Sunday, August 24, 2014

Trương Nhân Tuấn - Tìm hiểu biên giới khu vực Trấn Nam Quan qua một số tài liệu lịch sử và pháp lý

Trương Nhân Tuấn - Tìm hiểu biên giới khu vực Trấn Nam Quan qua một số tài liệu lịch sử và pháp lý

Trương Nhân Tuấn
Chia sẻ bài viết này
1/ Trấn Nam Quan: Theo Ðại Thanh Nhất Thống Chí quyển 365, tờ 17, ghi chú về châu Bằng Tường, trong mục các ải và các cửa biên giới, Trấn Nam quan ở về phía tây nam châu Bằng Tường, cách châu này 45 lý (khoảng 18km). Người ta còn gọi là Ðại Nam quan. Bên phải và bên trái cửa quan là núi đá cao xuyên qua mây. Hai bên cửa quan có xây bức tường chạy dọc lên núi, dài 1190 bộ (khoảng 377 mét).
Về ý nghĩa và tầm quan trọng của các cửa biên giới (cửa ải), theo tài liệu (bằng tiếng Pháp), dịch từ ba trang 15, 16 và 17, quyển thứ nhứt, bộ Long Châu Sử lược (Abrégé des Anales de Longtcheou), người Hoa sử dụng đến ba danh từ khác nhau để chỉ cửa ngõ thông thương giữa hai nước Việt - Trung: QUAN, ẢI và CA.
Các cửa ngõ thông thương từ Long Châu sang Việt Nam gồm có 2 cửa “QUAN”, 14 cửa “ẢI” và 3 cửa “Ca” (thời nhà Thanh còn gọi là "thủ tạp" để chỉ các nơi canh phòng).
Hai cửa QUAN là Bình Nhi Quan 苹 而 關 và Thủy Khẩu Quan 水 口 關.
14 cửa Ải là Yêm Bố 淹 布 (có bộ "khẩu" 口 đứng trước chữ Bố), Long Sương 龍 廂, (Ná Lang 那 懶), Cảm Môn 敢 門, (Na Tuyết 那 雪), Na Duệ 那 曳 (Bản Khô 板 枯), Khiếu Canh 叫 更, (có bộ "sơn" 山 trên chữ Canh) (Bản Ma 板 厤), Bế Thôn 閉 村, Na Hoài 那 懷 (Na Ai 那 哀), Ná Hà 那何, Long Mính 龍 茗 (Na Thông 那), Hợp Thạch 合 石 (Long Cống 龍 貢).
Ba cửa CA là Hồ Tông 葫淙, Khiếu Khâm 叫欽 và Bách Bố 百布.
Trong số các ngõ thông thương sang Việt Nam, từ Long Châu, hai ngõ quan trọng nhất là Bình Nhi và Thủy Khẩu.
Trấn Nam Quan (thuộc châu Bằng Tường) tọa lạc trên "quan lộ" (la route mandarine), là cửa thông thương chính thức giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, chỉ mở cửa khi có "quốc sự". Sứ thần chính thức hai bên đều đi qua cửa này.
Hồ sơ phân định biên giới Pháp - Thanh gọi cột mốc ở đây là Trấn Nam Quan ngoại 鎭南關外.
Người Việt có thói quen gọi cửa ải này là "Ải Nam Quan", mà thực ra nó có tên Việt "ải Đại Nam"hay "Đại Nam Quan". Ngoài ra còn có tên khác là "Ải Bắc".
Về vị trí tương đối của Đại Nam Quan đối với Đồng Đăng, tài liệu "De Hanoi à la Frontière du Quang-si" - Từ Hà Nội đến Quảng Tây, của tác giả M. Aumoitte, viết năm 1881. Tác giả tạm dịch như sau:
"Ðồng Ðăng cách cửa ải 2 cây số rưỡi. Nơi đây bề ngoài cũng giống như Kỳ Lừa. Dân chúng phần lớn Tàu lai với thổ dân và sinh trưởng tại đây. Có nhiều tiệm bán lẻ (chạp phô); chỉ có 12 cửa hiệu buôn theo lối trao đổi (bông, dầu hồi, thuốc phiện, thuốc bắc)...
Từ Ðồng Ðăng đến biên giới, con đường chỉ còn là một con đường mòn nhỏ, đá lởm chởm, chạy quanh dưới chân những ngọn đồi trọc và không có người ở. Ra khỏi Ðồng Ðăng được 1O phút là không còn một bóng người. Con đường mòn này mỗi lúc một hẹp, cuối cùng dẫn tới trước một cửa cổng có hai cánh bằng gỗ. Cửa được gắn với một bức tường làm bằng gạch nung, xây dài lên tới đỉnh đồi, có độ cao chừng 50 mét. Hình thức của cổng và hai bức tường xây lên núi tạo thành như một cái phểu. Ðó là biên giới. Trên đỉnh đồi, bức tường chấm dứt và người ta có thể đi qua Quảng Tây không có trở ngại. Trên hai cánh của gỗ có vẽ rồng, phụng mầu sắc rực rỡ."
