Sunday, August 24, 2014

So sánh biên giới mới ở khu vực Nam Quan với bản đồ của quân đội Mỹ

So sánh biên giới mới ở khu vực Nam Quan với bản đồ của quân đội Mỹ

Phạm Quang Tuấn và Phan Văn Song
Chia sẻ bài viết này
Các tác giả cảm ơn Dương Danh Huy đã thảo luận và góp ý về vấn đề này và cộng tác trong việc soạn bản đồ các mốc biên giới.
Lưu ý:
(a) Hai chữ tắt AMS và NĐT dùng nhiều trong bài được định nghĩa ở ngay đoạn đầu.
(b) Chữ "ải" (ải Nam Quan) chỉ một chỗ hẹp giữa hai sườn núi, còn "cửa" (cửa Nam Quan) chỉ kiến trúc xây nơi đó để kiểm soát biên giới.
Diễn Đàn: Các bản đồ và hình ảnh, nếu quá lớn, đã được chúng tôi thu nhỏ. Tuy nhiên vì tầm quan trọng của các thông tin này, bạn đọc có thể xem nguyên bản do các tác giả gửi tới, lớn hơn, bằng cách bấm nút phải vào hình ảnh rồi làm theo chỉ dẫn.
Trong một bài trước [1] chúng tôi đã giới thiệu một số bản đồ biên giới Việt-Trung dựa theo bản đồ của quân đội Mỹ (Army Map Service, AMS) xuất bản năm 1964 [2], với những mốc giới mới tính toán theo Nghị định thư về cắm mốc biên giới 2009 (NĐT) [3]. Bản đồ này dựa theo bản đồ tỷ lệ 1:25 000 của Sở Địa dư Đông Dương (Service Geographique de l'Indochine, SGI) thời Pháp thuộc, nên có nhiều khả năng phản ánh đúng biên giới thời đó theo quan điểm của Pháp về Công ước Pháp-Thanh. Xin tạm gọi biên giới vẽ trên bản đồ AMS là "biên giới AMS".
Chúng tôi cũng đã lưu ý độc giả rằng bản đồ AMS có những sai số có thể lên tới 200 m, nên muốn so sánh đích xác hai biên giới thì cần phải điều chỉnh lại vị trí các mốc theo địa hình mô tả trong NĐT nhằm giảm thiểu sai số. Trong bài này chúng tôi sẽ điều chỉnh vị trí mốc giới ở khu vực Đồng Đăng - Nam Quan để xem so với biên giới AMS Việt Nam đã được gì mất gì nơi đó.

PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH SỰ KHÁC BIỆT BIÊN GIỚI

Vì khu vực Nam Quan là một vùng nhạy cảm, có ý nghĩa lịch sử đặc biệt và thu hút sự chú ý của tất cả những người quan tâm về biên giới cũng như của quần chúng nói chung, nên mọi phân tích phải đặc biệt cẩn trọng và có những tiêu chuẩn khách quan.
Chúng tôi dùng Adobe Photoshop, đặt bản đồ AMS lên một lớp (layer), đặt bộ mốc giới vẽ theo NĐT lên một lớp khác, rồi di chuyển lớp mốc nhiều khoảng cách khác nhau (nhưng phần lớn vẫn trong vòng sai số khoảng 200 m [1] của bản đồ AMS). Tức là khi di chuyển các mốc, vị trí tương đối giữa chúng không thay đổi. Sau đó, chúng tôi đối chiếu với NĐT xem những nét địa hình (landmark) như sông suối, đỉnh núi, đường lộ, đường sắt, v.v. ở các mốc có giống như NĐT mô tả hay không.
Làm như vậy tức là chúng ta đã giả thiết rằng, ít ra trong một khu vực vài km, địa hình (vị trí tương đối của sông suối, đồi núi, đường lộ, đường sắt, v.v.) được thể hiện một cách chính xác trên bản đồ AMS.
Vị trí đông-tây (kinh độ) của bộ mốc có thể xác định khá chính xác trên bản đồ vì hai mốc 1116-1117 (cách nhau 85 m) nằm hai bên Quốc lộ 1 và hai mốc 1121-1122 (cách nhau 72 m) nằm hai bên một con suối và đường sắt cách nhau khoảng 60 m. Mỗi lần di chuyển bộ mốc chúng tôi đều điều chỉnh kinh độ cho phù hợp những điều trên. Vì vậy chúng ta có thể tập trung vào việc tìm vị trí bắc nam.
Gần Nam Quan có rất nhiều mốc nằm trên những đỉnh núi: mốc 1095, 1101, 1102, 1110, 1113, 1120, 1124, 1126, 1129 và cũng có vài đỉnh núi nằm trên đường biên giới mà NĐT có nêu rõ toạ độ dù không có cắm mốc. Ngoài ra còn những cột mốc nằm trên sống núi, trên yên ngựa, những đoạn đi qua khe suối v.v. có thể giúp điều chỉnh vị trí của biên giới. Để độc giả dễ dàng theo dõi, chúng tôi có trích phần trong NĐT nói về các cột mốc và cách vẽ biên giới khu vực này trong Phụ lục.
Tuy nói là xê dịch bộ mốc trên bản đồ, nhưng phải hiểu là chúng tôi chỉ xê dịch bản đồ chứ không thay đổi toạ độ các mốc (vì chúng đã được hai nước chính thức thỏa thuận). Chẳng hạn, xê dịch bộ mốc 100 m về phía nam trên bản đồ có nghĩa là dịch bản đồ 100 m về phía bắc.

VỊ TRÍ BIÊN GIỚI MỚI

Chúng tôi đã thử nhiều cách để làm địa hình quanh các mốc phù hợp với NĐT.
Cách thứ nhất: chúng tôi giữ nguyên vị trí các mốc như đã tính toán từ các tọa độ trong Nghị định thư và vẽ trong bài trước [1]. Cách này giả thiết rằng bản đồ AMS thể hiện tọa độ các địa hình một cách chính xác, không có sai số hệ thống (systematic error). Theo cách này, biên giới mới cách biên giới AMS hơn 200 m về phía nam trên Quốc lộ 1.
Bản đồ 1 cho thấy thấy các mốc 1101, 1102, 1110, 1113, 1120, 1124, 1126, 1129 và điểm 364 m giữa hai mốc 1118 và 1119 không nằm trên đỉnh núi như theo NĐT. Vì vậy, có thể kết luận rằng cách này kém chính xác và có thể bác bỏ.
Bản đồ 1: Giữ nguyên vị trí các mốc mới
Cách thứ hai: chúng tôi đặt cột "km 0" nằm trên biên giới AMS. Tuy cách này di chuyển cột mốc hơn sai số 200 m của bản đồ, nhưng cần phải kiểm tra vì báo chí và nhân viên nhà nước CHXHCN Việt Nam đã phát biểu nhiều lần rằng mốc 1118 hoặc km 0 (hai điểm này có vĩ độ gần trùng nhau, chỉ lệch nhau chừng 15 m theo hướng bắc-nam, tương đương với 0,3 mm trên bản đồ tỷ lệ 1:50 000) trùng với biên giới cũ [4, 5]. Nếu biên giới AMS thể hiện chính xác biên giới cũ, và nếu chúng ta không mất gì ở ải Nam Quan trong hiệp ước 1999 như theo các phát biểu trên, thì cách này sẽ cho ta thấy vị trí của biên giới mới một cách khá chính xác.
Bản đồ 2 cho thấy trong tất cả các mốc mà NĐT ghi là ở trên đỉnh núi, không có mốc nào nằm như vậy trong bản đồ vẽ theo cách này. Ngoài ra, cũng không có suối nào đi qua giữa hai mốc 1125 và 1126 như trong NĐT. Do đó có thể kết luận rằng cách này không chính xác và có thể bác bỏ.

Bản đồ 2: Đặt cột km 0 nằm trên biên giới AMS
Cách thứ ba: chúng tôi xê dịch biên giới 100m về phía nam (so với biên giới trên bản đồ AMS) trên Quốc lộ 1. Cách này dựa theo mô tả sau trong Bị vong lục 1979 [6]: "Cũng tại khu vực này, phía Trung Quốc đã ủi nát mốc biên giới số 18 nằm cách cửa Nam Quan 100 mét trên đường quốc lộ để xóa vết tích đường biên giới lịch sử, rồi đặt cột ki-lô-mét 0 đường bộ sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100 mét, coi đó là vị trí đường quốc giới giữa hai nước ở khu vực này".
Bản đồ 3 cho thấy trong các mốc mà NĐT ghi là nằm trên đỉnh núi, chỉ có mốc 1120 và 1124 thỏa mãn điều kiện này. Do đó cách này kém chính xác và có thể bác bỏ.
Bản đồ 3: Dịch biên giới 100m về phía nam trên Quốc lộ 1
Cách thứ tư: chúng tôi xê dịch bộ mốc từng chục mét, cho tới khi có sự trùng hợp thỏa đáng nhất giữa địa hình quanh các mốc với các mô tả trong NĐT. Khi dịch chuyển các mốc tới vị trí 75 m về phía Nam chúng tôi đạt được sự trùng hợp tối đa(Bản đồ 4). Điều này có nghĩa là trên bản đồ AMS các chi tiết địa hình và biên giới đã được thể hiện lệch về phía Nam 75 m so với vị trí thực của chúng. Khoảng cách này vẫn nằm trong vòng sai số của bản đồ [1].
Bản đồ 4: Dùng địa hình để điều chỉnh vị trí các mốc
Ở vị trí này, các mốc 1095, 1102, 1110, 1113, 1124, đỉnh 436 m (giữa mốc 1110 và 1111) và đỉnh 364 m (giữa mốc 1118 và 1119, đề chữ 371 trên bản đồ AMS) đều nằm trên các đỉnh núi (sai số dưới 30 m) đúng như mô tả trong NĐT. Riêng mốc 1120, theo NĐT, cũng nằm trên một đỉnh núi nhưng bản đồ AMS không thể hiện có núi ở vị trí này. Tuy nhiên, kiểm tra lại bản đồ nhỏ tỷ lệ 1:10 000 trong bản đồ 29 đăng trên Công báo số 642-649 của chính phủ Việt Nam thì quả có một núi nhỏ ở đó, mà bản đồ AMS không vẽ tuy địa hình chung quanh thì tương tự (xin xem đoạn sau). Những mỏm núi nhỏ có thể không xuất hiện trên bản đồ AMS nếu bề cao của chúng ít hơn cách biệt độ cao (20 m) giữa các đường đẳng cao (contours). Mốc 1101 nằm hơi chếch một đỉnh (cách chừng 40 m). Chỉ có hai mốc 1126, 1129 không nằm trên đỉnh núi như trong NĐT. Có thể là những khu này ở xa nên đo đạc không còn chính xác, nhưng cũng có thể vì lý do tương tự như trường hợp mốc 1120.
Mốc 1115 đi tới mốc 1116 theo sống núi từ tây sang đông. Mốc 1125 và 1126 nằm hai bên suối. Những nét địa hình này đều đúng như trong NĐT. Độc giả có thể tự kiểm tra những nét khác.
Ngoài ra địa hình chung quanh biên giới mới ở khu vực Hữu Nghị Quan (mốc 1116-1122) còn có thể so sánh trên bản đồ nhỏ, tỷ lệ 1:10 000 ở góc trên bên phải của bản đồ 29 trong Công báo [7] (Bản đồ 5). Địa hình trên hai bản đồ (của chúng tôi và từ Công báo) rất giống nhau, vị trí của các đỉnh, suối, đường sắt v.v. đều tương tự.
Bản đồ 5. So sánh chi tiết địa hình khu vực mốc 1116-1122
Tương tự, bản đồ nhỏ ở khu vực mốc 1103/1-1108 cho thấy địa hình bản đồ biên giới mới của chúng tôi rất xít xao với địa hình trong bản đồ tỷ lệ 1:5000 của Công báo (Bản đồ 6), biên giới mới bọc sát quanh một đầm lầy và qua vài đỉnh nhỏ.

Bản đồ 6. So sánh chi tiết địa hình khu vực mốc 1103/1-1108.
Chúng tôi kết luận rằng bản đồ 4 thể hiện chính xác (trong vòng khoảng 30 m) vị trí của các mốc giới mới trên bản đồ AMS. Đặc biệt, đỉnh núi ghi "371" trên bản đồ 5 có một mốc địa trắc (hình tam giác) là một điểm để các nhà địa trắc dùng để tính tọa độ chuẩn cho vùng đó, nên vị trí biết rất chính xác. Bản đồ 7 giống Bản đồ 4 nhưng vẽ thêm đường biên giới mới giữa các mốc, biên giới này lấy từ bản đồ của NĐT và được chồng lên các mốc, cho thấy là vị trí tương đối của các mốc mà chúng tôi vẽ bằng phần mềm là chính xác. Hai bản đồ này sẽ được dùng trong phần còn lại của bài.
Bản đồ 7. So sánh biên giới mới với biên giới trên bản đồ AMS

VỊ TRÍ ẢI NAM QUAN TRONG BẢN ĐỒ AMS CÓ CHÍNH XÁC KHÔNG?

Người đọc có thể tự hỏi là bản đồ AMS có thể hiện chính xác vị trí ải Nam Quan không, vì nếu không thì khó kết luận là Việt Nam đã nhượng bộ bao nhiêu, ít ra là dọc theo đường Quốc lộ 1. Để chứng tỏ là AMS thể hiện vị trí ải Nam Quan một cách chính xác, chúng tôi xin đưa hình 1 dưới đây, cho thấy cửa Nam Quan từ một tấm ảnh thời Pháp, chụp từ phía Việt Nam (vì thấy cổng nhỏ phía Việt Nam trước cổng lớn phía Trung Hoa). Điều đáng chú ý là trước khi tới ải, có một khu đất trũng ở phía đông (d) giữa hai ngọn đồi (f, g) khiến đường lộ phải vòng sang trái (phía tây) ở điểm c.
Hình 1. Địa hình ải Nam Quan cũ so với bản đồ AMS
So sánh tấm ảnh đó với bản đồ AMS trên hình 1, ta thấy các nét địa hình này được diễn tả đầy đủ. Nếu đứng ở điểm X gần cạnh dưới bản đồ thì sẽ thấy được cảnh trong ảnh. Điểm a là mốc 18, b là cửa Nam Quan, d là khu đất trũng (vạch đỏ trên bản đồ). Cột km 0 bây giờ ở khoảng trong khóm chuối (e), góc dưới bên trái. Địa hình phía nam biên giới mới (km 0) không có những nét nói trên. Chúng ta có thể kết luận rằng vị trí ải Nam Quan cũ trên bản đồ AMS là chính xác so với địa hình.

Ý NGHĨA VỀ LÃNH THỔ VÀ QUÂN SỰ CỦA SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BIÊN GIỚI MỚI VÀ BIÊN GIỚI AMS

Bản đồ 4 và 7 cho thấy là, so với biên giới AMS, biên giới mới đã lấn về phía nam một cách đáng kể trong khu vực này. Trên Quốc lộ 1, so với bản đồ AMS, biên giới đã lùi khoảng 290 m về phía Nam. Trên đường sắt Bằng Tường-Đồng Đăng, biên giới đã lùi khoảng 360 m về phía Nam. Giữa hai mốc 16 và 17 cũ (khoảng mốc 1103 và 1114 mới), Việt Nam đã mất khoảng 3/4 km2 (theo ước lượng của chúng tôi). Phía đông bắc của mốc 1129 Việt Nam cũng mất một vùng đất đáng kể so với biên giới AMS.
Về mặt địa hình, biên giới AMS ở Nam Quan đi dọc theo một sống núi theo hướng tây đông, qua một thung lũng (cửa ải nằm đâu đó trong thung lũng này) và tiếp tục đi lên một ngọn đồi. Địa hình biên giới mới cũng tương tự, chỉ khác là biên giới mới đi theo một sống núi khác nằm về phía Nam khoảng 300 m, và biên giới mới còn lùi thêm về phía nam vài chục mét nữa dọc đường sắt.
Hình 2 so sánh biên giới mới và biên giới AMS trên một tấm không ảnh của Google Earth. Ảnh chụp nghiêng nên cho ta hình ảnh về địa hình. Hai đường biên giới vẽ sơ lược theo 3 chiều nên lên xuống cùng địa hình. Đường vàng mỏng là biên giới do Google Earth vẽ (chúng tôi có nhiều bằng chứng rằng họ cũng vẽ biên giới theo bản đồ AMS nên nó cũng bị dịch khoảng 75 m về phía nam). So sánh không ảnh với bản đồ AMS ở dưới, ta dễ dàng nhìn ra những nét địa hình. Mỗi điểm quan trọng trên hai biên giới đều đánh số hay chữ để dễ so sánh.
Hình 2. Không ảnh Google Earth (trên) so sánh với bản đồ AMS.
Trên không ảnh, đường đỏ là biên giới mới, đường tím là biên giới AMS.
Cả trên bản đồ lẫn không ảnh, phía đông ải Nam quan cũ là hai ngọn đồi sát nhau (đồi kép), biên giới AMS chạy từ ải (f) lên đỉnh phía nam (g). Phía đông biên giới mới (điểm 3, có mũi tên của Google Earth chỉ vào tọa độ của km 0) là một ngọn đồi đơn độc (điểm 5). Không thể lẫn lộn được hai ngọn đồi đó. Không ảnh từ trên chụp thẳng xuống cho thấy rõ điều này (Hình 3).

Hình 3. Không ảnh Google Earth cho thấy rõ đồi kép ở
biên giới AMS (đường tím) và đồi đơn ở biên giới mới (đường đỏ)
Như đã thấy, biên giới ở Nam Quan đã lùi về phía nam khoảng 300 m. Ở đây 300 m này rất quan trọng. Về mặt địa hình, Nam Quan là một "ải kép", vì thung lũng chứa quốc lộ thắt lại ở hai điểm cách nhau 300 m: điểm bắc là ải Nam quan cũ, điểm nam là km 0 bây giờ (xem không ảnh hình 2 và 3). Phía bắc và nam "ải kép" này là những thung lũng tương đối rộng. Hai bên mỗi ải là những đồi hay sống núi có thể dùng để quan sát hoặc khống chế bên kia.
Với biên giới AMS, Việt-Trung chia nhau các cao điểm hai bên ải Bắc (sống núi c-d-e-f và đỉnh g trên hình 2), còn Việt Nam chiếm các cao điểm hai bên ải Nam (sống núi 2-3 và đỉnh 5). Điều này cho ta một lợi thế rất lớn khi có xung đột, giúp ta kiểm soát sự ra vào ở cửa ải. Với biên giới mới, tình thế đã đảo ngược, bên TQ kiểm soát các cao điểm sau ải (mới) và chia các cao điểm hai bên ải (mới) với VN.
Dọc phía tây quốc lộ có những khác biệt cũng rất quan trọng về mặt quân sự. Biên giới AMS chạy từ đỉnh núi (c) ở phía tây ải cũ rồi quay về hướng nam và chạy dọc một sống núi rất cao (b-a và tiếp tục về hướng tây), sống núi này khống chế thung lũng của QL 1 suốt dọc gần 1 km. Biên giới mới ở về phía đông biên giới AMS, chạy dọc lưng chừng sườn núi (từ 2 đến 1 và tiếp tục về hướng tây nam), phần dưới về Việt Nam, phần trên thuộc Trung Quốc. Như vậy, với biên giới mới Trung Quốc kiểm soát tất cả các đỉnh núi và sống núi dọc ải và đường quốc lộ ra biên giới: một lợi thế rõ rệt về mặt quân sự và là điều mà họ không có được với biên giới AMS.
Hình 4 là không ảnh Google Earth vùng từ Đồng Đăng tới Nam Quan, nhìn nghiêng 350 và trục cao độ tăng gấp đôi cho rõ địa hình. Vị trí cửa Hữu Nghị Quan, km 0 và các mốc biên giới do Google Earth đặt lên theo tọa độ trong NĐT. Ta thấy từ mốc 1114 về phía bắc, bản đồ AMS vẽ hai bên chia nhau sống núi thì bây giờ Trung Quốc chiếm các cao điểm. Từ mốc 1114 về phía Nam, bản đồ AMS vẽ rặng núi hoàn toàn bên Việt Nam thì bây giờ hai bên chia nhau sống núi. Có những công sự lớn của TQ ở vùng lấn qua Việt Nam, bọc trong các mốc 1103/1 tới 1114. Có thể nói là cửa ngõ Việt Nam suốt từ Nam Quan tới Đồng Đăng theo biên giới mới bị áp chế hay đe dọa.
Hình 4. Không ảnh Google Earth vùng biên giới từ Đồng Đăng tới
Nam Quan, với vị trí các mốc mới. Đường vạch đỏ là biên giới AMS.
Phía đông bắc ải Nam Quan, từ mốc 1123 tới mốc 1128 (bản đồ 7), tình trạng cũng tương tự. Suốt dọc đoạn này biên giới mới đã lấn về phía Việt Nam khoảng 100-300 m, biên giới AMS nằm trên sống một rặng núi cao, biên giới mới nằm lưng chừng sườn núi phía VN, tức là Việt Nam đã mất tất cả các cao điểm.
Nếu biên giới AMS phản ánh đúng biên giới lịch sử thì việc để mất các vị trí quan yếu về mặt quốc phòng như thế này vào tay Trung Quốc, một nước láng giềng lớn từng nhiều lần xâm lấn ta bằng võ lực, là một điều khó thể biện minh được.

VỀ VỊ TRÍ CÁC CỘT MỐC 18 VÀ 19 CŨ

Trên bản đồ AMS, vị trí của mốc 18 cũ (nằm trên một sống núi phía Tây ải Nam Quan) có thể không chính xác vì theo biên bản của toán cắm mốc Pháp Thanh, mốc này được đặt ở trên (bên) đường đi Đồng Đăng, phía trước (tức là phía Nam) cửa Nam Quan 100 m (à 100 m en avant de la porte de Nam-Quan sur le chemin de Dong-Dang) [8].
Còn mốc 19 thì nằm trên đỉnh ngọn đồi ngay phía Đông cửa ải, trong khi đó, theo báo chí nhà nước và nhân viên bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam phụ trách vấn đề biên giới thì mốc 19 nằm ở vị trí của mốc 1118 mới như đã nói trong phần trên. Hai vị trí này cách nhau khoảng 250 m và nằm trên hai ngọn đồi khác nhau. Theo biên bản cắm mốc đã nói, thì mốc 19 phải nằm ở trên một đỉnh đồi ("sur le sommet placé face du fort chinois de Kouei-Tao"). Ngoài ra, mốc 19 trong bản đồ AMS thì ở một đỉnh đồi có cao độ 364 m, nhưng mốc 1118, mà theo báo chí và nhân viên nhà nước Việt Nam thì trùng với mốc 19 cũ, lại ở trên sườn đồi, với cao độ 320,6 m. Khó mà tin đội cắm mốc Pháp Thanh đã phạm một nhầm lẫn về cao độ tương đương với một tòa nhà 15 tầng! Ngọn đồi mà bộ Ngoại giao VN cho là mang mốc 19 (1118 mới) là một điểm trắc địa, tức là trên đỉnh có đặt một mốc dấu nào đó dùng để định chuẩn tọa độ, nên các nhà làm bản đồ chắc chắn biết chính xác vị trí của nó và khó có thể nhầm lẫn với một ngọn đồi khác cách đó 300 m. Hơn nữa,bản đồ AMS thể hiện ngọn đồi đó hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Việt Nam (vị trí của mốc trắc địa cũng nói lên điều này). Khó có khả năng xảy ra việc những người làm bản đồ lại nhầm lẫn một ngọn đồi có chứa cột mốc biên giới với một ngọn đồi tách rời nằm hoàn toàn trong lãnh thổ của một bên.
Như vậy, có khả năng cao là mốc 19 trên bản đồ AMS đã được thể hiện chính xác và điều này có nghĩa là sau này mốc đó đã bị dời khoảng hơn 250 m về phía Nam, sang một ngọn đồi khác. Chúng ta nên nhớ là ngọn đồi này đã bị Trung Quốc chiếm một thời gian dài, và ngay cả lúc đàm phán vẫn bị họ chiếm đóng, nên khả năng là họ đã di chuyển cột mốc không phải là nhỏ. Nhà nước Việt Nam cần phải giải thích vì lý do gì họ đã không khẳng định vị trí của mốc 19 như trên bản đồ AMS, một vị trí phù hợp hơn với biên bản cắm mốc, mà lại khẳng định một vị trí vừa không phù hợp với biên bản (vì không nằm trên đỉnh núi) vừa rất thiệt thòi cho Việt Nam.

KẾT LUẬN

1. Bản đồ 4 và 7, mà chúng tôi đã điều chỉnh theo địa hình và kiểm chứng bằng nhiều cách, có thể coi là trình bày chính xác (trong vòng chừng 30 m) vị trí của biên giới 1999 trên bản đồ AMS mà quân đội Mỹ vẽ năm 1964, dựa theo bản đồ của Pháp.
2. Trên Quốc lộ 1, biên giới đã lùi khoảng 290 m về phía Nam.
3. Trên đường sắt Bằng Tường-Đồng Đăng, biên giới đã lùi khoảng 360 m về phía Nam so với biên giới trên bản đồ AMS. Nhiều khu vực lân cận bị mất trên dưới 1 km vuông.
4. So với bản đồ AMS thì Việt Nam đã mất hầu hết những cao điểm (đỉnh và sống núi) chung quanh ải Nam quan và dọc Quốc lộ 1 cho tới Đồng Đăng, và chỉ còn giữ những sườn núi thấp.
4. Có khả năng là cột mốc 19 cũ đã bị dời hơn 250 m về phía nam, qua một ngọn đồi khác, khiến biên giới quanh đó cũng di chuyển theo.
Phạm Quang Tuấn và Phan Văn Song
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Dương Danh Huy, Phạm Quang Tuấn, Phan Văn Song (2013) So sánh vị trí cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc với bản đồ của quân đội Mỹ. http://boxitvn.blogspot.com.au/2013/10/so-sanh-vi-tri-cot-moc-bien-gioi-viet.htmlhttps://danluan.org/tin-tuc/20131007/so-sanh-vi-tri-cot-moc-bien-gioi-viet-nam-trung-quoc-voi-ban-do-cua-quan-doi-my
[3] Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa Việt Nam - Trung Hoa. Công báo, Chính phủ CHXHCN Việt Nam, 634+635 tới số 640+641.http://congbao.chinhphu.vn/noi-dung-van-ban-so-36_2010_SL-LPQT-(5924)?cbid=6117
[4] Báo QĐND viết: "Đường biên giới đi qua Km0 rồi đến mốc 19 cũ và đến điểm cách điểm nối ray 148 mét về phía Bắc. Hiện nay ta đã cắm mốc 1116 và 1117 đối xứng với nhau qua quốc lộ 1A của Việt Nam, và mốc 1118 trùng vị trí mốc 19 (cũ). Như vậy, đường biên giới lịch sử tại khu vực này không những đã được tôn trọng mà còn được cụ thể hóa bằng một hệ thống cột mốc mới hiện đại".http://www.qdnd.vn/qdndsite/en-us/75/48397/print/Default.aspx
[5] Ông Vũ Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trả lời phỏng vấn: "Hiệp ước 1999 đã xác định đường biên giới đi qua Km 0, qua mốc 19 cũ do Pháp và nhà Thanh cắm và qua điểm nằm cách điểm nối ray 148 m về phía bắc" http://phapluattp.vn/237883p0c1013/cam-moc-bien-gioi-tai-cua-khau-huu-nghi.htm
[6] Bị vong lục của Bộ ngoại giao nước CHXHCNVN về việc nhà cầm quyền Trung Quốc gây khiêu khích, xâm lấn lãnh thổ Việt Nam ở vùng biên giới, 15/3/1979.
[7] Bản đồ biên giới đất trên liền giữa nước CHXHCN Việt nam và nước CHND Trung Hoa. Công báo, Chính phủ CHXHCN Việt Nam, 142+149. http://congbao.chinhphu.vn/noi-dung-van-ban-so-36_2010_SL-LPQT-%285924%29?cbid=8248
[8] Trương Nhân Tuấn (2009) Biên Giới Việt Nam: vùng tiếp giáp tỉnh Quảng Tây.http://thongluan.co/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4102.
________________________________________________________
PHỤ LỤC:

