Tuesday, August 26, 2014

Đánh giá chiến lược pháp lý của Trung Quốc ở Biển Đông

Đánh giá chiến lược pháp lý của Trung Quốc ở Biển Đông

VietnamDefence - Mục tiêu của Bắc Kinh: duy trì hòa bình và ổn định khu vực, trong khi thúc đẩy các yêu sách bành trướng. Liệu họ có thể thành công?
Lời dẫn: Bài viết gồm 2 phần của Sean Mirski đánh giá các chiến lược pháp lý của một số nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông trong bối cảnh chiến lược rộng lớn hơn. Dưới đây, Sean Mirski xem xét chiến lược của Trung Quốc được thúc đẩy như thế nào bởi những mong muốn trái ngược là vừa duy trì ổn định khu vực lại vừa củng cố quyền kiểm soát trên toàn bộ Biển Đông.

Sean Mirski là sinh viên năm thứ hai tại Trường Luật Harvard, nơi ông làm Trưởng nhóm phụ trách mục Tòa án tối cao của tờ Harvard Law Review. Ông cũng là đồng chủ biên cuốn sách: Trọng tâm của Châu Á: Trung Quốc, Ấn Độ và trật tự mới đang lên của thế giới (Crux of Asia: China, India and the Emerging Global Order).



Mục tiêu của Bắc Kinh: duy trì hòa bình và ổn định khu vực, trong khi thúc đẩy các yêu sách bành trướng. Liệu họ có thể thành công?

>> Có thể bóp chết Trung Quốc bằng phong tỏa đường biển?
Từ nhiều thế kỷ trước, ngư dân Trung Quốc gọi các hòn đảo ở Biển Đông là “những bãi đá nam châm” (từ thạch đường) - một tên gọi ám chỉ sức mạnh bí ẩn cuốn hút những con tàu có số phận hẩm hiu đến những bãi cát ngầm ở đây. Tuy nhiên, ngày nay, Biển Đông lại lôi kéo sự chú ý bởi một thứ rắc rối khác. Trong 6 thập kỷ qua, Biển Đông là trung tâm của một tình trạng rối loạn địa-chính trị bị kích động thúc đẩy bởi quan hệ chính trị giữa các đại cường, chủ nghĩa dân tộc độc hại và trữ lượng dầu khí dồi dào. Sáu bên khác nhau là Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam liên tục tranh chấp chủ quyền các hòn đảo trên Biển Đông và các vùng biển đó.

Trong 6 bên tranh chấp nói trên, Trung Quốc đã trở thành đối thủ nặng ký nhất. Đây là quốc gia tranh chấp có lãnh thổ rộng lớn và hùng mạnh nhất, và cũng là bên đưa ra những yêu sách mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, hành vi của Bắc Kinh không phải lúc nào cũng phản ánh sức mạnh và tham vọng đang bành trướng của họ. Thay vào đó, chiến lược của Trung Quốc phức tạp hơn, được hình thành chủ yếu bởi mong muốn của Bắc Kinh duy trì hòa bình và ổn định khu vực, trong khi vẫn tiếp tục thúc đẩy những yêu sách bành trướng của họ.

Tình thế lưỡng nan này đã khiến Trung Quốc tập trung vào việc trì hoãn giải quyết xung đột, điều được chứng minh rõ ràng nhất trong chiến lược pháp lý của họ. Nhưng chiến lược này trong những năm gần đây ngày càng trở nên không còn phù hợp khi Trung Quốc trở thành nạn nhân của sự thành công của chính họ. Các bên tranh chấp khác đã nhận ra việc chơi theo các luật chơi của Trung Quốc là nguy hiểm, vì vậy, họ đã chọn cách đối phó với chiến lược trì hoãn của Trung Quốc bằng một tư thế chủ động hơn nhằm thúc đẩy Bắc Kinh phải dừng dây dưa, lòng vòng để đối diện trực tiếp với tình thế lưỡng nan của họ. Trung Quốc đã tìm cách ứng phó và phản ứng của họ đã làm gia tăng căng thẳng trong cả khu vực vì không làm thay đổi được những tính toán của các đối thủ. Trong khi tranh chấp leo thang, Trung Quốc có thể cảm thấy áp lực nổi lên nhằm buộc họ phải từ bỏ chiến lược trì hoãn và tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng hơn cho cuộc xung đột này, như các sự kiện đang diễn ra bắt đầu bộc lộ.

