Sunday, August 31, 2014

Được Mỹ yểm trợ, quân đội Irak phá vòng vây thánh chiến ở Armeli

Được Mỹ yểm trợ, quân đội Irak phá vòng vây thánh chiến ở Armeli

Lực lượng vệ binh Kurdistan tại Irak.
Lực lượng vệ binh Kurdistan tại Irak.
REUTERS/Youssef Boudlal

Tú Anh
Quân đội Irak vào được Armeli, một thành phố của Irak với đa số tín đồ hệ phái Shia bị Nhà nước Hồi giáo bao vây từ hai tháng nay. Không quân Mỹ oanh kích yểm trợ các đơn vị Irak, Kurdistan và dân quân Shia hành quân phản công và thả dù tiếp tế lương thực cho dân chúng bên trong vòng vây.

Quân đội Irak thông báo đã phá vỡ vòng vây của Nhà nước Hồi giáo và tiến vào thành phố Armeli vào hôm nay chủ nhật 31/08. Theo AFP, tin này được phát ngôn viên của an ninh Irak, đại diện của chính quyền địa phương và một dân quân cùng xác nhận.
Từ hai tháng nay, thành phố Armeli ở phía bắc Irak cách Bagdad 160 cây số bị quân thánh chiến Hồi giáo bao vây làm 20 ngàn dân cư nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ theo hệ phái Shia sống trong tình trạng đói khát. Các ngôi làng chung quanh Armeli lọt vào tay Nhà nước Hồi giáo nhưng dân cư trong thành phố cầm súng kháng cự từ tháng 6 đến nay.
Để phá vòng vây Hồi giáo cực đoan, quân đội Irak phối hợp với dân quân Shia và lực lượng Kurdistan chia làm nhiều cánh quân tiến về Armeli với sự yểm trợ của Hoa Kỳ. Washington cho biết đã tiến hành nhiều phi vụ oanh kích nhắm vào vị trí chiến binh Hồi giáo bao vây Armeli và xa hơn ở phía bắc gần Mossul. Theo AFP, trưa chủ nhật, lực lượng phản công đã phá tan vòng vây thánh chiến Hồi giáo. Song song với các cuộc oanh kích, Mỹ phối hợp với Úc, Anh và Pháp đã thả dù tiếp tế lương thực gồm 40.000 lít nước và 7000 khẩu phần ăn trong đợt đầu tiên cho 20 ngàn dân Armeli.
Trước những hành động tàn bạo của phe thành chiến sau khi chiếm được các thành phố ở Irak và Syria, Washington kêu gọi thành lập một « liên minh » quốc tế để tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo. Sau hội nghị liên minh Bắc Đại Tây Dương ngày 4 và 5/9 về tình hình Ukraina, Ngoại trưởng Mỹ sẽ bay sang Trung Đông để nỗ lực xây dựng một mặt trận chung.
Từ nam bán cầu xa xôi, thủ tướng Úc Tony Abbott hôm nay cho biết, theo yêu cầu của Mỹ, Canberra sẽ đưa máy bay quân sự C-130 và C-47 vận chuyển vũ khí cung cấp cho lực lượng Kurdistan tại Irak.
TAGS: CHIẾN TRANH - IRAK - MỸ - THÁNH CHIẾN

Putin muốn thành lập « nhà nước » ở Đông Ukraina

Putin muốn thành lập « nhà nước » ở Đông Ukraina

Phải chăng lãnh đạo Nga công khai hóa tham vọng địa chính trị hay chỉ để trắc nghiệm Nato ?
Phải chăng lãnh đạo Nga công khai hóa tham vọng địa chính trị hay chỉ để trắc nghiệm Nato ?
Reuters

Tú Anh
Việc xây dựng một Nhà nước phải được đề cập trong các cuộc thảo luận chấm dứt xung đột tại miền đông Ukraina. Trên đây là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin, lần đầu tiên nói đến quy chế « nhà nước » tại vùng lãnh thổ của láng giềng Ukraina đang diễn ra xung đột võ trang giữa phe nổi dậy thân Nga và chính quyền trung ương Kiev. Phải chăng lãnh đạo Nga công khai hóa tham vọng địa chính trị hay chỉ để trắc nghiệm Nato ?

Theo AFP, trong một chương trình truyền hình thu trước từ thứ sáu 29/08 được Itar-tass loan tải, Tổng thống Nga Putin cho là đã đến lúc "bắt đầu thảo luận những vấn đề cốt lõi… liên quan đến việc thành lập một nhà nước cho vùng đông-nam Ukraina để bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người sinh sống tại đây".
Nếu đây là ý định thật của Putin thì điều này trái hẳn với những yêu sách, lập trường chính thức của Nga từ trước nay là vùng đông Ukraina, nơi có đa số dân nói tiếng Nga phải được nhiều quyền tự trị hơn trong một liên bang bớt tập quyền.
Tổng thống Nga không bình luận về đe dọa của Tây phương trừng phạt thêm nước Nga nếu không rút quân ra khỏi Ukraina nhưng ông dọa ngược lại là « nhân danh nhân dân Nga » ông sẽ không "điềm nhiên để cho người (Nga) bị bắn giết".
Trong cuộc họp báo hôm nay 31/08/2014, khi bị phóng viên quốc tế đặt câu hỏi yêu cầu làm rõ ý định của Tổng thống Nga, phát ngôn viên của điện Kremli Dmitri Peskov lý giải là ông Putin không có kêu gọi thành lập một nhà nước độc lập tại Đông Ukraina, miền đông Ukraina là lãnh thổ của Ukraina và cuộc chiến hiện nay là vấn đề xung khắc nội bộ và không phải là chiến tranh giữa Nga và Ukraina.
Tổng thống Nga một lần nữa quy trách nhiệm cho Tây phương ủng hộ phong trào phản kháng lật đổ tổng thống Viktor Ianoukovitch mà không tính trước hệ quả xung đột tiếp theo.
TAGS: UKRAINA - NGA - VLADIMIR PUTIN - KHỦNG BỐ

Bắc Kinh chống quyền tự do ứng cử lãnh đạo Hồng Kông

Bắc Kinh chống quyền tự do ứng cử lãnh đạo Hồng Kông

Khẩu hiệu "bất phục tùng" được dựng lên gần khu trung tâm tài chính Hồng Kông ngày 31/08/2014.
Khẩu hiệu "bất phục tùng" được dựng lên gần khu trung tâm tài chính Hồng Kông ngày 31/08/2014.
REUTERS/Bobby Yip

Tú Anh
Đúng như tiên liệu, chế độ Trung Quốc không cho người dân Hồng Kông tự do ra tranh cử chức vụ lãnh đạo hành pháp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc với vai trò bù nhìn thông qua các quyết định của đảng Cộng sản buộc các ứng cử viên tranh ghế lãnh đạo Hồng Kông phải là người « yêu nước » và được « chọn lọc ».

Tình hình Hồng Kông có nguy cơ căng thẳng thêm .Theo AFP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc mà thực chất chỉ là văn phòng tiếp thu các quyết định của ban lãnh đạo đảng Cộng sản hôm nay 31/08/2014 ra tuyên bố : chấp thuận bầu cử lãnh đạo hành pháp Hồng Kông năm 2017 theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, trực tiếp. Tuy nhiên, Bắc Kinh đặt điều kiện chỉ có người « yêu nước » phải hiểu là « yêu đảng Cộng sản » mới được ứng cử.
Phong trào bất phục tùng công dân Occupy Central cho biết sẽ tung ra những đợt biểu tình phản kháng, gây tê liệt trung tâm tài chính. Trung Quốc không xem thường đe dọa này. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Sebastien Ricci phân tích :
"Hồng Kông, với 7 triệu dân, lớn gấp 10 lần Paris nhưng chỉ bằng đầu đũa so với Hoa lục. Là lãnh thổ của Trung Quốc nhưng Hồng Kông theo một quy chế tự trị đặc biệt : có tiền tệ riêng, luật pháp riêng và chính phủ riêng. Lãnh đạo hành pháp Hồng Kông lần đầu tiên sẽ được bầu theo lối phổ thông đầu phiếu, trực tiếp vào năm 2017. Cho đến nay, chức vụ lãnh đạo này do một ủy ban gồm 200 đại cử tri đã được chọn lọc kỹ, bầu lên.
Tuy nhiên cần phải thận trọng vì Bắc Kinh nói đến bầu cử tự do nhưng lại đặt một loạt điều kiện. Ứng cử viên không được quá ba người, tất cả phải là người « yêu nước », phải hiểu là ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc. Với tiêu chí tùy tiện này, chính quyền Trung Quốc có thể loại trước những ứng cử viên mà họ không thích.
Lập tức, phong trào bất phục tùng công dân đe dọa chiếm đóng trung tâm thành phố nếu Trung Quốc không thực hiện lời cam kết cải cách dân chủ thật sự tại Hồng Kông. Bắc Kinh không giấu sự lo ngại. Hơn 7000 cảnh sát đã được huy động và nhiều xe thiết giáp đã xuất hiện trên đường phố. Những hình ảnh này làm sống lại cơn ác mộng Thiên An Môn tháng 6 năm 1989 khi quân đội Trung Quốc đàn áp phong trào đòi dân chủ trong biển máu".
TAGS: TRUNG QUỐC - HỒNG KÔNG - BẦU CỬ - TỰ DO - DÂN CHỦ

