Wednesday, September 5, 2012

Khi Đài Loan không còn là ẩn số


Khi Đài Loan không còn là ẩn số

Những động thái gần đây của Đài Loan tại biển Đông, đặc biệt là trên đảo Ba Bình - đảo lớn nhất tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam - đang khiến cho tình hình tranh chấp trong khu vực thêm căng thăng và phức tạp.
Trong vòng 5 tháng trở lại đây, Đài Loan đã liên tục tăng cường sự hiện diện của mình tại hòn đảo này, mà đáng quan ngại nhất là trên lĩnh vực quân sự. Thái độ của Đài Loan đối với cuộc tranh chấp chủ quyền và lợi ích tại biển Đông đã không còn là ẩn số.
Quân sự hóa hay cũng cố lực lượng
Có thể thấy, cuộc tập trận bắn đạn thật từ ngày 01/09 đến ngày 05/09 tại đảo Ba Bình, mà Đài Loan vừa tuyên bố, là đỉnh điểm của một chuỗi các hoạt động xây dựng lực lượng và khẳng định chủ quyền của họ tại biển Đông. Hiện nay, Đài Loan đã tiến hành xây dựng hệ thống ăng-ten tại đảo Ba Bình bổ sung vào mạng lưới quản lý không lưu. Hệ thống này, theo tờ Taipeitimes cho biết, được xây dựng nhằm hỗ trợ hơn 1200 mét đường băng quân sự tại đảo Ba Bình, đón những chuyến bay tiếp tế quân trang và kỹ thuật cho hơn 130 binh sĩ Đài Loan đồn trú tại đây. Hệ thống ăng-ten cao 7 mét này được dự đoán sẽ hoàn tất vào tháng sau, và giúp tăng tầng suất các chuyến bay từ Đài Loan đến hòn đảo "tiền tiêu". Nhiều thông tin cho biết, phía Đài Bắc còn có dự tính nối dài đường băng quân sự tại Ba Bình thêm 500m nhằm tăng tính chiến lược của đường băng này.
Không dừng lại đó, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đang đóng quân tại đảo Ba Bình cũng được tăng cường hỏa lực một cách đáng lo ngại. Đài Loan đã quyết định bổ sung cho hệ thống phòng thủ trên đảo Ba Bình một số lượng chưa xác định súng phòng không 40mm và súng cối 120mm vào đầu tháng này, với mục đích "tăng cường khả năng phòng thủ trước những căng thẳng leo thang trong tranh chấp tại biển Đông". Đây cũng chính là lập luận mà Đài Loan sử dụng khi tuyên bố về cuộc tập trận bắn đạn thật vào ngày 01/09 sắp đến. Cuộc tập trận này, được phát ngôn viên Đài Loan tuyên bố, nhằm tái khẳng định chủ quyền của Đài Loan trên biển Đông; và các quốc gia khác cần lưu ý tàu thuyền của mình khi đi vào vùng biển của Đài Loan. Cũng trong nửa đầu tháng 09, theo tờ Taipeitimes, một số nhà lập pháp Đài Loan sẽ có một chuyến thanh sát đảo Ba Bình để xây dựng những chính sách trong tương lai.
Những động thái từ phía Đài Loan, theo một nhận xét của Raul Pangalangan trên tờ The Inquirier, thể hiện quan điểm phủ nhận vấn đề tranh chấp tại biển Đông chỉ đơn thuần là tranh chấp song phương Trung Quốc - Philippines, mà bên cạnh đó còn có một chủ thể khác là Đài Loan. Cùng với tuyên bố về "Đường chữ U", khẳng định lãnh hải bao trùm hầu như toàn bộ biển Đông, Đài Loan luôn khẳng định mình có chủ quyền hợp pháp tại Hoàng Sa và Trường Sa cũng như những đặc quyền kinh tế gắn liền với hai quần đảo này. Và trong thời gian gần đây, Đài Loan đang thể hiện rõ hơn bao giờ hết vị thế của mình như một chủ thể tranh chấp độc lập tại biển Đông.
Tại sao "động binh"?
Việc Đài Loan đẩy mạnh hoạt động quân sự trong thời gian gần đây thể hiện mối quan ngại của bản thân chủ thể này trước những căng thẳng leo thang tại biển Đông. Sự kiện xung đột trên bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) giữa Trung Quốc và Philippines mở ra mối lo ngại về khả năng những xung đột mới trong tương lai với mức độ và phạm vi lớn hơn; khi mà cả Trung Quốc và các nước ASEAN đều đang đẩy mạnh đầu tư cho lực lượng quân sự của mình trên Biển Đông. Trong cục diện các quốc gia thuộc khu vực tranh chấp đều đã có nhiều hành động cụ thể và cứng rắn khẳng định chủ quyền của mình trên các đảo và vùng lãnh hải, Đài Loan buộc phải có những bước đi mạnh mẽ của riêng mình nếu như không muốn bị bỏ bên ngoài cuộc tranh chấp lợi ích tại biển Đông.
Gần đây, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra lời đề nghị cùng hợp tác với Đài Loan trong vấn đề cùng chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên và những lợi ích mà hai bên đang cùng chia sẻ tại biển Đông. Kế hoạch này bao gồm từ hợp tác khai thác ngư nghiệp, khai thác dầu khí cho đến liên kết trên lĩnh vực quân sự, giữa lực lượng Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa đóng tại Hoàng Sa và Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Đài Loan đang đồn trú tại đảo Ba Bình. Tuy nhiên, Đài Loan cần lưu ý thực tế rằng mình vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào người đồng minh Hoa Kỳ. Không những thế, vấn đề chủ quyền giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục vẫn chưa bao giờ chấm dứt căng thẳng. Một quyết định cam kết hợp tác công khai với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Đông sẽ là sự "tự sát chính trị" đối với ông Mã Anh Cửu.
Nhìn chung, Đài Loan vẫn đang nằm trong thế khăn về hợp tác quân sự với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cả hai cường quốc này đều bày tỏ mong muốn liên kết lực lượng của Đài Loan hiện đang đồn trú tại đảo Ba Bình với hệ thống quân sự của mình trong khu vực biển Đông. Nắm trong tay đảo Ba Bình với vị trí mang tính chiến lược cao, Đài Loan trở thành một nhân tố quan trọng trong những toan tính tại biển Đông của hai cường quốc khổng lồ này. Những quyết định của Đài Loan trong tương lai đối với vấn đề này sẽ có tác động rất lớn đối với sách lược quân sự Mỹ - Trung, cũng như tình hình trong khu vực. Đứng trước cục diện tình hình căng thẳng tại biển Đông ngày càng đáng lo ngại, trong khi áp lực về sự lựa chọn đồng minh vẫn đang đè nặng lên vai lãnh đạo Đài Loan buộc phải có những hành động quân sự mạnh mẽ liên nhằm bảo vệ lợi ích của mình trên bàn cờ "tranh chấp biển Đông".

No comments:

Post a Comment