Bài viết của ông Aumoitte có đính kèm một bức hoạ cổng Nam Quan như sau:

cổng Nam Quan 1883-1884
Như thế mô tả về hình thái Nam Quan của tác giả Aumoitte năm 1881 khá phù hợp với các chi tiết ghi từ Đại Thanh Nhất Thống Chí: Hai bên cửa là hai bước tường đá xây dọc lên tới đỉnh núi (núi cao khoảng 50m). Chiều dài bức tường khoảng 377m.
Điều cần ghi nhận, trong trận đánh Lạng Sơn năm 1884, quân Pháp do tướng Négrier chỉ huy đã phá sập cửa Nam Quan để thị uy, sau đó thì rút về.
Đến năm 1885, khi hai phái đoàn Pháp - Trung gặp nhau tại Nam Quan để phân định biên giới, các tài liệi cho thấy cổng Nam Quan đã được xây dựng lại một cách “đồ sộ”, như là một công sự chiến đấu, bằng đá đẻo (có chừa lỗ châu mai), với hai bức tường xây thẳng lên đỉnh núi.
Không thấy ghi chú về vị trí của cổng mới có trùng hợp với vị trí của cổng cũ hay không?
Dưới đây là các tấm hình Nam Quan, qua các bưu thiếp dưới thời Pháp thuộc. Chính xác là từ khoảng năm 1885 đến năm 1940. Ta thấy rõ rệt bức tường xây dài lên đỉnh núi.


Đến những năm đầu Thế chiến II, quân Nhật đã truy lùng những cánh quân kháng chiến người Hoa, lần nữa đã phá hủy tòa kiến trúc này.
Tòa kiến trúc Nam Quan hiện thời chắc là mới được xây lại sau 1945. Kiến trúc hiện thời không thấy có hai bức tường xây dọc lên đỉnh núi mà hai bức tường này thể hiện cho đường biên giới.
Kiến trúc Nam Quan hiện nay được xây lại trên nền cũ hay dời đi chỗ khác?
Hình dưới đây là cổng Nam Quan hiện tại (hình của nhà báo Nguyễn Huy Minh).
2/ Đường biên giới khu vực Nam Quan: được mô tả theo biên bản phân định biên giới Pháp-Thanh ngày 7-4-1886 như sau:
" …từ một điểm được xác định cách cổng Nam Quan 100 thước trên đường từ Nam Quan về Ðồng Ðăng (cột số 18), đường biên giới theo hướng Tây, đi lên đỉnh ngọn núi đá mà trên đó có một đồn binh được đánh dấu là điểm A ở trên sơ đồ kèm theo đây…"
Theo biên bản cắm mốc ngày 21-4-1891 (công trình Frandin) cột mốc tại khu vực Nam Quan được xác định như sau:
"Cột thứ 18, Trấn Nam Quan ngoại 鎭南關外: Trên đường Nam Quan về Ðồng Ðăng, cách cửa 100 thước về hướng Nam. Nguyên văn tiếng Pháp trong biên bản : A environ 100m en avant de la porte de Nam-Quan."
Công trình này được công nhận năm 1894.
Như thế từ năm phân định 1886 đến năm phân giới cắm mốc 1894, đường biên giới đi qua Nam Quan không thay đổi: cắm trên đường từ Nam Quan về Đồng Đăng, cách cổng 100m.
Xét hai mảnh bản đồ:

Ta thấy cột số 18 cắm trên con đường mòn nhỏ sát vách núi đá.
Xét mảnh bản đồ sau đây (cắt từ bản đồ 1/100.000 SGI 1928):
Ta thấy xuất hiện quốc lộ 1A mà đường này không phải là con đường mòn ngày xưa cắm mốc số 18.
Đường biên giới hiện nay, khu vực Hữu Nghị Quan, đi qua cột mốc cây số zéro của quốc lộ 1A. Cột mốc cây số zéro cách tòa Hữu Nghị quan khoảng 300m.
(Nguồn của Mai Thái Lĩnh).
Vấn đề là:
- cột cây số zéro của quốc lộ 1A không phải là cột mốc 18 cũ.
- không chắc gì tòa Hữu Nghị Quan hiện nay đã được xây dựng lại (hai lần) ngay tại nền cũ của nó.
- hai bức tường cũ, xây từ cổng Nam Quan lên núi, vẫn còn thấy ở các tấm bưu thiếp “Porte de Chine” của Pháp (trước 1945), thì không còn thấy chung quanh Hữu Nghị Quan hiện nay.
3/ Bản đồ Google Earth.