Các lợi ích chiến lược đầy mâu thuẫn của Trung Quốc
Trỗi dậy hòa bình 
Để hiểu được tình thế nan giải của Bắc Kinh, ta hãy xem xét các lợi ích chiến lược đầy mâu thuẫn của họ. Một mặt, Trung Quốc tìm cách kéo dài chuỗi tăng trưởng nhiều thập kỷ của họ. Các số liệu thống kê quen thuộc: nền kinh tế phát triển bùng nổ với tốc độ trung bình hàng năm gần 10% trong 35 năm qua, và trong thời gian đó, kinh tế Trung Quốc đã có 5 lần tăng trưởng gấp đôi về quy mô. Kể cả khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại phần nào, thì nền kinh tế Trung Quốc vẫn có khả năng và thực ra là gần như chắc chắn sẽ vượt qua kinh tế Mỹ trong tương lai gần.

Nhưng, xét về địa-chính trị, sự tăng trưởng của Trung Quốc là tương đối khác thường. Thay vì tuân theo biện chứng của Charles Tilly là “nhà nước tạo ra chiến tranh” và “chiến tranh tạo ra nhà nước”, Bắc Kinh lại tự tham dự vào trật tự kinh tế tự do quốc tế. Khi nhìn lại, quyết định này đã chứng minh lời tiên tri: Trung Quốc bắt đầu khởi sắc kể từ khi nó kết nối vào quá trình toàn cầu hóa do Mỹ đứng đầu.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau trong kinh tế quốc tế không phải bỗng dưng mà có. Để tạo ra sự thần kỳ về thương mại, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế cần một môi trường bên ngoài tương đối hòa bình. Các cuộc xung đột có thể phá vỡ tan tành các mối quan hệ kinh tế vốn là trung tâm của một hệ thống thương mại mở và đẩy Trung Quốc cách xa khỏi các đối tác thương mại quan trọng, kể cả khi bản thân Bắc Kinh tìm cách tránh không dính líu vào. Tồi tệ hơn cả là bất kỳ một cuộc xung đột nào trong khu vực cũng có thể tạo ra cho Mỹ cơ hội có thêm nhiều hơn nữa quyền lực chính trị và quân sự trong khu vực - một mối đe dọa đối với tham vọng lâu dài nhằm giành ưu thế (nếu không phải là quyền bá chủ) trong khu vực.

Vì thế, để tiếp tục phát triển, Trung Quốc cần một châu Á ổn định và hòa bình. Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố khái quát chính sách của họ trong các ngôn từ “trỗi dậy hòa bình” hoặc “phát triển hòa bình”. Chiến lược này không phải là lời nói suông: Trong ba thập kỷ qua, Bắc Kinh đã dàn xếp được nhiều tranh chấp biên giới; xúc tiến hoạt động ngoại giao khu vực khéo léo; tích cực tham gia vào các tổ chức liên chính phủ khu vực và quốc tế; và ký kết các hiệp định thương mại cùng có lợi trên khắp thế giới. Quả là chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc cũng đã hành xử khá ổn trong lĩnh vực quân sự: Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh gần đây nhất là vào năm 1979, kể từ đó họ chỉ tham gia vào một cuộc đụng độ nhỏ ở Biển (đảo Gạc Ma năm 1988 Johnson South Reef). Tóm lại, Trung Quốc đã cố gắng trở thành một công dân gương mẫu của khu vực, tất cả là nhằm phục vụ các tham vọng kinh tế của họ.

Kiểm soát Biển Đông
Trong khi tham vọng lâu dài của Bắc Kinh khiến họ phải kiềm chế, thì các mục tiêu gần hơn của họ, trong đó có việc giành chủ quyền đối với Biển Đông, lại dẫn dắt nước này đi theo một hướng khác. Trong thế giới lý tưởng của Bắc Kinh, Trung Quốc ngay bây giờ sẽ phải là ông chủ không thể tranh cãi của Biển Đông.
Bắc Kinh tìm cách kiểm soát Biển Đông Nam Á để ứng phó với các mối đe dọa an ninh quốc gia và thúc đẩy các mục tiêu kinh tế của họ. Biển là một điểm yếu chiến lược của Trung Quốc vì đó là tuyến đường xâm lược trong lịch sử và là một mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh năng lượng và nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc. Kiểm soát được Biển Đông còn mạng lại nhiều lợi ích hữu hình. Biển Đông có trữ lượng cá dồi dào vốn là trụ cột của nhiều nền kinh tế trong khu vực. Dưới đáy đại dương, còn có những tài sản còn giá trị hơn. Mặc dù các chuyên gia có ý kiến khác nhau về quy mô của kho của cải tiềm tàng dưới đáy biển, tất cả đều nhất trí rằng, ở đó trữ lượng dầu mỏ và khí đốt đủ để bất kỳ quốc gia nào tiếp giáp ở đó đều muốn chiếm hữu.

Những yêu cầu chiến lược này được củng cố bởi tình hình chính trị trong nước của Trung Quốc. Tranh chấp biển đã trở nên đan xen chặt chẽ với chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc. Kết quả là Biển Đông không chỉ có ý nghĩa về mặt chủ quyền, mà còn xác định căn tính của Trung Quốc với tư cách một quốc gia. Và rắc rối hơn nữa là mọi hành động từ bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc cũng sẽ gợi lại liên tưởng bất lợi về sự yếu kém của Trung Quốc trước các đế quốc hung hãn trong giai đoạn gọi là “thế kỷ sỉ nhục” của đất nước này. Vì vậy, ngay cả khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn từ bỏ các yêu sách ở Biển Đông, họ vẫn sẽ bị áp lực không làm thế do các phản ứng dữ dội tất yếu ở trong nước. Thay vì thỏa hiệp, Bắc Kinh cảm thấy ngày càng bị áp lực bởi một công chúng dân tộc chủ nghĩa để phải hành động quả quyết trong quan hệ với các bên tranh chấp khác.

Tình thế lưỡng nan của Trung Quốc
Như vậy, các lợi ích chiến lược của Trung Quốc thường mâu thuẫn với nhau. Một mặt, Bắc Kinh muốn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông càng nhanh chóng và hòa bình càng tốt. Tranh chấp đã cản trở việc hội nhập khu vực sâu rộng hơn, và trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nổi tiếng vì cách hành xử hiếu chiến, vốn đã làm nguội lạnh các mối quan hệ trong khu vực của họ. Tuy nhiên, mặt khác, Trung Quốc cũng không hề muốn mất quyền kiểm soát một khu vực chiến lược quan trọng như vậy. Trung Quốc cũng bị trói buộc bởi một công chúng đầy tinh thần dân tộc chủ nghĩa và thường là hiếu chiến luôn nghi ngờ bất kỳ hành vi nào được coi là nhượng bộ hoặc yếu đuối nào về phía Trung Quốc. Tóm lại, Trung Quốc có thể cố gắng giải quyết tranh chấp thông qua thỏa hiệp hoặc xâm lược, nhưng chẳng lựa chọn nào là hấp dẫn cả.

