vọng tăng trưởng trở lại vào năm 2017. Tuy nhiên, lĩnh vực ngân hàng vẫn bị đe dọa vì những khoản tín dụng xấu của khách hàng, từ các tập đoàn công nghiệp đến tư nhân. Những khoản nợ không thanh toán được có thể chiếm đến 1/4 vốn của các ngân hàng trong những tháng tới.
Syria : Chiến sự tái diễn ngay khi thỏa thuận ngừng bắn hết hiệu lực
Thỏa thuận hưu chiến tại Syria giữa Nga và Mỹ kéo dài được một tuần. Đêm thứ Hai 19/09, rạng sáng thứ Ba 20/09, chỉ vài giờ sau khi lệnh ngưng bắn hết hiệu lực, một đoàn xe cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc và tổ chức Chữ Thập Đỏ đã bị oanh kích tại tỉnh Aleppo. Chủ đề này đều được các nhật báo Pháp đề cập.
Nhật báo Libération chạy tựa : « Tại Syria, vụ tấn công một đoàn xe cứu trợ nhân đạo đánh dấu chấm hết cho lệnh hưu chiến ». Theo bài báo, đoàn cứu trợ bị không quân chính phủ Syria và Nga oanh kích hai lần và lần thứ hai là từ một chiến đấu cơ. Ít nhất 20 thường dân và một người phụ trách địa phương của hội Chữ Thập Đỏ Syria bị chết. Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, Stephen O’Brien, nhấn mạnh : « Nếu vụ tấn công này cố tình nhắm vào các nhà hoạt động nhân đạo, thì đây là một tội ác chiến tranh ».
Cùng chung nhận định trên, trong bài viết : « Chiến sự tái diễn tại Syria », Le Monde cho biết thêm đoàn xe gồm 31 chiếc bị tấn công bằng pháo rocket ở Orum Al Koubra, nằm trong khu vực do phe đối lập quản lý. Đoàn xe xuất phát từ tây Aleppo, khu vực do quân đội chính phủ kiểm soát và đã được khám xét theo đúng nguyên tắc trước khi tiếp tục hành trình.
Còn theo La Croix, đoàn xe chở đầy thuốc men, chăn và lương thực. Từ đầu cuộc xung đột tại Syria, đã có 54 tình nguyện viên của Chữ Thập Đỏ Syria thiệt mạng. Họ nằm trong số khoảng 7.000 tình nguyện viên hàng ngày vẫn vượt mọi hiểm nguy để giúp đỡ người dân Syria sống tại những vùng do quân nổi dậy hoặc quân chính phủ kiểm soát.
Thảm kịch tại Aleppo được cho là nhằm đáp trả vụ tấn công « nhầm » ở Deir Ez Zor của không quân Mỹ và đã gây tác động đến quá trình đàm phán tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra tại New York. Không trực tiếp cáo buộc Matxcơva, song Washington tuyên bố« bất bình » về thái độ của Nga.
Thủ tướng Ý đơn thương độc mã tại châu Âu
Từ khi lên điều hành chính phủ Ý năm 2014, thủ tướng Matteo Renzi không ngừng tán dương sự liên kết của Ý với Liên Hiệp Châu Âu cũng như vai trò của Roma tại Bruxelles.
Thế nhưng, theo bài báo « Thủ tướng Ý đơn thương độc mã tại châu Âu », Le Monde nhận định hình ảnh đoàn kết đẹp đẽ của thượng đỉnh châu Âu ngày 16/09 vừa qua tại Bratislava vừa bị thủ tướng Matteo Renzi làm hoen ố. Lý do có lẽ là thủ tướng Ý tức giận trước cặp đôi Merkel-Hollande, cảm thấy mình bị bỏ rơi.
Theo nhận định của thủ tướng Ý trên tờ Corriere della Sera, Bratislava « lẽ ra phải là một bước ngoặt và đó lại là một cuộc họp lần thứ không biết bao nhiêu, được kết thúc bằng việc tranh luận đặt dấu chấm dấu phẩy ở đâu trong một bản tuyên bố không mục đích cụ thể ». Ông Renzi nhấn mạnh đến hai điểm gây trở ngại chính : làn sóng nhập cư và tăng trưởng.
Đúng là Ý hiện đang trên tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng người tị nạn. Từ ngày 01/01/2016, nước này đã tiếp nhận khoảng 127.000 người nhập cư từ biển Địa Trung Hải, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2015. Với sự phản đối phân bổ hạn ngạch người nhập cư của nhóm Visegrad (gồm Ba Lan, Hungary, CH Czech và Slovakia), cũng như thiếu sự ủng hộ của Pháp và Đức, Roma có cảm giác bị các đối tác bỏ rơi, và trở thành nạn nhân của những tính toán ích kỉ quốc gia.
Vẫn liên quan đến di dân, nhật báo Le Figaro cho biết : « Người dân Hy Lạp ngày càng hắt hủi người nhập cư ». Phóng viên của tờ báo có mặt tại Oreokatsro, ngoại ô Thessalonique nhận định hội phụ huynh học sinh tại đây đã quyết định « không cho trẻ em nhập cư được học tại các trường công lập ». Thông cáo của hội phụ huynh nhấn mạnh quyết định được đưa ra vì« lý do sức khỏe cộng đồng : người nhập cư không được tiêm phòng và đã có nhiều trường hợp sốt rét và viêm gan ».