May thay, ta vẫn có thể tìm thấy dấu vết của cổng Nam Quan cũ với hai bức tường xây lên đỉnh núi, nhờ kỹ thuật tân kỳ (và miễn phí) của Google Earth (cám ơn Google!) qua tấm hình sau đây:
Đường biên giới (đường vàng) là không chính xác. Hữu Nghị Quan nằm trong tập hợp kiến trúc ở về phía nam của đường vàng (phía dưới khung A).
Trên tấm hình này tác giả có đóng khung 4 ô chữ nhật màu đỏ A, B, C, D.
Cổng Nam Quan cũ (với hai bức tường xây lên núi) có thể ở một trong bốn khung này.
Hai bức C và D không thấy núi phía bên phải (bên trái là núi đá, bên phải là núi đất) có lẽ bị ủi mất do làm lại đường mới.
Khung A, có dấu vết xây dựng lờ mờ hai bên núi nhưng hẻm núi ở đây hẹp, chỉ thấy 1 con đường.
Khung B, là khung có thể nhất trong 4 khung. Ta thấy còn dấu vết khá rõ rệt của hai bức tường xây lên núi (nơi có hai mũi tên màu xanh) đồng thời có ba con đường : đường mòn cũ, quốc lộ 1A và đường (xa lộ) mới ở xa hơn về bên phải.
Khung C và D, cũng rất có thể Nam Quan cũ đã được xây dựng ở hai nơi này, nhưng sác suất có lẽ không cao bằng khung B. Ta thấy còn rõ rệt dấu vết (như là) bức tường xây lên núi (phía tay trái), nhưng lại không thấy dấu vết phía tay phải.
4/ Kết luận: Một điều chắc chắc là tòa kiến trúc Hữu Nghị Quan hiện tại không còn ở vị trí cũ của nó, sau khi bị đánh sập hai lần bởi quân Pháp (1884) và quân Nhật (đầu thập niên 40). Bởi vì không thấy dấu vết của hai bức tường xây chạy lên núi ở hai bên tòa kiến trúc này.
Vị trí cũ của Nam Quan có thể là nơi khung B trên bản đồ Google Earth. Vị trí này cách Hữu Nghị Quan vài trăm mét về phía bắc.
Cột mốc 18 cũ được cắm trên đường mòn cũ từ Nam Quan về Đồng Đăng. Đường mòn này đi sát chân núi bên trái. Đường mòn này không phải là quốc lộ 1A hoặc đường xa lộ mới xây sau này. Cả hai đường này ở phía bên phải đường mòn.
Muốn tìm vị trí của mốc 18 cũ ta phải tìm được đường mòn cũ và dấu vết của hai bức tường xây lên núi. Rất có thể dấu vết này thể hiện trong tấm hình của Google Earth ở trên, trong khung màu đỏ B. Sau đó do ngược lại về phía nam 100m.
Nếu giả thuyết đúng vậy, đây mới là vị trí lịch sử của cột mốc 18.
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Ba, 22/10/2013
Bạn đánh giá bài viết này thế nào?
Hồ Gươm gửi lúc 15:34, 22/10/2013 - mã số 101157

Khu vực từ Hữu Nghị Quan (Nam Quan) đến Bình Nhi Quan.

Cửa ải Hữu Nghị, Hữu Nghị Quan, xưa gọi là Nam Quan hay Trấn Nam Quan, là địa điểm trên đường biên giới Việt-Trung đã gây nhiều tranh luận trong giới học giả Việt Nam trong khoảng thời gian hai bên VN và TQ phân định lại biên giới, bắt đầu từ năm 2000.
Các học giả Hà Mai Phương và Chu Thu Hằng trong tập « Sử Liệu về biên giới Ta và Tàu từ đời nhà Lý cho tới đầu thời Pháp thuộc » mô tả Nam Quan như sau:
"Trấn Nam-Quan -- hay ải Nam-Quan -- thuộc địa-giới châu Bằng-Tường [tỉnh Quang-Tây bên Tàu], đối-diện với các xã Đồng-Đăng và Bảo-Lâm thuộc châu Cao-Lộc [Văn-Uyên cũ], tỉnh Lạng-Sơn của ta. Hai bên cửa ải là núi đá cao ngất. Cửa ải Nam-Quan luôn-luôn khoá kín, chỉ mở khi có việc thông sứ chính-thức giữa hai nước. Theo Bắc-Thành Dư-Địa-chí [của Lê Đại-Cương] ở về phía bên phải cửa Nam-Quan có nhiều ải nhỏ như Ải Bang [ở châu Lộc-Bình], ải Tầm-Bang [ở xã Tam-Lộc], Ải Kiệm [ở xã An-Khoái], ải Na-Chi [ở xã Xuất-Lễ], ải Khấu-Sơn [ở xã Cần-Lua], Ải Du [hay cửa Du-Thôn ở xã Bảo-Lâm] và ở về phía bên trái cửa Nam-Quan có các ải Bố-Sa, Sơn-Tử [ở xã Tiên-Hội], ải Học-Mô [ở xã Hành-Lư], ải Bản Dương, Bản Quyên [ở xã Lạc-Khư], ải Nguyên-Anh, Bình-Công [ở xã Khánh-Môn], ải Bình-Nhi [ở xã Cửu-Dương]; thuộc châu Thất-Tuyền có các ải Bắc-Bố, Khấu-Trung [ở xã Nghĩa-Điền], ải Ba-Tạm, Cảm-Môn [ở xã Cụ-Khánh], ải Na-Mân, Khô-Thịnh [ở xã Nghĩa-Khản], ải Kiều-Lễ, Kiều-Lân [chưa rõ ở xã nào], ải Cốc-Ngoạ [ở xã Bình-Lục], Ải Hoa, Ải Mộ [ở xã Nông-Đồn]. Đối-diện với các ải của ta, bên đất Trung-quốc cũng có những cửa ải của họ. Các cửa ải này có tính-cách phòng-thủ, quân-sự và không dùng trong việc giao-thông giữa hai nước Việt—Trung"
Như thế cách thức tổ chức về hành chánh và quân sự ở các cửa biên giới ngày trước cũng tương tự như hôm nay: bên kia đường biên giới có đồn bót hải quan của TQ canh phòng thì bên này đường biên giới cũng có tương tự đồn bót hải quan của Việt Nam. Đường biên giới hai nước là đường đi giữa hai cửa ải. (Điều cần tìm hiểu là tên gọi các cửa ải của hai bên có trùng nhau hay không?)
Theo công ước Pháp-Thanh 1887, đoạn biên giới này được phân định trên thực địa, theo biên bản ngày 7 tháng 4 năm 1886.
(Trong quá trình phân định biên giới Pháp-Thanh, chỉ có hai đoạn biên giới được phân định trên thực địa, do ông Bourcier de Saint-Chaffray phụ trách : đoạn từ Nam Quan đến Bình Nhi Quan và đoạn từ Nam Quan đến ải Chí Mã. Đoạn biên giới Nam Quan – Bình Nhi Quan được cắm mốc theo biên bản ngày 21-4-1891, do ông Frandin làm chủ tịch ủy ban. Công trình cắm mốc này chỉ được công nhận theo biên bản tổng hợp ngày 19-6-1894, do ông Galliéni làm chủ tịch ủy ban.)
Có hai bản đồ 1/50.000 được thực hiện (khu vực Bình Nhi – Nam Quan và khu vực Nam Quan – Chí Mã), vẽ mực màu trên nền vải trắng.
Theo HUBG 1999, đoạn biên giới từ cửa Nam Quan đến Bình Nhi Quan nằm trong hai tấm bản đồ số 28 và 29 của bộ bản đồ vừa công bố.
So sánh nội dung các văn bản và các bản đồ của hai kết ước 1887 và 1999, một số ghi nhận về đoạn biên giới này như sau:
1/ Hướng đi đường biên giới theo HUBG 1999 không phù hợp với đường biên giới theo mô tả của các biên bản phân định 1886. 2/ So sánh bản đồ, VN bị mất đất ở nhiều điểm, trong đó có làng Lũng Nghiêu. 3/ Hầu hết các địa danh ngày xưa trong khu vực này, ngoài các tên như Nam Quan, Bình Nhi…, các tên khác đều không còn thấy trên bản đồ.
Hướng đi đường biên giới đoạn từ Nam Quan đến Bình Nhi, được mô tả theo biên bản phân định biên giới Pháp-Thanh ngày 7-4-1886 như sau:
"…từ một điểm được xác định cách cổng Nam Quan 100 thước trên đường từ Nam Quan về Ðồng Ðăng (cột số 18), đường biên giới theo hướng Tây, đi lên đỉnh ngọn núi đá mà trên đó có một đồn binh được đánh dấu là điểm A ở trên sơ đồ kèm theo đây. Đường biên giới, từ điểm này, theo đường sống núi của bức tường núi đá nhìn xuống con đường Ðồng Ðăng, cho đến điểm B đánh dấu trên sơ đồ (cột số 17). Ðiểm B là điểm mà con đường mòn - đường mòn này là một nhánh rẽ của con đường Ðồng Ðăng đi Nam Quan - dẫn đến làng Lũng Nghiêu (Lũng Ngọ 隴午, còn viết là Lộng 弄) cắt bức tường núi đá. Ðường biên giới theo con đường mòn cho đến cổng làng Lũng Nghiêu. Từ cổng, đường biên giới đi lên ngọn rặng núi đá bọc chung quanh làng Lũng Nghiêu để đi đến điểm C (cột số 16). Từ điểm C, đường biên giới đi về hướng Tây cho đến cửa Ki Da (trên bản đồ ghi Khua-Da, có lẽ là Cửa Du, tức ải Du).
…từ cửa Ki Da (cửa Du), đường biên giới đi về hướng tây bắc, qua đỉnh núi được đánh dấu là D, cho đến cửa ải Bố Sa (cột số 15) và cửa ải Hong-Meun (đối diện với của Bố Sa). Các bản, làng Na-Lau, Na-Han, Na-Choc và Na-Ngoa thuộc về Bắc Kỳ. Từ cửa Bố Sa, đường biên giới đi về hướng Bắc, theo đỉnh các ngọn núi cao, cho đến điểm E ghi trên bản đồ, và từ điểm E cho đến hai đồn binh (Hy Tự Tiền Dinh và Hy Tự Tiền Dinh Pháo Ðài) của Tàu đánh dấu là F (cột mốc 14) và G (cột mốc 13). Từ điểm G, đường biên giới nghiêng về hướng Tây Bắc cho đến một đồn binh của Tàu bỏ hoang đánh dấu là H, từ điểm này đến cửa ải Sơn Tự 山寺, (cột số 12) và theo hướng Bắc cho đến đồn binh Kéo-Cho được đánh dấu là I (Sơn Tự Ngoại Sách, cột số 11) và đồn này thuộc Trung Hoa.
... đường biên giới tiếp tục đi về hướng Bắc cho đến ải Thượng Dương 上楊 ; từ cửa Thượng Dương đường biên giới theo hướng Tây Bắc, đi qua cửa ải Bản Quyên, đến điểm đánh dấu J. Từ điểm J đường biên giới theo hướng Ðông Bắc cho đến một đồn binh bỏ hoang được đánh dấu K. Từ đây đường biên giới xuống sông Kì Cùng sau khi qua đồn binh đánh dấu L. Ðường biên giới đến sông tại điểm đánh dấu M và từ điểm này theo sông cho đến khúc ngoặc được đánh dấu N".
….
Có tất cả 18 cột mốc được cắm trên đoạn biên giới này. Vị trí cột mốc được mô tả theo biên bản 21-4-1891 (công trình Frandin). Tên và số thứ tự cột mốc được xác định theo biên bản 19-6-1894 (công trình Galliéni) như sau:
Cột thứ 18, Trấn Nam Quan ngoại: Trên đường Nam Quan về Ðồng Ðăng (cách cửa 100 thước về hướng Nam)
Cột thứ 17, Khiêu Giá Sơn: Cắm trên đèo nhỏ cắt đường sống núi, trên con đường mòn đến Lũng Nghiêu. Đường mòn này tẻ ra từ con đường Ðồng Ðăng – Nam Quan.
Cột thứ 16, Lộng Diêu Ngoại Sách: Cách làng Lộng Diêu 250 thước về hướng Tây, trên đường mòn đi đến Khua Da.
Cột thứ 15, Bố Sa ngoại sách: cắm tại cửa ải Bố Sa.
Cột thứ 14, Nã Thốt Lĩnh: cắm trên đỉnh núi, cách làng Na-Thot 500 thước về hướng đông nam.
Cột thứ 13, Lục Lê Lĩnh: cắm về phía tây, cách công sự Hi Tự Tiền Dinh Pháo Ðài 100m.
Cột thứ 12, Sơn Tử ngoại sách: cắm tại cửa ả Sơn Tử.
Cột thứ 11, Na Phiêu Lĩnh: cắm về phía đông nam, cách 400m cửa làng Na-Phéo.
Cột thứ 10, Ba Khẩu ngoại sách: cắm về phía tây, cách 150 m công sự Kéo-Chu.
Cột thứ 9, Lăng Thôn ngoại sách: Tại cửa Thuong-Dong.
Cột thứ 8, Ba Mễ ngoại sách.
Cột thứ 7, Quyên Thôn ngoại sách: Tại cửa ải Quyên Thôn.
Cột thứ 6, Phần Quan Lĩnh: Cách 200 thước về phía đông bắc của hợp lưu suối Ban-Quyen và con suối có hướng chảy bắc nam (Phan Quan Linh 6).
Cột thứ 5, Cang Anh ngoại sách: cắm tại một cửa ải cũ, ở cách 500 thước điểm cao (côté 345).
Cột thứ 4, Cổn Ma Lĩnh: Cắm về phía đông của thung lũng Na-Dong, gần con đường đi từ Luc-Bac đến Tra-Kieu.
Cột thứ 3, Bình Công ngoại sách: Cắm trên một ngọn đồi cách 250 thước về phía đông bắc của điểm cao (côté 294).
Cột thứ 2, giác Hoài Lĩnh: Cắm tại một cái đèo rất thấp, cách 1000 thước về phía Nam của công sự Na-Ho.
Cột thứ 1, Bách Tặng Lĩnh: Trên một ngọn đồi nhìn xuống sông Kì Cùng, cách sông 150 thước.