Trích Nghị Định Thư mô tả biên giới
trong khu vực Đồng Đăng-Nam Quan

Mốc giới số 1095 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 536,71m, tọa độ địa lý 210 59’ 31,093” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 01,621” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1095, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam, đến mốc giới số 1096. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,223km.
Mốc giới số 1096 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt tại thung lũng, có độ cao là 500,47m, tọa độ địa lý 210 59’ 23,876” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 00,800” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1096, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam, đến mốc giới số 1097. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,253km.
Mốc giới số 1097 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 519,99m, tọa độ địa lý 210 59’ 15,759” vĩ độ Bắc, 1060 40’ 59,436” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1097, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam, đến mốc giới số 1097/1. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,094km.
Mốc giới số 1097/1 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 525,25m, tọa độ địa lý 210 59’ 12,691” vĩ độ Bắc, 1060 40’ 59,339” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1097/1, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam, cắt qua khe, đến mốc giới số 1097/2. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,165km.
Mốc giới số 1097/2 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 524,59m, tọa độ địa lý 210 59’ 07,331” vĩ độ Bắc, 1060 40’ 59,769” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1097/2, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam - Đông Nam, đến mốc giới số 1098. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,228km.
Mốc giới số 1098 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, cạnh đường mòn, có độ cao là 472,07m, tọa độ địa lý 210 59’ 00,617” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 03,096” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1098, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam - Đông Nam 207m, đến điểm có độ cao 508m (tọa độ địa lý 210 58’ 54,50” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 06,13” kinh độ Đông), sau đó theo đường sống núi, hướng chung Nam - Đông Nam, đến mốc giới số 1099. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,559km.
Mốc giới số 1099 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên yên ngựa, cạnh đường mòn, có độ cao là 352,12m, tọa độ địa lý 210 58’ 45,641” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 12,568” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1099, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Đông Nam, đến mốc giới số 1100. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,655km.
Mốc giới số 1100 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên yên ngựa, cạnh đường mòn, có độ cao là 427,07m, tọa độ địa lý 210 58’ 32,279” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 28,777” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1100, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Đông Nam, đến mốc giới số 1101. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,620km.
Mốc giới số 1101 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 483,41m, tọa độ địa lý 210 58’ 23,132” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 41,110” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1101, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam, đến mốc giới số 1102. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,144km.
Mốc giới số 1102 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 483,23m, tọa độ địa lý 210 58’ 18,479” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 41,781” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1102, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Tây Nam, đến mốc giới số 1102/1. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,132km.
Mốc giới số 1102/1 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 406,05m, tọa độ địa lý 210 58’ 16,031” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 38,003” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1102/1, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam - Đông Nam, đến mốc giới số 1102/2. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,086km.
Mốc giới số 1102/2 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 399,14m, tọa độ địa lý 210 58’ 13,408” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 39,026” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1102/2, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Nam, cắt qua một đường mòn, đến điểm có độ cao 470m (đo trên bản đồ), sau đó theo đường sống núi, hướng chung Tây Nam, đến mốc giới số 1103. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,576km.
Mốc giới số 1103 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên yên ngựa, có độ cao là 333,73m, tọa độ địa lý 210 58’ 00,423” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 29,282” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1103, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung là hướng Nam, đến mốc giới số 1103/1. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,374km.
Mốc giới số 1103/1 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 371,35m, tọa độ địa lý 210 57’ 50,349 vĩ độ Bắc, 1060 41’ 30,442” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1103/1, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Đông - Đông Bắc 21m, đến điểm có độ cao 382m trên đỉnh núi (tọa độ địa lý 210 57’ 50,60” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 31,10” kinh độ Đông), sau đó theo đường thẳng hướng Đông 43m, đến mốc giới số 1103/2. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,064km.
Mốc giới số 1103/2 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, cạnh đường mòn, có độ cao là 347,15m, tọa độ địa lý 210 57’ 50,396” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 32,564” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1103/2, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Đông Bắc, đến điểm có độ cao 361m (tọa độ địa lý 210 57’ 52,73” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 35,56” kinh độ Đông), sau đó theo đường thẳng, hướng Đông - Đông Nam, đến mốc giới số 1104. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,142km.
Mốc giới số 1104 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt ở phía Tây đường cái từ Cốc Nam (Việt Nam) đến Long Huai (Trung Quốc), có độ cao là 311,30m, tọa độ địa lý 210 57’ 52,450” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 36,536” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1104, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông, cắt qua đường cái từ Cốc Nam (Việt Nam) đến Long Huai (Trung Quốc), đến mốc giới số 1105. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,018km.
Mốc giới số 1105 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt ở phía Đông đường cái từ Cốc Nam (Việt Nam) đến Long Huai (Trung Quốc), có độ cao là 312,24m, tọa độ địa lý 210 57’ 52,477” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 37,169” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1105, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông, đến mốc giới số 1106. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,064km.
Mốc giới số 1106 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 359,50m, tọa độ địa lý 210 57’ 52,564” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 39,392” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1106, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung là hướng Nam, đến mốc giới số 1107. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,278km.
Mốc giới số 1107 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, cạnh đường mòn, có độ cao là 349,00m, tọa độ địa lý 210 57’ 43,879” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 40,948” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1107, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông - Đông Bắc, đến mốc giới số 1108. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,127km.
Mốc giới số 1108 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 418,39m, tọa độ địa lý 210 57’ 45,315” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 45,103” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1108, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Đông Nam, đến mốc giới số 1109. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,132km.
Mốc giới số 1109 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên yên ngựa, có độ cao là 369,28m, tọa độ địa lý 210 57’ 42,149” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 48,174” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1109, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Đông - Đông Nam, đến mốc giới số 1110. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,313km.
Mốc giới số 1110 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 412,29m, tọa độ địa lý 210 57’ 37,392” vĩ độ Bắc, 1060 41’ 56,223” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1110, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông Bắc, đến điểm có độ cao 436m (tọa độ địa lý 210 57’ 42,86” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 03,91” kinh độ Đông) sau đó theo đường sống núi, hướng chung Bắc - Đông Bắc, đến mốc giới số 1111. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,574km.
Mốc giới số 1111 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên yên ngựa, có độ cao là 407,72m, tọa độ địa lý 210 57’ 49,014” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 07,858” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1111, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung là hướng Bắc, đến điểm có độ cao 430m (đo trên bản đồ), sau đó theo đường thẳng, hướng Đông Nam, đến mốc giới số 1112. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,284km.
Mốc giới số 1112 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên yên ngựa, cạnh đường mòn, có độ cao là 404,38m, tọa độ địa lý 210 57’ 54,797” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 10,083” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1112, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông Nam, đến điểm có độ cao 430m (đo trên bản đồ), sau đó theo đường sống núi, hướng chung Bắc - Đông Bắc, đến mốc giới số 1113. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,536km.
Mốc giới số 1113 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 462,77m, tọa độ địa lý 210 58’ 05,022” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 18,931” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1113, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông Bắc, đến mốc giới số 1114. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,354km.
Mốc giới số 1114 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 390,14m, tọa độ địa lý 210 58’ 12,413” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 28,406” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1114, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông, đến mốc giới số 1114/1. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,044km.
Mốc giới số 1114/1 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 360,47m, tọa độ địa lý 210 58’ 12,392” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 29,923” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1114/1, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Bắc, đến mốc giới số 1114/2. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,222km.
Mốc giới số 1114/2 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 347,79m, tọa độ địa lý 210 58’ 19,589” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 29,658” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1114/2, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Bắc, đến mốc giới số 1114/3. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,128km.
Mốc giới số 1114/3 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 376,79m, tọa độ địa lý 210 58’ 23,707” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 29,078” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1114/3, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Tây - Tây Bắc, đến mốc giới số 1114/4. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,053km.
Mốc giới số 1114/4 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 397,11m, tọa độ địa lý 210 58’ 24,670” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 27,540” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1114/4, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Bắc, đến mốc giới số 1115. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,141km.
Mốc giới số 1115 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 421,69m, tọa độ địa lý 210 58’ 29,263” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 27,763” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1115, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Đông - Đông Nam, qua điểm có độ cao 359m, đến điểm có độ cao 334m (tọa độ địa lý 210 58’ 25,57” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 39,35” kinh độ Đông), sau đó theo đường thẳng hướng Đông, đến mốc giới số 1116. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,398km.
Mốc giới số 1116 là mốc đơn, loại lớn, làm bằng đá hoa cương, có gắn quốc huy, đặt trên sườn núi, phía Tây đường cái từ cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) đi Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), có độ cao là 312,30m, tọa độ địa lý 210 58’ 25,419” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 40,798” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1116, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông, qua Km0, cắt qua đường cái từ cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) đi Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), đến mốc giới số 1117. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,085km.
Mốc giới số 1117 là mốc đơn, loại lớn, làm bằng đá hoa cương, có gắn quốc huy, đặt trên sườn núi, phía Đông đường cái từ cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) đi Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), có độ cao là 312,50m, tọa độ địa lý 210 58’ 25,138” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 43,744” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1117, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông - Đông Bắc, đến mốc giới số 1118. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,034km.
Mốc giới số 1118 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sườn núi, có độ cao là 320,63m, tọa độ địa lý 210 58’ 25,625” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 44,789” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1118, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung là hướng Nam, qua điểm có độ cao 364m (tọa độ địa lý 210 58’ 22,87” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 45,52” kinh độ Đông), đến mốc giới số 1119. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,165km.
Mốc giới số 1119 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 350,96m, tọa độ địa lý 210 58’ 20,386” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 45,328” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1119, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung là hướng Đông, đến mốc giới số 1120. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,201km.
Mốc giới số 1120 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 320,91m, tọa độ địa lý 210 58’ 20,184” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 51,888” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1120, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông, đến mốc giới số 1121. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,062km.
Mốc giới số 1121 là mốc đơn, loại lớn, làm bằng đá hoa cương, có gắn quốc huy, đặt trên dốc núi, có độ cao là 294,96m, tọa độ địa lý 210 58’ 19,949” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 54,029” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1121, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông, cắt qua một con suối và đường sắt từ Đồng Đăng (Việt Nam) đi Bằng Tường (Trung Quốc), đến mốc giới số 1122. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,072km.
