Bắc Kinh đang lên gân ở Biển Đông vì khát năng lượng
Bắc Kinh Đẩy Mạnh Sự Hiện Diện Quân Sự Tại Khu Vực Giầu Năng Lượng Ở Biển Đông, Bất Chấp Việt Nam Đang Đòi Hỏi Chủ Quyền.
Will Rogers
Tuần qua, Trung Quốc khởi sự tuần phòng bằng các đơn vị tác chiến tại khu vực biển chung quanh nơi có tiềm năng giầu có tài nguyên ở quần đảo Trường Sa mà cả Trung Quốc lẫn Việt nam đều có tranh chấp chủ quyền. Và vào hôm thứ Sáu, tờ Trung Quốc Nhật báo đưa tin Trung Quốc có thể triển khai sự hiện diện quân sự tại Tam Sa - một thành phố tân lập ở một đảo trong quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp - được dựng lên để quản trị chủ quyền Trung Quốc trên lãnh thổ quốc gia tại biển Đông. (Thành phố này được thành lập để đáp trả Việt Nam gần đây đã thông qua một đạo luật xác định chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.)
Việc triển khai tuần phòng bằng các đơn vị tác chiến và các bàn thảo xây dựng lực lượng (quân sự) tại Tam Sa theo sát gót lời tuyên bố của Công Ty CNOOC (China National Offshore Oil Company) rằng họ sẽ gọi thầu các công ty năng lượng ngoại quốc để thăm dò và phát triển chín lô mới tại biển Đông nằm trong khu vực 200 hải lý Đặc Quyền Kinh Tế của Việt Nam. Xem chừng sẽ không có công ty ngoại quốc nào hợp tác với CNOOC trong các lô có tranh chấp nếu phải tính đến các rủi ro họ phải gánh chịu nếu họat động ở đấy. Mặc dầu như thế, Bắc Kinh đang đặt họ vào một vị thế thuận lợi hơn để bảo vệ quyền lợi về năng lượng của họ: "Công bố về các lô này như thế phản ảnh một bước khác của Trung Quốc nhằm củng cố quyền tài phán của họ trên các vùng biển này," theo lời ông M. taylor Fravel, Giáo Sư Đại Học MIT.
Diễn trò vì khát nguồn tài nguyên
Hành động mới đây đã kết nối một chuỗi các sự kiện khác do Trung Quốc gây ra để bảo vệ chủ quyền của họ đối với tiềm năng tài nguyên dầu khí (hydrocarbon) trong vùng. Ước lượng dầu hoả và khí đốt thiên nhiên trong Biển Đông chênh lệch rất lớn, từ đánh giá của Hoa Kỳ là 28 tỉ thùng dầu đến đánh giá của Trung Quốc là 213 tỉ thùng dầu. Nhưng không một nước nào biết có những gì nằm bên dưới đáy biển. Quan chức tại Bắc Kinh dường như đang đặt cược rằng Biển Đông có thể trở thành "Vịnh Persian thứ nhì", nên họ đang tiến hành cạnh tranh chiến lược trên các vùng có tiềm năng giàu có về năng lượng. Nhưng trong nhiều năm, các nỗ lực xúc tiến điều nghiên để đưa ra các đo lường chính xác hơn về tài nguyên trong khu vực đã bị gây trở ngại bởi tàu thuyền Trung Quốc cản trở các tàu thăm dò và các tàu chuyên đo đạc địa chấn khác.
Canh bạc của Trung Quốc trong vùng Biển Đông một phần bị lèo lái bởi sự yếu kém chiến lược về việc không có bảo đảm nguồn tài nguyên dầu khí tại các nơi khác. Áng chừng 80% dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Trung đông và Phi châu, phải vận chuyển qua eo biển hẹp Malacca, một điểm chẹn bị kẹp giữa Indonesia và Malaysia, có nguy cơ bị khóa hoặc bị gián đoạn. Trong khi ấy, cơ sở hạ tầng khổng lồ trên đất liền của hệ thống ống dẫn dầu từ Trung Á mang nhiều rủi ro, chuyển vận dầu xuyên qua các quốc gia trung chuyển không ổn định như Pakistan và Burma để chuyển giao cho vùng phía Tây Trung Quốc là các nơi mà Trung Quốc có ảnh hưởng đôi khi rất mong manh. Những nhược điểm này đã góp phần vào cung cách cứng rắn của Trung Quốc tại Biển Đông, là nơi mà các quan chức ở Bắc Kinh có vẻ tin tưởng rằng họ có khả năng chiếm lĩnh một vùng có tiềm năng trữ lượng dầu khí lớn, mặc dầu họ chẳng được quốc tế công nhận có chủ quyền trên các nguồn tài nguyên trong khu vực.
Không chỉ là trò giương oai
Mặc dù một vài hành vi của Trung Quốc gần đây chỉ có tính giương oai, điều quan trọng là không nên đánh giá thấp lợi ích thực tiễn của việc tuần phòng tác chiến và một căn cứ Hải quân, hoặc một vài sự hiện diện quân sự nào khác tại Tam Sa có thể đem lại cho Bắc Kinh trong tương lai.
Sẽ đến lúc, Trung Quốc có thể chẳng cần hợp tác với các công ty năng lượng ngoại quốc để khám phá và xây dựng các lô dầu khí tại Biển Đông, bao gồm cả những vùng đang bị chống đối. Tính đến nay, các hoạt động khoan dầu ngoài biển khơi của Trung Quốc bị ngăn trở bởi thiếu kỹ năng khoan tại những nơi sâu hơn 300 mét. Nhưng điều này đang thay đổi: vào tháng Năm, CNOOC đã khởi sự đưa vào hoạt động giàn khoan đầu tiên, chưa từng có, cho phép Trung Quốc khoan đến độ sâu giữa 10.000 đến 12.000 mét, là điều có thể khiến họ mạnh dạn tiến hành khoan đơn phương trong các vùng có chống đối ở Biển Đông.
Tiến bộ đột phá của Trung Quốc về công nghệ khoan dầu tại biển sâu (dù chưa được kiểm nghiệm) có thể gia tăng mối lo cho các quốc gia khác trong vùng về việc Trung Quốc sẽ là kẻ đầu tiên khai thác tài nguyên trong khu vực. Điều này có thể sẽ làm gia tăng các toan tính của các quốc gia khác nhằm ngăn chặn các hoạt động khoan dầu và khí đốt. Các đơn vị tác chiến tuần phòng và những sở hữu quân sự khác có khả năng giúp bảo vệ các hoạt động này khỏi bị phá hoại và củng cố sự khống chế của Trung Quốc trên những nguồn tài nguyên tại Biển Đông. Với nhãn qua đó, các động thái mới đây của Trung Quốc có mục tiêu thực tiễn nhiều hơn là theo các nhà quan sát đã nhầm tưởng. Và có thể là Bắc Kinh đang có kế hoạch y như thế. ○
Người dịch: Trung Cang
Nguồn: Christian Monitor: Beijing flexes some muscle to protect energy interests2/8/2012.
No comments:
Post a Comment