Bản đồ vẽ theo các biên bản cắm mốc ở trên, do các ủy viên cắm mốc in tại nhà in ở Việt Nam năm 1894, được chụp lại (gồm 3 hình) sau đây:
Hình Nam Quan 1.
Hình Nam Quan 2.
Hình Nam Quan 3.
Trên bản đồ này làng Lũng Nghiêu thuộc về Việt Nam.
Bản đồ khu vực Nam Quan đến Bình Nhi theo HUBG 1999:
Hình Nam Quan 4.
Hình Nam Quan 5.
Để ý đến hướng đi và vị trí các cột mốc theo biên bản cắm mốc, đường biên giới theo công ước 1887 (hình Nam Quan 1) đi qua các cửa ải, các cột mốc cắm tương đối xa nhau (vài km), không quá nhiều đoạn quanh co khúc khuỷu.
Trên bản đồ HUBG 1999 (Nam Quan 5), một số nơi các cột mốc cắm chi chít và san sát với nhau, đường biên giới ngoằn ngoèo, lồi ra lõm vào.
Đường biên giới vẽ màu hồng là đường biên giới theo HUBG 1999. Màu đỏ theo công ước 1887.
So sánh (hai hình Nam Quan 1 và Nam Quan 5), ta thấy các khu vực trong vòng xanh là các khu vực trọng yếu VN mất cho Trung Quốc :
1/ Khu vực trước cửa ải Nam Quan, khoảng 300m so với đường biên giới cũ.
2/ Toàn bộ làng Lũng Nghiêu của VN đã mất cho Trung Quốc.
3/ Đường biên giới tại cửa Bố Sa, tức cửa Tam Thanh hiện nay, đã lấn sang VN khoảng trên 200m.
So sánh bản đồ (Nam Quan 2) và (Nam Quan 5): Các dấu gạch chéo màu đỏ, từ dưới lên trên, tuần tự là cột mốc số 8, 7 và 6. Cột mốc số 6 được cắm “Cách 200 thước về phía đông bắc của hợp lưu suối Ban-Quyen và con suối có hướng chảy bắc nam”. Hợp lưu của hai con suối là nơi gạch chéo màu xanh.
Trên bản đồ HUBG, đường biên giới phần lớn chiều dài của nó là con đường mòn để cảnh sát biên phòng đi tuần. Trong thời Pháp thuộc con đường này thuộc VN.
Điều ghi nhận khác, hầu hết các địa danh của VN ngày xưa đã không còn nhìn thấy trên bản đồ mới. Các phần đất bị lấn sang VN phần nhiều thuộc những vùng ở giữa hai cột mốc, tức ở giữa hai cửa biên giới.
VN mất đất khu vực này là khá quan trọng về diện tích và rất quan trọng cho phần phòng thủ biên giới.
Hồ Gươm gửi lúc 15:27, 22/10/2013 - mã số 101156

Trương Nhân Tuấn - Khu vực Nam Quan - Bắc Cương Ải.

Đoạn biên giới này được chia làm hai tiểu đoạn: Nam Quan đến ải Chí Mã và từ ải Chí Mã đến ải Bắc Cương.
Năm mảnh bản đồ dưới đây chụp ra từ bản đồ tổng hợp Nam Quan đến Bắc Cương Ải 1/200.000 do Ủy ban phân giới 1890-1891 (ông Frandin là chủ tịch) thành lập. Công tác đo đạc và vẽ bản đồ gồm các vị: Didelot, Lavenir, Berdonlat và Spicq. Nguyên tấm bản đồ này được thâu nhỏ lại từ hai tấm bản đồ cắm mốc 1/50.000, vẽ bằng mực màu trên vải trắng, của cùng tác giả, trong cùng thời kỳ (1890-1891).
Đường chấm đỏ là đường biên giới. Các dấu chéo màu đỏ là cột mốc. Những con số viết màu đỏ là số cột mốc. Tất cả những ghi chú này do người viết ghi chú vào.
Trong bài viết này chỉ sử dụng ấm số 3. Các tấm khác dành cho các bài viết tới.
Hình 1.
Hình 2.
Hình 3.
Hình 4.
Hình 5.
Hình 6: Bản đồ tổng hợp từ hai tấm bản đồ 1/50.000 hai đoạn biên giới Nam Quan – Chí Mã Ải và Chí Mã Ải – Bắc Cương Ải, sau đó thu nhỏ lại thành 1/200.000.
Hình 7: Một góc bản đồ đoạn biên giới Bắc Cương Ải – Chí Mã Ải 1/50.000 vẽ bằng mực màu, trên vải lụa trắng (cũ và nhàu do việc các nhân viên cắm mốc bị mắc mưa).
Vị trí các cột mốc được mô tả theo biên bản ngày 21-4-1891. Văn bản này do ủy ban Frandin thành lập. Công trình cắm mốc này được công nhận theo biên bản tổng hợp ngày 19-6-1894, do ông Galliéni làm chủ tịch.