Sau thông cáo trên, biện lý thành phố Thessalonique quyết định mở điều tra xem hội phụ huynh có vi phạm luật pháp và phân biệt chủng tộc hay không. Hiệp hội bác sĩ tại đây cũng phản ứng mạnh mẽ và nhấn mạnh « mọi con người, bất kể nguồn gốc, đều có quyền được chăm sóc và giáo dục ».
Vẫn theo Le Figaro, trong bài diễn văn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, « Obama kêu gọi hành động nhiều hơn nữa cho người nhập cư ». Tổng thống Mỹ cho rằng các nước giầu phải tăng cường tiếp nhận di dân, ngay cả khi biện pháp này có thể gặp khó khăn về mặt chính trị.
Thủ tướng Anh tìm cách trấn an Phố Wall
Bên lề Đại Hội Đồng Liên hiệp Quốc, thủ tướng Anh « Theresa May tìm cách trấn an các tập đoàn lớn về Brexit ». Trong khi đó, theo nhật báo Le Figaro, các ngân hàng Mỹ như Goldman Sachs, Morgan hay Stanley, có trụ sở tại khu tài chính City ở Luân Đôn, lại tỏ ra ngờ vực về hậu quả của Brexit.
Mục tiêu chiến dịch « quyến rũ » của thủ tướng Anh là lắng nghe, trấn an trong bối cảnh lo lắng hậu Brexit ngày càng tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Phố Wall. Quyết định rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu của người dân Anh sẽ gây tác động đáng kể đến tương lai của khu tài chính City. Bà Theresa May hiểu rõ điều này và nhấn mạnh : « Anh Quốc luôn mở rộng với thế giới bên ngoài ».
Thế nhưng, từ sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, hai ngân hàng Nhật Bản đã rời sang Amsterdam. Năm ngân hàng lớn của Mỹ, sử dụng 40.000 nhân viên tại Luân Đôn, đã bắt đầu thương lượng với các nước khác trong Liên Hiệp về thủ tục xin giấy phép kinh doanh cũng như những yêu cầu về vốn.
Pháp : Các lò mổ nằm trong tầm ngắm
Trên trang nhất của các nhật báo Pháp là nỗi đau của những con vật trong lò mổ. Bốn lần liên tiếp trong vòng 8 tháng, hiệp hội bảo vệ động vật L214 đã công bố những hình ảnh đối xử dã man trong các cơ sở giết mổ tại Pháp. Những đoạn video được quay lén đã khiến công luận phẫn nộ.
Cả Le Monde và La Croix đưa tin, sau những công bố trên, một ủy ban điều tra nghị viện đã đưa ra 65 đề xuất để cải thiện điều kiện giết mổ động vật, trong đó có việc lắp camera theo dõi trong các cơ sở giết mổ. Các nghị sĩ cũng khuyến cáo các cơ quan thú y phải có mặt nhiều hơn tại những địa điểm này, đồng thời phải có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn với những hành động dã man đối với động vật.
Riêng nhật báo Libération, nhân sự kiện này, lại bàn về những loại lương thực có thể thay thế thịt dưới hàng tựa lớn : « Đây là một miếng thịt » nhưng xung quanh toàn là ngũ cốc. Có rất nhiều loại thực phẩm thay thế được thịt như lúa mì, đậu nành, đậu Hà Lan… Đó là những loại « thịt từ thực vật » được nghiền nát, đôi khi được trộn thêm với lòng trắng trứng, cho hương vị và hình dạng giống hoàn toàn một miếng bifteck bằng thịt thật.
Tờ báo bình luận : "Hoàn toàn có thể đặt một miếng bifteck lên đĩa ăn của chúng ta mà không cần phải hy sinh bất kỳ một con bò hay một con cừu nào. Kỹ thuật thường mang tiếng xấu, bỗng nhiên lại thành cứu tinh cho thiên nhiên. Về lâu dài, phong trào này sẽ dẫn đến những hệ quả chóng mặt : đảo lộn các ngành sản xuất, nhiều nhà chăn nuôi chuyển nghề, phát minh loại hình ẩm thực mới, thay đổi điều kiện sống của động vật… Xu hướng này chắc chắn sẽ khiến giới bảo thủ la oai oái. Nhưng điều này được gọi là tiến bộ".
Trang nhất các nhật báo
Trang chính các nhật báo Pháp tập trung phân tích chiến dịch tranh cử tổng thống được chính thức tiến hành bên đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (Les Républicains). Nước Pháp là nhà vô địch châu Âu về sử dụng xe hơi bẩn chạy bằng diesel. Về ngân sách cho năm 2017, với dự đoán tăng trưởng tăng 1,5% và thâm hụt ngân sách công là 2,7%, chính phủ Pháp tỏ ra lạc quan hơn các kinh tế gia và các định chế lớn.
Thời sự quốc tế nổi bật là cuộc thanh trừng tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến một bộ phân công luận phẫn nộ. Chiến tranh tái diễn tại Syria ngay khi hết lệnh ngừng bắn.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment