VN: 'Nhóm lợi ích' không bảo thủ?
Trần Văn Hải
Gửi tới Diễn đàn BBC từ Hà Nội
Cập nhật: 14:24 GMT - thứ hai, 25 tháng 8, 2014
Hai bài viết của tác giả Nguyễn An Dân và bài viết của tác giả Phạm Chí Dũng mới đây trên BBC đã gây ra sự tranh luận ồn ào và thú vị về các luồng quan điểm.
Tôi cũng thấy có nhiều nội dung tham gia bàn luận của các thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập.
Chủ đề liên quan
Trong đó có hai ý kiến bày tỏ nghiêm túc của hai hội viên theo tôi đánh giá là có uy tín cao trong dư luận, đó là ý kiến của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh và của Linh mục Lê Ngọc Thanh.
Xin phép chia sẻ với hai quan điểm này trước hết
Phản biện đáng quý
Trước tiên, tôi thấy rằng các hội viên HNBĐL đã thể hiện tình đoàn kết trong lúc này, rất đáng quý. Cái đáng quý hơn nữa là bài viết phản biện của ông Nguyễn An Dân được BBC Việt Ngữ, trang Việt Nam Thời Báo - cơ quan ngôn luận và các trang mạng cá nhân của các thành viên trong Hội đăng lại.
Qua đó giúp dư luận thấy rõ lợi ích như Linh Mục Lê Ngọc Thanh nói, đó là phía nào cũng tôn trọng tính đa nguyên trong báo chí độc lập. Đó là cái được lớn nhất mà cộng đồng cần lúc này.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có nói đồng tình và chưa đồng tình một số điểm trong cả các bài viết của cả Nguyễn An Dân lẫn Phạm Chí Dũng. Đây là sự thẳng thắn đáng quý của người làm báo. Nhất là ông công khai bày tỏ việc không đồng tình cái này, cái kia trong các bài viết của ông chủ tịch hội mà ông đang tham gia. Rất hoan nghênh tinh thần này của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh.
Ông Chênh đã tán thành quan điểm của Ông Dân về việc ở Việt Nam không có khái niệm phe lợi ích.
"Chính khách có quan điểm chính trị nào đó và việc họ tham nhũng khi cầm quyền là hai phạm trù tách bạch không liên quan đến nhau."
Phe nào thì ông nào cũng giàu như nhau, cái khác chăng giữa họ là thái độ ứng xử trong các tình huống chính trị, qua đó quần chúng mới tạm quy ra phe cải cách và phe bảo thủ.
Chính khách có quan điểm chính trị nào đó và việc họ tham nhũng khi cầm quyền là hai phạm trù tách bạch không liên quan đến nhau.
Chúng ta có thể thấy rõ qua nhiều ví dụ, như vừa rồi tổng thống Nicholas Sarkozy, người có tư duy dân chủ ở Pháp, một đất nước có nền dân chủ tốt, cũng bị tạm giữ để điều tra cáo buộc tham nhũng.
Như vậy tham nhũng và dân chủ có thể đồng hành được trong một chính khách.
Do đó tách bạch ra hai phe lợi ích và bảo thủ như Ông Dũng nói là không đúng về mặt lý luận thực tiễn.
Như vừa qua công an Việt Nam đang cho điều tra các vụ việc có nghi vấn tham nhũng - bao che lợi ích nhóm mà theo dư luận cho là “có liên quan đến một số cá nhân trong phe bảo thủ”.
Nếu các nhân vật trong phe bảo thủ đó cương quyết làm rõ các vụ này khi đang nắm chức vụ, thì nó có lùm xùm kéo dài qua nhiều năm hay không ? Hai ông này ở phe nào, hay là vừa bảo thủ vừa lợi ích.
Nói “phe bảo thủ đang thanh trừng “phe lợi ích” nghe giống như việc họ tự thanh trừng..chính họ.
Công dân và hội đoàn
Việc ông Huỳnh Ngọc Chênh nói nếu thành viên nào đó trong Hội Nhà báo Độc lập 'thiên về phe bảo thủ' thì cũng không ảnh hưởng đến tính độc lập của Hội là đúng…một nửa.
Đúng một nửa vì là nhà gì thì cũng là công dân và hoàn toàn có quyền thiên về một quan điểm chính trị hay một phe phái nào đó.
Nhưng nửa còn lại là sai, khi không viết báo, ai cũng có quyền thực hiện những việc ủng hộ phe nhóm theo ý mình, nhưng khi viết trong tư thế nhà báo càng phải có trách nhiệm nghề nghiệp.
Viết và nhận định các sự kiện theo sự thật khách quan, lý luận phải có cơ sở, thông tin phải có nguồn gốc rõ ràng.
Theo tôi thì bài báo 'Đả hổ đập ruồi' đã thiếu đi các tính chất đó. Như nói là phe bảo thủ có công trong việc nâng tầm quan hệ Việt-Mỹ lên quan hệ hàng đầu nếu có đúng thì cũng thiếu.
Việc bỏ quên đã không nói ra phe này còn đang giữ quan hệ anh em với Trung Quốc là thiếu.
Ông Chênh viết,
“Nếu trong thực tế, phe bảo thủ không có động thái hoặc không có mong muốn cải thiện quan hệ ngoại giao với Mỹ thì liệu những bài báo của anh Dũng có ích lợi gì cho phe bảo thủ?”
Đặt vấn đề này rất hay. Lợi ích gì nếu có, thì chỉ có phe bảo thủ biết. Tuy nhiên tôi có thể góp một ý là, nó có thể làm nhân dân bị phe bảo thủ mê hoặc vào các bước đi thân Mỹ nửa vời của phe này và ủng hộ thiếu khách quan trong cuộc đua nắm quyền tại Đại hội Đảng 12 tới.