Mốc giới số 1122 là mốc đơn, loại lớn, làm bằng đá hoa cương, có gắn quốc huy, đặt ở phía Đông đường sắt từ Đồng Đăng (Việt Nam) đi Bằng Tường (Trung Quốc), có độ cao là 294,33m, tọa độ địa lý 210 58’ 20,001” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 56,545” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1122, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông, đến điểm có độ cao 315m ( tọa độ địa lý 210 58’ 20,02” vĩ độ Bắc, 1060 42’ 57,75” kinh độ Đông), sau đó theo đường sống núi, hướng chung Bắc - Đông Bắc, đến mốc giới số 1123. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,259km.
Mốc giới số 1123 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 354,12m, tọa độ địa lý 210 58’ 26,722” vĩ độ Bắc, 1060 43’ 00,748” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1123, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Đông - Đông Bắc, qua điểm có độ cao 368m (tọa độ địa lý 210 58’ 26,90” vĩ độ Bắc, 1060 43’ 07,17” kinh độ Đông), đến mốc giới số 1124. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,472km.
Mốc giới số 1124 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi Co Mìn, có độ cao là 403,68m, tọa độ địa lý 210 58’ 32,425” vĩ độ Bắc, 1060 43’ 14,054” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1124, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông Bắc, cắt qua một đường mòn, đến mốc giới số 1125. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,320km.
Mốc giới số 1125 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao là 368,86m, tọa độ địa lý 210 58’ 40,967” vĩ độ Bắc, 1060 43’ 20,436” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1125, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Bắc - Đông Bắc, cắt qua một con suối, đến mốc giới số 1126. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,113km.
Mốc giới số 1126 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi nhỏ, có độ cao là 360,80m, tọa độ địa lý 210 58’ 44,032” vĩ độ Bắc, 1060 43’ 22,579” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1126, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông Bắc, cắt qua khe, đến mốc giới số 1127. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,272km.
Mốc giới số 1127 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 430,25m, tọa độ địa lý 210 58’ 50,717” vĩ độ Bắc, 1060 43’ 28,775” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1127, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Bắc - Đông Bắc, đến mốc giới số 1128. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,941km.
Mốc giới số 1128 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 610,97m, tọa độ địa lý 210 59’ 13,022” vĩ độ Bắc, 1060 43’ 42,315” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1128, đường biên giới theo đường sống núi, hướng chung Bắc - Đông Bắc, đến mốc giới số 1129. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,994km.
Mốc giới số 1129 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 612,69m, tọa độ địa lý 210 59’ 41,964” vĩ độ Bắc, 1060 43’ 49,942” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1129, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Bắc - Đông Bắc, đến mốc giới số 1130. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,311km.
Mốc giới số 1130 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao là 550,78m, tọa độ địa lý 210 59’ 50,422” vĩ độ Bắc, 1060 43’ 55,901” kinh độ Đông.
Từ mốc giới số 1130, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông Bắc, cắt qua khe, đến mốc giới số 1131. Chiều dài đoạn biên giới này là 0,327km.
Hồ Gươm gửi hôm Chủ Nhật, 20/10/2013
Bạn đánh giá bài viết này thế nào?
Dương Danh Huy gửi lúc 15:43, 23/10/2013 - mã số 101256
Phân biệt chính quyền với Việt Nam thì cũng không đòi được những vùng đất Pháp đã nhượng cho TQ.
Thứ nhất, TQ sẽ chẳng chịu ra tòa về những vùng đất đó. Thứ nhì, có ra tòa thì khả năng là tòa sẽ cho rằng các CƯ Pháp-Thanh là có hiệu lực bất kể VN tuyên bố chúng. Thứ ba, chắc chẳng có hiệp sĩ chém gió nào dám đi đánh chiếm lại những vùng đất đó.
Chỉ có 2 cách để lấy lại những vùng đất đó thôi.
1) Bằng luật: VN mình lập ra một hệ thống luật quốc tế mới, trong đó các nước cựu thuộc địa có thể tùy tiện xé các HĐ mà các nước thực dân đã ký, và có một hội đồng bảo an LHQ để thi hành nguyện vọng của các nước cựu thuộc địa này.
2) Bằng bạo lực: VN mình thành mạnh như TQ, TQ thành yếu như VN, và mình đem quân sang đánh, lấy lại đất.
Chúc các bác có những giấc mơ hạnh phúc.
Khácho viết:
Phân biệt chính quyền và Việt Nam như là 2 thực thể riêng biệt thì sẽ làm được .
Tôi không tin chính quyền sẽ làm chuyện đòi đất, heck, họ bán còn không kịp nữa . Nhưng chúng ta phải đưa bằng chứng để có cớ sau này .
Nguyễn Phú Trọng (khách viếng thăm) gửi lúc 06:31, 23/10/2013 - mã số 101214
>>> Tôi không rõ mình có growning up hay không,
Đứng bên ngoài, tớ thấy Trương Nhân Tuấn đã bị mỉa khi được so sánh với học sinh cấp 3 về việc vẽ bản đồ (bây giờ tớ không có exact wording), thì tớ nghĩ người nói câu mỉa chưa "grow up". Thế nhưng, nếu chính bác không rõ có đang growing up hay không, thì tớ cũng chẳng muốn bàn cãi làm gì, nhưng đó là ý kiến của một người bên ngoài, có được tiếp thu hay không là vấn đề khác.
"bài này có vẻ đồng tình rằng nước ta mất một số đất cho nước lạ ở phương bắc."
>>> trong bài có chỗ nào chúng tôi đã thể hiện tường minh hoặc hàm ý điều quy kết này.
Dưới đây là 2 thí dụ. Nhưng tớ có 2 disclaimers:
(1) tớ nói là "có vẻ đồng tình rằng" (apparently agreed that some land was ceded... Tớ không nói rằng "có vẻ đồng tình với" (apparently agreed with). "đồng tình rằng" khác xa "đồng tình với"
(2) tớ đã cẩn thận thêm cụm từ qualifier "có vẻ", "có vẻ" không có nghĩa là chắc chắn.
Có vẻ như là bác muốn tranh luận, phân biệt giữa "đồng tình" versus "chấp nhận", nhưng tớ chẳng có motivation nào để tranh luận về đề tài này.
Thế nhưng, tớ vẫn thích bác nào đó đã viết:
" "Lúc đó còn chết nữa."
Không hiểu . Chết ai và chết cái gì ?
Các bác có đòi được đâu . Chính quyền không (muốn/thích/dám/cần) đòi là chuyện của chính quyền . Công khai thông tin là chuyện (có phải) của các bác, chúng ta và chúng tôi (không nhỉ?). Chết ai và chết cái gì ?"
Thí dụ 1:
>>>> Như vậy, có khả năng cao là mốc 19 trên bản đồ AMS đã được thể hiện chính xác và điều này có nghĩa là sau này mốc đó đã bị dời khoảng hơn 250 m về phía Nam, sang một ngọn đồi khác. Chúng ta nên nhớ là ngọn đồi này đã bị Trung Quốc chiếm một thời gian dài, và ngay cả lúc đàm phán vẫn bị họ chiếm đóng, nên khả năng là họ đã di chuyển cột mốc không phải là nhỏ. Nhà nước Việt Nam cần phải giải thích vì lý do gì họ đã không khẳng định vị trí của mốc 19 như trên bản đồ AMS, một vị trí phù hợp hơn với biên bản cắm mốc, mà lại khẳng định một vị trí vừa không phù hợp với biên bản (vì không nằm trên đỉnh núi) vừa rất thiệt thòi cho Việt Nam.
Thí dụ 2:
>>> 4. So với bản đồ AMS thì Việt Nam đã mất hầu hết những cao điểm (đỉnh và sống núi) chung quanh ải Nam quan và dọc Quốc lộ 1 cho tới Đồng Đăng, và chỉ còn giữ những sườn núi thấp.
Phan Văn Song viết:
Tiếp lời bác PQT, tôi xin có vài ý đối với góp ý của bác Nguyễn Phú Trọng liên quan đến chúng tôi:
Nguyễn Phú Trọng viết:
..............
(1) Good news: hai ông Phạm Quang Tuấn và Phan Văn Song, và có thể là có sự chuẩn nhận của nhóm Dương Danh Huy nữa, đã chịu trích dẫn bài của Trương Nhân Tuấn, chứ không chê ông Trương Nhân Tuấn không bằng, hay có trình độ như là học sinh phổ thông cấp 3 như trong một số bài trước kia nữa. Đó là quá trình growing up trong tranh luận, đáng được khích lệ.
Tôi không rõ mình có growning up hay không, tuy nhiên nếu bác đọc lại bài viết trước của tôi, tôi cũng đã rất rạch ròi về điều này:" Với mấy bài viết mà ông mắc những sai lầm nghiêm trọng như tôi đã vạch ra, có lẽ không thể có kết luận nào khác là ông TNT chưa có đủ kiến thức cần thiết về đề tài này để có thể thảo luận một cách nghiêm túc và tử tế." Tức là tôi chỉ giới hạn trong vấn đề kĩ thuật bản đồ (như trong văn cảnh của bài) mà thôi chứ tôi hoàn toàn không nói ông TNT không có kiến thức về những vấn đề khác.
Nguyễn Phú Trọng viết:
(2) Bad news: bài này có vẻ đồng tình rằng nước ta mất một số đất cho nước lạ ở phương bắc.
Bác có thể chỉ dùm bạn đọc trong bài có chỗ nào chúng tôi đã thể hiện tường minh hoặc hàm ý điều quy kết này. Tuy nhiên, nếu có ý kiến riêng (bên ngoài bài viết này) tôi cho rằng biên giới Việt-Trung hiện nay như 'ván đã đóng thuyền' trừ khi có 'phép lạ' ta mới mong lấy lại được những gì đã mất. Và đó chỉ là buộc lòng phải 'chấp nhận' thực tế chứ không thể xem là 'đồng tình'. Còn những phân tích như thế này, theo tôi chỉ để góp phần lấp bớt khoảng trống thông tin mà lẽ ra nhà nước Việt Nam hiện nay phải cung cấp cho người dân, đồng thời cũng tạo một sức ép buộc họ phải làm điều đó. Ngoài ra, những bài viết như thế này cũng có thể giúp những người có trách nhiệm hiện nay rút ra những bài học học cần thiết cho các đàm phán tương lai và trong việc minh bạch hoá các hoạt động của họ.
Phạm Quang Tuấn (khách viếng thăm) gửi lúc 05:30, 23/10/2013 - mã số 101210
Chào bác CT,
"Bác cũng như bác Huy và ông Trương nhân Tuấn đều biết khá rỏ vào năm 1890 người Pháp đã nhượng đất của VN cho TQ ở nơi nào, lấy đất của TQ ở nơi nào": tôi nghĩ là không ai biết rõ điều đó. Chúng ta biết một phần rất nhỏ của những nhân nhượng, do một vài người Pháp nói ra mà thôi, họ không làm biên bản những nhân nhượng của họ. Chẳng hạn, những lời Neis nói vv Pháp nhượng bộ 150 m ở Nam Quan chỉ là tình cớ viết trong 1 cuốn hồi ký, không có biên bản nào cả. (Biên bản chỉ nói là cắm mốc 100 m trước Nam Quan, không hề nói rằng đó là một sự nhượng bộ.)
Riêng về Nam Quan thì tôi nghĩ là chúng ta có lý lẽ lịch sử để đòi lại cho tới sát cửa ải (nếu muốn đòi tới giữa hay bên kia cửa thì phải có văn bản chứng minh bên mình đã xây cái ải đó, mà cái đó thì Tàu nó có nhiều hơn mình). Lý lẽ lịch sử chứ không phải pháp lý (cũng như Căm bốt có lý lẽ lịch sử để đòi lại miền Nam), vì trước công ước Pháp-Thanh thì không có văn bản pháp lý nào nói là biên giới ở đâu cả.
Khácho (khách viếng thăm) gửi lúc 23:46, 22/10/2013 - mã số 101192
Phân biệt chính quyền và Việt Nam như là 2 thực thể riêng biệt thì sẽ làm được .
Tôi không tin chính quyền sẽ làm chuyện đòi đất, heck, họ bán còn không kịp nữa . Nhưng chúng ta phải đưa bằng chứng để có cớ sau này .
VN2006A gửi lúc 23:03, 22/10/2013 - mã số 101189
Cu Tý. viết:
Chào bác Phạm quang Tuấn.
Về vấn đề hiệp ước Quý Mùi, tôi cũng đã viết cho bác ở commment trước.
Tôi đồng ý với bác, VN chúng ta chưa có được 1 bản đồ phân định biên giới với Trung quốc trước khi người Pháp với tư cách bảo hộ làm thay chúng ta, cụ thể là sau công ước Pháp - Thanh 1887. Điều băn khoăn của tôi là tại sao lại chấp nhận lấy sự ký kết Pháp - Thanh, hay lại lấy bản đồ của Mỹ trong thập niên 60 thế kỷ trước làm chuẩn trong việc phân chia biên giới Việt - Trung hiện nay . Bác cũng như bác Huy và ông Trương nhân Tuấn đều biết khá rỏ vào năm 1890 người Pháp đã nhượng đất của VN cho TQ ở nơi nào, lấy đất của TQ ở nơi nào. Nếu lấy sự ký kết Pháp - Thanh 1890 làm nền tảng tham khảo, cọng trừ những mảnh đất VN chúng ta được mất ; tất sẽ có ngay đường biên giới mà bác gọi là "lý tưởng". Khỏi cần lùi về thời Triệu Đà như bạn nào đó phát biểu.
...
Tôi là người gợi ý lùi về thời Triệu Đà!!!
Các bác Song, Tuấn và Huy sẽ trả lời câu hỏi của cu Tý!!!
Tuy nhiên, cu Tý tuyên bố xanh rờn như thế này: "Vậy, trên đất liền, Việt Nam có đủ quyềnpháp lý để đòi lại tất cả những gì mà người Pháp đã nhượng cho Trung quốc."
Tôi muốn hỏi lại cái "pháp lý" mà cu Tý nói đó là cái "pháp lý" nào???
Có văn bản, hiệp ước, công ước...v...v...nào xác định đường biên giới giữa Đế quốc Đại Thanh và Đại Cồ Việt đế quốc (cứ gọi thế cho nó oai, cho tương xứng!) trước khi Đại Pháp sang bảo hộ/cai trị Đại Cồ Việt không???
Phạm Thanh Vân (khách viếng thăm) gửi lúc 22:44, 22/10/2013 - mã số 101188
Chào bác Cu Tý,
Cu Tý. viết:
Gởi bác Phạm thanh Vân.
Bác đòi hỏi tôi cho bác xem văn bản gốc. Tôi "vô tư" mà thưa với bác rằng "tôi không có". Nếu bác tin tưởng vào chàng luật gia mà bác nêu. Xin mời bác vào wiki, ở mục quốc gia việt nam để sửa, giúp cho mọi người sáng mắt sáng lòng !...
Không phải tôi đòi bác. Tôi hỏi bác thật, để dùng làm tài liệu tham khảo cho một bài đang viết dở của chúng tôi. Tôi sợ lỡ chúng tôi publish bài viết rồi có người vào bắt bẻ là hiệp định đó thực ra chưa được ký rồi lại dẫn nguồn học giả đó, như ngày trước có bác KQĐ hay dẫn nguồn mấy học giả nước ngoài để bắt bẻ chúng tôi :-)
Mến,
Vân.
Cu Tý. (khách viếng thăm) gửi lúc 22:04, 22/10/2013 - mã số 101184
Chào bác Phạm quang Tuấn.
Về vấn đề hiệp ước Quý Mùi, tôi cũng đã viết cho bác ở commment trước.
Tôi đồng ý với bác, VN chúng ta chưa có được 1 bản đồ phân định biên giới với Trung quốc trước khi người Pháp với tư cách bảo hộ làm thay chúng ta, cụ thể là sau công ước Pháp - Thanh 1887. Điều băn khoăn của tôi là tại sao lại chấp nhận lấy sự ký kết Pháp - Thanh, hay lại lấy bản đồ của Mỹ trong thập niên 60 thế kỷ trước làm chuẩn trong việc phân chia biên giới Việt - Trung hiện nay . Bác cũng như bác Huy và ông Trương nhân Tuấn đều biết khá rỏ vào năm 1890 người Pháp đã nhượng đất của VN cho TQ ở nơi nào, lấy đất của TQ ở nơi nào. Nếu lấy sự ký kết Pháp - Thanh 1890 làm nền tảng tham khảo, cọng trừ những mảnh đất VN chúng ta được mất ; tất sẽ có ngay đường biên giới mà bác gọi là "lý tưởng". Khỏi cần lùi về thời Triệu Đà như bạn nào đó phát biểu.
Với tư cách là "chuyên gia", "học giả" hay chỉ là một công dân có kiến thức ( tôi thì không ), đau đáu với mảnh đất quê hương ; các bác sẽ có được một bản đồ biên giới Việt - Trung hợp lý. Vì sao tôi gọi là hợp lý, xin mời bác đọc phần tôi gởi cho bác Huy.
Chào bác Dương danh Huy.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập :
Hỡi đồng bào cả nước,
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng.......
Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
Nếu bác bảo những dòng tôi trích trong bản tuyên ngôn độc lập đọc tại Ba Đình ở trên, không có nghĩa là xé bỏ hiệp ước Pháp - Thanh thì tôi đành chịu, khép lại sự trao đổi với bác ở đây.
Tôi cũng đọc được ở đâu đó đại khái rằng : "Khi lãnh thổ, lãnh hải của một quốc gia nào đó bị xâm hại, nếu liên tục trong vòng 20 năm, quốc gia đó không có những công hàm phản đối mang tính quốc tế. Hồ sơ đó sẽ không được tòa án quốc tế cứu xét". Như vậy, nếu lấy sự ký kết Pháp - Thanh, hay lại lấy bản đồ của Mỹ trong thập niên 60 thế kỷ trước làm chuẩn để đòi hỏi thì cũng là quá vô duyên khi anh bạn đại hán làm ngơ. Chưa tính đến việc khi chúng ta lấy ký kết Pháp - Thanh 1890 làm chuẩn, lục tục ra tòa án quốc tế để đòi hỏi, anh bạn vàng 16 chử, 4 tốt hỏi khăm : "Các ông tự hào là một quốc gia độc lập, sao lại lấy một văn bản của ngoại bang, đánh dấu một thời ô nhục của các ông, để đòi hỏi chúng tôi ? ! ! ! "
Gởi bác Phạm thanh Vân.
Bác đòi hỏi tôi cho bác xem văn bản gốc. Tôi "vô tư" mà thưa với bác rằng "tôi không có". Nếu bác tin tưởng vào chàng luật gia mà bác nêu. Xin mời bác vào wiki, ở mục quốc gia việt nam đểsửa, giúp cho mọi người sáng mắt sáng lòng !...
Dương Danh Huy gửi lúc 20:15, 22/10/2013 - mã số 101176
Bác KQĐ,
"[N]ắm vững về đường biên giới Pháp Thanh 1887-1895 (như ông Trương Nhân Tuấn)" mà vẫn lầm là Thác Bản Giốc nằm cả 1 (hay 2?) km cách biên giới (cũng như ông TNT đã lầm) là chuyện thường.
Trong khi đó, bản đồ 1:50000 của qđ Mỹ là dựa trên bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương của Pháp.
Cho nên việc các tác giả "không nắm vững về đường biên giới Pháp Thanh 1887-1895 (như ôngTrương Nhân Tuấn)" thì cũng không thành vấn đề, miễn là có thể là Sở Địa dư Đông Dươngcủa Pháp "nắm vững".
Việc các tác giả LỢI DỤNG bản đồ của qđ Mỹ (dựa trên bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương của Pháp) như 1 CƠ HỘI để làm cho công việc DỄ DÀNG và có độ tin cậy tương đối cao, người ta gọi là work smart, chứ không phải "không có nhiều CHIỀU SÂU".
Chiều sâu về đường biên giới Pháp Thanh 1887-1895 nó cũng có ở Sở Địa dư Đông Dương. Lấy đó làm điểm bắt đầu (không nhất thiết là điểm cuối) là work smart.
Khách Kẹt Đường viết:
Nghiên cứu này (trong một loạt bài đã và có lẽ sẽ công bố) của hai ông Phạm Quang TuấnPhan Văn Song (và cả ông Dương Danh Huy tuy, cũng hơi lạ, không thấy đứng tên đồng tác giả trong bài này) theo tôi là khá LÝ THÚ (interesting), mặc dù đây là loại nghiên cứu mang tính CƠ HỘI (opportunistic), DỄ DÀNG (easy) và không có nhiều CHIỀU SÂU. Nói là CƠ HỘI vì các tác giả không nắm vững về đường biên giới Pháp Thanh 1887-1895 (như ông Trương Nhân Tuấn) mà chỉ LỢI DỤNG cái bản đồ biên giới của Quân đội Mỹ (coi như là phản ảnh CHÍNH XÁC đường biên giới Việt Trung qua Công ước Pháp Thanh) và những tọa độ các cột mốc MỚI trong Nghị Định Thư của Hiệp định 1999 do Nhà nước CHXHCNVN vừa công bố nhỏ giọt gần đây (không kèm theo biên bản các cuộc đàm phán, thương thuyết phân định biên giới mà đáng lý phải được công khai GIẢI TRÌNH cho toàn dân biết) để vẽ CHỒNG hai đường biên giới CŨ và MỚI trên cùng một bản đồ và SO SÁNH để đi đến những KẾT LUẬN mà các tác giả cho là KHÁCH QUAN và KHOA HỌC.
Phan Văn Song (khách viếng thăm) gửi lúc 17:56, 22/10/2013 - mã số 101171
Tiếp lời bác PQT, tôi xin có vài ý đối với góp ý của bác Nguyễn Phú Trọng liên quan đến chúng tôi:
Nguyễn Phú Trọng viết:
..............
(1) Good news: hai ông Phạm Quang Tuấn và Phan Văn Song, và có thể là có sự chuẩn nhận của nhóm Dương Danh Huy nữa, đã chịu trích dẫn bài của Trương Nhân Tuấn, chứ không chê ông Trương Nhân Tuấn không bằng, hay có trình độ như là học sinh phổ thông cấp 3 như trong một số bài trước kia nữa. Đó là quá trình growing up trong tranh luận, đáng được khích lệ.
Tôi không rõ mình có growning up hay không, tuy nhiên nếu bác đọc lại bài viết trước của tôi, tôi cũng đã rất rạch ròi về điều này:" Với mấy bài viết mà ông mắc những sai lầm nghiêm trọng như tôi đã vạch ra, có lẽ không thể có kết luận nào khác là ông TNT chưa có đủ kiến thức cần thiết về đề tài này để có thể thảo luận một cách nghiêm túc và tử tế." Tức là tôi chỉ giới hạn trong vấn đề kĩ thuật bản đồ (như trong văn cảnh của bài) mà thôi chứ tôi hoàn toàn không nói ông TNT không có kiến thức về những vấn đề khác.
Nguyễn Phú Trọng viết:
(2) Bad news: bài này có vẻ đồng tình rằng nước ta mất một số đất cho nước lạ ở phương bắc.
Bác có thể chỉ dùm bạn đọc trong bài có chỗ nào chúng tôi đã thể hiện tường minh hoặc hàm ý điều quy kết này. Tuy nhiên, nếu có ý kiến riêng (bên ngoài bài viết này) tôi cho rằng biên giới Việt-Trung hiện nay như 'ván đã đóng thuyền' trừ khi có 'phép lạ' ta mới mong lấy lại được những gì đã mất. Và đó chỉ là buộc lòng phải 'chấp nhận' thực tế chứ không thể xem là 'đồng tình'. Còn những phân tích như thế này, theo tôi chỉ để góp phần lấp bớt khoảng trống thông tin mà lẽ ra nhà nước Việt Nam hiện nay phải cung cấp cho người dân, đồng thời cũng tạo một sức ép buộc họ phải làm điều đó. Ngoài ra, những bài viết như thế này cũng có thể giúp những người có trách nhiệm hiện nay rút ra những bài học học cần thiết cho các đàm phán tương lai và trong việc minh bạch hoá các hoạt động của họ.
Dương Danh Huy gửi lúc 16:23, 22/10/2013 - mã số 101162
Chào bác Cu Tý,
Theo những gì tôi hiểu về luật quốc tế thì tôi nghĩ rằng giả sử như VN và TQ ra tòa (thay vì đàm phán HĐ 1999) thì tòa sẽ không chấp nhận VN đơn phương xé các CƯ Pháp-Thanh.
Việc TQ xâm lược HS là khác với việc Pháp & TQ ký các CƯ Pháp-Thanh. Cái thứ nhất không có giá trị pháp lý, cái thứ nhì có.
Cu Tý. viết:
Chào 2 bác Tuấn, Huy.
Tôi đã từng bồi bổ kiến thức của mình qua những bài viết và tranh luận giữa 2 bác và ông Trương nhân Tuấn trên talawas trước đây. Tôi rất ngưỡng mộ công lao của cả 3 bác. Với tôi, cả 3 đều xứng đáng với 2 từ "học giả" nếu không có những bài viết xen vào những cảm tính cá nhân gần đây.
Xin gởi đến 2 bác đoạn phỏng vấn sau:
BBC: Năm 1974, Trung Quốc sử dụng vũ lực quân sự cưỡng chiếm Quần đảo Hoàng Sa từ tay của chính quyền Việt Nam Cộng hòa do ông Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống, ông có nghĩ là đây là một hành động xâm lược và phi pháp không? Ông có nghĩ là trong tương lai, Việt Nam có thể có một cơ hội nào đó để lấy lại chủ quyền của mình với quần đảo này?
Derek Tonkin ( cựu Đại sứ Anh từng làm việc tại Việt Nam trong giai đoạn 1980-1982 ) : Đây là một câu hỏi khó trả lời.....Nhưng tôi xin nói rằng hãy cứ tiếp tục đòi chủ quyền.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/09/130927_tonkin_ex_uk_ambassador_vn.shtml
Vậy, trên đất liền, Việt Nam có đủ quyền pháp lý để đòi lại tất cả những gì mà người Pháp đã nhượng cho Trung quốc. Tại sao không ? dẫu rất khó được Trung quốc trả lời.
Hai bác khỏi phải trả lời, tôi chỉ mong các bác với chức năng "học giả", cần hết sức khách quan trước sự thật. Sự thật méo mó như thế nào là trách nhiệm của người khác.
Dương Danh Huy gửi lúc 16:10, 22/10/2013 - mã số 101161
Khácho viết:
"Lúc đó còn chết nữa."
Không hiểu . Chết ai và chết cái gì ?
Xé các CƯ Pháp-Thanh trước khi có biên giới mà 2 bên đồng ý thì chết trước nhất là quân đội và biên phòng phải bảo vệ một vùng biên giới rừng núi dài hàng ngàn km.
Chết thứ nhì là nếu TQ lợi dụng việc biên giới thời Nguyễn-Thanh không rõ ràng đủ, họ xâm lấn, VN phải chống lại, thì VN còn sức đâu mà lo phía biển.
Chết thứ ba là chưa chắc VN chống lại nổi sự xâm lấn trên bộ đó mà không mất đất thêm.
Thành ra điều tốt nhất mà VN có thể đạt được 1 biên giới tương đương với các CƯ Pháp-Thanh, và vấn đề là có đã làm được điều đó hay không.
Việc xé CƯ Pháp-Thanh để đòi nhiều hơn chỉ là hoang tưởng.
Phạm Quang Tuấn (khách viếng thăm) gửi lúc 15:42, 22/10/2013 - mã số 101158
Chào bác CT,
Tôi không dám nhận chữ học giả của bác. Tôi chỉ quan niệm giản dị rằng: cái gì mình biết thì mình nói là biết. Cái gì mình không biết thì mình nói là không biết, và đừng làm ra vẻ như biết. Chuyện "trên đất liền, Việt Nam có đủ quyền pháp lý để đòi lại tất cả những gì mà người Pháp đã nhượng cho Trung quốc" xin thú nhận là tôi không biết.
Tuy nhiên, tôi thấy là mấy học giả thiệt :) hay đưa việc Pháp cai quản HS-TS ra làm bằng chứng rằng những đảo đó thuộc về VN, như vậy chắc những gì Pháp làm cũng có 1 giá trị pháp lý gì đó. Ngoài ra, chính quyền triều Nguyễn của VN đã ký hòa ước Quý Mùi 1983 giao nhượng cho Pháp tất cả các quyền đàm phán, đối ngoại của VN kể cả với Tàu: "L’Annam reconnaît et accepte le protectorat de la France, avec les conséquences de ce mode de rapports au point de vue du droit diplomatique européen, c’est-à-dire que la France présidera aux relations de toutes les Puissances étrangères, y compris la Chine, avec le Gouvernement annamite, qui ne pourra communiquer diplomatiquement avec lesdites Puissances que par l’intermédiaire de la France seulement".
VN2006A gửi lúc 14:10, 22/10/2013 - mã số 101152
Cu Tý. viết:
...
Vậy, trên đất liền, Việt Nam có đủ quyền pháp lý để đòi lại tất cả những gì mà người Pháp đã nhượng cho Trung quốc. Tại sao không ? dẫu rất khó được Trung quốc trả lời.
Hai bác khỏi phải trả lời, tôi chỉ mong các bác với chức năng "học giả", cần hết sức khách quan trước sự thật. Sự thật méo mó như thế nào là trách nhiệm của người khác.
Pháp ký với Thanh nhượng 1 số đất của VN cho TQ. Nhưng cũng có vùng Pháp lấy của TQ đập vào VN, ví dụ như ở Lai Châu, phía trên Điện Biên, chỗ giáp 3 nước VN, Lào, TQ, Pháp cắt của Vân Nam đập sang VN.
Định làm thế nào???
Đòi chỗ này thì phải nhả chỗ kia!!!
Đã đòi lại, sao không dùng đường biên giới từ thời Triệu Đà có phải hơn không???
PS.: Israel đánh bại các nước Ả rập trong vòng 6 ngày, thế mà chính cái ông tướng chỉ huy của Israel sau này chủ động đàm phán với Ả rập theo kiểu đổi đất lấy hoà bình. Ông này sau bị ám sát.
Phạm Thanh Vân (khách viếng thăm) gửi lúc 14:10, 22/10/2013 - mã số 101151
Chào bác Cu Tý,
Cu Tý viết:
Người Pháp trở lại VN. Nhưng, ngày 4/6/1954, trước khi Hiệp ước Genève được ký kết khoảng 6 tuần thì Pháp còn ký riêng với Quốc gia Việt Nam một hiệp ước khác giữa Thủ tướng Joseph Laniel và Thủ tướng Nguyễn Phúc Bửu Lộc công nhận Quốc gia Việt Nam hoàn toàn độc lập.
Bác có tài liệu tham khảo gốc về thông tin Hiệp ước độc lập này đã được ký không? Trong một cuốn sách, luật gia (rất có uy tín) James Crawford có nói là hiệp ước này đã không được ký.
Nếu bác có thì cho tôi xin nhé.
Cảm ơn bác nhiều,
Vân.
Khách hỏi (khách viếng thăm) gửi lúc 12:48, 22/10/2013 - mã số 101149
Trích dẫn:
Khách Kẹt Đường viết:
(3) Việc chuyển đổi các tọa độ cột mốc trong Nghị Định Thư qua hệ thống tọa độ tương thích (compatible) với tọa độ trong bản đồ quân đội Mỹ được thực hiện ĐÚNG theo tiêu chuẩn KHÁCH QUAN, ĐỒNG BỘ (áp dụng cho MỌI cột mốc), NHẤT QUÁN, không có việc XÀO NẤU, SỬA CHỮA các tọa độ cho phù hợp với mục đích khác ngoài mục đích TRUNG THỰC, KHÁCH QUAN và KHOA HỌC. Điều này, cho tới khi các tác giả cho công bố toàn bộ các dữ kiện cùng với các công thức chuyển đổi để mọi người có thể KIỂM CHỨNG thì vẫn chưa được thỏa mãn.
Theo tôi, các tác giả cần CHỨNG MINH tính TRUNG THỰC của phương pháp và kết quả của công trình của mình bằng cách cho công bố những điều trong mục (3) nói trên.
Bác này đòi hỏi khiếp. Đây thuộc lọai báo mạng dành cho quần chúng phổ thông. Ngay cả trên những báo khoa học, tôi thấy nhiều bài cũng chỉ nêu ra mệnh đề, chứng minh sơ sài, rồi đưa ra kết quả . Có những cái mà tác giả (bài báo khoa học) phải đặt giả sử rằng người đọc là dân trong ngành, đủ kiến thức để theo
Ở một thái cực khác, đây là bài báo phổ thông . Đưa ra một rừng công thức ra để làm gì? Công thức mà khg có chứng minh thì làm sao tin được? Nếu công thức đúng nhưng bỏ tọa độ vào sai thì sao? Bài này có đầy đủ dữ liệu: bản đồ của quân đội Mỹ, tọa độ của các mốc. Nếu ai đó có kiến thức về bản đồ, với tọa độ cho sẵn, họ phải tự vẽ được để kiểm tra kết quả của các bác này. Nếu thấy kết quả khác thì đăng cho mọi người biết, và chỉ khi khg tự tin, cần làm rõ thêm những yếu tố khác (khg biết cách chuyển đổi tọa độ như thế nào) thì liên lạc riêng với các tác giả là cách mà tôi thường thấy ở những người làm khoa học.
Tôi thì lười hơn bác. VN có 80 triệu dân. Bài này đã được đăng đàn trước công luận. Số người hiểu về bản đồ phải nhiều hơn là 3. Nếu sau một thời gian mà khg ai phản đối thì tôi tin là nó đúng, :-)
Cu Tý. (khách viếng thăm) gửi lúc 10:26, 22/10/2013 - mã số 101142
Chào 2 bác Tuấn, Huy.
Tôi đã từng bồi bổ kiến thức của mình qua những bài viết và tranh luận giữa 2 bác và ông Trương nhân Tuấn trên talawas trước đây. Tôi rất ngưỡng mộ công lao của cả 3 bác. Với tôi, cả 3 đều xứng đáng với 2 từ "học giả" nếu không có những bài viết xen vào những cảm tính cá nhân gần đây.
Xin gởi đến 2 bác đoạn phỏng vấn sau:
BBC: Năm 1974, Trung Quốc sử dụng vũ lực quân sự cưỡng chiếm Quần đảo Hoàng Sa từ tay của chính quyền Việt Nam Cộng hòa do ông Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống, ông có nghĩ là đây là một hành động xâm lược và phi pháp không? Ông có nghĩ là trong tương lai, Việt Nam có thể có một cơ hội nào đó để lấy lại chủ quyền của mình với quần đảo này?
Derek Tonkin ( cựu Đại sứ Anh từng làm việc tại Việt Nam trong giai đoạn 1980-1982 ) : Đây là một câu hỏi khó trả lời.....Nhưng tôi xin nói rằng hãy cứ tiếp tục đòi chủ quyền.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/09/130927_tonkin_ex_uk_ambassador_vn.shtml
Vậy, trên đất liền, Việt Nam có đủ quyền pháp lý để đòi lại tất cả những gì mà người Pháp đã nhượng cho Trung quốc. Tại sao không ? dẫu rất khó được Trung quốc trả lời.
Hai bác khỏi phải trả lời, tôi chỉ mong các bác với chức năng "học giả", cần hết sức khách quan trước sự thật. Sự thật méo mó như thế nào là trách nhiệm của người khác.
Khách Kẹt Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 09:59, 22/10/2013 - mã số 101140
Nghiên cứu này (trong một loạt bài đã và có lẽ sẽ công bố) của hai ông Phạm Quang Tuấn,Phan Văn Song (và cả ông Dương Danh Huy tuy, cũng hơi lạ, không thấy đứng tên đồng tác giả trong bài này) theo tôi là khá LÝ THÚ (interesting), mặc dù đây là loại nghiên cứu mang tính CƠ HỘI (opportunistic), DỄ DÀNG (easy) và không có nhiều CHIỀU SÂU. Nói là CƠ HỘI vì các tác giả không nắm vững về đường biên giới Pháp Thanh 1887-1895 (như ông Trương Nhân Tuấn) mà chỉ LỢI DỤNG cái bản đồ biên giới của Quân đội Mỹ (coi như là phản ảnh CHÍNH XÁC đường biên giới Việt Trung qua Công ước Pháp Thanh) và những tọa độ các cột mốc MỚI trong Nghị Định Thư của Hiệp định 1999 do Nhà nước CHXHCNVN vừa công bố nhỏ giọt gần đây (không kèm theo biên bản các cuộc đàm phán, thương thuyết phân định biên giới mà đáng lý phải được công khai GIẢI TRÌNH cho toàn dân biết) để vẽ CHỒNG hai đường biên giới CŨ và MỚI trên cùng một bản đồ và SO SÁNH để đi đến những KẾT LUẬN mà các tác giả cho là KHÁCH QUAN và KHOA HỌC.
Tính chính xác của nghiên cứu này DỰA vào độ CHÍNH XÁC của các tiền đề sau:
(1) Bản đồ của Quân đội Mỹ cho biết đường biên giới Việt Trung thời Pháp thuộc cho đến năm 1945 (dù được vẽ năm 1964) là CHÍNH XÁC. Điều này tôi chấp nhận được.
(2) Các tọa độ CỘT MỐC mới trong Nghị Định Thư của Hiệp định 1999 là CHÍNH XÁC. Điều này cũng có thể TẠM chấp nhận cho tới khi có thông tin khác.
(3) Việc chuyển đổi các tọa độ cột mốc trong Nghị Định Thư qua hệ thống tọa độ tương thích (compatible) với tọa độ trong bản đồ quân đội Mỹ được thực hiện ĐÚNG theo tiêu chuẩn KHÁCH QUAN, ĐỒNG BỘ (áp dụng cho MỌI cột mốc), NHẤT QUÁN, không có việc XÀO NẤU, SỬA CHỮA các tọa độ cho phù hợp với mục đích khác ngoài mục đích TRUNG THỰC, KHÁCH QUAN và KHOA HỌC. Điều này, cho tới khi các tác giả cho công bố toàn bộ các dữ kiện cùng với các công thức chuyển đổi để mọi người có thể KIỂM CHỨNG thì vẫn chưa được thỏa mãn.
Theo tôi, các tác giả cần CHỨNG MINH tính TRUNG THỰC của phương pháp và kết quả của công trình của mình bằng cách cho công bố những điều trong mục (3) nói trên. Ngoài ra để tăng thêm tính thuyết phục của công trình, nếu có thể, nên công bố bản đồ toàn thể BIÊN GIỚI gồm hai đường biên giới CŨ (của Quân đội Mỹ) và MỚI (của các tác giả vẽ theo tọa độ các cột mốc trong Hiệp định 1999) từ cột mốc ba biên giới Việt-Trung-Lào đến cột mốc cuối tại bãi Dậu Gót, để mọi người có cái nhìn TOÀN DIỆN hơn về việc MẤT hay ĐƯỢC đất sau khi VN ký Hiệp định 1999, thay vì chỉ vài khu vực do các tác giả chọn lọc như hiện nay.
Nói tóm lại, bài này có những đóng góp nhất định đáng được trân trọng và ca ngợi trong việc tìm hiểu liệu VN có bị mất đất sau khi ký Hiệp định 1999 hay không. Nhưng nó chưa có tính THUYẾT PHỤC vì các tác giả chưa công bố các dữ kiện một cách SÒNG PHẲNG, MINH BẠCH theo tinh thần TRONG SÁNG (transparency) của khoa học. Bài sẽ có giá trị cao hơn nếu tác giả thực hiện điều (3) trên đây.
Phạm Quang Tuấn (khách viếng thăm) gửi lúc 06:46, 22/10/2013 - mã số 101135
Chào bác Nguyễn Phú Trọng,
Bác lầm rồi, việc chúng tôi trích dẫn ông TNT về biên bản là một thái độ khách quan và công bằng. Những gì chúng tôi nói về ông TNT trong những chuyện khác, cũng là do khách quan và công bằng. Theo quan điểm của những người grown up, không có ai hoàn toàn sai hay hoàn toàn đúng, mà ai cũng có những lúc đúng và những lúc sai.
Khácho (khách viếng thăm) gửi lúc 05:35, 22/10/2013 - mã số 101133
"Lúc đó còn chết nữa."
Không hiểu . Chết ai và chết cái gì ?
Các bác có đòi được đâu . Chính quyền không (muốn/thích/dám/cần) đòi là chuyện của chính quyền . Công khai thông tin là chuyện (có phải) của các bác, chúng ta và chúng tôi (không nhỉ?). Chết ai và chết cái gì ?
Nguyễn Phú Trọng (khách viếng thăm) gửi lúc 05:14, 22/10/2013 - mã số 101132
>>> [8] Trương Nhân Tuấn (2009) Biên Giới Việt Nam: vùng tiếp giáp tỉnh Quảng Tây.http://thongluan.co/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4102.
Đọc qua bài này, tớ thấy có good news, bad news và very bad news.
(1) Good news: hai ông Phạm Quang Tuấn và Phan Văn Song, và có thể là có sự chuẩn nhận của nhóm Dương Danh Huy nữa, đã chịu trích dẫn bài của Trương Nhân Tuấn, chứ không chê ông Trương Nhân Tuấn không bằng, hay có trình độ như là học sinh phổ thông cấp 3 như trong một số bài trước kia nữa. Đó là quá trình growing up trong tranh luận, đáng được khích lệ.
(2) Bad news: bài này có vẻ đồng tình rằng nước ta mất một số đất cho nước lạ ở phương bắc.
(3) Very bad news: Đảng và Nhà nước ta tiếp tục vai trò lãnh đạo; nhiểu đồng chí lãnh đạo cấp cao trong Đảng và Nhà nước như đồng chí Nguyễn Phú Trọng tổng bí thư Đảng và nhiều lãnh đạo quân sự cao cấp, đại tài như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã luôn luôn khẳng định Trung quốc là bạn, đồng hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống các thế lực thù địch chia rẽ quan hệ sông liền sông, núi liền núi, Đảng liền Đảng, Bác liền Bác giữa Việt nam và Trung quốc. Như người ta thường nói: đất dâng Trung quốc có đòi được chăng? Giải trình, người ta cũng không dám làm, nói chi đến đòi?
(4) giải an ủi: Trung quốc ban cho ta 16 chữ vàng, 4 chữ tốt.
