Sunday, August 24, 2014

Mai Thái Lĩnh - Sự thật về Thác Bản Giốc (Phần I)

Mai Thái Lĩnh - Sự thật về Thác Bản Giốc (Phần I)

Mai Thái Lĩnh
Chia sẻ bài viết này
Vào những tháng cuối năm 2011, “Thác Bản Giốc” bỗng nhiên lại trở thành đề tài hàng đầu của báo chí trong nước. Điều khiến cho các nhà báo cảm thấy bức xúc là tình trạng mất cân đối giữa hai bên: trong khi ngành du lịch Trung Quốc thu hút được gần một triệu du khách hàng năm nhờ vào thắng cảnh này thì về phía Việt Nam, số lượng du khách đến thăm Thác Bản Giốc chỉ vào khoảng 30 ngàn. Nhiều lý do đã được nêu ra để lý giải: do cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, do “Hiệp định hợp tác khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc” chưa được ký kết, v.v… Thậm chí, trên báo Thanh Niên, các phóng viên còn biểu lộ lòng yêu nước bằng cách phê phán các báo phương Tây (như trang mạng News.com.au của Úc hay tạp chí Life của Mỹ) đã “xâm hại nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam” khi chú thích ảnh chụp Thác Bản Giốc là “Detian Falls, China” (Thác Đức Thiên, Trung Quốc).[1]
Vấn đề đặt ra là: tại sao trong khi chưa ký kết “hiệp định hợp tác”, phía Trung Quốc vẫn có thể tiến hành khai thác du lịch một cách có hiệu quả không cần đến sự hỗ trợ của phía Việt Nam? Ngược lại, tại sao phải cần đến một “hiệp định hợp tác” thì Thác Bản Giốc của nước ta mới có thể “cất cánh”? Hơn thế nữa, tại sao Thác Bản Giốc lại trở thành Thác Đức Thiên, tại sao một thác nước trước đây được coi là của riêng Việt Nam nay lại trở thành “thác nước chung” của hai quốc gia? Trên báo chí hợp pháp (thường được gọi là báo chí “lề phải”), chưa thấy ai đặt ra những câu hỏi tương tự. Nhưng đó lại là những câu hỏi quan trọng cần được giải đáp nghiêm túc trước khi trả lời câu hỏi “ai mới thật sự là kẻ xâm hại nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam?”.

1. Thác Bản Giốc có gì lạ?

danluan_00032.jpg
Ảnh 1: Bản đồ huyện Thượng Lang – Cao Bằng thời Pháp thuộc.
Hai chữ Ban Gioc trên bản đồ là “làng” Bản Giốc ở gần thác nước.
Thác Bản Giốc là một thắng cảnh nổi tiếng của nước ta ở vùng biên giới Việt – Trung. Vào thời nhà Nguyễn và thời Pháp thuộc, thác này nằm trong địa phận của huyện Thượng Lang, ngày nay thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Trên các bản đồ của vùng này, vị trí của thác nước thường không được ghi rõ; hai chữ “Bản Giốc” được nhìn thấy trên bản đồ thật ra nhằm để chỉ một bản (làng) của người Tày ở gần thác nước chứ không nhằm chỉ vị trí của thác nước (ảnh 1).
Điều gì làm cho Thác Bản Giốc trở thành đặc sắc so với tất cả các thác nước trên toàn cõi Việt Nam? Trong cuốn Thiên nhiên Việt Nam (ấn bản năm 1977), nhà địa lý học Lê Bá Thảo đã miêu tả Thác Bản Giốc như sau:
“Sông Quây Sơn ở phía bắc Thượng Lang sau khi chảy qua một vùng đá vôi rộng lớn đến Bản Giốc thì đổ vào khu vực đá phiến tạo thành ba bậc thác nước chênh nhau đến 34 m. Vào mùa lũ (từ tháng 5 đến tháng 9), nước từ các hốc ngầm đá vôi ở thượng lưu tuôn đến đổ xuống các bậc tung bọt nước trắng xóa, làm đoạn thung lũng ở phía dưới thác mở ra rất rộng. Đứng trên bãi cát ven sườn thung lũng, người ta có cảm tưởng bị vây quanh bởi những bức tường nước đồ sộ nhưng chúng không hề gây cho chúng ta cảm giác sợ hãi. Trái lại, phong cảnh lại cực kỳ đẹp đẽ và bình dị.”[2] “Ba bậc thác nước chênh nhau đến 34 m” chính là vẻ đẹp cốt lõi của Thác Bản Giốc, làm cho nó khác hẳn tất cả các thác nước khác ở nước ta.
danluan_00033.jpg
Ảnh 2: Toàn cảnh Thác Bản Giốc vào mùa nước cạn. Bờ nam (hữu ngạn) của sông Quây Sơn là lãnh thổ của Việt Nam. Bờ bắc (tả ngạn) ngày nay thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.
Nếu nhìn một cách toàn diện, Thác Bản Giốc bao gồm hai phần. Phần thác chính ở phía bắc là “ba bậc thác nước chênh nhau đến 34m” như trên vừa nói - tạm gọi là “thác ba tầng”; phần thác phụ ở phía nam là “ba dòng thác” đổ từ trên cao xuống tương tự những thác thường thấy trong khắp cả nước, không có gì đặc sắc. Vào mùa nước lớn, khi nước chảy tràn trề, người ta có thể nhìn thấy rõ ba dòng thác làm nên thác phụ; nhưng đến mùa khô, nơi đây chỉ còn các dòng nước teo tóp đổ vào một vũng nước hẹp. Vì thế có thể nói phần thác chính mới là “linh hồn” của Thác Bản Giốc. Những hình ảnh ngày xưa thường thấy trên các sách ảnh hay lịch treo tường thường là ảnh của phần thác chính. Do đó trước đây mỗi khi nghe nói đến Thác Bản Giốc, ít ai biết đến phần thác phụ. Điều đáng nói hơn cả là: vẻ đẹp của Thác Bản Giốc – dù là thác chính nói riêng hay toàn bộ hai phần của thác, chỉ thể hiện một cách trọn vẹn khi được nhìn ngắm từ chính diện hay từ phía “bờ bên kia”, tức là bờ phía bắc (tả ngạn sông Quây Sơn). Từ bờ Nam (hữu ngạn), chúng ta không thể nhìn thấy toàn cảnh của hai phần thác. Nếu chịu khó đi ra tận doi đất ven sông ở hạ lưu, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy“thác ba tầng”, nhưng chỉ có thể nhìn nghiêng chứ không thể nhìn được chính diện (ảnh 3).
danluan_00034.jpg
Ảnh 3: Dòng chính của Thác Bản Giốc nhìn từ doi đất ở hữu ngạn thuộc lãnh thổ Việt Nam
Như vậy, không cần phải là chuyên gia về du lịch, chúng ta cũng có thể thấy ngay được sự thật: ai sở hữu được bờ bắc (tả ngạn sông Quây Sơn) sẽ nắm được thế thượng phong trong khai thác du lịch vì từ phía này, người ta có thể nhìn thấy toàn cảnh của thác (kể cả hai phần chính và phụ), có thể đi ngược dòng sông bằng thuyền bè đến tận chân thác, thậm chí có thể trèo lên tận đỉnh thác để ngắm cảnh, chụp ảnh, ... Trong khi đó, người nắm giữ bờ phía nam không thể giúp du khách nhìn ngắm tất cả các vẻ đẹp của thác – trừ khi phải nhờ cậy phía bên kia.
Kể từ khi sở hữu được bờ bắc của sông Quây Sơn, nhà cầm quyền Trung Quốc đã đưa Thác Bản Giốc vào danh sách các điểm du lịch với cái tên mới là Đức Thiên (德天, Detian). Theo lộ trình thông thường, các du khách đi từ phía Trung Quốc sẽ được chở bằng xe ca đến một địa điểm ở phía đông-nam của thác. Sau đó du khách sẽ đi bộ một quãng đường và trên đường đi, họ có thể chụp được các tấm ảnh toàn cảnh đẹp như tranh vẽ – kể cả phần thác phụ nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Du khách cũng có thể dùng bè để đi đến chân thác.
danluan_00035.jpg
Ảnh 4: Hình ảnh thơ mộng chụp từ phía Trung Quốc
danluan_00036.jpg
Ảnh 5: Du khách dùng bè để đi đến chân thác
Một lợi thế khác của bờ bắc là du khách có thể trèo lên thượng nguồn, mua sắm ở chợ trời biên giới để rồi sau đó trở lại phía hạ lưu, không cần phải sang bờ phía nam.
Tóm lại, phía Trung Quốc có thể tự mình khai thác du lịch ở thắng cảnh này. Ngược lại, nếu muốn khai thác du lịch có hiệu quả, lôi kéo được khách quốc tế, phía Việt Nam buộc phải nhờ vả ông bạn“16 chữ vàng”, mà đã nhờ vả thì đương nhiên phải chấp nhận các điều kiện do phía bên kia đặt ra.
danluan_00037.jpg
Ảnh 6: Thác Bản Giốc: đường lên thượng nguồn từ bờ bắc.
Việc Trung Quốc nắm được ưu thế trong kinh doanh du lịch ở khu vực Thác Bản Giốc không cần đến Việt Nam đã mặc nhiên bác bỏ luận điệu của các nhà ngoại giao khi cho rằng “trong việc phân chia, ta vẫn được phần nhiều hơn vì được toàn bộ phần thác phụ cộng với một nửa phần thác chính”. Thật ra, cách lập luận này của ông Vũ Dũng (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) vào năm 2009 chỉ là một sản phẩm của thuật ngụy biện nhằm lừa dối dư luận. Nếu xem xét Thác Bản Giốc như một thắng cảnh đẹp, một tài nguyên thiên nhiên thì vấn đề chính không phải là giữ được phần nhiều hơn (toàn bộ thác phụ cộng với một nửa của thác chính), bởi vì phần bị mất đi (nửa thác chính) tuy ít hơn, nhưng cộng với toàn bộ bờ bên trái sông Quây Sơn lại chính là phần đẹp nhất, phần quan trọng nhất của thắng cảnh. Bài toán chủ quyền không chỉ đơn thuần là một bài toán cộng trừ như ông Vũ Dũng (và những người lãnh đạo ở phía sau) đã “tính toán”. Đó là chưa kể đến giá trị của bờ bắc (tả ngạn) sông Quây Sơn xét về mặt quốc phòng, giá trị mà không có bài toán số học nào có thể lấp liếm được, như chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau.

2. Tại sao phải chia một phần Thác Bản Giốc cho Trung Quốc?

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn dành cho Thu Uyên (phóng viên của trang mạng VASC Orient)[3] vào đầu năm 2002, ông Lê Công Phụng (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) đã phát biểu như sau:
Ông LCP: Về thác Bản Giốc, thì đây là điều rất phức tạp. Chúng tôi cũng rất lạ là trong sách sử của chúng ta và Trung Quốc từ năm 1960 đến nay, không ai nói thác Bản Giốc có phần là của Trung Quốc. Ngay Trung Quốc cũng không nói đấy là của Trung Quốc. Còn đối với chúng ta, thác này đã đi vào sử sách, nhất là sách giáo khoa của học sinh, thành di tích, điểm du lịch được nhiều người ưa chuộng. Đây là điều mà chúng tôi rất khó hiểu, bởi lẽ trong công ước giữa nhà Thanh và Pháp, thác Bản Giốc chỉ thuộc về chúng ta có 1/3 thôi; và theo thực trạng cột mốc được cắm từ thời nhà Thanh, thì chúng ta cũng chỉ được 1/3 thác.
VASC OrientTức là cột mốc đang tồn tại đã được cắm từ thời Thanh?
Ông LCP: Đúng vậy. Cột mốc đang tồn tại đã được cắm từ thời Thanh, xác định chỉ có chưa được một nửa thác Bản Giốc là ở bên phía ta. Theo quy định quốc tế, khi phân giới cắm mốc thì thác được coi như một dòng sông, một dòng suối. Đã là sông suối thì đường biên giới đi qua luồng chính, tức là chỗ tàu thuyền đi lại được. Còn đối với sông suối nơi tàu thuyền không đi lại được, thì đường biên giới phải đi theo rãnh sâu nhất.
VASC OrientChẳng nhẽ tất cả các khách du lịch, trong đó có những người có trách nhiệm, đi thăm thác Bản Giốc mà không phát hiện ra cột mốc nằm đó hay sao?
Ông LCP: Cột mốc không nằm sát Bản Giốc. Khi chúng tôi khảo sát thì mới thấy cột mốc nằm trên một cồn nhỏ ở giữa suối, cách đấy khoảng mấy trăm thước. Vì vậy nên cũng không mấy ai quan tâm đến cột mốc ở thác Bản Giốc.
Trước tình hình như vậy, chúng tôi nghĩ rằng trong đàm phán phải hợp lý, thỏa đáng phù hợp với mặt pháp lý. Chúng ta phải căn cứ vào những thỏa thuận pháp lý Thanh - Pháp, căn cứ vào biểu đồ, căn cứ vào cột mốc hiện có mà dân địa phương nói là cột mốc đó từ xưa đến nay chưa ai thay đổi cả. Cuối cùng, lãnh đạo chúng ta cũng nhất trí trong tất cả các điều kiện ấy, không thể đòi hỏi thác Bản Giốc phải là của chúng ta hoàn toàn được. Lẽ ra theo thực tiễn thì chúng ta chỉ được 1/3. Nhưng sau đàm phán, chúng ta và bạn đã thỏa thuận thác Bản Giốc được chia đôi, mỗi bên được 50%. Hiện nay cả 2 bên đang tiến hành khai thác du lịch phía bên mình.
Ở chỗ này, nếu nói chúng ta bán đất thì hoàn toàn vô lý. Pháp lý lẫn thực tiễn đều không cho phép chúng ta giữ chủ quyền trên toàn bộ thác Bản Giốc.”[4]
Tóm lại, theo ông Lê Công Phụng, do phát hiện một cột mốc “nằm trên một cồn nhỏ ở giữa suối”cách Thác Bản Giốc “khoảng mấy trăm thước”, cho nên đoàn đàm phán của Việt Nam mới phải tính toán lại chủ quyền đối với Thác Bản Giốc.
danluan_00038.jpg
Ảnh 7: Bản đồ khu vực 186 C (vùng tranh chấp ở Cồn Pò Thoong)
Tấm bản đồ 186 C về khu vực tranh chấp cồn Pò Thoong được công bố trên báo Diễn Đàn của Việt kiều tại Pháp vào năm 2002 (xem ảnh 7). Được giới thiệu là “tài liệu mật” rò rỉ từ Thường trực Bộ Chính trị ĐCSVN, tài liệu này nhằm giải thích lý do tranh chấp giữa hai bên. Vì “phát hiện” ra cột mốc 53 cho nên dựa theo “luật pháp quốc tế”, đường biên giới phải chạy ở phía nam cồn Pò Thoong dựa vào trung tuyến của dòng chảy chính và như thế, toàn bộ cồn Pò Thoong phải thuộc về Trung Quốc; phía Việt Nam chỉ được 1 phần 3 của thác chính.
Theo giải thích chính thức đăng trên Tạp chí Cộng sản thì sau nhiều lần đàm phán gay go, hai bên đã đạt thỏa thuận: “Đường biên giới đi từ mốc 53 (cũ) lên cồn Pò Thoong rồi đến điểm giữa của mặt thác chính. Như vậy, toàn bộ thác phụ và 1/2 thác chính quy thuộc Việt Nam. Hai bên cũng thoả thuận sẽ bàn bạc việc hợp tác phát triển tiềm năng du lịch tại Thác Bản Giốc.”[5]
Nhìn vào tấm bản đồ do Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố (ảnh 8), chúng ta thấy đường biên giới được vạch từ cột mốc số 835 (là cột mốc mới thay cho cột mốc 53 trước đây) đi qua cồn Pò Thoong (trong ảnh ghi là cồn Pò Đon) đến điểm giữa của thác chính (thác ba tầng) và sau đó đường biên giới chạy theo trung tuyến của dòng sông Quây Sơn. Để giải quyết tranh chấp theo cách phân chia phức tạp đó, từ cột mốc 835 còn sinh ra thêm nhiều cột mốc phụ: cột mốc phụ 835/1 nằm sát bờ sông, cột mốc phụ 835/2 nằm trên cồn Pò Thoong và hai cột mốc phụ ở hạ lưu: 836(1) nằm ở tả ngạn trên lãnh thổ Trung Quốc và 836(2) nằm trên doi đất thuộc lãnh thổ Việt Nam (giữa thác chính và thác phụ).
danluan_00039.jpg
Ảnh 8: Sơ đồ Thác Bản Giốc và đường biên giới mới
Nhưng tại sao cồn Pò Thoong lại bị chia cắt theo công thức “1 phần 4 thuộc về Việt Nam, 3 phần 4 thuộc về Trung Quốc”? Ông Nguyễn Hồng Thao, Phó giáo sư Tiến sĩ, thành viên đoàn đàm phán, giải thích như sau:
“Tại khu vực thác Bản Giốc, theo quy định của Hiệp ước 1999, luật pháp và thông lệ quốc tế, đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy phía Nam cồn Pò Thoong, hai bên đã điều chỉnh đường biên giới đi qua cồn Pò Thoong, qua dấu tích trạm thủy văn xây dựng những năm 1960, quy thuộc 1/4 cồn, 1/2 thác chính và toàn bộ thác cao cho Việt Nam.”[6]
Điều đó có nghĩa là: đáng lẽ “theo quy định của Hiệp ước 1999, luật pháp và thông lệ quốc tế” thì cồn Pò Thoong (rộng khoảng 2,6 hec-ta) hoàn toàn thuộc về Trung Quốc, nhưng do “ta đã đấu tranh quyết liệt và bạn đã nhân nhượng”, cho nên hai bên mới điều chỉnh đường biên giới để Việt Nam còn sở hữu được 1 phần 4 cồn. Nhưng điều kỳ lạ là trên cồn Pò Thong còn có “dấu tích Trạm thủy văn xây dựng vào những năm 1960”. Trạm thủy văn này do ai xây dựng; kẻ xây dựng đó là kẻ lấn chiếm hay là kẻ sở hữu cồn Pò Thong? Không thấy ai giải thích rõ điều này.
danluan_00040.jpg
Ảnh 9: Cách phân chia lại Thác Bản Giốc
Có một chi tiết cho thấy cách tư duy và lập luận rất kỳ lạ của các nhà ngoại giao Việt Nam: phần thác chính (ba tầng) được gọi là “thác thấp”, phần thác phụ (ba dòng) lại được gọi là “thác cao”. Độc giả có thể nhìn vào ảnh 9 để thấy giữa “thác cao” ở phía trái và “thác thấp” ở phía bên phải, bên nào cao hơn bên nào?

3. Ai là chủ nhân thật sự của Thác Bản Giốc?

Như trên đã dẫn, ngay cả ông Lê Công Phụng cũng cảm thấy khó hiểu: “Chúng tôi cũng rất lạ là trong sách sử của chúng ta và Trung Quốc từ năm 1960 đến nay, không ai nói thác Bản Giốc có phần là của Trung Quốc. Ngay Trung Quốc cũng không nói đấy là của Trung Quốc.” Điều làm chúng ta ngạc nhiên là nếu thật sự cảm thấy “khó hiểu”, tại sao các nhà ngoại giao lại không tham khảo ý kiến của giới trí thức?
Nếu xét về tài liệu thì chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để chứng minh toàn bộ Thác Bản Giốc là của Việt Nam. Chỉ xin dẫn chứng một số tài liệu sau đây:
1) Trước hết là tài liệu của nhà địa lý học Lê Bá Thảo. Trong cuốn sách Thiên nhiên Việt Nam đã dẫn (ấn bản 1977), tại trang 78, có đăng tấm ảnh chụp cảnh Thác Bản Giốc nhưng chỉ chụp thác chính, tức thác ba tầng (xem ảnh 10).
danluan_00041.jpg
Ảnh 10: Ảnh Thác Bản Giốc in trong sách của ông Lê Bá Thảo
Điều đáng chú ý là dòng ghi chú bên dưới: “Trên sông Quây Sơn ở ngay biên giới”. Nhìn vào tấm ảnh, chúng ta thấy ảnh được chụp từ một doi đất nằm ở hạ lưu của thác chính phía bên bờ bắc (tả ngạn sông Quây Sơn). Đây chính là bằng chứng cho thấy ở tả ngạn của dòng sông phía dưới chân thác chính vẫn có một phần đất thuộc lãnh thổ Việt Nam. Ngày nay phần đất này đã chính thức bị cắt cho phía Trung Quốc cho nên người Việt không còn có thể đứng trên lãnh thổ của mình để chụp những tấm ảnh tương tự.
danluan_00042.jpg
Ảnh 11: Bản đồ Miền Đông Bắc (Lê Bá Thảo)
Cũng trong cuốn sách nói trên, có một bản đồ “Miền Đông - Bắc” đăng ở trang 41 (ảnh 11). Nhìn vào tấm bản đồ này, chúng ta thấy địa điểm Thác Bản Giốc nằm trong nội địa nước ta. Mặc dù đây chỉ là một tấm bản đồ vẽ tay, nhưng một khi tác giả (vốn là một nhà địa lý học nổi tiếng của miền Bắc) đã dám ghi vị trí của thác nước như thế, chắc hẳn ông phải dựa vào tài liệu địa lý chính xác cùng với sự kiểm tra thực địa. Vì vậy, có thể coi đây là một tài liệu đáng tin cậy.
2) Tác giả Trương Nhân Tuấn ở hải ngoại tìm được một cuốn sách xuất bản năm 1895 có tên là Au Tonkin et sur la frontière du Kwang-si (Ở Bắc Kỳ và trên vùng biên giới Quảng Tây) của Thiếu tá Famin - Phó Chủ nhiệm Ủy ban cắm mốc biên giới Trung-Việt năm 1894.[7] Tại trang 12 và 13 có đoạn viết về Thác Bản Giốc:
“Trong phần phía Bắc (của khu quân sự thứ hai, Deuxième Territoire)[8], dòng sông xinh đẹp mang tên Qui-Thuận chảy ngang qua đó theo hướng Phủ Trùng Khánh. Đây là một phụ lưu trực tiếp của sông Tây Giang (Si-Kiang). Dòng sông này rộng 60 m, đi vào đất Bắc Kỳ bằng cửa Ai Lung và ra khỏi nơi đây (để vào đất Trung Hoa) tại một điểm gần đồn Trung Hoa có tên Nam-Ton, sau khi đã tưới một thung lũng rộng lớn cực kỳ phì nhiêu.
Hai ki-lô-mét trước khi rời đất Bắc Kỳ, dòng sông vượt qua một ghềnh đá và làm thành một thác nước tuyệt đẹp cao 40 m. Cột nước khổng lồ rơi ầm ầm xuống một bồn nước thứ nhất, từ đó nó nảy lên thành những chùm tia nước sủi bọt trên những bậc thang đá vôi nhẵn bóng. Vào mùa mưa, thác nước này trưng ra một dáng vẻ tuyệt vời, tiếng động của thác nước có thể nghe được từ xa và dội vào những vách núi nghe như tiếng sấm, trong khi những đám mây hơi nước hình thành ở vùng lân cận và tan ra thành một đám mưa nhỏ thật sự.”
danluan_00043.jpg
Ảnh 12: Trích đoạn trang 12 – sách của Famin: sông Quây Sơn được ghi là Qui-Thuan
Trong đoạn văn này, cần chú ý đến câu: “Hai ki-lô-mét trước khi rời đất Bắc Kỳ, dòng sông vượt qua một ghềnh đá và làm thành một thác nước tuyệt đẹp cao 40 m”. Câu này cho thấy “thác nước tuyệt đẹp” (tức Thác Bản Giốc) cách điểm dòng sông Qui Thuận (tức sông Quây Sơn) rời lãnh thổ Việt Nam khoảng 2 km. Nói cách khác, ở bờ trái (tả ngạn) của sông, có một dải đất dài khoảng 2 km thuộc lãnh thổ Việt Nam. Như thế trong khoảng 2km tính từ Thác Bản Giốc, đường biên giới không thể là trung tuyến của dòng sông như “cách thức phân giới” mà các nhà ngoại giao của hai nước đã“sáng tạo” ra dựa theo Hiệp ước 1999.
Một điều đáng chú ý khác trong đoạn văn này: tên sông được ghi là Qui-Thuan (Qui-Thuận). Trong bài viết “Biên Giới Việt Nam: vùng tiếp giáp tỉnh Quảng Tây”, dựa trên tài liệu của nhà Thanh, ông Trương Nhân Tuấn cho biết sông Long (tức Tả Giang) có một phụ lưu tên là sông Qui Thuận và ở sát biên giới Việt Nam có một châu tên là Châu Qui Thuận 歸順州.[9] Điều này phù hợp với Đại Nam Nhất Thống Chí, vì sách này cho biết giáp với Phủ Trùng Khánh về phía bắc là “châu Qui Thuận thuộc phủ Trấn Yên nước Thanh”.[10] Chúng ta có thể phỏng đoán: tên của dòng sông bắt nguồn từ tên của địa phương (châu Qui Thuận) – nơi phát nguyên của sông. Trong các bản đồ cũ, tên phiên âm la-tinh của sông Quây Sơn là Kouei Chouan; nhưng trong các tài liệu của Trung Quốc ngày nay, tên của dòng sông Quây Sơn là Guichun, 歸春河, đọc theo âm Hán-Việt là "Qui Xuân hà".
3) Trong số các bưu ảnh do nhà nhiếp ảnh Pierre Dieulefils chụp, chúng ta tìm thấy tấm ảnh mang số 832. Tấm ảnh này được ghi chú như sau: “TONKIN - Région de Cao-Bang – Cascade de Ban-Giot – Passage du gué par une compaghie de tirailleurs tonkinois” (BẮC KỲ - Vùng Cao Bằng - Thác Bản Giốc – Một đại đội lính bản xứ Bắc Kỳ lội qua sông).
danluan_00044_0.jpg
Ảnh 13: Bưu ảnh 832 của Pierre Dieulefils:
Thác Bản Giốc - Một đại đội lính bản xứ Bắc Kỳ lội qua sông.
Nhìn vào tấm bưu ảnh (ảnh 13), chúng ta thấy những người lính Việt dưới sự chỉ huy của một người Pháp đang lội qua sông từ phía bên kia (tả ngạn) vào mùa nước cạn. Thác trong ảnh là thác chính ba tầng chứ không phải thác phụ ba dòng. Điều này chứng minh bờ phía bắc (tả ngạn sông Quây Sơn) ngay dưới chân thác là đất của Bắc Kỳ (Việt Nam) chứ không phải đất của Trung Quốc, vì thế chỉ huy người Pháp và binh lính người bản xứ mới có thể đi tuần tra bên kia bờ sông và từ bên đó trở về.
4) Trong bài viết “Tấc đất tấc vàng” được công bố vào năm 2005[11], ông Hàn Vĩnh Diệp – một đảng viên ĐCS, cán bộ hưu trí, người đã từng nhiều năm công tác ở vùng Cao Bằng trước năm 1975, kể lại:
“Năm 1965 chúng tôi được tham gia đoàn khảo sát thực tế để biên soạn sách giáo khoa - Tập đọc cấp I của Khu giáo dục Khu tự trị Việt Bắc. Hai khu giáo dục ngoài nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa vở lòng - cấp I tiếng Thái, Mèo, Tày - Nùng; còn phải soạn cả sách giáo khoa Tập đọc tiếng Việt. Một trong những điểm khảo sát đợt ấy là Kênh Copáo và thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng. Kênh Copáo lấy nguồn nước từ một đầm trũng bên kia biên giới Trung Quốc (huyện Tỉnh Tây, Quảng Tây) cho các cánh đồng phía Bắc huyện Trùng Khánh. (…) Đến thác Bản Giốc, chúng tôi sang cả bên bờ Bắc sông Quây Sơn, vào sâu hơn một cây số vẫn là làng bản dân ta.”
5) Trong bài báo đăng trên Vietnam Net đã được trích dẫn, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao – thành viên đoàn đàm phán, đã tiết lộ: trên cồn Pò Thoong vẫn còn “dấu tích trạm thủy văn xây dựng những năm 1960”.
danluan_00045.jpg
Ảnh 14: Cột mốc 53 cũ (bên trái) nằm cạnh cột mốc 835 mới (bên phải)
Nếu xem lại “bị vong lục” (hay còn gọi là giác thư, memorandum) năm 1979 của Bộ Ngoại giao Việt Nam, chúng ta thấy có đoạn: “Tại khu vực mốc 53 (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Quy Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 29 tháng 2 năm 1976, phía Trung Quốc đã huy động trên 2.000 người, kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê-tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên sông và ở cồn Pò Thoong và ngang nhiên nhận cồn này là của Trung Quốc.”[12]
Như vậy, trạm thủy văn này rõ ràng là do phía Việt Nam xây dựng, bởi vì trước năm 1976, cồn Pò Thoong vẫn còn thuộc về lãnh thổ Việt Nam và “chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó”. Đây chính là một bằng chứng hùng hồn về chủ quyền của Việt Nam đối với cồn Pò Thoong.
danluan_00046.jpg
Ảnh 15: Cột mốc phụ 835-1 nằm đối diện với cồn Pò Thoong
Việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm cồn Pò Thoong vào năm 1976 và phá hủy trạm thủy văn ở nơi đó không thể che lấp được sự thật: trước đó Việt Nam là chủ sở hữu của cồn này, và đương nhiên là chủ sở hữu của toàn bộ Thác Bản Giốc. Toàn bộ hồ sơ về việc thành lập và quá trình hoạt động của trạm thủy văn chính là một bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam. Điều này chứng tỏ cột mốc 53 nằm sai vị trí, và việc nó bị dời đến địa điểm hiện nay là do phía Trung Quốc thực hiện sau khi đã chiếm cồn Pò Thoong.
Ngược lại, nếu khẳng định như ông Lê Công Phụng rằng cột mốc 53 đã tồn tại nơi đó (trước mặt cồn Pò Thoong) từ khi ký hiệp định Pháp - Thanh thì kẻ xâm chiếm cồn Pò Thoong, vi phạm hiệp định Pháp - Thanh chính là chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi cho xây dựng trạm thủy văn vào thập niên 1960. Khi công bố điều này, không lẽ ông Lê Công Phụng muốn chuẩn bị cho tình huống Đảng cộng sản Việt Nam sẽ công khai xin lỗi Đảng cộng sản Trung Quốc về việc xâm chiếm cồn Pò Thoong vào thập niên 1960?
Tóm lại, từ chỗ là một thác nước hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, sau hiệp ước 1999 một phần thác chính lại trở thành sở hữu của Trung Quốc. Từ chỗ toàn bộ bờ phía bắc tính từ phía trên thác cho đến tận chân thác đều là của Việt Nam, ngày nay toàn bộ bờ bắc – tính từ cột mốc 835 mới cho đến hạ lưu, lại nằm trong lãnh thổ Trung Quốc. Sự thay đổi kỳ quặc này nhất định là có liên quan đến cái cột mốc số 53 gây bất ngờ nói trên.
Để hiểu rõ sự thật, chúng ta cần tìm hiểu cột mốc số 53, đúng hơn là vị trí của cột mốc 53. Phải chăng nó vẫn nằm ở vị trí đó từ khi có hiệp định Pháp - Thanh như các vị chức sắc Bộ Ngoại giao nước ta vẫn khăng khăng khẳng định? Hay nó là một thứ “cột mốc có chân” có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác theo thời gian?
Đà Lạt, mùa xuân năm Nhâm Thìn, 9-2-2012
Mai Thái Lĩnh
(Còn tiếp)
________________________________________
Chú giải:
[1] Bản Giốc chờ ngày cất cánh, Thanh Niên 23/10/2011:
[2] Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam, Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà nội 1977, tr. 43-44.
[3] VASC Orient chính là tiền thân của trang mạng VietNamNet hiện nay
[4] “Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn của VASC Orient chiều 28/1/2002”. Mặc dù đã bị bóc gỡ, bài phỏng vấn này vẫn được lưu truyền trên mạng Internet trong suốt một thập niên qua.
Ông Phó giáo sư Tiến sĩ này về sau thăng chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao và gần đây, được bổ nhiệm làm đại sứ Việt Nam tại Malaysia.
[7] Au Tonkin et sur la frontière du Kwang-si, par le Commandant Famin, Vice-Président de la Commission d’Abornement des Frontières Sino-Annamites en 1894, Paris, Auguste Challamel, Editeur, Librairie Coloniale, 1895. Ảnh chụp lại hai trang 12 và 13 đã được công bố trong “Thư ngỏ của nhà khoa học Thái Văn Cầu gửi PGS TS Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam”: Bauxite Vietnam, 07/01/2011
[8] Người Pháp thành lập ở vùng thượng du Bắc Việt 4 khu quân sự (territoires militaires): (1) Móng Cái, (2) Cao Bằng, (3) Hà Giang và (4) Lai Châu. Về sau, còn thành lập thêm khu thứ 5 ở Phong Saly (Lào). Đào Duy Anh gọi là đạo quân sự thứ hai (Xem Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Viện Sử học VN - Nxb Thuận Hóa, 1996,tr. 219).
[9] Trương Nhân Tuấn, “Biên Giới Việt Nam: vùng tiếp giáp tỉnh Quảng Tây”, phần I, 29-08-2009
[10] Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 4, Nxb Thuận Hóa 1997, tr. 403.
[11] Hàn Vĩnh Diệp, “Tấc đất tấc vàng”. Bài này được đăng trên Mạng Ý kiến (ykien.net) vào năm 2005, nhưng đến nay trang mạng này không còn tồn tại vì bị tin tặc đánh phá. Có thể tham khảo bản đăng lại tại địa chỉ: http://www.freewebs.com/tinvn/TacDatTacVang.htm
[12] Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1979, tr. 11-12. Cuốn sách này chính là toàn văn của bản «bị vong lục» (giác thư, memorandum) của Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố ngày 15-3-1979.
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Bảy, 11/02/2012
Bạn đánh giá bài viết này thế nào?
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 08:40, 19/04/2012 - mã số 56410
Kính mời quý vị xem bài rất hay và công phu với nhiều hình ảnh của Ải Nam Quan dưới đây của tác giả Chân Mây:
Ô NHỤC ẢI NAM QUAN (Chân Mây)
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 08:12, 19/04/2012 - mã số 56406
Hữu Nghị Quan ngày hôm nay không phải là Ải Nam Quan thời nhà Thanh
CHIỀU TÂY ĐÔ
Theo ý kiến của một độc giả tên CHIỀU TÂY ĐÔ trên Web Đàn Chim Việt vào năm 2009 thì Hữu Nghị Quan ngày hôm nay không phải là Ải Nam Quan thời nhà Thanh. Tôi xin mạo muội dán vào đây để rộng đường dư luận.
Khách Qua Đường
-----
Re: Việt Nam và Trung Quốc hoàn tất cắm mốc biên giới
2009-01-01 21:44:51
CHIỀU TÂY ĐÔ
So sánh với những tài liệu mà nhà NGHIÊN CỨU Trương nhân Tuấn đưa ra (cùng với ý kiến của TRẦN ĐẠI SỸ, 1 số nhân chứng khác,...) thì:
1- HỮU NGHỊ QUAN ngày hôm nay, KHÔNG là ẢI NAM QUAN thời nhà THANH.
ẢI NAM QUAN thời THANH ký với PHÁP, cách HỮU NGHỊ QUAN ngày nay khoảng hơn 4 km!
(Khoảng năm 1960, HỒ cùng với MAO đã xóa ẢI NAM QUAN trước kia! Có lẽ để lấn vào biên giới VN khoảng hơn 4 km, thành ĐẤT của TÀU; để Mỹ không xâm phạm và biến thành vùng AN NINH HẬU CẦN cho Bắc Việt. Sau đó Tàu chiếm luôn!)
- ẢI NAM QUAN trước kia, bây giờ là đất của TÀU (nằm tại địa phận BẰNG TƯỜNG của Tàu ngày nay)
2- CỘT CÂY SỐ 0 km ngày nay, gần HỮU NGHỊ QUAN, là CỘT MỚI XÂY (bên cạnh CÂY CỔ THỤ do Phạm văn Đồng trồng).
3- NÀNG TÔ THỊ ở ĐỒNG ĐĂNG hiện nay, cũng là MỚI XÂY (bắng XI MĂNG), khác với NÀNG TÔ THỊ trước kia bằng ĐÁ VÔI.
4-Cột MỐC ở THÁC BẢN GIỐC cũng được cấm lại! Nhường phần to lớn,hùng vĩ cho Tàu(mà mới đây, Tàu hình như còn đòi chiếm tất cả!)
...
[ Trả lời ý kiến này | Đăng Ý kiến mới ]
Re: Việt Nam và Trung Quốc hoàn tất cắm mốc biên giới
2009-01-01 22:03:51
CHIỀU TÂY ĐÔ
Ý KIẾN của thanhnam7(Mục Văn Hóa, Lịch Sử; ttvnonline):
"Tất nhiên trong chuyến du lịch đó, tôi ko đi một mình, mà đi hẳn thành một nhóm nguời, Có tất cả là 7 nguời, tôi là trẻ nhất còn lại toàn những bác trung niên từ 40- 60 , Cựu Chiến Binh muốn đi du lịch sang biên giới, vừa để xác định lại thông tin, vừa để đi du lịch một chuyến, Họ đều là những ngưòi xưa kia tham gia chiến tranh biên giới 1979 nên rất trăn trở với chuyện biên cuơng của Tổ Quốc . Sau chuyến đi đó tôi cùng họ còn lên tận cả Thác Bản Giốc nữa . Tôi có nhớ rằng sau khi đi qua biên giới chúng tôi đi sâu vào trong địa phận TQ, tất nhiên tôi ko biết gì cả, toàn nhờ các bác dẫn đuờng . Đi quãng độ 4km gì đấy ( cái này tôi ưóc lượng ) , qua những con đuờng rất gập ghềnh đầy núi đá . Tôi đến một cái thung lũng , thấy dân địa phuơng gọi là Bằng tường 2 bên có những dẫy núi cao ( cho đến khi sau khi về nhà có những bức ảnh chụp Ải Nam Quan ở trên Net tôi mới chú ý đến cái thung lũng đó) xung quanh có khá nhiều dân sống ở đó, đặc biệt họ mặc quần áo kiểu TQ , nhưng lại nói đưọc Tiếng Việt, đúng là hồi đó, chuyện này tôi đi chỉ để cho biết chứ trong đầu ko có sự chuẩn bị để tìm hiểu, nên chỉ dừng lại ở mức tò mò, chứ ko phải là tìm hiểu cặn kẽ, Thì thấy có một ông khoảng tầm 40 tuổi, đứng nói chuyện với những bác cưụ chién binh và dẫn chúng tôi ra truớc một con suối nhỏ. Đó là một con suối khá kì lạ, ko biết nó bắt nguồn từ đâu, chỉ biết nó chảy đã vạt một bên đất . Hỏi ngưòi dân địa phuơng thì thấy mọi ngưòi bảo đó chính là suối Phi Khanh,họ cũng ko học lịch sử, chỉ theo truyền miệng từ đời ông cha, cho đến bây giờ gọi đó là suối Phi Khanh, hay tên khác là Thiên Tuyền . Đối với dân địa phưong thì con suối này rất thiêng vì nó gắn liền với bao sự kiện lịch sử, thăng trầm của Việt Nam từ truóc đến nay .Theo cái nhìn của tôi dân địa phưong sống xung quanh đó vẫn giữ đưọc nếp sinh hoạt của nguời Việt Nam mặc dù họ đã trở thành ngưỏi TQ từ lâu, nhưng vào trong nhà cũng ko khác gì những ngôi làng ở Việt Nam . Đặc biệt cho đến khi tôi trở lại Việt Nam bắt đầu quan tâm, và khi nhìn thấy bức ảnh chụp ảnh Nam Quan truớc thế kỉ 18 , tôi mới sực nhớ ra đó là 2 bên con suối là những ngọn núi cao chót vót , những nhà dân ở 2 bên trên đỉnh núi vẫn còn, như trong ảnh , thậm chí còn đông đúc hơn , tất nhiên Ải Nam Quan, những bức tuờng thành chạy dọc 2 suờn núi giờ đây ko còn nữa , nhưng suối Phi Khanh vẫn còn, những dặng núi chót vót, vẫn còn , không khác trong tấm ảnh chup ở trên là bao . Vậy đó, đó là tất cả , những gì tôi biết về suối Phi Khanh , qua chuyến du lịch đó . Lúc đó các bác cựu Chiến Binh chụp rất nhiều ảnh làm kỉ niệm, Nhưng tôi ko chụp, vì tôi chỉ đi cho vui chứ ko có ý định tìm hiểu . Lúc đó là năm 2000 , sau đó 2 năm thì tôi đi du học, nên ko còn ở nhà cho đến bây giờ, để có điều kiện tìm những tấm ảnh đó cho các bạn xem . Nhưng ko sao, cái tôi cần nhất đó là sự thật, chứ ko phải là việc chứng minh cho các bạn thấy sự thật 1 cách 100 % bởi Sự Thật Mãi Mãi là sự thật, hôm nay các bạn ko biết , thì mai kia, một thời gian nữa khi nào các bạn có điều kiện thì sẽ biết .”
@Chú ý: VIỆT NAM tố cáo cột mốc số 0 ( zéro ) hiện nay là cột mốc số 18 trước kia!!!
(Hãy đọc trong TÀI LIỆU (LINK ở trên của TRƯƠNG NHÂN TUẤN),phần THƠ TỐ CÁO số 3 )
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 07:27, 19/04/2012 - mã số 56403
Ải Nam Quan còn thuộc Việt Nam hay không ?
Nguyễn Ngọc Danh
(Hội Chuyên Gia Việt Nam)
Hiệp định ký kết giữa hai đảng Cộng sản Việt nam và Trung Quốc ngày 30-12-1999 đã làm nóng lòng hầu hết những người Việt Nam còn nghĩ đến quê hương đất tổ. Được phỏng vấn, Lê Công Phụng tỏ ra mập mờ, không giải tỏa vấn đề đặt ra, và đến ngày hôm nay, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn dấu nhẹm bản Hiệp định, không chịu công bố để mọi người biết được những gì đã nhượng hoặc đã thâu hồi. Phải chăng trong hiệp định còn có những ràng buộc Việt Nam nhiều hơn những phần lãnh thổ đã mất ?
Lê Công Phụng có nhắc đến ải Nam Quan, và quanh quẩn không chịu thú nhận là đã nhượng cho Trung Quốc vùng đất quanh ải này. Trên mạng lưới Internet, nhiều tác giả đã viết về Ải Nam Quan, với nhiều tài liệu quí báu. Tác giả bài này muốn đóng góp thêm trong công việc tìm hiểu các sự kiện về ải Nam Quan, cũng như chứng minh rằng cho đến ngày gần đây (ít ra là năm 1954) ải Nam Quan còn nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Tác giả xin cám ơn những vị đã cho lên mạng lưới các tài liệu cho phép tác giả thực hiện bài này.
a - Ải Nam Quan trước khi Pháp đô hộ
Ải Nam Quan là ải nằm trên biên giới Việt Hoa, có lẻ ngay từ khi vua Ngô Quyền dành lại độc lập cho Việt Nam, cũng như là một ải biên giới khi biên giới Việt Hoa đã được hai triều đình Lý và Tống phân định vào cuối thế kỷ thứ 11. Có thể lúc đó không có những trạm canh hay cửa ải như về sau này, vì lúc đó, vùng Quảng Nguyên là vùng đất sinh sống của các dân tộc Nùng và Tày, dưới sự bảo trợ của triều đình Lý. Ải Nam Quan là một trong những ngã đường di chuyển giữa Trung Hoa và Việt Nam, nên thường được nhắc đến trong các sách sử Việt Nam.
Nhưng tài liệu đầu tiên tả ải Nam Quan có lẽ là Hồng Đức Bản Đồ, được thiết lập vào năm 1490. Các bản đồ trước đó có lẽ đã quân Minh cướp hoặc tiêu hủy khi chiếm Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 15, trước khi bị vua Lê Lợi đánh đuổi vào năm 1428. Tác giả Tâm Quang-Langlet trong bài"La perception des frontières dans l'Ancien Vietnam à travers quelques cartes vietnamiennes et occidentales" (tạm dịch : Quan niệm biên giới ở Việt NamThời trước qua vài bàn đồ Việt Nam và Tây Phương) trong quyển "Les frontières du Vietnam, Histoire des frontières de la péninsule indochinoise (Các Biên giới Của Việt Nam, Lịch sử các biên giới trên bán đảo Đông Dương), nhà xuất bản L'Harmattan, 1989, cho biết rằng trên bản đồ Hồng Đức có vẽ hình một cái đồn để tượng trưng cho ải Nam Quan và có ghi chú là Ải Nam Quan nằm ở huyện Văn Uyên và tại đấy có hai đài, đài Chiêu Đức và đài Ngưởng Đức.
Trong bài "Một chiếc ải đã mất" của tác giả Trần Gia Phụng cũng như bài "Sử liệu biên giới giữa ta và Tàu : Từ cửa ải Nam Quan đến ải Chi Lăng, Châu Ôn và Núi Phân Mao" hai tác giả Hà Mai Phương và Lưu Chu Thanh Tao, có trích Đại Nam Nhất Thống Chí (1882) đoạn nói về Ải Nam Quan: "Ải Nam Quan cách tỉnh thành (Lạng Sơn) 31 dặm về phía bắc, thuộc châu Văn Uyên, phía bắc giáp châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây nước Thanh, tức là chỗ mà người Thanh gọi Trấn Nam Quan. Cửa nầy dựng từ năm Gia Tĩnh nhà Minh, đến năm Ung Chính thứ 3 (1725) nhà Thanh, án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại có tên nữa là "Đại Nam Quan", phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, gồm 119 trượng, cửa quan đặt ở quãng giữa có biển đề "Trấn Nam Quan", dựng từ năm Ung Chính thứ 6 (1728) triều Thanh, có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Bên trên cửa có trùng đài, biển đề 4 chữ "Trung ngoại nhất gia", dựng từ năm Tân Sửu [1781] đời Càn Long nhà Thanh. Phía bắc cửa có "Chiêu đức đài", đằng sau đài có "Đình tham đường" (nhà giữ ngựa) của nước Thanh; phía nam có "Ngưỡng đức đài" của nước ta, bên tả bên hữu, có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ nầy làm nơi tạm nghỉ.". Cũng như trích đoạn, năm 1774, Đốc-trấn Lạng-Sơn là Nguyễn Trọng-Đang cho tu-sửa, xây lại bằng gạch. Về việc sửa sang đài Ngưỡng-Đức, văn bia của Nguyễn Trọng Đang ghi khắc có đoạn như sau :"... Đài [Ngưỡng-Đức] không biết dựng tự năm nào; hình như mới có từ khoảng niên hiệu Gia-Tĩnh nhà Minh, ngang với niên-hiệu Nguyên-Hòa, đời vua Lê Trang-Tông ở nước ta. Đài không có quán, hai bên tả hữu lợp bằng cỏ; sửa chữa qua-loa, vẫn theo như cũ. Nhà Lê ta trung-hưng, đời thứ 14, vua ta kỷ-nguyên thứ 41, là năm Canh-tý, ngang với năm thứ 44 niên-hiệu Càn-Long nhà Thanh ; Đang tôi làm chức Đốc-trấn (Lạng-Sơn), trải qua 5 năm là năm Giáp-thìn ; sửa chữa lại, xây dựng bằng gạch ngói, đài mới có vẻ hoằng-tráng...".
Hình: Ải Nam Quan vào đầu thế kỷ 20 (có ghi chú cửa ải và bức tường chạy từ cửa ải lên đỉnh núi)
So với lời ghi chú trong bản đồ Hồng Đức, thì cửa "Trần Nam Quan", đã được xây dựng nhà Minh xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 16, có thêm một cửa quan nằm ở giữa hai đài Chiêu Đức và Ngưởng Đức.
Bức hình trên là một bức hình được chụp vào đầu thế kỷ 20 thì chúng ta thấy cảnh y như tả trong Đại Nam Nhất Thống Chí (thật ra hình và sách chỉ cách nhau độ 20, 30 năm), với cửa ải Nam Quan ở giữa hình và bên phía trái có bức tường. Cũng như trên hình của tạp chí "National Geographic Society" (không ghi rõ năm xuất bản) do Giáo sư Nguyễn Văn Canh phổ biến trên mạng lưới Internet, chúng ta lại thấy cửa ải và bức tường. Hình này còn ghi chú thêm là "trên đường cũ đi Trung Hoa phải đi ngang "Porte de Chine" ở biên giới Bắc của Đông Dương".
Cửa Nam Quan do người Trung Quốc cất thì phải nằm bên Trung Quốc vì không bao giờ ai xây cất một trạm ngay trên lằn biên giới mà phải cất cách lùi vào một khoảng trong phần đất của mình.
Hình: Ải Nam Quan trên tạp chí “National Geographic Society” (do Giáo sư Nguyễn Văn Canh phổ biến)
Hai tác giả Hà Mai Phương và Lưu Chu Thanh Tao cũng đã dẫn thêm "Địa-dư Các Tỉnh Bắc-Kỳ"của Ngô Vi-Liễn, Phạm Văn-Thư và Đỗ Đình-Nghiêm (Nhà in Lê Văn-Tân xuất-bản, Hà-Nội, 1926) : "Cửa Nam-Quan ở ngay biên-giới Trung-quốc và Việt-Nam. Kể từ Hà-Nội lên đến tỉnh-lỵ Lạng-Sơn là 150 km; đến cây-số 152 là chợ Kỳ-Lừa; đến cây-số 158 là Tam-Lung; đến cây-số 162 là Đồng-Đăng; đến cây-số 167 là cửa Nam-Quan đi sang Long-Châu bên Tàu. Như vậy từ Đồng-Đăng lên cửa Nam-Quan có 5 km; từ Kỳ-Lừa lên Nam-Quan mất 15 km [về phía tây-nam chợ Kỳ-Lừa có động Tam-Thanh, trước động Tam-Thanh có núi Vọng Phu hay tượng nàng Tô-Thị là những danh thắng của tỉnh Lạng-Sơn] và từ tỉnh-lỵ Lạng-Sơn lên Nam-Quan là 17 km.". Và dẫn cuốn "Đi thăm Đất Nước" của Hoàng Đạo-Thúy (Nhà Xuất-bản Văn-hoá, Hà-Nội, 1976), "Đồng-Đăng cách biên-giới Trung-quốc 4 km. Nơi đây có Hữu-Nghị Quan của Trung-quốc" và quyển"Phương Đình Dư địa chí" của Nguyễn Văn-Siêu (bản dịch của Ngô Mạnh-Nghinh, Tự-Do xuất-bản, Saigon, 1960) : "Cửa hay ải Nam-Quan, đời Hậu-Lê trở về trước gọi là cửa Pha-Lũy (hay Pha-Dữ), ở về phía bắc châu Văn-Uyên, trấn Lạng-Sơn. Từ châu Bằng-Tường (tỉnh Quảng-Tây) bên Trung-quốc muốn vào nước An-Nam phải qua cửa quan này".
Qua các tài liệu sử Việt Nam trên ải Nam Quan là biên giới giữa Việt Nam và Trung Hoa. Tại cửa ải này bên phía Trung Hoa có một cửa ải mà chúng ta đã thấy trong hình.
b - Ải Nam Quan vào thời Pháp thuộc
Ông Trương Nhân Tuấn đã cung cấp trên mạng lưới Internet một số tài liệu chụp từ các tài liệu lịch sử cất trong Văn Khố Đông Dương ở Aix en Provence (Pháp). Một trong những tài liệu là biên bản công trình đóng các cột mốc ở biên giới Việt-Hoa. Trong biên bản, ghi rõ là cột mốc thứ 1 trên đoạn thứ 3 biên giới từ Nam Quan đến Bình Nhi, cột mốc được đóng trên con đường đi từ Đồng Đăng đến Nam Quan và cách 100 thước cửa ải của Trung Hoa (trong khung đỏ). Biên bản này do Ủy ban Đóng Cột Mốc biên giới An-Nam và Trung Hoa thiết lập và ký ngày 21-04-1891 tại Bình Nhi. Biên bản cũng cho biết là họ khởi công vào ngày 20-12-1890 từ Tiên Tsong Châu (gần Móng Cái) và đã mất 150 ngày để hoàn thành công trình đóng cột mốc từ Tiên Tsong Châu đến Bình Nhì.
Hình: Biên bản công trình đóng các cột mốc ở biên giới Việt-Hoa do ông Trương Nhân Tuấn phổ biến
Từ lúc khi ký Hiệp ước Constans (sau được bổ túc bởi hiệp ước Gerard để minh định vùng biên giới từ Sông Hồng đến sông Đà và hữu ngạn sông Đà) cho đến năm 1954, không có vấn đề liên quan đến biên giới, mặc dù cũng có nhiều biến cố lịch sử như khi Nhật đã đánh vào Đồng Đăng vào năm 1941 nhưng sau đó giao lại cho Pháp và chỉ đóng binh bên phía Trung Quốc.
Những tấm ảnh chụp sau khi Pháp và Trung Hoa ký hiệp ước Constans (26-06-1887) cho thấy rằng cửa ải Nam Quan vẫn nằm trên biên giới Việt-Hoa.
Hình: Khúc bản đồ trích từ bản đồ Lạng Sơn Tây (số 28 Tây) liên quan đến vùng ài Nam Quan
Trong các tài liệu về sau này, chúng ta có thể kể các bản đồ của Sở Địa Dư Đông Dương với tỷ lệ 1/200 000 và 1/100 000. Các bản đồ với tỷ lệ 1/100 000 cũng đã được quân đội Hoa Kỳ sao chép lại vào năm 1953 để sử dụng.
Cạnh đây là khúc bản đồ trích từ bản đồ Lạng Sơn Tây (số 28 Tây) liên quan đến vùng ài Nam Quan (không theo tỷ lệ của bản đồ chánh là 1/100 000). Tác giả đã tô thêm màu đỏ để dễ nhận diện đường biên giới (chữ thập "+") cũng như sơn đỏ các cột mốc.
Nhóm Địa Dư của Phòng Nghiên Cứu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (The Geographer, Office of Research in Economics and Science, Bureau of Intelligence and Research, Department of State) đã cho ra quyển tập về biên giời Việt-Hoa, (International Boundary Study, số 38, xuất bản ngày 29-10-1964) cũng nhắc đến bản đồ này. Ở trang 5, khi tả biên giới ở vùng ài Nam Quan thì viết như sau : " ...The southward trend of the boundary terminates at the famous Porte de Chine, immediately north of Dong Dang. Here the Tonkin-Hunan-KwangSi railroad crosses the frontier...". (tạm dịch : "Biên giới (từ Tây qua Đông) hướng về phía Nam và đụng ở cửa Nam Quan, phía bắc Đồng Đăng. Tại đây đường xe hỏa BắcViệt-Quảng Tây băng qua biên giới").
c - Ải Nam Quan sau 1954
Từ năm 1954 đến 1974, ải Nam Quan là ngỏ để chuyên chở súng đạn do đảng Cộng sản Trung Hoa tiếp viện cho cộng sản Việt Nam trong công cuộc đánh miền Nam. Và từ năm 1968 trở đi, hầu như cả biên giới Việt-Hoa đã hoàn toàn do quân đội Trung Quốc kiểm soát. Từ năm 1974, đảng Cộng sản Trung Hoa không chấp nhận sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Nga, trong khi đảng Cộng sản Việt Nam phục tùng Liên Xô, cuộc giao hảo của đôi bên đã biến đi để từ hữu nghị trở thành thù nghịch mà hậu quả là cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào đầu năm 1979. Lúc đó, năm 1979, hai bên mới công bố các vi phạm biên giới đã xẩy ra trong thời gian qua. Cộng sản Việt Nam tố cáo Cộng sản Trung Hoa vi phạm 179 lần trong năm 1974 và đến 2175 lần trong năm 1978, trong khi đó Cộng sản Trung Hoa tố cáo Cộng sản Việt Nam vi phạm 121 lần trong năm 1974 và 1021 lần trong năm 1978. Những vi phạm nghiêm trọng nhất là vào năm 1974 Trung Quốc đã đẩy lùi nơi chấp nối hai đường rày xe hỏa Lạng Sơn Long Châu vào địa phận Việt Nam 300 thước (theo Antoine Dauphin, trong bài "La frontière sino-vietnamiene de 1895-1896 à nos jours", (tạm dịch "Biên giới Việt-Hoa từ 1895-1896 đến ngày nay"), trong quyển "Les Frontières du Vietnam, Histoire des fontières de la péninsule inodochinoise, (Các Biên giới Của Việt Nam, Lịch sử các biên giới trên bán đảo Đông Dương), sách đã dẫn. Vì hai đường xe hỏa và xe hơi chỉ cách nhau độ 50 thước, thì chắc chắn là biên giới cho đường xe hơi cũng bị lùi luôn.
Ronald Bruce St John trong cuốn "The land boundaries of Indochina : Cambodia, Laos and Vietnam" (tạm dịch : Các biên giới trên đất liền của Đông Dương, Cao Miên, Lào và Việt Nam, Boundary & Terroritory Briefing, International Boundaries Research Unit, Volume 2, Number 6, University of Durham, United Kingdom, 1998) cho biết là trong số 300 ngoài cột mốc biên giới bằng đá đóng trên đắt liền, nhiều cột đã bị mất, đặc biệt là ở vùng Lạng Sơn, và tại đây có nhiều điểm tranh chấp.
d - Kết luận
Nhiều nhân chứng tại Việt Nam cũng như ngoại quốc cho biết rằng đứng tại trạm biên giới ngày hôm nay không còn thấy cửa quan như trước nữa. Nhiều lần các cán bộ Cộng SảnViệt Nam đã báo cáo với cấp trên về sự việc này nhưng không bao giờ được trả lời (xem bài của Trần Gia Phụng). Theo Lê Công Phụng, thì biên giới phải được hoạch định lại vì "vật đổi sao dời". Nhưng nếu không có những động đất thì các giòng sông (hơn 1 phần 3 biên giới Việt Hoa được định theo các giòng sông) ở các vùng núi non không di dịch bao nhiêu trong một trăm năm. Nhưng trên đất liền, con người có thể di chuyển những cột mốc những khoảng cách rất xa. Đó là việc đã xẩy ra ở ải Nam Quan.
Với Hiệp định mới mà đảng Cộng Sản Việt Nam ký trong âm thầm, Cộng sản Việt Nam có đòi lại được vùng đất đã bị Cộng sản Trung Hoa chiếm từ năm 1974 không. Hay là biên giới tại ải Nam Quan đã bị thụt lùi thêm nữa ? Và thêm bao nhiêu ? 300 thước, hay 1 cây số, hay hơn nữa ? Nếu ngày hôm nay không còn thuộc chủ quyền Việt Nam thì đảng Cộng Sản Việt Nam phải nhận lấy trách nhiệm trước người dân Việt Nam và lịch sử.
Nhưng ngoài ải Nam Quan, còn những vùng nào khác ? Đảng Cộng Sản Việt Nam phải công bố hiệp định để mọi người Việt Nam ước lượng được tầm quan trọng của sự mất mát, của những di tích lịch sử vô giá đã nhượng cho Trung Quốc.
Nguyễn Ngọc Danh
(Hội Chuyên Gia Việt Nam)
(Theo Web Diễn Đàn Dân Chủ)
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 20:53, 18/04/2012 - mã số 56374
VÀI BÀI THƠ LỊCH SỬ VỀ ẢI NAM QUAN
1. Đại Văn Hào Nguyễn Du (vào ngày 06-04 Quí Dậu - tức 06-05-1813, và khi đi sứ về ngày 29-03 Giáp Tuất-tức là ngày 18-05-1814), khi đi sứ qua Ải Nam Quan đã cảm tác bài thơ Trấn Nam Quan trong Bắc Hành Tạp Lục. Bắc Hành Tạp Lục gồm 110 đề mục, và vì có nhiều đề mục thi sĩ Nguyễn Du sáng tác hai bài thơ, nên có tất cả120 bài thơ chữ Nho, trong đó có hai bài Nguyễn Du viết về tâm sự cuả mình khi tiến qua ải Nam Quan để vàođất Trung Hoa. Ðó là bài "Nam Quan đạo trung" và "Trấn Nam Quan". Riêng bài "Trấn Nam Quan" nói rõ biên giới giữa
nước ta và Trung Hoa nằm ngay nơi mặt ải. Nguyên văn bài thơ như sau:
Trấn Nam Quan
"Lý Trần cựu sự yểu nan tầm,
Tam bách niên lai trực đáo câm (kim).
Lưỡng quốc bình phân cô luỹ diện,
Nhất quan hùng trấn vạn sơn tâm.
Ðiạ thiên mỗi vị truyền văn ngộ,
Thiên cận tài tri giáng trạch thâm.
Ðế khuyết hồi đầu bích vân biểu,
Quân thiều nhĩ bạn hữu dư âm."
(bản dịch của Ðỗ Văn Hỷ - tr.279-sách Ðịa Chí Lạng Sơn):
Lý-Trần việc cũ dấu phai mờ
Năm đã ba trăm kể đến giờ
Muôn núi ải quan nằm chính giữa
Một thành Hoa-Việt vạch đôi bờ
Trời đất mới biết ơn sao nặng
Ðất hẹp xui nên chuyện hóa ngờ
Mây biếc quay nhìn nơi cửa khuyết
Nhạc Thiều văng vẳng tiếng xa đưa.
Qua bài thơ này đã chứng tỏ Trấn Nam Quan đã thuộc nhà Lý-Trần và nó có cách đó khỏang 300 năm tức là khoảng năm 1513. Tức là Trấn Nam Quan có trước thời Gia Tĩnh Triều Minh (1522-1560). Ngoài ra nó còn cho ta biết, bức tường thành chính là biên giới phân cách Việt-Trung vào thời đó.
2. Gần 150 năm sau, vào năm 1957, Tố Hữu sáng tác bài Mục Nam Quan với tiếng thơ bi thương, nhưng cũng rất... xã hội chủ nghĩa:
Ai lên ải Bắc ngày xưa ấy
Khóc tiễn cha đi mấy dặm đường
Hôm nay biên giới mùa xuân dậy
Núi trắng hoa mơ cờ đỏ đường
Bài này đã chỉ rành rành hai sự thật hiển nhiên : Ải Nam Quan (mà sau này HCM sửa thành Mục Nam Quan rồi Mục Hữu Nghị), và suối Phi Khanh đánh dấu hình ảnh chia tay bi hùng của cha con Nguyễn Trãi là những di tích lịch sử nằm trên đất nước Việt Nam. Vậy mà sau khi hiệp định biên giới Việt Trung được ký ngày 30/12/1999 với hậu quả là hàng trăm cây số vuông bị mất trong đó có hai di tích lịch sử ngàn đời là Ải Nam Quan (Lạng Sơn) và thác Bản Giốc (Cao Bằng), nhà thơ Tố Hữu, người từng chiêm ngưỡng Ải Nam Quan, người đã vào tù ra khám, từng giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy Ðảng và Nhà Nước và đặc biệt là tác giả của những vần thơ với ngôn từ vô cùng oai dũng, bất khuất như dưới đây mà lại câm miệng cúi đầu trước việc bán nước rành rành như thế !
(...)
Ta đi tới không thể gì chia cắt
Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau
Trời ta chỉ một trên đầu
Bắc Nam liền một biển (...)

(Ta đi tới, 8/1954)
(...)
Dù ai chia núi ngăn sông
Cũng không thể cắt được lòng Việt Nam
Chúng ta đã quyết thì làm
Ðã đi phải đến hoàn toàn thành công.

(Tố Hữu “Quang vinh Tổ quốc chúng ta”, 8/1955)
Thật là oai phong lẫm liệt. Thật là bừng bừng chính khí. Vào thời điểm ấy Tố Hữu đã 35 tuổi, đã biết vào tù ra khám. Những vần thơ trên chắc hẳn đi từ con tim, ý chí của ông. Chẳng lẽ đến năm 1999 ông lại lú lẫn đến nỗi không còn biết phải trái, không còn nhớ những điều chém đinh chặt sắt ngày xưa ? Hay là lại "mũ ni che tai" như đa số các trí thức Việt Nam ?
3. Bác sĩ kiêm nhà văn Trần Đại Sĩ, trong lần về Việt Nam vào năm 2001, thuê xe đi Lạng sơn. Khi tới trạm biên giới mới, ông xin sang lãnh thổ Trung quốc mới (Nam quan cũ) thì bị Công an không cho phép. Ông phải đi vòng qua Quảng châu. Từ Quảng Châu đi Nam Ninh. Từ Nam Ninh thuê xe tới Bằng tường là đất Trung quốc đối diện với Nam quan. Rồi vào Nam quan cũ. Đứng trước vùng đất thiêng của tổ tiên, nay vĩnh viễn trở thành đất của người ông đau lòng bật lên tiếng khóc như trẻ con. Khóc chán, ông trở sang Bằng tường, kiếm một cơ sở mai táng ( xây mộ, làm mộ chí), mượn họ khắc trên một miếng đá bóng nhân tạo (granite) bài thơ bằng chữ Hán như sau:
Thử địa cựu Nam quan,
Biên địa ngã cố hương.
Kim thuộc Trung quốc thổ,
Khấp, khốc, ký đoạn trường.
Lê Hoàn bại Quang Nghĩa,
Thường Kiệt truy Bắc phương,
Hưng Đạo đại sát Đát,
Lê Lợi trảm Vương Thông.
Nam xâm, Càn Long nhục,
Gươm hồng Bắc bình vương.
Ngũ thiên niên dĩ tải,
Hoa, Việt lập dịch trường.
Mao, Hồ tình hữu nghị,
Nam, Bắc thần xỉ thương,
Huyết lệ vạn dân cốt,
Hồng kỳ thích ô hoang.

(Đại Việt vong quốc nhân Trần Đại Sỹ / Khốc đề lục nhật, cửu nguyệt, niên đại 2001)
Ông tự dịch:
Đất này xưa gọi Nam quan,
Vốn là biên địa cố hương của mình.
Hiện nay là đất Trung nguyên,
Khóc chảy máu mắt, đoạn trường ai hay
Vua Lê thắng Tống chỗ này,
Thường Kiệt rượt Tiết cả ngày lẫn đêm,
Thánh Trần sát Đát liên miên,
Lê Lợi giết bọn Thành sơn bên đồi,
Càn Long chinh tiễu than ôi,
Quang Trung truy sát muôn đời khó quên.
Năm nghìn năm cũ qua rồi,
Chợ biên giới lập, đời đời Việt Hoa
Ông Hồ kết bạn ông Mao,
Sao răng lại cắn, máu trào môi sưng.
Vạn dân xương trắng đầy đồng,
Để lại trên lá cờ Hồng vết nhơ.
(Người nước Đại Việt vong quốc tên Trần Đại Sỹ, khóc đề thơ ngày 6 tháng 9 năm 2001)
(Theo Web ĐCV online)
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 11:37, 18/04/2012 - mã số 56359
Hận Nam Quan ngày xưa, hận Nam Quan bây giờ
Nguyễn Gia Kiểng
(Nguồn: Theo Web Diễn Đàn Dân Chủ)
Trong hơn tám thế kỷ qua các chính quyền Việt Nam chưa bao giờ để mất đất đai, không những thế, lành thổ của chúng ta không ngừng mở mang. Nhưng từ 30 năm qua, chúng ta đã mất nhiều và mất về tay đồng minh thân thiết nhất của chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay : Trung Quốc.
Năm 1969, Trung Quốc viện cớ xây dựng một nhà ga ở Nam Quan để tiếp liệu cho Bắc Việt trong chiến tranh và lợi dụng lúc chính quyền Hà Nội đang bối rối vì những thiệt hại nặng trong chiến dịch Tết Mậu Thân đã dời cột mốc biên giới vào phía trong lãnh thổ Việt Nam gần một cây số, chiếm mất ải Nam Quan. Sự kiện này đã được giấu nhẹm cho tới nay.
Tháng 1-1974, Trung Quốc dựa vào sự bối rối của chính quyền Sài Gòn xua quân chiếm quần đảo Hoàng Sa. Miền Nam lúc đó đang trên đà thất bại và khốn đốn về cuộc nội chiến đã không thể tự vệ, chính quyền cộng sản đã im lặng. Lỗi tại ai ? Công bình nhất thì phải nói là lỗi tại cuộc nội chiến mà đảng cộng sản đã phát động và coi như một cuộc "chiến đấu thần thánh" (từ ngữ của chính họ). Ngoài ra, Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa dựa vào một công hàm ngày 14-9-1958 của ông Phạm Văn Đồng nhân danh chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tán thành một bản tuyên ngôn ngày 4-9-1958 trước đó của Bắc Kinh coi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.
Đầu năm 1988, Trung Quốc tung hải quân đánh chiếm hơn hai mươi đảo nhỏ của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa.
Trong hai năm 1999 và 2000, chính quyền cộng sản ký thỏa ước với Trung Quốc về biên giới và vịnh Bắc Bộ, nhìn nhận sự chiếm đóng của Trung Quốc trên một phần lãnh thổ của Việt Nam được những nguồn tin từ nội bộ đảng cộng sản ước lượng là 720 km2 dọc biên giới Việt-Trung, đồng thời phân chia lại lãnh hải theo tỷ lệ 53% của Việt Nam và 47% của Trung Quốc thay vì 62%-38% như trước đây. Cần phải nói ngay là tỷ lệ phân chia này không hề là một bất công đối với Trung Quốc, mà chỉ căn cứ, một cách khiêm nhượng, trên sự kiện là Việt Nam có nhiều đảo trong vịnh Hạ Long.
Điều không thể hiểu nổi là chính quyền Hà Nội đã tuyệt đối giữ bí mật những thỏa ước này. Trầm trọng hơn nữa là quốc hội cũng đã thông qua ít nhất hiệp ước về biên giới phía Bắc mà không hề thông báo cho dân chúng. Việc quốc hội thông qua thỏa ước này chỉ được khám phá một cách rất tình cờ.
Vì yếu, bị cô lập và bị thù ghét
720 km2 là một diện tích quan trọng, 0,22% lãnh thổ. Nhưng Việt Nam đồng thời cũng mất đi cả một phần lịch sử của mình. Người Việt Nam nào lớn lên chẳng được nghe "đất nước ta chạy dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu" ? Đó cũng là nơi Nguyễn Phi Khanh bảo con là Nguyễn Trãi hãy gác tình nhà mà trở về phấn đấu giành lại đất nước. Biết bao văn thơ của ta đã lấy ải Nam Quan làm địa danh. Nam Quan nằm trong trái tim mọi người Việt, nay Nam Quan đã mất về tay Trung Quốc. Trái tim Việt Nam rướm máu. Cái hận Nam Quan ngày xưa là cái hận hùng tráng làm nức lòng người, cái hận Nam Quan ngày nay là cái hận tê tái, tủi nhục không biết bao giờ nguôi.
Mất Hoàng Sa và một phần Trường Sa thêm vào hàng chục ngàn km2 vùng biển Bắc Bộ, Việt Nam cũng đã mất luôn một phần quan trọng các nguồn lợi hải sản và dầu khí. Và dĩ nhiên quyền giao thông hàng không và hàng hải. Hơn nữa Hoàng Sa sẽ luôn luôn là một lưỡi dao dí bên cạnh sườn Việt Nam.
Chúng ta đã mất đất, mất đảo và mất biển vì yếu. Chúng ta yếu vì cuộc nội chiến mà Đảng Cộng sản Việt Nam cho là vinh quang của họ, và chúng ta cũng yếu vì một chính sách cai trị tồi dở và thô bạo.
Nhưng yếu không phải là tất cả, một lý do quan trọng khác là Việt Nam đã bị cô lập và do đó bị Trung Quốc khống chế. Trước năm 1975 chính quyền cộng sản Việt Nam hãnh diện được làm đàn em của Trung Quốc vĩ đại. Cái thế lệ thuộc khờ khạo đó đã dẫn đến bức công hàm của ông Phạm Văn Đồng và sự im lặng sau khi quần đảo Hoàng Sa bị đánh chiếm.
Một lý do khác là tập quán huênh hoang của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Phần lớn những vùng đất ở biên giới phía Bắc thực ra đã mất từ tháng 2-1979 khi Trung Quốc tấn công trả đũa việc Việt Nam đem quân vào Cam Pu Chia đánh đuổi tập đoàn Pol Pot. Trận này Việt Nam thua to. Theo chính tuyên bố của Hà Nội thì Trung Quốc đã hy vọng đụng độ để tiêu diệt những đạo quân chính qui của Việt Nam nhưng đã chỉ gặp được các toán địa phương quân. Như vậy thì phải hiểu là lực lượng đôi bên rất chênh lệch. Sự thất bại của Việt Nam cũng thể hiện rất rõ rệt qua số tù binh được trao đổi khi ngừng bắn. Phía Việt Nam chỉ bắt được khoảng 600 tù binh Trung Quốc, phần lớn những tù binh này khai trên truyền hình Việt Nam là họ đã lạc đường, trong khi Trung Quốc bắt được của Việt Nam hơn 1 200 tù binh. Khi hai bên ngừng bắn, Trung Quốc vẫn còn chiếm đóng của Việt Nam phần lãnh thổ mà chính quyền cộng sản vừa chính thức nhượng.
Riêng ải Nam Quan thì như trên đã nói bị Trung Quốc chiếm từ năm 1968. Không ai biết bộ chính trị có biết hay không nhưng đã làm thinh. Mãi tới năm 1971, một sĩ quan có dịp đến đó mới báo cáo cho đại tá Hải Anh, phó văn phòng tổng cục chính trị. Ông Hải Anh từ Hà Nội lên quan sát nhưng đến nơi thì bị quân Trung Quốc chặn lại. Ông chửi mắng rầm rĩ và báo cáo cho cấp trên nhưng báo cáo của ông đã không bao giờ có hồi âm.
Lúc đó Việt Nam đang khủng hoảng rất nặng. Sinh hoạt kinh tế hoàn toàn sụp đổ, ngay cả miền Nam không đủ gạo ăn, tại các quán cơm Sài Gòn người ta cân phần cơm ; quân đội đang kẹt ở mặt trận Cam Pu Chia ; thế giới đang phẫn nộ vì những thảm kịch của đợt vượt biên chính thức do nhà nước Việt Nam tổ chức.
Việt Nam đã không thể giành lại phần đất đã mất vì vừa yếu lại vừa bị cô lập và thù ghét. Tuy nhiên, thay vì tố cáo Trung Quốc đã dùng sức mạnh để lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam, chính quyền cộng sản đã huênh hoang khoe là mình chiến thắng. Phía Trung Quốc đã im lặng, gián tiếp nhìn nhận mình đã thua. Bộ máy tuyên truyền của Việt Nam còn phao đồn rằng quân Việt Nam đã giết được cả trăm ngàn quân Trung Quốc và gây kinh hoàng đến độ người dân Trung Quốc vùng biên giới phải bỏ chạy, hàng chục cây số không thấy một bóng người. Như vậy ai có thể ngờ rằng Việt Nam đã mất đất ? Sự huênh hoang của Đảng Cộng sản Việt Nam còn lố bịch hơn nữa, vì thực ra sau đó Trung Quốc vẫn tiếp tục lấn chiếm và đụng độ vẫn tiếp tục xảy ra tại biên giới. Cụ thể là ngày 12-7-1984, một trận đánh lớn đã xảy ra ở biên giới Cao Bằng trong đó quân Việt Nam bị thiệt hại rất nặng (1). Việt Nam vẫn tiếp tục mất đất và đảng cộng sản vẫn tiếp tục huênh hoang là chiến thắng.
Sau cùng là sự ngu xuẩn. Nếu không thể làm được gì cả thì vẫn còn một giải pháp là đừng làm gì cả. Cứ để tình hình giằng co như vậy ít ra cũng không tạo ra một sự kiện đã rồi, trói tay các chính quyền mai sau. Tại sao chính quyền Hà Nội đã ký thỏa ước nhượng đất và nhượng biển ? Ký thì được cái gì ? Nếu không ký thì sao ? Tại sao lại ký mà không công bố ? Phải chăng vì đã nhượng bộ quá nhiều và thấy mình có tội lỗi ? Hay phải chăng những người lãnh đạo ĐCSVN đã nhận được lợi lộc lớn của Bắc Kinh để ký nhận bán đất và bán biển cho Trung Quốc?
Và câu hỏi không bao giờ có thể trả lời được : tại sao quốc hội lại thông qua một cách lén lút ? Vẫn biết rằng quốc hội này chỉ là một quốc hội bù nhìn nhưng sự kiện này vượt mọi tưởng tượng.
Có thể mất thêm nhiều hơn nữa
Trứớc một mất mát đau đớn, câu hỏi tự nhiên và đầu tiên là phải làm gì ?
Phải thẳng thắn mà nhìn nhận rằng trong nhất thời chúng ta không làm được gì cả. Đánh lại ư ? Quân đội Việt Nam quá yếu, cơ giới lỗi thời và hơn thế nữa phần lớn quân đội đã chuyển qua kinh doanh kể cả kinh doanh du lịch, khách sạn và vũ trường. Nếu có thể đánh mà lấy lại đất thì vấn đề đã không xẩy ra. Những người lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam không thích Trung Quốc, họ chỉ sợ Trung Quốc mà thôi. Họ sợ cái gì là một chuyện khác. Một chính quyền Việt Nam trách nhiệm và sáng suốt sau này cũng không thễ nghĩ đến việc gây chiến để chiếm lại. Hậu quả của một cuộc xung đột mới với Trung Quốc sẽ chỉ làm các nhà đầu tư nước ngoài cuốn gói ra đi mà chưa chắc gì đã lấy lại được một tấc đất nào. Phải thực tế mà nhìn nhận ràng trừ khi có một phép mầu những gì đã mất sẽ không thể lấy lại.
Nhờ dư luân thế giới và áp lực của các chính phủ dân chủ ư ? Ai ủng hộ chính quyền Việt Nam, một chính quyền đã chà đạp nhân quyền, lại còn liên tục thách đố thế giới một cách lỗ mãng như ủng hộ Sađam Hussein, Milosevic, và có lúc cả bè lũ Taliban và bin Laden ?
Chúng ta đã không làm được gì để lấy lại đất đã mất nhưng chúng ta có thể mất thêm nhiều hơn nữa. Những cái mốc mà hai chính quyền Trung Quốc và Việt Nam đang cắm chẳng có một giá trị nào cả. Chúng cũng có thể bị Trung Quốc nhổ đi như họ đã nhổ đi những mốc trước. Và hậu quả có thể rất trầm trọng đối với Việt Nam.
Núi phải có chân. Núi thuộc về kẻ ở chân núi. Chúng ta không biết chính quyền Hà Nội đã nhường đất tới đâu. Đây là một hiệp ước được ký và thông qua một cách lén lút, ngay cả những nhân vật rất cao cấp trong bộ máy đảng và nhà nước (chưa nói tới các đại biểu quốc hội bù nhìn) cũng không biết. Nhưng nếu có những nơi mà đất được nhượng cho Trung Quốc tới sát chân núi thì có rất nhiều nguy cơ là núi cũng sẽ mất luôn. Nên nhớ rằng nước ta sở dĩ còn tồn tại đến ngày nay mà không bị Trung Quốc sáp nhập là nhờ được bảo vệ bởi dãy núi trùng điệp dày cả trăm cây số dọc theo biên giới. Mất núi thì về lâu về dài cả lãnh thổ ta bị đe dọa.
Sau đó Trung Quốc còn có một khả năng xâm nhập và khuynh đảo rất lớn ở miền Bắc nước ta qua các sắc tộc ít người. Một trong những thất bại của Việt Nam, từ rất lâu trước chế độ cộng sản, là đã không hội nhập được các sắc tộc này vào cộng đồng dân tộc vì thiếu một quan niệm đứng đắn về quốc gia. Những sắc tộc này không gần gũi với Việt Nam hơn Trung Quốc bao nhiêu về mặt tình cảm. Có những sắc tộc còn nói tiếng Quảng Đông. Ở vùng biên giới sự hòa trộn giữa bên này và bên kia lại rất lớn. Trung Quốc rất có khả năng mua chuộc một số sắc tộc để xúi giục họ nổi loạn và gây bất ổn, nhất là các sắc tộc này đang rất cơ cực và có cảm tưởng bị Hà Nội bỏ quên.
Trung Quốc cũng có thể, như họ đã bắt đầu làm, chiếm đoạt và khai thác những tài nguyên dưới lòng biển của Việt Nam chung quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thậm chí họ có thể đánh chiếm nốt những đảo còn lại của Việt Nam tại Trường Sa.
Tất cả những đe dọa trên là có thật và cần được cảnh giác, nhưng nếu những người lãnh đạo đảng cộng sản nghĩ rằng họ có thể làm đẹp lòng Trung Quốc bằng những nhượng bộ về lãnh thổ và lãnh hải để đổi lại với một tình láng giềng tốt thì họ lầm to. Lấn đất là tâm lý căn bản của Trung Quốc. Văn hóa Trung Quốc không phải là một thứ văn hóa tỏa rộng bằng thương mại, khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật, mà là thứ văn hóa nông nghiệp trong đó lấn đất là một bản năng. Ngay cả giai cấp lãnh đạo của Trung Quốc cũng mang nặng tâm lý này. Dù cho chính quyền Việt Nam có nhân nhượng tới đâu thì khi cần Trung Quốc vẫn có thể tìm được lý cớ để gây hấn để lấn chiếm tiếp. Đối với Trung Quốc, chỉ có một giải pháp : phải mạnh, hoặc có thế mạnh.
Trung Quốc và ta
Có thể nói trừ một ngoặc đơn ngắn, một trăm năm Pháp thuộc, lịch sử Việt Nam chủ yếu là lịch sử những cố gắng đương đầu với Trung Quốc. Lịch sử đó cho phép chúng ta rút ra một kết luận : Trung Quốc tham đất nhưng không không quyết tâm. Họ ham đất với bản năng của một nông dân chứ không phải với ý chí của một kẻ đi chinh phục. Khi họ yếu hoặc khi chúng ta mạnh thì họ để ta yên. Mặt khác, cũng như một qui luật lịch sử, khi dân tộc ta đoàn kết thì chính quyền mạnh và giữ được nước, khi chúng ta chia rẽ hoặc có nội chiến thì bị bắt chẹt. Chúng ta đang yếu bởi vì chúng ta đang có một chính quyền bị toàn dân thù ghét.
Đất nước là tài sản thiêng liêng mà tổ tiên đã tốn bao xương máu để tạo dựng và gìn giữ cho con cháu. Dâng đất không những xúc phạm tới tỗ tiền mà còn có tội lớn với muôn đời con cháu.
Những người lãnh đạo đảng cộng sản không phải là không thấy được rằng việc ký hiệp ước nhượng đất và biển cho Trung Quốc là hành động rất nghiêm trọng, dứt khoát và vĩnh viễn đặt họ vào thế có tội với dân tộc. Họ cũng thừa hiểu rằng hành động này có thể làm tan vỡ đảng bởi vì chính đại bộ phận đảng viên cộng sản cũng rất phẫn nộ. Chính vì thế mà họ đã che đậy và giấu giếm.
Và họ cũng thừa hiểu rằng việc quốc hội lén lút thông qua hiệp ước này mà không công bố là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử thế giới từ ngày có báo chí và thông tin. Hành động này đã làm mất tất cả mọi chính đáng (nếu giả thử là đã có) của chế độ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Làm sao họ có thể nghĩ rằng họ có thể giấu giếm dân chúng một cách lâu dài sự kiện trầm trọng này ?
Tuy vậy, họ làm như họ đã làm. Bởi vì họ quá cô lập đối với thế giới và đối với cả dân chúng trong nước. Bắc Kinh là chỗ dựa duy nhất của họ, và Bắc Kinh đã bán đắt chỗ dựa này. Đây là vấn đề cũ kỹ của một tập đoàn dựa vào ngoại bang để tiếp tục tồn tại. Lòng tham quyền lực đã dẫn đến sự mù quáng. Đến lượt nó sự mù quáng này có thể dẫn đến hậu quả không ngờ là làm cho chế độ sụp đổ sớm hơn. Có một sự kiện mà mọi người phải nhận định một lần cho tất cả là Việt Nam là một quốc gia lớn, với gần 80 triệu dân, cho nên một chế độ không còn phù hợp thì phải cáo chung. Những cố gắng dựa vào một thế lực bên ngoài để bảo vệ nó chỉ làm cho nó sụp đổ sớm hơn và ô nhục hơn mà thôi.
Đối với Trung Quốc, ta chỉ có một cách để có hòa bình và hợp tác thực sự là phải mạnh. Muốn mạnh phải có đoàn kết dân tộc, và muốn đoàn kết thì phải có hòa giải dân tộc. Dân chủ thành thực là điều kiện bắt buộc cho hòa giải dân tộc.
Lột xác và hóa thân
Hy vọng lấy lại được vùng đất và vùng biển đã mất tuy rất ít nhưng không phải là không có. Phép màu có thể có. Với điều kiện là chúng ta biết nhìn về tương lai một cách thông minh.
Ta có thể mạnh và có thể rất mạnh sau một thời gian tương đối ngắn với điều kiện là phải hiện đại hóa và dân chủ hóa một cách thật dứt khoát và quả quyết. Ta có một địa thế rất thuận lợi, một nguồn nhân lực rất dồi dào với những con người siêng năng, hiếu học. Bí quyết thành công là phải lôi kéo được thật nhiều đầu tư nước ngoài để biến nước ta thành thủ đô đầu tư tại châu Á của các công ty đa quốc gia và biến dân tộc ta thành một dân tộc kinh doanh. Điều này chúng ta có thể làm được nếu có quyết tâm, và nếu động viên được toàn dân trong một cố gắng chung.
Và khi chúng ta đã giàu mạnh thì khả năng lấy lại đất và biển cả là có thực. Sự giàu mạnh của nước Nhật đã buộc Nga phải từ bỏ thái độ trịch thượng về quần đảo Kurila mà họ chiếm đoạt từ Thế Chiến II. Nếu Việt Nam giàu mạnh thì có một lúc Trung Quốc sẽ phải tự đặt câu hỏi nên giữ đất hay nên trả lại đất.
Việc mở lại những cuộc đàm phán với Trung Quốc về biên giới, hải đảo và vùng biển trong một hai thập niên nữa càng có thể hình dung được bởi vì Trung Quốc đang phải đương đầu với những đe dọa rất trầm trọng và sẽ rất bối rối. Đe dọa nghiêm trọng nhất của Trung Quốc là hiện tượng sa mạc hóa, hậu quả của chính sách cai trị duy ý chí, bất chấp môi trường. Sa mạc đang từ Bắc gậm nhấm về phía Nam với vận tốc lớn và đã tới gần Bắc Kinh. Lượng nước trung bình cho một người Hoa lục hiện nay chỉ là 15% mức trung bình thế giới. Nhiều cuộc xung đột đẫm máu đã xảy ra giữa các địa phương để giành nhau một dòng nước. Trung Quốc chưa có giải đáp nào cho mối nguy ngày càng lớn này. Đe dọa thứ hai là sự cách biệt và đố kỵ ngày càng lớn về mọi mặt giữa các tỉnh bờ biển phía Đông và các vùng sâu trong lục địa. Nguy cơ ly khai và nội chiến rất rõ rệt và có thể làm Trung Quốc tan vỡ. Đe dọa thứ ba là một khối vài trăm triệu người bỏ nông thôn sống lang thang ngoài vòng pháp luật ở ngoại ô các thành phố lớn. Một khó khăn khác là sự chuyển giao thế hệ trong ban lãnh đạo đảng và nhà nước từ thế hệ Giang Trạch Dân sang thế hệ Hồ Cẩm Đào. Cho đến nay mọi cuộc chuyển giao thế hệ tại Trung Quốc đều đã diễn ra một cách đẫm máu : giữa Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình là cuộc cách mạng văn hóa, giữa Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân là Thiên An Môn. Trong viễn ảnh đó nếu Việt Nam giàu mạnh lên thì nhiều vấn đề tưởng đã xong vẫn có thể đặt lại được. Nhưng muốn như thế thì phải lột xác và hóa thân. Phải dân chủ hóa nhanh chóng và hiện đại hóa một cách quả quyết.
Trở về với sự thực đau nhức hiện nay : lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ bờ cõi chúng ta bị sứt mẻ, do sự tự nguyện dâng hiến của một chính quyền từ trước tới nay rất huênh hoang về thành tích giữ nước.
Trên đường đi tới quyền lực Đảng Cộng sản Việt Nam đã đòi hỏi sự hy sinh của hàng trăm ngàn đảng viên và họ cũng đã khiến nhiều triệu người thiệt mạng. Tuy nhiên họ cũng đã gây được sự cảm phục vì đã chiến đấu dũng cảm. Sự cảm phục này còn đâu nữa sau hành động dâng đất ô nhục này ? Mọi người Việt Nam đều rất đau đớn, nhưng đau đớn nhất là chính những người đã chiến đấu và hy sinh dưới lá cờ của Đảng Cộng sản.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã mất tất cả tính chính đáng. Nó cũng đã mất luôn cả thể diện. Nó không còn được ai kính trọng và cũng đã mất luôn cả sự tự trọng. Nhưng nó sẽ còn kéo dài bao lâu nữa và gây thêm bao nhiêu thiệt hại cho đất nước ?
Nguyễn Gia Kiểng
-------------------------
(1) Sau thất bai này Đảng Cộng sản đã phải điều trung tướng Nguyễn Hữu An lên chỉ huy chiến trường. Cũng nên nói thêm là tướng Nguyễn Hữu An được coi là vị tướng rất có tài, nhưng đã không lên cao được vì xuất thân từ một gia đình Việt Nam Quốc dân Đảng.
(2) Một nghệ sĩ tên tuổi trong nước kể rằng ngay trong lúc cuộc chiến biên giới năm 1979 đang diễn ra dữ dội thì địa phương quân của Trung Quốc mỗi buổi tối vẫn sang phía Việt Nam để xem các cuộc trình diễn văn nghệ dành cho quân đội Việt Nam đang đánh nhau với quân Trung Quốc.
(Theo Web Diễn Đàn Dân Chủ)
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 06:23, 18/04/2012 - mã số 56336
Kính mời quý vị xem thêm bài dưới đây của tqvn2004:
Người Trong Nước Tìm Hiểu Chủ Quyền Bản Giốc
Diễn Đàn X-CafeVN, Cập Nhựt 12/2008
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 12:40, 17/04/2012 - mã số 56300
Hiệp định biên giới Việt- Trung: Được, mất, công, tội?
Tác giả: Nguyễn Vũ Trần Lê
12:00:am 02/01/11
Ngày 30 tháng 12. 2010 – ngày cùng, tháng tận của năm thứ 10 thế kỉ 21, báo mạng VietnamNet đăng bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Hồng Thao có học hàm học vị khá cao: Phó giáo sư ; Tiến sĩ; Phó chủ nhiệm UB Biên giới Quốc gia, người đại diện cho UB này phát biểu, giải thích trước công luận về qúa trình đàm phán đi đến kết qủa việc hoàn thành cắm cột mốc biên giới với Trung quốc.
Toàn bài viết toát lên mấy ý chính:
- Việc đàm phán với TQ về BGQG giữa hai nước Việt – Trung vô cùng khó khăn…
- UBBGQG đã có ’’công lớn’’ trong việc đàm phán này (chứ không có tội, như tiêu đề bài phỏng vấn của phóng viên Phương Loan…)
- Giải thích về việc 2 khu vực quan trọng – nhậy cảm của tổ quốc (bị mất) sau khi kí kết HĐBG với TQ: Thác Bản Giốc và Mục Nam Quan
- Cần phải làm gì để có thể bảo vệ biên giới trên đất liền, trên biển…
Ông NHT thay mặt UBBGQG thể hiện ý kiến mình bằng ngôn từ mềm mỏng khi trả lời phỏng vấn, nhằm hướng người nghe, người đọc vào mục đích chính: Nhận thức được UBBGQG đã hoàn thành “nhiệm vụ nặng nề’’, mà từ 1990 trở về trước – không làm được (việc cắm cột mốc biên giới Việt – Trung)…
Liệu cái việc- “Trước không có – Sau này cũng (sẽ) không có’’ trong lịch sử của nước Việt Nam – có sẽ là cột mốc đánh đấu mối quan hệ tốt đẹp, hữu nghị,“hướng tới tương lai’’ như Sếp lớn, Sếp vừa vừa, Sếp nhỏ của ông – Thứ trưởng bộ ngoại giao hi vọng – không?
Đáng ra phải công bố cho toàn dân biết đường biên mới được UBBGQG, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước chỉ đạo –. đã hoàn thành . Thế nhưng – theo lời ông Thao – chưa thể công bố kết qủa bằng hình ảnh (bản đồ) trên hệ thống thông tin đại chúng (báo chí truyền thanh, truyền hình…), mà chỉ công bố từng phần trên trang Web của chính phủ…). Bởi… tại … nhiều hồ sơ quá!
Theo tôi, đây không phải là lí do chính đáng, mà là’’lí trấu’’!
Bởi vì, trước khi tiến hành cắm mốc trên thực địa, đã được xác định trên bản đồ. Vậy, câu hỏi được đặt ra là: Vì sao UBBGQG VN – hay nói rõ ra – Đảng và chính phủ VN – cứ phải giấu giấu, diếm diếm nhân dân, nếu cái hiệp định hai bên kí kết thực sự trong sáng, không mờ ám?
Theo ông Thao: “toàn bộ khu vực tranh chấp Việt Nam – Trung Quốc có trên 200 km2, Hiệp ước hoạch định biên giới 1999 đã quy thuộc về Trung Quốc 117,2 km2, quy thuộc về Việt Nam là 114,9 km2…’’ .
Chúng ta nghi ngờ: Ông GS-TS Nguyễn Hồng Thao nói dối để tránh sự phẫn nộ của dân Việt khi biết rõ sự thật: Việt Nam đã để TQ gặm nhấm một phần đất đai của tổ quốc mà ông cha, con cháu nghìn đời đã giành được. Vì chưa có trong tay bằng chứng toàn bộ sự mất mát này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu chỉ hai điểm “nhậy cảm’’ mà mọi người dân VN thực mục sở thị: Thác Bản Giốc và Mục Nam Quan.
Về Thác Bản Giốc (TBG):
Hình: Sau Hiệp Định Biên giới 1999 phần chính của Thác Bản Giốc đã thuộc về TQ, phần thác phụ thuộc VN
Thế hệ những người hiện đang ở độ tuổi từ 50 đến 100, (và kéo dài hàng trăm năm trước), ai cũng biết, cũng được học, nghe, nhìn nhiều lần ảnh chụp phong cảnh TBG ở địa phận tỉnh Cao Bằng, qua đó khẳng định TBG là của VN. Thế mà ông Thao lại cho biết nó của Trung Quốc… một nửa (…)! Nếu đúng vậy, ông và cái ủy ban của các ông hãy trưng ra các chứng cứ “của TQ một nửa’’ kia là từ đâu, văn bản nào?
Về Mục Nam Quan:
Rất may, đây là cửa khẩu lớn cho người đi bộ, đi xe có động cơ và tầu hoả, nên mọi người dân đều chứng kiến: Theo thông lệ, bất cứ cửa khẩu nào cũng có 2 cửa vào – Một của bên này, một của bên kia. Khoảng cách chia đều 2 bên là đường trung tuyến nằm ở giữa khoảnh đất trống, người ta gọi là vùng trắng. Cả hai bên không được xây dựng bất cứ công trình nào ở khu vực này. Hiện, cả 2 cửa ải (cổng đi qua) đã nằm trọn bên phần đất của TQ. Tuy có xe ‚’Taxi’’ để đi từ cổng này tới cổng kia (vì dài mấy cây số), nhưng người quan tâm muốn đi bộ (để ngầm đo đạc) – mất chừng 40 phút. Nếu tính trung bình đi bộ 5Km/giờ , làm phép tính nhẩm sẽ ra kết qủa: Chúng ta mất khoảng trên dứơi 2Km chiều ngang và không rõ bao nhiêu Km chiều dài. Cứ giả thiết – tạm cho rằng khu vực cửa khẩu này, mỗi bên tính từ cổng cửa ải – cách xa dăm cây số thôi, số đất nằm tại nơi vô cùng thiêng liêng đối với dân tộc Việt Nam này – đã mất hàng chục cây số vuông.
Thế nhưng, ở cửa khẩu Mục Nam Quan, sự mất đất kia không thể tính bằng cây số, trăm mét… mà phải tính từng “Tấc đất’’! Ông PGS, TS Thao – nói sơ sơ, lướt qua về khu vực “nhậy cảm’’ chỉ nhằm che giấu sự thật viêc cướp đất trắng trợn của TQ. Tiếng kêu than của người con hiếu đễ trước cảnh li biệt với người cha bị giặc bắt đi đầy biệt xứ hơn 5 thế kỉ trước – được thi sĩ Hoàng Cầm tái hiện bằng những vần thơ bi tráng trích đoạn trong vở kịch thơ Hận Nam Quan:
Nguyễn Phi Khanh:

Con yêu qúy, chớ xuôi lòng mềm yếu
Gác tình riêng vỗ cánh trở về Nam
Con về đi tận trung là tận hiếu
Đem gươm mài dưới bóng nguyệt, khăn tang…
Nguyễn Trãi:

Cha nhắc tới tương lai đầy tươi sáng
Khiến lòng con bừng tỉnh cơ mê
Qùy lạy cha ! Cha lên đường ảm đạm
Rồi Nam Quan theo gío con bay về…
Hơn 5 thế kỉ sau – hôm nay – những đức con hiếu đễ của Mẹ hiền lại khóc trước người mẹ bị kẻ thù “banh da xẻ thịt’’.
Thế mà người đứng đầu UBBGQG – đại diện cho Đảng và Chính phủ VN , những “lãnh đạo hào kiệt sáng suốt’’ (lời Nguyễn Hồng Thao) – thể hiện “tấm lòng mình’’ khi bị TQ tàn hại Mẹ (Tổ quốc) - – bằng 4 câu thơ sặc mùi “Phản cảm’’, còn NHT thì trắng trợn tán dương:
Để khích lệ anh em chuyên viên chúng tôi, trưởng đoàn ta úy lạo anh em một chai Nếp Mới. Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường góp chai Mao Đài. Nhân đó trưởng đoàn ta vịnh bốn câu thơ:
“Phân giới xong rồi nhẹ đôi vai
Đêm nay Nếp Mới với Mao Đài
Việt – Trung hữu nghị tình thắm mãi
Giữ trọn niềm tin hướng tương lai”
.
Chúng tôi hiểu Trưởng đoàn muốn mượn thơ để nhắn nhủ: gần đến thắng lợi không thể tránh khỏi gian nan, Mao đài và Nếp mới là tượng trưng cho sự bình đẳng giữa hai nước, cũng có nghĩa là đêm nay còn có khác biệt,…’’!
- Than ôi!
- Có còn thiên lí nữa không?
- Có còn đạo lí của kẻ sĩ trong con người mang học hàm, học vị PGS, TS – Nguyễn Hồng Thao – nữa không?
Mùi xú khí từ bản Hiệp định – “còn thum thủm’’, chưa kịp tan biến trong không gian thì… “MAO ĐÀI’’ (MĐ) tiến hành ngay chiến dịch cướp biển, bắt giam, cầm tù, tống tiền, bắn giết con dâm của “NẾP MỚI’’ (NM) trong khi các “Hào Kiệt – Lãnh đạo’’ của NM câm lặng!
Không biết những “ …(có) lãnh đạo – Hào Kiệt sáng suốt’’ – như PGS,TS Thao gọi, xưng tụng, kia – đã tỉnh ra chưa hay cứ vẫn tiếp tục u mê, thậm chí cố tình u mê trước các chiến dịch, nằm trong chiến lược bành trướng: Tung chưởng đá vào hạ bộ NM nhằm răn đe, nói theo ngôn ngữ dân dã hơi bị…’’chợ búa:
“Cho mày bài học nữa để biết thế nào là hậu qủa khi không chịu nghe lời, vô lễ với bố mày! Đ… mẹ mày – Làm ông mất thời gian. Giờ có nghe lời không? Để vùng biển đấy cho tao, không được om sòm…. Mày chui ra từ cái đũng quần của tao (như dăm ba đứa cả đàn ông lẫn đàn bà, cả gìa lẫn trẻ – trong chúng mày – đã nhắc nhở, lên tiếng xác nhận…). Phải biết thân biết phận con ạ!’’
Với TQ, khi đám hậu duệ của Mao Trạch Đông quán triệt, thấm nhuần học thuyết: “Súng đẻ ra chính quyền’’. Nếu lùi chúng một bước, chúng sẽ lấn tới 10 bước. Ông Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh – “Anh hùng chống Mỹ’’ có vẻ rất tâm huyết với phương châm – Lùi một bước (để) tiến ba bước – khi trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài… đại ý : Bảo vệ tổ quốc không nhất thiết phải là cách tiến hành chiến tranh chống trả. Cách bảo vệ tốt nhất, hiệu qủa nhất là… không để chiến tranh xẩy ra!
Không biết đây đúng là tư tưởng của ông hay chỉ là “Võ nói dối của con nhà Võ’’(Trả lời phỏng vấn Radio nước ngoài). – như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ giải thích hộ ông trước dư luận. Ai cũng biết vậy, nhưng “Bọn bành trướng bá quyền nước lớn’’ không chịu như vậy. Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng ! Nếu, run sợ, chịu khuất phục thì chỉ có cách qùy xuống cam chịu làm thân dân phiên thuộc cho thiên triều – nghĩa là mất nước – thôi! Đây có phải là câu nói của vị tướng Tổng tư lệnh quân đội không? Hay đây là cách bắn tin để tranh chiếc ghế TBT? (Giờ chức đó đã (sắp) của người khác)
Thưa ông Tổng Tư Lệnh Quân đội nhân dân VN anh hùng!
Đối với “Con hổ giấy’’ (Mỹ), “Con gấu bông’’ (Nga) – kế thứ 37 của Tôn Vũ “Phẩy’’ (Tôn Vũ chỉ có 36 kế) – có thể may ra thực hiện được! Còn đối với “con gấu trúc’’ (Tầu) – Đây chỉ là ảo tưởng! Con Gấu Trúc là ẩn thân của “con sư tử ngủ’’ đã thành tinh. Bản chất của nó là hung hãn, ăn thịt và tìm cách ăn thịt tất cả mọi con mồi. Đất nước ông là con mồi hấp dẫn, béo bổ nên nó sẽ tìm mọi cách thanh toán con mồi mà nó đang thèm, như trong qúa khứ nó vẫn hướng tới, thực hiện mục đích này.
Thế nhưng xin ông hãy tỉnh mộng, nhìn thẳng vào sự thật khắc nghiệt!
Kế của ông – mà lúc còn đang ở ngoài nhà tù – Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ – rất yêu ông, bào chữa cho ông khi ông tuyên bố ở hội nghị bộ trưởng quốc phòng khối ASEAN làm dư luận lo ngại. Đó là suy nghĩ hoàn toàn viển vông, ông nên rút lại lời nói đó (cho dù cưỡi tên lửa đã không đuổi kịp chú đừng nói “Tứ Mã Nan Truy’’). Cách chống trả hữu hiệu nhất đối với con sư tử thành tinh là: Toàn dân tộc VN phải đoàn kết, đồng lòng chống trả. Phải làm như chị Ba Định, Chị Út Tích đã làm trong chiến tranh “chống Mĩ cứu nước’’ – Còn cái lai quần cũng đánh!
Thực tế lịch sử của dân tộc đã chứng minh: Bọn phong kiến Trung Hoa chưa bao giờ thắng được dân tộc VN. Lịch sử thế giới cũng đã ghi nhận: Trung Hoa trông bề ngoài thế thôi, nhưng khi đi vào cuộc chiến, chúng mới thực là con “hổ giấy’’. Bằng chứng là bọn Xâm lược Anh, Pháp, Đức tiến vào, chúng liền dâng đất cho ngoại bang… Các chú Lùn (Nhật) đã làm mưa làm gió, cưỡi lên đầu chú Chiệc – nhiều năm…
Xa hơn nữa, ngược về qúa khứ: Dân tộc Mãn Thanh đã vào trung thổ rồi “Gọt đầu’’ (đàn ông) , “tháo tất bó chân’’ (đàn bà) - Trung Hoa hơn một thế kỷ! Cần nắm lấy “tử huyệt’’ này của chúng rồi dũng cảm, chiến đấu bảo vệ tổ quốc – sẽ thành công. Ông và các bạn bè, đồng nghiệp võ – người lính, “chức to lớn nhất’’ mà né tránh, lung lay, run sợ rồi “co vòi’’ thì dân Việt thật đáng thất vọng. Danh xưng Anh hùng mà nhân dân VN trao tặng cho ông trong quá khứ, ông cần phải bảo vệ như bảo vệ “con ngươi của mắt mình’’!
Đối với “lãnh đạo – Hào Kiệt’’ của VN hôm nay: Xin nhắc các vị :
- Nếu những vị đứng đầu muốn thần phục thiên triều để kiếm lợi thì… nên thôi đi, thôi nhanh, lảng xa. Các vị đang làm “Đầu gà’’, lẽ nào lại thích xuống làm “Đít trâu’’? Một ở trên đầu, cho dù là con gà, vẫn hơn tụt xuống đít – mà lại là đít con trâu!…
- Bọn Tầu thâm độc lắm! Khi đang còn cần các vị, chúng sẽ thí cho bổng lộc. Khi không còn gía trị để lợi dụng, chúng sẵn sàng vất bỏ các vị như vất chiếc khăn đang lau mặt – xuống làm khăn lau nhà xí. Trong lịch sử của TQ từ cổ chí kim : Rất nhiều kẻ làm tay sai, nhưng kẻ thù của chủ – cho chúng lợi nhiều hơn sự “cống hiến’’ của tay sai, chúng giết ngay kẻ đã cúc cung tận tụy mình để dâng cho kẻ cho chúng lợi nhiều hơn, to hơn!
- Bọn Tầu rất tráo trở, phản trắc: Chúng không bao giờ coi lời hứa là quan trọng. Chúng có câu châm ngôn cửa miệng : “Vì mục đích, bất chấp thủ đoạn’’. Mục đích hiện nay của TQ là bành trướng xuống phương nam, nuốt trọn vùng Đông Nam Á. Việt Nam là cửa ngõ, là đầu cầu nên phải dụ dỗ – mua chuộc – thậm chí tiêu diệt “giải phóng mặt bằng’’ để đắp con đường cho đoàn quân Bành trướng – tiến!
Kí kết hiệp định biên giới trên đất liền, kí hiệp định phân chia vịnh Bắc Bộ và doạ dẫm đánh chiếm biển đảo tiếp theo sau… là chứng minh rõ ràng, xác thực nhất!
- Từ năm 1990 đến năm 2000 – qua 2 nhiệm kì TBT (khóa 7 do ông Đỗ Mười. Khóa 8 do ông Lê Khà Phiêu) nắm giữ. Các ông ấy vẫn còn dè dặt, không dám kí tắt Hiệp định biên giới với TBT ĐCSTQ vì trong đó có nhiều điều bất lợi cho dân Việt, nước Việt. Chỉ đến khi ông Nông Đức Mạnh lên làm TBT 2 khóa 9,10 (2000 – 2010), bản Hiệp định bất bình đẳng trên đất liền, trên biển vịnh Bắc Bộ lập tức ra đời, đáp ứng yêu cầu của bọn đầu lãnh bá quyền Bắc Kinh.
- Tại sao vậy? Câu hỏi này xin để cho mọi người dân Việt Nam tự tìm câu trả lời, lịch sử của dân tộc ghi chép!
Đất đai của tổ tiên để lại thực chất đã bị mất nhiều! (nếu UBBGQG này công bố công khai – công bố bản vẽ đường biên cũ và đường biên mới – sẽ rõ ngay thôi).
Đối với PGS, TS, Phó Chủ nhiệm UBBGQG – Nguyễn Hồng Thao – xin nhắc :
Ông được coi là Trí thức có học hàm, học vị, chức tước, được xem như Người Quân Tử (NQT). Người quân tử thứ thiệt có bản chất: “Giầu sang không thể quyến rũ. Gian khó không thể chuyển lay. Uy vũ không thể khuất phục’’. Ông hãy ngẩng cao đầu làm một người trí thức chân chính để làm gương cho con cháu, học trò mình. Lời ghi lạị trong bài phỏng vấn khiến người nghe, người đọc giật mình, cảm thấy PGS, TS , Phó chủ nhiệm UBBGQG VN – Nguyễn Hồng Thao đang triển khai ý kiến của đại sứ TQ tại VN – ngài Tôn Quốc Tường: Hợp tác sẽ phát triển. Đối đầu sẽ thất bại.
Học trò Đỗ Ngọc Bích mấy tháng trước và PGS Nguyễn Huy Qúy cựu viện trưởng viện Trung Quốc mấy hôm nay – nói cùng chủ đề với Nguyễn Hồng Thao. Cách nói của 2 người này trực tiếp, nhưng không sâu sắc lắm… còn cách nói của Hồng Thao tiên sinh thì uốn éo, vòng vèo… nhưng thâm thúy và nổi bật ý – vô cùng:
“… Có mối liên hệ văn hóa sâu sắc. Gần đây cũng có ý kiến Kinh Dịch và tiếng Hán xuất phát từ tộc Bách Việt, mà một nhánh là Lạc Việt (Việt Nam). Lịch sử hai nước gắn bó chặt chẽ với nhau, không chỉ ngàn năm lịch sử mà cả trong thời kỳ hiện đại. Cách mạng hai nước cũng gắn bó và hỗ trợ cho nhau. Hai nước cùng có những trăn trở vươn lên, Trung Quốc với 4 hiện đại hóa, Việt Nam với Đổi mới và đều đã có những thành công.
Chúng ta không thể sống tách biệt với Trung Quốc, cũng như Trung Quốc không thể sống tách biệt với Việt Nam. Tự nhiên và lịch sử đã đặt hai nước, hai dân tộc sống cùng nhau.
Một Trung Quốc phát triển, có trách nhiệm hơn với thế giới là điều đáng mừng, là cơ hội cho Việt Nam học hỏi vươn lên. Nhiều nước trên thế giới, ở xa mong muốn hợp tác làm ăn với Trung Quốc, tại sao chúng ta ở gần hơn lại không nắm bắt cơ hội.
Một Trung Quốc mạnh cũng là thách thức không nhỏ nếu như chúng ta không chủ động vươn lên, không cải cách hành chính, kinh tế. Phải coi vị trí láng giềng của “người khổng lồ” là động lực để phấn đấu vươn lên…’’
 (VietnamNet ngày 30.12.2010).
Hay!
Hay cho giọng lưỡi người trí thức quan trường – Nguyễn Hồng Thao!
© NVTL
© Đàn Chim Việt
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 05:43, 17/04/2012 - mã số 56287
VIETNAM NEWS NETWORK (VNN)
Phỏng Vấn Kỹ sư NGUYỄN ĐÌNH SÀI
Đặc Biệt Biên Giới Việt - Trung, Năm 2005
(Nguồn: Theo Web Phù Sa)
Lời giới thiệu của VNN: Vấn đề biên giới Việt - Trung trên Đất liền cũng như trên Biển, cho tới nay, vẫn chưa được nhà cầm quyền CSVN làm sáng tỏ. Chế độ độc tài nầy vẫn tiếp tục che tai bịt mắt người dân trước những vấn đề nghiêm trọng của đất nước. Họ đang giấu diếm những gì đàng sau những Hiệp định về Biên giới với Trung Quốc? Hành động dã man của hải quân Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam tại Vịnh Bắc Bộ vừa qua có phải vì tranh chấp đánh cá với Việt Nam không hay vì những ý đồ nào khác của Bắc Kinh? Phản ứng của CSVN trước sự kiện nầy là yếu hèn, khiếp nhược hay chính họ cũng đã đồng tình với cuộc thảm sát nầy của Trung Quốc? Vì những âm mưu gì? Tại sao?... Để sáng tỏ thêm những vấn đề nầy, thông tấn VNN đã rất hân hạnh được Kỹ sư Nguyễn Đình Sài dành cho một cuộc phỏng vấn đặc biệt sau đây do phóng viên Võ Triều Sơn thực hiện. Xin kính mời quý vị theo dõi.
VNN: Kính thưa Kỹ sư, Hiệp Định Việt - Trung về Biên Giới Trên Đất Liền (30.12.1999) đến nay đã hơn 5 năm và cũng đã được Quốc Hội hai bên thông qua, nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn chưa công bố Bản đồ về đường biên giới mới căn cứ vào Hiệp Định 1999 nầy. Kỹ sư nhận định như thế nào về vấn đề nầy?
Kỹ sư Nguyễn Đình Sài: Thưa anh Võ Triều Sơn, theo tôi thì việc giấu giếm bản đồ phân định biên giới Việt Trung của nhà cầm quyền Hà Nội có hai nguyên nhân:
Thứ nhất là vì đảng CSVN đã nhượng quá nhiều đất đai cho Trung Quốc trong nhiều lần từ năm 1958 đến nay, để vừa trả nợ viện trợ chiến tranh Bắc Nam vừa có viện trợ mới về tài chính để củng cố bộ máy cai trị của chế độ và giảm thiểu phần nào sự thất bại của nền kinh tế quốc doanh. Tuy nhiên, Hà Nội biết rõ việc bán nhượng đất đai này lại phạm tội phương hại đến nền an ninh chiến lược của dân tộc từ lâu đời, nên nếu công bố bản đồ ra thì sẽ bị nhân dân lên án chế độ. Vì thế, thà Hà Nội tiếp tục giấu giếm bưng bít để giữ sự nhượng đất của họ trong tình trạng nghi vấn mơ hồ, còn hơn là bạch hóa để cung cấp thêm một chứng cớ không thể biện bạch được.
Thứ hai là cho đến nay, Hà Nội vẫn còn đang lúng túng với những dữ kiện trái ngược giữa bản đồ của họ và bản đồ của Trung Quốc. Mặc dù trên giấy tờ của Hiệp Định 1999, thì Hà Nội đã thỏa thuận nhượng quá nhiều đất rồi, đặc biệt là các vùng có mỏ quý và các vùng nằm trong các vị thế chiến lược ảnh hưởng đến nền quốc phòng của hai nước mà quân đội xâm lăng của Trung Quốc rải mìn sau khi rút lui, nhưng trên thực tế thì ngoài các vùng đó ra, có nhiều vùng mà bản đồ của Hà Nội ghi địa danh Việt Nam và đường biên giới nằm phía bắc, thì bản đồ của Trung Quốc lại ghi địa danh Trung Quốc và đường biên giới nằm phía nam. Tức là có những vùng "trùng nhau" (overlap) mà hai bên đều xác định là lãnh thổ của mình. Phía Hà Nội yếu thế ở chỗ cơ quan nghiên cứu "Khoa Học Địa Dư" chưa có hệ thống vẽ bản đồ chính xác và hiện đại như của Trung Quốc hay của Hoa Kỳ, vì không có có các vệ tinh (satellites) như Mỹ và Trung Quốc, nên không thể mạnh dạn chứng minh để tranh chấp đối với các vùng mà Hà Nội nghi rằng Bắc Kinh còn lấn chiếm trên thực tế nhiều hơn là trên giấy tờ.
VNN: Cảm ơn Kỹ sư. Cũng có ý kiên cho rằng vì công việc cắm các cột mốc biên giới chưa hoàn tất (dự trù sẽ xong trong năm nay) nên CSVN chưa tiện công bố Bản đồ biên giới mới. Kỹ sư nghĩ sao về ý kiến nầy?
Kỹ sư Nguyễn Đình Sài: Thưa anh, điều này không đúng rồi! Người nào đưa ra lời giải thích này có thể hoặc là không hiểu gì về phương pháp đặt cột mốc hoặc cố tình biện minh cho việc giấu giếm bản đồ mà thôi:
Muốn đặt cột mốc, các trắc lượng viên phải có bản đồ có các tọa độ tung và hoành tuyến cùng các dữ kiện chi tiết khác như cao độ, hướng và khoảng cách giữa các điểm, để căn cứ vào đó mà xác định vị trí của các dấu trắc lượng (survey mark) của cột mốc trên đất để sau đó cột mốc mới xây lên. Chứ không phải cứ xây bừa cột mốc lên rồi mới vẽ bản đồ theo đó!
Sau khi cột mốc được xây xong thì có thể kiểm lại và điều chỉnh tọa độ trên bản đồ cho chính xác. Nhưng việc điều chỉnh này rất hiếm, ngoại trừ trường hợp chỗ đặt cột mốc có nền đá quá cứng hay bùn lầy quá mềm mà toán hoạch định bản đồ dùng để xây cột mốc không biết, nên không thể xây được nếu không muốn quá tốn kém. Trong trường hợp này, với sự đồng ý của hai bên, vị trí mới của cột mốc chỉ phải di chuyển càng gần vị trí nguyên thủy càng tốt và cũng không thể nằm lệch ra ngoài đường biên giới do bản đồ ấn định trước.
Trong bài viết "Biên Giới Việt Trung: Đi Tìm Sự Thật Sau Những Che Giấu", hiện nay còn đăng trong phần Nghiên Cứu, trang nhà của Hội Chuyên Gia Việt Nam, tôi có giải thích khá tường tận cách ấn định đường biên giới, vẽ bản đồ và xây cột mốc. Việc vẽ bản đồ này nằm trong giai đoạn 2 của tiến trình 5 giai đoạn trong việc thi hành Hiệp Định 1999 và phải được phổ biến cùng với bản văn của Hiệp Định 1999 đúng như điều cuối của hiệp định đó. Cho nên nếu nói vì cột mốc chưa xây xong mà không thể phổ biến bản đồ biên giới là sai lầm và hành động ngược lại văn bản. Việc cần làm của Hà Nội là phải phổ biến bản đồ của Hiệp Định 1999, nhất là vì bản văn của nó lại rất mơ hồ. Sau khi việc cắm mốc hoàn tất, dự trù trong năm 2005 này, thì xác định lại những chỗ không thể cắm mốc được bởi tình trạng nền đất không thích hợp, phải bất đắc dĩ thay đổi địa điểm mà thôi.
VNN: Kính thưa Kỹ sư, trong một bài nghiên cứu của Kỹ sư với tựa đề : Biên Giới Việt Trung: Vẽ Bản Đồ Qua Hệ Thống Trắc Lượng Toàn Cầu tại Hội Nghị Diên Hồng Hải Ngoại Bảo Toàn Đất Tổ Kỳ 2 tổ chức tại Nam California đầu năm nay, Kỹ sư cho biết với những kỹ thuật đồ bản hết sức hiện đại qua vệ tinh, cơ quan USGS (United States Geological Survey) thuộc Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ luôn có những bức hình chính xác về các cột mốc của đường biên giới mới Việt - Trung. Như vậy, việc CSVN cứ tiếp tục giấu diếm Bản đồ biên giới mới như thế có ích lợi gì không?
Kỹ sư Nguyễn Đình Sài: Thưa anh Sơn, tôi đã trả lời tổng quát trong câu hỏi đầu tiên, việc giấu giếm bản đồ chỉ nhằm phục vụ quyền lợi đảng, tránh cho đảng bị nhân dân lên án mà thôi. Ở đây tôi xin nói thêm là: Cho đến nay, sau hơn 5 năm kể từ ngày ký kết, việc nhà cầm quyền Hà Nội giấu giếm bản đồ phân định biên giới Việt Trung càng ngày càng khiến cho các chuyên gia về ngành Trắc Lượng Địa Dư bị mặc cảm và lúng túng. Họ quá hiểu rằng hiện nay các cột mốc nào vừa xây xong thì đã được hệ thống "Trắc Lượng Toàn Cầu" GPS (Global Positioning System) ghi nhận, cho thấy rõ những khác biệt của đường ranh giới mới so với các bản đồ ngày xưa. Chính vì vậy, các hành động giấu giếm bản đồ của hiệp định 1999 cũng như đưa ra bản văn trừu tượng và lệch lạc đã làm cho những chuyên gia địa dư xấu hỗ vì mang tiếng là thiếu "tinh thần nghề nghiệp" (professional morale). Họ biết vậy, nhưng không được Trung ương đảng CSVN cho phép bạch hóa bản đồ của hiệp định 1999, vì bản chất của chế độ là việc gì không có lợi cho đảng thì họ không làm, và ngược lại, việc gì có lợi cho đảng thì dù có thiệt hại cho đất nước và tương lai của dân tộc, họ vẫn làm.
VNN: Chúng tôi cũng được biết Hội Đồng Bảo Toàn Đất Tổ đã thành lập một cơ quan có tên là Khối Địa Dư mà Kỹ sư là một thành viên. Nhân đây, xin Kỹ sư có thể cho biết rõ thêm về những hoạt động của Khối như thế nào?
Kỹ sư Nguyễn Đình Sài : Thưa anh, đối với tôi, việc nghiên cứu về biên giới đất liền và lãnh hải trong lúc này gồm có một số nhu cầu cần thiết như sau:
- Tìm ra sự thật về các hiệp định 1999 và 2000 và những bí ẩn mà nhà cầm quyền Hà Nội đang triệt để che giấu, bưng bít ngay cả đại biểu Quốc hội của họ.
- Vận động gây quỹ để tài trợ cho những toán trắc lượng mang theo các dụng cụ GPS đến tận nơi cắm mốc để xác định vị trí chính xác.
- Với các dữ kiện do toán trắc lượng cung cấp, vẽ đường biên giới mới một cách chính xác, để so sánh sự khác biệt giữa bản đồ này với bản đồ giai đoạn 2 theo Hiệp định, và bản đồ đã có từ trước khi Trung Quốc lấn chiếm Việt Nam từ năm 1958 đến nay.
Đây là một công tác khá đồ sộ, có thể quá tầm mức và khả năng của Hội Đồng Bảo Toàn Đất Tổ. Hiện nay, ban Địa Dư có 3 thành viên, trong số đó, có một chuyên gia dù sẵn lòng cộng tác nhưng lại không muốn minh danh. Hiện chúng tôi chỉ mới thảo luận khái quát về những nhu cầu và trọng tâm nghiên cứu, còn việc thực sự nghiên cứu thì còn tùy theo dự án riêng của mỗi cá nhân mà thôi. Dù vậy, tôi có lưu tâm đến thành quả sơ khởi của một vị trong ban với một công trình nghiên cứu khá công phu vừa được phổ biến. Gần đây, vì nhu cầu nghiên cứu về biên giới Việt Trung theo kỹ thuật mới, tôi cũng đã nhờ một người bạn Hoa Kỳ vốn là một Trắc Lượng Gia chuyên nghiệp (Professional Land Surveyor) giúp đỡ tài liệu và dụng cụ, nên có thể nói vị thân hữu này cũng là một thành viên "bán chính thức". Chúng tôi thấy không cần thiết để phổ biến tên tuổi của những thành viên và người cộng tác.
Trong những năm tháng tới, chưa biết công cuộc nghiên cứu có thể tiến triển thêm như thế nào, và bao giờ thì hoàn tất. Bởi vì các việc làm có tính cách "tình nguyện" này còn tùy thuộc vào sự hưởng ứng tham gia của các chuyên gia khác trong các ngành Trắc Lượng và Công Chánh, cũng như sự hỗ trợ mọi mặt của đồng bào trong nước và hải ngoại cho việc làm có ý nghĩa này. Nếu Hà Nội cho phổ biến bản đồ hiệp định thì công việc nhẹ đi nhiều lắm. Nhưng nếu họ vẫn nhất định giấu giếm thì công việc vẫn tiến hành được nhưng khó khăn hơn.
VNN: Cảm ơn Kỹ sư. Theo kết quả nghiên cứu cho tới ngày hôm nay, xin Kỹ sư có thể cho biết, với Hiệp Định 30.12.1999, CSVN đã nhượng cho Trung Quốc bao nhiêu diện tích lãnh thổ? Những trọng điểm nào của vùng biên giới đã bị dâng hiến cho Trung Quốc?
Kỹ sư Nguyễn Đình Sài: Hiện nay cá nhân tôi chỉ mới đối chiếu sự khác biệt của bản đồ mới trong vùng từ Cao Bằng sang tới Lạng Sơn, vì đó là vùng mà hai trong ba đạo quân của Trung Quốc đã tràn sang Việt Nam vào tháng 2 năm 1979, một ngã vượt sông Quế Sơn sang Cao Bằng và một ngã qua Ải Nam Quan tiến xuống Đồng Đăng và Lạng Sơn. Tôi chưa có thì giờ tìm hiểu về sự mất mát lãnh thổ trong lưu vực sông Hồng thuộc tỉnh Lào Cai là đường tiến quân của đạo quân thứ ba của Trung Quốc sang Việt Nam năm 1979. Ngoài ba vùng này có chỉ dấu mất nhiều đất nhất, còn một vùng nữa thuộc tỉnh Lai Châu, biên giới Việt Trung Lào, cũng bị nhượng, vì vùng này có mỏ quý ở phía bắc rặng Hoàng Liên Sơn. Hiện con đường liên quốc nối Vân Nam với Lai Châu đang được trùng tu xuống tận vùng Điện Biên Phủ là nơi theo kế hoạch của Trung Quốc khởi đầu của xa lộ Trường Sơn dọc theo biên giới Lào Việt xuống miền nam Việt Nam. Đường biên giới vùng Lai Châu - Vân Nam cũng bị dời xuống phía nam, và vùng núi non hiểm trở từng là chướng ngại thiên nhiên ngăn cản các cuộc tiến quân của người Hán hai ngàn năm qua, nay đã thành lãnh thổ của Trung Quốc.
Tôi chưa có thì giờ đối chiếu với bản đồ cũ để tính tỉ mỉ và chính xác diện tích đã mất là bao nhiêu km2 suốt dọc biên giới. Tuy vậy, chỉ mới ước tính đường biên giới dài 175 km từ chỗ con đường xuyên biên Cao Bằng - Quảng Tây chạy qua và chỗ khởi đầu quốc lộ số 1 tại Ải Nam Quan tỉnh Lạng Sơn, thì thấy giải đất dọc 175 km đường biên giới, trước kia thuộc đất Việt mà nay dân Tàu sở hữu, có bề ngang trung bình là 5 km. Như vậy diện tích lãnh thổ Việt Nam đã bị nhượng cho Trung Quốc dọc biên giới của Cao Bằng - Lạng Sơn và Quảng Tây - Long Châu là vào khoảng 875 km2. Muốn tính diện tích chính xác thì không khó. Ngày xưa các chuyên viên dùng dụng cụ "planimeter" để đo diện tích. Đối với các nhu liệu điện toán đo đạc thời nay, như Engineering Softdesk chẳng hạn, chỉ cần bấm "con chuột điện tử" vào các điểm dọc theo biên giới mới và cũ, giáp vòng, thì sẽ biết diện tích rất chính xác. Nhưng việc này chưa cần thiết.
VNN: Kính thưa Kỹ sư, sự kiện hải quân Trung Quốc thảm sát ngư dân Việt Nam tại Vịnh Bắc Bộ ngày 8.1 vừa qua đang gây chấn động lớn nơi đồng bào ta trong cũng như ngoài nước, đã có biểu tình rất nhiều nơi trên thế giới trong thời gian vừa qua... Có người cho rằng chính CSVN mới là thủ phạm đích thực cần phải lên án trong vụ thảm sát đồng bào nầy chứ không phải Trung Quốc. Kỹ sư nhận định như thế nào về vấn đề nầy?
Kỹ sư Nguyễn Đình Sài: Thưa anh, nói rằng CSVN là "thủ phạm đích thực" hay là "chính phạm" thì không chỉnh lắm. Trong vụ Hải Quân Trung Quốc xâm nhập hải phận Việt Nam để câu lưu 80 ngư phủ Việt Nam cùng với ghe của họ vào ngày 20-12-2004 và vụ Trung Quốc bắn giết những ngư dân Hậu Lộc vào ngày 8-1-2005, sự thật là có kế hoạch của Bắc Kinh, với sự toa rập của Hà Nội, để cho Hải Quân Trung Quốc hành động, mà Hải Quân Việt Nam biết trước và tránh xa vùng ấy trong thời gian xảy ra các biến cố đó. Vì vậy, nếu cần dùng đúng ngôn từ luật pháp, thì "chính phạm" vụ tàn sát ngư phủ là Bắc Kinh và "tòng phạm" là Hà Nội. Cả hai đều phải bị lên án trước tòa án quốc tế, trước Liên Hiệp Quốc, trước các quốc gia biết tôn trọng công pháp và nhân quyền thế giới. Nhưng đối với người Việt Nam thì tội của CSVN nặng hơn, vì đảng độc tôn nắm chính quyền mà lại toa rập với ngoại bang, tránh ra xa cho ngoại bang mặc sức tàn sát dân mình để đảng thủ lợi.
VNN: Điều rất bất thường ở đây là Trung Quốc, trong hơn thập niên qua, đối với thế giới, luôn tỏ ra là một cường quốc yêu chuộng hòa bình, không có tham vọng bành trướng... Nhưng riêng đối với Việt Nam, tại sao họ lại chọn giải pháp thảm sát nầy tại Vịnh Bắc Bộ? Thực sự, Trung Quốc có nhu cầu tranh chấp đánh cá với ngư dân Việt Nam không? Tại sao?
Kỹ sư Nguyễn Đình Sài : Thưa anh, trong bài viết mới đây của tôi với tựa đề "Biến Cố Vịnh Bắc Việt: Những Bí Ẩn Trong Vụ Hải Quân Trung Quốc Tàn Sát Ngư Dân Việt Nam", hiện được phổ biến trên rất nhiều websites và diễn đàn, tôi đã viết khẳng định rằng Hải Quân Trung Quốc, dù tàn ác đến đâu cũng không thể chỉ vì quyền lợi đánh cá trong vùng "đánh cá chung" để giết ngư phủ Việt Nam một cách dã man ngay trong lãnh hải của Việt Nam. Đã thế, họ còn đuổi bắn các ghe cố chạy thoát thân vào tận gần bờ, rồi lại dòng kéo chiếc ghe bị bắn trở thành bất khiển dụng về đảo Hải Nam, mang theo xác những người tử thương và 8 người sống sót trong đó có 2 bị thương. Tôi đã khẳng định rằng vụ tàn sát này cũng như vụ bắt bớ 80 ngư phủ Việt trong tháng 12-2004 chỉ nhằm mục đích làm cho ngư dân sợ hãi mà không dám héo lánh đến vùng "đánh cá chung" ngoài khơi các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình và Nam Định nữa. Vì việc ngư dân qua lại đánh cá trong vùng này làm trở ngại cho việc tiến hành một khế ước mật mà hai đảng CSVN và CSTQ đã ký với nhau song song với hai Hiệp định bề nổi: Một là Hiệp định phân định biên giới trong Vịnh Bắc Việt và hai là Hiệp định ấn định vùng đánh cá chung mà Quốc hội hai bên đã thông qua. Hiệp định phân chia biên giới đường biển là để Trung Quốc lấn thêm lãnh hải, khiến diện tích vùng dầu khí gần tương đương với Việt Nam. Đó là điểm gian thứ nhất của Trung Quốc. Hiệp định về nghề cá là tấm bình phong để ấn định vùng "đánh cá chung" ngay trên toàn vùng dầu khí trong vịnh, để cho người Trung Quốc có thể xâm nhập hải phận Việt Nam mà không phải xin phép hoặc bị vi phạm luật lãnh hải quốc tế. Đó là điểm gian thứ hai của Trung Quốc. Còn bản khế ước ngầm thì quy định cho Trung Quốc ưu quyền độc nhất khai thác dầu khí trong lòng đất dưới vùng "đánh cá chung". CSVN thỏa thuận cho Trung Quốc khai thác dầu khí trong hải phận Việt Nam để có tài chánh củng cố chế độ, chứ không phải để cung ứng cho các công trình ích quốc lợi dân. Âm mưu này xâm phạm nặng nề đến quyền lợi của đất nước, nên họ không dám công khai thông báo cho nhân dân biết, bèn khỏa lấp bằng hai hiệp định nói trên. Đó chính là những bí ẩn đưa đến vụ tàn sát vừa qua, và nếu người Việt hải ngoại không có phản ứng cũng như lên án cả hai chế độ, thì tội ác này có thể tái diễn, cho đến khi không còn ngư dân nào dám bén mảng đến vùng "đánh cá chung", để cho Trung Quốc mặc sức xây giàn khoan dầu khí.
VNN: Thì ra thế, kính thưa Kỹ sư, có người thắc mắc nếu là một "khế ước ngầm" mà hai bên chưa bạch hóa thì làm sao những người không liên hệ lại biết được? Làm sao để giải thích cho những nghi ngờ này?
Kỹ sư Nguyễn Đình Sài: Thưa anh, tôi rất thông cảm những thắc mắc hay nghi ngờ của nhiều người muốn trưng chứng cớ, thí dụ như bạch hóa một bức thư tương tự như bức thư của Phạm Văn Đồng gởi Chu Ân Lai vào năm 1958, công nhận thẩm quyền Trung Quốc trên toàn vùng biển Đông. Tuy nhiên, tôi đã trình bày là "việc gì không được nói thì không nói được", và khác với các bài viết trước đây với đầy đủ tài liệu tham khảo, lần này tôi không đưa chứng cớ hay tài liệu tham khảo trong bài viết "Bí Ẩn Vịnh Bắc Việt" vừa qua.
Mới đây, ông Vũ Hữu San, một chuyên gia về hàng hải và địa dư, vừa hoàn tất một bài nghiên cứu công phu, mà độc giả có thể tìm thấy qua trang web sau:
http://members.tripod.com/paracels74/bandophanchiaVinhBV.htm
Trong bài này, ông San cũng đề cập đến "tài liệu mật" ngay trong câu mở đầu của bài nghiên cứu:
"Theo Ông Nguyễn Ngọc Giao: Văn bản hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộhttp://members.tripod.com/paracels74/ - _ftn1 đến nay vẫn chưa được công bố, bản đồ đính kèm "bản tài liệu mật" cũng không được phổ biến."
Và cũng như tôi, ông không hề trưng chứng cớ về "tài liệu mật" hay xuất xứ của "ông Nguyễn Ngọc Giao". Trong một đoạn dưới tiêu đề "Thâm Ý của Trung-Hoa", ông cũng lại đề cập đến "sự gian dối" của Trung Quốc như sau:
"Nguồn lợi của tài-nguyên rõ-ràng đã thúc-đẩy Trung-Hoa lấn hải-phận Việt-Nam."
Tôi xác nhận là tôi đã không dùng tài liệu có cùng "xuất xứ" với các tài liệu của ông San. Tuy nhiên, có một điều mà tôi có thể khẳng quyết được, là đưa ra một lời thách thức hai nhà cầm quyền Bắc Kinh và Hà Nội. Nếu họ không hề ký một "khế ước mật" nào ngoài hai hiệp ước năm 2000 về biên giới lãnh hải và về vùng đánh cá chung, thì họ hãy ra thông cáo xác nhận "không hề có khế ước mật về việc Hà Nội nhượng độc quyền khai thác dầu khí cho Bắc Kinh".
Năm 1958, khi Phạm Văn Đồng gởi thư cho Chu Ân Lai, chấp nhận nhượng biển Đông, Hoàng Sa và Tây Sa cho Trung Quốc, lá thư không hề được Hà Nội tiết lộ. Mãi cho đến gần nửa thế kỷ sau thì Bắc Kinh mới cho công bố, vì Hà Nội muốn tráo trở đòi tranh chấp hai quần đảo này. Đó là bí ẩn giải thích tại sao Hà Nội đã "thủ khẩu như bình" khi Trung Quốc tiến chiếm Hoàng Sa vào năm 1974.
Nói tóm lại, một "khế ước mật" chưa được trưng bằng cớ không có nghĩa là "không có bản khế ước". Trong tạm thời, những ai nghi ngờ về sự chân giả của bản "khế ước mật", xin hãy suy nghĩ đến các câu hỏi sau đây:
- Tại sao "vùng đánh cá chung" lại bao cả vùng có túi dầu khí ở dưới đáy biển, mà lại không bao cả vùng ngoài khơi Hải Phòng có nhiều hải sản hơn?
- Tại Sao Hải Quân Trung Quốc có quyền tuần tiểu, bắt giữ và bắn giết ngư dân Việt Nam ngay trong hải phận Việt Nam?
- Tại sao Hải Quân CSVN không hề lai vãng tuần tiểu trong vùng trong suốt thời gian xảy ra vụ tàn sát?
VNN: Cảm ơn Kỹ sư. Nhà cầm quyền CSVN cũng đã có phản ứng về vụ thảm sát 8.1 nầy, Bộ Ngoại giao CSVN đã lên tiếng và cũng đã trao Kháng thư cho Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội v.v... Theo Kỹ sư nhận định, nói rằng CSVN phản ứng như thế là yếu hèn, nhu nhược, có đúng không? Tại sao?
Kỹ sư Nguyễn Đình Sài: Thưa anh, theo tôi, thì CSVN không những yếu hèn, nhu nhược, mà còn vô lương bất chính. Khi họ đã đặt bút ký nhượng tài nguyên quốc gia để thủ lợi, thì không thể muối mặt nuốt lời. Những "lên tiếng", "công hàm phản đối", v.v... chỉ là hình thức bề ngoài nhằm làm dịu làn sóng phẫn nộ của người dân mà thôi. Hà Nội ở vào cái thế không thể tiết lộ cho dân chúng biết bản khế ước ngầm về dầu khí, vì khế ước ngầm mang lại nguồn lợi huyết mạch cho đảng chứ không phải cho dân, đồng thời Hà Nội cũng không thể phản đối mạnh mẽ sự "xâm lấn tàn bạo" của Trung Cộng, vì họ đã đồng ý cho Trung Cộng sử dụng "biện pháp mạnh" này để khiến cho ngư dân Việt sợ hãi mà tránh xa. Nếu trái quy định đó thì Bắc Kinh sẽ phổ biến bản khế ước như họ đã từng bạch hóa lá thư nhượng biển của Phạm Văn Đồng gởi lén cho Chu Ân Lai vào năm 1958 mà hiện nay ai cũng biết.
Tôi lại hỏi thêm hai câu cho những ai muốn bênh vực đảng CSVN:
- Tại sao Hà Nội giữ im lặng cả tuần lễ cho đến khi thân nhân của ngư phủ kêu than, rồi mới lên tiếng xác nhận và gởi công hàm phản đối lấy lệ về việc Trung Quốc tàn sát xảy ra trong hải phận Việt Nam?
- Tại sao Hà Nội ngăn cản và bắt giam các sinh viên trẻ tụ họp biểu tình phản đối Trung Quốc trong tuần lễ đầu sau khi xảy ra vụ bắn giết?
VNN: Trung Quốc hiện nay là nước tiêu thụ dầu hỏa đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Trong cơn khát nhiên liệu hiện nay, vấn đề chính của Trung Quốc tại Biển Đông và Vịnh Bắc Bộ không phải là tôm cá mà là dầu hỏa như Kỹ sư đã vừa phân tích trên. Chắc chắn Trung Quốc phải phát triển mạnh mẽ lực lượng quân sự để bảo vệ nguồn tiếp vận dầu hỏa. Trong tình hình đó, Kỹ sư nhận định như thế nào về viễn cảnh của Việt Nam trong một, hai thập niên tới.
Kỹ sư Nguyễn Đình Sài: Thưa anh, trong bài viết của tôi cũng có đề cập đến hiểm họa của Hải Quân Trung Quốc đối với nền an ninh quốc phòng và lãnh hải. Theo kế hoạch của bộ Hải Quân Trung Quốc, các giàn khoan dầu trong vùng Biển Đông cũng có thể biến thành một vị trí chiến lược để tấn công vào Việt Nam, nhằm tê liệt hóa mọi kháng cự của Việt Nam, không những về hải lực mà còn về phương tiện phòng thủ, vì từ những điểm này, các thị trấn Việt Nam sẽ nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Trung Quốc. Đến khi hữu sự, Bắc Kinh không cần ra tay, mà Hà Nội vẫn phải đầu hàng. Đây là chiến lược thành văn của Trung Quốc, do bộ Hải Quân Hoa Kỳ nghiên cứu và phúc trình từ giữa thập niên 1990. Trong bài tham luận "Nghĩa Vụ Bảo Vệ Bờ Cõi Việt Nam", phổ biến vào năm 2001, tôi có đề cập đến bản phúc trình của Hải Quân Thiếu Tá Tình Báo Michael Studeman cho Bội Hải Quân Hoa Kỳ, trong đó có ghi lại chủ trương căn bản của People Liberation Army's Navy như sau:
"The only way to give our maritime defense a solid basis is to intensify our naval buildup and upgrade our naval buildup defense capability. We cannot resolve problems with political or diplomatic measures until we have great naval strength, and only then will it be possible to overcome our enemies without engaging in battles. If intimidation fails to achieve any effects, we would then be able to actually deal an effective blow."
Hiện nay Trung Quốc đã hoàn tất phi trường cho chiến đấu cơ phản lực tại Hoàng Sa và Trường Sa. Bằng vào sự kiện này, nếu sau này chiếc cầu tàu tại giàn khoan dầu trong Vịnh Bắc Việt trở thành một pháo đài tấn công Hà Nội, thì chỉ là một tiến trình tất yếu mà thôi. Những ai nghĩ mình là người Việt Nam còn có tình yêu thiết tha đối với dân tộc không thể không quan tâm đến vấn nạn này.
Võ Triều Sơn: Đại diện cho thông tấn VNN, tôi xin chân thành cảm tạ Kỹ sư Nguyễn Đình Sài đã dành nhiều suy nghĩ và thì giờ quý báu để chia sẻ cùng quý độc giả của VNN nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Năm mới, xin kính chúc Kỹ sư cùng quý quyến và tất cả quý chuyên gia trong Khối Địa Dư của Hội Đồng Bảo Toàn Đất Tổ luôn được dồi dào sức khoẻ và thành đạt mọi ước nguyện.
Kỹ sư Nguyễn Đình Sài: Cảm ơn ký giả Võ Triều Sơn. Tôi cũng kính chúc anh và toàn thể anh chị em trong Thông Tấn Xã VNN một năm mới an khang, phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành quả tốt trong việc đăng tải những tin tức thời sự trung thực và những công trình nghiên cứu lợi ích cho dân tộc.
(Theo Web Phu Sa)
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 05:35, 17/04/2012 - mã số 56285
Biên giới Việt - Trung và sức ép công tội người đàm phán
Tác giả: Phương Loan
Bài đã được xuất bản: 30/12/2010 08:05 GMT+7
Gặp gỡ và Đối thoại tuần này là cuộc trò chuyện với PGS - TS Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ nhiệm UB Biên giới về cuộc đàm phán và phân giới cắm mốc Việt - Trung kéo dài 19 năm, với những đồn đoán về công tội, và bài học tạo dựng thế bình đẳng trong cuộc chơi với đối tác nước lớn.
Một tấc đất của đất nước không để mất
Trải qua 19 năm đàm phán, phân giới cắm mốc biên giới, năm 2010, Việt Nam và Trung Quốc chính thức có được đường biên giới hòa bình, hữu nghị, với việc các hiệp định về phân giới cắm mốc Việt-Trung chính thức có hiệu lực.
Nỗ lực để đi đến đàm phán thành công, thế nhưng, ngay khi kết thúc đàm phán biên giới Việt - Trung, những nhà đàm phán Việt Nam lại phải đối mặt với những đồn đoán trong dư luận rằng hình như Việt Nam đã nhượng bộ cho Trung Quốc khá nhiều. Thay vì ghi công, có người đòi "hỏi tội" những người đàm phán. Là người trong cuộc, ông có thể chia sẻ điều gì?
PGS.TS Nguyễn Hồng Thao: Vấn đề biên giới Việt-Trung đã được hai nước quan tâm đặt vấn đề giải quyết ngay từ năm 1957. Đàm phán trực tiếp qua bốn giai đoạn, 1974, 1977, 1978 và 1991-2010 khi các văn kiện biên giới chính thức có hiệu lực. Giai đoạn 1991-2010 là giai đoạn đàm phán dài nhất 19 năm liên tục. Ngày 31/12/1999 ký Hiệp định hoạch định biên giới, ngày 31/12/2008 tuyên bố hoàn thành phân giới cắm mốc, ngày 18/11/2009 ký Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về Quy chế quản lý cửa khẩu, ngày 14/7/2010 các văn kiện chính thức có hiệu lực.
Nói thế để thấy rằng hai bên đều đã rất nỗ lực, rất thận trọng, kiên trì, phấn đấu để có kết quả công bằng, chính xác nhất.
Chúng tôi hiểu rằng biên giới là vấn đề thiêng liêng của mọi quốc gia, dân tộc. Đối với dân tộc Việt Nam thì vấn đề chủ quyền lãnh thổ lại càng thiêng liêng cao cả. Dân tộc ta từ nghìn xưa đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và khát khao mong muốn được sống trong hòa bình, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.
Sự chỉ đạo của lãnh đạo: một tấc đất của đất nước không để mất và một tấc đất của nước bạn cũng không vi phạm. Không phải với Trung Quốc, mà với cả Lào và Campuchia, chúng ta đều có lập trường nhất quán, thủy chung như vậy.
Tôi rất tâm đắc lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Lịch sử chỉ xảy ra có một lần, nhưng viết về lịch sử thì nhiều lần, bởi nhiều người để đi đến có cái hiểu thống nhất về lịch sử. Khi đứng trước vấn đề phân chia lãnh thổ, động chạm đến quyền lợi dân tộc, rất nhiều người quan tâm, bày tỏ ý kiến, đó là điều đáng mừng khi người dân thực hiện quyền công dân của mình. Nhưng cũng không thể không tránh khỏi có những ý kiến khác nhau nhất là khi thông tin chưa đầy đủ hay xem xét vấn đề từ những góc nhìn khác nhau. Đã làm biên giới, thì không còn cách nào khác là chấp nhận khó khăn thách thức, phải dám chịu trách nhiệm, đàm phán giải quyết trên cơ sở pháp lý-chính trị, phù hợp luật pháp quốc tế.
Hình: Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Lịch sử chỉ xảy ra có một lần, nhưng viết về lịch sử thì nhiều lần, bởi nhiều người để đi đến có cái hiểu thống nhất về lịch sử. TS Nguyễn Hồng Thao đứng ngoài cùng, bên trái.
Trong công tác biên giới, chúng tôi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo, sự đồng thuận, đoàn kết cao, ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương, nhân dân biên giới. Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm ra tận mốc 44 ở Chi Ma, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thị sát ở cửa sông Bắc Luân. Các lão thành cách mạng cũng quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến quý báu như đồng chí Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Văn An, Trần Đức Lương.
Chỉ xin nhắc lại một kỷ niệm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 98 tuổi còn tham gia với chúng tôi, hỏi rất kỹ những địa danh mà Đại tướng đã đi qua trong những ngày chỉ đạo chiến dịch biên giới, đóng góp vào phương án cuối cùng, dặn dò chúng tôi: "Các cháu đã làm rất tốt, phải biết nắm thời cơ, phải giữ vững chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng không làm gì tổn hại đến tình hữu nghị".
Kết quả cuối cùng đã được đa số đồng tình ủng hộ. Làm đúng cơ sở pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế, lợi ích của nhân dân, được sự đồng tình ủng hộ của đa số dư luận trong và ngoài nước thì sao lại phải ngại. Quyết tâm của lãnh đạo hoàn thành phân giới cắm mốc vào cuối năm 2008 là một quyết định sáng suốt, để tập trung vào vấn đề trên biển.
Thời gian sẽ cho câu trả lời chính xác nhất, sẽ có sự đánh giá khách quan nhất.
Đã vì đất nước thì phải dấn thân
Còn nhớ, ngay khi hai nước kết thúc đàm phán, trên nhiều trang mạng, đã có những thông tin (không rõ cơ sở) nói rằng Việt Nam đã mất hàng ngàn cây số vuông đất cho Trung Quốc. Thậm chí, Việt Nam đã "cắt đất" cho Trung Quốc...
Đúng là có những thông tin như vậy. Và thực tế chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho những đồn đoán ấy.
Không có chuyện "Việt Nam mất đất", "cắt đất" như họ nói. Chỉ có thể giải thích rằng những mạng này hoặc do thiếu thông tin hoặc cố tình làm sai lệch thông tin vì những ý đồ khác nhau.
Là người trực tiếp đàm phán, chúng tôi biết rõ, toàn bộ khu vực tranh chấp Việt Nam - Trung Quốc có trên 200 km2, Hiệp ước hoạch định biên giới 1999 đã quy thuộc về Trung Quốc 117,2 km2, quy thuộc về Việt Nam là 114,9 km2. Như vậy các khu vực tranh chấp đã được quy thuộc một cách tương đối công bằng, có thể chấp nhận được. Quá trình Phân giới cắm mốc chỉ là đưa đường biên giới trên bản đồ Hiệp ước 1999 ra thực địa.
Sau 1 năm phân giới cắm mốc và 6 tháng Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới Việt-Trung có hiệu lực (từ ngày 14/7/2010), số vụ vi phạm về biên giới đã giảm đi rất nhiều, giao lưu phát triển, công tác quản lý đi vào chiều sâu, hợp tác hiệu quả.
Nếu có dịp lên thăm các làng bản biên giới, bạn cũng sẽ thấy bà con hết sức phấn khởi.
Như vậy, thực tế đã chứng minh việc làm của chúng ta là đúng đắn, được người dân ủng hộ. Nếu dân không ủng hộ, thì hẳn nhiên là quyết sách có vấn đề; trường hợp ngược lại tức là hợp với lợi ích của nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thị sát ở cửa sông Bắc Luân. Ảnh: Hiền Anh
Là người đàm phán, chúng tôi hiểu áp lực rất lớn. Chúng tôi cũng hiểu rằng, phải dám chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc.
Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác Hồ đã đi tìm hình của nước, thế hệ chúng ta lãnh trách nhiệm trước lịch sử "dựng hình" của nước đánh dấu bằng các cột mốc hiện đại. Đã vì đất nước thì phải dấn thân.
Đến lúc này, chúng tôi có quyền tự hào được báo cáo với đất nước, với Nhân dân đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Đất nước, tạo môi trường thuận lợi cho đất nước phát triển và hội nhập, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng. Không có chuyện để xảy ra sơ sẩy, mất đất, bán nước ở đây.
Ngay cả khi đang đàm phán, những thông tin trái chiều, không thuận đâu phải ít?
Có những vấn đề khi đang đàm phán thì chưa thể công bố ra ngoài; lúc đó, với dư luận trong nước, cũng chỉ còn cách thuyết phục miệng, mà nếu không được thì đành để thời gian và lịch sử trả lời.
Ví dụ, khi kí xong 1 Hiệp định, rất nhiều người sẽ nói phải công bố ngay số liệu, không công bố tức là có dấu hiệu mờ ám, mất đất. Thực tế có phải như vậy không?
Trên thực tế, như đường biên giới với Trung Quốc có đến 1971 cột mốc, mỗi mốc 1 bộ hồ sơ riêng. Sau khi phân giới cắm mốc xong, lực lượng kĩ thuật còn phải kiểm tra, rà soát từng li từng tí, đối chiếu, khi tất cả đã chuẩn, đã khớp mới có thể ra Nghị định thư. Riêng việc in bản đồ kèm theo cũng phải hàng trăm lần. Chỉ một sai sót về mầu sắc, về độ nét to nhỏ là phải bỏ hết in lại.
Như vậy, với những số liệu chưa được kiểm định, liệu có thể công bố được chưa? Thành quả của quá trình đàm phán nằm trong hơn 2.500 trang tài liệu, bao gồm cả bản đồ và những lời văn mô tả, chứ không đơn giản như một số người nghĩ cứ tuyên bố hoàn thành Phân giới cắm mốc là xong, là đã có đường biên giới mới.
Đến nay, khi các văn kiện về đường biên giới mới đã được phê chuẩn và có hiệu lực theo đúng thủ tục giữa hai nước, chúng đều đã được công bố chính thức trên các mạng của Chính phủ, mọi người có thể tham khảo (www.biengioilanhtho.gov.vn - PV).
Điều chỉnh trên cơ sở cân bằng nhưng không nhân nhượng
Tuy nhiên, không ít người vẫn băn khoăn, trong đàm phán luôn phải có những thỏa hiệp, nhượng bộ lẫn nhau. Trong suốt 19 năm đàm phán, phân giới cắm mốc biên giới Việt - Trung ấy, việc thỏa thuận, nhân nhượng và thỏa hiệp như thế nào, thưa ông?
Phải nói rằng, biên giới lãnh thổ là thiêng liêng và người làm công tác đàm phán không bao giờ hi sinh lợi ích thiêng liêng ấy. Đàm phán về biên giới, vì thế, chưa bao giờ là việc dễ dàng, đơn giản, thường mất nhiều năm. Như biên giới Brazil - Chile đã phải trải qua 45 năm đàm phán, hay biên giới Nga - Trung cũng mới hoàn thành năm 2007.
Nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc là phải đàm phán hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế. Đàm phán chỉ có kết quả khi hai bên đều có thiện chí.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn cùng ông Nguyễn Hồng Thao và anh em trong Vụ Việt Trung chụp ảnh kỉ niệm bên cột mốc biên giới số 1116 cửa khẩu Hữu nghị. Ảnh do TS Nguyễn Hồng Thao cung cấp.
Đàm phán giải quyết vấn đề biên giới phải trên cơ sở pháp lý - chính trị, không thể chỉ dựa vào lý trí tình cảm hay suy đoán mà phải có hồ sơ, chứng cứ pháp lý rõ ràng, đủ sức thuyết phục. Những gì thuộc về nguyên tắc thì không thể nhân nhượng. Với những khu vực cơ sở pháp lý - quản lý của cả hai bên chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa đủ sức thuyết phục, tạo thành tranh chấp thì phải kiên trì đàm phán, tìm giải pháp giải quyết công bằng hợp lý, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và hai bên có thể chấp nhận. Thông qua đàm phán, tranh luận các bên hiểu rõ thêm lập trường của nhau, và hiểu rõ thêm cả chính mình. Điều cốt yếu là phải tìm ra những điểm chung nhất.
Để đạt tới mục tiêu có được một đường biên giới hòa bình hữu nghị, ổn định, hợp tác, rõ ràng, đánh dấu bằng những Hiệp định, những cột mốc, thì cần có thiện chí, hợp tác với nhau. Trong đàm phán cũng có những sự điều chỉnh trên cơ sở cân bằng về diện tích và lợi ích. Điều chỉnh chứ không phải nhân nhượng.
Nói thì dễ, nhưng làm không dễ. Trong điều kiện chịu áp lực trong và ngoài nước, trên bàn đàm phán và trên thực địa, đòi hỏi phải có bản lĩnh dám chịu trách nhiệm, nắm vững cơ sở pháp lý - kĩ thuật, hiểu biết sâu sắc thực địa, đào sâu nghiên cứu mới có thể có bước đi đúng.
Trong đàm phán, việc có cách hiểu, cách giải thích khác nhau là khó tránh khỏi. Có khi nào không khí đàm phán căng tới mức có nguy cơ đổ vỡ?
Chuyện đàm phán đông cứng, căng thẳng là có, nhất là khi các bên đều kiên quyết giữ lập trường, không chịu lắng nghe. Không phải là không có những trường hợp có bên có thể hiểu quá đi do lợi ích của mình. Phải kiên trì, đấu tranh, thuyết phục đối tác.
Lần đàm phán cuối cùng, hai bên đã tiến hành 13 vòng đàm phán chính thức cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ, rất nhiều cuộc gặp hai Trưởng đoàn, 31 vòng đàm phán cấp Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc. Càng về cuối đàm phán càng khó khăn, phức tạp. Riêng năm 2008, hai bên đã tiến hành 11 vòng đàm phán cấp Chủ tịch, vòng ngắn nhất kéo dài 9 ngày, vòng dài nhất 23 ngày. Có những lần, chúng tôi đã ngồi đàm phán liên tục đến 32 tiếng đồng hồ không nghỉ. Thậm chí, có lúc, vài chục tiếng ngồi trong phòng không phải để thảo luận, mà để "cân não".
Ngày 31/12/2008, 19g Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ, thay mặt hai đoàn Việt Nam, Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về việc hoàn thành phân giới cắm mốc, thế nhưng, cuộc đàm phán vẫn chưa đi đến hồi kết. Hai bên đã thống nhất về văn bản đường biên giới đi qua thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân nhưng lại phát hiện ra việc thể hiện trên bản đồ đính kèm của hai bên có sự khác biệt. Chúng tôi tiếp tục thảo luận.
Để khích lệ anh em chuyên viên chúng tôi, trưởng đoàn ta úy lạo anh em một chai Nếp Mới. Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường góp chai Mao Đài. Nhân đó trưởng đoàn ta vịnh bốn câu thơ:
"Phân giới xong rồi nhẹ đôi vai
Đêm nay Nếp Mới với Mao Đài
Việt - Trung hữu nghị tình thắm mãi
Giữ trọn niềm tin hướng tương lai".
Chúng tôi hiểu Trưởng đoàn muốn mượn thơ để nhắn nhủ: gần đến thắng lợi không thể tránh khỏi gian nan, Mao đài và Nếp mới là tượng trưng cho sự bình đẳng giữa hai nước, cũng có nghĩa là đêm nay còn có khác biệt, còn có hai phương án, nhưng hai bên đều có thiện chí, đều mong muốn vun đắp tình hữu nghị thì nhất định phải đi đến thống nhất. Tới 2h5 phút sáng 1/1/2009, hai bên mới đặt bút kí vào biên bản và tới 4h sáng cùng ngày, những thủ tục cuối cùng mới hoàn tất, thể hiện kết quả đúng như những gì mà chúng ta dự kiến.
Không riêng gì đàm phán, mà ngay cả khi phân giới cắm mốc cũng có lúc gặp khó. Năm 2007, tốc độ phân giới cắm mốc chậm hẳn lại do các khu vực tồn đọng đều là các khu vực nhạy cảm, có lịch sử tranh chấp lâu đời, khó giải quyết. Có tháng, có nhóm phân giới cắm mốc không cắm được cột mốc nào. ...
Nhưng nhờ thiện chí và nỗ lực của hai bên, Việt Nam - Trung Quốc đã giải quyết hợp tình hợp lý những khu vực tranh chấp biên giới, kết thúc việc hoạch định, phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung dài 1450 km.
Lấy dân làm gốc
Như ông đã nói, không có chuyện nhân nhượng trong đàm phán biên giới Việt - Trung, chỉ có những sự điều chỉnh trên cơ sở cân bằng về diện tích và lợi ích. Ông có thể làm rõ hơn ý này?
Ví dụ, qua hàng trăm năm lịch sử, có những làng bản của Việt Nam nằm sang phía Trung Quốc, làng bản Trung Quốc nằm sang Việt Nam; nếu cứ áp dụng đúng pháp lý sẽ tạo ra sự xáo trộn đời sống của người dân. Người dân khi nhà cửa, mồ mả, ruộng vườn bị ảnh hưởng do đường biên giới pháp lý đi qua, tình cảm đầu tiên nghĩ đến là một sự xáo trộn cuộc sống của họ rồi mới nghĩ đến đó là đường biên giới quốc gia.
Biên giới xây dựng lên cũng là nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ đời sống yên bình của người dân. Mọi quyết định đều không thể không tính đến yếu tố lấy dân làm gốc, dựa trên tình hình thực địa.
Trên cơ sở đó, ví dụ bản Ma Lỳ Sán (xã Pà Vày Xủ, huyện Sín Mần, tỉnh Hà Giang) của Việt Nam nằm quá đường biên giới được hoạch định và Phân giới cắm mốc chính thức về phía Trung Quốc trong khi 13 nóc nhà của nhân dân Trung Quốc gần biên giới Hang Dơi (Lạng Sơn) lại nằm quá sang đường biên giới được hoạch định và Phân giới cắm mốc chính thức về phía Việt Nam, hai bên đã thống nhất điều chỉnh cho nhau trên cơ sở giữ nguyên diện tích để bảo đảm đời sống dân cư. Nhân dân hai khu vực này rất đồng tình. Đây cũng là việc thường xảy ra trong thực tiễn quốc tế khi giải quyết các vấn đề biên giới.
Trong đàm phán cũng có những sự điều chỉnh trên cơ sở cân bằng về diện tích và lợi ích. Điều chỉnh chứ không phải nhân nhượng. Ảnh tư liệu từ trang Biengioilanhtho.gov.vn
Đi được đến Hiệp định là thắng lợi của cả 2 bên, cho ra đời một đường biên giới ổn định. Về mặt số học cũng hết sức rõ ràng.
- Thế còn Thác Bản Giốc, và Hữu nghị quan vốn được dư luận quan tâm nhiều nhất?
Thác Bản Giốc gồm 2 phần: phần thác phụ và phần thác chính. Theo hồ sơ lưu trữ của Việt Nam và Pháp, khi Công ước Pháp - Thanh 1887/1895 được kí kết cũng đã không giải quyết trọn vẹn vấn đề thác Bản Giốc; nhưng đã ghi rõ đường biên giới sẽ đi theo trung tuyến sông Quây Sơn.
Theo Hiệp ước 1999, đường biên giới được xác định theo nguyên tắc trung tuyến dòng chảy chính nhưng chưa thể hiện đường biên giới chính thức (chỉ ghi nhận hai đường nét đứt thể hiện quan điểm hai bên).
Với một thác nằm ở đường biên giới, theo luật quốc tế sẽ được 2 bên sử dụng như nhau, biên giới đi theo đường trung tuyến dòng chảy ở những nơi tàu thuyền không qua lại được hoặc theo đường trung tuyến luồng ở những nơi tàu thuyền qua lại được. Đó là nguyên tắc cũng từng được chúng ta áp dụng để giải quyết vấn đề biên giới với các bạn Lào, Campuchia.
Giải pháp Việt Nam và Trung Quốc đã thoả thuận là đường biên giới đi từ mốc 53 cũ, qua cồn Pò Thoong, đến điểm giữa của mặt thác chính, theo trung tuyến dòng chảy chính trên sông Quây Sơn. Như vậy, Phần thác phụ hoàn toàn thuộc phía Việt Nam, còn phần thác chính đổ thẳng xuống sông Quây Sơn là sông chung biên giới, được phân chia theo trung tuyến dòng chảy chính.
Hiện nay 2 nước đang đàm phán để phát triển toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thành khu vực tự do du lịch, để nhân dân 2 nước đều được ngắm cảnh đẹp, thúc đẩy giao lưu phát triển du lịch.
Về khu vực Hữu nghị quan: Theo các tài liệu lịch sử đang được lưu giữ, Trấn Nam Quan hay còn gọi là Ải Nam Quan đều nằm bên phía Trung Quốc, đường biên giới nằm phía nam Trấn Nam Quan. Theo "Đại Nam Nhất thống chí" của Viện Khoa học xã hội Việt Nam dịch Hán Nôm, giới thiệu năm 1962, Trấn Nam Quan được xây dựng từ thời nhà Minh; sau đó, đời Nhà Thanh cho tu bổ lại. Dấu tích lịch sử quan trọng của khu vực cửa khẩu Hữu nghị còn lại là mốc 19 cũ do Pháp Thanh cắm năm 1894.
Vừa qua Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành cắm mốc 1117 trùng với vị trí mốc 19 cũ, đường biên giới đi qua Km số 0, mốc 19 cũ đến điểm cách điểm nối ray hiện tại 148m về phía Bắc.
Như vậy có thể khẳng định đường biên giới tại cửa khẩu Hữu nghị vừa được phân giới cắm mốc là phù hợp với lịch sử, với Hiệp ước 1999 và thực tiễn quản lý ở khu vực này.
- Thế còn các điểm cao biên giới dọc đường biên giới Việt - Trung thì sao, thưa ông?
Theo Hiệp định, các khu vực hai bên quản lý quá sang nhau, sau khi có đường biên giới chính thức, sẽ trao trả cho nhau. Hiện 38 chốt quân sự ở các điểm cao dọc biên giới Việt - Trung đã được dỡ bỏ.
Đàm phán trên tư cách bình đẳng, ngang hàng
Là một nước nhỏ đàm phán với một đối tác lớn như Trung Quốc, có khi nào Việt Nam bị lép vế?
Đúng là bên cạnh một Trung Quốc lớn đang trỗi dậy mạnh mẽ, có vị thế lớn trên trường quốc tế là một khó khăn, thách thức; nhưng đó cũng là cơ hội để ta triển khai đàm phán hòa bình, trên cơ sở hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Trong thời đại phát triển luật pháp như hiện nay, tất cả các nước đều bình đẳng, dù lớn hay nhỏ, số dân nhiều hay ít. Nắm vững nguyên tắc đó, tâm thế đó, ta bước vào đàm phán một cách sòng phẳng, ngang hàng với đối tác.
Hơn nữa, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán với các đối tác lớn rồi. Chúng ta đã từng cùng các cường quốc như Pháp, Mỹ ngồi lại, bàn về nền hòa bình cho Việt Nam. Lúc đó, có ai nghĩ ta có thể bước ra khỏi đàm phán với tư thế của người ngang hàng? Nhờ chính nghĩa, biết phát huy thế mạnh, dựa vào luật pháp quốc tế, Việt Nam đã thành công.
Hình: TS Nguyễn Hồng Thao tại ĐH Thi đua Yêu nước năm 2010 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Cũng cần nói thêm, Việt Nam là quốc gia duy nhất mà đối tác Trung Quốc đồng ý áp dụng Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895, các Công ước ký trong thời thực dân-phong kiến, làm cơ sở giải quyết biên giới . Còn với 13 nước khác có chung đường biên với Trung Quốc, nước này đều yêu cầu phải đàm phán lại từ đầu, vì cho rằng những Hiệp ước kí kết dưới chế độ thực dân trước đây nhà Thanh đều bị lép vế, không bình đẳng dẫn đến bất lợi cho họ.
Không vì thắng lợi nhỏ, trước mắt mà quên đi mục tiêu lâu dài
Qua thời gian dài đàm phán với Trung Quốc, ông đúc rút được điều gì trong cuộc chơi bình đẳng, công bằng với một nước lớn như vậy? Theo ông, điều gì để Việt Nam tạo dựng và giữ được thế bình đẳng, ngang hàng với đối tác lớn?
Vừa qua tôi thấy Vietnamnet có một chuyên mục cho bạn đọc trao đổi ý kiến Việt Nam cần làm gì bên cạnh một Trung Quốc hùng mạnh đang phát triển. Có ý kiến lo lắng, có ý kiến cho rằng đó là thời cơ.
Tôi nghĩ chúng ta cần phải xuất phát từ thực tế chúng ta là một nước láng giềng với Trung Quốc và là một nước láng giềng có vị trí tương đối đặc biệt với Trung Quốc. Hai nước có biên giới tương đối dài, gắn bó. Có cả biên giới đất liền và biên giới biển. Có mối liên hệ văn hóa sâu sắc. Gần đây cũng có ý kiến Kinh Dịch và tiếng Hán xuất phát từ tộc Bách Việt, mà một nhánh là Lạc Việt (Việt Nam). Lịch sử hai nước gắn bó chặt chẽ với nhau, không chỉ ngàn năm lịch sử mà cả trong thời kỳ hiện đại. Cách mạng hai nước cũng gắn bó và hỗ trợ cho nhau. Hai nước cùng có những trăn trở vươn lên, Trung Quốc với 4 hiện đại hóa, Việt Nam với Đổi mới và đều đã có những thành công.
Chúng ta không thể sống tách biệt với Trung Quốc, cũng như Trung Quốc không thể sống tách biệt với Việt Nam. Tự nhiên và lịch sử đã đặt hai nước, hai dân tộc sống cùng nhau.
Một Trung Quốc phát triển, có trách nhiệm hơn với thế giới là điều đáng mừng, là cơ hội cho Việt Nam học hỏi vươn lên. Nhiều nước trên thế giới, ở xa mong muốn hợp tác làm ăn với Trung Quốc, tại sao chúng ta ở gần hơn lại không nắm bắt cơ hội.
Một Trung Quốc mạnh cũng là thách thức không nhỏ nếu như chúng ta không chủ động vươn lên, không cải cách hành chính, kinh tế. Phải coi vị trí láng giềng của "người khổng lồ" là động lực để phấn đấu vươn lên. Nguyễn Trãi đã từng dạy: Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau nhưng hào kiệt đời nào cũng có.
Có lãnh đạo (hào kiệt) sáng suốt, đường lối độc lập tự chủ, dám chịu trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm, dám sáng tạo, thu phục nhân tài, đoàn kết nhất trí trên dưới, bình tĩnh giải quyết các vấn đề nảy sinh trên cơ sở luật pháp quốc tế, có chiến lược không vì thắng lợi nhỏ, thắng lợi trước mắt mà quên đi mục tiêu lâu dài, thủy chung. làm bạn với tất cả bạn bè quốc tế. Những bài học đó của ông cha không bao giờ cũ cả.
Bạn hãy nhìn lại lịch sử, vào những thời điểm quyết định, đứng trước những thử thách gay go nhất, trước những "đối thủ, đối tác" tiềm lực mạnh hơn nhiều, dân tộc ta vẫn đi lên, vẫn tồn tại vì chúng ta biết lấy nhu thắng cương, lấy chính nghĩa khắc sức mạnh, dĩ bất biến ứng vạn biến.
Từ kết quả đàm phán hiệp định và phân giới cắm mốc biên giới trên bộ, chúng ta rút ra kinh nghiệm gì cho việc đàm phán biên giới, cả trên bộ và trên biển trong thời gian tới?
Chắc sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm. Cái chính vẫn là kiên trì nguyên tắc, tin tưởng lãnh đạo, những gì về nguyên tắc không thể nhân nhượng, đồng thuận, đoàn kết, nắm vững thời cơ, dám chịu trách nhiệm, nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ pháp lý, hiểu người hiểu ta, giải quyết phù hợp luật pháp quốc tế và lòng dân, phải biết giữ bí mật và kỷ luật đàm phán đến cùng thì mới thành công. Đúng như lời Bác Hồ đã dạy ngành Ngoại giao: "Dĩ bất biến ứng vạn biến".
Đồng thời, phải hiểu được văn hóa của nhau. Mỗi nước đều có lòng tự hào của riêng mình. Đối tác luôn tự hào về thể diện nước lớn còn chúng ta luôn tự hào về ý chí kiên cường của dân tộc không bao giờ chịu khuất phục trước sức mạnh.
Công lý không bao giờ đo bằng sức mạnh
Đã có những thỏa thuận pháp lý, đã hoàn thành phân giới cắm mốc, nhưng việc tuân thủ pháp lý ở đường biên vẫn là một thách thức. Theo ông, chúng ta phải làm gì để đường biên giới hai nước thực sự hòa bình, hữu nghị, không có chuyện gặm nhấm từng bước theo nhiều cách khác nhau?
Hai bên cần tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền để mọi người đều hiểu, tôn trọng và tuân thủ các văn bản pháp lý về đường biên giới đã có hiệu lực. Các lực lượng quản lý biên giới cần tăng cường hợp tác. Biên giới để phân định chủ quyền quốc gia nhưng biên giới còn có chức năng thứ hai là biên giới hợp tác, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển vì tình hữu nghị và lợi ích chung của hai dân tộc.
Một trong những bí quyết thành công của đàm phán biên giới trên bộ Việt - Trung là sự chuẩn bị kĩ lưỡng về hồ sơ, tài liệu, về nghiên cứu thực địa. Trong khi đó, với vấn đề Biển Đông vốn nhiều phức tạp và cũng rất nhạy cảm, dường như việc nghiên cứu của ta có vẻ "lép vế" so với bạn. Làm thế nào để ta khắc phục được, giành thắng lợi trong "cuộc chiến không cân sức" ấy?
TS Nguyễn Hồng Thao cùng đại biểu quốc tế người Hy Lạp đồng thời là cựu chiến binh trung úy quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Lập tại ĐH Thi đua yêu nước 2010.
Tôi không đồng ý với bạn về những từ "lép vế", "cuộc chiến không cân sức". Một nước Nicaragoa bé nhỏ kiện Mỹ ra Tòa năm 1995 và đã được Tòa án Công lý xử thắng. Công lý không bao giờ đo bằng sức mạnh cả. Chúng ta không đe dọa ai, không đánh ai, không gây hấn với ai, nhưng chúng ta bảo vệ lãnh thổ của mình, chúng ta mong muốn được sống trong hòa bình, ổn định để phát triển.
Trong thế giới hiện đại, ở đâu cũng có đấu tranh và hợp tác. Vấn đề Biển Đông phức tạp và nhạy cảm, là một trong những vấn đề khó do lịch sử để lại.
Để giải quyết tốt vấn đề chúng ta đã chú trọng cho công tác nghiên cứu. Vừa qua ngay ở Lý Sơn, ở Huế, người dân cũng hưởng ứng đóng góp nhiều văn bản có giá trị. Chúng ta có nhiều nghiên cứu của nhiều thế hệ...
Có thể so sánh về số lượng các Viện nghiên cứu, các công trình nghiên cứu thì chúng ta có thể ít, nhưng chất lượng nghiên cứu ngày càng được nâng cao. Cuốn sách Việt Nam và các tranh chấp trong Biển Đông của tôi viết bằng tiếng Pháp đã được tặng giải thưởng luật biển quốc tế INDEMER năm 2000 và được Nhà xuất bản dannh tiếng Pedone xuất bản năm 2004.
Nói như vậy không phải đề cao cá nhân, sự đóng góp của cá nhân rất nhỏ bé nhưng lập luận của mình về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, về giải pháp cho vấn đề Biển Đông được giới khoa học luật quốc tế ghi nhận trong khi chưa có tác phẩm nào của học giả Trung Quốc về Biển Đông được giải thưởng cả.
Mình có lập luận có căn cứ, có chính nghĩa, phải tự tin, dám đấu tranh mới thành công.
Đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ, đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình giảng dạy, nghiên cứu, động viên các em phấn đấu, nghiên cứu. Cần đầu tư hơn nữa cho việc xây dựng, sưu tầm hồ sơ pháp lý, đào tạo cán bộ pháp lý luật quốc tế, luật biển.
Hy vọng trong thời gian không xa, chúng ta có những thẩm phán người Việt tham gia vào Tòa án quốc tế La Hay, Tòa án quốc tế Luật biển.
Trong lĩnh vực Toán học chúng ta đã có Ngô Bảo Châu, nhưng để có những người Việt tham gia vào các tổ chức tài phán quốc tế hay trở thành lãnh đạo của các Tổ chức quốc tế phục vụ cho hòa bình và công lý quốc tế thì chúng ta còn phải phấn đấu, phải đầu tư nhiều hơn nữa. Người Myanma, người Hàn Quốc đã từng và đang giữ vị trí Tổng Thư ký Liên hợp quốc, người Thái Lan đã từng lãnh đạo WTO. Chúng ta phải phấn đấu, phải có chiến lược bài bản, không tự ti, sánh vai cùng các cường quốc năm châu trong tiến trình hội nhập và phát triển.
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 14:45, 16/04/2012 - mã số 56254
CỦA MÌNH ĐEM DÂNG CHO NGƯỜI XONG LẠI ĐI ĐÒI ĐƯỢC ĐỐI XỬ CÔNG BÌNH !
Đọc bài dưới đây, tôi thấy dở khóc dở cười. Ai đời thác Bản Giốc là của mình (như được chứng minh hết sức rõ ràng qua bài chủ của tác giả Mai Thái Lĩnh), nay lại đem cưa đôi phần thác chính, hùng vĩ, đẹp đẽ nhất, dâng phân nửa cho ông Trung Quốc. Để rồi nay thế giới lại có kẻ quên luôn cái phân nửa Bản Giốc của ta, mà gọi nó là thác Đức Thiên của TQ. Và ta lại năn nỉ ỉ ôi thế giới phải đối xử công bình, và làm ơn gọi tên của thác là Bản Giốc - Đức Thiên vì trong thác có phần của ta!!!
Than ôi! Thật kêu Trời không thấu!
Khách Qua Đường
-------------
Mất 1/2 Thác Bản Giốc
Moderators: ThuyLinh, SaoMai, DaVang
by ThuyLinh » Wed Oct 19, 2011 1:19 am
Hình thác DETIAN trên trang Web News.com.au bên xứ Úc
Trang tin News.com.au (một bộ phận thuộc tập đoàn News Corp. của ông trùm Rupert Murdoch vừa đăng loạt ảnh về những ngọn thác kỳ vĩ nhất thế giới. Ở phần thác Bản Giốc, News.com.au ghi chú: Detian Falls, China (Thác Đức Thiên, Trung Quốc).
Cách ghi này gây phương hại tới chủ quyền Việt Nam và không thể chấp nhận được, bởi lẽ:
1. Theo Hiệp ước 1999, ngọn thác này đã bị cưa làm hai (không nhất thiết hiểu là 50/50), một phần thuộc Trung Quốc, một phần thuộc Việt Nam. Trong hình chụp được đăng trên trang News.com.au, có cả phần Việt Nam lẫn phần Trung Quốc, nhưng trang tin này chỉ ghi chú "Detian Falls, China" làm người đọc hiểu nhầm ngọn thác này hoàn toàn thuộc về Trung Quốc.
2. Bản trên News.com.au ghi nguồn là Wikipedia, nhưng trong bách khoa toàn thư mở Wiki, người ta ghi một tổ hợp tên Trung - Việt "Detian – Ban Gioc Falls", chứ không phải kiểu ghi "thuộc về Trung Quốc" như trang tin của ông trùm Murdorch.
3. Cùng trong loạt ảnh những ngọn thác kỳ vĩ nhất thế giới, các ngọn thác nằm trên đường biên giới hai nước đều được chú thích thuộc về hai nước rất rõ ràng, như Victoria (Zambia/Zimbabwe); Iguazu (Argentina/Brazil); Niagra (USA/ Canada), trong khi thác Bản Giốc nằm giữa biên giới Việt - Trung lại chỉ ghi là "Detian Falls, China".
Trong loạt ảnh những ngọn thác ngoạn mục nhất thế giới, ở hình thứ 7, tạp chí Life cũng ghi là "Detian Falls, China".
Một thiệt hại dễ hình dung nhất mà cách ghi chú này gây ra, đó là: sau khi đọc thông tin này, các độc giả (bên ngoài Việt Nam và Trung Quốc) muốn đi du lịch thác Bản Giốc sẽ đăng ký qua đường Trung Quốc, chứ không phải Việt Nam.
Mr. Do
-----------
ThuyLinh
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 11:13, 16/04/2012 - mã số 56247
TRẦN KHUÊ Đối thoại về ải Nam Quan(tiếp theo)
2. ẢI NAM QUAN VÀ NHỮNG KẺ “ĐỐT ĐỀN”
Trần Bạch Đằng
Lẽ ra, bạn đọc không cần bận tâm với những gì tôi sắp nói, song gần đây, các nhóm chống Việt Nam lưu vong ở ngòai nước hè nhau dùng đủ các phương tiện để loan truyền cái mà chúng gọi là “chính quyền cộng sản Việt Nam dâng đất cho Trung Cộng” lấy cớ từ bài viết ngờ đóan của một Trần Khuê nào đó có nội dung liên quan đến hội đàm và thỏa thuận biên giới trên bộ và trên biển giữa hai nước. Sự bịa đặt có từ ải Nam Quan đến Bản Giốc, Pắc Bó, cùng tổng số diện tích đất Việt Nam trên biên giới Việt – Trung dài 1.300km, từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Mường Tè (Lai Châu). Trong dàn đồng ca chói tai ấy có những cái tên vốn nhẵn mặt với dân Việt Nam như Thích Tâm Châu cùng một số tên khác, luôn những tên lạ hoắc như Trần Đại Sĩ ở Paris và “hai nhà báo Trung Quốc” mà Trần Khuê viện dẫn, kể cả “lời thề” của Trần Đại Sĩ rằng anh ta nói sự thật.
Một người Việt Nam vượt biên, định cư ở Úc, ông Hoàng Nguyên Nhuận, vào tháng 4 này đã viết một bài phân tích về sự lố lăng của Trần Khuê cùng bộ sậu, đăng trên tờ Chuyển Luân, báo tiếng Việt xuất bản ở Sidney (Úc). Đọc qua bài của ông Nhuận, ai cũng hiểu Trần Khuê và bộ sậu chỉ còn đường “độn thổ”.
Tôi trở lại ý chính của bài viết. Trần Khuê cho rằng Nam Quan nằm trên lãnh thổ Việt Nam, song bây giờ “Việt Cộng dâng cho Trung Cộng”. Một số người, nếu không mang động cơ không hay mà bực dọc chuyện khác - thiếu gì chuyện bực dọc hàng ngày, đủ cấp số - hoặc nhẹ dạ, không nhiều lắm, lập lại luận điệu của Trần Khuê, thậm chí viết thành kiến nghị gửi cho lãnh đạo nước ta. Có lẽ cơ quan thông tin của ta là sơ sót khi không trình bày rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng về tòan bộ sự thật chẳng phải bí mật quốc gia gì cả bởi Bộ Ngọai giao nước ta và Ban Biên giới của Chính phủ đã từng công bố hàng lọat tài liệu trong đấu tranh xác lập cột mốc biên giới giữa hai nước Việt – Trung và báo chí nước ngòai cung cấp chẳng sót một chi tiết nào. Công việc cắm mốc biên giới trên đất liền vẫn đang tiến hành như thỏa thuận.
Hầu hết biên giới đất liền (và lãnh hải nếu có biển) của các quốc gia trên thế giới có cái do điều kiện tự nhiên, đã rõ ràng từ lâu, có cái thông qua những hiệp ước hàng trăm năm trước hay vừa mới thương thảo, có cái chưa minh định, luôn nằm trên bàn ngọai giao của ít trường hợp, biên giới xê dịch về phía này, phía kia thuộc sinh họat của cư dân đôi bên biên giới, do các quan hệ, thậm chí gia tộc. Các nhà nước có nhiệm vụ bàn bạc để đi đến những thỏa thuận thành văn bản pháp lý. Tóm lại, đó không là chuyện lạ. Chúng ta biết, việc phân định đường ranh giới ở vùng Kashmir giữa Ấn Độ - Pakistan rắc rối ra sao, ranh giới lãnh thổ giữa Israel – Palestine cũng vậy và gần đây nhất, một đảo rộng 1 cây số vuông thôi cũng xảy ra tranh chấp giữa Tây Ban Nha - Marốc ... Chuyện như thế có thể được giải quyết được bằng thương lượng, có cả những nhượng bộ lẫn nhau thỏa đáng và chẳng ai dâng không cho ai, dù một tấc đất. Biên giới Việt – Trung được vạch từ thời đôi bên là vương triều, mang ý nghĩa hiện đại khi Pháp thiết lập nền đô hộ ở Việt Nam và ký với triều đình Mãn Thanh, vào cuối thế kỷ XIX.
Ải Nam Quan còn thêm một yếu tố phức tạp nữa. Từ trước tới nay chúng ta thường nói “Nước Việt Nam dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”. Câu này đương nhiên thiếu chính xác, nhưng dân ta đã quen dùng, dẫn đến một đinh ninh rằng ải Nam Quan thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đúng ra, điểm cực Bắc của Việt Nam là Lũng Cú tỉnh Hà Giang, nằm trên huyện Đồng Văn, thuộc vĩ độ 23o 24’ Bắc, điểm cực Nam (đất liền) tại Xóm Mũi, Rạch Tàu, tỉnh Cà Mau, thuộc vĩ độ 22o, thấp hơn Lũng Cú trên một độ. Nhưng, chẳng ai nói “từ Lũng Cú đến mũi Cà Mau”.
Lý do chúng ta quen lấy ải Nam Quan làm chuẩn cho phía Bắc dính đến điều kiện lịch sử. Con đường từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại, trong thời Cổ Trung đại và cho đến sau này, đều qua ranh ải Nam Quan , con đường thiên lý trong đi lại thời bình, đồng thời con đường thâm nhập và rút lui của quân phương Bắc thời chạm trán ngay lúc đầu. Phương Bắc còn có một số đường “vượt biên” nữa, như Lộc Bình (Lạng Sơn), Thủy Vỹ (Lào Cai) ..., đường Lạng Sơn ngắn nhất đến Thăng Long; sau lưng ải Nam Quan là Bằng Tường, Ung Châu ... địa hình bằng phẳng, dễ tập kết quân ... Về thương mại, Nam Quan tiếp cận với miền Hoa Nam Trung Quốc, cũng như vùng trung du và đồng bằng sông Hồng của Việt Nam – hai trung tâm kinh tế của hai nước. Lũng cú cho tới hôm nay, dù là đầu biên cực Bắc, nhưng lại không nằm trên trục giao thông dân dụng hay quân dụng thuận lợi.
Tự cái tên đã xác định sự thật. Nếu ải Nam Quan là của Việt Nam thì cửa ải phải mang tên là Bắc Quan (cửa ải ngó về phía bắc, chứ sao cửa ải của Việt Nam mà lại ngó về phía Nam ? Ông Hòang Nguyên Nhuận đã dí dỏm “chọc quê” Trần Khuê : “Nếu Việt Nam quả có một cửa ải gọi là Nam Quan thì cửa ải đó phải được đặt ở rừng U Minh !”.
Nam Quan, theo lịch sử ta ghi nhận, có nhiều dấu vết đau thương của dân tộc. Nhà thơ Hòang Cầm trong bài Nguyễn Trãi tiễn cha là Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt đưa sang Trung Quốc có các câu :
“ ... Ôi Nam Quan, nơi con mắt khép tình thâm
Lối qua lại của một lòai cuồng khấu
Mà Nam Quan đau xót đến nghìn năm ...”
Tất nhiên, nhà thơ Hòang Cầm không làm công việc đo đạc địa lý trong bài thơ, đồng thời cũng chẳng có chữ nào nói đó là cửa ải của Việt Nam. Địa danh ải Nam Quan được hiểu theo thói quen, riết rồi thành ước lệ. Chỉ có vậy.
Ngày 24-2-1885, vào 2 giờ 30 chiều, tướng Pháp De Négrier, Tư lệnh quân đội xâm lược Pháp ở Bắc bộ, sau khi hạ Đồng Đăng đã phá sập ải Nam Quan với lời cảnh cáo bằng chữ Hán : “Không có vách đá nào bảo vệ nổi biên giới, chỉ có sự tôn trọng các hiệp định” (trích dẫn Madrolle, trong quyển L’Indochine, nhà xuất bản Hachette năm 1930). Nếu ải Nam Quan là của Việt Nam, tức mảnh đất mà Pháp thiết lập nền bảo hộ, thì mắc mớ gì tướng Négrier lại bắn sập cửa ải của mình với lời cảnh cáo như thế. Còn chuyện cây số 0 bị dời tới dời lui – do phía Trung Quốc thực hiện – cũng không phải mới đây. Tài liệu cũ ghi rằng Nam (Port de Chine hoặc Southern Tell Gate of China), đường bộ từ Đồng Đăng đến đây là 4km. Bức thành dài 370km hình thành biên giới. Học giả Nguyễn Khắc Viện cho rằng Đồng Đăng cách biên giới Việt – Trung 3km, theo các tác giả khác thì phần bên ngòai ải Nam Quan thuộc Trung Quốc lối 600m. Thứ trưởng Lê Công Phụng, Trưởng ban Biên giới Việt Nam thì cho con số 200m. Tức không thể có chuyện như tưởng tượng của Trần Khuê là Việt Nam “dâng” cho Trung Quốc riêng ở ải Nam Quan đến 5km chiều sâu. Mốc cây số 0 có thể dời nhưng quan ải thì không thể dời được, cho nên nếu theo Trần Khuê, ải Nam Quan vượt quá Đồng Đăng ................... cây số xuống phía Nam.
Chuyện do Trần Khuê và bộ sậu bịa đặt đã trực tiếp cho thấy những cái mà họ gọi là “chứng cớ” đều không có thật, cả Bản Giốc, Pắc Bó cũng phải đặt dọc biên giới, Trần Đại Sĩ còn quả quyết cột mốc số 0 hiện tại là cột mốc km5 ngày trước ! Hiểu như thế nào cũng đều không ổn.
Bài báo này viết nhân ngày quốc khánh nước ta. Ngày Quốc khánh cách nay 57 năm đánh dấu bằng Tuyên ngôn Độc lập, bản tuyên ngôn kết tinh ý chỉ độc lập, tự do của người Việt Nam từ ngàn xưa, đồng thời mở ra thời đại mới mà “Tổ quốc trên hết”, là động lực chính nối kết con cháu vua Hùng thành một một khối hướng đến tương lai.
Một Việt kiều như ông Hòang Nguyên Nhuận cùng hàng triệu Việt kiều nữa đang sống xa quê mẹ vẫn đau đáu trong lòng tình yêu nước. Ta xem đó như một hồi âm tất nhiên của những ai, dù chính kiến chưa đồng nhất hòan tòan, vẫn đồng nhất về hồn dân tộc mà ngày 2-9-1945 với Tuyên ngô Độc lập tăng thêm độ đậm, bởi hồn dân tộc tự bấy kèm thêm niềm tự hào.
Tuyên ngôn Độc lập cũng làm công việc kiểm nghiệm. Những kẻ nói láo đâu có liên quan đến tinh thần độc lập dân tộc ...
Tháng 9-2002
T.B.Đ
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 10:37, 16/04/2012 - mã số 56245
TRẦN KHUÊ Đối thoại về ải Nam Quan
» Tác giả: Trần Bạch Đằng, Trần Khuê
» Dịch giả:
» Thể lọai: Điểm nóng
» Số lần xem: 13107
1. TRẦN KHUÊ Đối thoại về ải Nam Quan
Nam Quan thành đất ngoại
PHẢN QUỐC: tội rõ ràng !
Đối diện tòa Lịch sử
Chạy thoát án này chăng?
Xà lim cấm cố
28-2-2003
Mắng Việt gian phản quốc
Bỏ tù người kết án
Kẻ bán ải Nam Quan ...
Lũ Cốt Tinh họ Bạch
Hiện nguyên hình Việt gian.

Lũ Việt gian phản quốc
Thời nào cũng thế thôi!
Vì quyền lợi ích kỷ
Chúng bán đứng giống nòi.

Xưa: Thiêm Bình, Di Ái,
Tiếp Chiêu Thống họ Lê
Tiếp Gia Long, Tự Đức . . .
Nay thêm tập đoàn Lê.
Xà lim cấm cố
28-2-2003
Đối thoại với ông Trần Bạch Đằng về ải Nam Quan
Suốt một tuần liền người ta dồn dập nói với tôi về một bài báo. "Người ta" ở đây là bạn cũ, là người mới quen, và cả những người quen mà chưa có dịp gặp, vì phần đông đều ở các tỉnh xa và thuộc lớp người "cây cao bóng cả" : Thế nào, ông đã đọc bài ông Trần Bạch Đằng đả ông chưa ?Có một anh bạn “lệch tuổi”, trẻ hơn tôi gần hai giáp, biết tôi ít đọc báo Công An, đã phô-tô biếu hẳn bài báo đó.
Hóa ra là bài Aỉ Nam quan và những kẻ "đốt đền" của Trần Bạch Đằng đăng trên báo Công An TPHCM ngày 7-9-2002. Sở dĩ có người nhầm, phần vì chưa đọc hoặc đọc chưa kỹ bài tôi viết, phần vì lối chơi đòn phủ đầu “lập lờ đánh lận con đen” của một cây bút đầy mình kinh nghiệm ở đoạn mở bài :
"Lẽ ra, bạn đọc không cần bận tâm với những gì tôi sắp nói, song gần đây, các nhóm chống Việt Nam lưu vong ở ngoài nước hè nhau dùng đủ mọi phuơng tiện để loan truyền cái mà chúng gọi là "chính quyền cộng sản Việt Nam dâng đất cho Trung Cộng", lấy cớ từ bài viết ngớ ngẩn của mộtTrần Khuê nào đó có nội dung liên quan đến hội đàm và thỏa thuận biên giới trên bộ và trên biển giữa hai nước".
Ai đã từng xem kỹ "Thư ngỏ gửi Tổng bí thư Giang Trạch Dân" của Trần Khuê - 296 Nguyễn Trãi Q.5 TPHCM, hẳn sẽ thấy bài của ông Trần Bạch Đằng chẳng có chút gì liên quan. Đáng lẽ tôi cũng “không cần bận tâm”.
Về văn phong, tôi chưa bao giờ nỡ gọi cái nước "vừa là đồng chí, vừa là anh em" bằng những từ như "chúng nó" hoặc "Trung Cộng", tuy có lúc, về mặt khoa học và về mặt tôn trọng sự thật lịch sử, phải "gọi sự vật cho đúng tên của nó”. Thí dụ có một đoạn mà một vài anh em công an ở Cục A43 kêu rằng : "Bác viết Đảng là kẻ tội đồ bán nước thì nặng quá !", thì cụ thể đoạn đó như sau:
"Lý do tồn tại của Đảng Cộng sản trên đất nước này là để lãnh đạo nhân dân đứng dậy giành độc lập và tự do. Nó không thể tồn tại để quan liêu, tham nhũng, ức hiếp quần chúng hoặc tùy tiện ký nhượng đất đai sông biển của Tổ Quốc. Việc Bộ Chính trị Lê Khả Phiêu ký hai hiệp ước biên giới bất bình đẳng đã làm thiệt hại quyền lợi chung của Dân tộc Việt Nam và làm hại uy tín, thể diện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ký hai hiệp ước bất bình đẳng này, vô tình hay hữu ý, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhà nước Trung Quốc đã đẩy nguời anh em đồng chí của mình ra trước vành móng ngựa của Tòa án Nhân Dân và Tòa án Lịch Sử. Một bên tự vạch áo cho thiên hạ thấy mình là kẻ theo chủ nghĩa sô-vanh nước lớn, còn một bên trở thành kẻ tội đồ bán nước."
Rõ ràng, tôi nói về sai lầm và trách nhiệm của hai Bộ Chính Trị (BCT) chứ không nói về hai Đảng. BCT Lê Khả Phiêu làm sai thì nên đứng ra nhận tội trước Đảng và Nhân dân, không nên trút tội lỗi đó cho toàn Đảng hoặc cho Quốc hội. Tôi tin rằng nếu dám đưa ra trưng cầu ý kiến toàn Đảng thì tất cả những ai là đảng viên trung thực, liêm khiết và có bản lĩnh cũng sẽ không bỏ phiếu thuận cho hai Hiêp định phản bội dân tộc này. Tôi tin rằng nếu có đưa ra bàn công khai tại Quốc hội thì các đại biểu cũng không ai dám giơ tay biểu quyết thông qua hai Hiệp định bán nước này.
Ông Trần Bạch Đằng nói về một "Trần Khuê nào đó" đang sống lưu vong ở nước ngoài. Tôi mạn phép tạm gọi là tác giả Trần Khuê-hải ngoại (TK-HN) để khỏi nhầm với Trần Khuê đang sống ở 296-Nguyễn Trãi- Q.5- TPHCM.
Tuy không liên quan gì ngoài cái sự trùng bút danh, nhưng tôi thấy cần phải thảo luận. Vì trong khi phê phán "bài viết ngớ ngẩn" của ông TK-HN thì bài viết không ngớ ngẩn của ông Trần Bạch Đằng đích thực (đang sống trong nước) đã để lộ những sai lầm về kiến thức lịch sử và địa lý, về quan điểm và lập luận.
Về kiến thức lịch sử-địa lý, ông Trần Bạch Đằng chê ông TK-HN bảo ải Nam Quan của Việt Nam tọa lạc trên lãnh thổ Việt Nam là sai. Ông lập luận rằng:
"Nếu ải Nam Quan là của Việt Nam thì cửa ải phải mang tên "ải Bắc Quan" (cửa ải ngó về phía Bắc) chứ sao cửa ải Việt Nam lại ngó về phía Nam?"
Ông còn đưa thêm lý lẽ của một tác giả cũng đang sống ở hải ngoại (Úc) để "bảo lãnh" cho lập luận của mình thêm vững chắc :
"Ông Hoàng Nguyên Nhuận đã dí dỏm "chọc quê" Trần Khuê : "Nếu Việt Nam quả có một cửa ải gọi là Nam Quan thì cửa ải đó phải được đặt ở rừng U Minh".
Ông cũng chê nhân dân ta từ xưa đến nay vẫn nhầm lẫn:
"Từ trước tới nay chúng ta thường nói: Nước Việt Nam dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Câu này đuơng nhiên thiếu chính xác, nhưng nhân dân ta đã quen dùng, dẫn đến một đinh ninh rằng ải Nam Quan thuộc lãnh thổ Việt Nam." (!?)
Thế là chỉ có ông Hoàng Nguyên Nhuận, ông Trần Bạch Đằng và những người ký Hiệp định Biên giới Việt Trung hiểu chính xác. Còn tất cả mọi người từ xưa đến nay đều hiểu sai tuốt tuột. Trong số hiểu sai này có cả Ban soạn Hiến pháp năm 1959, có nhà thơ Hoàng Cầm (ông Trần Bạch Đằng có trích dẫn thơ Hoàng Cầm). Tất nhiên , theo TBĐ, cả ông Tố Hữu cũng nhầm khi bài thơ"Ta đi tới" nổi tiếng của ông được đưa vào sách giáo khoa có câu:
"Ta đi tới không thể gì chia cắt
Từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau"
Và cả Cụ Hồ nữa? Chẳng lẽ khi Cụ nói: ”Như việc xây dựng lại con đường sắt Hà Nội – Mục Nam Quan mà nhân dân Việt Nam gọi là “Con đường hoà bình, hữu nghị” chính là một thành tích rõ rệt nhất.” thì Cụ cũng nhầm nốt chăng? Không tin mời ông cứ xem lại báo Nhân Dân số 482 ngày 28-6-1955, hoăc tiện nhất là tra cứu ngay trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, trang 8.
Tôi mạn phép hỏi hai ông Hoàng Nguyên Nhuận và Trần Bạch Đằng, và hỏi luôn cả Ban đàm phán về Hiệp ước Biên giới Việt-Trung: các ông hiểu ải Nam Quan thuộc lãnh thổ Trung Quốc là từ hồi nào? hồi các ông còn học bậc Tiểu học ? hay sau khi Hiệp định Biên giới Việt-Trung được ký kết các ông mới đạt được sự hiểu "chính xác" như thế ? Chính mình nhầm lại còn cứ cao giọng chê nhân dân “thiếu chinh xác”.
Theo tôi, việc hai ông chê ông TK-HN hiểu Nam Quan nằm trên lãnh thổ Việt Nam là sai, thì hai ông không sai. Nhưng hai ông và cả cái Ban đàm phán về biên giới lại hiểu rằng ải Nam Quan ở trên lãnh thổ Trung Quốc thì rõ ràng là hiểu sai, hoàn toàn sai.
Muốn biết chính xác ải Nam Quan tọa lạc ở đâu xin các ông vui lòng giở lại sử nước Ta và cẩn thận hơn thì nên giở lại cả mấy trang sử Tàu có quan hệ đến sử Ta.
Nếu tôi không nhầm, đến thời Hồ, Nam Quan vẫn được gọi tên là ải Pha Lũy. Mãi đến khi giặc Minh lấy cớ phù Trần nhằm xâm lược nước ta (thế kỷ XV), Minh Thành Tổ mới đặt tên cho ải Pha Lũy là Trấn Nam Quan để tỏ uy quyền và cả dã tâm của họ : cửa ải đè nén phương Nam.
Như thế tức là không thể đặt vấn đề “Nam Quan” hay “Bắc Quan” vì tên này do Tàu đặt chứ không phải Ta. Cái nhầm của hai ông có một phần lỗi của giới nho sĩ và những người làm sử ở nước ta. Các cụ đã bỏ tên Pha Lũy rồi nói theo, viết theo Tàu nên Trấn Nam Quan thành tên thông dụng. Còn trên thực tế cửa ải này không nằm trên đất Ta mà cũng không nằm trên đất Tàu :
Nam Quan nằm trên làn ranh phân chia địa giới giữa VN và TQ.
Bao đời nay đã như thế và bây giờ lẽ ra vẫn phải như thế !
Lịch sử đã chứng minh rằng : các đạo quân xâm lược của Trung Quốc phàn đông đều đi qua cửa ải này và khi thua trận, bị dân Nam ta đánh đuổi cũng rút chạy qua cửa ải này. Rồi thời nào yên bình giao hiếu thì cả đôi bên vẫn mặc nhiên thừa nhận ải Pha Lũy - trấn Nam Quan là cái mốc phân ranh giới giữa Bắc Quốc và Nam Bang.
Có mấy sự kiện đáng nhớ :
Trước khi tiến quân vào xâm lược nước ta, tướng giặc Ô Mã Nhi đã dừng ngựa trước ải Pha Lũy rồi nhìn về phía trời Nam mà rằng : "Ôi thương thay, non sông phút chốc hóa thành đất bằng !" (Nguyên sử). Thế nhưng lịch sử đã ghi nhận sự thảm bại của đạo quân Nguyên từng bách chiến bách thắng :
Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Đô
Sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã

(Bình Ngô đại cáo)
Còn nước ta thì :
"Non sông nghìn thủa vững âu vàng"
(Trần Nhân Tông)
Trấn Nam Vương Thoát Hoan thì phải chui vào ống đồng cho quân sĩ kéo xe chạy mới thoát qua ải Pha Luỹ mà về nước.
Minh sử thì ghi viêc rút quân của Tổng binh Vương Thông qua Trấn Nam Quan.
Thanh sử thì ghi Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị chạy từ Thăng Long mất 7 ngày 7 đêm mới tới Nam Quan và qua ải mới dám dừng lại nghỉ ngơi ăn uống.
Còn tại sao đến ải Nam Quan thì Phi Khanh bảo Nguyễn Trãi phải quay về mà lo trả thù cho cha và đền nợ cho nước?
Vì xe tù của giặc Minh chở ông đến đây sắp vượt qua cửa ải để sang đất Tàu cho nên ông phải chia tay với người con trưởng, chỉ cho người con trai thứ là Phi Long đi theo mình để sau này mang di hài của cha về cố quốc.
Tương truyền, nước mắt của cha con Nguyễn Trãi chảy thành suối và đọng thành giếng. Do đó, cạnh cửa ải có suối Nguyễn Trãi và giếng Phi Khanh. Tất cả đã tạo thành cảm hứng sáng tác"hận Nam Quan " cho đời sau, mỗi khi dân tộc lâm vào cảnh mất nước. Văn, thơ hay kịch viết về chủ đề này đều trở thành tiếng kêu hồn nước thúc giục thanh niên lên đường chiến đấu cứu nước, cứu nhà, phục hưng nền độc lập dân tộc, xứng đáng với truyền thống dựng nước và giữ nước của Tổ Tiên Ông Bà :
Con nên nhớ Tổ tông ngày trước
Đã nhiều phen vì nước gian lao.
Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân ta đời đời truyền tụng "hận Nam Quan". Vì lời Phi Khanh đã thành Lời non nước và chí khí Nguyễn Trãi đã tượng trưng cho chí khí thanh niên cứu nước. Bất cứ người con dân nào của đất Việt, dù sống ở đầu Bắc hay cuối Nam hoặc nơi chân trời góc biển nào đều không quên những truyền thống thiêng liêng của dân tộc.
Sử sách lâu ngày không mang ra ôn lại thì có thể nhầm hoặc quên. Nhưng chẳng lẽ hai ông và cả ông Thứ trưởng Lê Công Phụng cũng không nhớ chuyện này.
Đó là sự kiện năm 1955: Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu sang thăm nước XHCN anh em Trung Quốc. Chủ tịch Mao Trạch Đông đã thay mặt nhân dân Trung Quốc xin lỗi nhân dân Việt Nam vì trong lịch sử, bọn phong kiến Trung Quốc đã nhiều lần sang xâm lược Việt Nam. Chủ tịch Mao cũng quyết định từ nay đổi tên Trấn Nam Quan (cửa ải trấn áp phương Nam) thành Mục Nam Quan (cửa ải sống hòa thuận với phương Nam). Từ đó Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng quyết định đổi tên cửa ải này thành Hữu Nghị Quan.
Như vậy tức là từ thời Phong kiến cho đến thời XHCN thì Nam Quan vẫn được hai nhà nước Việt Nam và Trung Quốc công nhận là một cái mốc chính phân chia ranh giới Việt-Trung.
Vừa qua, Thứ trưởng ngoại giao Lê Công Phụng lại giải thích trên truyền hình rằng vì cột mốc số 0 ở Mục Nam Quan bị di chuyển nên khi đàm phán thì hai bên lại nhất trí để Mục Nam Quan chạy tụt sang đất Trung Quốc 0,8 km.
Thế là ông Lê Công Phụng không hiểu rằng trong cuộc xung đột ở biên giới Việt Trung năm 1979, một số cột mốc biên giới có thể bị chuyển dịch về phía này hay phía kia, nhưng còn Nam Quan - cái mốc đặc biệt - thì chẳng bên nào có khả năng chuyển dịch.
Do đó, hiện nay không bên nào có thể nói rằng cái cửa ải Nam Quan là nằm trên lãnh thổ của nước mình. Nếu lại có sự thỏa thuận rằng Nam Quan thuộc lãnh thổ Trung Quốc, thậm chí lại đẩy vạch biên giới lấn sâu vào lãnh thổ Việt Nam ở đoạn này tới 0,8 km thì hoàn toàn vô lý. Dù lập luận kiểu nào cũng là trái với thực tế lịch sử và hiện tại, những người có lương tri đều không thể chấp nhận.
Ông Hoàng Nguyên Nhuận không hiểu điều này; ông Lê Công Phụng vô tình hay cố ý không hiểu điều này. Chẳng lẽ nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cũng lại không hiểu điều này hay sao ?
Trong bức “Thư ngỏ gửi Tổng bí thư Giang Trạch Dân” tôi đã nêu rõ :
"Ôi, mấy nước XHCN còn lại, bây giờ lại cần lấn chiếm đất đai của nhau, bắt nạt, ức hiếp nhau để chứng tỏ tính ưu việt của CNXH và tình thần Quốc tế vô sản hay sao? Đúng là ta đang làm trò cười cho thế giới tư bản chủ nghĩa và cho con cháu đời sau."
Tôi hy vọng tình hữu nghị rất đáng trân trọng được Hồ Chủ tịch và Mao Chủ tịch dày công vun đắp đã bị BCT Giang Trạch Dân và BCT Lê Khả Phiêu quên lãng và chối bỏ, thì BCT Hồ Cẩm Đào và BCT Nông Đức Mạnh hẳn sẽ trân trọng và phát huy rực rỡ trong thế kỷ mới. Nghĩa là:
Hai bên nên đàm phán lại về hai Hiệp định Biên giới bất bình đẳng vừa ký này.
Nói là "vừa ký" nhưng thực tế cũng đã ký với nhau cách nay gần 3 năm rồi. Vâng, chắc ông Trần Bạch Đằng cũng biết, riêng Hiệp ước Biên giới trên đất liền ký với nhau từ ngày 30-12-1999, thế mà giữ bí mật tới ngày 30-8-2002 mới đăng công khai trên nhật báo Nhân Dân. Và cũng chỉ đăng văn bản chứ không đăng bản đồ kèm theo. Còn Hiệp ước Biên giới về biển thì đến nay vẫn chưa công bố.
Thế nghĩa là thế nào, thưa nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng ?
Ông cho rằng, sở dĩ có "một số người, nếu không mang động cơ không hay mà bực dọc chuyện khác - thiếu gì chuyện bực dọc hàng ngày, đủ cấp số - hoặc nhẹ dạ, không nhiều lắm, lặp lại luận điệu của Trần Khuê, thậm chí viết thành kiến nghị gởi cho lãnh đạo nước ta" là do nguyên nhân :
"Có lẽ cơ quan thông tin của ta sơ sót khi không trình bày rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng về toàn bộ sự thật chẳng phải bí mật quốc gia gì cả."
Ô hay ! Một sự kiện quan trọng tày trời như sự kiện ký Hiêp định Biên giới Việt-Trung mà các cơ quan thông tin của ta phải im như thóc mấy năm trời và cho đến hôm nay vẫn còn được lệnh không được đăng những bài bình luận xung quanh vấn đề này. Thế mà ông Trần Bạch Đằng lại đổ lỗi cho "cơ quan thông tin" của ta thì thiệt tình ông đúng là "nguời không thích đùa" ?
Nếu hai Hiệp định Biên giới quả thật không có điều gì mờ ám, khuất tất, và theo ông Trần Bạch Đằng cũng "chẳng phải bí mật quốc gia gì cả" thì tôi xin mạn phép hỏi : vì sao lại có sự giấu kín, không công khai đưa tin ngay, thậm chí cũng không dám đưa ra Quốc hội để bàn bạc và biểu quyết ?
Về điểm này thì đúng là cả ông Trần Bạch Đằng và BCT Lê Khả Phiêu đều thuộc dạng "những người thích đùa".
Vâng, sự thật chứng minh rằng các vị đang đùa cợt trên vận mệnh quốc gia.
Vừa đùa, vừa cao giọng "chụp mũ" kẻ này "động cơ không hay", mỉa mai kẻ khác "nhẹ dạ”.
Vừa đùa lại vừa bạo tay, bạo gan bắt bớ, quản chế người này, xử tù người khác.
Đúng là "chuyện đùa" có một không hai của thế kỷ, và độc nhất vô nhị trong Lịch sử dân tộc.
Dư luận ngạc nhiên khi thấy vấn đề Hiệp ước Biên giới nghiêm trọng như thế mà mấy ông sử gia tầm cỡ như Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn đều im lặng. Hăng hái như ông Dương Trung Quốc cũng im lặng. Mà trách các ông làm gì thêm tội nghiệp. Ngay cả giáo sư – anh hùng Trần Văn Giàu còn ngoảnh mặt làm ngơ, nói gì đến lớp sử gia - đệ tử gan nhỏ, thiếu hẳn khí phách anh hùng.
Nhà thơ sông Vỵ có tái sinh chắc cũng đành lắc đầu ngao ngán:
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo.
Sử xanh phủ nhận sạch trơn rồi!
Đúng là đạo lý ông bà, kỷ cương phép nước, đến hồi lộn xộn, đảo điên. Lãnh thổ đất đai của Tổ tiên từ ngàn xưa để lại, binh hỏa bao phen, một tấc không hề suy suyển. Thế mà giữa buổi yên bình lại để mất đi hàng ngàn cây số vuông đất, hàng chục ngàn cây số vuông biển. Thật là kỳ quái không tưởng tượng nổi!
Lại có người đưa ra luận điệu trấn an dư luận: họ mạnh mình yếu, nhường đi để tránh nạn binh đao. Những người bạc nhược này không hiểu rằng, hàng nghìn năm nay, Bắc triều có để mình yên bao giờ. Nhưng xung đột xong thì một tấc đất họ cũng không chiếm nổi.
Nhớ lại thời Lý, vào năm Giáp Tý (1084) đoàn sứ thần Đại Việt do Binh bộ thị lang Lê Văn Thịnh (tương đương Thứ trưởng bộ Quốc phòng ngày nay) dẫn đầu sang bên triều đình nhà Tống bàn định việc cương giới.
Theo sách Danh tiết lục của Trần Ký Đằng, tác giả người Trung Quốc, thì vua Tống đã khen Lê Văn Thịnh “biết cung kính, biết lẽ phải”, bèn hạ chiếu trả lại cho ta 6 huyện Bảo Lạc và 6 động Túc Trang. (nguồn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục Tập Một, tr.358 – NXB Giáo Dục 1998).
Vua Lý Nhân Tông cũng khen và gia phong Lê Văn Thịnh làm thái sư.
Xem như thế mới biết đàm phán về biên giới phải cử người hiểu biết, có bản lĩnh và giỏi biện luận.
Còn cái việc lo lắng họ có thể gây sự đánh mình cũng là thiếu căn cứ.
Bao nhiêu thế kỷ đã qua chỉ có Ta với Tàu quần nhau, họ cũng chẳng lấn nổi ta, huống chi bây giờ còn có cả Liên Hiệp Quốc và công pháp quốc tế. Ăn hiếp nhau trong thời đại này đâu có dễ.
Cứ xem lại năm 1979 càng rõ. Sau khi gây hấn ở mấy tỉnh biên giới, ông Đặng Tiểu Bình thừa sức xua quân xuống tận Thủ đô Hà Nội. Nhưng tại sao ông ta không làm việc đó ?
Vì ông ta thừa hiểu rằng kéo quân vào sâu đất nước Việt thì không khó, nhưng rút quân về thì đâu có dễ.
Mong rằng những vị nào thiếu hiểu biết lịch sử hoặc tương quan lực lượng chớ lo hão, rồi thần hồn nát thần tính lại hù dọa những kẻ kém hiểu biết và nhút nhát như mình.
Ông Trần Bạch Đằng còn đưa ra lập luận “chẳng ai cho không ai cái gì”. Chẳng lẽ ông đã vội quên mấy trang sử nhà Nguyễn. Vua Tự Đức nhà Nguyễn “cho” luôn thực dân xâm lược Pháp 6 tỉnh Nam Kỳ là đổi lại sự giữ yên ngai vàng của dòng họ Nguyễn. Vậy mong ông hỏi giúp xem BCT Lê Khả Phiêu nhượng hẳn cho Trung Quốc hàng ngàn cây số vuông địa giới và hải giới thì họ được “cho lại” những gì ?
Trong khi cả hai bên rêu rao 16 chữ vàng, trong đó có 4 chữ “láng giềng hữu nghị” chưa ráo mực thì người anh em phương Bắc đã chơi trò bắn những loạt đạn thật ở Biển Đông. Ông bà xưa đã dạy: “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Giờ đây, họ lại nỡ “bán” cả láng giềng lẫn anh em, thử hỏi nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng có đoán được thâm ý của họ không ?
Bà Phan Thúy Thanh và Bộ Ngoại giao ta hẳn phải tảng lờ như không biết nên chỉ phản đối dăm câu ba điều cho qua chuyện. Chứ dư luận trong nước và quốc tế thì đã “đi guốc . . . ” và thừa biết cái mưu mô bắn đạn thật ấy. Chỉ xin thưa riêng với ông Trần Bạch Đằng: họ bắn một ít đạn thật như thế mà bật ra bạc tỉ đấy. Chưa biết chừng lại còn bật ra vài “liên minh ma quỷ” nữa đấy, ông ạ !
Rất tiếc, tôi chưa có hân hạnh được đọc "bài viết ngớ ngẩn" của ông Trần Khuê-hải ngoại và cả bài “không ngớ ngẩn” của ông Hoàng Nguyên Nhuận, nhưng tôi thấy cần hoan nghênh tất cả những bài viết cũng như mọi ý kiến về vấn đề Hiệp ước Biên giới của đồng bào trong nước cũng như kiều bào hải ngoại; vì dù đúng hay sai, "ngớ ngẩn" hay không ngớ ngẩn, tất cả đều thể hiện ý thức trách nhiệm công dân và tinh thần chủ nhân đất nước, quan tâm đến quốc gia đại sự.
Vả lại, mọi chuyện đúng-sai, hay-dở trong đời cũng cần kiên tâm chờ Thời gian phân định và Lịch sử phán quyết :
Ai đúng, ai sai ? Ai vô tội, ai có tội?
Ai bênh vực lẽ phải? Còn ai bao che cho lẽ trái hoặc "bảo kê", đồng lõa với tội ác?
Với tất cả những người lương thiện có đầy đủ lương tri, trước khi nhận định, đánh giá ai "ngớ ngẩn" hay không ngớ ngẩn, ai "nhẹ dạ" hay không nhẹ dạ, thiết nghĩ không thể thiếu sự thận trọng.
Và tin vào sự sòng phẳng, sự công bằng của Nhân dân và Lịch sử, đó chính là niềm tin không gì lay chuyển nổi của người viết bài đối thoại này. Bắt chước người xưa tôi cũng ngửa mặt nhìn trời mà than rằng:
Anh hùng, nghĩa sĩ rày đâu vắng?
Nỡ để non sông măc hận này!
Tôi tin chắc rằng tất cả đồng bào Việt Nam yêu nước dù đang sống trên quê hương hay hải ngoại đều không chấp nhận một hận Nam Quan mới. Và những ai đã liều lĩnh tạo ra cái hận mới này hẳn nhân dân sẽ dành cho họ một bản án lịch sử tương xứng với tội trạng.
Cuối cùng, tôi đề nghị, dù không không vui lòng chấp nhận đối thoại thì, như Lão tướng Trần Độ bình sinh đã nói, ta cũng nên giúp nhau sửa cái nếp nghĩ và tác phong “nói lấy đựợc“ đang rất thịnh hành trong giới báo chí quốc doanh và giới lý luận giáo điều của ta hiện nay.
Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nghĩa là đều có quyền “tụng” hoặc “chiến tụng”. . . Vậy nay tạm có thơ rằng:
Thẳng tay, lên án “kẻ đốt đền”
Cúi đầu,“bảo kê” người dâng ải.
TP Hồ Chí Minh, 28-11-2002
TRẦN KHUÊ
(còn tiếp)
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 09:00, 16/04/2012 - mã số 56244
Hiệp định biên giới Việt-Trung (2)
Từ Nam Quan đến Bản Giốc
NGUYỄN NGỌC GIAO
( Bài này đăng trên trang Web Diển Ðàn Forum, số 129, tháng 5, 2003)
Thác Bản Giốc là một thắng cảnh nổi tiếng của nước ta, thuộc địa phận xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Từ điển Du lịch Dã ngoại Việt Nam 2000 của Phạm Côn Sơn (nxb Đồng Nai, tr. 159-160) viện dẫn " một số chuyên viên quốc tế ngành du lịch và du khách nước ngoài " để nói Bản Giốc " gần như thác Niagara ở biên giới hai nước Canada và Mỹ " trước khi khẳng định : " Tuy thác Bản Giốc không hùng vĩ bằng, nhưng nếu kể về cảnh trí thiên nhiên thì khó có một dòng thác nào đẹp và nên thơ đến như thế ". Chỉ tiếc một điều là phía bên kia thác, thuộc đất Trung Quốc, có đường sá thuận lợi để du khách đến ngắm cảnh, còn ở phía nước ta, thì theo tác giả cuốn từ điển, " thực tế, muốn đến được thác này, vẫn còn là vấn đề lao nhọc, vì người ta phải mất hết một ngày đường, tính từ thị xã Cao Bằng đến chân thác [83 km, theo tác giả]. Chỉ có cách... dã ngoại là băng rừng ".
Bản Giốc trở thành vấn đề thời sự nóng hổi khi có tin đồn Việt Nam đã để mất thắng cảnh này khi kí kết Hiệp định biên giới cuối năm 1999, kèm theo đó là tin các công ti du lịch Trung Quốc quảng cáo những " tua " du lịch tham quan Bản Giốc.
Bản đồ (hình dưới) khu vực Bản Giốc còn lưu trữ tại Bộ ngoại giao Pháp (Quai d"Orsay) cho thấy theo Hiệp định Pháp-Thanh (cuối thế kỉ 19), Thác Bản Giốc nằm trên đường biên giới, phía bắc thuộc Trung Quốc, phía nam thuộc Việt Nam.
Tài liệu mật của Đảng Cộng sản Việt Nam (xem Diễn Đàn số trước) _ có đính kèm Bản đồ khu vực 186 C (hình trên) _ viết như sau :
« Việc giải quyết khu vực 186C (cồn Pò Thong, thác Bản Giốc) phải xuất phát từ đặc điểm khu vực này là một trong các khu vực đường biên giới đi theo sông suối. Theo nguyên tắc giải quyết đã nêu trên thì đường biên giới ở khu vực này cũng như ở các khu vực sông, suối khác sẽ đi theo trung tuyến dòng chảy chính. Việc xác định trung tuyến dòng chảy chính ở thác Bản Giốc sẽ do hai bên đo đạc xác định trong qua trình phân giới, cắm mốc. Sơ bộ có thể thấy dòng chảy chính sẽ nằm ở phía Nam cồn Pò Thong và đường biên giới trên thác sẽ dịch sang phía phải từ phía thượng lưu nhìn xuống ít mét, chứ không phải toàn bộ Thác Bản Giốc sẽ thuộc phía Trung Quốc. Như vậy hoàn toàn không có việc ta mất thác Bản Giốc mà chỉ là việc xác định hướng đi của đường biên giới cho phù hợp với nguyên tắc xác định hướng đi của đường biên giới trên sông, suối ».
Bản đồ 1, bên trên (tài liệu của ĐCSVN) và bản đồ 2, bên dưới (Vụ lưu trữ Bộ ngoại giao Pháp) cho thấy : vị trí của cột mốc 53 (hình tam giác), Thác Bản Giốc (đường chữ chi trên BĐ1), Cồn Pò Thong (chữ Hán là Bồ Thang Đảo) ; con sông Quây Sơn vẫn giữ dòng chảy cũ ở hạ lưu Thác, nhưng ở thượng lưu đã đổi dòng chảy (vòng qua phía nam đỉnh cao 482). BĐ2 cho thấy : Thác Bản Giốc bị cắt đôi bởi đường biên giới, nhưng Cồn Pò Thong thuộc lãnh thổ Việt Nam. Trên BĐ1, khu vực cồn (có đường vạch gián đoạn bao quanh) còn " để lại giải quyết sau ". Theo BĐ2, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lí để khẳng định chủ quyền ở Cồn này.
(Ghi chú của Khách Qua Đường: Bản đồ 1 chính là Ảnh 7 trong bài chủ của tác giả Mai Thái Lĩnh)
So sánh hai bản đồ, ta thấy sau một thế kỉ, ở thượng lưu thác Bản Giốc và cồn Pò Thong, dòng chảy của sông Quây Sơn đã thay đổi : cuối thế kỉ 19, nó chảy qua phía bắc điểm cao 482, ngày nay, nó chảy vòng phía nam. Có thể vì lẽ đó, trung tuyến của dòng chảy chính đã chuyển từ phía bắc sang phía nam cồn Pò Thông (tuy bản đồ của Pháp thiếu chính xác, nhưng so sánh hai bản đồ, ta cũng thấy cồn này bị nước chảy xói mòn, làm giảm diện tích). Theo công pháp quốc tế thì khi lấy sông làm phân ranh, đường biên giới là đường trung tuyến của dòng chảy chính. Theo chiều hướng này, phía Trung Quốc có cơ sở pháp lí để chủ trương cồn Pò Thong (tên Hán ngữ là Bồ Thang đảo) thuộc đất Trung Quốc. Nhưng bản đồ còn lưu trữ ở Bộ ngoại giao Pháp (mà Việt Nam đã có một bản) cho thấy rõ cồn này nằm trong lãnh thổ Việt Nam, và việc lấy sông Quây Sơn để phân ranh chỉ áp dụng từ thác Bản Giốc xuống hạ lưu sông Quây Sơn mà thôi. Hai nhân tố trái nghịch này giải thích tại sao trên bản đồ đính kèm Hiệp định Viêt-Trung 1999, khu vực cồn Pò Thong còn " để lại giải quyết sau ".
Bất luận thế nào, câu chuyện " để mất thác Bản Giốc " và " mất ải Nam Quan " là một điều huyễn hoặc, không có căn cứ nghiêm chỉnh. Sở dĩ huyền thoại này gây chấn động vì Bản Giốc và Nam Quan là những địa danh thiêng liêng, đụng đến tâm khảm của mọi người Việt Nam gắn bó với lãnh thổ của tổ quốc, và khi những người có thiện chí ở Hà Nội lên tiếng phản đối, thì không những chính quyền không trả lời minh bạch mà còn trấn áp một số người, đến khi dư luận xôn xao phẫn khích, thì nhà cầm quyền mới đưa ra những thông tin hạn chế (trên mạng internet, hoặc thông tin trong nội bộ đảng, làm như chuyện biên giới quốc gia là việc riêng của đảng (*)).
Tại sao có tình trạng kì quái này ? Cụ thể hơn, có hai câu hỏi tại sao : (1) Tại sao năm 2001 một số đảng viên lão thành của ĐCSVN đã phản đối Hiệp định biên giới ? (2) Tại sao chính quyền lại ấp úng như gà mắc thóc, không trả lời minh bạch, phải chăng vì " tình ngay lí gian " ?
Thật khó trả lời tường tận hai câu hỏi trên do tình trạng bịt tin ở Việt Nam và trong điều kiện chúng tôi không thể điều tra tại chỗ. Tuy nhiên, qua nhiều nguồn tin đáng tin cậy, có thể hình dung ra nguyên thuỷ câu chuyện khó hiểu này :
* Bài viết đầu tiên cảnh báo việc kí kết Hiệp định biên giới được phổ biến vào tháng 8.2001, 20 đảng viên lão thành kí kiến nghị phản đối vào tháng 12 sau đó.
** Trước đó, Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp xong (tháng 4.2001) : ông Lê Khả Phiêu thôi chức tổng bí thư ; chấm dứt chế độ cố vấn (bắt đầu từ cuối năm 1986 với Đại hội VI)
*** Từ giữa năm 2000, cuộc đấu tranh nội bộ diễn ra ác liệt để chuẩn bị đại hội. Hai cố vấn Đỗ Mười và (nhất là) Lê Đức Anh " ra sức " đòi cách chức tổng bí thư Lê Khả Phiêu (người mà họ đã đưa vào chức này hai năm trước đó). Một danh sách 7 tội trạng của ông Phiêu được rỉ tai lan truyền. Trong 7 tội đó, có tội " quá nhân nhượng Trung Quốc " trong hiệp định biên giới. " Tin " này được tung ra với những chi tiết " cụ thể " (hơn 700 km vuông, ải Nam Quan, thác Bản Giốc vân vân) qua mạng lưới của tình báo quân đội (mà tướng Lê Đức Anh đã nâng cấp từ Cục 2 lên Tổng cục 2), nên được mang vỏ ngoài của một thông tin mật, đáng tin cậy (xem *). Đối sách của ông Phiêu là cho phòng A10 điều tra và gia sản của các cố vấn và gia đình và doạ phổ biến kết quả cuộc điều tra. Tương quan lực lượng đã dẫn tới sự thoả hiệp nói ở điểm ** trên đây.
Song nạn nhân của lối thoả hiệp này trước hết là chân lí. Tin đồn về biên giới đã tung ra thì không những " tứ mã nan truy ", mà giải thích cặn kẽ thì " há miệng mắc quai ", thậm chí " lí ngay mà tình gian ". Hiệp định biên giới không phải là một bí mật quốc gia (bằng chứng là báo Nhân Dân đã công bố toàn văn), nhưng cuộc đấu đá và sử dụng những chiêu thức " bán đất " lại là điều tuyệt mật của đảng.
(*) Xin đơn cử hai ví dụ đã kiểm tra : một uỷ viên Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã viết thư cho ông bí thư thành uỷ yêu cầu thông tin về Hiệp định biên giới, sau nhiều tháng vẫn không được hồi âm ; ở Hà Nội, Huế cũng như ở Sài Gòn, người ta đã sao chụp bài báo Diễn Đàn nói về hiệp định biên giới để phổ biến, coi đó là tài liệu duy nhất đáng tin !
Nguyễn Ngọc Giao
( Bài này đăng trên trang Web Diển Ðàn Forum, số 129, tháng 5, 2003)
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 06:32, 15/04/2012 - mã số 56197
Ông Bùi Tín viết:
1) Tôi có cuốn sách Trắng ngay trước mặt đây, trong đó Bộ ngoại giao lên án ''nhà cầm quyền Trung quốc thực hiện một tư tưởng chỉ đạo đại dân tộc, thực hiện một chính sách ích kỷ dân tộc và thực hiện mục tiêu chiến lược của chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và chủ nghĩa bá quyền nước lớn, xin ông cho biết nay ông có thực tâm rút lui lời lên án ấy, để thay vào đường lối mới của 2 bộ chính trị hiện nay là 16 chữ vàng (!): ''láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng đến tương lai''.
2) Hai bên đã thỏa thuận tháng 6/2008 này sẽ hoàn tất việc phân giới cắm mốc và ký Nghị định thư về biên giới trên bộ. Nội dung Nghị định thư, các bản đồ chi tiết sẽ được công bố ở cả 2 bên, thông thường là phổ biến cho thông tấn, báo chí, cho các cơ quan hành chính, quốc phòng, an ninh, hải quan, văn hóa, giáo dục, du lịch, cho đến tận mọi làng xã dọc biên giới.
Lúc ấy muốn che giấu, úp mở cũng không được nữa. Phía Bắc Kinh sẽ nhanh nhẩu phổ biến tập bản đồ mới để khoe thắng lợi. Vì họ thắng đậm.
So sánh với các bản đồ của các thời kỳ trước đây, sẽ có thể biết rõ có mất đất hay không? và mất bao nhiêu? với tập bản đồ và vài trăm sơ đồ cụ thể.
Lúc ấy, các ông Vũ Dũng, Lê Dũng, Lê Công Phụng, rồi các nguyên ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Dy Niên, đến ông Lê Khả Phiêu và các ông tứ trụ Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng sẽ có đầy đủ chứng cớ minh bạch là đã bảo vệ biên giới bất khả xâm phạm của Tổ quốc ra sao. Hay sẽ đực mặt bán đất bán nước ra sao.
...
3) Riêng về chuyện mất đất hay không, tôi thách ông Dũng và xin chờ xem. Câu chuyện có thể kết thúc trong dăm tháng. Không ai trốn tránh được.
- Về điểm 1) cuốn sách trắng mà bác BÙI TÍN đề cập, ai muốn xem xin vào đây:
NHÀ CẦM QUYỀN CỘNG SẢN VIỆT NAM TỪNG NÓI GÌ VỀ BIÊN GIỚI VIỆT-TRUNG VÀ QUAN HỆ VIỆT-TRUNG? (Tác giả: Khối 8406)
- Về điểm 2) và 3) thì, trái với sự tin tưởng của bác BÙI TÍN vào năm 2008, câu chuyện đã không "kết thúc trong dăm tháng" như bác TÍN nghĩ khi cho rằng Nghị định thư sẽ được ký và, cùng với nó, bản văn Hiệp ước và toàn bộ các chi tiết, biên bản, bộ bản đồ của Hiệp ước 1999 sẽ được công bố từ cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc. Sự thật là hôm nay (ngày 15/04/2012) tức là đã gần 4 NĂM, cả hai phía Việt Trung đều hùa nhau (?) GIẤU KÍN Nghị định thư cùng các chi tiết nói trên (nhất là bộ bản đồ) của bản Hiệp ước. Chỉ thấy phía TQ cho đào toàn bộ các cột mốc lịch sử của Hiệp ước Pháp Thanh 1887, 1895 đem về trưng ở Viện Bảo Tàng bên TQ (ngoại trừ cột mốc 53 đã được dời chỗ ở khu vực thác Bản Giốc và được đặt cạnh cột mốc mới để làm chứng cho sự "công bằng", "hợp lý" của việc phân định mới !!).
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 11:25, 14/04/2012 - mã số 56150
Về việc mất đất, mất biển: Tôi thách ông Vũ Dũng!
Bùi Tín
Đăng ngày: 15:45 18-01-2008
Thư mục: Tổng hợp
Ông Vũ Dũng trong trả lời phỏng vấn trên báo Nhân dân ngày 6/1/2008 khẳng định: không có chuyện chúng ta mất đất mất biển.
Báo Nhân dân khi mớm câu hỏi cho ông Vũ Dũng đã gợi trước câu trả lời ấy: ''một số người đưa tin có ý đồ xấu là phía ta đã mất đất ...''.
Tôi từng làm việc ở báo Nhân dân, biết rõ cung cách phỏng vấn kiểu ''mớm lời'' như thế, theo lập trường vâng lệnh đảng, lừa bạn đọc, bịp người dân. Trơ trẽn!
Tôi thách ông thứ trưởng Vũ Dũng trả lời thêm những câu hỏi của tôi. Và xin lấy công luận làm trọng tài, lấy sự thật làm trọng tài.
Tôi dám thách ông Vũ Dũng, mà tôi từng quen biết từ khá lâu; đã từng ở New York, tại trụ sở Liên Hợp Quốc với nhau. Tôi dám đánh cá cược với ông, 1 ăn 10 cũng được.
Trước hết tôi tin là ta mất đất. Mất cả ở vùng Ải Nam Quan, cả ở vùng Bản Giốc. Trước hết đó là 2 vùng không xa lạ với tôi. Đã có nhiều lần hồi trẻ tôi thăm thác Bản Giốc. Nước ta rất hiếm thác, nên Bản Giốc nổi tiếng. Tôi còn nhớ như in cái thiệp du lịch thắng cảnh Đông Dương do người Pháp in, có Thác Bản Giốc - Cao bằng, bên thác có cái ki-ốt tròn, nhỏ, lợp tranh để người đến thăm có thể ngồi tránh nắng, mưa. Tôi đã đích thân cùng bạn và gia đình nhiều lần đến thăm thác Bản Giốc, khi gia đình tôi sống ở thị xã Cao bằng. Các chị và em tôi đã dở cơm nắm ra ăn trong cái ki-ốt nhỏ khi bọt nước ở chân thác bắn đến gần. Chúng tôi còn tò mò ngắm bà con người Mán sơn đầu sống gần đó. Phía Trung quốc còn ở xa, khá xa, không ai nhắc đến, đinh ninh là thác ở hẳn trên đất ta.
Ở Ải Nam Quan còn rõ hơn. Tôi đi qua đây gần chục lần, bằng ô tô và xe lửa, những năm 1957, 1961, rồi 1976, 1977, 1986, 1989. Cổng đá cao lớn với 3 chữ hán ''Trấn Nam Quan'', sau được đổi là ''Hữu Nghị Quan'' chữ vàng, cùng cột cây số có chữ ''0 km'' chữ đen nền trắng là những vật gây ấn tượng mỗi lần đi qua. Thường đến đó xe dừng lại để nghỉ ngơi, ngắm cảnh và đưa giấy tờ cho công an và hải quan 2 bên. Hai lần đầu, tôi nhớ rõ, chiếc cột cây số ở rất gần cổng, không sát cổng đổ xuống, nhưng không xa, ước tính bằng chiều rộng của một sân bóng đá, không thể đến 100 mét. Năm 1986, tôi quan sát kỹ, và nhận ra quang cảnh khác hẳn thời chiến, cổng vẫn thế, nhưng từ cổng đổ xuống, nhà cửa san sát, bãi xe rộng, nhà nghỉ, trạm gác, dãy nhà công an, hải quan của phía Trung quốc mọc lên, bề thế, đi mỏi chân mới đến cột cây số mới toanh ''0km'', không thể dưới 300 mét, phải bằng 2 chiều dài của sân bóng đá.
Cho nên chỉ bằng quan sát tại chỗ, so sánh thực tế, tôi cũng đã có thể khẳng định ông Vũ Dũng không biết thực tế, cố tình nói liều.
Tài liệu còn lưu trong hồ sơ chính quyền Pháp cũng nói đường biên giới ở cách chân cổng Trấn Nam Quan ''chừng 100 mét'', với bản đồ đi kèm. Vậy mà theo sơ đồ vẽ tại chỗ hiện nay, khoảng cách ấy là từ 300 đến 350 mét. Chả trách Bộ Chính trị và Bộ ngoại giao dấu kỹ các tập bản đồ đến thế, cho dù trong Hiệp định về biên giới có ghi rõ tập bản đồ kèm theo là ''bộ phận cấu thành của Hiệp định''. Chừng 100 mét, so với 300 hay 350 mét thì có khác gì nhau không thưa ông Vũ Dũng? Vậy thì cái cổng nặng nề ấy đã bị di dời sang phía Bắc, hay cái cột cây số nhỏ bé đã bị gió thổi về phía Nam? Không thì vì đâu?
Cũng lại xin hỏi ông Dũng năm 1979 Bộ ngoại giao đã ra sách Trắng về sự thật trong quan hệ Việt-Trung và sự thật về biên giới 2 nước, có nhiều đoạn tố cáo phía Trung quốc: ''đã lợi dụng việc phía Việt Nam nhờ in giúp bản đồ cỡ 1/100.000, vẽ vùng có thác Bản Giốc của Việt Nam sang phía Trung Quốc; đã lợi dụng việc nối đường sắt giữa 2 nước để lấn sang biên giới Việt Nam đến hơn 300 mét; đã nhân việc làm ống dẫn dầu qua biên giới mà lấn một dải đất dài3.100 mét, rộng 500 mét của lãnh thổ Việt nam''. Tôi biết hồi ấy chính ông đã cùng Trưởng ban biên giới Lê Minh Nghĩa tham gia viết sách Trắng ấy của Bộ ngoại giao, vậy nay ông có dám nói rằng tất cả những tố cáo ấy là không đúng, là sai, là vu cáo phía Trung Quốc và nay ông xin sám hối hay không?
Tôi có cuốn sách Trắng ngay trước mặt đây, trong đó Bộ ngoại giao lên án ''nhà cầm quyền Trung quốc thực hiện một tư tưởng chỉ đạo đại dân tộc, thực hiện một chính sách ích kỷ dân tộc và thực hiện mục tiêu chiến lược của chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và chủ nghĩa bá quyền nước lớn, xin ông cho biết nay ông có thực tâm rút lui lời lên án ấy, để thay vào đường lối mới của 2 bộ chính trị hiện nay là 16 chữ vàng (!): ''láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng đến tương lai''.
Dư luận trong và ngoài nước mới chỉ quan tâm đến một vài chỗ có bề nổi trên đây, còn '' để quên'' một số địa điểm khác có tầm quan trọng hơn về chiến lược quân sự và tài nguyên, đặc biệt là ở phía Tây Bắc. Đó là vùng Nậm chảy ở Lào Cai; Phong Thổ ở Hoàng Liên Sơn; Tà lùng, Vị Xuyên ở Hà giang (trước là Hà Tuyên, khi Hà Giang nhập với Tuyên Quang), vùng núi Lão Sơn còn gọi là dãy núi Đất, với cao điểm 1.509 lợi hại về quân sự, lại có mỏ man-gan và than đá ở gần...
Bá quyền Trung Quốc, sau khi rút quân cuối tháng 3/1979 khỏi 6 tỉnh biên giới phía Bắc, càng tiếp sức cho bọn lính Khơ-me đỏ ở chiến trường Cambodia (Cam-bốt). Súng đạn, hậu cần, cố vấn Trung Quốc, nửa triệu mìn cá nhân, trại lính, bệnh viện dã chiến Trung Quốc dày đặc dọc biên giới Thái Lan - Cam-bốt, tạo nên thế sa lầy dai dẳng và chảy máu khủng khiếp của ''quân tình nguyện'' Việt Nam suốt 10 năm dài 1979 - 1988. Trên biên giới phía Bắc, Trung Quốc tạo sức ép thường xuyên quấy rối, bắn phá, xâm lấn để phối hợp chặt với chiến trường phương Nam - cả 2 cuộc chiến đều là chiến tranh của bá quyền Bắc Kinh chống Việt Nam. Từ giữa năm 1984 chúng tăng rất mạnh cuộc chiến ở vùng biên giới Hà Giang - Lào Cai, đánh lấn sát vào khu vực Sa-pa, chiếm vùng núi Đất - Lão Sơn, chiếm hẳn vùng cao điểm 1509 ở sâu hơn 10 kilômét để khống chế một vùng rộng. Bọn bành trướng rất thâm độc, các cuộc chiến đấu rộ lên từng đợt ngắn, có lúc bắn đến 2 vạn trái pháo lớn, ngoặm từng miếng, đánh đến đâu nhích cột mốc theo đến đấy, chiếm các điểm cao, khai thác các mỏ than và mangan tại chỗ. Trong khi ấy, họ vẫn quấy rối nhỏ ở biên giới 3 tỉnh phía Đông là Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Lúc ấy tôi còn nhớ rõ, chỉ thị của Tổng cục chính trị là không đưa tin chiến sự lớn ở phía tây Bắc, giao cho Quân khu II của tướng Vũ Lập tùy nghi đối phó, im thin thít như không có gì xảy ra, kể cả khi Bắc Kinh làm rùm beng về việc đưa quân đoàn 67 của Quân khu Tế Nam vào trận, gây tổn thất nặng cho sư đoàn 356 chủ lực của Quân khu II.
Bộ ngoại giao và Ban biên giới Chính phủ thường xuyên được thông báo về những trận đánh ở chiến trường Tây Bắc những năm 1984 và 1985 ấy, và ông Vũ Dũng không thể không biết.
Do nắm chắc tình hình trên đây mà tôi muốn hỏi ông Vũ Dũng là theo ông có thật là ta không mất đất ở vùng biên giới Hà Giang - Lào Cai - Hoàng Liên Sơn không? Theo tôi, các đoàn đàm phán của phía ta từ năm 1996 đến 1999 đã tỏ ra rất mềm yếu. Nhiều giải núi ở Tây Bắc thưa dân giàu tài nguyên, có giá trị quân sự đã bị lấn chiếm. Con số 700 đến 800 km vuông bị mất không phải là bịa đặt. Thực tế có thể hơn.
Tại sao phía Việt nam lại tỏ ra lép vế, mềm yếu sau khi quân dân ta chiến đấu kiên cường ở biên giới phía Bắc. Điều lý giải có sức thuyết phục nhất là cuộc chiếm đóng và chiến đấu lâu dài ở Cam-bốt ngày càng sa lầy, bất lợi, bọn ''tàn quân '' Polpot ngày càng đông và mạnh, đến 1989 Đông Âu xã hội chủ nghĩa sụp đổ cùng bức tường Berlin được phe cộng sản cho là bền vững, vĩnh cửu, rồi đến tháng 8/1991 Liên Xô và đảng cộng sản Liên xô được coi là xương sống của thế giới cộng sản gẫy nát. Đảng CS Việt nam quen sống có người đỡ đầu, có cột trụ để dựa, nguồn sinh lực về kinh tế, tài chính, vũ khí, ngoại tệ, cho đến cả học thuyết, mô hình chế độ, cung cách cầm quyền cũng hoàn toàn ngoại nhập, bỗng cảm thấy côi cút, hoang mang, trơ trọi, không biết bấu víu vào đâu để tồn tại. Hầu hết lãnh đạo đảng vội quy phục bá quyền Trung Quốc, van nài họ thay Liên Xô làm cột trụ - Anh Cả Đỏ cộng sản -, để cùng ôm nhau trụ lại. Họ xum xoe đề ra sáng kiến ''giải pháp đỏ'' mà ông Vũ Dũng chắc còn nhớ, nhằm tập họp mọi thế lực cộng sản, dù màu sắc nào, đỏ, hồng hay xanh, bắt tay anh em với cả Khơme đỏ diệt chủng. Trong thế Việt Nam bị kẹp ở 2 đầu, bị phong tỏa và tẩy chay, lạm phát hơn 600% /năm, Trung Quốc càng làm cao, bắt bí, Việt Nam càng quỵ lụy nhượng bộ để cố bình thường hóa ưu tiên với Trung Quốc, tưởng thế là khôn. Thế là Việt nam chui vào tròng bá quyền, khó chui ra.
Giang Trạch Dân chuyên thúc giục Lê Khả Phiêu phải thương lượng nhanh, phải ký Hiệp ước trên bộ trong năm 1999 (ký ngày 30/12/1999), và ký Hiệp ước trên biển trong năm 2000 (ký ngày 25/12/2000). Có ai đi thương lượng lại chịu ép trước về thời gian đến thế? Cho nên rất dễ hiểu là các nhà đàm phán Việt nam đều nhũn như con chi chi, chính Đỗ Mười cũng tố cáo Lê Khả Phiêu là nhượng bộ quá, ''để mất quá nhiều'' cho Trung Quốc.
Để kết luận cuộc thảo luận lý thú này, xin báo tin với bạn đọc là việc kết luận có mất đất và mất biển hay không, trong 5, 6 tháng nữa có thể kết luận minh bạch. Trong Hiệp ước về biên giới trên bộ, có ''Điều VI'' ghi rõ:
"1- Hai Bên quyết định thành lập ủy ban Liên hợp phân giới và cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung quốc và giao cho ủy ban này nhiệm vụ xác định trên thực địa đường biên giới Việt Trung như đã nêu trong Điều II của Hiệp ước này và tiến hành công việc phân giới, cắm mốc, cụ thể là xác định vị trí chính xác của đường sông núi, đường phân thủy, trung tuyến của dòng chảy chính, trung tuyến tuyến luồng chính tàu thuyền đi lại và các đoạn đường biên giới khác, xác định rõ sự quy thuộc của các cồn, bãi trên sông suối biên giới, cùng nhau cắm mốc biên giới, soạn thảo Nghị định thư về biên giới trên đất liền giữa 2 nước, gồm cả hồ sơ chi tiết về vị trí các mốc biên giới, vẽ bản đồ chi tiết đính kèm Nghị định thư thể hiện hướng đi của đường biên giới và vị trí các mốc biên giới trên toàn tuyến, cũng như giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến việc hoàn thành các nhiệm vụ kể trên.
2- Ngay sau khi có hiệu lực, Nghị định thư về biên giới trên đất liền giữa hai nước nói tại khoản 1 Điều này trở thành một bộ phận của Hiệp ước này và bản đồ chi tiết đính kèm Nghị định thư này thay thế bản đồ đính kèm Hiệp ước này".
Hai bên đã thỏa thuận tháng 6/2008 này sẽ hoàn tất việc phân giới cắm mốc và ký Nghị định thư về biên giới trên bộ. Nội dung Nghị định thư, các bản đồ chi tiết sẽ được công bố ở cả 2 bên, thông thường là phổ biến cho thông tấn, báo chí, cho các cơ quan hành chính, quốc phòng, an ninh, hải quan, văn hóa, giáo dục, du lịch, cho đến tận mọi làng xã dọc biên giới.
Lúc ấy muốn che giấu, úp mở cũng không được nữa. Phía Bắc Kinh sẽ nhanh nhẩu phổ biến tập bản đồ mới để khoe thắng lợi. Vì họ thắng đậm.
So sánh với các bản đồ của các thời kỳ trước đây, sẽ có thể biết rõ có mất đất hay không? và mất bao nhiêu? với tập bản đồ và vài trăm sơ đồ cụ thể.
Lúc ấy, các ông Vũ Dũng, Lê Dũng, Lê Công Phụng, rồi các nguyên ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Dy Niên, đến ông Lê Khả Phiêu và các ông tứ trụ Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng sẽ có đầy đủ chứng cớ minh bạch là đã bảo vệ biên giới bất khả xâm phạm của Tổ quốc ra sao. Hay sẽ đực mặt bán đất bán nước ra sao.
Tôi không có máu cờ bạc, cũng không có tật hiếu thắng để thách đố hay cá cược. Nhưng không thể ngồi yên để cho nhóm cầm quyền nhu nhược làm mất đất - mà tôi đinh ninh là nhiều lắm, làm mất hơn một vạn km vuông mặt biển, và còn cúi đầu chịu ''hợp tác nghề đánh cá'' với bành trướng, một kiểu ''hợp tác'' bắt buộc quá ư so le như giữa một anh lực sỹ khổng lồ giàu phương tiện hiện đại với một chú bé chỉ có phương tiện thô sơ. Họ ăn hiếp và dành vô vàn tài nguyên về nước họ, chỉ cho ta ăn cặn bã xương xẩu là cái chắc. Ông Vũ Dũng và các bạn đồng nghiệp có biết đau không?
Riêng về chuyện mất đất hay không, tôi thách ông Dũng và xin chờ xem. Câu chuyện có thể kết thúc trong dăm tháng. Không ai trốn tránh được.
Paris, 17/01/2008
Bùi Tín
Copy từ báo Đàn Chim Việt
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 13:23, 13/04/2012 - mã số 56082
Đàn anh lấn chiếm
Ngày: 15-12-2008
Đề tài: Quan hệ Việt - Trung
Trần Khải
Điều tốt đẹp nhất, nếu có thể, Trung Quốc và Việt Nam sẽ sống chung hòa bình bên nhau, cùng tôn trọng lãnh thổ và lãnh hải của nhau… Nhưng không mấy ai tin là chuyện sẽ dễ dàng như thế. Bởi vì quá khứ đã có nhiều bài học không thể quên được, không chỉ từ nhiều thế kỷ trước, mà vẫn còn đang xảy ra trước mắt, sau lưng, bên phải và bên trái của đất và biển Việt Nam. Từng tấc đất vẫn là nỗi lo lấn chiếm…
Thường thì nhà nước CSVN tránh nói các chuyện có thể làm mất lòng đàn anh phương bắc và chuyện gây nỗi lo bị lấn chiếm trong lòng dân Việt. Nhưng cũng có khi, có vài nơi… báo nhà nước cũng nói tới, nhắc tới. Mấy tuần trước là chuyện Trung Quốc bơm 30 tỉ đô để vào Trường Sa thăm dò và khai thác dầu, bất kể các vùng này còn đang tranh chấp. Lúc đó người phát ngôn Bộ Ngoại Giao CSVN có lên tiếng phản đối, và báo quốc nội nhắc tới, có chỗ bàn thêm, nhưng không thấy khai thác sâu. Chưa rõ nhà nước Hà Nội sẽ cứng rắn tới đâu trong việc giữ gìn vùng biển này, bởi vì nếu “nước bạn” mà dàn các tàu chiến ra đậu nối dài ở Hoàng Sa, Trường Sa… thì thấy rõ Việt Nam hở một mảng sườn ngay tại các bãi biển đẹp nhất vùng Miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang… y hệt như khi một cô gái Việt Nam mặc áo dài và sơ xuất đưa cao tay là hở cả thịt da bên hông… làm sao mà anh Tàu ghìm giữ nổi kiểu nhìn “mắt trừng gửi mộng qua biên giới”…
Hình: Tục Lãm, Quảng Ninh
Nguồn: freevn.wordpress.com
Mơi tuần này, là nỗi lo về Bãi Tục Lãm ở Quảng Ninh có thể bị nhà nước CSVN cắt ra để “tặng quà Nô En” cho đàn anh Phương Bắc. Bản tin từ Đài Chân Trời Mới hôm Thứ Năm 11-12-2008 ghi rằng:
“…một nguồn tin từ giới quân sự cao cấp CSVN và được kiểm chứng qua một số thành viên ngoại giao đoàn tại Hà Nội thì Bắc Kinh đang đòi buộc CSVN phải nhượng thêm đất Bãi Tục Lãm thuộc tỉnh Quảng Ninh cho họ trước khi dứt điểm kế hoạch cắm cột mốc dọc theo biên giới 2 nước. Nguồn cho biết thêm rằng, Trung Quốc đòi các lãnh tụ CSVN phải trả lời dứt khoát tại cuộc họp giữa đôi bên ngày 12/12/2008 tại vùng Hữu Nghị - Lạng Sơn.
Tục Lãm là một trong 3 điểm nóng nhất còn bàn cãi giữa đôi bên. Hai vùng còn lại là khu Bản Giốc và khu mộ Cao Bằng. Phía Trung Quốc đòi CSVN Nam phải nhượng hẳn Tục Lãm và nhượng thêm đất ở 2 vùng kia.
Cũng theo nguồn tin trên, các thành viên Bộ Chính Trị đảng CSVN đã nghiêng về giải pháp giao nhượng Bãi Tục Lãm bất kể sự phản đối từ phía quân đội.”
(hết trích)
Dân gốc Miền Nam, và cả dân hải ngoại trước giờ ít nghe tới Bãi Tục Lãm. Vùng này thỉnh thoảng vẫn được báo trong nước nhắc tới, khi kể chuyện về tình hình phức tạp nơi biên giới. Nói “phức tạp,” có nghĩa là cả chuyện “lấn chiếm.” Thường nghe nói là thác Bản Giốc, bởi vì đây là danh lam thắng cảnh, và đã ghi vào sách sử ở cả Miền Nam trước kia. Điều chúng ta quan ngại là thái độ nhà nước đang bưng bít rất nhiều thông tin về tình hình biên giới. Điều đó cực kỳ bất lợi cho ổn định lòng dân. Nếu thực sự đã mất tới đâu, thì cứ nói là mất tới đó. Nếu được “lời đất,” như ông Lê Công Phụng, người phụ trách thương thuyết các hiệp định biên giới đất và biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, thì cứ mời các phóng viên quốc nội, và cả hải ngoại, và mời cả các nhà hoạt động đòi giữ vững lãnh thổ (như anh Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải, người đang bị tù ở VN vì phản đối TQ lấn chiếm) ra xem thác Bản Giốc, ải Nam Quan, và Bãi Tục Lãm… Thế là lòng dân sẽ muôn người như một, sẽ không hoang mang chuyện Đảng CSVN bán đất, bán biển nữa…
Nhưng than ôi, sự thực là nhà nước CSVN đã từng có lúc yếu lòng (có thể vì các quan lãnh đạo Bộ Chính Trị đã bị hù dọa hay mua chuộc?) cắt bớt đi vài phần lãnh thổ (để cầu hòa cho cả nước, hay để xin bảo kê cho sự an toàn của chế độ độc đảng CSVN?)…
Nhà báo Bùi Tín trong một bài viết hồi tháng 1, 2008, nhan đề “Về việc mất đất, mất biển: Tôi thách ông Vũ Dũng!” đã nêu vấn đề rằng có những phần đất đã bị cắt cho TQ. Bài này Bùi Tín có chất vấn như sau:
“... Ông Vũ Dũng trong trả lời phỏng vấn trên báo Nhân dân ngày 6/1/2008 khẳng định: không có chuyện chúng ta mất đất mất biển. Báo Nhân dân khi mớm câu hỏi cho ông Vũ Dũng đã gợi trước câu trả lời ấy: ''một số người đưa tin có ý đồ xấu là phía ta đã mất đất ...''. Tôi từng làm việc ở báo Nhân dân, biết rõ cung cách phỏng vấn kiểu ''mớm lời'' như thế, theo lập trường vâng lệnh đảng, lừa bạn đọc, bịp người dân. Trơ trẽn!
Tôi thách ông thứ trưởng Vũ Dũng trả lời thêm những câu hỏi của tôi. Và xin lấy công luận làm trọng tài, lấy sự thật làm trọng tài.
Tôi dám thách ông Vũ Dũng, mà tôi từng quen biết từ khá lâu; đã từng ở New York, tại trụ sở Liên Hợp Quốc với nhau. Tôi dám đánh cá cược với ông, 1 ăn 10 cũng được.
Trước hết tôi tin là ta mất đất. Mất cả ở vùng Ải Nam Quan, cả ở vùng Bản Giốc.(.. ..)
…Cũng lại xin hỏi ông Dũng năm 1979 Bộ ngoại giao đã ra sách Trắng về sự thật trong quan hệ Việt-Trung và sự thật về biên giới 2 nước, có nhiều đoạn tố cáo phía Trung quốc: “đã lợi dụng việc phía Việt Nam nhờ in giúp bản đồ cỡ 1/100.000, vẽ vùng có thác Bản Giốc của Việt Nam sang phía Trung Quốc; đã lợi dụng việc nối đường sắt giữa 2 nước để lấn sang biên giới Việt Nam đến hơn 300 mét; đã nhân việc làm ống dẫn dầu qua biên giới mà lấn một dải đất dài 3.100 mét, rộng 500 mét của lãnh thổ Việt nam”. Tôi biết hồi ấy chính ông đã cùng Trưởng ban biên giới Lê Minh Nghĩa tham gia viết sách Trắng ấy của Bộ ngoại giao, vậy nay ông có dám nói rằng tất cả những tố cáo ấy là không đúng, là sai, là vu cáo phía Trung Quốc và nay ông xin sám hối hay không?”
(hết trích)
Trong khi người Việt quan tâm chờ hoài không thấy ông Vũ Dũng trả lời thách thức của ông Bùi Tín (tới giờ là gần tròn 1 năm rồi, từ lúc có bài thách thức trên), thì lại nghe tin về cơ nguy mất Bãi Tục Lãm.
Không thể nói rằng vùng này trước giờ bình an. Phải dặn trước như thế, vì ông Vũ Dũng có thể sẽ lại nói rằng bãi này vẫn là nơi hai nước giao hảo an bình.. ..
Bản tin của thông tấn nhà nước VOV News, nhan đề “Làng Biên Giới,” đăng trong ngày 05/01/2007, có ghi vài hình ảnh về Bãi Tục Lãm như sau:
“...Đó là cảnh thanh bình ở xã biên giới Hải Hoà, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Khó có thể ngờ rằng, cách đây không lâu, cả một vùng rộng lớn mênh mông cửa biển, mũi sông này - nơi khởi điểm của 3200km bờ biển nước ta theo chiều từ Bắc vào Nam - chỉ có sú, vẹt, cỏ dại và những người lính biên phòng ngày ngày đối chọi với thiên nhiên và những áp lực lấn chiếm. (.. ..)
...Anh Hải giải thích, ở đây là toàn bộ dân mới, kết hợp cùng với Đoàn kinh tế 327 ra đây bám biên, làm ăn sản xuất; nếu không có dân thì dù có bao nhiêu bộ đội biên phòng, cũng không đủ sức mà tuần tra kiểm soát được đường biên. “Chính nhờ nhân dân mà chúng tôi đã đấu tranh thắng lợi với tội phạm, buôn lậu và cả chống lấn chiếm nữa.” - Anh Hải nhấn mạnh…. ..”
(hết trích)
Lấn chiếm Bãi Tục Lãm? Đúng vậy. Một tờ báo khác của nhà nước vài tháng sau lại viết tương tự. Báo Quân Đội Nhân Dân ngày 30-4-2007, với bài nhan đề “Câu chuyện về dân quân Móng Cái”đã nói về xã biên giới Hải Hòa, nơi có điểm nóng là Bãi Tục Lãm, trích:
...Kể từ khi thành lập đến nay, lực lượng dân quân tập trung xã Hải Hòa đã phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng ngăn chặn, xua đuổi hàng nghìn lượt tàu, thuyền nước ngoài xâm nhập, hút cát trên sông, đánh bắt hải sản và khai thác lâm sản trái phép. Chiều 30 Tết Nhâm Ngọ, lực lượng dân quân trực chiến của xã Hải Hòa cùng dân quân phường Trần Phú, Hòa Lạc phát hiện hai tàu lượn của nước ngoài xâm phạm không phận nước ta. Sau khi xin ý kiến cấp trên, anh em dân quân đã phát tín hiệu và bắn cảnh cáo, ép hạ một chiếc, sau đó xử lý bằng con đường ngoại giao, bảo đảm đúng luật pháp quốc tế....”
(hết trích)
Đoạn trích trên lại cho thấy một âm mưu lớn: hai phi cơ do thám lảng vảng vào không phận Việt Nam, tại xã biên giới này…
Nhà nước CSVN hãy cho toàn dân biết đầy đủ các thông tin về tình hình biên giới, và hãy trả tự do cho tất cả những người hoạt động chỉ vì đòi giữ đất, giữ đảo. Bởi vì chính nhà nước viết rằng có tàu lượn do thám, có nước bạn lấn chiếm.. .. và rồi lại bảo là hai nước vẫn giao hảo, và không có chuyện lấn chiếm nào.. .. Hãy cho biết sự thật. Đó là cách duy nhất để mời gọi toàn dân, cả trong và ngoài nước, cùng tham gia để giữ gìn cõi bờ. Để cho nhiều đời sau biết rằng và mang ơn rằng, một thời, còn có một Bãi Tục Lãm gìn giữ được như thế...
DCVOnline biên tập và minh hoạ.
Trần Khải
Bài viết này từ DCVOnline
http://www.dcvonline.org
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 06:04, 13/04/2012 - mã số 56057
Giới thiệu sách
« Biên-Giới Việt-Trung 1885-2000 – Lịch-sử thành-hình và những tranh-chấp » của tác-giả Trương Nhân Tuấn
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 05:53, 13/04/2012 - mã số 56056
Bộ Ngoại Giao Việt Nam
Kết quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc tại các khu vực: cửa khẩu Hữu Nghị, Thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân
Thứ sáu, ngày 13 tháng 04 năm 2012
(Website-BNG) - Ngày 24/2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng đã họp báo cung cấp thêm thông tin về kết quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc tại các khu vực: cửa khẩu Hữu Nghị, Thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân. Thứ trưởng Vũ Dũng nói,
Thời gian qua, Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao đã nhận được nhiều thư, điện thoại của bà con trong nước và nước ngoài hoan nghênh việc hai nước Việt Nam Trung Quốc hoành thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc (PGCM) biên giới trên đất liền giữa hai nước. Thay mặt các lực lượng tham gia công tác PGCM trong hơn 8 năm qua, tôi xin chân thành cám ơn bà con về những tình cảm quý báu đó. Để tiếp tục thông tin đến nhân dân trong nước và bà con người Việt đang sinh sống học tập tại nước ngoài, hôm nay tôi xin thông báo kết quả giải quyết cụ thể các khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân.
Như mọi người đã biết đây là những khu vực rất nhạy cảm, có lịch sử tranh chấp lâu đời và dư luận hai nước Việt Nam Trung Quốc đều rất quan tâm.
Trước hết cần nói rõ các khu vực này đã được đưa ra bàn bạc trong nhiều vòng đàm phán của Ủy ban liên hợp PGCM nhưng chưa giải quyết được. Đến đầu năm 2008, hai bên đã nhất trí giải quyết tổng thể các khu vực tồn đọng trong đó có 3 khu vực này bằng giải pháp “cả gói”. Các nguyên tắc của giải pháp "cả gói" là phải phù hợp với lời văn và bản đồ Hiệp ước 1999; giải quyết tất cả các khu vực trong một gói theo cùng một tiêu chí; công bằng hợp lý, hai bên đều có thể chấp nhận được; tôn trọng các dấu tích lịch sử; ưu tiên ổn định đời sống cư dân biên giới.
1. Tại cửa khẩu Hữu Nghị: Đây là cửa khẩu lâu đời nhất trên tuyến biên giới Việt-Trung, đã được đề cập trong Đại Nam nhất thống chí, “Vân đài loại ngữ” của bác học Lê Quý Đôn và một số thơ văn của Nguyễn Du và Mạc Đĩnh Chi.
Tại khu vực này có 03 vị trí rất quan trọng liên quan đến đường biên giới. Đó là Ải Nam Quan, các mốc cũ do Pháp và Nhà Thanh xây dựng cuối thế kỷ thứ 19 và điểm nối ray của tuyến đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường. Về Ải Nam Quan, các sử sách ta còn lưu giữ đều khẳng định Ải Nam quan do các triều đại phong kiến Trung Quốc xây dựng và tồn tại cho đến ngày nay. Về các mốc Pháp – Thanh, mốc 19 vẫn còn tồn tại và nằm đúng vị trí cũ. Mốc 18 đối diện với mốc 19, do yếu tố thời gian, hai bên đều không thể xác định được. Về điểm nối ray, do có bị lệch về phía Việt Nam so với đường biên giới lịch sử, hai bên đồng ý điều chỉnh về phía Bắc. Kết quả giải quyết: đường biên giới đi qua Km0 đến mốc 19 cũ rồi đến điểm cách điểm nối ray 148 mét về phía Bắc. Hiện nay ta đã cắm mốc 1116 và 1117 đối xứng với nhau qua quốc lộ 1A của Việt Nam, và mốc 1118 trùng vị trí mốc 19 (cũ). Như vậy, đường biên giới lịch sử tại khu vực này không những đã được duy trì mà còn được cụ thể hóa bằng một hệ thống mốc giới mới hiện đại.
2. Tại Thác Bản Giốc: Thác Bản Giốc nằm trên sông Quây Sơn, là sông chung của Việt Nam và Trung Quốc. Các bản đồ Pháp-Thanh đã khẳng định sông Quây Sơn là sông biên giới và Thác Bản Giốc là thác chung của Việt Nam và Trung Quốc. Khi ký Hiệp ước 1999, hai Bên chỉ chưa giải quyết được cồn Pò Thoong nằm trên thác, có diện tích khoảng 2,6 hécta. Theo luật pháp quốc tế và Hiệp ước 1999, tại khu vực này đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy chính. Vễ kỹ thuật, dòng chảy chính được xác định nằm ở phía Nam cồn Pò Thoong. Qua nhiều vòng đàm phán, hai Bên thỏa thuận giải quyết khu vực thác Bản Giốc kết hợp giải pháp chính trị và giải pháp kỹ thuật. Kết quả là: Đường biên giới đi từ mốc 53 (cũ) lên cồn Pò Thoong rồi đến điểm giữa của mặt thác chính. Như vậy, toàn bộ thác phụ và ½ thác chính quy thuộc Việt Nam. Hai bên cũng thoả thuận sẽ bàn bạc việc hợp tác phát triển tiềm năng du lịch tại thác Bản Giốc.
3. Khu vực cửa sông Bắc Luân: Khu vực cửa sông Bắc Luân kéo dài từ thượng lưu bãi Tục Lãm đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ, có độ dài khoảng 14 kilômét. Khu vực này đã được Pháp - Thanh hoạch định và cắm mốc, nhưng vào thời điểm đó các cồn bãi Tục Lãm, Tài Xẹc, Dậu Gót đều chưa xuất hiện trên bản đồ hoạch định. Khi ký Hiệp ước 1999, hai Bên cũng chưa thống nhất được phương án giải quyết khu vực này. Vào ngày đàm phán cuối cùng 31/12/2008, hai Bên thống nhất giải quyết khu vực cửa sông Bắc Luân bằng giải pháp chính trị: Đường biên giới đi lên bãi Tục Lãm, ¾ bãi Tục Lãm thuộc Việt Nam ¼ bãi Tục Lãm thuộc Trung Quốc sau đó đi tiếp lên hòn Dậu Gót (1/3 hòn Dậu Gót thuộc Việt Nam, 2/3 hòn Dậu Gót thuộc Trung Quốc) rồi đi đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ.
Hai bên đã thỏa thuận không xây dựng công trình nhân tạo tại khu vực này, đồng thời nhất trí thiết lập khu vực đi lại tự do cho cư dân biên giới tại cửa sông.
Kết quả trên là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc “cả gói” mà tôi đã đề cập ở trên, là kết quả của quá trình kiên trì đàm phán của hai Đoàn đại biểu PGCM dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân các địa phương biên giới./.
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 16:35, 12/04/2012 - mã số 56020
CHƯƠNG I: CÁC VĂN KIỆN BÁN NƯỚC
(trích tài liệu HỒ SƠ HOÀNG SA & TRƯỜNG SA của Giáo sư NGUYỄN VĂN CANH)
1. TRÊN ĐẤT LIỀN
Tổng Bí Thư Đảng CSVN Lê Khả Phiêu và Chủ tịch nước Trần đức Lương sang Bắc Kinh ký Hiệp Ước Biên Giới ngày 25 tháng 12, năm 1999. Các địa điểm sau đây đã nằm trong lãnh thổ TC:
- Tại Hà Giang, các dãy núi 1250, 1545, 1509, 772, 223. Dãy 1509 là Núi Đất, thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, và TC đã đặt tên là Lão Sơn. Dãy này cao 1422 m, chế ngự toàn vùng. Quan trọng là cao địa 662 b và 20 cao địa khác chạy về phía Đông. Dãy 1250 là Núi Bạc thuộc huyện Yên Minh, và TC đặt tên là Gỉải Âm Sơn. Hai dãy núi này kiểm soát lối xâm nhập từ Trung Hoa vào Việt Nam.
- Tại Lạng Sơn, các dãy 820, 636 thuộc xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, và Khu vực Bình Độ 400, sau cột Mốc 26 ( Hiệp ước Thiên Tân), thuộc huyện Cao Lộc.
Khu đất phía Bắc thác Bản Giốc, Cao Bằng; một khu đất phía Bắc Ải Nam Quan, Lạng Sơn cũng cùng chung số phận. Những nơi khác vào khoảng 72 địa điểm suốt dọc biên giới dài 1400 cây số, chưa được biết.
Ta hãy nghe sự biện luận của CSVN về các cuộc đàm phán về biên giới như sau: (trích dẫn nguyên văn cuộc phỏng vấn do Lý Kiến Trúc, chủ nhiệm Báo Văn Hóa, thực hiện ngày 23 tháng 9, 2008):
- A. [Lê Công] Phụng: “…người ta tố cáo, phản đối tôi với tư cách là trưởng đoàn đàm phán. Người ta nói là tôi đã bán cho Trung Quốc khoảng độ 5-7 trăm cây số vuông trên biên giới đất liền. …..Sự thực thì “chỉ chênh lệch nhau 227 cây số vuông trên 64 điểm trên toàn tuyến biên giới. Vì thế, chỉ bàn đến phân định 227 cây số vuông ấy thôi.… Và kết quả cuối cùng là Việt Nam quản lý được thêm 113 cây số vuông, và Trung Quốc quản lý 114 cây số vuông. Như vậy chênh nhau khoảng độ hơn 1 cây số trong suốt quá trình đàm phán và phân định.
- 2.….Liên quan đến các điểm cao, tôi cũng muốn nói với các vị rằng là năm 1979 Trung Quốc tấn công Việt Nam, kết thúc thì cơ bản là Trung Quốc rút về đường biên giới cũ. Trung Quốc giữ lại, chiếm đất của Việt Nam khoảng độ 27 điểm, trong đó hầu hết là các điểm cao.
Trong quá trình đàm phán, chúng ta yêu cầu Trung Quốc trả lại các điểm cao. Trước khi ký hiệp ước, Trung Quốc trả lại 15 điểm cao. Còn lại 12 điểm cao, ta đấu tranh quyết liệt, và cuối cùng còn lại 6 điểm cao, cuối cùng thì chúng ta đưa đường biên giới chạy lên giữa các điểm cao đó.”
Đối chiếu với một ít con số và địa điểm trích dẫn từ tập “VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC” do Đảng Cộng sản Việt Nam phổ biến năm 1979 (Nhà xuất Bản Sự Thật, 1979) cho thấy Lê công Phụng nói dối hoàn toàn. Việt Nam đã mất rất nhiều đất.
1) Về chênh lệch hơn 1 cây số trên suốt dọc biên giới dài 1350 cây số?
Các địa điểm sau đây TC đã chiếm mất của Việt Nam.
a) Khu vực Trình Tường, Quảng Ninh. Khu vực này dài 6 cây số và TC chiếm sâu vào lãnh thổ Việt Nam hơn 1 cây số. Khu vực này nay sát nhập vào công xã Đồng Tâm, Đông Hưng. Đường biên giới mới lùi tới đồi Khâu Trúc của Việt Nam.
b) Và các xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc thuộc Lạng sơn; Khẳm Khâu, thuộc Cao Bằng; Tà Lũng, Là Phù Phìn, Minh Tân thuộc Hà Tuyên; xã Năm Chảy ở Hoàng Liên Sơn (xã này dài hơn 4 km và sâu hơn 1 km) cũng đã nằm trong lãnh thổ TC. Riêng tại xã Năm Chảy, Việt Nam mất một diện tích độ 300 hectares. Tổng cộng có độ 40 đia điểm tương tự trên đường biên giới bị TC chiếm và đưa dân sang lập nghiệp, rồi hợp thức hóa.
c) Ải Nam Quan, hồi 1955, Hồ chí Minh nhờ Mao trạch Đông nới dài thêm 300 m đường hỏa xa của Trung Hoa sang Việt Nam để đường hỏa xa của hai bên nối liền với nhau cho thuận tiện giao thông. Mao chấp thuận và sau một thời gian Hồ nói rằng đường biên giới của Việt Nam ở cách nơi nối giáp đó về hướng Bắc là 300m như đã có từ cả trăm năm nay. Hồ được bảo rằng biên giới nay là nơi hai đường hỏa xa nối với nhau. Mất 300m! Hồ im lặng. Chưa hết, về sau này lính TC khiêng cột mốc số 18, nơi biên giới quốc gia tại Ải Nam Quan trên quốc lộ 1 vào sâu độ 200m nữa. Như vậy nơi đó mất độ ½ cây số.
d) Thác Bản Giốc: Tại khu cột mốc số 53 thuộc xã Đàm Thúy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng trên sông Qui Thuận có thác Bản Giốc của Việt Nam. TC cho 2000 ngàn lính sang lãnh thổ VN đổ bê tông cốt sắt cắt ngang nhánh sông biên giới, vẽ lại bản đồ, chiếm một phần Thác Bản Giốc và cướp cả cồn Pò Thoong của Việt Nam.
Hình: Phần chính Thác Bản Giốc, nằm phía Bắc, nay đã thuộc Trung Cộng. TC đặt tên là thác Đức Thiên, Đệ Nhất Hùng Quan Nam Trung Hoa.
Hình: Phần phụ nằm về phía Nam, còn là của Việt Nam
(Nguồn: bài viết: blogger Măng
Nguồn ảnh: blogger Điếu Cày
Toàn cảnh Thác Bản Giốc)
Cước Chú: Ngày 14 tháng 9 năm 2002 trong một cuộc phỏng vấn của báo Nhân Dân Điện Tử, Lê công Phụng cho biết nay có một cột mốc mới để chia đôi Bản Giốc. Cột mới này nằm trên một cái “cồn” giữa suối. Nay, có phổ biến một hình thác Bản Giốc. Qua hình này, thác gồm 2 phần Bắc nằm phía tay phải, và Nam, nằm tay trái. Trung cộng nay chiếm mất phần lớn nhất nằm tay phải mà chúng đã đặt tên là Đức Thiên, Đệ Nhất Hùng Quan.
Tân Hoa Xã và Tùy viên Văn Hóa thuộc Tòa Đại sứ TC ở Hà Nội (mà tác giả bài báo gọi là Thái Thú) cách đây 3 năm (2004) nhân ngày quốc khánh TC mời đoàn báo chí Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sang dự lễ khai mạc hội chợ du lịch và khánh thành Thác Đức Thiên thuộc phần đất Trung Hoa (thuộc thị trấn Sùng Tà). Được mời đi tham dự lễ khánh thành Thác Đức Thiên này có lãnh đạo Đảng trong ngành báo chí và du lịch: “Cục trưởng cục Báo chí, Vụ trưởng Vụ Du lịch” và nhiều người trong ngành báo chí. Phái đoàn được tiếp đãi long trọng để chứng kiến thác ấy nay trở thành tài sản của TC. Đây là lễ ăn mừng về thành quả đạt được trong tình hữu nghị Trung Việt giữa hai đảng và hai nhà nước.
e) Khiêng các mộc số 136 ở Cao Bằng, các mốc số 41,42 43 ở Lạng Sơn thuộc các khu vực Kùm Mu, Kim Ngân, và Mẫu Sơn (dài 9 cây số) sâu vào nội địa Việt Nam 2 km50: mất một diện tích là 1,000 hectares; khu vực Nà Pàng-Kéo Trình ( mốc 29,30, 31) ở Cao Bằng, dài 6 km 450, sâu vào đất Việt Nam 1 km300, mất diện tích là 200 hectares.
f) Dùng lực lượng võ trang đàn áp người Việt, trục xuất họ và đốt nhà đuổi dân Việt, chiếm nhà đất của họ, rồi đưa dân Trung cộng sang lập nghiệp tại nhiều nơi thay thế dân Việt…
2. Về các điểm cao
Cuối cùng “còn 6 điểm cao” và “chúng ta đưa đường biên giới chạy lên gữa các điểm cao đó”. Lời biện minh này cho thấy rằng 27 điểm nêu trên là của Việt Nam, và như thế trước đây nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Trung cộng đã chiếm 27 điểm ấy. Nay vì nhờ “đấu tranh quyết liệt” nên TC đã trà lai, chỉ trừ 6 điểm cao. Sáu điểm cao này được hiểu là các dãy núi nằm dọc biên giới. Nay Phụng đã “thành công” (sic) đưa đường biên giới lên giữa các điểm cao, hay giữa các dãy núi ấy, và như vậy là không mất đất.
Vậy lời khai này, nếu có đúng là sự thật, thì đã tự nó tố cáo có chấp thuận chuyển nhượng một diện tích đất tính từ phân nửa (½) đỉnh của cả 6 dãy núi kể trên về phía Bắc.
Ngoài ra, Phụng trả lời làm sao về các dãy núi sau như đã nói ở trên:
- Các dãy núi 1250, 1545, 1509, 772 và 233 thuộc tỉnh Hà Giang đã thuộc Trung Cộng. Người ta được biết, dãy 1509 là núi Đất thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên đã lọt vào tay TC và TC đã đổi tên thành Lão Sơn. Và dãy 1250 là núi Bắc, thuộc huyện Yên Minh, TC đã đối tên thành Giải Âm Sơn.
Các cao địa này là vị trí chiến lược để phòng thủ Việt Nam chống quân Bắc phương. Các dãy này nay đã chuyển cho Trung Cộng.
- Các dãy 820 và 636 thuộc xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, Lạng Sơn nằm sát cạnh cửa Ải Nam Quan về phía Tây, cạnh quốc lộ 1, cũng lọt vào tay TC. Và khu Bình Độ 400 huyện Cao Lộc, Lạng Sơn , nằm sau cột mốc 26, về phía Đông của quốc lộ 1 cũng cùng chung số phận. Các dãy núi này cũng là các khu vực quan yếu cho việc phòng thủ, ngăn quân xâm lăng đến từ phương Bắc. Tại nơi đây, nhờ địa thế hiểm trở, ông cha chúng ta đã đánh bại quân thù. Mất các vùng đất này, Việt Nam gặp nhiều khó khăn bảo vệ giang sơn. Như vậy, VC lại càng giúp cho TC dễ bề thôn tính VN trong tương lai.
Vậy với bằng cớ nêu trên, Đảng Cộng Sản trả lời với quốc dân Việt Nam như thế nào khi nói rằng chỉ một có 1 cây số?
2. VÙNG VỊNH BẮC VIỆT
Đảng CSVN ký 2 Hiệp ước với TC vào 30 tháng 12 năm 2000:
Hiệp Ước phân chia vùng vịnh. Chiếu theo đường phân chia Vịnh theo Hiệp Ước Thiên Tân và các tác giả vẽ trên Bản Đồ đường thẳng màu đỏ từ Móng Cái cạnh kinh tuyến 108, qua đảo Trà Cổ xuống cửa Biển, theo hướng Thừa Thiên- Quảng Nam, mà ngươi ta gọi là đường Màu Đỏ phân chia Vịnh.
Tổng số diện tích vùng vịnh Bắc Việt là 123,700 cây số vuông. Đường phân ranh Màu Đỏ chia Vịnh làm 2: 63% thuộc Việt Nam và 37% thuộc Trung Hoa. Như vậy là Việt Nam có 77,931 cây số vuông và Trung Hoa có 45,769 cây số vuông. Theo thỏa hiệp 2000 đường ranh mới được vẽ chạy vòng theo hình cong của Vịnh và nằm giữa 2 phía. Đường ranh chạy qua tất cả 21 điểm. Điểm 1 bắt đầu từ nơi hai biên giới giáp nhau ở Móng Cái, và điểm thứ 21 ở giữa cửa Vịnh, nằm giữa Hoàng Liễu (Huang Liu), Hải Nam và Cồn Cõ, Vĩnh Linh, phía nam của Đồng Hới, Quảng Bình. Phân chia vùng vịnh như vậy đưa đến kết quả là: VN xuống còn 54% hay là 66,789 cây số vuông, và Trung Cộng lên 46% hay là 45,510 cây số vuông. Như vậy VC chuyển nhượng cho TC 11,152 cây số vuông. Với hiệp ước này, thứ trưởng ngoai giao Lê công Phụng phụ trách thương thuyết ca tụng là một thắng lợi.
Hiệp ước hợp tác nghề cá. Chưa hết! Lại còn một hiệp ước nữa gọi là Hiệp ước hợp tác nghề cá. Mục đích là hai bên hợp tác đánh cá chung. Hiệp ước qui định hai vùng.
-Vùng phía Nam vĩ tuyến 20 nằm về phía Nam đảo Bạch Long Vĩ. Vùng này có một diện tích là 35,000 cây số vuông, thời hạn có hiệu lực là 12 năm, và gia hạn 3 năm. Để có được 35,000 cây số vuông, mỗi bên phải góp vào 30.5 hải lý, tính từ đường ranh nằm giữa vịnh trở vào.
-Vùng khác nằm về phía Bắc đảo Bạch Long Vĩ. Vùng này nhỏ hơn, có hiệu lực 4 năm.
Về vùng VỊNH BẮC VIỆT, Phụng tuyên bố: “Chúng ta phân chia Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc là dựa trên luật pháp quốc tế.… Khi ký kết hiệp định, nếu như so diện tích giữa chúng ta và Trung Quốc, thì chúng ta hơn Trung Quốc 8 nghìn cây số vuông. Chúng ta không mất. Tại sao Trung Quốc chấp nhận cho chúng ta hơn 8 nghìn cây số vuông? Bởi vì bờ biển của ta là bờ biển lõm, nó vòng vào thế này, bờ biển Trung Quốc Hải Nam thì nó vòng ra thế này. .... Nói mất 10 nghìn thước vuông, thì vô lý, không đúng đâu. Chúng tôi cũng không muốn nói cụ thể là lúc chia nó như thế nào, thế nào.… Cũng có lúc đàm phán Trung Quốc người ta xung phong hiến cho chúng tôi 3 nghìn cây số vuông ở chỗ khác để họ lấy chỗ này chỉ độ 150 cây số vuông. Nhưng mình không chịu, mình không lấy cái nước, cái mặt nước để làm gì. Mình tính cái ở dưới, vừa giữ được chủ quyền đất đai, mà vừa giữ được lợi ích cho quốc gia.”
Phụng nhấn mạnh đến luật quốc tế làm cơ sở “đàm phán”, đặc biệt là nhấn mạnh đến hiệp ước Thiên Tân 1885 làm nền tảng thương thuyết rối kết luận rằng không những không mất 10,000 thước vuông, (10,000 cây số, chứ không phải là 10,000 thước), mà còn được lợi 8000 cây số vuông do TC ‘cho VC’. Hơn nữa, TC còn xung phong cho VC 3000 cây số vuông, đổi lại TC chỉ muốn 150 cây số vuông và VC không chịu …., và “giữ được chủ quyền đất đai và, lợi ích quốc gia”.
Với lời tuyên bố trên, VC đã ‘đại thành công’ trong đàm phán với kẻ thù thuộc dòng dõi nhà Hán tham lam, dù theo thói quen chúng lấn từng thước đất (không phải cây số) của Việt Nam. Một số trường hợp mất đất mà ai cũng biết và chính Đảng CSVN đã tố cáo mà Phụng có cả gan dấu giếm, thì ở những nơi Đảng cấm dân chúng lui tới, hoặc ở rừng núi sâu, hay ở các nơi xa trong vịnh Bắc Việt, liệu có ai có phương tiện và cơ hội để tìm biết được sự thật?
Phụng tỏ ra “có vẻ” rất hài lòng, nếu không nói rằng hãnh diện, khi nói rằng TC đã cho “ta” 8,000 cây số vuông, và TC còn xung phong cho thêm 3,000 cây số khác mà “ta” không [thèm] nhận, chỉ để đổi lấy 150 cs mà thôi.
Câu hỏi có liên quan đến khía cạnh phân định vùng Vịnh Bắc Việt bắt nguồn từ Hiệp Ước Thiên Tân được Pháp và nhà Thanh ký năm 1885. Để thi hành Hiệp ước này, hai bên đã ký một văn kiên gọi là công ước 1887 trong đó họ ấn định ranh giới trong vùng vịnh. Trong vùng này, họ vẽ một bàn đồ chia Vịnh làm 2. Trên bản đồ, họ vẽ một đường thẳng Bắc Nam bắt đầu từ Móng Cái, chạy qua đảo Trà Cổ xuống cửa vịnh: bên phía Đông, tại một điểm ở đảo Hải Nam là Hoàng Liễu và còn bên phía Tây là đảo Cồn Cỏ của Việt Nam. Đường ấy được đặt tên là Đường Màu Đỏ,được Công ước gọi là đường phân chỉa ranh giới trong Vịnh.
Hiệp ước Thiên Tân do Patrenôtre của Pháp ký với Lý Hồng Chương của nhà Thanh tháng 6 năm 1885 là luật quốc tế đấy. Hiệp ước đó đã được thi hành hơn 100 năm rồi. Và đường Màu Đỏ là Ranh Giới Phân Chìa Vịnh. Nay TC đòi xét lại sự phân chia vùng vịnh này với âm mưu chiếm thêm lãnh hải của Việt Nam. TC ngang ngược tuyên bố đường màu đỏ chỉ là đường “quản lý hành chánh” để chỉ định các đảo trong khu vực này, đòi hủy bỏ đường đó để lập ra đường ranh giới chính thức. VC đã nhượng bộ và vẽ lại đường ranh và đường đó nay chạy qua 21 điểm nằm giữa vịnh để phân chia vịnh làm 2 như đươc qui định trong hiệp ước 2000. Hậu quả, là hiến dâng phần lãnh hải cho TC rộng 11,152 cs vuông.
Con cháu nhà Hán được 11,152 cs vuông, rồi chúng lại còn đòi VC cho chúng được đánh cá chung trong 2 vùng trong Vịnh. Không thấy Phụng ca tụng hiệp ước đánh cá chung này. Thí dụ như nhờ TC ‘đánh cá giúp’ để vét hết cá bằng hạm đội đánh cá với tàu đánh cá lớn và lưới dài 60 hải lý (chừng 100 cây số) và chúng cào bới vịnh như vậy trong vòng 15 năm, nguồn cá sẽ bị cạn kiệt hay tận diệt và nhiều loại cá sẽ biến mất. Còn ngư dân Thanh Hóa chỉ có thuyền bằng gỗ. Họ không có tàu sắt với hàng trăm mã lực và không được trang bị nhiều dụng cụ tối tân để thi đua vét cá với công ti đánh cá quốc doanh của TC. Vậy họ hợp tác với ngư dân TC như thế nào để chia cá với TC? Hay là kết quả như đã xảy ra vào 8 tháng 1 năm 2005, ngư dân Thanh Hóa đánh cá trong vùng lãnh hải “mới” của VN bị tàu hải quân TC bắn chết.
Tóm lại, Đảng Cộng sản VN trả lời với quốc dân Việt Nam thế nào trước những lời phát biểu như trên của Lê công Phụng.
Nguyễn Văn Canh
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 08:05, 12/04/2012 - mã số 55992
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng nói về Nam Quan, Bản Giốc và Trường Sa có gì lạ ?
Trần Bình Nam
Jan. 4, 2008
(Theo Web Đấu Tranh Dân Chủ)
Ngày 31/12/2007 ông Vũ Dũng, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia đến biên giới tỉnh Lào Cai để chủ tọa một buổi lễ đánh dấu hoàn thành việc cắm mốc biên giới Việt Hoa trong vùng tỉnh Lào Cai giáp ranh với tỉnh Vân Nam của Trung quốc, đồng thời đánh dấu việc hoàn thành 85% việc cắm 1.833 mốc trên biên giới dài hơn 1.300 km giữa hai nước. Nhân dịp này ông thứ trưởng Vũ Dũng đã trả lời hai cuộc phỏng vấn, một của nhật báo Nhân Dân (1), cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Việt Nam và một của báo Pháp Luật ở thành phố Sàigòn. Báo Nhân Dân ở Hà Nội cũng như báo Pháp Luật ở Saigon đều là báo đảng.
Qua việc giải thích các vấn nạn liên quan đến ải Nam quan và thác Bản Giốc ông thứ trưởng Vũ Dũng cũng trả lời một câu hỏi về quần đảo Trường Sa. Đây là lần đầu tiên một giới chức cấp thứ trưởng công khai nói về việc chính phủ Trung quốc ký quyết định thành lập thành phố Tam Sa bao gồm trọn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cuối tháng 11 năm 2007.
Sáu năm trước đây (ngày 28/1/2002) ông Lê Công Phụng, lúc đó là thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người phụ trách thương thuyết về biên giới Việt Trung, trong một cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn VASC Orient cũng đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên Thu Uyên về vấn đề mất/được bao nhiêu đất và đặc biệt về thác Bản Giốc và ải Nam Quan qua Hiệp ước phân ranh biên giới với Trung quốc tháng 12/1999 (2). Nội dung các câu trả lời của ông Lê Công Phụng có thể dùng để so sánh với nội dung của ông Vũ Dũng để biết sự thật nằm ở đâu. Cả hai ông Lê Công Phụng và Vũ Dũng đều là thứ trưởng Bộ Ngoại giao và là những người phụ trách lãnh đạo các cuộc thương thuyết và cắm mốc với Trung quốc.
Trả lời một câu hỏi của báo Nhân Dân rằng “Một số mạng nước ngoài đưa tin thất thiệt rằng, Việt Nam bị mất đất. Ông có bình luận gì về ý kiến này?”, ông Vũ Dũng trả lời:
“Chủ quyền lãnh thổ là vấn đề hết sức thiêng liêng đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào. Ðối với dân tộc Việt Nam thì chủ quyền lãnh thổ lại càng thiêng liêng cao cả. Dân tộc ta từ nghìn xưa đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Gần tám thập kỷ qua, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ kính yêu, đã đi qua những cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, chịu đựng những hy sinh, mất mát to lớn để giữ vững chủ quyền lãnh thổ của mảnh đất thân yêu này.
Trong đàm phán với Trung Quốc và các nước láng giềng khác cũng như trong quá trình phân giới cắm mốc (PGCM) trên thực địa, chúng ta đều đã thể hiện hết sức rõ ràng lập trường bất di bất dịch, đó là: chủ quyền lãnh thổ là vấn đề mang tính nguyên tắc, không thể nhân nhượng. Vì vậy, không thể có chuyện “Việt Nam mất đất”, “cắt đất” cho nước này, nước kia như một số mạng nước ngoài đưa tin.
Chỉ có thể giải thích rằng những mạng này hoặc do thiếu thông tin hoặc cố tình làm sai lệch thông tin vì những ý đồ khác nhau.”
Qua câu trả lời trên ông Vũ Dũng quả quyết Việt Nam không mất đất, và Việt Nam không cắt đất
.
Trong cuộc phỏng vấn tháng 1/2002 khi trả lời một câu hỏi của phóng viên Thu Uyên rằng ông nghĩ thế nào về các nguồn tin hải ngoại nói trong việc phân định biên giới đi đến Hiệp định ký ngày 30/12/1999 Việt Nam mất 700 km2 ông Lê Công Phụng trả lời:
“Đàm phán lại lần này thì căn cứ để phân định đường biên giới là dựa chủ yếu vào các công ước đã được ký cách đây 100 năm. Và khi chúng ta và Trung Quốc đưa ra bản đồ chủ trương của mình (có nghĩa là theo chúng ta đường biên giới chỗ nào là đúng, theo Trung Quốc đường biên giới chỗ nào là đúng), hai bên chênh nhau 227 km2 tại 164 điểm. Và 227 km2 đó nằm trên quãng 400 cây số. Còn 900 cây số chiều dài còn lại thì hai bên nhất trí với nhau theo phân định của bản đồ Pháp – Thanh.
Trong 227 km2 đó, chúng ta đàm phán với Trung Quốc từ năm 1993, đi đến ký kết ngày 30/12/1999. Chúng ta được khoảng trên dưới 113 km2 và Trung Quốc được trên dưới 114 km2 Như vậy có thể nói, qua cuộc đàm phán thương lượng đi đến ký kết Hiệp định trên bộ, chúng ta và Trung Quốc đã đạt kết quả được công bằng và thỏa đáng. Nói chuyện chúng ta mất 700 km2, theo tôi nghĩ, hoàn toàn không thực tế.”
Như vậy ông Lê Công Phụng xác nhận trên toàn thể Việt Nam mất 1 km2.
Ông Vũ Dũng nói không mất gì cả, trong khi ông Lê Công Phụng nói mất 1km2. Vậy sự thật ở đâu? (đây là nói về sự thật do những người có trách nhiệm trong cùng một chính quyền nói ra, chứ chưa nói về sự thật lịch sử).
Về câu hỏi của báo Nhân Dân rằng “Có nhiều dư luận khác nhau về việc phân định khu vực thác Bản Giốc và khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?”
Ông Vũ Dũng đã trả lời về ải Nam Quan như sau:
“Tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, theo các văn bản pháp lý lịch sử, đường biên giới luôn nằm phía nam Ải Nam Quan. Trấn Nam Quan do Trung Quốc xây dựng vẫn thuộc Trung Quốc, chứ không phải đường biên giới đi qua Ải Nam Quan như một số người vẫn hiểu.”
Hình: Dịch vụ quảng cáo du lịch Thác Bản Giốc trên website của TQ
Sư khẳng định của ông thứ trưởng Vũ Dũng rất mơ hồ vì ông không nói rõ ranh giới hai nước nằm ở phía nam ải Nam Quan là bao nhiêu? Một trăm thước, 200 thước hay 300 thước?
Trả lời cùng một câu hỏi của VASC Orient về ranh giới tại ải Nam Quan rằng: “Còn về mục Nam Quan. Đi bộ từ Hữu nghị quan tới cột mốc số 0 đến vài trăm thước. Thực tế sự sai lệch này là như thế nào?” ông thứ trưởng Lê Công Phụng nói rõ hơn:
“Nếu chúng ta bắt đầu tính biên giới từ chân tường hoặc chia đôi cửa mục Nam Quan thì cũng không được. Còn cột mốc số không – nhân dân Lạng Sơn báo cáo với Trung ương, Chính phủ và các nhà đàm phán rằng cột mốc có từ khi những người già còn chưa ra đời. Chúng ta tôn trọng cơ sở pháp lý đã có, tôn trọng thực tiễn, nhất là vì lâu nay quản lý đã như vậy. Cho nên hiện nay chúng ta công nhận mục Nam Quan là của Trung Quốc cách cột mốc số 0 trên 200m. Tính cột mốc số 0 trở về phía Nam là lãnh thổ của Việt Nam. Từ cột mốc số 0 trở về phía Bắc là của Trung Quốc.”
Vậy chính thức là cách ít nhất 200 thước.
Theo giáo sư Trần Huy Bích, bút hiệu Từ Mai, phụ trách thư viện đại học UCLA (University California, Los Angeles) một đại học lớn của Hoa Kỳ lưu trữ nhiều tài liệu lịch sử, người giữa năm 2002 đã biên soạn một tài liệu về ải Nam Quan qua chiều dài của lịch sử Việt Nam nhan đề: “Một số sử liệu liên quan tới biên giới Việt Hoa” (3) thì ông giải thích vấn đề ranh giới như thế nào?
Giáo sư Trần Huy Bích giải thích rằng theo bản đồ biên giới Việt Trung trong Đại Thanh nhất thống chí của nhà Thanh ấn hành năm 1764 thì biên giới Hoa Việt chạy sát ngay ranh phía nam của ải Nam Quan.
Hình: Du khách TQ trên hồ Thác Bản Giốc do phía dịch vụ TQ khai thác.
Hai sự kiện lịch sử của Việt Nam cũng chứng minh ranh giới này. Thứ nhất Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn chép rằng sát “phía nam ải Nam Quan có Ngưỡng đức đài của nước ta” và năm 1784 quan đốc trấn tỉnh Lạng sơn Nguyễn Trọng Đang đã cho thợ trùng tu Ngưỡng đức đài. Thứ hai là ghi chú trong thơ văn của cụ Nguyễn Du. Năm Quý Dậu 1813 khi vâng lệnh vua Gia long cầm đầu một sứ bộ sang Trung Hoa thi hào Nguyễn Du đã ghi lại trong tập “Bắc Hành Tạp Lục” của cụ mấy câu thơ về ải Nam Quan như sau:
Lý Trần cựu sự yểu nan tầm
Tam bách niên lai trực đáo câm
Lưỡng quốc bình phân cô lũy diện
Nhất quan hùng trấn vạn sơn tâm…
(dịch nôm)
Việc cũ đời Lý, Trần xa xôi, mờ mịt khó tìm
Suốt ba trăm năm thẳng tới hiện nay
Hai nước chia đều nhau từ mặt chiếc lũy lẻ loi
Một cửa quan oai hùng trấn giữa muôn quả núi…
Cho mãi đến năm 1885 – sau hiệp ước Patenôtre (6/6/1884) Việt Nam mất quyền tự chủ vào tay người Pháp – Thanh triều ký hiệp ước Thiên Tân công nhận chủ quyền của người Pháp tại Việt Nam và hai bên Pháp Hoa đồng ý gởi phái đoàn đến biên giới Lạng Sơn để thảo luận về ranh giới. Lúc này Pháp đang mua chuột Thanh triều vì quyền lợi của Pháp tại lục địa Trung quốc nên Pháp đã dễ dãi chấp nhận đòi hỏi của Trung quốc kéo đường ranh giới Việt Trung xuống phía nam cách xa ải Nam Quan chừng 100 met. Và sự việc này đã được hai bên Pháp Hoa chính thức ký kết qua Thỏa ước Bắc Kinh ký ngày 26/9/1887. Từ đó cho đến năm 1895 là thời gian thương thảo cắm mốc biên giới, nhà Thanh đã khai thác yếu tố quyền lợi của Pháp tại lục địa Trung quốc để lấn đất nhiều nơi suốt dọc chiều dài biên giới Việt Trung.
Nói riêng về ranh giới tại ải Nam Quan thì nếu chấp nhận đường ranh Pháp Hoa ký ký năm 1887 thì ranh giới Việt Trung nằm ở phía nam của ải Nam Quan 100 thước. Trong khi ông nguyên thứ trưởng Lê Công Phụng nói 200 thước (còn ông đương kim thứ trưởng Vũ Dũng thì chỉ nói ở phía Nam hàm ý tối thiểu là 200 thước. Nghĩa là tại đó Việt Nam mất một dung đất ít nhất là 100 thước (không biết chiều dài bao nhiêu).
Vậy sao ông thứ trưởng Vũ Dũng bảo là không mất đất!
Liên quan đến thác Bản Giốc ông thứ trưởng Vũ Dũng nói:
“Thác Bản Giốc gồm hai phần: phần thác cao hoàn toàn thuộc Việt Nam, không có tranh chấp; phần thác thấp gắn liền với sông Quế Sơn. Theo Công ước Pháp – Thanh, đường biên giới đi giữa sông Quế Sơn đến thác và mốc 53 nằm phía trên thác đánh dấu sự chuyển hướng đường biên giới từ sông lên bờ. Hiện nay ta và Trung Quốc chưa PGCM đoạn biên giới khu vực này nhưng có thể khẳng định phần thác cao hoàn toàn thuộc Việt Nam, phần thác thấp sẽ được phân giới theo luật pháp và tập quán quốc tế về trung tuyến dòng chảy hoặc trung tuyến tàu thuyền đi lại được, hoàn toàn không có chuyện Việt Nam mất thác Bản Giốc như một số người nói. Hàng triệu lượt khách du lịch đến thác Bản Giốc đều biết rất rõ điều này.”
Như vậy tại thác Bản Giốc không có vấn đề gì cả vì mọi sự đều rất rõ ràng theo Công ước Pháp-Thanh. Nhưng trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật ông Vũ Dũng nói rằng khu thác Bản Giốc là một trong những điểm C là điểm “hai bên có nhận thức khác nhau. Chẳng hạn địa hình thay đổi không như bản đồ thời Pháp-Thanh hoặc mô tả trước đây không rõ. Nhưng những khu vực này đi vào cụ thể dần dần được giải quyết. Thác Bản Giốc, cửa sông Bắc Luân đều là khu vực C như vậy.”
Ông thứ trưởng Vũ Dũng đã mâu thuẫn với chính ông. Nhưng so với câu trả lời của ông thứ trưởng Lê Công Phụng năm 2002 khi phóng viên Thu Uyên của VASC Orient hỏi về vấn đề thác Bản Giốc sự mâu thuẫn lại càng nổi bật hơn. Ông Lê Công Phụng nói:
“Về thác Bản Giốc, thì đây là điều rất phức tạp. Chúng tôi cũng rất lạ là trong sách sử của chúng ta và Trung Quốc từ năm 1960 đến nay, không ai nói thác Bản Giốc có phần là của Trung Quốc. Ngay Trung Quốc cũng không nói đấy là của Trung Quốc. Còn đối với chúng ta, thác này đã đi vào sử sách, nhất là sách giáo khoa của học sinh, thành di tích, điểm du lịch được nhiều người ưa chuộng.”
Vậy sự thật ở đâu? Có phải Việt Nam đã mất một nửa thác Bản Giốc do ma thuật của Trung quốc và thái độ thiếu trách nhiệm của người thương thuyết Việt Nam không?
Thế nhưng ông thứ trưởng Vũ Dũng vẫn quả quyết là không mất đất!
Trả lời câu hỏi của báo Nhân Dân: “Vừa qua dư luận đã thể hiện thái độ bức xúc trước việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam” ông thứ trưởng Vũ Dũng bình luận:
“Chính phủ ta đã tỏ thái độ rất rõ ràng về việc thành lập thành phố Tam Sa. Ðây là việc làmkhông phù hợp với thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, không phù hợp với tinh thần và lời văn của tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Ðông.
Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có những biện pháp kịp thời đối với việc làm sai trái này. Chúng ta sẽ tiếp tục giao thiệp trực tiếp, chính thức với phía Trung Quốc về vấn đề này, cố gắng giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hữu nghị trên tinh thần hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, có lý, có tình.
Chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”
Nội dung trả lời của ông thứ trưởng Vũ Dũng không khác gì những lời tuyên bố nhắc đi nhắc lại trước đây của ông Lê Dũng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao và không làm cho lãnh thổ được an toàn hơn.
Trung quốc có môt lịch sử dài nên người Trung Hoa biết rõ những bài học lịch sử hơn bất cứ một dân tộc nào trên thế giới. Và riêng đối với Việt Nam Trung quốc không sợ chính quyền mà họ sợ tinh thần chống xâm lăng của nhân dân Việt Nam. Chừng nào chính quyền Việt Nam chưa huy động được sự quyết tâm của toàn dân thì chừng đó Trung quốc không có gì phải lo ngại trong kế hoạch lấn đất giành biển của Việt Nam.
Đứng trước sự đe dọa mới của Trung quốc từ tháng 12/2007, cho đến giờ này chính quyền do đảng cộng sản Việt Nam nắm trọn chưa vận dụng sự yểm trợ của quốc tế và nhất là chưa làm một điều để huy động sức mạnh của toàn dân, trái lại họ đã triển khai lực lượng công an để răn đe ngăn cản nhân dân bày tỏ lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ bờ cỏi.
Không biết với tình hình này khi Trung quốc dùng chính sách sức mạnh (như họ đã dùng năm 1974 tại Hoàng Sa và năm 1988 tại Trường Sa sát hại tổng cọng hơn 100 thủy thủ của hải quân Việt Nam) để đánh huyện Trường Sa thì Hà Nội lấy gì để bảo tồn lãnh thổ và bảo vệ sinh mạng của 700 binh sĩ và thủy thủ đang trấn giữ Trường Sa?
Nước bọt và chính sách ngoại giao 16 chữ vàng “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” do Trung quốc mớm vào miệng sẽ không giữ được nước như lời căn dặn của ông Hồ Chí Minh “Các vua Hùng dựng nước, bác cháu ta giữ nước”?
Trái lại với cung cách lãnh đạo hiện nay của đảng cộng sản Việt Nam thì thực tế chỉ có thể là: “Các vua Hùng dựng nước, bác cháu ta bán nước”
Trần Bình Nam
Jan. 4, 2008
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 07:31, 12/04/2012 - mã số 55991
Thác Bản Giốc của ta hay của Ta và Tàu ?
Friday, January 2, 2009
(Theo Web Đấu Tranh Dân Chủ)
Tags: Ải Nam Quan, Bãi Tục Lãm, Chiến tranh Biên giới Việt-Trung, Thác Bản Giốc, xâm lăng, đồng chí TQ
Hình: Tài liệu xưa của nói Thác Bản Giốc là hoàn toàn của VN, bây nhà nước CSVN nói chỉ có một phần thác là của ta.
Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Vũ Dũng nói không có việc “Việt Nam mất đất” sau khi thông báo hoàn tất phân giới cắm mốc với Trung Quốc. Trong lúc nhiều nhà nghiên cứu VN trong và ngòai nước, trong đó có ông Trương Nhân Tuấn ở Đức thì phản bác lại.
Ông Dũng đã có bài phỏng vấn được đăng tải trên một số tờ báo trong nước, trong đó ông đưa ra một số chi tiết cụ thể. Ông Dũng cho rằng vòng đàm phán vửa rồi giữa TQ và VN là “thành tựu” vì theo ông này : “hai bên đã thống nhất biện pháp giải quyết cả gói đối với hai khu vực thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân (bãi Tục Lãm)”.
Ông thứ trưởng của CSVN giải thích: “Tại thác Bản Giốc, thác cao là thác phụ hoàn toàn thuộc Việt Nam, với thác chính hai bên thoả thuận đường biên giới đi từ mốc 53 cũ, qua cồn Pò Thoong, đến điểm giữa cuả mặt thác chính, sau đó tiếp tục đi theo dòng chảy chính của sông Quây Sơn”.
“Tại cửa sông Bắc Luân, đường biên giới bắt đầu từ thượng lưu bãi Tục Lãm đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ.”
Ông ta cũng khẳng định rằng, không hề có chuyện nhân nhượng và Việt Nam cắt đất “cho nước này, nước kia”
.
Tuy nhiên đại biểu cho một số các nhà nghiên cứu sử địa ở trong và ngòai Việt Nam, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn, tác giả cuốn “Biên giới Việt-Trung 1885-2000: Lịch sử hình thành và những tranh chấp” nói giải thích của ông Vũ Dũng là “chưa thuyết phục”.
Ông Tuấn nói theo các tài liệu mà ông tham khảo bấy lâu nay, kể cả tài liệu chính thức của Pháp và Nhà Thanh, “thác Bản Giốc đều hoàn toàn thuộc về Việt Nam”.
“Có tài liệu còn nói thác Bản Giốc nằm bên trong, cách biên giới tới hai cây số.”
“Tôi rất ngạc nhiên về kết quả liên quan tới ngọn thác này.”
Về một khu vực khác được dư luận quan tâm là Hữu nghị quan, còn gọi là Ải Nam Quan, thứ trưởng Vũ Dũng cho biết: “Theo các tài liệu lịch sử đang được lưu giữ, Trấn Nam Quan hay còn gọi là Ải Nam Quan đều nằm bên phía Trung Quốc”.
“Dấu tích lịch sử quan trọng của khu vực cửa khẩu Hữu nghị là mốc 19 cũ do Pháp Thanh cắm năm 1894.”
Theo ông, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành cắm mốc 1117 trùng với vị trí mốc 19 cũ, “phù hợp với lịch sử và thực tiễn quản lý”.
Đọc thêm :
Lối giải thích của nhà cầm quyền CSVN về ranh giới Thác Bản Giốc
Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc vừa thông báo đã hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền trong năm 2008 như hạn định.
Giới quan sát nhiều người tỏ ra ngạc nhiên vì theo họ, hai bên còn một số khác biệt cần giải quyết. Việc chưa ký kết Nghị định thư phân giới cắm mốc cũng được cho rằng là do vẫn còn nhiều việc phải làm.
Hôm 2/1/2009, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao từ Ban Biên giới Chính phủ CSVN hé lộ với BBC :
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao: Không bao giờ có thể ký ngay Nghị định thư vì sau đây hai bên còn phải đối chiếu biên bản. Hơn 2.000 cột mốc cũng là hơn 2.000 biên bản, phải đưa lên trên một bản đồ chung rồi mới có thể đi đến ký Nghị định thư.
Đây là công việc hoàn toàn thuần túy kỹ thuật, nhưng chắc cũng phải mất khoảng một năm nữa.
BBC: Hôm 22/12, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng nói rằng vẫn còn một số điểm chưa cắm mốc. Điều đó có thể hiểu là công việc còn đang tiếp tục hay không, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao: Cho tới hôm nay, các mốc đều đã cắm xong. Nói thế có nghĩa là các mốc đã được đặt tại đúng vị trí xác định. Tuy nhiên nhưng còn phải dọn dẹp cảnh quan, trang trí…vv trước khi khánh thành.
Nhưng tôi nghĩ mấy hôm nữa là sẽ xong hết vì các đơn vị đều đã được lệnh ra đúng vị trí để triển khai.
BBC: Gần đây dư luận trên mạng có nói nhiều tới một địa danh là bãi Tục Lãm (Quảng Ninh). Xin ông cho biết hiện quyết định về bãi này ra sao?
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao: Bãi Tục Lãm là nơi hai bên tranh chấp đã lâu, nên thống nhất là giải quyết cả gói, tức gồm cả thác Bản Giốc và bãi Tục Lãm (cửa sông Bắc Luân).
Theo đó, phía trên thác Bản Giốc có một cồn đất nhỏ và ranh giới sẽ cắt ngang qua cồn. Việt Nam có 1/4 và Trung Quốc có 3/4 cồn đất đó.
Phía dưới, ở bãi Tục Lãm với diện tích 52 hectares thì Việt Nam có 3/4 và Trung Quốc là 1/4.
BBC: Thưa ông trong quá trình thương lượng có những khó khăn gì đáng nhắc tới?
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao: Thực ra tôi cũng mới chỉ tham gia đàm phán giai đoạn sau này. Nhưng khó khăn thì có rất nhiều.
Địa hình núi cao, hiểm trở, không có dân, có đường để vận chuyển vật liệu… Rồi khó khăn về bom mìn, vật nổ còn lại từ thời chiến tranh. Trong tám năm phân giới cắm mốc, đã có ba người hy sinh, 35 người bị thương vì bom mìn.
Tại nhiều nơi, dân cư hai bên sống xen kẽ hàng trăm năm nay, sau khi cắm mốc người TQ có thể ở phía VN và ngược lại. Vậy cho nên cần điều chỉnh lại, tất nhiên trên cơ sở cân bằng về diện tích và lợi ích của hai bên.
BBC: Sau khi Nghị định thư được ký kết, bản đồ biên giới chi tiết có được công bố cho toàn dân hay không, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao: Chắc chắn là sẽ công bố. Hiện nay, bản đồ mới đang là từng đoạn, chỉ giới chuyên môn mới có thể hiểu được.
Tuy nhiên sau này khi đã vào Nghị định thư thì nó sẽ rất rõ ràng, có cả mô tả các điểm trên bản đồ cho dễ hiểu. Xong Nghị định thư, chúng tôi sẽ nộp lưu chiểu cả bản đồ cho Liên Hiệp Quốc.
Hình: Theo lối giải thích của nhà nước CSVN thì Thác Bản Giốc sẽ chia đôi ? Nhường Thác lớn cho “đồng chí TQ” !
-----------
Sad VN
Từ xưa đến nay ai cũng biết Thác Bản Giốc thuộc VN, nay TQ chiếm 3/4, VN 1/4 là sao? Ngoài ra dân VN học lịch sử từ xưa đã biết Ải Nam Quan cũng thuộc VN và nay ông Vũ Dũng cũng lại nói Ải này hoàn toàn nằm sâu trong lãnh thổ TQ? Như vậy lịch sử địa lý VN trước đây là sai bét? Việc mất đất qua cuộc chiến tranh biên giới do TQ gây ra năm 1979, những điều người dân VN lo lắng bấy lâu nay, phải chăng là sự thật qua tuyên bố của ông Vũ Dũng? Chuyện cắm mốc đã xong đồng nghĩa với việc hợp thức hóa phần đất đã mất!? Thân phận nước nhược tiểu luôn là thế, biết làm gì hơn?
Ẩn danh
Phân chia biên giới là việc rất tốt, nếu cả bên TQ cũng không gây khó khăn thì sau đó mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn, 2 bên không còn tranh chấp nữa. Nhưng không hiểu còn Trường Sa với Hoàng Sa thì sao ?
PTP, TX
Ông Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng có nói: “Việt Nam đã hy sinh hàng triệu người, cũng là để bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước. Không có lý do gì, không ai được phép và không ai có quyền nhân nhượng về đất đai….” và khẳng định: không thể có chuyện “Việt nam mất đất”, “cắt đất” cho nước này, nước kia (né tránh từ Trung Quốc) như một số mạng nước ngoài đưa tin.
Vậy thì Chính phủ VN hãy công khai trung thực trên các phương tiện truyền thông đại chúng bản đồ chi tiết trước và sau khi phân giới cắm mốc Việt-Trung để toàn dân được biết và so sánh Việt nam được gì, mất gì qua sự kiện lịch sử này. Nếu không công khai điều này thì không khéo lại mang tiếng:”Nói! một đàng mà làm một nẻo” đấy!
PPT, Việt Nam
Việc công bố bản đồ chi tiết là rất cần thiết. Người dân cần biết việc này trước khi Chính phủ và Quốc hội kí kết bất kì văn bản nào liên quan với TQ. Đừng nên để dân chúng vào sự đã rồi, nhất là những thông tin từ các chuyên gia và nhà nghiên cứu cho thấy có những nhân nhượng quá đáng, và nhiều cán bộ bao gồm sử gia nhiều năm hoạt động ở vùng biên giới cho rằng cột mốc lùi về phía VN quá xa.
Ngoài ra những tin đồn hai bữa nay râm ran ở các tỉnh thành rằng TQ cương quyết áp lực chính phủ VN để giải quyết có lợi cho họ và cũng để hợp thức hóa phần đất họ đã chiếm giữ từ chiến tranh Trung-Việt ngày 17/2/1979 sợ phản ứng tiếp theo của người dân VN ở trong cũng như ngoài nước.
Về việc 3 cán bộ PGCM hy sinh do bom mìn TQ cài trên biên giới, cần tổ chức nghi lễ cầu siêu nhà nước trước khi chính thức thực hiện phân chia. Chính họ cần được khắc ghi như những nhân chứng cho thế hệ mai sau biết rằng đừng xâm lấn nhau, hảy để vong linh kẻ chết trấn giữ biên cương cho người hậu thế.
(Nguồn: Theo Web Đấu Tranh Dân Chủ)
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 19:25, 11/04/2012 - mã số 55959
Xuất bản cuốn sách “Biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc”
Xem tin gốc
QĐND - 15 tháng trước 65 lượt xem
Xuat ban cuon sach “Bien gioi tren dat lien Viet Nam-Trung Quoc”
QĐND - Cục thông tin đối ngoại thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xuất bản cuốn sách “Biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xuất bản một cuốn sách đề cập một cách tương đối đầy đủ, toàn diện, chính xác về đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc qua các giai đoạn lịch sử và cả đường biên giới hiện nay mới được hai nước chính thức xác lập cụ thể, rõ ràng bằng văn bản, trên bản đồ và thực địa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Facebook Xuất bản cuốn sách “Biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc”Twitter 0 bình chọn Viết bình luận Lưu bài này
Cuốn sách cung cấp những thông tin cơ bản về quá trình đàm phán, hoạch định và phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, phân tích kết quả và ý nghĩa lịch sử của công tác này. Cụ thể, cuốn sách nêu rõ những cơ sở pháp lý quốc tế và quá trình đàm phán dẫn đến việc ký kết Hiệp ước Hoạch định biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc năm 1999. Trong đó, ba vấn đề được coi là “nhạy cảm” về khu vực Thác Bản Giốc, Hữu Nghị quan và Cửa sông Bắc Luân được trình bày một cách rõ ràng, chi tiết, có kèm theo sơ đồ.
Cuốn sách do Giáo sư Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) chủ biên, được biên soạn công phu bắt đầu từ tháng 11-2009 và hoàn thành tháng 12-2010. Đặc biệt, việc biên soạn cuốn sách được sự chỉ đạo trực tiếp của Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Cuốn sách được biên soạn dựa trên các tài liệu sưu tầm, khảo sát thực địa và lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đầu ngành nghiên cứu về vấn đề biên giới, nhằm bảo đảm các yêu cầu từ góc độ khoa học lịch sử và khoa học pháp lý. Qua đó cuốn sách phản ánh chính xác đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc nói riêng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ nói chung.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, khẳng định cuốn sách nhằm tuyên truyền không chỉ trong nước mà cả quốc tế về những thành tựu trong công tác phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và nước láng giềng Trung Quốc. Ông Thao cho biết, một số nước rất mong muốn học tập kinh nghiệm của Việt Nam. Theo ông Thao, có hai bài học kinh nghiệm quan trọng được rút ra đó là “quan tâm lợi ích của mình nhưng cũng không nên quên lợi ích của nước khác”. Có như vậy mới tìm ra những phương án giải quyết hợp lý, hợp tình mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Bài học kinh nghiệm nữa đó là cần phải tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu, ủng hộ đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết hòa bình tất cả các tranh chấp lãnh thổ, qua đó tìm được sự đồng thuận.
Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại cho biết, trong dư luận có những thông tin không chính xác, thậm chí bôi nhọ vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì vậy việc xuất bản cuốn sách mang giá trị lịch sử, khoa học và thực tiễn về vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng. Ông cho biết, cuốn sách là kết quả của đường biên giới hữu nghị giữa hai nước, không đề cập những vấn đề còn gây tranh cãi mà chỉ nói về kết quả phân giới cắm mốc trên thực địa, đã đàm phán, được hai nước nhất trí và luật pháp quốc tế công nhận. Ông Nguyễn Hồng Thao tin tưởng cuốn sách sẽ đóng góp cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cuốn sách nêu rõ nhiệm vụ củng cố, gìn giữ và xây dựng đường biên giới Việt-Trung thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa hai nước.
Ông Lê Văn Nghiêm cho biết, bản dịch tiếng Anh của cuốn sách “Biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc” dự kiến sẽ xuất bản vào giữa năm nay. Cuốn sách sẽ được đưa ra nước ngoài, gửi tới các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam, Hội Việt kiều ở các nước cũng như các thư viện ở nước ngoài. Bản mềm cuốn sách cũng sẽ được đưa lên trang web của Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tin, ảnh: MỸ HẠNH
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 18:04, 10/04/2012 - mã số 55923
HIệP ước BIÊN GIớI TRÊN ĐấT LIềN GIữA NƯớC CộNG HòA Xã HộI CHủ NGHĩA VIệT NAM Và NƯớC CộNG HòA NHÂN DÂN TRUNG HOA( tiếp theo và hết)
Từ giới điểm số 25, đường biên giới rời sông bắt vào sống núi nhỏ, hướng Đông Nam đến điểm có độ cao 908, rồi theo sống núi, hướng chung Đông Nam, qua điểm có độ cao 1196, chỏm núi không tên ở phía Bắc - Tây Bắc điểm có độ cao 1377 trong lãnh thổ Việt Nam, các điểm có độ cao 1254, 1297, 1274, 1262, 994, 1149, chỏm núi không tên ở phía Đông điểm có độ cao 1302 trong lãnh thổ Việt Nam, các điểm có độ cao 1013, 1165, 829 đến giới điểm số 26. Giới điểm này ở điểm có độ cao 1028, cách điểm có độ cao 1272 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,50 km về phía Đông - Đông Bắc, cách điểm có độ cao 1117 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,65 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 893 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,35 km về phía Tây - Tây Bắc.
Từ giới điểm số 26, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, hướng Đông Nam đến điểm có độ cao 662, rồi theo đường thẳng hướng Đông khoảng 500m đến một chỏm núi không tên, sau đó theo sống núi, hướng chung là hướng Bắc chuyển Đông - Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 934, 951 đến điểm có độ cao 834, tiếp đó theo khe hướng Đông - Đông Bắc, cắt suối Na Thin, rồi theo sống núi qua điểm có độ cao 824 đến điểm có độ cao 1049, sau đó theo sống núi và khe, hướng Đông Nam, cắt một sống núi nhỏ, rồi xuôi theo khe hướng Đông đến giới điểm số 27. Giới điểm này ở giữa suối Nà Rì, cách điểm có độ cao 772 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,05 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 1334 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,65 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 848 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,10 km về phía Đông Nam.
Từ giới điểm số 27, đường biên giới rời suối, ngược khe lên sống núi, hướng Đông - Đông Bắc đến điểm có độ cao 706, sau đó theo sống núi, hướng Bắc chuyển Đông - Đông Nam, qua các điểm có độ cao 807, 591, 513, 381 đến điểm có độ cao 371, sau đó theo sống núi, hướng Đông đến giữa suối Pai Ngăm (Ping Mèng), rồi ngược suối này về hướng Bắc khoảng 200 m, rời suối theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, qua các điểm có độ cao 591, 722, 818, 706, 890 đến giới điểm số 28. Giới điểm này ở điểm có độ cao 917, cách điểm có độ cao 668 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,55 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 943 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,75 km về phía Nam - Đông Nam, cách điểm có độ cao 955 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,90 km về phía Đông - Đông Bắc.
Từ giới điểm số 28, đường biên giới theo sống núi, hướng chung là hướng Đông, qua các điểm có độ cao 790, 803, 601, 524, 934, chỏm núi không tên ở phía Nam điểm có độ cao 1025 trong lãnh thổ Trung Quốc, các điểm có độ cao 871, 964, chỏm núi không tên phía Nam điểm có độ cao 855 trong lãnh thổ Trung Quốc, các điểm có độ cao 978, 949 đến điểm có độ cao 829, sau đó theo sườn núi, hướng Đông đến giới điểm số 29. Giới điểm này ở điểm có độ cao 890, cách điểm có độ cao 1007 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,50 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 1060 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,05 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1047 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,45 km về phía Tây Nam.
Từ giới điểm số 29, đường biên giới theo sườn núi phía Nam điểm có độ cao 1073 trong lãnh thổ Trung Quốc, hướng Đông đến điểm có độ cao 1077, rồi theo sống núi, hướng chung là hướng Đông chuyển Đông Nam, qua các điểm có độ cao 1104, 1115, 1073, 942, 832, 1068, 1066, 1066, 1030, 1028, 982, 1021, 826, 911 đến giới điểm số 30. Giới điểm này ở một con đường nhỏ, cách điểm có độ cao 770 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,40 km về phía Tây, cách điểm có độ cao 764 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,75 km về phía Bắc - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 888 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,80 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 30, đường biên giới theo sống núi, hướng chung Đông Bắc, cắt qua một suối không tên đến điểm có độ cao 715, rồi theo mé Nam và mé Đông một con đường của Trung Quốc, hướng Đông chuyển Bắc - Đông Bắc, cắt qua một con đường từ Việt Nam sang Trung Quốc, rồi theo dốc núi mé Tây Nam điểm có độ cao 903 trong lãnh thổ Trung Quốc bắt vào sống núi, hướng Đông Nam đến giới điểm số 31. Giới điểm này ở điểm có độ cao 670, cách điểm có độ cao 770 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,90 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 823 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,60 km về phía Bắc - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 976 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,80 km về phía Tây Nam.
Từ giới điểm số 31, đường biên giới đi theo sống núi, hướng chung Đông Nam qua điểm có độ cao 955 đến điểm có độ cao 710, sau đó theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, qua điểm có độ cao 940 đến điểm có độ cao 780, rồi theo sống núi, hướng Đông Bắc, qua điểm có độ cao 780 đến điểm có độ cao 625, sau đó tiếp tục theo sống núi, hướng Đông đến giới điểm số 32. Giới điểm này ở giữa sông Bắc Vọng (Ba Bang), cách điểm có độ cao 792 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,35 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 808 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,85 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 822 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,05 km về phía Nam - Tây Nam.
Từ giới điểm số 32, đường biên giới rời sông bắt vào sống núi, hướng chung là hướng Đông chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 890, 667, 906, 691, 854, 884, 701, 884, 783, 619, 856, 591, 907, 651, 580, 785, 925, 950 đến giới điểm số 33. Giới điểm này ở giữa sông Quây Sơn (Nan Tan), cách điểm có độ cao 922 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,65 km về phía Bắc - Đông Bắc, cách điểm có độ cao 685 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,10 km về phía Tây Nam, cách điểm có độ cao 965 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,30 km về phía Đông - Đông Nam.
Từ giới điểm số 33, đường biên giới rời sông bắt vào sống núi, hướng Đông Bắc, qua điểm có độ cao 612 đến điểm có độ cao 624, sau đó tiếp tục theo sống núi, hướng chung Đông Nam, qua các điểm có độ cao 521, 725, 845, 825, 755, 726, 516, 735, 902, 764, 573, 693, 627 đến giới điểm số 34. Giới điểm này ở điểm có độ cao 505, cách điểm có độ cao 791 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,60 km về phía Bắc - Đông Bắc, cách điểm có độ cao 632 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,80 km về phía Đông - Đông Bắc, cách điểm có độ cao 655 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,65 km về phía Nam - Tây Nam.
Từ giới điểm số 34, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước qua điểm có độ cao 878 đến điểm có độ cao 850, sau đó theo sống núi hướng chung là Đông Nam chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 837, 758, 712, 492, 695, 449 đến điểm có độ cao 624, rồi tiếp tục theo sống núi, hướng chung Đông - Đông Nam chuyển Tây Nam, qua các điểm có độ cao 731, 737, 805, 866, 752, 605, 815 đến giới điểm số 35. Giới điểm này ở cách điểm có độ cao 709 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,90 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 782 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,10 km về phía Nam, cách điểm có độ cao 794 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,45 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 35, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến giữa sông Quây Sơn, sau đó xuôi sông này, hướng chung Đông Nam đến giới điểm số 36. Giới điểm này ở giữa sông Quây Sơn, cách điểm có độ cao 660 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,20 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 589 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,05 km về phía Tây, cách điểm có độ cao 613 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,50 km về phía Tây Nam.
Từ giới điểm số 36, đường biên giới rời sông theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước qua các điểm có độ cao 597, 653, 560, 367, 629, 717, 685, 746 đến giới điểm số 37. Giới điểm này ở điểm có độ cao 620, cách điểm có độ cao 665 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,80 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 640 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,50 km về phía Tây - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 592 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,90 km về phía Tây Nam.
Từ giới điểm số 37, đường biên giới theo sống núi, hướng Đông Nam chuyển Tây - Tây Nam, qua điểm có độ cao 336 đến một chỏm núi không tên, sau đó theo sống núi, hướng Đông Nam đến một yên ngựa, rồi theo khe, hướng Tây Nam đến đầu một con suối không tên, sau đó xuôi theo suối đó, hướng Tây Nam, rồi rời suối, theo hướng Tây Nam qua điểm có độ cao 348 đến một yên ngựa, tiếp đó theo hướng Tây qua một lũng nhỏ đến giới điểm số 88. Giới điểm này cách điểm có độ cao 723 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,95 km về phía Đông - Đông Nam, cách điểm có độ cao 685 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,35 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 630 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,00 km về phía Tây. Từ giới điểm số 38, đường biên giới theo sống núi, hướng chung Đông Nam chuyển Tây Nam, qua các điểm có độ cao 635, 656, cắt suối Luộc, qua điểm có độ cao 627 đến chỏm núi không tên ở phía Tây Bắc điểm có độ cao 723 trong lãnh thổ Trung Quốc, sau đó hướng Nam - Đông Nam, qua điểm có độ cao 412 bắt vào sống núi, hướng chung là hướng Nam, qua các điểm có độ cao 727, 745, 664, 487, 615, 473, 586 đến giới điểm số 39. Giới điểm này ở giữa đường mòn, cách điểm có độ cao 682 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,20 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 660 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,10 km về phía Tây Nam, cách điểm có độ cao 612 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,30 km về phía Tây - Tây Bắc.
Từ giới điểm số 39, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước qua điểm có độ cao 303 đến điểm có độ cao 558, sau đó theo sống núi, hướng chung là Tây Nam, qua các điểm có độ cao 591, 521 đến giữa một con suối không tên, rồi xuôi theo suối này, hướng Tây Nam đến hợp lưu của nó với một con suối khác, tiếp đó rời suối bắt vào sống núi, hướng chung Tây Bắc chuyển Tây Nam, qua các điểm có độ cao 602, 657, 698, 565 đến giới điểm số 40. Giới điểm này ở giữa sông Bắc Vọng (Ba Wang), cách điểm có độ cao 689 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,05 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 529 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,06 km về phía Đông - Đông Nam, cách điểm có độ cao 512 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,95 km về phía Tây Bắc.
Từ giới điểm số 40, đường biên giới xuôi sông Bắc Vọng (Ba Wang), hướng chung là hướng Nam đến hợp lưu của nó với sông Bằng Giang, sau đó ngược sông Bằng Giang, hướng chung Tây Bắc đến giới điểm số 41. Giới điểm này ở giữa sông Bằng Giang, cách điểm có độ cao 345 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,45 km về phía Đông - Đông Nam, cách điểm có độ cao 202 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,05 km về phía Nam - Tây Nam, cách điểm có độ cao 469 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,35 km về phía Bắc - Đông Bắc.
Từ giới điểm số 41, đường biên giới rời sông, hướng Tây đến điểm có độ cao 153, sau đó theo sống núi, hướng Tây Nam chuyển Nam, qua các điểm có độ cao 332, 463, 404, 544, 303 đến điểm có độ cao 501, rồi tiếp tục theo sống núi, hướng Đông chuyển Nam, qua các điểm có độ cao 255, 259, đến điểm có độ cao 472, sau đó tiếp tục theo sống núi, hướng Đông Nam chuyển Tây Nam, qua các điểm có độ cao 600, 552, 550, 530, 323, 514 đến một chỏm núi không tên ở phía Đông Nam điểm có độ cao 597 trong lãnh thổ Việt Nam, lại theo sống núi hướng Tây Nam, cắt khe, rồi theo sườn núi mé Đông Nam điểm có độ cao 658 trong lãnh thổ Việt Nam, hướng chung là hướng Tây đến điểm có độ cao 628, từ đây đường biên giới theo sống núi hướng Nam, qua các điểm có độ cao 613, 559 đến một điểm ở sống núi, sau đó theo đường thẳng, hướng Đông Nam đến giới điểm số 42. Giới điểm này ở điểm có độ cao 417, cách điểm có độ cao 586 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,70 km về phía Bắc - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 494 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,10 km về phía Bắc - Đông Bắc, cách điểm có độ cao 556 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,85 km về phía Nam - Tây Nam.
Từ giới điểm số 42, đường biên giới theo hướng Đông Bắc đến một chỏm núi không tên, sau đó theo đường thẳng hướng Đông đến một chỏm núi không tên khác, từ đó đường biên giới theo sống núi, hướng chung là hướng Đông, qua các điểm có độ cao 567, 506, 517, 534, 563 đến điểm có độ cao 542, rồi theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến điểm có độ cao 570, sau đó lại theo sống núi, hướng Đông Nam chuyển Nam, qua điểm có độ cao 704 đến giới điểm số 43. Giới điểm này ở giữa một con suối không tên, cách điểm có độ cao 565 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,80 km về phía Đông - Đông Nam, cách điểm có độ cao 583 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,10 km về phía Nam, cách điểm có độ cao 561 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,87 km về phía Tây - Tây Nam.
Từ giới điểm số 43, đường biên giới xuôi theo suối không tên về hướng Đông Nam khoảng 500 mét, sau đó rời suối này theo hướng Đông, cắt qua một sống núi nhỏ đến khe, chuyển hướng Nam - Đông Nam xuống giữa con suối nói trên, tiếp đó xuôi theo suối này, hướng Nam, đến hợp lưu của suối này với một nhánh suối khác, sau đó theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước qua các điểm có độ cao 632, 637 đến giới điểm số 44.
Giới điểm này ở giữa đường phòng hỏa, cách điểm có độ cao 666 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,50 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 943 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,56 km về phía Tây Nam, cách điểm có độ cao 710 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,30 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 44, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước (trong đó đoạn nào theo đường phòng hỏa thì theo trung tuyến của đường phòng hỏa) qua các điểm có độ cao 637, 383 đến điểm có độ cao 324, sau đó theo sống núi nhỏ, hướng Nam - Tây Nam đến giữa nhánh phía Tây suôn Khuổi Lạn, sau đó xuôi theo suối này, hướng Nam đến giới điểm số 45. Giới điểm này ở giữa suối Khuổi Lạn, cách điểm có độ cao 293 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,90 km về phía Đông - Đông Bắc, cách điểm có độ cao 323 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,42 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 322 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,60 km về phía Tây - Tây Nam.