Vì vậy, thay vì cố gắng giải quyết xung đột, Bắc Kinh đã né tránh và áp dụng chiến lược trì hoãn. Bị kẹt giữa các lợi ích chiến lược trái ngược nhau, Trung Quốc đã tìm cách duy trì sự kiểm soát vừa đủ để bảo vệ các yêu sách của họ mà không tạo ra sự khống chế quá lớn khiến các bên tranh chấp khác trở nên lo ngại. Vì vậy, trong khi Trung Quốc sẽ luôn bảo vệ các yêu sách của mình chống sự vi phạm hung hăng của các quốc gia khác, nước này thường tìm cách tránh làm mất ổn định hiện trạng. Tất nhiên, chiến lược trì hoãn cũng nhằm tận dụng ưu thế lớn nhất của Trung Quốc: một sức mạnh đang bành trướng và con đường tăng trưởng lâu dài. Trung Quốc cần gì phải cố giải quyết xung đột vào lúc này, khi mà vị thế đàm phán của họ ngày một cải thiện?

Chiến lược pháp lý của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông
Ví dụ tốt nhất cho chiến lược trì hoãn trong thực tế chính là chiến lược pháp lý của Trung Quốc. Chiến lược này là sự kết hợp cẩn thận giữa các các nội dung yêu sách pháp lý và chiến thuật đàm phán, tất cả đều nhằm giữ nguyên hiện trạng, trong khi vẫn duy trì sự linh hoạt tối đa trong tương lai.

Trung Quốc đã bám chặt lấy cách diễn giải mơ hồ như một trụ cột chủ chốt trong chiến lược pháp lý của họ. Ngay cả hiện nay, sau nhiều thập kỷ tranh cãi, phạm vi các yêu sách của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng. Trong thực tế, Trung Quốc chỉ mới khuấy động vùng biển trong những năm gần đây khi họ chính thức đưa ra cái gọi là “đường chín đoạn” đầy tai tiếng. Năm 2009, Malaysia và Việt Nam đã nộp bộ hồ sơ chung đến cơ quan LHQ nhằm xác định ranh giới bên ngoài của các tuyên bố thềm lục địa của mình. Ngay hôm sau, Trung Quốc đã đáp trả bằng một văn bản phản đối tuyên bố của hai nước nói trên. Văn bản của phía Trung Quốc khẳng định một cách khá mập mờ rằng, “ Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận, và có các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan, cũng như thềm lục địa và cả lòng đất ở dưới đáy biển (xem bản đồ đính kèm)”. Tấm bản đồ đính kèm cho thấy, một đường chín đoạn bắt đầu từ bờ biển của Trung Quốc và bao gồm gần như toàn bộ Biển Đông. Kể từ đó, các quốc gia và các nhà bình luận đều tự hỏi, nếu quả thật có ý nghĩa gì đó, thì thực ra đường chín đoạn chỉ cái gì vậy? Có vẻ khá rõ là Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với tất cả các hòn đảo nằm trong ranh giới mênh mông của đường chín đoạn. Tuy nhiên, điều kém rõ ràng hơn là họ có đòi chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển bao quanh bởi đường chín đoạn ấy hay không.

Đòi hỏi điều này sẽ là sự vi phạm trắng trợn các nghĩa vụ quốc tế của phía Trung Quốc. Theo luật pháp quốc tế, các quốc gia bị ràng buộc bởi nguyên tắc “la terre domine la mer” (đất thống trị biển), tức nguyên tắc chủ quyền đối với vùng biển phải xuất phát từ chủ quyền đối với đất ở gần đó, chứ không phải là ngược lại. Phù hợp với nguyên tắc này, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) cho phép các quốc gia kiểm soát vùng biển nội thủy chỉ trong một khoảng cách nhất định tính từ lãnh thổ chủ quyền của họ. Ngay cả dưới cách diễn giải rộng rãi nhất đối với UNCLOS, thì Bắc Kinh cũng không thể đòi hỏi một cách hợp pháp quyền kiểm soát phần lớn vùng biển được bao bọc bởi đường chín đoạn.