Cột thứ 67, Thôn Thương Sơn 吞倉山: Cắm tại cửa ải Bắc Cương.
Cột thứ 66, Bắc Cương Sơn 北崗山: Cắm trên đỉnh Bắc Cương Sơn.
Cột thứ 65, Đối Niệm Sơn 對捻山: Tại đèo Ðối-Mã (coté 773)
Cột thứ 64, Cao Đồng Sơn 高桐山: Trên đỉnh Cao Đồng Sơn
Cột thứ 63, Quỳ Long Sơn 葵隆山: Trên đèo ở phía Ðông làng Cao Đồng (Tàu)
Cột thứ 62, Phái Thiên Sơn (bis): Trên trái đồi nhỏ ở phía Ðông cửa ải Phái Thiên.
Cột thứ 61, Phái Thiên Sơn 派遷山: Ở phía đông của cột trước, trên đường dẫn đến Ná Pha.
Cột thứ 60, Giao Bài Sơn 交排山: Tại Giao Bài (kế con đường)
Cột thứ 59, Bắc Đạt Sơn 北達山: Tại Song-Pai (kế con đường)
Cột thứ 58, Khiêu Hiệu Sơn 呌…山: Tại Khiêu Hiệu Sơn (gần cửa ải)
Cột thứ 57, Ðông Môn Sơn東có bộ 山 ở trên) 門山 ): Trên đỉnh Ðông Môn Sơn.
Cột thứ 56, Bạch Thịnh Sơn 白盛山: Trên đồi cao thuộc Bạch Thịnh Sơn (kế cận đường mòn).
Cột thứ 55, Bộ Hà Sơn步河山: Tại Cao-Pao-Son (tại giao điểm của hai con đường mòn).
Cột thứ 54, Ba Nội Sơn 波內山: Tại của ải Ná Ma.
Cột thứ 53, Khô Hoa Sơn 枯華山: Tại cửa ải Ban-Hang.
Cột thứ 52, Giao Phê Sơn 交批山: Tại điểm mà con đường mòn Na-Lom cắt đường biên giới.
Cột thứ 51, Chi Hoàn Sơn脂還山: Tại cửa ải Na-Ha.
Cột thứ 50, Giao Oa Sơn 交蛙山: Tại cửa ải Na-Thang.
Cột thứ 49, Ngạc Hầu Sơn 鱷矦山: Trên đỉnh Ngoc-Hao-Son.
Cột thứ 48, Đồng Đẳng Ngoại Sách 同等外柵: Tại điểm mà con đường từ Ban-Thinh đến Na-Thương cắt đường biên-giới.
Cột thứ 47, Thạch Bi Sơn 石碑 山: Tại điểm mà con đường từ Ban-Thinh đến Na-Hu cắt đường biên-giới.
Cột thứ 46, Lễ Do Sơn 禮由山: Tại điểm mà con đường từ Na-Phat đến Na-Hu cắt đường biên-giới.
Cột thứ 45, Bộ Môn Sơn 埔 門山: Gần đồn Pa-Mau (phía Nam của cửa Chí-Mã).
Cột thứ 44, Ải Điếm Ngoại Sách 隘玷外柵: Tại cửa Chí-Mã.
Ðoạn thứ 2 từ Chí Mã đến Nam Quan:
Cột thứ 43, Đạo Nê Sơn 道泥山: Trên con đường từ Phai San đến Chí Mã, khoảng cách 1200 thước trên con đường nầy theo hướng Ðông Bắc.
Cột thứ 42, Công Mẫu Sơn 公母山: Trên đỉnh thứ nhứt, phía tây bắc, cách cột thứ nhứt 800 thước.
Cột thứ 41, Lục Vinh Sơn 六榮山: Cách 500 thước về hướng Tây của một cái thác, gần làng người Hoa Po-Ho.
Cột thứ 40, Nã Chi Ngoại Sách 那支外柵: Tại cửa Nã Chi.
Cột thứ 39, La Nông Sơn 羅農山: Trên đỉnh La Nông Sơn.
Cột thứ 38, Đạo Hạ Ngọai Sách 道下外柵: Tại cửa ải Kouei-Kha.
Cột thứ 37, Nã Lộc Sơn 那祿山: Trên đỉnh Nã Lộc Sơn (côté 409)
Cột thứ 36, Đồng Hộ Ngọai Sách 同戶外柵: Tại cửa ải Đồng Hộ.
Cột thứ 35, Bản Trụ Ngọai Sách 板宙外柵: Tại cửa ải Bản Trụ.
Cột thứ 34, Kim Cương Sơn 金崗山: Trên đỉnh Kim Cương (côté 402)
Cột thứ 33, Mỹ Mục Sơn 美目山: Trên đỉnh Mỹ Mục.
