Hoàng Sa, Trường Sa
có bao nhiêu biển và thềm lục địa?
có bao nhiêu biển và thềm lục địa?
Dương Danh Huy[1]
Quỹ Nghiên cứu Biển Đông
Quỹ Nghiên cứu Biển Đông
Nhớ về biển rộng
Thuyền ghe lướt sóng
Nhớ về nghìn trùng
Nòi giống của chim
Trịnh Công Sơn
1. Ba loại tranh chấp biển tại Biển Đông1.1 Tranh chấp do chồng lấn “bờ-bờ”
1.2 Tranh chấp các vùng biển thuộc “đảo”
1.3 Tranh chấp do chồng lấn “đảo-bờ”2. Các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có bao nhiêu biển?2.1. Khía cạnh pháp lý
2.2. Khía cạnh chiến lược
2.3. Năm loại giải pháp2.3.1 Hoàng Sa, Trường Sa được 100% hay nhiều hiệu lực
2.3.2 Hoàng Sa, Trường Sa được 0% hay ít hiệu lực
2.3.3 Mỗi đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa được hiệu lực tuỳ theo điều kiện địa lý của đảo
2.3.4 Mỗi đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa được hiệu lực tuỳ theo có chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế thuộc bờ hay không
2.3.5 Mỗi đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa được hiệu lực tuỳ theo có chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa thuộc bờ hay không
2.3.6 Cần có sự đồng thuận, bao gồm hay không bao gồm Trung Quốc.3. Các giải pháp và đường chữ U của Trung Quốc♦
Trong tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, tồn tại tranh chấp đảo và tranh chấp biển. Vì Hoàng Sa, Trường Sa bị tranh chấp, câu hỏi “Hoàng Sa, Trường Sa có bao nhiêu biển?” có vai trò quan trọng cho tranh chấp biển.
Mục đích chính của bài viết này không phải là trả lời câu hỏi trên mà là - bằng cách đưa ra những nguyên tắc, những cách phân loại, những bản đồ - đưa ra một số phương tiện để giúp người đọc suy nghĩ về một câu hỏi cực kỳ quan trọng cho tương lai Việt Nam mãi mãi về sau.
1. Ba loại tranh chấp biển tại Biển Đông
Tại Biển Đông, ngoài tranh chấp chủ quyền đối với đảo, còn tồn tại tranh chấp biển. Trong bài viết này, từ “biển” có thể bao gồm mặt biển, cột nước, đáy biển, lòng đất, và trong trường hợp của lãnh hải 12 hải lý thì bao gồm cả bầu trời.
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển thì những vùng biển này có thể bao gồm lãnh hải 12 hải lý, vùng tiếp giáp từ 12 đến 24 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế tối đa là 200 hải lý, thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý, và có thể cả biển quốc tế.
Đại khái, có thể chia Biển Đông thành những vùng biển sau:
1. Các vùng biển thuộc các đảo trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, bao gồm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, bãi cạn Scarborough. Để ngắn gọn, bài viết này sẽ chỉ đề cập tới Hoàng Sa, Trường Sa. Để diễn đạt ngắn gọn, trong bài viết này, từ “đảo” và cụm từ “vùng biển thuộc đảo” sẽ được dùng để nói về các đảo bị tranh chấp, tức là các đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng sẽ không bao gồm các đảo không bị tranh chấp, thí dụ như Lý Sơn, Phú Quý, Côn Sơn, Pratas.
2. Các vùng biển thuộc các vùng lãnh thổ không bị tranh chấp. Để diễn đạt ngắn gọn, trong bài viết này, từ “bờ” và cụm từ “vùng biển thuộc bờ” sẽ được dùng để nói về lãnh thổ không bị tranh chấp và sẽ bao gồm cả bờ địa lý và các đảo không bị tranh chấp, thí dụ như Lý Sơn, Phú Quý, Côn Sơn, Pratas.
3. Vùng biển có tiềm năng là biển quốc tế.
Bản đồ 1: Một số vùng biển có thể thuộc bờ, và lãnh hải 12 hải lý thuộc đảo.
Thí dụ, trong Bản đồ 1:
· Vùng biển giữa bờ Việt Nam và đường xanh có tiềm năng là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý thuộc bờ Việt Nam.
· Khu vực TB là thềm lục địa mở rộng Bắc, bên ngoài 200 hải lý, Việt Nam đã đệ trình với Liên Hiệp Quốc.
· Khu vực TN là thềm lục địa mở rộng Nam, bên ngoài 200 hải lý, Việt Nam và Malaixia đã đệ trình với Liên Hiệp Quốc.
· Khu vực TT là thềm lục địa mở rộng Trung, bên ngoài 200 hải lý, chưa nước nào đệ trình.
· Nếu điều kiện địa lý hữu quan đáp ứng các quy định trong Điều 76 của UNCLOS về thềm lục địa mở rộng thì các khu vực 1, 5 và 20 có thể là thềm lục địa thuộc bờ.
· Bản đồ 1 không vẽ lãnh hải thuộc bờ.
· Các đốm xanh là lãnh hải 12 hải lý thuộc các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough.
· Các vùng biển khác có tiềm năng thuộc đảo sẽ được vẽ trong một số bản đồ sau.
· Tám gạch đỏ đứt khúc là tám trong chín đọan của đường chữ U. Có thể thấy rõ ràng rằng đường chữ U không chỉ đe doạ tất cả các đảo và các vùng biển có thể thuộc đảo, mà còn đe doạ phần lớn diện tích của các vùng biển thuộc bờ.
Với phép chia trên, có thể phân loại tranh chấp biển thành ba dạng như sau.
1.1. Tranh chấp do chồng lấn “bờ-bờ”
Loại tranh chấp thứ nhất là tranh chấp do chồng lấn giữa các vùng biển thuộc bờ của các nước khác nhau.
Đây là những tranh chấp rất bình thường trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng. Tại Biển Đông, các vùng chồng lấn bờ-bờ chỉ là một phần nhỏ của vùng biển thuộc bờ. Khả năng giải quyết hay có giải pháp tạm thời cho những tranh chấp này tương đối cao. Trên thực tế, Việt Nam đã có thoả thuận hay giải pháp tạm thời với một số nước láng giềng cho một số tranh chấp do chồng lấn bờ-bờ, thí dụ như:
· Việt Nam và Thái Lan đã có hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước.
· Việt Nam và Trung Quốc đã phân định Vịnh Bắc Bộ.
· Việt Nam và Indonêxia đã có hiệp định phân định thềm lục địa.
· Việt Nam và Malaixia đã có thoả thuận khai thác chung trong vùng chồng lấn ngoài của Vịnh Thái Lan.
1.2. Tranh chấp các vùng biển thuộc “đảo”
Loại tranh chấp thứ nhì là tranh chấp các vùng biển thuộc đảo. Những tranh chấp này sẽ được và sẽ chỉ được giải quyết khi nào tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa được giải quyết. Nước được cho là sở hữu đảo nào, sẽ sở hữu các vùng biển thuộc đảo đó.
Trên thực tế, triển vọng giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa còn xa vời. Một mặt, Việt Nam không thể bỏ rơi chủ quyền chính đáng của mình. Mặt kia, Trung Quốc, là nước mạnh và đã chứng tỏ quyết tâm của họ, sẽ khó mà bỏ qua đòi hỏi của họ.
Vì vậy, thực tế là triển vọng giải quyết tranh chấp các vùng biển thuộc các đảo Hoàng Sa, Trường Sa còn xa vời.
1.3. Tranh chấp do chồng lấn “đảo-bờ”
Loại tranh chấp thứ ba là tranh chấp do chồng lấn giữa một bên các vùng biển thuộc bờ, và bên kia là các vùng biển thuộc đảo. Đối với loại tranh chấp thứ ba, chúng ta có thể lựa chọn giữa hai phương cách.
1. Phương cách thứ nhất là không giải quyết loại tranh chấp thứ ba cho tới khi loại tranh chấp thứ nhì được giải quyết. Như đã nói, không thể giải quyết loại tranh chấp thứ nhì trước giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, mà triển vọng giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa lại còn xa vời. Vì vậy, nếu lựa chọn phương cách thứ nhất thì triển vọng giải quyết loại tranh chấp thứ ba cũng xa vời.
2. Phương cách thứ nhì là tìm cách giải quyết loại tranh chấp thứ ba ngay cả khi chưa giải quyết được loại tranh chấp thứ nhì. Cơ bản, điều này có nghĩa
a. Xác định, so với bờ, các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được bao nhiêu biển.
b. Các vùng biển được xác định là thuộc đảo sẽ nằm trong loại tranh chấp thứ nhì, tức là sẽ nằm trong tình trạng tranh chấp chủ quyền cho tới khi tranh chấp đảo được giải quyết.
c. Các vùng biển được xác định là không thuộc các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, một là sẽ thuộc về bờ, hai là sẽ là tài sản chung của nhân loại.
d. Phần lớn các vùng biển thuộc bờ sẽ không bị tranh chấp. Mặc dù một phần nhỏ có thể bị tranh chấp do chồng lấn bờ-bờ, đó là dạng tranh chấp có thể giải quyết được.
Phương cách thứ nhì cho phép chúng ta giải quyết một phần, có thể là phần lớn, của các tranh chấp loại ba ngay cả trong khi chưa giải quyết được tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là điều có ích, vì nếu đợi đến khi giải quyết được tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa mới giải quyết các tranh chấp loại ba thì
· không cần thiết,
· không có lợi cho Việt Nam,
· bất lợi cho Việt Nam vì Trung Quốc sẽ lợi dụng tình hình tranh chấp để đòi hỏi ngay cả những vùng biển không thuộc Hoàng Sa, Trường Sa,
· tình hình bất lợi cho Việt Nam sẽ tiếp diễn trong tương lai có thể thấy được, vì triển vọng giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa còn xa vời.
2. Các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có bao nhiêu biển?
Bất kể chọn phương cách thứ nhất hay phương cách thứ nhì để giải quyết tranh chấp do chồng lấn đảo-bờ, các nước trong tranh chấp cũng phải xác định, so với bờ, các đảo Hoàng Sa, Trường Sa được bao nhiêu biển.
Giải quyết vấn đề “Đảo có bao nhiêu biển?” chính là giải quyết tranh chấp do chồng lấn đảo-bờ, vì nếu các nước trong tranh chấp đồng ý về đảo có bao nhiêu biển, bờ có bao nhiêu biển, thì sẽ không còn chồng lấn đảo-bờ nữa.
2.1. Khiá cạnh pháp lý
Các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đều rất nhỏ (đảo lớn nhất ở Hoàng Sa là đảo Phú Lâm, có diện tích khoảng 1,5 km² , đảo lớn nhất ở Trường Sa là Ba Bình, có diện tích gần 0,5 km² phần lớn các đảo có diện tích dưới 1 km²). Điều này nhấn mạnh sự quan trọng của câu hỏi, “Trong trường hợp có chồng lấn với các vùng biển từ các vùng lãnh thổ khác, các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được bao nhiêu biển thì sẽ công bằng?”
Mặc dù UNCLOS quy định rằng khi có tranh chấp gây ra bởi chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa thì tranh chấp phải được giải quyết một cách công bằng, nhưng UNCLOS lại không quy định thế nào là công bằng. Vì vậy, để hiểu về các khía cạnh cho việc xử lý các vùng chồng lấn, chúng ta cũng phải tham khảo thêm các phiên toà của Toà án Công lý Quốc Tế, các tập quán quốc tế, và ý kiến của các học giả.
Có hai thái cực cho các trả lời cho câu hỏi này.
1. Thái cực thứ nhất là các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chỉ nên có lãnh hải 12 hải lý chứ không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa mở rộng. Thái cực này có nghĩa các đảo này có 0% hiệu lực trong việc tính vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
2. Thái cực kia là các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, hay ra tới trung tuyến giữa các đảo này và bờ, và, nếu các điều kiện địa lý hữu quan đáp ứng các quy định trong Điều 76 của UNCLOS về thềm lục địa mở rộng, các đảo này có thể có thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý. Thái cực này có nghĩa các đảo này có 100% hiệu lực so với bờ trong việc tính vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Bản đồ 2: Kịch bản đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Lin Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và Bến Lạc (thuộc quần đảo Trường Sa) được 100% hiệu lực. Gần như tất cả vùng biển trong vòng đen sẽ là vùng đặc quyền kinh tế thuộc Hoàng Sa. Nếu có đảo khác thuộc quần đảo Hoàng Sa cũng được 100% hiệu lực thì vùng đặc quyền kinh tế thuộc Hoàng Sa sẽ còn rộng hơn nữa.
Bản đồ 3: Kịch bản đảo Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc, Trường Sa (thuộc quần đảo Trường Sa), Hoàng Sa và Lin Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) được 100% hiệu lực. Gần như tất cả vùng biển trong vòng đen sẽ là vùng đặc quyền kinh tế thuộc Trường Sa. Nếu có đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa cũng được 100% hiệu lực thì vùng biển này còn rộng hơn nữa.
Lưu ý rằng đường chữ U của Trung Quốc đi còn xa hơn cả thái cực thứ nhì, vì nó cách các đảo xa hơn đường trung tuyến giữa các đảo này và bờ. Điều đó tương đương với các đảo này được cho hơn 100% hiệu lực so với bờ và nói lên một trong nhiều điều vô lý của đường chữ U của Trung Quốc.
Bản đồ 4: Kịch bản đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Lin Côn, Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc, Trường Sa được 100% hiệu lực. Gần như tất cả vùng biển trong hai vòng đen sẽ là vùng đặc quyền kinh tế thuộc Hoàng Sa, Trường Sa. Đường chữ U tương đương với các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được hơn 100% hiệu lực - một trong những điều vô lý về đường đó.
Giữa hai thái cực trên, tồn tại vô số trả lời khác. Thí dụ, mỗi đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có thể được một vùng đặc quyền kinh tế 15, 20 hay 25 hải lý tính từ đường cơ sở của đảo, có nghĩa mỗi đảo được một ít hiệu lực trong việc tính vùng đặc quyền kinh tế. Ngoài ra, vùng biển thuộc về đảo có thể tuỳ thuộc theo một số hay tất cả những yếu tố thí dụ như:
· Diện tích của đảo.
· Vùng đặc quyền kinh tế của đảo có chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của bờ hay không?
· Vùng đặc quyền kinh tế của đảo có chồng lấn lên thềm lục địa mở rộng của bờ hay không?
Đại khái, đảo lớn có thể được nhiều hiệu lực hơn đảo nhỏ, nếu không chồng lấn thì có thể được nhiều hiệu lực hơn chồng lấn.Vùng đặc quyền kinh tế của các đảo sẽ là những vùng khép kín bên trong vùng biển có thể là vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa thuộc bờ, hay là bên trong biển quốc tế.
2.2. Khiá cạnh chiến lược
Lựa chọn trả lời nào trong vô số các trả lời trên không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là vấn đề chiến lược. Về khía cạnh pháp lý, chúng ta có thể thảm khảo tập quán quốc tế và phán quyết của các phiên toà quốc tế. Về khía cạnh chiến lược chúng ta phải xét về lợi ích cũng như nguy cơ trước mắt và trong tương lai cho đất nước, và chúng ta cũng phải xét về tính khả thi của trả lời mà chúng ta chọn.
Điều có thể chắc chắn mà chúng ta cần để ý là, trong điều kiện hiện tại và trong tương lai có thể thấy được, không phải là cho rằng Hoàng Sa, Trường Sa có càng nhiều biển thì càng có lợi cho Việt Nam. Nếu các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được cho là có nhiều nhiều biển thì điều đó sẽ gây ra nhiều chồng lấn lên các vùng biển thuộc bờ. Tuy rằng Việt Nam có thể đòi hỏi các vùng chồng lấn này, tức là dùng Hoàng Sa, Trường Sa để đòi hỏi đẩy ranh giới biển về phía những nước khác, các nước này cũng có thể làm điều tương tự và đòi hỏi đẩy ranh giới biển về phía Việt Nam.
Thí dụ như Trung Quốc có khuynh hướng đòi rất nhiều biển cho Hoàng Sa, Trường Sa. Điều đó làm cho phần lớn Biển Đông bị tranh chấp. Trong tranh chấp thì nước có quyền lực cứng và quyền lợi mềm áp đảo, sẽ có nhiều lợi thế hơn. Nước đó là Trung Quốc chứ không phải Việt Nam. Vì vậy, nới rộng vòng tranh chấp là điều có lợi cho Trung Quốc, trong khi điều đó nguy hiểm cho Việt Nam.
Khía cạnh chiến lược của bài toán “Các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nên có bao nhiêu biển?” có thể được biểu tượng một cách đơn giản hoá như sau:
· b là vùng biển thuộc các đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
· l là lợi ích cho Việt Nam nếu Việt Nam giành được Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển b.
· x là xác suất Việt Nam giành được Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển b.
· h là phương hại cho Việt Nam nếu nước khác giành được Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển b.
· y là xác suất nước khác giành được Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển b. x + y = 1.
· X là chỉ số lợi ích cho Việt Nam nếu b là vùng biển thuộc các đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Hàm số mà chúng ta phải tối đa hoá trong việc lựa chọn một b nào đó không phải là l mà là một hàm số tương tự như
X = l * x – h * y
2.3. Năm loại giải pháp
Theo ý kiến của tác giả, tồn tại năm loại giải pháp chính với các tính chất như sau.
2.3.1. Hoàng Sa, Trường Sa được 100% hay nhiều hiệu lực
Loại giải pháp thứ nhất dựa trên nguyên tắc một số hay tất cả các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có 100% hiệu lực hay nhiều hiệu lực trong việc tính vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đại khái, vùng biển thuộc các đảo này sẽ ra tới, hay gần tới, đường trung tuyến đảo-bờ. Như vậy, giữa Biển Đông sẽ có những vùng biển rộng lớn thuộc về các đảo này. Các vùng biển này sẽ nằm trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, và sẽ thuộc về nước giành được chủ quyền đối với đảo.
Bản đồ 5: Đường đen là kịch bản đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Lin Côn, Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc, Trường Sa được 100% hiệu lực. Tất cả thềm lục địa mở rộng có tiềm năng thuộc bờ Việt Nam và một phần rộng lớn của vùng đặc quyền kinh tế thuộc bờ Việt Nam sẽ nằm trong vòng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Bản đồ 5 cho thấy, với loại giải pháp này, tất cả các khu vực TN, TT, TB, 5, 1, phần lớn khu vực 20, và nhiều khu vực cách bờ dưới 200 hải lý sẽ thuộc về đảo và nằm trong vòng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Nếu Việt Nam chọn loại giải pháp này thì điều đó có nghĩa:
· Việt Nam bỏ ưu thế của mình có từ bờ biển dài của mình và sự kéo dài tự nhiên của thềm lục địa của mình.
· Việt Nam đặt thềm lục địa mở rộng tại TN, TT, TB, quyền đánh cá chung (và các quyền lợi chung khác từ cột nước) tại TN, TT, TB, 1, 5 và 20, và một phần của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý thuộc bờ của mình vào vòng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
· Việt Nam làm hai điều trên với hy vọng giành được thêm cột nước, đáy biển và lòng đất trong các đường đen.
Đó là một canh bạc nguy hiểm.
Với tương quan sức mạnh hiện nay và trong tương lai có thể thấy được, đây là loại giải pháp bất lợi nhất cho Việt Nam.
2.3.2. Hoàng Sa, Trương Sa được 0% hay ít hiệu lực
Loại giải pháp thứ nhì dựa trên nguyên tắc các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có 0% hiệu lực hay ít hiệu lực trong việc tính vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đại khái, mỗi đảo sẽ chỉ có lãnh hải 12 hải lý, vùng tiếp giáp 24 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế ra xa hơn lãnh hải một cách không đáng kể. Thí dụ, vùng đặc quyền kinh tế của đảo có thể ra cách đường cơ sở của đảo 15, 20 hay 25 hải lý. Như vậy vùng biển bị tranh chấp do tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa sẽ rất nhỏ so với tổng diện tích Biển Đông.
Bản đồ 6: Kịch bản các đảo chỉ được lãnh hải 12 hải lý (các đốm xanh). Vùng đặc quyền kinh tế và gần như tất cả thềm lục địa mở rộng có tiềm năng thuộc bờ Việt Nam sẽ nằm ngoài vòng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Bản đồ 6 cho thấy, với loại giải pháp này, phần lớn Biển Đông sẽ không nằm trong vòng tranh chấp. Ngoại trừ lãnh hải 12 hải lý thuộc các đảo Hoàng Sa, Trường Sa (các đốm xanh):
· Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý thuộc bờ Việt Nam sẽ không bị tranh chấp.
· Thềm lục địa Bắc (TB) sẽ thuộc về Việt Nam. Việt Nam, Malaixia và Brunây có thể chia nhau thềm lục địa Nam (TN).
· Việt Nam và Philípin có thể chia nhau thềm lục địa Trung (TT). Nếu tồn tại thềm lục địa mở rộng tại khu vực 1, 5 thì nó sẽ thuộc về Trung Quốc.
· Nếu tồn tại thềm lục địa mở rộng tại khu vực 20 thì thềm lục địa đó sẽ thuộc về Philípin.
· Tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới được chia sẻ quyền lợi kinh tế có từ cột nước trong các khu vực TN, TT, TB, 1, 5 và 20.
Như vậy, với loại giải pháp này, rất nhiều quyền lợi của Việt Nam sẽ không còn bị đe doạ, trong khi Việt Nam không phải bỏ rơi chủ quyền đối với bất cứ đảo nào.
Với tương quan sức mạnh hiện nay và trong tương lai có thể thấy được, loại giải pháp này nằm trong những giải pháp có lợi nhất cho Việt Nam. Đây cũng là một trong những loại giải pháp đơn giản nhất.
2.3.3. Mỗi đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa được hiệu lực tuỳ theo điều kiện địa lý của đảo
Loại giải pháp thứ ba dựa trên nguyên tắc mỗi đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có một vùng đặc quyền kinh tế với diện tích tuỳ theo những yếu tố địa lý của đảo. Những yếu tố địa lý này có thể là những yếu tố được dùng trong Điều 121, Khoản 3 của UNCLOS:
· Đảo là đảo hay đảo đá.
· Khả năng duy trì sự cư ngụ của con người.
· Khả năng duy trì nền kinh tế riêng.
Ngoài ra, diện tích của vùng đặc quyền kinh tế thuộc đảo có thể tuỳ thuộc vào diện tích của đảo, thí dụ như:
· Đảo với diện tích dưới 0.25 km² chỉ được lãnh hải 12 hải lý.
· Đảo với diện tích 0.25-0.5 km² được vùng đặc quyền kinh tế tối đa là 12-15 hải lý.
· Đảo với diện tích 0.5-1 km² được vùng đặc quyền kinh tế tối đa là 15-20 hải lý.
· Đảo với diện tích 1 km² trở lên được vùng đặc quyền kinh tế đối đa là 20-25 hải lý.
Loại giải pháp này có chỉ số l cao hơn trong loại giải pháp thứ nhì. Lý do là vùng đặc quyền kinh tế của các đảo có hiệu lực sẽ nằm chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế thuộc bờ của các nước khác nhiều hơn nằm nằm chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế thuộc bờ của Việt Nam (vì các đảo lớn hơn nằm gần các nước khác hơn Việt Nam).
Nhưng cũng chính vì vậy mà các nước khác sẽ khó chấp nhận giải pháp này hơn, cho nên chỉ số x sẽ thấp hơn trong giải pháp thứ nhì.
2.3.4. Mỗi đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa được hiệu lực tuỳ theo có chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế thuộc bờ hay không
Loại giải pháp loại thứ tư là các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chủ yếu chỉ được cho những vùng đặc quyền kinh tế trong những vùng không có chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế thuộc bờ, và được cho 100% hay nhiều hiệu lực trong những vùng không có chồng lấn đó. Đại khái,
1. Vùng biển cách bờ dưới 200 hải lý sẽ là vùng đặc quyền kinh tế thuộc bờ của các nước hữu quan.
2. Vùng biển cách bờ hơn 200 hải lý sẽ là vùng đặc quyền kinh tế thuộc về đảo.
3. Sẽ không có thềm lục địa thuộc bờ, vì thềm lục địa mở rộng phải cách bờ hơn 200 hải lý, nhưng vùng biển cách bờ hơn 200 hải lý sẽ là vùng đặc quyền kinh tế thuộc về đảo rồi.
Nguyên tắc của loại giải pháp này đại khái là:
· Khi vùng đặc quyền kinh tế của đảo có chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của bờ thì đảo được 0% hiệu lực, bờ được 100% hiệu lực.
· Khi vùng đặc quyền kinh tế của đảo có chồng lấn với thềm lục địa mở rộng của bờ thì đảo được 100% hiệu lực, bờ được 0% hiệu lực.Trong vùng không có chồng lấn, đảo được 100% hiệu lực.
Bản đồ 5 cho thấy, với loại giải pháp này, vùng biển (bao gồm cả đáy biển và lòng đất) cách bờ hơn 200 hải lý, tức là các khu vực TN, TT, TB, 1, 5 và phần lớn khu vực 20, sẽ nằm trong vòng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Ưu điểm của giải pháp này so với loại giải pháp thứ nhì là nếu, và chỉ nếu, Việt Nam bảo vệ được chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa thì các đảo thuộc hai quần đảo này sẽ làm cho vùng Biển Đông bên ngoài 200 hải lý từ bờ trở, tức là các khu vực TN, TT, TB, 1, 5 và phần lớn khu vực 20, trở thành vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nhược điểm của giải pháp này là nước khác có thể dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa để đòi đặc quyền kinh tế trong vùng biển này, tức là họ có thể dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa để làm những việc thí dụ như
· Phủ nhận thềm lục địa mở rộng Bắc (TB) Việt Nam đệ trình với Liên Hiệp Quốc.
· Phủ nhận thềm lục địa mở rộng Nam (TN) Việt Nam và Malayxia đệ trình với Liên Hiệp Quốc.
· Cấm Việt Nam đánh cá xa bờ hơn 200 hải lý.
· Thậm chí, nếu có nước trong tranh chấp mạnh đủ, nước này có thể đơn phương khai thác các vùng trên và thềm lục địa Trung.
Ngoài ra, các nước ngoài tranh chấp có thể phản đối việc các đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa được 100% hiệu lực trong một số khu vực. Nếu vậy thì điều đó sẽ là một sự cản trở cho việc tranh thủ sự ủng hộ từ các nước ngoài tranh chấp.
Nếu Việt Nam chọn loại giải pháp này thì điều đó có nghĩa:
· Việt Nam bỏ ưu thế của mình có từ sự kéo dài tự nhiên của thềm lục địa của mình.
· Việt Nam đặt thềm lục địa mở rộng tại TN, TT, TB và quyền đánh cá chung (và các quyền lợi chung khác từ cột nước) tại TN, TT, TB, 1, 5 và 20 vào vòng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
· Việt Nam làm hai điều trên với hy vọng giành được thêm cột nước, đáy biển và lòng đất trong các khu vực TN, TT, TB, 1, 5 và 20.
Đó là một canh bạc ít nguy hiểm hơn loại giải pháp thứ nhất, nhưng vẫn nguy hiểm.
Với tương quan sức mạnh hiện nay và trong tương lai có thể thấy được, khó có thể nói rằng loại giải pháp này có lợi cho Việt Nam hơn loại giải pháp thứ nhì.
2.3.5. Mỗi đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa được hiệu lực tuỳ theo có chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa thuộc bờ hay không
Có thể cải tiến giải pháp loại thứ tư như sau để đưa thềm lục địa mở rộng của Việt Nam ra khỏi vòng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa nhưng vẫn giữ nhiều quyền lợi cho đảo:
· Trong khu vực có chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế thuộc bờ thì đảo chỉ được 0% hiệu lực hay ít hiệu lực trong việc tính vùng đặc quyền kinh tế.
· Trong khu vực có chồng lấn với thềm lục địa mở rộng thuộc bờ, nhưng không có chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế thuộc bờ, thì bờ được 100% hiệu lực, đảo được 0% hiệu lực hay ít hiệu lực trong việc tính thềm lục địa. Điều này có nghĩa thềm lục địa mở rộng thuộc về bờ, nhưng quyền lợi từ cột nước thuộc về đảo. Lưu ý là khu vực này nằm cách bờ hơn 200 hải lý cho nên cột nước không thể thuộc về bờ.
· Vùng biển nằm ngoài với thềm lục địa mở rộng thuộc bờ (tức là ngoài cả vùng đặc quyền kinh tế thộc bờ) sẽ là vùng đặc quyền kinh tế thuộc đảo.
Có thể minh hoạ loại giải pháp này như sau. Vùng đặc quyền kinh tế thuộc bờ ra tới 200 hải lý. Giả sử thềm lục địa mở rộng thuộc bờ ra tới 250 hải lý. Giả sử đảo nằm cách bờ 300 hải lý. Với minh hoạ này:
· Vùng biển cách bờ dưới 200 hải lý sẽ là vùng đặc quyền kinh tế thuộc bờ.
· Quyền lợi kinh tế trong vùng biển từ 200 tới 250 hải lý cách bờ được chia như sau: quyền lợi kinh tế đối với đáy biển và lòng đất thuộc về bờ, quyền lợi kinh tế đối với cột nước thuộc về đảo.
· Vùng biển cách bờ hơn 250 hải lý là vùng đặc quyền kinh tế thuộc đảo.
Như vậy, trong minh hoạ trên, vùng biển cách bờ hơn 250 hải lý và quyền lợi kinh tế cột nước thuộc về đảo và nằm trong vòng tranh chấp đảo, nhưng vùng đặc quyền kinh tế thuộc bờ và thềm lục địa thuộc bờ sẽ không nằm trong vòng tranh chấp đó.
Bản đồ 6 cho thấy, với loại giải pháp này, phần lớn Biển Đông sẽ không nằm trong vòng tranh chấp. Ngoại trừ lãnh hải 12 hải lý thuộc các đảo Hoàng Sa, Trường Sa (các đốm xanh):
· Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý thuộc bờ Việt Nam sẽ không bị tranh chấp.
· Thềm lục địa Bắc (TB) sẽ thuộc về Việt Nam.
· Việt Nam, Malayxia và Brunei có thể chia nhau thềm lục địa Nam (TN).
· Việt Nam và Philípin có thể chia nhau thềm lục địa Trung (TT). Nếu tồn tại thềm lục địa mở rộng tại khu vực 1, 5 thì nó sẽ thuộc về Trung Quốc.
· Nếu tồn tại thềm lục địa mở rộng tại khu vực 20 thì thềm lục địa đó sẽ thuộc về Philípin.
· Quyền lợi kinh tế có từ cột nước trong các khu vực TN, TT, TB, 1, 5 và 20 sẽ thuộc về đảo và sẽ nằm trong vòng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là điểm mà loại giải pháp 5 khác với loại giải pháp 2.
Nếu Việt Nam chọn loại giải pháp này thì điều đó có nghĩa:
· Việt Nam đặt quyền đánh cá chung (và các quyền lợi chung khác từ cột nước) trong các khu vực TN, TT, TB, 1, 5 và 20 vào vòng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
· Việt Nam hy vọng rằng sẽ giành được độc quyền đối với quyền đánh cá chung (và các quyền lợi chung khác từ cột nước) trong các vùng trên, và giành được lòng đất và đáy biển trong các vùng 1, 5 và 20.
Thoạt nhìn thì loại giải pháp thứ năm có vẻ lạ vì trong UNCLOS không có cơ chế mà trong đó quyền lợi kinh tế đối với thềm lục địa thuộc về một nước, trong khi quyền lợi kinh tế đối với cột nước có thể thuộc về một nước khác (nếu nước giành được đảo là nước khác).
Tuy nhiên, trong UNCLOS có cơ chế mà quyền lợi kinh tế đối với đáy biển và lòng đất thuộc về một nước, trong khi quyền lợi kinh tế đối với cột nước thuộc về tất cả các nước trên thế giới – đó là cơ chế thềm lục địa mở rộng trong Phần VI của UNCLOS. Cơ chế này có phần (nhưng không hoàn toàn) tương tự với loại giải pháp thứ năm.
Trong tập quán quốc tế, cũng có những trường hợp mà đáy biển và lòng đất thuộc về một nước, trong khi quyền đánh cá thuộc về một số nước bao gồm nước đó, thí dụ như ranh giới thềm lục địa giữa các nước Liên Hiệp Âu Châu và ranh giới thềm lục địa trong Địa Trung Hải. Tập quán này này có phần (nhưng không hoàn toàn) tương tự với loại giải pháp thứ năm.
Quan trọng nhất, khu vực chúng ta đang nói tới là khu vực chồng lấn (vùng biển từ 200 tới 250 hải lý trong minh hoạ là vùng chồng lấn giữa vùng đặc quyền kinh tế thuộc đảo và thềm lục địa mở rộng thuộc bờ). UNCLOS quy định rằng nếu có tranh chấp do chồng lấn thì tranh chấp phải được giải quyết một cách công bằng nhưng không có quy định về cách phân chia cụ thể.
Trong vùng biển từ 200 tới 250 hải lý trong minh hoạ, UNCLOS không cấm các nước trong tranh chấp đồng ý rằng thềm lục địa mở rộng thuộc về bờ, thay vì thuộc về đảo.
Ngoài ra, vùng biển này cách bờ hơn 200 hải lý cho nên quyền lợi kinh tế đối với cột nước không thể thuộc về bờ. Vì vậy, việc giải pháp này cho rằng cột nước không thuộc về bờ là điều phù hợp với UNCLOS. Tất nhiên, trong khu vực cách bờ hơn 200 hải lý, cột nước có thuộc về đảo hay là tài sản chung của nhân loại, là điều mà các nước trong tranh chấp và ngoài tranh chấp có thể tranh cãi.
Loại giải pháp thứ năm phức tạp hơn loại giải pháp thứ tư nhưng có lợi cho Việt Nam hơn vì với loại giải pháp thứ năm thì thềm lục địa mở rộng của Việt Nam sẽ nằm ngoài vòng tranh chấp.
Loại giải pháp thứ năm phức tạp hơn loại giải pháp thứ nhì và thứ ba nhưng có chỉ số l cao hơn. Chỉ số x có thể cũng cao hơn (hay ít nhất thì thỉ số x cũng không thấp hơn). Nhược điểm của giải pháp thứ năm so với giải pháp thứ nhì có thể là:
· Trong lãnh vực tranh thủ sự ủng hộ của các nước ngoài khu vực. Thứ nhất, các nước này có thể phản đối việc cột nước các bờ hơn 200 hải lý thuộc về đảo. Thứ nhì, giải pháp này phức tạp hơn giải pháp thứ nhì.
· Chỉ số h cao hơn trong loại giải pháp thứ nhì và thứ ba. Lý do là nếu nước khác giành được Hoàng Sa hay Trường Sa hay cả hai thì những quyền lợi kinh tế từ cột nước sẽ thuộc về nước này.
Tuy nhiên những giải pháp loại thứ năm vẫn là trong những giải pháp có lợi nhất cho Việt Nam.
Theo ý kiến của tác giả, loại giải pháp thứ nhì thích hợp cho việc tranh thủ dư luận đại chúng hơn, và loại giải pháp thứ năm có thể được dùng trong những phân tích chuyên sâu hơn.
2.3.6. Cần có sự đồng thuận, bao gồm hay không bao gồm Trung Quốc
Một trong những quan ngại chúng ta có thể có là nếu Việt Nam chọn một giải pháp mà các đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ít hiệu lực trong việc tính vùng đặc quyền kinh tế so với bờ thì sẽ bất lợi cho chúng ta nếu nước khác chọn giải pháp mà Hoàng Sa, Trường Sa có nhiều hiệu lực.
Lập luận đằng sau quan ngại này là nếu chúng ta chọn quan điểm “Hoàng Sa, Trường Sa có ít hiệu lực” thì chúng ta không thể dùng Hoàng Sa, Trường Sa để đòi lấn vào thềm lục địa mở rộng và vùng đặc quyền kinh tế thuộc bờ của các nước kia, trong khi nếu nước khác chọn quan điểm “Hoàng Sa, Trường Sa có nhiều hiệu lực” thì họ có thể thể dùng Hoàng Sa, Trường Sa để đòi lấn vào thềm lục địa mở rộng và vùng đặc quyền kinh tế thuộc bờ của Việt Nam.
Nhưng chúng ta không cần phải quan ngại về điều đó.
Nếu Việt Nam chọn “Hoàng Sa, Trường Sa không có nhiều hiệu lực”, thí dụ như một trong những giải pháp trong các loại từ hai tới năm thì không có nghĩa là Việt Nam đơn phương tự ràng buộc mình vào giải pháp đó, hay làm cho các nước khác hay các trọng tài quốc tế ràng buộc Việt Nam vào giải pháp đó. Việt Nam có thể đưa ra giải pháp mình chọn như một đề xuất trong đàm phán và bảo lưu quyền chọn giải pháp khác cho tới khi tất cả các nước trong tranh chấp ký kết hiệp định chọn một giải pháp nào đó. Như vậy, Việt Nam sẽ không hề bị thiệt hai nếu như có nước không đồng ý với quan điểm “Hoàng Sa, Trường Sa không có nhiều hiệu lực”.
Vì vậy, không tồn tại chuyện Việt Nam đơn tìm cách đi đến sự đồng thuận là một phần không thể thiếu được của các giải pháp.
Ngay cả trong trường hợp Trung Quốc khăng khăng đòi hỏi ranh giới đường chữ U, Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong tranh chấp vẫn có thể đàm phán để tìm một lập trường chung với một giải pháp thích hợp nào đó, tranh thủ sự ủng hộ của thế giới cho giải pháp mà các nước này lựa chọ được qua đàm phán, gây áp lực cho Trung Quốc chấp nhận giải pháp đó, nhưng vẫn bảo lưu quyền thay đổi quan điểm cho tới khi tất cả các nước trong tranh chấp ký kết hiệp định chọn một giải pháp nào đó.
Nếu không thể đi tới bất cứ sự đồng thuận nào về các đảo Hoàng Sa, Trường Sa được bao nhiêu biển, chúng ta nên yêu cầu Toà án Luật Biển Quốc tế trả lời câu hỏi này, hoặc xin một Ý kiến Tư vấn của Toà án Công lý Quốc tế. Toà án Công lý Quốc tế đã phân xử một số trường hợp tranh chấp biển. Trong những vụ phân xử tranh chấp biển trước đây, các phán quyết của Toà đều thể hiện tính khoa học và công bằng cao, đối nghịch hẳn với yêu sách đường chữ U của Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta có thể tin tưởng được rằng phán quyết của Toà án Luật Biển Quốc tế hay Ý kiến Tư vấn của Toà án Công lý Quốc tế về Hoàng Sa, Trường Sa được bao nhiêu biển sẽ bác bỏ đường chữ U của Trung Quốc.
3. Các giải pháp và đường chữ U của Trung Quốc
Mặc dù Việt Nam, Philípin, Malayxia và Brunây có tranh chấp biển đảo với nhau, mối đe doạ lớn nhất cho Việt Nam là Trung Quốc. Nếu Trung Quốc thực hiện được đường chữ U, hay phần lớn chủ trương của họ, thì tương lai của Việt Nam sẽ vô cùng bấp bênh. Nếu việc đó xảy ra thì nó sẽ là sự mất mát lãnh thổ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, và thế hệ chúng ta cùng với thế hệ đàn anh sẽ chịu nhiều trách nhiệm.
Là nước nhỏ, để chống trả, chúng ta phải tận dung biện pháp ngoại giao. Tuy không nên tin tưởng rằng nếu Trung Quốc sử dụng bạo lực thì sẽ có nước nào đó giúp chúng ta, nhưng ngoại giao có trọng lượng trên bàn cân “đánh hay không” của Trung Quốc. Chúng ta phải tăng tối đa trọng lượng này.
Trong chiến lược ngoại giao của ta phải có quyền lợi gì cho các nước khác. Tốt nhất là chiến lược ngoại giao của chúng ta có khía cạnh giúp những nước khác giành cho họ những quyền lợi không phải, hay chưa chắc là, của ta. Các loại giải pháp trong đó Hoàng Sa, Trường Sa không có, hay có ít, hiệu lực trong việc tính vùng đặc quyền kinh tế trong những vùng có chồng lấn đảo-bờ,
· vừa có quyền lợi cho các nước khác trong những vùng biển không phải, hay chưa chắc là, của ta,
· vừa đặt các vùng biển thuộc bờ Việt Nam ra ngoài vòng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa,
· vừa có nghĩa Việt Nam không phải nhương bộ chủ quyền đối với bất cứ đảo nào.
Theo ý kiến của tác giả đó là những loại giải pháp tối ưu cho Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại và trong tương lai có thể thấy được.
Trở ngại lớn nhất cho việc giải quyết tranh chấp Biển Đông là Trung Quốc. Thay vì có một lập trường nào đó về bao nhiêu biển thuộc về đảo, bao nhiêu biển thuộc về bờ của nước nào thì sẽ phù hợp với luật quốc tế, với các tiêu chuẩn khách quan, và với sự công bằng, Trung Quốc đòi hỏi đường chữ U bằng cách dùng lập luận mà họ gọi là “lịch sử”.
Vì Trung Quốc là nước có sức mạnh quân sự và sức mạnh mềm áp đảo, tồn tại ý kiến rằng bất cứ quan điểm nào về hiệu lực của các đảo nói riêng, hay giải pháp cho tranh chấp nói chung, cũng đều vô ích, vì Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ quan điểm nào khác quá so với đường chữ U.
Đúng là khả năng là Trung Quốc sẽ tìm cách đòi hỏi và chiếm đoạt nhiều nhất có thể bên trong đường chữ U, tức là khả năng là Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ giải pháp nào mà theo đó Hoàng Sa, Trường Sa có ít hiệu lực so với bờ. Không những thế, khả năng là Trung Quốc sẽ chống cả việc xác định vùng biển thuộc Hoàng Sa, Trường Sa một cách khách quan, khoa học, rõ ràng.
Mặc dù thực tế là như thế, việc nghiên cứu các giải pháp và tìm cách đi đến một lập trường chung cũng vẫn cần thiết.
Nếu các nước Đông Nam Á trong tranh chấp có lập trường chung về một giải pháp thì dù Trung Quốc có không đồng ý đi nữa thì tình hình Biển Đông cũng sẽ khá lên nhiều.
Trước nhất các nước Đông Nam Á trong tranh chấp sẽ giảm bớt tranh chấp biển với lẫn nhau. Như vậy, thế giới sẽ thấy rõ Trung Quốc là nước duy nhất trong tranh chấp có lập trường khác với đa số, và là nước cản trở sự giảm tranh chấp. Sau đó, nếu có đủ quyết tâm, các nước Đông Nam Á trong tranh chấp có thể ủng hộ lẫn nhau trong lập trường chung, và có thể cùng nhau tranh thủ sự ủng hộ của thế giới cho lập trường đó. Nếu một nước trong tranh chấp tranh thủ sự ủng hộ của thế giới cho lập trường riêng của mình thì khó thành công, nhưng nếu nhiều nước cùng nhau tranh thủ sự ủng hộ cho một lập trường chung thì khả năng thành công sẽ cao hơn rất nhiều.
Một lập trường chung của các nước Đông Nam Á trong tranh chấp, cộng với sự ủng hộ của thế giới cho lập trường đó, sẽ cản trở hành vi bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Vì vậy, việc tìm hiểu về tính lợi hại và tính khả thi của các quan điểm khác nhau là điều tối cần thiết.
[1] Tác giả cảm ơn TS Vũ Quang Việt đã góp ý cho bài này và cảm ơn Lê Minh Phiếu về việc dùng một đoạn từ bài “Việt Nam trước chủ trương của Trung Quốc đối với Biển Đông” (Lê Minh Phiếu và Dương Danh Huy, VNN, 11/01/2009, trên mạng: http://www.tuanvietnam.net/2009-01-11-viet-nam-truoc-chu-truong-cua-trung-quoc-doi-voi-bien-dong)
© Thời Đại Mới
No comments:
Post a Comment