Đặc biệt là ở Mỹ, nhiều nhà bình luận cho rằng, Trung Quốc diễn giải đường chín đoạn quá bành trướng. Nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ chính thức làm rõ cách diễn giải nào họ muốn áp dụng. Sự từ chối của họ thật ngạc nhiên, nhất là vì gần như tất cả các nhà bình luận về cuộc tranh chấp ở Biển Đông, kể cả một số học giả Trung Quốc, đã hối thúc Trung Quốc làm rõ những yêu sách pháp lý mơ hồ của họ.

Thay vào đó, chính phủ Trung Quốc cố tình áp dụng chính sách pháp lý mơ hồ có ý đồ về phạm vi các yêu sách lãnh thổ của mình. Sự “mơ hồ chiến lược” chỉ là một khía cạnh của chiến lược trì hoãn lớn hơn của Trung Quốc. Đường chín đoạn tạo ra các không gian pháp lý cho những cách diễn giải bành trướng hơn của các yêu sách trong tương lai của Trung Quốc, nhưng họ không nhất thiết phải nói ra rõ ràng ngay vào lúc này. Kết quả là Trung Quốc giữ được sự linh hoạt một cách lâu dài, trong khi vẫn tránh được những trả giá ngắn hạn cho việc thúc đẩy các yêu sách không thực tế. Tất nhiên, ngay cả một chính sách mơ hồ chiến lược cũng có cái giá của nó - vì dựa vào đường chín đoạn, Trung Quốc đã bị chỉ trích khắp nơi, gần đây nhất là Mỹ. Nhưng việc Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận những cái giá này là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy sự miễn cưỡng của họ trong việc lựa chọn dứt khoát chính sách hoặc là thỏa hiệp hoặc là xâm lược.

Chiến lược trì hoãn của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến cách thức Trung Quốc đàm phán về các yêu sách pháp lý của họ. Trước hết, Trung Quốc đã cố hết sức để tránh việc giải quyết xung đột. Trong khi, họ đã chính thức cam kết giải quyết vấn đề một cách hòa bình, trên thực tế Bắc Kinh lại không ngừng cổ vũ cho chính sách “hợp tác cùng khai thác”, theo đó các bên tranh chấp trì hoãn giải quyết các tranh chấp chủ quyền cho đến khi các điều kiện “chín muồi”. Cho đến lúc đó, tất cả các bên nên cùng nhau hợp tác khai thác các nguồn tài nguyên trên Biển Đông. Mặc dù, cách tiếp cận này hầu như chẳng dụ dỗ được ai, nó vẫn cho phép Trung Quốc tránh được tình thế lưỡng nan của mình khi được áp dụng: Bắc Kinh có thể thúc đẩy hòa bình trong khu vực, trong khi vẫn khai thác được các nguồn tài nguyên của Biển Đông và giữ nguyên các yêu sách chủ quyền của họ.

Một chiến thuật đàm phán khác là Bắc Kinh luôn đòi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông trên cơ sở song phương. Theo sự khôn ngoan thông thường, Trung Quốc muốn thương lượng tay đôi chứ không muốn đàm phán đa phương bởi vì Trung Quốc có thể dễ dàng hơn dùng sức mạnh để gây áp lực với một đối tác đàm phán duy nhất. Nhưng đàm phán song phương cũng đem lại một lợi ích khác mà có lẽ còn quan trọng hơn là nó cho phép Bắc Kinh kiểm soát nhịp độ đàm phán. Ngược lại, các cuộc đàm phán đa phương khiến các bên tranh chấp khác dễ thỏa thuận với nhau hơn để buộc Trung Quốc phải hành động. Ngay cả khi đã không thể ngăn chặn các bên khác có thỏa thuận riêng, thì Trung Quốc cũng đã cản trở tiến trình đàm phán bằng cách thu phục từng quốc gia riêng lẻ và lợi dụng những chia rẽ nội bộ.

