Saturday, April 7, 2012

Hồi ức về cuộc chiến 1979


 
Gửi trang này cho bè bạn Bản để in ra
Hồi ức về cuộc chiến 1979
 

 
 
Pháo binh Trung Quốc trong cuộc chiến 1979
Chiến tranh biên giới năm 1979 diễn ra ngắn ngủi nhưng để lại nhiều hệ lụy

Ba mươi năm sau cuộc chiến 1979 tôi vẫn nhớ như in bầu không khí sôi sục trên đường phố và trong học đường sau khi lệnh tổng động viên được ban hành.
Năm ấy tôi vừa bước sang tuổi 11, còn quá trẻ để cầm súng lên đường ra chiến trường, nhưng cuộc chiến đã giục giã mọi trái tim yêu nước hướng về biên giới phía bắc, kể cả những thiếu niên mà công việc ưu tiên là học hành.
Tấm gương hy sinh
Mùa xuân năm 1979 tin tức từ chiến trường dồn dập gửi về khiến việc học hành của bọn học sinh chúng tôi chỉ là thứ yếu.
Hầu như trong mọi buổi học chúng tôi đều được nghe kể về tấm gương hy sinh của các chiến sĩ trong những trận đánh mà phần bất lợi luôn nghiêng về phía quân đội chúng ta. Dù vậy, sự dũng cảm và tinh thần quyết chiến của người lính Việt Nam đã giúp giữ vững giang sơn bờ cõi.
Ở các buổi sinh hoạt chung toàn trường của tôi lúc đó, các học sinh đã nghiêng mình trước di ảnh của Lê Đình Chinh. Đó là người anh hùng mà sự hy sinh lẫm liệt trong khi bảo vệ người dân không tấc sắt giữa vòng vây của quân xâm lược, luôn khiến tôi suy nghĩ về sự cần thiết phải duy trì cho quốc gia một quân đội hùng mạnh, đủ phương tiện và bản lĩnh sẵn sàng đánh trả mọi kẻ thù để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, cũng như khả năng sử dụng vũ lực một cách cần thiết khi nền hòa bình bị đe dọa.
Việt Nam xem Trung Quốc là kẻ thù trong thời gian đó

Mỗi ngày chúng tôi đều tập hát và nghe từ đài phát thanh trên đường phố những bài ca kêu gọi thanh niên nhập ngũ, cả nhạc lẫn lời đều thấm đậm chất hào hùng, lay động lòng người.
Những bài hát ấy từng khiến lứa thiếu niên cỡ tuổi tôi thời đó muốn xông pha nơi chiến trường với các bậc đàn anh của mình.
Giờ đây khi có dịp nghe lại giai điệu mạnh mẽ nhưng lãng mạn xưa, nhiều người không khỏi rung động nhớ đến năm tháng đau thương của cuộc chiến. Lớp lớp thanh niên ưu tú của đất nước đã ra đi không trở lại.
Chúng tôi cũng đau đớn đón nhận tin quân Trung Quốc đặt mìn phá hủy toàn bộ khu di tích lịch sử hang Pác-Pó, Cao Bằng. Dù muốn dù không, ấn tượng trong tôi về người lính Trung Quốc như đám người man rợ dần lớn lên từ đó, và tôi bắt đầu ý thức được sự tàn hại của chiến tranh đối với nền văn minh nhân loại.
Sự gây hấn và tuyệt tình của người anh em xã hội chủ nghĩa một thời khiến sau này tôi suy nghĩ nhiều, với nỗi ngờ vực, về khái niệm “tình đồng chí” và “quân đội nhân dân” được học ở trường.
Chính quyền lúc ấy đã không từ bất kỳ lời lẽ nặng nhẹ nào trên các phương tiện truyền thông để khơi dậy lòng căm thù của người dân đối với Trung Quốc.
Tôi còn nhớ trong suốt hơn 10 năm sau đó các sách báo xuất bản đều mang nặng tinh thần bài Hoa, tủ sách nhà tôi vẫn còn nhiều quyển như vậy, từ chính trị, lịch sử đến văn chương, nghệ thuật, do các nhà xuất bản như Sự Thật, Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh, v.v… ấn hành.
Tinh thần bài Hoa mà chính quyền cổ súy đã đi vào tâm thức nhiều người Việt từ trẻ đến già. Do vậy, sẽ không lấy gì ngạc nhiên khi sự kiện Tam Sa xảy ra cuối năm 2007 nhiều người, đặc biệt là thanh niên, đã xuống đường phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh để bày tỏ tinh thần yêu nước của mình. Đó là lòng ái quốc đã được hun đúc từ gần ba mươi năm về trước kể từ cuộc chiến 1979.
Không thể lãng quên
Đành rằng ngày nay tình hình chính trị và ngoại giao quốc tế đã biến chuyển khác xa ba mươi năm trước, quan hệ Việt-Trung cũng không còn như xưa, song không vì thế chúng ta có thể lãng quên quá khứ đau buồn nhưng hào hùng đó của dân tộc.
LS. Lê Công Định
 Đáp ứng nguyện vọng của người dân trong nước cũng không kém phần quan trọng, nếu không nói là quan trọng hơn, so với tranh thủ sự hài lòng của anh bạn láng giềng 
 
Lê Công Định

Trái lại, các thế hệ người Việt cần luôn khắc ghi trong tâm khảm về mối hiểm họa luôn còn đấy do tham vọng bá quyền không ngừng của nước lân bang khổng lồ này.
Mối bang giao với Trung Quốc luôn tế nhị và trắc trở đối với chính quyền Việt Nam ở mọi thời đại, trong đó dung hòa giữa duy trì hòa bình để phát triển đất nước với bản lĩnh sẵn sàng đáp trả mọi khiêu khích về lãnh thổ là điều mà chính quyền hiện tại phải bận tâm giải quyết.
Hiểu và cân nhắc điều này khi bày tỏ phản ứng của mình đối với sự gây hấn của nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng là cách mà người dân có thể làm để giúp nhà nước “nhẹ gánh” phần nào trong lúc thực thi một chính sách ngoại giao đầy khó khăn như thế.
Dù vậy, hiểu hay không sự tế nhị về ngoại giao chắc chắn không phải là nghĩa vụ của người dân, mà nếu vi phạm sẽ bị trả giá bằng các hình phạt hay sách nhiễu từ phía chính quyền, bởi lẽ đối ngoại là công việc của nhà cầm quyền, chứ không phải của dân chúng.
Và đừng quên rằng đáp ứng nguyện vọng của người dân trong nước cũng không kém phần quan trọng, nếu không nói là quan trọng hơn, so với tranh thủ sự hài lòng của anh bạn láng giềng lắm mưu sâu kế độc.
Mặt khác, nếu việc bày tỏ lòng ái quốc của người dân bị kìm hãm hay bị nhìn bằng cặp mắt thiếu thiện cảm vì bất kỳ lý do gì, thì khi quốc gia hữu sự trong những tình huống tương tự, hoặc kể cả không tương tự cuộc chiến 1979, làm sao chính quyền có thể huy động được sức người sức của từ toàn dân cho công việc chung của đất nước?
Lúc đó dù sáng tác bao nhiêu bài hát khơi gợi tinh thần yêu nước, giục giã thanh niên lên đường, cũng không thể tìm lại được niềm tin, tinh thần hy sinh và bầu không khí hào hùng của ba mươi năm trước đây.

No comments:

Post a Comment