Coi chừng nhân dân bị hố nặng vì chả có thay đổi gì trong quan hệ Việt-Trung khi phe bảo thủ vì có nhân dân ủng hộ mà thắng thế.
Phe nào đang kềm chế việc phá vỡ quan hệ anh em của Việt Nam với Trung Quốc - đúng hơn là quan hệ huynh đệ giữa hai đảng cộng sản Trung - Việt - qua việc chưa phê chuẩn việc khởi kiện Trung Quốc, cũng như vẫn cử phái đoàn cao cấp qua Trung Quốc học tập trong khi có giàn khoan, mà lại là phái đoàn của Ban bảo vệ nội bộ trung ương.
Chúng ta không hiểu thực tế bên trong đảng mà chỉ nghe những gì họ nói để nhận định ai ở phe nào.
Việc một ông thủ tướng nói “không chấp nhận hòa bình hữu nghị, viễn vông, lệ thuộc” và việc một ông tổng bí thư “im lặng là vàng” trong suốt vụ giàn khoan, sẽ làm nhân dân cảm nhận điều gì và đánh giá gì?
Trong vấn đề Trung Quốc, ngay cả nói thì chỉ có ông thủ tướng dám nói thẳng, ông Chủ tịch nói một phần, còn ông Tổng Bí Thư thì im lặng hoàn toàn khi bắt đầu vụ giàn khoan.
Nói mà còn không nói được, thì liệu có hi vọng là sẽ làm gì hay không?
Với chính khách, yêu cầu là nói và làm đi đôi, nó khác với dân chúng có thể không nói mà làm.
Ngay như Hội Nhà báo Độc lập, dù có nhiều cái mà Hội chưa đạt đến vì mới thành lập, nhưng chính ông chủ tịch cũng phải nói trước “Hội sẽ thế này, Hội mong muốn thế kia…” đó thôi, còn làm được hay không, là vấn đề khác nữa. Đó chính là cái cần chú ý.
Cá nhân và tổ chức
Trong bài viết của mình, linh mục Lê Ngọc Thanh phản biện bài viết của tác giả Nguyễn Quang (bài viết “Nhà báo độc lập hay nhà báo…độc hại” đăng trên trang Tin Tức Hàng Ngày) thì tôi chưa bàn lúc này.
Tôi chỉ tham gia góp ý phần nội dung của linh mục Thanh khi phản biện ông Dân có xu hướng chỉ trích cá nhân theo kiểu “bỏ bóng đá người” khi dẫn ra tư thế chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập, trong khi anh Phạm Chí Dũng viết bài trên tư cách cá nhân.
“Cách thức kéo nhân thân ra để đánh ngã đối thủ còn thấy ở ông Nguyễn An Dân viết trên BBC tiếng Việt:
"Điều này vừa sai vừa ủng hộ bảo thủ, cả hai điều đều phản lại tính chất độc lập của một nhà báo độc lập, lại là Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập" Xin các nhà báo hãy tranh luận cách trong sáng, đừng mang một tiêu chuẩn do mình định ra rằng độc lập phải thế này, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập phải thế kia để đánh giá người khác về quan điểm.”
Linh mục Thanh nói thế là đúng nhưng thiếu, vì ở đây có độc lập cá nhân và độc lập tổ chức.
"Linh mục Thanh (bìa phải) nói thế là đúng nhưng thiếu, vì ở đây có độc lập cá nhân và độc lập tổ chức"
Nếu là một nhà báo tự do, không là thành viên của tổ chức nào, nhà báo ấy có quyền tự do trong bày tỏ tư duy và quan điểm, nhưng khi là thành viên của một tổ chức, cần chú ý những gì mình viết ra (hành nghề) có gây ảnh hưởng cho tổ chức hay không?
Khi đã tham gia vào tổ chức, thì độc lập tổ chức phải đặt trên độc lập cá nhân. Tự do cá nhân nhưng ảnh hưởng không tốt cho tổ chức thì không tổ chức nào tán đồng. Lãnh đạo là tấm gương, không chỉ khi ở trụ sở, mà ngay cả khi sinh hoạt, hành động hàng ngày cũng cần chuẩn mực.
Bà nông dân có thể chửi thề khi dạy con ít ai trách, bà chủ tịch hội phụ nữ chửi thề khi dạy con, người ta trách chứ.
Ông Phạm Chí Dũng khi trích dẫn các phát biểu của các quan chức, chuyên gia trong bối cảnh, chỉ trích dẫn ra một phần phát biểu trong bối cảnh để rồi đưa ra đánh giá cho kết quả toàn diện bối cảnh, thế là không khách quan - là một nửa sự thật chứ gì nữa
Trên tư cách một người lâu nay ủng hộ ông Phạm Chí Dũng, tôi trông mong một lời cáo bạch chính thức đến bạn đọc của ông Phạm Chí Dũng, đúng tư thế một nhà báo cần làm khi nêu ra vấn đề sai dù sau đó âm thầm nhờ sửa nhưng bài đã đăng rồi. Đó là trách nhiệm nêu gương cần có của một nhà báo và lãnh đạo một hiệp hội nhà báo.
Cũng nói như linh mục Thanh, hình như đang có nhiều quan điểm khác nhau về nhà báo độc lập, vậy xin hỏi dư luận, các tiêu chuẩn về danh hiệu nhà báo độc lập là gì?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả ký bút danh là Trần Văn Hải từ Hà Nội.
No comments:
Post a Comment