'Nên thôi láu cá trong quan hệ quốc tế'

'Nên thôi láu cá trong quan hệ quốc tế'

Cập nhật: 06:47 GMT - thứ năm, 28 tháng 8, 2014
Kinh tế gia Nguyễn Trần Bạt nói cần chấm dứt sự "láu tôm láu cá" trong quan hệ thương mại quốc tế để tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương hiệu quả.
Nhận định trên được ông Bạt đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 28/8.
"Những hiện tượng như vậy là có thật trong quốc tế trong việc dựng các hàng rào, sử dụng các quy tắc về cân bằng quyền lợi quốc gia," ông nói.
"Tôi nghĩ sự 'láu tôm láu cá' ấy càng ít đi thì quan hệ quốc tế trong kinh tế càng công bằng và các hiệp định như vậy càng có hiệu lực trên thực tế."
"Đó là cuộc chơi giữa những người ngay thẳng với nhau."

'Chọn Chủ nghĩa Cộng sản là sai lầm'

'Chọn Chủ nghĩa Cộng sản là sai lầm'

Cập nhật: 09:34 GMT - thứ bảy, 30 tháng 8, 2014
Việc lựa chọn chủ nghĩa cộng sản là một 'sai lầm' theo ý kiến của một cựu Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước TP. Hồ Chí Minh.
Trao đổi với BBC nhân bà Võ Thị Thắng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng mới qua đời ở Sài Gòn, ông Huỳnh Kim Báu, cựu đồng chí của bà Thắng trong thời gian trước 1975 tại Sài Gòn, nói:
"Chủ nghĩa Cộng sản là một sai lầm. Phải đấu tranh để loại bỏ nó đi, xây dựng một xã hội dân chủ. Chứ không thể nào duy trì một chế độ độc tài độc đảng như hiện nay"
Ông Huỳnh Kim Báu
"Khi hòa bình, chúng tôi mới tiếp cận tài liệu và qua thực tế, thì chúng tôi mới thấy rằng chọn Chủ nghĩa Cộng sản là một sai lầm.
"Phải đấu tranh để loại bỏ nó đi, xây dựng một xã hội dân chủ chứ không thể nào duy trì một chế độ độc tài độc đảng như hiện nay."
Về giới cầm quyền hiện nay ở Việt Nam, ông Hùynh Kim Báu nêu nhận xét:
"Còn giới cầm quyền, bây giờ gọi là Đảng đấy, thì đều bị tha hóa rồi, họ không còn thực hiện lý tưởng như hồi chúng tôi chọn."
Theo ông Báu, bà Võ Thị Thắng, sau khi nghỉ hết các chức vụ đảng và chính quyền có 'chia sẻ' các suy nghĩ này của các cựu đồng chí của bà.
"Vâng đúng rồi, chúng tôi cùng một quan điểm, cùng một lập trường mà," ông Báu khẳng định.
Ở phần mở đầu cuộc trao đổi với BBC, ông Báu đưa ra nhận xét về con người và nhân cách của bà Võ Thị Thắng, cũng như về một 'nghi án' chính trị chống lại bà Thắng từ trong nội bộ Đảng và chính quyền Việt Nam.
Ông Huỳnh Kim Báu nguyên là giáo viên tại miền Nam Việt Nam, từng tham gia các phong trào sinh viên có liên hệ với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam ở Sài Gòn và Nam bộ, từng là tù chính trị trong chế độ ở miền Nam trước 30/4/1975.

    'TQ không muốn VN đa nguyên'

    'TQ không muốn VN đa nguyên'

    Cập nhật: 14:39 GMT - thứ sáu, 29 tháng 8, 2014
    Việt Nam chưa thể có 'đa nguyên chính trị' dù Đảng Cộng sản đang muốn 'thay đổi' và Việt Nam muốn 'thoát ra' để tự do hóa, do sự 'ngăn cản' của Trung Quốc, theo ý kiến của một nhà phân tích từ Việt Nam.
    Trao đổi với BBC hôm 29/8/2014, TS. Vũ Duy Phú, Phó Chủ tịch thường trực Viện những vấn đề Phát triển (BấmVIDS) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật VN (Vusta), nói:
    "Việt Nam chưa có đa nguyên, nếu có đa nguyên thì đã có tự do, dân chủ. Thực ra đa đảng là một cách thể hiện của đa nguyên, nhưng không nhất thiết cứ đa đảng mới thực hiện được đa nguyên. Nếu một đảng mà thực sự dân chủ, có thật nhiều tư tưởng tự do khác nhau phát biểu để tranh luận đến chân lý, thì như thế cũng tốt.
    "Chứ không nhất thiết đa đảng mới đa nguyên được. Nếu một đảng mà sáng suốt, cho phép trong nội bộ đảng tranh luận, không lấy một cái gì làm thống soái để quyết đoán, thì vẫn có thể đạt đa nguyên được và vẫn tìm ra chân lý được."