Nói gì đi nữa, ông Trương Nhân Tuấn, không ở vị thế cầm quyền, cũng chẳng làm gì được. Thế nhưng, nếu ông cho biết ý kiến thì cũng tốt.
Phạm Quang Tuấn (khách viếng thăm) gửi lúc 04:50, 22/10/2013 - mã số 101131
Chào bác CT,
Đương nhiên, trở lại vị trí trước thời Pháp thuộc là giải pháp lý tưởng. Pháp coi Việt Nam là của trên trời rơi xuống, nên đã đem đất của mình cho Tàu một cách rất phóng khoáng. Tuy nhiên, vấn đề đó cần một bài khác. Bài này chỉ là một đóng góp nhỏ để so sánh giữa biên giới AMS (tức là có khả năng là biên giới thời Pháp) và biên giới hiện tại.
Cũng xin bàn thêm: có ai biết biên giới Việt-Hoa trước thời Pháp là ở đâu không, ngoại trừ một vài chỗ quan trọng như ải Nam Quan? Trước khi Pháp đến, chúng ta không có địa đồ chính xác, không biết đo đạc địa trắc, không có tọa độ chung, không biết trái đất hình cầu, người Việt (Kinh) không bao giờ thám hiểm các vùng rừng núi, mà biên giới thì toàn ở các vùng rừng núi. Có lẽ biên giới chỉ dựa vào trí nhớ và sự ước lượng của những ông quan hay tù trưởng địa phương. Mà những người ấy thì đã chết hết và con cháu của họ thì đã nhiều đời sống theo biên giới Pháp Thanh. Dọc biên giới có những no man's land (vùng không người, không ai biết tới) rộng hàng chục hay hàng trăm km vì hiểm trở. Dân địa phương phần lớn là dân sắc tộc, không cần biết mình là Việt hay Hoa. Vì vậy xé bỏ các hiệp ước Pháp Thanh là một chuyện rất nguy hiểm, khi Tàu đang có khả năng quân sự để bành trướng. Các hiệp ước Pháp Thanh dù bất công cho mình nhưng đồng thời cũng là một "lá bùa sinh mạng".
Dương Danh Huy gửi lúc 03:51, 22/10/2013 - mã số 101130
Bác Cu Tý,
Nếu mình xé CƯ Pháp-Thanh vì 150 m trước cửa Nam Quan thì nhân tiện đòi luôn nhiều trăm km2 đất VN, Tụ Long, Bạch Long, vv mà Pháp nhượng cho TQ.
Nhưng mà mình xé CƯ Pháp-Thanh, tuyên bố không có hiệu lực, nó vẫn không chịu trả, dù chỉ 150 m trước cửa Nam Quan, thì mình làm gì?
Lúc đó còn chết nữa.
Cu Tý. viết:
Chào bác PQ Tuấn.
Cám ơn bác đã tận tình chỉ dẩn ; thế nhưng tôi không hoàn toàn đồng ý phải chấp nhận mốc biên giới Việt Nam phải ở về phía nam Ải Nam quan 100 mét như các bằng chứng bác đã đưa. Lý do :
_ Hòa ước Quý Mùi (1883). - Khoản thứ nhất nói rằng : Nước Nam chịu nhận nước Pháp bảo hộ, có việc gì giao thiệp với ngoại quốc thì phải do nước Pháp chủ trương.
_ Hòa ước Giáp Thân ( 1884) : Triều đình Huế ký với nước Pháp công nhận cuộc bảo hộ của Pháp.
_ Theo đường link bác chỉ , ô Trương nhân Tuấn cho hay : tháng 12 năm 1890, Pháp - Thanh ký kết mốc biên giới ở biên giới Việt - Trung.
_ Ngày 12 -3-1945, trên hệ thống hành chánh cấp trung ương, Bảo Đại cho mời viên Đại sứ Yokoyama ( Nhật Bản ) và trao cho ông ta bản tuyên bố : “Chiếu tình hình thế giới nói chung, và tình hình Á châu nói riêng, chính phủ Việt Nam long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp được bãi bỏ, và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia.......Khâm thử. Huế, ngày 27 tháng giêng năm thứ 20 triều Bảo Đại.
_ Cuối tháng 8- 1945, Bảo Đại thoái vị với : "....vững mạnh trong sự tin tưởng của mình, Trẫm đã quyết định thoái vị, và Trẫm trao quyền cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa".
Đến đây, đủ để nói rằng nhà nước VNDCCH đã tiếp thu tuyên bố 12 -3-1945 của Bảo Đại và có quyền xé bỏ những hiệp ước giữa Pháp và nhà Thanh, trong số đó có ràng buộc : "2e section de Chi-Ma à Nam-Quan.......25e borne : à 100m en avant de la porte de Nam-Quan sur le chemin de Dong-Dang. Nói rỏ hơn, nhà nước VNDCCH không bị buộc phải tôn trọng một cột mốc biên giới Việt - Trung cách phía trước Ải Nam quan 100 mét.
Người Pháp trở lại VN. Nhưng, ngày 4/6/1954, trước khi Hiệp ước Genève được ký kết khoảng 6 tuần thì Pháp còn ký riêng với Quốc gia Việt Nam một hiệp ước khác giữa Thủ tướng Joseph Laniel và Thủ tướng Nguyễn Phúc Bửu Lộc công nhận Quốc gia Việt Nam hoàn toàn độc lập.
Vậy, đối với 2 thể chế nhà nước trên mảnh đất Việt Nam, mà sau này biến thành 2 miền rỏ rệt ; chẵng có thể chế nhà nước nào bị buộc phải tôn trọng những ký kết Pháp - Thanh, trong đó có việc phải chịu mất 100 mét từ Ải Nam quan về phía nam.
Nếu bác làm ngơ sự mất mát này, tôi e đó là tiền lệ mà đòi hỏi của bác trong bài chủ cũng sẽ bị nhà nước VN hiện nay làm ngơ.
Cám ơn bác đã quan tâm.
Cu Tý. (khách viếng thăm) gửi lúc 19:57, 21/10/2013 - mã số 101113
Chào bác PQ Tuấn.
Cám ơn bác đã tận tình chỉ dẩn ; thế nhưng tôi không hoàn toàn đồng ý phải chấp nhận mốc biên giới Việt Nam phải ở về phía nam Ải Nam quan 100 mét như các bằng chứng bác đã đưa. Lý do :
_ Hòa ước Quý Mùi (1883). - Khoản thứ nhất nói rằng : Nước Nam chịu nhận nước Pháp bảo hộ, có việc gì giao thiệp với ngoại quốc thì phải do nước Pháp chủ trương.
_ Hòa ước Giáp Thân ( 1884) : Triều đình Huế ký với nước Pháp công nhận cuộc bảo hộ của Pháp.
_ Theo đường link bác chỉ , ô Trương nhân Tuấn cho hay : tháng 12 năm 1890, Pháp - Thanh ký kết mốc biên giới ở biên giới Việt - Trung.
_ Ngày 12 -3-1945, trên hệ thống hành chánh cấp trung ương, Bảo Đại cho mời viên Đại sứ Yokoyama ( Nhật Bản ) và trao cho ông ta bản tuyên bố : “Chiếu tình hình thế giới nói chung, và tình hình Á châu nói riêng, chính phủ Việt Nam long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp được bãi bỏ, và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia. ......Khâm thử. Huế, ngày 27 tháng giêng năm thứ 20 triều Bảo Đại.
_ Cuối tháng 8- 1945, Bảo Đại thoái vị với : "....vững mạnh trong sự tin tưởng của mình, Trẫm đã quyết định thoái vị, và Trẫm trao quyền cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa".
Đến đây, đủ để nói rằng nhà nước VNDCCH đã tiếp thu tuyên bố 12 -3-1945 của Bảo Đại và có quyền xé bỏ những hiệp ước giữa Pháp và nhà Thanh, trong số đó có ràng buộc : "2e section de Chi-Ma à Nam-Quan.......25e borne : à 100m en avant de la porte de Nam-Quan sur le chemin de Dong-Dang. Nói rỏ hơn, nhà nước VNDCCH không bị buộc phải tôn trọng một cột mốc biên giới Việt - Trung cách phía trước Ải Nam quan 100 mét.
Người Pháp trở lại VN. Nhưng, ngày 4/6/1954, trước khi Hiệp ước Genève được ký kết khoảng 6 tuần thì Pháp còn ký riêng với Quốc gia Việt Nam một hiệp ước khác giữa Thủ tướng Joseph Laniel và Thủ tướng Nguyễn Phúc Bửu Lộc công nhận Quốc gia Việt Nam hoàn toàn độc lập.
Vậy, đối với 2 thể chế nhà nước trên mảnh đất Việt Nam, mà sau này biến thành 2 miền rỏ rệt ; chẵng có thể chế nhà nước nào bị buộc phải tôn trọng những ký kết Pháp - Thanh, trong đó có việc phải chịu mất 100 mét từ Ải Nam quan về phía nam.
Nếu bác làm ngơ sự mất mát này, tôi e đó là tiền lệ mà đòi hỏi của bác trong bài chủ cũng sẽ bị nhà nước VN hiện nay làm ngơ.
Cám ơn bác đã quan tâm.
H.T. (khách viếng thăm) gửi lúc 10:33, 21/10/2013 - mã số 101076
Bác Visiteur, tôi cũng biết vậy. Nhưng tôi mặc kệ các vị ĐBQH đó là ai, họ có trách nhiệm với tư cách là đại biểu quốc hội.
Đúng là cần phải có cách nào đó yêu cầu quốc hội và chính phủ Việt Nam phải giải trình rõ ràng và công khai những điều trên.
Việc giải trình minh bạch về đàm phán hiệp ước Việt-Trung không chỉ là sự tôn trọng quá khứ, tôn trọng những người đã bỏ mình nơi chiến trường cho đất nước, tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người dân, mà nó còn có ý nghĩa giúp tránh khỏi sai lầm trong tuơng lai, khi mà Việt Nam vẫn còn đang phải đối mặt với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.
Visiteur viết:
H.T. viết:
Tên tác giả viết:
4. So với bản đồ AMS thì Việt Nam đã mất hầu hết những cao điểm (đỉnh và sống núi) chung quanh ải Nam quan và dọc Quốc lộ 1 cho tới Đồng Đăng, và chỉ còn giữ những sườn núi thấp.
Đây là một nghiên cứu nghiêm túc. Các cơ quan chức năng Việt Nam có phải là nên giải thích về những kết luận nêu trên của bài viết này không? Để thể hiện sự tôn trọng với tổ tiên mình đã hy sinh xương máu để bảo vệ lãnh thổ, thể hiện tôn trọng hàng ngàn người lính tòng quân ra trận năm 1979 theo lời hiệu triệu của nhà nước?
Ông Trần Công Trục nói là mọi thỏa thuận về biên giới đã được thông qua Quốc hội. Các vị đại biểu quốc hội, được tiếng là đại diện cho người dân, các vị giải thích sao về những điều trên? Giải trình với người dân chắc chắn là trách nhiệm của các vị. Các vị có thể yên lòng ngủ mỗi tối, có thể dạy dỗ con cái các vị trở thành người tử tế được không nếu các vị không làm tròn trách nhiệm của mình?
Quốc hội và chính phủ là một phe bởi vì thủ tướng chính phủ và các bộ trưởng đều là đại biểu quốc hội.
Các bác Dương Danh Huy, ... có cách nào các bác đưa trực tiếp vấn đề này yêu cầu Quốc hội và chính phủ VN giải thích cho các bác không ?
Bác Lê Thăng Long, bác Huân, ..., có cách nào phong trào con đươµng VN đưa trực tiếp vấn đề này yêu cầu Quốc hội và chính phủ VN giải thích cho các bác không ?
Phạm Quang Tuấn (khách viếng thăm) gửi lúc 10:27, 21/10/2013 - mã số 101075
Bác Cu Tý:
Biên bản cắm mốc có chữ ký của hai phái đoàn Pháp Thanh viết là mốc 18 cắm trên đường lộ, 100 m trước ải Nam Quan. Xin bác xem ở đây:
Trong biên bản, "borne 25" chính là mốc 18 cũ.
Còn P. Neis, một người trong phái đoàn thương thuyết biên giới Pháp Thanh, viết (Le Tour du Monde, tr. 337-338) là Pháp bằng lòng cho biên giới đi theo một con suối cách của NQ 150 m. Xin xem ở đây:
Cu Tý. (khách viếng thăm) gửi lúc 09:16, 21/10/2013 - mã số 101074
Chào bác Phạm quang Tuấn.
Tôi đã từng đọc ở đâu đó viết giống như bác : "Trước 1945, biên gìới Việt - Trung không phải ở ngay Ải Nam quan mà nó thật sự lùi về nam chừng 100 - 150 mét". Tuy nhiên, tôi không có được tài liệu chính thức nào xác nhận điều đó. Khi phát hiện trên google earth có địa điểm hữu nghị quan do VN xây dựng vào năm 1957, cách Ải Nam quan chừng 70 mét. Tôi cảm thấy lúng túng, chẵng rỏ giữa thông tin tôi đã đọc qua giống như bác viết và sự đánh dấu trên google earth, thông tin bên nào đúng hơn. Tôi vẫn nhớ nằm lòng câu " đất nước ta trải dài từ Ải Nam quan đến mũi Cà Mau". Mong bác cho thêm thông tin. Thân.
Chào bác Dương danh Huy.
Với sự lúng túng như tôi vừa viết cho bác Tuấn, cho nên ngay từ đầu comment trước, tôi đã tỏ dấu hoài nghi những gì mình nhìn thấy trên google earth. Đã hoài nghi cái "thấy" của mình rồi thì đâu còn phải cố đấm ăn xôi mà tranh luận đúng sai, phải không bác ?
Bác đọc vội quá nên bác hiểu sai ý tôi.
Tôi viết : "Khoảng cách Bắc - Nam mà VN đã mất từ Ải Nam quan đến cột mốc biên giới số 0 hiện nay là : ( 21.58.34,52 - 21.58.24,15 ) x 111 km = 320 mét.
Và : "Khoảng cách Bắc - Nam mà VN dịch chuyển từ Ải Nam quan ( cửa khẩu ngày xưa ) đến Cửa khẩu Hữu nghị quan của VN hiện nay là : ( 21.58.34,52 - 21.58.10 ) x 111 km = 760 mét.
Đặc biệt, không những cửa khẩu VN phải chịu co vòi lùi về phía Nam, mất 760 mét theo đường chim bay Nam - Bắc ; mà còn phải chịu lùn dần về các cao điểm VN sở hữu. Một yếu tố rất quan trọng trên lãnh vực quân sự. VN phải lùn dần từ độ cao 336 => 327 => 320 mét => 310 mét.
Bác Huy xem lại mấy chử tôi bôi đậm. Qua đó, bác thấy rỏ tôi đồng ý như bác viết : Sự được mất do HĐ 1999 và việc phân giới cắm mốc được tính bằng công thức "biên giới ngày nay trừ biên giới Pháp-Thanh". Và tôi chẵng tính bằng công thức "Cửa khẩu VN ngày nay trừ Ải Nam Quan ngày xưa". ( như bác viết )
Tôi đã nhìn thấy trên google earth một số địa điểm của VN nằm giữa cột mốc số 0 và cửa khẩu VN ngày nay. Sở dĩ tôi đưa vấn đề cửa khẩu VN ngày nay là bởi tôi thấy cách đó về phía bắc chừng 30 mét là vị trí tiền đồn của Ải Nam quan xưa.
Vậy, so với ông cha ta ngày xưa, cái tiền đồn để giử cửa khẩu, nay lại hóa ra là cửa khẩu. Nếu chúng ta chấp nhận việc này là đúng, thì con cháu chúng ta sẽ có lý khi chúng tiếp tục lùi dần về phía Nam.
Đất nước chúng ta một ngày nào đó sẽ còn lại đúng một giọt đàn bầu. Thân Chào.
Dương Danh Huy gửi lúc 05:13, 21/10/2013 - mã số 101069
So sáng của bác Tuấn và bác Song là hợp lý, nhưng so sánh của bác Cu Tý dưới đây là không hợp lý.
Sự được mất do HĐ 1999 và việc phân giới cắm mốc được tính bằng công thức "biên giới ngày nay trừ biên giới Pháp-Thanh".
Không tính bằng công thức "Cửa khẩu VN ngày nay trừ Ải Nam Quan ngày xưa".
Vì vậy con số 760 m của bác Cu Tý khác với (và không đúng bằng) các con số của bác Tuấn và bác Song.
Cu Tý. viết:
Không rỏ độ chính xác về vị trí các địa điểm được ghi trên google earth đáng tin như thế nào. Nếu cho rằng các vị trí đặc biệt được đánh dấu trên google earth là đáng tin cậy, tôi tìm thấy như sau :
1) Ải Nam Quan ngày xưa ( 1912) được đánh dấu ở vĩ độ bắc 21 độ 58 phút 34,52 giây ; kinh độ đông 106 độ 42 phút 35,18 giây. Độ cao là 336 mét.
2) Tòa thành Lầu Hữu nghị quan xây dựng năm 1957 ở vĩ độ bắc 21 độ 58 phút 32,25 giây ; kinh độ đông 106 độ 42 phút 40,32 giây. Độ cao là 327 mét.
Bỏ qua phần kinh độ, chỉ xét đến vĩ độ để dể thấy VN phải chịu lùi về phía Nam như thế nào. Khoảng cách VN đã mất từ năm 1912 ( tương đương năm 1945 ) đến 1957 là : ( 21.58.34,52 - 21.58.32,25) x 111 km = 70 mét. ( lấy khoãng cách 1 độ vĩ tuyến với con số tròn 111 km ).
3) Cột mốc biên giới số 0 do VN xây dựng và quản lý ở vĩ độ bắc 21 độ 58 phút 24,15 giây ; kinh độ đông 106 độ 42 phút 39,65 giây. Độ cao là 320 mét.
Khoảng cách Bắc - Nam mà VN đã mất từ Ải Nam quan đến cột mốc biên giới số 0 hiện nay là : ( 21.58.34,52 - 21.58.24,15 ) x 111 km = 320 mét.
4) Khu vực Cửa khẩu Hữu nghị quan của VN hiện nay ở vĩ độ bắc 21 độ 58 phút 10,00 giây ; kinh độ đông 106 độ 42 phút 36,18 giây. Độ cao là 310 mét.
Khoảng cách Bắc - Nam mà VN dịch chuyển từ Ải Nam quan ( cửa khẩu ngày xưa ) đến Cửa khẩu Hữu nghị quan của VN hiện nay là : ( 21.58.34,52 - 21.58.10 ) x 111 km = 760 mét.
Đặc biệt, không những cửa khẩu VN phải chịu co vòi lùi về phía Nam, mất 760 mét theo đường chim bay Nam - Bắc ; mà còn phải chịu lùn dần về các cao điểm VN sở hữu. Một yếu tố rất quan trọng trên lãnh vực quân sự. VN phải lùn dần từ độ cao 336 => 327 => 320 mét => 310 mét.
Dương Danh Huy gửi lúc 04:52, 21/10/2013 - mã số 101066
Visiteur viết:
Các bác Dương Danh Huy, Trương Nhân Tuấn, ... có nhận định gì về các dữ liệu so sánh này ? Có thể khai thác các dữ liệu so sánh này như thế nào ?
Tôi thấy bài so sánh của bác Tuấn và Song là rất khoa học, logic, chu đáo, và những câu hỏi họ đặt ra là đúng đắn, quan trọng, và cần được trả lời một cách thỏa đáng.
Phạm Quang Tuấn (khách viếng thăm) gửi lúc 04:13, 21/10/2013 - mã số 101063
Chào bác Cu Tý,
Vị trí của cửa HNQ trên Google Earth có thể nhận ra bằng hình dạng của nó, nếu bác quen thuộc với địa hình của khu vực. Từ km0 đi qua hồ nước chữ nhật, con đường với nhiều lùm cây, là tới cửa HNQ.
Vị trí của km0 là giữa các mốc 1116, 1117 có trong Nghị Định Thư.
Biên giới VN năm 1912 hay 1945 không phải ở của Nam Quan-HNQ mà cách đó 100 m về phía Nam (có nơi viết là 150 m) do Pháp đã nhường cho Tàu.
Nguyễn Thiện (khách viếng thăm) gửi lúc 02:46, 21/10/2013 - mã số 101060
Cám ơn các tác giả Phạm Quang Tuấn và Phan Văn Song đã phổ biến bài này cho bạn đọc.
Tuy nhiên, trong phần kết luận, theo tôi nghĩ, giá mà các tác giả có thể biên tập lại, làm cho rõ ý nghĩa hơn, để phù hợp với tựa đề của bài viết, và để giúp nhiều người dân nắm hiểu vấn đề biên giới một cách ngắn gọn và cụ thể. Chẳng hạn, các tác giả thêm vài câu cho rõ ràng ý nghĩa.
So sánh biên giới mới ở khu vực Nam Quan với bản đồ của quân đội Mỹ (MAS), Việt Nam đã bị mất rất nhiều đất đai vào tay Trung Quốc sau khi ký kết Hiệp Định Biên Giới 1999. Chúng tôi tạm có các kết luận sau:
1. Bản đồ 4 và 7, mà chúng tôi đã điều chỉnh theo địa hình và kiểm chứng bằng nhiều cách, có thể coi là trình bày chính xác (trong vòng chừng 30 m) vị trí của biên giới 1999 trên bản đồ AMS mà quân đội Mỹ vẽ năm 1964, dựa theo bản đồ của Pháp. Và theo đó:
2. Trên Quốc lộ 1, biên giới hiện nay đã lùi khoảng 290 m về phía Nam, so với biên giới trên bản đồ AMS. Có nghĩa là, theo Hiệp định biên giới ký kết 1999, phía Việt Nam đã bị mất đất, bị Trung Quốc lấn 290 mét vào sâu trong vùng đất của Việt Nam.
3. Trên đường sắt Bằng Tường-Đồng Đăng, biên giới đã lùi khoảng 360 m về phía Nam so với biên giới trên bản đồ AMS. Tương tự như trên, phía Việt Nam đã bị mất đất ở khu vực này, bị Trung Quốc lấn 360 mét vào sâu trong vùng đất của Việt Nam. Nhiều khu vực lân cận bị mất trên dưới 1 km vuông.
4. So với bản đồ AMS thì Việt Nam đã mất hầu hết những cao điểm (đỉnh và sống núi) chung quanh ải Nam quan và dọc Quốc lộ 1 cho tới Đồng Đăng, và chỉ còn giữ những sườn núi thấp.
5. Có khả năng là cột mốc 19 cũ đã bị dời hơn 250 m về phía nam, qua một ngọn đồi khác, khiến biên giới quanh đó cũng di chuyển theo.