Chiến lược pháp lý của TQ tỏ ra ngày càng không phù hợp
Trong nhiều năm, cách phản ứng của TQ tỏ ra rất hiệu quả. Từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2000, TQ và các bên tranh chấp khác ưu tiên tôn trọng luật pháp quốc tế và ngoại giao cả trong lời nói và việc làm. Tuy nhiên, vào giữa những năm 2000, các bên tranh chấp khác, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, đã nhận ra là họ là bên thua cuộc trong chiến lược trì hoãn của TQ. Nếu họ chơi theo các điều kiện của TQ, họ sẽ tiếp tục thua. Vì vậy, họ đã thay đổi các quy tắc của trò chơi.

Các bên đã tiếp tục sử dụng những lời lẽ như trước đây, nhưng họ đã bắt đầu thay đổi hành vi đằng sau những lời lẽ này. Thay vì nhấn mạnh nội dung của luật, các bên tranh chấp nhỏ hơn, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, đã hoàn thiện một chiến lược mới, nhưng vô cùng mạo hiểm là: đẩy TQ vào thế đối đầu với tình trạng tiến thoái lưỡng nan của chính mình. Manila và Hà Nội đều biết rằng, họ không thể hy vọng buộc được TQ phải từ bỏ tất cả các yêu sách của mình, nhưng họ tính là họ có thể ép TQ có những nhượng bộ đáng kể chừng nào Bắc Kinh còn tiếp tục dao động giữa hai chủ trương xâm lược và thỏa hiệp. Vì thế, trong thập kỷ qua, Philippines và Việt Nam đã cố gắng gây áp lực với TQ bằng cách thay đổi thực tế trên thực địa và quốc tế hóa cuộc xung đột. Bằng cách áp dụng chiến thuật chủ động hơn, hai nước này hy vọng TQ sẽ buộc phải đưa ra một quyết định rõ ràng hoặc là phản ứng cứng rắn và sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chiến lược tăng trưởng dài hạn của nước này, hoặc là chấp nhận nhượng bộ một số điểm trong cuộc tranh chấp. Philippines và Việt Nam đang hy vọng TQ sẽ lựa chọn giải pháp nhượng bộ.

Thoạt đầu, TQ đã mất cảnh giác trước chiến lược mới của Manila và Hà Nội, nhưng sau đó họ nhanh chóng tỉnh ngộ và đưa ra một chiến lược mới, hai gọng kìm. Như Peter Dutton đã chỉ ra, gọng kìm đầu tiên của TQ nhấn mạnh sự cưỡng ép phi quân sự. Với tư cách một phần của chiến lược này, TQ đã làm tràn ngập Biển Đông bằng một bầy những con tàu “vỏ trắng”, tức các tàu thuộc sở hữu của các cơ quan hàng hải dân sự TQ. Những con tàu này sau đó được sử dụng để đẩy lùi các bên tranh chấp khác, ví dụ, như bằng cách bắt giữ ngư dân nước ngoài hoặc cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí. Gần đây nhất, Bắc Kinh đã hạ đặt một giàn khoan dầu ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam, tất nhiên là nó được bảo vệ bởi một hạm đội tàu vỏ trắng. Với tư cách một phần của chiến lược này, TQ cũng còn sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để “gây trở ngại” khiến các nhà đầu tư quốc tế không dám mạo hiểm vào vào vùng biển rắc rối này của khu vực.

Để triển khai gọng kìm thứ hai, Bắc Kinh tiếp tục mở rộng và tăng cường năng lực cho hải quân của họ. Những năng lực này sau đó được sử dụng hầu như chỉ nhằm mục đích răn đe; TQ không muốn dính líu vào cuộc xung đột trực tiếp mà tìm cách đặt ra một giới hạn cho việc cưỡng chế phi quân sự của gọng kìm thứ nhất và ngăn không để nó vượt khỏi tầm kiểm soát. Kết quả là khi các tàu Philippines đối mặt với các tàu hàng hải dân sự TQ thì họ luôn biết rằng, chắc chắn Hải quân TQ cũng đang ẩn nấp đâu đó ngay ngoài tầm mắt của họ.