Cột thứ 32, Khô Giảng Lộ Khẩu 枯 講路口: Trên đường từ Packinh đến Cauxo (cách làng nầy 300m về hướng Bắc).
Cột thứ 31, Khô Liểu Lĩnh 枯柳嶺: Trên đường từ Na-Piou đến Po-Héo, trên đường sống núi của Cổ Mã Sơn.
Cột thứ 30, Khấu Sơn Ngoại Sách 扣山外柵: Tại cửa ải Loa.
Cột thứ 29, Tam Sắc Sơn 三色山: Trên đỉnh Tam Sắc.
Cột thứ 28, Nã Ma Lĩnh 那摩嶺 Tại cửa Ná Ma.
Cột thứ 27, Bộ Tác Sơn 埔作山: Trên con đường từ Na-Pha đến Ha-Lai (cách làng nầy 900 thước về phía Nam).
Cột thứ 26, Pháp Ca Sơn 法卡山: Tại cửa Pháp Ca.
Cột thứ 25, Bản Phiêu Ngọai Sách 板漂外柵: Trên đường từ Gia-Muc đến Ban-Chau (cách làng nầy 1300 thước).
Cột thứ 24, Phái Bình Lĩnh 派苹嶺: Trên đỉnh Phái Bình.
Cột thứ 23, Áp Môn Ngọai Sách 閘門外柵: Tại cửa ải Rô.
Cột thứ 22, Khấu Cự Lĩnh 扣虡嶺: Cách 400 thước phía Ðông-Nam của cửa Cao-Cap (trên đồi)
Cột thứ 21, Khôn Long Ngọai Sách 坤隆外柵: Tại Po-Seu.
Cột thứ 20, Phổ Ta Lĩnh 溥些嶺: Trên một đỉnh núi đối-diện với công-sự Kouei-Tao của Tàu.
Cột thứ 19, Đạo Lang Lĩnh 道郞嶺: Trên đỉnh núi.
Mất đất khu vực Khu vực Chi Ma - Ải điếm Ải khẩu: Tấm 29 và 30 HUBG 1999.
Xét mảnh bản đồ thuộc hình 3 ở trên.
Khu vực ải Chí Mã, cột mốc 45, 44, 43 theo hướng đông - tây. Từ mốc 43 đến 42 đường biên giới chuyển sang hướng bắc. Từ mốc 42 đến 41 theo hướng đông bắc thiên bắc.
Xét mảnh bản đồ thuộc tấm số 29 của HUBG sau đây:
Các cột mốc chung quanh ải Chí Mã là mốc 1219, 1220, 1221.
Từ cột mốc 1219, tương ứng cột mốc 43 cũ, đường biên giới tiếp tục đi về hướng tây, (thay vì bẻ lên hướng bắc), đi lên sườn dãy Công Mẫu Sơn thuộc VN, ăn sâu vào lãnh thổ VN đến khoảng 2km.
Chiều dài vùng lãnh thổ của VN bị mất lấn qua tấm số 30 của HUBG 1999
VN mất đất khu vực này khoảng vài cây số vuông, phù hợp với lời tố cáo của VN trong Bị Vong Lục 1979.
Đất VN bị mất cho TQ tương ứng với vùng gạch màu xanh như bản đồ trên đây.

Gửi phản hồi mới (xin gõ tiếng Việt có dấu và tuân thủ Nguyên tắc Dân Luận để được chấp nhận)

Bạn có thể bịa một địa chỉ email bất kỳ, ví dụ test@gmail.com. Thông tin này sẽ không xuất hiện công khai khi phản hồi được đăng.
  • Bạn có thể sử dụng các thẻ BBCode trong bài. Các địa chỉ URL sẽ được tự động chuyển thành liên kết.
  • Bạn có thể trích bài của người khác bằng thẻ [quote], ví dụ: [quote]Nội dung muốn trích dẫn[/quote]
  • Bạn có thể sử dụng những thẻ HTML sau: <a> <em> <strong> <ins> <b> <i> <u> <br> <cite> <code> <ul> <ol> <li> <dl> <dt> <dd> <h1> <h2> <h3> <h4> <h5> <table> <tbody> <td> <tr> <pre> <img> <div> <span> <object> <hr> <center> <font> <blockquote> <strike> <embed> <param> <del> <ins> <sub> <sup>
  • Bạn có thể chèn video vào bài viết bằng thẻ [video:địa_chỉ_url_của_video]
  • Cách dòng và cách đoạn sẽ được tự động chuyển thành xuống dòng.
CAPTCHA
Bạn bắt buộc phải trả lời câu hỏi kiểm tra dưới đây. Nó giúp chúng tôi nhằm lọc bỏ các nội dung spam do robot tự động thực hiện.
2 + 14 = 
Giải bài toán đơn giản này và nhập kết quả vào ô phía trên. Ví dụ, nếu thấy 1+3, thì hãy nhập 4.

No comments:

Post a Comment