Gửi phản hồi mới (xin gõ tiếng Việt có dấu và tuân thủ Nguyên tắc Dân Luận để được chấp nhận)

Bạn có thể bịa một địa chỉ email bất kỳ, ví dụ test@gmail.com. Thông tin này sẽ không xuất hiện công khai khi phản hồi được đăng.
  • Bạn có thể sử dụng các thẻ BBCode trong bài. Các địa chỉ URL sẽ được tự động chuyển thành liên kết.
  • Bạn có thể trích bài của người khác bằng thẻ [quote], ví dụ: [quote]Nội dung muốn trích dẫn[/quote]
  • Bạn có thể sử dụng những thẻ HTML sau: <a> <em> <strong> <ins> <b> <i> <u> <br> <cite> <code> <ul> <ol> <li> <dl> <dt> <dd> <h1> <h2> <h3> <h4> <h5> <table> <tbody> <td> <tr> <pre> <img> <div> <span> <object> <hr> <center> <font> <blockquote> <strike> <embed> <param> <del> <ins> <sub> <sup>
  • Bạn có thể chèn video vào bài viết bằng thẻ [video:địa_chỉ_url_của_video]
  • Cách dòng và cách đoạn sẽ được tự động chuyển thành xuống dòng.
CAPTCHA
Bạn bắt buộc phải trả lời câu hỏi kiểm tra dưới đây. Nó giúp chúng tôi nhằm lọc bỏ các nội dung spam do robot tự động thực hiện.
8 + 2 = 
Giải bài toán đơn giản này và nhập kết quả vào ô phía trên. Ví dụ, nếu thấy 1+3, thì hãy nhập 4.

No comments:

Post a Comment