Kết hợp lại, hai gọng kìm này cho phép TQ phản ứng mạnh mẽ với các hành động khiêu khích của các bên tranh chấp khác, trong khi vẫn kiềm chế khả năng leo thang. Một lần nữa, mục tiêu lại là dung hòa các lợi ích chiến lược đầy mâu thuẫn của TQ: Bắc Kinh bảo vệ các yêu sách của họ thông qua các biện pháp dân sự đôi khi khá hung hăng, nhưng lại ngăn chặn không để cuộc tranh chấp gây nguy hiểm cho sự phát triển lâu dài của mình bằng cách đảm bảo rằng, súng vẫn nằm yên trong bao.

Khi thực hiện chiến lược mới này, TQ đôi khi phản ứng với các hành động của các bên tranh chấp khác chỉ đơn thuần bằng hành động đối nghịch tương ứng; tuy nhiên, gần đây hơn, TQ đã bắt đầu không chỉ đáp lại mà còn leo thang khi tạo thêm áp lực lên các bên tranh chấp khác để buộc họ lùi bước. Ví dụ, sau khi một tàu hải quân Philippines bắt giữ ngư dân TQ ở gần bãi cạn Scarborough vào tháng 4/2012, TQ đã đưa đến đây nhiều tàu dân sự của họ. Bế tắc kéo dài trong 2 tháng cho đến khi Hoa Kỳ làm trung gian cho việc rút lui của cả hai bên. Trong khi Philippines nghiêm chỉnh rút lui, TQ nuốt lời và vẫn để lại tàu của họ. Một tháng sau, quân đội TQ đã chặn lối vào bãi cạn này  và các tàu TQ đã liên tục tuần tra ở vùng biển này từ đó đến nay.

Sự đối đầu căng thẳng tại bãi cạn Scarborough là sự leo thang rất hiếm thấy trong lịch sử về phía TQ: Trên thực tế, Bắc Kinh đã giành lấy quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough để phản ứng với việc Philippines xua đuổi ngư dân TQ. Nhưng ở các khía cạnh khác, phản ứng của TQ không có gì là quá bất ngờ. Phản ứng với các hành động khiêu khích của các bên tranh chấp khác, Bắc Kinh phải đi dây giữa việc sử dụng quá ít sức mạnh (khiến các quốc gia khác trở nên mạnh dạn hơn) và ứng xử quá mạnh (và tạo ra bộ mặt của một kẻ côn đồ trong khu vực). Xét về tổng thể, TQ đã không thể duy trì sự cân bằng này, có lẽ là vì một phản ứng được điều chỉnh hoàn hảo là điều không thể có được. Kết quả là dư luận trong khu vực đã lên án TQ một cách mạnh mẽ.

