Sunday, August 24, 2014

Trung Quốc, vương quốc không trung tâm


Trung Quốc, vương quốc không trung tâm

Tháp Đổng Gia Lĩnh.
Tháp Đổng Gia Lĩnh.
DR

Thu Hằng
Mục « Phóng sự » của tờ Le Figaro đăng bài phân tích tại sao Bắc Kinh không công nhận thôn Đổng Gia Lĩnh (Dongjialing) là trung tâm của Trung Quốc dưới tựa đề : « Trung Quốc, vương quốc không trung tâm ».

Thôn Đổng Gia Lĩnh (Dongjialing), thuộc tỉnh Cam Túc, nằm trên độ cao 2.600 mét, là địa phương hẻo lánh nhất của tỉnh này. Năm 2000, một ngọn tháp bằng thép cao 20 mét được chính quyền huyện Đông Hương dựng lên tại đây để đánh dấu đây là trung tâm địa lý của Trung Quốc dựa theo khảo sát của một số nhà địa lý nổi tiếng. Thiết kế của tháp tuân theo đúng chủ trương truyền bá « đoàn kết dân tộc » của chính phủ. Nó gồm một quả cầu tượng trưng cho trái đất được đặt trên 56 cột, tượng trưng cho 56 dân tộc, đồng thời cũng đặt trên 34 trụ, đại diện cho 34 tỉnh của Trung Quốc.
Thế nhưng, những người thiết kế công trình này nhanh chóng bị rơi vào quên lãng do sợ chính phủ trừng phạt. Vì ngay sau đó, Bắc Kinh khiển trách chính quyền địa phương rằng họ mới là người có thẩm quyền để ấn định đâu là trung tâm của đất nước. Sau khi dọa sẽ cho phá ngọn tháp, cuối cùng, chính quyền trung ương từ bỏ ý định, với điều kiện Đông Hương (Dongxiang) phải từ bỏ « danh hiệu » tự xưng này.
Sau vụ tháp Đổng Gia Lĩnh, hai ngôi làng khác của tỉnh Cam Túc cũng tự nhận là trung tâm của Trung Quốc đã phải nhanh chóng từ bỏ ý định. Từ đó, ngôi làng bị rơi vào quên lãng. Điều kiện sống của người dân ngày càng khó khăn, cơ sở hạ tầng xuống cấp do nhiều dự án du lịch không phát triển được. Người gốc Hán bỏ làng đi lao động tại các địa phương khác. Một bộ phận nhỏ còn lại là một tộc người thiểu số Hồi giáo.
Đối với chính quyền trung ương, về mặt địa lý, các ngôi làng trên sẽ không bao giờ là trung tâm của đất nước bởi một lý do quan trọng. Nếu tỉnh Cam Túc là trung tâm, thì Trung Hoa sẽ phải từ bỏ mọi tham vọng bành trướng lãnh thổ tới Đài Loan và trên các Biển Hoa Đông và Biển Đông. Phó giám đốc một cơ quan bản đồ Trung Quốc cho biết : « Nếu Trung Quốc công nhận một trung tâm chính thức, điều này chỉ gây thêm phiền toái với các nước láng giềng ».
Ông cũng khẳng định để xác định trung tâm của đất nước không có gì là khó về mặt khoa học, nhưng cơ quan ông không muốn gặp rắc rối. Vì ngoài các tranh chấp lãnh thổ trên biển, Trung Quốc còn có nhiều bất đồng với Ấn Độ. Nếu tính thêm các phần lãnh thổ ngoài khơi, trung tâm Trung Quốc sẽ phải dời xuống phía nam, về phía thành phố Tây An. Đây là kinh thành của các triều đại Tần, Hán, Đường và nổi tiếng với đội quân đất nung. Địa phương này có nhiều lợi thế hơn nếu Bắc Kinh quyết định xác định trung tâm của đất nước.
Lương tối thiểu ở Thượng Hải cao hơn so với Bulgaria
Vẫn liên quan tới Trung Quốc nhưng trên bình diện kinh tế, dưới tựa đề : « Lương tối thiểu ở Thượng Hải cao hơn so với Bulgaria », báo Le Monde so sánh mức lương tối thiểu của người lao động tại Trung Quốc với một số nước Đông Âu như Rumani, Serbia và Bulgari.
Tờ báo cho biết chi phí lao động tại các nước Đông Âu trên còn thấp hơn so với một số vùng của Trung Quốc. Ví dụ, lương tối thiểu tại thành phố Thượng Hải là 220 euro, còn cao hơn cả mức lương 158 euro tại Rumani, Serbia và Bulgari.
Tại Trung Quốc, mức lương tối thiểu do địa phương quyết định. Chính vì thế, quý một vừa qua, 16 tỉnh đã tăng mức này thêm 14,2%, cao hơn so với mức 13% được quy định trong chính sách của kế hoạch năm năm giai đoạn 2011-2015 của nhà nước. Bắc Kinh đang theo đuổi hai mục tiêu. Thứ nhất, giảm chênh lệch giầu nghèo do tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, chính phủ tìm cách hướng nền kinh tế của mình vào thị trường nội địa bằng cách tăng số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu.
Chi phí lao động tại Trung Quốc ngày một đắt hơn khiến nhiều tập đoàn quốc tế chuyển sang khu vực Đông Âu. Họ chuyển dần các hoạt động như trung tâm điện thoại, hỗ trợ kỹ thuật hay các bộ phận kế toán sang Bulgari, nước nghèo nhất trong Liên hiệp, nơi khoảng 1/4 thanh niên không có việc làm. Tại đây, các công ty này đã sử dụng 20 000 lao động. Tuy nhiên, con số này sẽ còn tăng nhiều hơn nữa.
Trong hai thập niên 1990-2010, người lao động Trung Quốc đổ xô về thành phố để thử vận may, song họ chỉ nhận được đồng lương ít ỏi. Nhưng từ 2010, làn sóng này giảm đi, và cán cân lương bổng bắt đầu có lợi cho người lao động. Các chuyên gia kinh tế nhận định sự chênh lệch giữa mức lương tối thiểu tại một số vùng của Trung Quốc với Bulgari và Rumani là không có gì đáng ngạc nhiên, vì một số vùng này còn phát triển hơn hai quốc gia trên. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu của hai quốc gia Đông Âu được ấn định trên quy mô quốc gia. Trong khi đó, tại Trung Quốc, sẽ có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương.
Bê bối mang thai hộ buộc chính quyền Thái Lan hành động
Chuyển qua Thái Lan, trên vấn đề xã hội, Le Monde quay lại những vụ bê bối liên quan tới việc mang thai hộ đang gây chấn động tại Thái Lan, cũng như những biện pháp của chính phủ nước này, dưới dòng tựa : « Bê bối mẹ mang thai hộ buộc chính quyền Thái Lan hành động ».
Vụ việc bị phanh phui khi một cặp vợ chồng người Úc chỉ nhận một người con trong cặp song sinh từ người mẹ mang thai hộ và từ chối nhận đứa con bị tật. Sau vụ việc này, chính phủ Thái buộc phải xem xét lại vấn đề mang thai hộ. Vì đất nước này, cùng với Ấn Độ, là một trong những điểm đến được nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến. Mang thai hộ không còn mang tính chất nhân đạo mà thường được sử dụng với mục đích kinh doanh.
Ngày 19 tháng 8 vừa qua, một hội nghị về chuyên đề nay đã được tổ chức và những người tham gia đã kêu gọi luật pháp trừng phạt việc mang thai hộ vào mục đích lợi nhuận. Một dự luật phạt 10 năm tù mới được chính phủ Thái Lan thông qua và dự luật này đang được quốc hội phê chuẩn.
Quyết định trừng phạt cứng rắn hơn của Thái Lan cũng là do ngay sau vụ bê bối trên, một bê bối khác liên quan tới việc phát hiện 9 đứa trẻ, cùng với một phụ nữ đang mang thai, có cùng một ông bố mà cảnh sát đã nhận dạng được danh tính. Thanh niên trẻ 24 tuổi, con của một tỉ phú Nhật Bản, có thể là bố đẻ của tổng cộng 15 bé. Cảnh sát xác định, hiện nay, chưa có dấu hiệu nào cho rằng đây là một vụ buôn bán trẻ em. Vì, tỉ phú trẻ người Nhật mong có một đại gia đình. Thế nhưng, họ lo ngại rằng chăm sóc những đứa trẻ trên mà không có tình yêu hay mối quan hệ đặc biệt, cũng sẽ là một vấn đề xã hội.
Tranh cãi tại Nhật Bản sau những trận lở đất chết người
Tình trạng khẩn cấp vẫn được duy trì tại Hiroshima, thành phố đã phải chịu trận lở đất đêm 18 tháng 9 vừa qua khiến 39 người thiệt mạng và 52 người mất tích. Ngày 22 tháng 8, người dân tại đây lại lo sợ sẽ có những trận lở đất mới. Tình hình thiệt hại ngày càng nặng và người dân bắt đầu chỉ trích chính phủ và các cơ quan liên quan. Báo Le Monde phản ảnh vấn đề này trong bài : « Tranh cãi tại Nhật Bản sau những trận lở đất chết người ».