    Bị Trung Quốc 'ngăn cản'

    "Việt Nam vẫn quẫy ra. Quẫy ra để đi theo tự do hóa, mà Trung Quốc thì ngăn lại, đấy là mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc"
    TS. Vũ Duy Phú
    Theo ông Phú, Đảng Cộng sản Việt Nam đang trong lộ trình cải thiện dân chủ trong đảng, trước khi mở rộng tới một cấp độ lớn hơn. Ông nói: "Đảng Cộng sản Việt Nam đang phấn đấu đạt cái đó trước, sau đó rồi khi điều kiện cho phép sẽ đa đảng."
    Phát biểu của ông Phú được đưa ra bình luận một ý kiến mới đây của nhà nghiên cứu Jonathan London với tựa đề "BấmĐa nguyên Việt Nam" đăng trên trang blog cá nhân của học giả này. Giải thích vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam hiện chưa thể đổi mới, Tiến sỹ Phú nói thêm:
    "Sau khi chiến thắng rồi, thì tàn tích kháng chiến và tàn tích của ảnh hưởng của Nga, của Liên Xô và của Trung Quốc làm cho hệ thống của Việt Nam từ Đảng đến dân quen với chế độ cũ, quen với hình thức độc đảng, toàn trị. Hậu quả của vấn đề như thế.
    "Bây giờ thấy được như thế rồi, nhưng sửa như thế rất khó, ở chỗ là Trung Quốc không muốn Việt Nam sửa để tự do dân chủ hóa như kiểu phương Tây, vì như thế Trung Quốc trở nên đơn độc. Trung Quốc muốn Việt Nam là một bạn đồng minh rất chặt chẽ, giống như Bắc Triều Tiên, nhưng Việt Nam vẫn quẫy ra.
    "Quẫy ra để đi theo tự do hóa, mà Trung Quốc thì ngăn lại, đấy là mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc," Viện phó VIDS nói với BBC.

    Saturday, August 30, 2014

    TQ cảnh báo việc "can dự" vào Hong Kong

    TQ cảnh báo việc "can dự" vào Hong Kong

    Cập nhật: 11:53 GMT - thứ bảy, 30 tháng 8, 2014
    Trung Quốc cảnh báo nước ngoài đừng "can dự" vào chính trị Hong Kong ngay trước thông báo quan trọng về tiến trình bầu cử tại đây.
    Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói dùng Hong Kong như "điểm tựa để lật đổ Hoa lục" là việc không thể tha thứ.
    Trung Quốc dự kiến giới hạn bầu cử với sự lựa chọn một số ứng viên thân Bắc Kinh.
    Các nhà hoạt động dân chủ tại Hong Kong đang dọa sẽ chống đối mạnh nếu kỳ bầu cử không được nới rộng cho các ứng viên khác tham gia.
    Họ nói rằng họ sẽ tổ chức biều tình ngồi lì diện rộng tại khu trung tâm tài chính nếu không đạt được một thỏa thuận có thể chấp nhận được.
    'Thế lực bên ngoài'
    Một bài báo đăng trên Nhân dân Nhật báo phiên bản tiếng Trung hôm thứ Bảy nói một số người tại Hong Kong đang "cấu kết" với thế lực bên ngoài.
    "Họ đang không chỉ là ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định và phát triển của Hong Kong mà còn định biến Hong Kong thành điểm tựa để lật đổ và cài cắm vào Hoa lục", bài báo nói.
    "Điều đó là tuyệt đối không được phép," bài báo dẫn lời một quan chức ngoại giao không nêu tên.
    Bài báo không chỉ ra thế lực bên ngoài nào bị cáo buộc dính líu vào mặc dù nhiều nước phương tây đã và đang kêu gọi có chính quyền mở hơn tại vùng thuộc địa cũ của Anh Quốc.
    Vào ngày 01/07/2014 hàng chục ngàn người tuần hành phản đối việc giới hạn ứng viên tranh cử.
    Hàng chục ngàn người tuần hành ủng hộ Bắc Kinh vào ngày 17/08/2014

    Thêm về tin này