Dẫu sao thì điều đã làm cho câu chuyện Scarborough bộc lộ rõ ràng nhất chỉ xảy ra nhiều tháng sau khi TQ củng cố quyền kiểm soát ở bãi cạn này. Ngày 22/1/2013, Philippines bắt đầu vụ kiện ra trọng tài quốc tế về yêu sách của TQ theo Công ước về Luật Biển của LHQ (UNCLOS). Ở một khía cạnh nào đó, vụ kiện này có vẻ ít quan trọng. TQ đã từ chối tham gia vụ kiện, do đó, vụ kiện này có thể dễ dàng bị gạt qua một bên vì thiếu thẩm quyền. Nhưng ngay cả khi vụ kiện này thực hiện được, và thậm chí nếu kết quả là Manila thắng kiện, thì sau đó Bắc Kinh cũng chỉ cần lờ đi quyết định của tòa và chờ cho làn sóng chỉ trích quốc tế qua đi. Bất kỳ kết quả nào của vụ kiện cũng sẽ không thể được thực hiện một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, mặc dù vụ kiện này chẳng có nhiều ý nghĩa thực tế, nhưng TQ đã điên cuồng ngăn chặn dù không thành công để ngăn không cho nó được tiến hành. Vào tháng 1/2014, Bắc Kinh đã cho thấy mức độ tuyệt vọng cao hơn, và được cho là đã đề nghị rút lui các con tàu của họ khoi bãi cạn Scarborough nếu Philippines đồng ý trì hoãn việc nộp chứng cứ của mình vào hồ sơ vụ kiện này. Mặc dù đề nghị đó cũng chỉ nên được xem xét với sự nghi ngờ, vì rõ ràng là Bắc Kinh đã không giữ lời hứa của mình trong những giao dịch liên quan đến bãi cạn này trước đó - thì đây vẫn là một đề nghị bất thường nếu quả thật thông tin này là đúng: TQ sẵn sàng từ bỏ quyền kiểm soát lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền chỉ để tránh một chút tiếng xấu. Vì vậy, mặc dù đã thắng trong trận chiến giành bãi cạn Scarborough, TQ có thể đã thua cả cuộc chiến tranh tất cả là vì Manila đã tìm ra cái mà Bắc Kinh quý trọng hơn cả chủ quyền lãnh thổ: danh tiếng là một quốc gia biết tuân thủ luật pháp quốc tế. Đối với TQ, danh tiếng này có liên quan mật thiết đến chiến lược phát triển dài hạn của họ, và quốc gia này không thể để người khác rêu rao việc họ hoàn toàn phớt lờ luật pháp quốc tế của mình.

Biến cố mới nhất trong cuộc đối đầu tại bãi cạn Scarborough đã phát lộ những giới hạn trong chiến lược mới của TQ. Chiến thuật thẳng thừng của TQ đã có một số thành công, và trong tương lai, Manila có thể sẽ phải suy nghĩ thật kỹ trước khi khơi mào một cuộc thách thức về hòn đảo tranh chấp. Nhưng chiến lược của TQ đã không thể vĩnh viễn làm thay đổi các tính toán tổng thể của các bên tranh chấp khác. Mỗi khi răn đe thành công một loại khiêu khích thì TQ cũng đồng thời kích thích các bên khác leo thang thông qua loại hành động khác. Kết quả là cả hai lựa chọn trong tình thế lưỡng nan của TQ đều đang bị đe dọa: chiến lược phát triển lâu dài của TQ đang ngày càng bị hủy hoại trong khi quốc gia này ngày càng phải đối mặt với những mối đe dọa đối với các yêu sách lãnh thổ của mình.

Tồi tệ nhất là tình thế của TQ trong tương lai sẽ khó có thể được cải thiện. Động lực mà TQ có được do sự tương tác của chiến lược của họ với các bên tranh chấp khác vốn không ổn định; việc chống lại một hành động khiêu khích chỉ dẫn đến một hành động khiêu khích lớn hơn ở một nơi khác. Đến lúc nào đó, Bắc Kinh có thể thấy rằng, họ phải nghiến rằng và chọn lấy một trong hai lựa chọn cực kỳ khó khăn: hoặc leo thang tranh chấp thành một cuộc xung đột hải quân và xem xét những gì sẽ xảy ra trong khu vực, hoặc phải nhượng bộ vùng lãnh thổ có giá trị chiến lược như Bắc Kinh có thể đã làm bốn tháng trước, và sẽ phải đối mặt với khả năng bất ổn trong nước. TQ sẽ làm tất cả những gì có thể để trì hoãn việc lựa chọn này, nhưng sớm muộn gì, TQ cũng phải đi đến quyết định.
Nguồn: Từ Thạch Đường: Đánh giá chiến lược pháp lý của Trung Quốc ở Biển Đông (Magnetic Rocks: Assessing China's Legal Strategy in the South China Sea) / Sean Mirski // The National Interest, 19.5.2014 (Vũ Thị Phương Anh dịch TS, 21.5.2014).
 PrintPrintShare on Zing MeGo.vnPrintPrintPrintChia sẻ bài này lên Yahoo Messenger
E-mailPrint

No comments:

Post a Comment