Người dân chỉ trích chính quyền địa phương đã không kịp thời báo động cho người dân nguy cơ lở đất vào đêm thứ 4 vừa qua, mặc dù cơ quan khí tượng đã đưa ra những cảnh báo. Tại khu Asakita, gần một giờ sau khi trận lở đất thứ nhất xảy ra, khiến nhiều người thiệt mạng, người dân mới được lệnh sơ tán. Cũng tại đây, năm 1999, một trận lở đất đã khiến 32 người thiệt mạng. Từ đó, khu vực này bị xếp vào diện « nguy hiểm do nguy cơ lở đất », vì lớp đá granit tại đây yếu đi khiến mặt đất bị sụt lún.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng bị người dân chỉ trích. Khi biết thảm kịch đang xảy ra tại Hiroshima, thủ tướng vẫn chơi golf trong vòng hơn một giờ trước khi quay về Tokyo và công bố nhiều biện pháp ứng cứu, theo yêu cầu khẩn của chính quyền thành phố Hiroshima, trong đó có việc tăng cường số người cứu hộ.
Người Nga trả giá như thế nào với lệnh trừng phạt của Putin ?
Quay sang châu Âu, để trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nước Nga, Tổng thống Putin cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu nông phẩm có nguồn gốc châu Âu, Canada, Hoa Kỳ và Australia. Lệnh cấm vận không những ảnh hưởng tới những nhà sản xuất phương Tây, người dân Nga cũng là những nạn nhân đầu tiên của lệnh này. Le Figaro phân tích : « Người Nga trả giá như nào với lệnh trừng phạt của Putin ? » trong chuyên trang « Kinh tế ».
Bài báo nhận định lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm tươi sống được Matxcơva đưa ra ngày 9 tháng 8 đã khiến giá một số sản phẩm tăng trên 10%. Mặc dù là nước xuất khẩu lớn ngũ cốc, nhưng tới 30% lượng thịt, cá và hoa quả tiêu thụ tại Nga là hàng nhập khẩu. Matxcơva cũng nhân cơ hội này để đầu tư tăng sản lượng trong nước. Bộ trưởng Bộ nông nghiệp đã yêu cầu khoản đầu tư cho lĩnh vực này lên tới 13 tỉ euro.
Lệnh cấm này gây ảnh hưởng nặng nề tới nông dân Pháp. Thị trường Nga giúp họ thu về hàng năm hơn 1 tỉ euro doanh thu. Liên hiệp châu Âu cũng đang xem xét để phản đối lệnh cấm vận của Nga ra Tổ chức Thương mại Quốc tế vì họ cho rằng lệnh này hoàn toàn mang tính chính trị. Việc này sẽ giúp Liên hiệp không mất mặt và bảo vệ quyền lợi kinh tế của mình. Thế nhưng, tiến trình vụ việc sẽ phức tạp hơn dự kiến.
Trang nhất các báo
Những mốc lịch sử của hai cuộc Thế chiến được các báo Le Monde và Libération thuật lại trong số cuối tuần. Le Monde đề cập tới cuộc pháo kích của quân đội Đức ngày 22 tháng 8 năm 1914 khiến khoảng 27 000 lính Pháp thiệt mạng. Đây là ngày đau thương nhất trong lịch sử của Pháp. Còn báo Libération thuật lại cuộc kháng chiến chiếm lại Paris từ tay quân đội Đức vào những ngày cuối tháng 8 năm 1944.
Ngoài chủ đề lịch sử trên, các tin tức quốc tế vẫn được cập nhật trên các báo. Le Figaro cho biết : « Với, Irak, Syria, Iran, Obama xem xét lại những đồng minh của mình để chống lại những kẻ hồi giáo cực đoan ». Báo Le Monde đăng : « Điều tra về các vi phạm quốc tế tại dải Gaza ». Báo công giáo La Croix đăng trên trang « Mùa hè trên báo La Croix » hồi ký « Việt Nam tiếp bước » của hai anh em người Pháp, Olivier và François Ray, một người là nhà kinh tế học, người kia là nhiếp ảnh gia. Hồi ký ảnh của họ giúp độc giả hình dung ra được Việt Nam từ một thế giới thuộc địa cho sang một thế giới toàn cầu hóa.
TAGS: CHÂU Á - TRUNG QUỐC - ĐIỂM BÁO - ĐỊA LÝ

No comments:

Post a Comment