Từ giới điểm số 45, đường biên giới rời suối bắt vào sống núi nhỏ, hướng Đông - Đông Nam đến điểm có độ cao 245, sau đó theo đường thẳng, hướng Nam, đến giữa sông Kỳ Cùng (Bình Nhi), tiếp đó ngược sông Kỳ Cùng (Bình Nhi), hướng chung Tây Nam đến giới điểm số 46. Giới điểm này ở giữa sông Kỳ Cùng bình Nhi), cách điểm có độ cao 185 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,55 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 293 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,22 km về phía Nam - Tây Nam, cách điểm có độ cao 270 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,45 km về phía Tây - Tây Bắc.
Từ giới điểm số 46, đường biên giới rời sông, hướng Nam, bắt vào sống núi đến điểm có độ cao 269, sau đó theo sống núi, hướng Tây Nam chuyển Đông Nam, tiếp đó theo hướng Nam, qua các điểm có độ cao 303, 304, 321, 284 đến giới điểm số 47. Giới điểm này ở ngã ba suối, cách điểm có độ cao 329 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,85 km về phía Nam - Đông Nam, cách điểm có độ cao 313 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,65 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 251 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,20 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 47, đường biên giới rời suôn bắt vào sống núi nhỏ, hướng Đông Nam, qua mé Tây Nam điểm có độ cao 255 trong lãnh thổ Trung Quốc, bắt vào sống núi, rồi theo sống núi, hướng chung là hướng Nam qua các điểm có độ cao 281, 357 đến điểm có độ cao 344, sau khi cắt một suối không tên, ngược dốc bắt vào sống núi, rồi theo sống núi qua điểm có độ cao 428 đến điểm có độ cao 409, sau đó theo đường thẳng, hướng Nam đến điểm có độ cao 613, rồi theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến giới điểm số 48. Giới điểm này ở điểm có độ cao 718, cách điểm có độ cao 658 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,44 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 832 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,50 km về phía Tây Nam, cách điểm có độ cao 836 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,65 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 48, đường biên giới theo sống núi, hướng Đông Nam đến điểm có độ cao 852, sau đó theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến điểm có độ cao 695, rồi lại theo sống núi, hướng Tây Nam chuyển Nam, qua các điểm có độ cao 702, 411, cắt một con đường, qua điểm có độ cao 581 đến giới điểm số 49. Giới điểm này ở điểm có độ cao 549, cách điểm có độ cao 436 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,10 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 511 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,45 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 557 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,40 km về phía Tây Nam.
Từ giới điểm số 49, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, hướng chung là Nam - Đông Nam rồi chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 359, 364, 406 đến giới điểm số 50. Giới điểm này ở điểm có độ cao 610, cách điểm có độ cao 618 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,30 km về phía Tây - Tây Nam, cách điểm có độ cao 395 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,90 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 730 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,80 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 50, đường biên giới theo sống núi, hướng Bắc - Đông Bắc đến một chỏm núi không tên ở phía Tây điểm có độ cao 634 trong lãnh thổ Việt Nam, sau đó theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước qua điểm có độ cao 758 đến điểm có độ cao 742, rồi theo sống núi, hướng chung Đông - Đông Nam qua các điểm có độ cao 540, 497, 381 đến giới điểm số 51. Giới điểm này ở giữa suối Khuổi Đẩy, cách điểm có độ cao 388 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,60 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 411 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,60 km về phía Tây Nam, cách điểm có độ cao 386 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,75 km về phía Nam - Đông Nam.
Từ giới điểm số 51, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước qua các điểm có độ cao 451, 427 đến điểm có độ cao 475, sau đó theo sống núi, hướng chung là hướng Đông, qua các điểm có độ cao 499, 506, 511, 475, 477, 483, 486 đến điểm có độ cao 438, rồi theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến giới điểm số 52. Giới điểm này ở điểm có độ cao 392, cách điểm có độ cao 389 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,10 km về phía Bắc - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 356 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,65 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 408 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,70 km về phía Nam - Tây Nam.
Từ giới điểm số 52, đường biên giới theo sống núi, hướng chung là hướng Đông chuyển Đông Nam rồi Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 396, 402, 351, 361, 494, 476, 387, 432, 444, 389, 488, 480, 347 đến giới điểm số 53. Giới điểm này ở điểm có độ cao 248, cách điểm có độ cao 813 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,00 km về phía Bắc - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 331 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,75 km về phía Nam - Tây Nam, cách điểm có độ cao 328 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,05 km về phía Đông - Đông Nam.
Từ giới điểm số 53, đường biên giới theo sống núi, hướng chung Đông Nam chuyển Tây Nam, qua các điểm có độ cao 401, 398, 409, 498, 509, 425, 456, 404, 475, 502, 721, 704, 939, 1282 đến điểm có độ cao 1358, sau đó tiếp tục theo sống núi, hướng Nam chuyển Đông Nam, qua các điểm có độ cao 851, 542 đến giới điểm số 54. Giới điểm này cách điểm có độ cao 632 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,70 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 473 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,40 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 545 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,50 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 54, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, hướng chung Đông - Đông Nam, qua các điểm có độ cao 370, 344, 366, 337 đến điểm có độ cao 435, sau đó theo sống núi, hướng chung Đông Nam, qua các điểm có độ cao 401, 440, 351, 438, 470, 612, 640, 651, 534, 525 đến giới điểm số 55. Giới điểm này ở điểm có độ cao 523, cách điểm có độ cao 551 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,80 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 480 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,95 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 528 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,14 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 55, đường biên giới theo sống núi, hướng Đông - Đông Nam, qua các điểm có độ cao 506, 577, 670 đến điểm có độ cao 788, từ đó theo đường phân thủy giữa các nhánh sông trong lãnh thổ Việt Nam và các nhánh sông trong lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Đông Bắc chuyển Đông Nam, qua các điểm có độ cao 870, 825, 894, 855, 736, 706, 1029 đến giới điểm số 56. Giới điểm này ở điểm có độ cao 705, cách điểm có độ cao 863 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,80 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 861 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,00 km về phía Bắc - Đông Bắc, cách điểm có độ cao 913 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,20 km về phía Tây - Tây Nam.
Từ giới điểm số 56, đường biên giới theo đường phân thủy giữa các nhánh sông trong lãnh thổ Việt Nam và các nhánh sông trong lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 652, 975, 875, 835, 1150, 1082 đến giới điểm số 57. Giới điểm này ở điểm có độ cao 882, cách điểm có độ cao 638 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,55 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 1265 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,95 km về phía Nam - Tây Nam, cách điểm có độ cao 1025 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,20 km về phía Tây - Tây Nam.
Từ giới điểm số 57, đường biên giới theo sống núi, hướng Tây Nam đến điểm tiếp nối với một khe, rồi theo khe, hướng Nam - Đông Nam, đến giữa suối Tài Vằn, sau đó xuôi suối này và hạ lưu của nó là suối Nà Sa đến giới điểm số 58. Giới điểm này ở hợp lưu suối Nà Sa với một nhánh sông nằm ở phía Đông, cách điểm có độ cao 423 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,95 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 447 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,75 km về phía Nam, cách điểm có độ cao 320 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,45 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 58, đường biên giới ngược nhánh sông phía Đông nói trên đến ngã ba sông Đồng Mô, rồi ngược sông Đồng Mô, Bỉ Lao, Cao Lạn đến giới điểm số 59. Giới điểm này ở hợp lưu hai con suối Cao Lạn và Phai Lầu, cách điểm có độ cao 1052 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,10 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 600 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,57 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 602 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,00 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 59, đường biên giới ngược suối Cao Lạn hướng Đông Nam, sau đó rời suối đi theo đường thẳng hướng Đông - Đông Nam đến một chỏm núi không tên phía Bắc điểm có độ cao 960 trong lãnh thổ Việt Nam, rồi theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến giới điểm số 60. Giới điểm này ở điểm có độ cao 1100, cách điểm có độ cao 1156 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,10 km về phía Bắc - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 683 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,65 km về phía Tây Nam, cách điểm có độ cao 1094 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,95 km về phía Nam - Tây Nam.
Từ giới điểm số 60, đường biên giới theo sống núi nhỏ hướng Đông Bắc, xuống khe, rồi theo khe hướng chung là hướng Đông Bắc chuyển Đông - Đông Nam, đến một nhánh thượng lưu sông Ka Long, sau đó xuôi theo sông này, hướng Đông - Đông Bắc, đến giới điểm số 61. Giới điểm này ở hợp lưu sông Ka Long với một sông khác (Bắc Luân), cách điểm có độ cao 561 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,20 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 117 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,95 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 224 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,60 km về phía Nam - Tây Nam.
Từ giới điểm số 61, đường biên giới xuôi theo trung tuyến luồng chính tầu thuyền đi lại của sông Ka Long, Bắc Luân, đến điểm cuối của nó, bắt vào giới điểm số 62. Giới điểm này là điểm tiếp nối đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Các cồn, bãi nằm hai bên đường đỏ của các đoạn biên giới theo sông suối trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đã được quy thuộc theo đường đỏ.
Đường biên giới trên đất liền giữa hai nước mô tả ở điều này được vẽ bằng đường đỏ trên bản đồ tỷ lệ 1/50.000 do hai bên cùng xác định, độ dài và diện tích dùng trong mô tả đường biên giới được đo từ bản đồ này. Bộ bản đồ nói trên đính kèm Hiệp ước này là bộ phận cấu thành không thể tách rời của Hiệp ước.
Điều III. Hai Bên ký kết đồng ý vị trí chính xác điểm gặp nhau của đường biên giới giữa ba nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào sẽ do ba nước thỏa thuận xác định.
Điều IV. Mặt thẳng đứng đi theo đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc nói tại Điều II của Hiệp ước này phân định vùng trời và lòng đất giữa hai nước.
Điều V. Hai Bên ký kết đồng ý, trừ khi đã được Hiệp ước này quy định rõ ràng, đường biên giới Việt - Trung nói tại Điều II, đối với những đoạn lấy sông suối làm biên giới thì ở những đoạn sông suối tầu thuyền không đi lại được, đường biên giới đi theo trung tuyến của dòng chảy hoặc của dòng chảy chính; ở những đoạn sông suối tầu thuyền đi lại được, đường biên giới đi theo trung tuyến của luồng chính tầu thuyền đi lại. Vị trí chính xác trung tuyến của dòng chảy, của dòng chảy chính hoặc của trung tuyến luồng chính tầu thuyền đi lại và sự quy thuộc của các cồn, bãi trên sông suối biên giới sẽ được hai Bên ký kết xác định cụ thể khi phân giới, cắm mốc.
Tiêu chuẩn chính để xác định dòng chảy chính là lưu lượng dòng chảy ở mực nước trung bình. Tiêu chuẩn chính để xác định luồng chính tầu thuyền đi lại là độ sâu của luồng tầu thuyền đi lại, kết hợp với chiều rộng và bán kính độ cong của luồng tầu thuyền đi lại để xem xét tổng hợp. Trung tuyến của luồng chính tầu thuyền đi lại là trung tuyến mặt nước giữa hai đường đẳng sâu tương ứng đánh dấu luồng chính tầu thuyền đi lại.
Bất kỳ sự thay đổi nào có thể xảy ra đối với sông suối biên giới đều không làm thay đổi hướng đi của đường biên giới, không ảnh hưởng đến vị trí của đường biên giới Việt - Trung đã được xác định trên thực địa cũng như sự quy thuộc của các cồn, bãi, trừ khi hai Bên ký kết có thỏa thuận khác. Những cồn, bãi mới xuất hiện trên sông suối biên giới sau khi đường biên giới đã được xác định trên thực địa sẽ được phân định theo đường biên giới đã được xác định trên thực địa. Nếu các cồn, bãi mới xuất hiện nằm trên đường biên giới đã được xác định trên thực địa thì hai Bên ký kết sẽ bàn bạc xác định sự quy thuộc trên cơ sở công bằng, hợp lý.
Điều VI.
1. Hai Bên ký kết quyết định thành lập ủy ban Liên hợp phân giới và cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc dưới đây gọi là ủy ban Liên hợp phân giới, cắm mốc) và giao cho ủy ban này nhiệm vụ xác định trên thực địa đường biên giới Việt - Trung như đã nêu trong Điều II của Hiệp ước này và tiến hành công việc phân giới, cắm mốc, cụ thể là xác định vị trí chính xác của đường sống núi, đường phân thủy, trung tuyến của dòng chảy hoặc dòng chảy chính, trung tuyến luồng chính tầu thuyền đi lại và các đoạn đường biên giới khác, xác định rõ sự quy thuộc của các cồn, bãi trên sông suối biên giới, cùng nhau cắm mốc giới, soạn thảo Nghị định thư về biên giới trên đất liền giữa hai nước, gồm cả hồ sơ chi tiết về vị trí các mốc giới, vẽ bản đồ chi tiết đính kèm Nghị định thư thể hiện hướng đi của đường biên giới và vị trí các mốc giới trên toàn tuyến, cũng như giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến việc hoàn thành các nhiệm vụ kể trên.
2. Ngay sau khi có hiệu lực, Nghị định thư về biên giới trên đất liền giữa hai nước nói tại khoản 1 Điều này trở thành một bộ phận của Hiệp ước này và bản đồ chi tiết đính kèm Nghị định thư này thay thế bản đồ đính kèm Hiệp ước này.
3. ủy ban Liên hợp phân giới, cắm mốc bắt đầu công việc ngay sau khi Hiệp ước này có hiệu lực và chấm dứt hoạt động sau khi Nghị định thư và bản đồ chi tiết đính kèm về đường biên giới trên đất liền giữa hai nước được ký kết.
Điều VII. Sau khi Nghị định thư về biên giới trên đất liền giữa hai nước và bản đồ chi tiết đính kèm có hiệu lực, hai Bên ký kết sẽ ký kết Hiệp ước hoặc Hiệp định về quy chế quản lý biên giới giữa hai nước để thay thế Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 07 tháng 11 năm 1991.
Điều VIII. Hiệp ước này được hai Bên ký kết phê chuẩn và có hiệu lực kể từ ngày trao đổi các văn kiện phê chuẩn. Các văn kiện phê chuẩn sớm được trao đổi tại Bắc Kinh.
Hiệp ước này được ký tại Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 1999 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.
Đại diện toàn quyền
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam
Đại diện toàn quyền
nước Cộng hòa nhân dân
Trung Hoa
(Source: Han Nam Quan http://www.hannamquan.com/)
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 17:58, 10/04/2012 - mã số 55922
Toàn bộ hiệp ước biên giới Việt Trung
Ngày: 30/08/ 2002
Sau đây là toàn bộ văn bản hiệp ước được đang trên báo Nhân Dân
Quốc Hội
NGHị QUYếT 36/2000/QH10 ngày 09/6/2000 về việc phê chuẩn Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
Quốc Hội Nước CộNG HòA Xã HộI chủ NGHĩA VIệT NAM
Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Theo đề nghị của Chủ tịch nước;
Sau khi xem xét báo cáo của Chính phủ, báo cáo của ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa,
QUYếT NGHị:
1. Phê chuẩn Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định quyết tâm cùng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa xây dựng đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc thành đường biên giới hòa bình, ổn định và bền vững mãi mãi, góp phần giữ gìn và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình.
3. Giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền triển khai sớm các việc làm cần thiết để ký kết Nghị định thư phân giới, cắm mốc và xác định bản đồ chi tiết; bố trí ngân sách thực hiện Hiệp ước; sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành liên quan tới quản lý đường biên giới; địa giới hành chính, sớm ổn định đời sống của nhân dân ở khu vực biên giới; cùng các cơ quan có thẩm quyền liên quan của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp ước và xử lý đúng đắn, kịp thời những vấn đề phát sinh.
Chính phủ tiến hành thủ tục đối ngoại về phê chuẩn Hiệp ước và thông báo, hướng dẫn các cơ quan hữu quan thi hành Hiệp ước này.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 09 tháng 6 năm 2000.
Chủ tịch Quốc hội
NÔNG ĐứC MạNH
HIệP ước BIÊN GIớI TRÊN ĐấT LIềN GIữA NƯớC CộNG HòA Xã HộI CHủ NGHĩA VIệT NAM Và NƯớC CộNG HòA NHÂN DÂN TRUNG HOA
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (dưới đây gọi là "hai Bên ký kết );
Nhằm giữ gìn và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc;
Với lòng mong muốn xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định và bền vững mãi mãi giữa hai nước;
Trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình;
Trên tinh thần thông cảm, nhân nhượng lẫn nhau và hiệp thương hữu nghị;
Đã quyết định ký kết Hiệp ước này và thỏa thuận các điều khoản sau:
Điều I. Hai Bên ký kết lấy các Công ước lịch sử về biên giới hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc làm cơ sở, căn cứ vào các nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận cũng như các thỏa thuận đạt được trong quá trình đàm phán về vấn đề biên giới Việt - Trung, đã giải quyết một cách công bằng, hợp lý vấn đề biên giới và xác định lại đường biên giới trên đất liền giữa hai nước.
Điều II. Hai Bên ký kết đồng ý hướng đi của đường biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được xác định từ Tây sang Đông như sau:
Giới điểm số 1 ở điểm có độ cao 1875 của núi Khoan La San (Thập Tầng Đại Sơn), điểm này cách điểm có độ cao 1439 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,30 km về phía Tây - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1691 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,70 km về phía Tây - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1208 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,00 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 1, đường biên giới theo đường phân thủy giữa các nhánh thượng lưu sông Nậm Mo Phí và sông Nậm Sa Ho đổ vào lãnh thổ Việt Nam và các nhánh thượng lưu sông Chỉnh Khang đổ vào lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Bắc - Đông Bắc chuyển Đông, qua các điểm có độ cao 1089, 1275, 1486 đến điểm có độ cao 1615, sau đó tiếp tục theo đường phân thủy kể trên, hướng chung là hướng Bắc chuyển Đông Bắc, qua điểm có độ cao 1221 đến điểm có độ cao 1264, tiếp đó theo sống núi, hướng Đông Nam đến điểm có độ cao 1248, rồi theo sống núi nhỏ, hướng Đông Bắc đến giới điểm số 2. Giới điểm này ở giữa sông Nậm Nạp (Tháp Nọa), cách điểm có độ cao 1369 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,70 km về phía Tây Nam, cách điểm có độ cao 1367 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,87 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1256 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,80 km về phía Đông - Đông Nam.
Từ giới điểm số 2, đường biên giới xuôi theo sông Nậm Nạp (Tháp Nọa), hướng Bắc chuyển Đông Bắc đến hợp lưu sông này với sông Tả Ló Phi Ma (Nam Mã), sau đó tiếp tục xuôi theo sông, hướng Bắc đến hợp lưu của nó với sông Đà (Lý Tiên), rồi xuôi sông Đà (Lý Tiên), hướng Đông đến hợp lưu sông này với sông Nậm Là (Tiểu Hắc), tiếp đó ngược sông Nậm Là (Tiểu Hắc) đến giới điểm số 3. Giới điểm này ở hợp lưu sông Nậm Là (Tiểu Hắc) với suối Nậm Na Pi, cách điểm có độ cao 978 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,87 km về phía Tây - Tây Nam, cách điểm có độ cao 620 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,50 km về phía Bắc - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1387 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 4,40 km về phía Đông - Đông Bắc.
Từ giới điểm số 3, đường biên giới rời sông bắt vào sống núi, hướng Tây Bắc đến điểm có độ cao 1933, sau đó theo đường phân thủy giữa các nhánh thượng lưu các suối Là Pơ, Là Si, á Hu, Nậm Sau, Nậm Khô Ma, Nậm Hà Xi, Nậm Hà Nê, Nậm Xí Lùng, Nậm Hạ, Nậm Nghe, Nậm Dền Tháng, Nậm Pảng đổ vào lãnh thổ Việt Nam và các nhánh thượng lưu các sông Zhe Dong, Ha Luo Luo Ba, Da Tou Luo Ba, Mo Wu Luo Ba, Na Bang, Ge Jie, Da Luo, Nan Bu, Giao Beng Bang, Giao Cai Ping, Nan Nan, Jin Thui đổ vào lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Đông Bắc chuyển Đông Nam rồi chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1690, 1975, 1902, 2121, 2254, 2316, 1831, 3074, 2635, 2199, 2133, 2002, 1800 đến điểm có độ cao 1519, sau đó theo sống núi, hướng chung là hướng Đông đến chỏm núi không tên, rồi theo sống núi nhỏ, hướng Đông đến giới điểm số 4. Giới điểm này ở giữa suối Nậm Lé (Cách Giới), cách điểm có độ cao 1451 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,05 km về phía Bắc - Đông Bắc, cách điểm có độ cao 845 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,90 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 1318 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,62 km về phía Tây Nam.
Từ giới điểm số 4, đường biên giới xuôi theo suôn Nậm Lé (Cách Giới), hướng chung Đông Bắc chuyển Tây Bắc đến hợp lưu suối này với sông Nậm Na, sau đó xuôi sông Nậm Na, hướng Đông Nam chuyển Đông đến hợp lưu sông này với sông Nậm Cúm (Đằng Điều), rồi ngược sông Nậm Cúm (Đằng Điều), hướng chung Đông Bắc đến đầu nguồn suối Phin Ho (Đằng Điều), rồi theo một khe nhỏ, hướng chung Đông - Đông Bắc đến giới điểm số 5. Giới điểm này ở điểm gặp nhau giữa khe kể trên với sống núi, cách điểm có độ cao 2283 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,62 km về phía Đông - Đông Bắc, cách điểm có độ cao 2392 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,45 km về phía Nam - Đông Nam, cách điểm có độ cao 2361 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,50 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 5, đường biên giới theo sống núi, hướng Nam đến điểm có độ cao 2413, sau đó theo đường phân thủy giữa các suối Tả Pao Hồ, Thèn Thẻo Hồ, Oanh Hồ, Nậm Nùng, Nậm Lon trong lãnh thổ Việt Nam và các sông San Cha, Tai Zang Zhai, Man Jiang, Wu Tai, Shi Dong, Ping, Zhong Liang và Cha trong lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Đông Nam, qua các điểm có độ cao 2468, 3013, 2539, 2790 đến giới điểm số 6. Giới điểm này ở điểm có độ cao 2836, cách điểm có độ cao 2381 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,40 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 2531 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,00 km về phía Đông - Đông Bắc, cách điểm có độ cao 2510 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 3,05 km về phía Nam - Tây Nam.
Từ giới điểm số 6, đường biên giới theo sống núi, hướng Tây Nam đến một điểm gần yên ngựa phía Đông Bắc điểm có độ cao 2546 trong lãnh thổ Việt Nam, sau đó theo khe, hướng Đông Nam đến đầu nguồn suối Lũng Pô (Hồng Nham), rồi xuôi theo suối Lũng Pô (Hồng Nham) và hạ lưu của nó, hướng chung Đông Bắc đến hợp lưu suôn này với sông Hồng, từ đó đường biên giới xuôi sông Hồng, hướng Đông Nam đến hợp lưu sông Hồng với sông Nậm Thi (Nam Khê), tiếp đó ngược sông Nậm Thi (Nam Khê), hướng chung Đông Bắc đến hợp lưu sông Nậm Thi (Nam Khê) với sông Bá Kết (Bá Cát), rồi ngược sông Bá Kết (Bát Tự), hướng chung là hướng Bắc đến hợp lưu sông này với một nhánh suối không tên, sau đó ngược nhánh suối không tên đó, hướng Bắc đến giới điểm số 7. Giới điểm này ở giữa nhánh suối không tên nói trên, cách điểm có độ cao 614 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,00 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 595 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,20 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 463 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,65 km về phía Đông.
Từ giới điểm số 7, đường biên giới rời suối, hướng Đông Bắc, đến điểm có độ cao 143, sau đó hướng Đông Bắc, cắt qua một khe rồi bắt vào sống núi, hướng Bắc, qua các điểm có độ cao 604, 710, 573, 620, 833, 939, 1201 đến điểm có độ cao 918, rồi theo đường phân thủy giữa các nhánh sông trong lãnh thổ Việt Nam và các nhánh sông trong lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1158, 1077, 997, 1407, 1399, 1370, 1344, 1281, 1371, 1423, 1599, 1528, 1552, 1372, 1523, 1303 đến điểm có độ cao 984, sau đó theo sống núi nhỏ, hướng chung là hướng Nam đến giới điểm số 8. Giới điểm này ở hợp lưu sông Xanh (Qua Sách) với một nhánh phía Tây của nó, cách điểm có độ cao 1521 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,85 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 1346 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 3,82 km về phía Nam - Tây Nam, cách điểm có độ cao 1596 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,27 km về phía Tây - Tây Bắc.
Từ giới điểm số 8, đường biên giới xuôi sông Xanh (Qua Sách), hướng chung là hướng Nam đến hợp lưu sông này với sông Chảy, rồi ngược sông Chảy, hướng chung Đông Nam, đến giới điểm số 9. Giới điểm này ở hợp lưu sông Chảy với sông Xiao Bai, cách điểm có độ cao 1424 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,95 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 1031 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,00 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 1076 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,40 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 9, đường biên giới rời sông, bắt vào sống núi, rồi theo sống núi, hướng chung Đông Nam, qua điểm có độ cao 741 đến điểm có độ cao 1326, sau đó theo đường phân thủy giữa các nhánh của sông Chảy đổ vào lãnh thổ Việt Nam và các nhánh của sông Xiao Bai đổ vào lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1681, 1541, 1716, 2002, 1964, đỉnh núi không tên (Đại Nham Động) đến điểm có độ cao 1804, từ đó, theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến điểm có độ cao 1623, sau đó theo đường phân thủy giữa suối Nàn Xỉn trong lãnh thổ Việt Nam và sông Xiao Bai trong lãnh thổ Trung Quốc, hướng Đông Bắc, qua điểm có độ cao 1638 đến điểm có độ cao 1661, rồi theo khe, hướng Đông Bắc xuống giữa suối Hồ Pả, tiếp đó xuôi suối này đến hợp lưu suối này với một nhánh khác của nó, rồi rời suối bắt vào sống núi, rồi theo sống núi hướng Tây - Tây Bắc, qua điểm có độ cao 1259 đến giới điểm số 10. Giới điểm này ở một sống núi, cách điểm có độ cao 1461 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,25 km về phía Bắc - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1692 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,90 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 1393 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,10 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 10, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến điểm có độ cao 948, sau đó theo sống núi, hướng Đông Bắc chuyển Đông, qua điểm có độ cao 1060 đến giới điểm số 11. Giới điểm này ở hợp lưu suối Đỏ (Nam Bắc) với một nhánh suối phía Tây Nam của nó (Qua Giai), cách điểm có độ cao 841 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,70 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 982 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,50 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 906 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,15 km về phía Nam - Tây Nam.
Từ giới điểm số 11, đường biên giới xuôi suối Đỏ (Nam Bắc) đến hợp lưu suối này với suối Nậm Cư (Nam Giang) , sau đó ngược suối Nậm Cư (Nam Giang) đến giới điểm số 12. Giới điểm này ở hợp lưu suối Nậm Cư (Nam Giang) với một nhánh phía Tây Bắc của nó, cách điểm có độ cao 1151 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,80 km về phía Bắc - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 986 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,40 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 858 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,80 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 12, đường biên giới rời suối, bắt vào sống núi, rồi theo sống núi, hướng chung Đông Nam, qua điểm có độ cao 1071 đến điểm có độ cao 1732, sau đó theo đường phân thủy giữa các nhánh sông trong lãnh thổ Việt Nam và các nhánh sông trong lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung là hướng Đông chuyển Bắc rồi Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1729, 2071, 1655, 1705, 1423 đến giới điểm số 13. Giới điểm này ở một chỏm núi không tên, cách điểm có độ cao 993 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,55 km về phía Tây - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1044 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,15 km về phía Bắc - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1060 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,70 km về phía Đông Nam.
Từ giới điểm số 13, đường biên giới tiếp tục theo đường phân thủy nói trên, hướng Đông đến điểm cách điểm có độ cao 1422 khoảng 70 m về phía Tây Nam, sau đó theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đi đến một điểm nằm trên đường phân thủy và cách điểm có độ cao 1422 khoảng 90 m về phía Bắc - Đông Bắc khu vực có diện tích 7700 m2 giữa đường đỏ nêu trên và đường phân thủy thuộc Trung Quốc), từ đây đường biên giới tiếp tục theo đường phân thủy nói trên, hướng chung là hướng Đông, qua các điểm có độ cao 1397, 1219, 657, 663 đến một chỏm núi không tên phía Đông Nam điểm có độ cao này, sau đó theo khe, hướng Bắc đến suối Nà La, rồi xuôi theo suối này hướng Đông Bắc đến giới điểm số 14. Giới điểm này ở hợp lưu suối Nà La với sông Lô (Pan Long), cách điểm có độ cao 922 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,20 km về phía Tây - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 183 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,50 km về phía Bắc - Đông Bắc, cách điểm có độ cao 187 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,65 km về phía Đông.
Từ giới điểm số 14, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước qua điểm có độ cao 428 đến yên ngựa giữa điểm có độ cao 1169 trong lãnh thổ Việt Nam và điểm có độ cao 1175 trong lãnh thổ Trung Quốc, sau đó theo sống núi, hướng chung là hướng Bắc chuyển Tây Bắc, qua các điểm có độ cao 1095, 1115, 1022, 1019, 1094, 1182, 1192, 1307, 1305, 1379 đến điểm có độ cao 1397, rồi tiếp tục theo sống núi, hướng chung là hướng Bắc, qua các điểm có độ cao 1497, 1806, 1825, 1952, 1967, 2122, 2038 đến giới điểm số 15. Giới điểm này ở một chỏm núi không tên, cách điểm có độ cao 1558 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,90 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 2209 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,55 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 2289 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,70 km về phía Nam - Tây Nam.
Từ giới điểm số 15, đường biên giới theo sống núi, hướng chung là hướng Đông, qua điểm có độ cao 2076, sau khi cắt qua một con suối đến một chỏm núi không tên, sau đó theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, qua các điểm có độ cao 1887, 1672 đến điểm có độ cao 1450, rồi theo sống núi, hướng chung là hướng Nam chuyển Đông rồi hướng Bắc chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1438, 1334, 716, 1077 đến giới điểm số 16. Giới điểm này ở điểm có độ cao 1592, cách điểm có độ cao 1079 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,40 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 1026 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 3,25 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 1521 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,05 km về phía Tây - Tây Bắc.
Từ giới điểm số 16, đường biên giới theo sống núi, hướng chung Đông Nam chuyển Bắc, qua các điểm có độ cao 1578, 1503, 1493, 1359, 1342, 1296 đến điểm có độ cao 606, rồi theo sống núi nhỏ, hướng Bắc - Tây Bắc chuyển Đông Bắc đến giới điểm số 17. Giới điểm này ở giữa sông Miện (Babu), cách điểm có độ cao 654 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,30 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1383 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 4,10 km về phía Bắc - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 882 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,70 km về phía Nam - Đông Nam.
Từ giới điểm số 17, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, hướng chung Đông - Đông Bắc, đến điểm có độ cao 799, sau đó theo sống núi, hướng chung Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 998, 1096, 1029, 1092, 1251 đến điểm có độ cao 1132, rồi theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến điểm có độ cao 1628, sau đó theo sống núi, hướng chung Đông Nam chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1647, 1596, 1687, 1799, 1761, 1796 đến giới điểm số 18. Giới điểm này ở điểm có độ cao 1568, cách điểm có độ cao 1677 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,90 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 1701 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,70 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 1666 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,55 km về phía Tây Nam.
Từ giới điểm số 18, đường biên giới theo sống núi, hướng chung Đông - Đông Nam chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1771, 1756, 1707, 1500, 1683, 1771, 1651, 1545, 1928, 1718 đến điểm có độ cao 1576, sau đó theo hướng Tây Bắc vượt qua hai khe, qua điểm có độ cao 1397, rồi bắt vào sống núi, sau đó tiếp tục theo sống núi, hướng Tây Bắc chuyển Đông Bắc, qua điểm có độ cao 1748 đến điểm có độ cao 1743, sau đó tiếp tục theo sống núi, hướng Đông chuyển Bắc - Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1806, 1650, 1468, 1516, 1344, 1408 đến một chỏm núi không tên phía Tây Bắc của điểm có độ cao này, rồi theo sống núi, hướng Đông Bắc đến giới điểm số 19. Giới điểm này ở giữa sông Nho Quế (Pu Mei), cách điểm có độ cao 1477 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,60 km về phía Tây - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1464 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,30 km về phía Đông - Đông Bắc, cách điểm có độ cao 1337 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,20 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 19, đường biên giới xuôi sông Nho Quế (Pu Mei), hướng chung Đông Bắc chuyển Đông Nam đến giới điểm số 20. Giới điểm này ở giữa sông Nho Quế (Pu Mei), cách điểm có độ cao 1062 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,80 km về phía Đông - Đông Bắc, cách điểm có độ cao 1080 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 5,20 km về phía Bắc - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1443 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,85 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 20, đường biên giới rời sông bắt vào sống núi nhỏ, hướng Đông Bắc đến điểm có độ cao 801, sau đó theo đường thẳng, hướng Đông Nam khoảng 2400 in đến điểm có độ cao 1048, theo hướng Đông Nam cắt khe bắt vào sống núi, rồi theo sống núi, hướng chung Đông Nam chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1122, 1170, 1175 đến điểm có độ cao 1641, sau đó theo sống núi, hướng Tây Bắc, cắt khe, rồi bắt vào sống núi hướng Bắc - Đông Bắc qua các điểm có độ cao 1651, 1538 đến giới điểm số 21. Giới điểm này ở điểm có độ cao 1697, cách điểm có độ cao 1642 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,85 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 1660 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,80 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 1650 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,40 km về phía Nam - Tây Nam.
Từ giới điểm số 21, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, hướng chung Đông Nam đến điểm có độ cao 1591, sau đó theo sống núi hướng Nam - Đông Nam qua các điểm có độ cao 1726, 1681, 1699 đến điểm có độ cao 1694, tiếp đó theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, hướng Đông Nam, qua các điểm có độ cao 1514, 1486 đến điểm có độ cao 1502, rồi theo sống núi, hướng Nam chuyển Đông Nam qua các điểm có độ cao 1420, 1373, 1365 đến một chỏm núi không tên phía Bắc - Tây Bắc điểm có độ cao 1383 trong lãnh thổ Việt Nam, từ đó đường biên giới theo đường thẳng hướng Đông - Đông Bắc đến một chỏm núi nhỏ, sau đó lại theo đường thẳng tiếp tục theo hướng này đến giới điểm số 22. Giới điểm này ở giữa con sông không tên (Yan Dong), cách điểm có độ cao 1255 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,45 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 1336 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,30 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 956 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,22 km về phía Tây - Tây Nam.
Từ giới điểm số 22, đường biên giới xuôi theo sông không tên nói trên (Yan Dong), hướng Đông Bắc, sau đó rời sông, qua điểm có độ cao 888, bắt vào sống núi, hướng chung Đông Nam chuyển Nam - Tây Nam, qua điểm có độ cao 1091, một chỏm núi không tên phía Đông điểm có độ cao 1280 trong lãnh thổ Việt Nam, các điểm có độ cao 1288, 1282, 1320, 1212, 1218, 1098, 1408 đến điểm có độ cao 1403, rồi theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, hướng chung là hướng Nam chuyển Đông Nam, qua các điểm có độ cao 1423, 1378 đến điểm có độ cao 451, sau đó theo sống núi, hướng Đông đến giới điểm số 23. Giới điểm này ở giữa suối Cốc Pàng, cách điểm có độ cao 962 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,10 km về phía Tây - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 680 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,55 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 723 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,60 km về phía Tây Nam.
Từ giới điểm số 23, đường biên giới rời suối theo khe hướng Đông, rồi theo con đường mé Nam sống núi hoặc trên sống núi, hướng chung là hướng Đông, qua các điểm có độ cao 914, 962, 901 đến điểm có độ cao 982, sau đó ngược sườn núi hướng Đông Bắc bắt vào sống núi, rồi theo sống núi, hướng chung là hướng Đông, qua các điểm có độ cao 819, 877 đến giới điểm số 24. Giới điểm này nằm ở một chỏm núi không tên, cách điểm có độ cao 783 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,53 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 1418 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,15 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 779 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,00 km về phía Đông Nam.
Từ giới điểm số 24, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, hướng Bắc - Tây Bắc chuyển Đông Nam, qua các điểm có độ cao 1212, 1506, 1489, 1461 đến điểm có độ cao 921, sau đó theo hướng Đông - Đông Nam cắt suối Khui Giồng, rồi bắt vào sống núi, sau đó theo sống núi hướng chung Đông Nam, qua các điểm có độ cao 1265, 1191, 1301 đến giới điểm số 25. Giới điểm này ở giữa sông Gậm (Bai Nan), cách điểm có độ cao 798 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,70 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 755 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,65 km về phía Tây - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 936 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,45 km về phía Nam.
(còn tiếp)
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 10:51, 10/04/2012 - mã số 55914
Thứ trưởng ngoại giao Lê Công Phụng viết:
Giải pháp đối với 164 khu vực C đã được hai bên mô tả trong Bản ghi nhận chung và sau đó đưa vào bản Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa hai nước năm 1999 (kèm theo Hiệp ước là bộ bản đồ tỷ lệ 1/50.000 gồm 34 mảnh)
Như ông Lê Công Phụng nói từ ngày 19/09/2002 (tức là cách đây gần 10 năm) thì kèm theo bản Hiệp ước biên giới 1999 là bộ bản đồ tỷ lệ 1/50.000 gồm 34 mảnh, một bộ phận cấu thành không thể tách rời của Hiệp ước.
Điều II trong bản Hiệp ước biên giới 1999 cũng ghi rõ như sau:
“Đường biên giới trên đất liền giữa hai nước mô tả ở điều này được vẽ bằng đường đỏtrên bản đồ tỷ lệ 1/50.000 do hai bên cùng xác định, độ dài và diện tích dùng trong mô tả đường biên giới được đo từ bản đồ này. Bộ bản đồ nói trên đính kèm Hiệp ước này là bộ phận cấu thành không thể tách rời của Hiệp ước.”
Nay việc cắm mốc đã hoàn tất từ lâu, yêu cầu Chính phủ CHXHCNVN cho CÔNG BỐ toàn bộ những BẢN ĐỒ này cùng với mọi chi tiết, biên bản và toàn văn bản Hiệp ước để toàn dân được rõ đâu là ranh giới phía Bắc của nước ta sau khi Việt Nam ký kết hiệp ước này.
Thật là oái oăm, phi lý và trớ trêu khi ông Phụng tuyên bố hùng hồn rằng “Một điểm cần nhấn mạnh là so với những quy định của các Công ước Pháp - Thanh trước đây thì lời văn của Hiệp ước biên giới trên đất liền ký ngày 30/12/1999 đã xác định cụ thể và rõ ràng hơn đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việc xác định rõ ràng hơn đường biên giới trên đất liền bằng các phương tiện hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý và duy trì ổn định ở vùng biên giới”, nhưng ông và Đảng ông lại không công bố bản văn và bộ bản đồ đính kèm của Hiệp ước dù việc phân giới nay đã hoàn tất và đã trở thành lịch sử.
Nếu việc phân định lại biên giới Việt-Trung là công bằng, hợp lý như ông Phụng nói, và VN không bị thua thiệt gì cả, thì Đảng và Nhà Nước “ta” sao lại dại dột không trưng ra để cho toàn dân Việt mừng vui và nhiệt liệt tán thưởng công lao của Đảng đã vì dân vì nước mà làm việc thận trọng, cần mẫn, đem lại thắng lợi vẻ vang cho Tổ quốc, và nhất là cho bọn phản động bị tẽn tò, xấu hổ vì đã tố bậy vô bằng cớ là Đảng “ta” đã nhượng đất cho Tàu, và từ nay bọn chúng đành phải câm mồm không dám nói xấu Đảng.
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 04:37, 10/04/2012 - mã số 55906
Thứ năm, 19 Tháng chín 2002, 11:04 GMT+7
Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận những nguyên tắc gì để xác định lại đường biên giới?
Tags: Trung Quốc, Việt Nam, Bản Giốc, Nam Quan, Hữu Nghị Quan, Cao Bằng, nguyên tắc cơ bản, giải quyết vấn đề, tiến hành đàm phán, đường biên giới, trên đất liền, xác định lại, khu vực này, hai bên, cắm mốc, năm
Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng Ban Biên giới, Lê Công Phụng gần đây đã trả lời phỏng vấn Thông tấn xã VN về nội dung của Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa và việc triển khai thực hiện bản Hiệp ước này.
- Xin Thứ trưởng cho biết một số nét cơ bản về tình hình biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc?
- Đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc dài khoảng 1.350 km, nối liền 6 tỉnh của Việt Nam (Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh) với hai tỉnh của Trung Quốc (Vân Nam và Quảng Tây). Địa hình dọc theo đường biên giới chủ yếu là núi non và sông, suối (có khoảng 400 km biên giới sông, suối). Ở một số khu vực mật độ dân cư dọc hai phía đường biên giới khá cao.
Đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài. Từ cuối thế kỷ XIX đường biên giới lịch sử này trở thành đường biên giới pháp lý, vì đã được hoạch định trong hai Công ước Pháp - Thanh năm 1887, 1895 và trên thực địa được hai bên phân giới và cắm hơn 300 mốc giới.
Lý do dẫn đến sự nhận thức khác nhau giữa hai bên về đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc?
- Việc hoạch định, phân giới và cắm mốc được tiến hành từ hơn 100 năm trước với những phương tiện và điều kiện thô sơ lúc đó, nên lời văn và bản đồ về nhiều đoạn biên giới không thật đầy đủ, rõ ràng và chính xác. Đường biên giới được vẽ trên bản đồ tỷ lệ lớn với nền địa hình được thể hiện một cách tổng hợp, nhiều nơi rất khác so với địa hình tự nhiên trên thực địa. Việc phân giới, cắm mốc cũng có những hạn chế nhất định: toàn bộ mốc giới đều không được xác định bằng lưới tọa độ, vị trí mốc giới cũng không được mô tả chính xác.
Hơn nữa, trải qua hơn một thế kỷ, nhiều mốc bị hư hỏng, thậm chí bị mất, một số mốc bị xê dịch so với vị trí vẽ trên bản đồ, địa hình, địa vật cũng có nhiều thay đổi. Bên cạnh những hạn chế trên, trong hơn 100 năm qua tình hình chính trị - xã hội ở mỗi nước có nhiều biến đổi, quan hệ giữa hai nước cũng đã trải qua các bước thăng trầm.
Toàn bộ các yếu tố đó dẫn đến việc hai bên có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới ở một số khu vực, làm cho tình hình ngày càng trở nên phức tạp và thường xuyên xảy ra tranh chấp trên toàn tuyến biên giới giữa hai bên.
Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, ta và Trung Quốc đã nhận thức rõ yêu cầu khách quan của việc chuẩn xác lại đường biên giới trên đất liền giữa hai nước. Từ giữa những năm 70 hai bên cũng đã tiến hành đàm phán về vấn đề biên giới, lãnh thổ, song chưa đi tới thỏa thuận. Sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, hai nước mới bắt tay vào đàm phán thực chất.
Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận những nguyên tắc gì để xác định lại đường biên giới trên đất liền giữa hai nước?
- Từ năm 1992, Việt Nam và Trung Quốc tiến hành đàm phán ở cấp chuyên viên. Năm 1993, lãnh đạo cấp cao hai nước đi đến quyết định quan trọng là mở diễn đàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới, lãnh thổ, trong đó biên giới trên đất liền là một trong 3 nội dung đàm phán. Đoàn đàm phán của ta gồm có đại diện các ngành và các tỉnh biên giới hữu quan đã tiến hành đàm phán rất thận trọng và nghiêm túc với nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trước đất nước. Ngày 19/10/1993 đại diện Chính phủ hai nước đã ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ.
Về vấn đề biên giới trên đất liền, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản năm 1993 đã đề ra một loạt các nguyên tắc chỉ đạo tiến trình đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa hai nước, cụ thể:
Một là, hai bên lấy các Công ước Pháp - Thanh năm 1887, 1895 cùng các văn kiện, bản đồ hoạch định và cắm mốc biên giới kèm theo, cũng như các mốc giới cắm theo quy định để xác định lại đường biên giới trên đất liền. Đây là nguyên tắc cơ bản và quan trọng.
Hai là, trong quá trình đối chiếu xác định hướng đi của đường biên giới đối với những khu vực, sau khi đã đối chiếu nhiều lần mà vẫn không đi đến nhất trí, hai bên sẽ cùng nhau khảo sát thực địa, suy tính đến tình hình tồn tại khu vực với tinh thần thông cảm và nhân nhượng lẫn nhau, thương lượng hữu nghị để tìm giải pháp công bằng, hợp lý;
Ba là, sau khi hai bên đã đối chiếu xác định lại đường biên giới, bất cứ khu vực nào do một bên quản lý vượt quá đường biên giới, về nguyên tắc, phải được trả lại cho bên kia không điều kiện. Đối với một số vùng cá biệt, để tiện cho việc quản lý biên giới, hai bên có thể thông qua thương lượng hữu nghị điều chỉnh thích hợp theo tình thần thông cảm và nhân nhượng lẫn nhau, công bằng, hợp lý;
Bốn là, hai bên đồng ý tính đến mọi tình hình và tham khảo tập quán quốc tế để giải quyết biên giới trên sông, suối;
Năm là, đối với các khu vực dân cư hai bên đã sinh sống lâu đời (ở một số khu vực dân Trung Quốc cư trú quá đường biên giới, ở một số khu vực khác dân ta cư trú quá đường biên giới) thì hai bên nhất trí duy trì cuộc sống ổn định của dân cư.
Sáu là, hai bên thoả thuận lập Nhóm công tác liên hợp để bàn bạc cụ thể về các vấn đề liên quan. Từ năm 1994 đến 1999, Nhóm công tác liên hợp đã tiến hành 16 vòng đàm phán ở thủ đô Hà Nội và Bắc Kinh.
- Thứ trưởng có thể cho biết cách thức và kết quả đàm phán về biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc?
- Theo đúng Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản 1993, mỗi bên tự căn cứ vào các văn bản pháp lý nêu trên để vẽ đường biên giới theo sự đánh giá của mình lên cùng một loại bản đồ (gọi là bản đồ đường biên giới chủ trương), sau đó cùng trao cho nhau để đối chiếu, xác định những đoạn biên giới hai bên vẽ trùng nhau và khác nhau.
Qua đối chiếu, hai bên vẽ trùng khớp nhau khoảng 900 km trong tổng số 1.350 km toàn tuyến biên giới. Trong 450 km còn lại có 164 khu vực hai bên có nhận thức khác nhau, với tổng diện tích khoảng 227 km2 (các khu vực này được gọi là khu vực C). Ngoài ra, ở 125 khu vực khác với diện tích gần 5 km2 hai bên khác nhau do sai lệch về kỹ thuật và các khu vực này đã được giải quyết khá nhanh chóng bằng các biện pháp kỹ thuật một cách hợp lý, công bằng cho cả hai bên.
Thực chất của suốt quá trình đàm phán chính là tập trung giải quyết 164 khu vực C nói trên và đến cuối năm 1999 hai Đoàn đàm phán đã giải quyết xong toàn bộ 164 khu vực đó. Kết quả giải quyết là: trong tổng số 227 km2 của 164 khu vực này thì khoảng 113 km2 được xác định thuộc Việt Nam và khoảng 114 km2 được xác định thuộc Trung Quốc. Giải pháp đối với 164 khu vực C đã được hai bên mô tả trong Bản ghi nhận chung và sau đó đưa vào bản Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa hai nước năm 1999 (kèm theo Hiệp ước là bộ bản đồ tỷ lệ 1/50.000 gồm 34 mảnh). Những đoạn biên giới sông, suối đã được Công ước Pháp - Thanh năm 1887 và 1895 quy định rõ ràng thì giải quyết theo đúng quy định của các Công ước đó. Còn những đoạn biên giới sông, suối chưa được hai Công ước nói trên quy định rõ ràng thì giải quyết theo đúng thông lệ quốc tế, cụ thể là: ở các đoạn sông, suối tàu thuyền đi lại được thì đường biên giới đi theo trung tuyến luồng chính tàu thuyền đi lại, còn ở những đoạn sông, suối tàu thuyền không đi lại được thì đường biên giới ở các sông, suối này sẽ đi theo trung tuyến dòng chảy hoặc dòng chảy chính.
Kết quả đàm phán và việc ký Hiệp ước năm 1999 về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc là phù hợp với các nguyên tắc cơ bản đã được hai bên thỏa thuận, bảo đảm công bằng và thỏa đáng cho cả hai bên, đáp ứng các lợi ích cơ bản, lâu dài của nước ta.
Gần đây có một số tin gây hoài nghi về kết quả đàm phán như: Việt Nam đã vô cớ để mất một diện tích đất đai rất lớn, thậm chí mất đến 700 km2; Việt Nam mất thác Bản Giốc, mất Hữu Nghị Quan. Vậy thực hư thế nào?
- Trước hết, với tư cách là Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc, tôi xin khẳng định tin về việc ta để mất đến 700 km2 đất là không đúng và không có cơ sở. Bởi vì, như trên đã nêu, sau khi đối chiếu đường biên giới chủ trương của hai bên theo đường biên giới Pháp - Thanh, thì toàn bộ diện tích hai bên tranh chấp ở 164 khu vực C chỉ khoảng 227 km2. Rõ ràng, diện tích mà đường biên giới chủ trương của hai bên khác nhau chỉ có 227 km2, trong số đó khoảng 113 km2 thuộc Việt Nam và khoảng 114 km2 thuộc Trung Quốc; tức là diện tích được giải quyết cho mỗi bên xấp xỉ ngang nhau, thì không thể có việc ta bị mất hàng trăm cây số vuông được.
Hơn nữa, do nhiều nhân tố, hai bên có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới ở nhiều đoạn, do đó mới phải đàm phán. Đối với những khu vực mà bên này hoặc bên kia có đầy đủ cơ sở pháp lý (lời văn rõ ràng, hoặc đường biên giới trên bản đồ rõ ràng...) thì đất bên nào phải trả lại cho bên đó. Nhưng đối với những khu vực mà các cơ sở pháp lý không được đầy đủ thì tất yếu trong đàm phán không thể chỉ đáp ứng yêu cầu của một bên mà phải có sự nhân nhượng lẫn nhau trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản được hai bên thỏa thuận, nhằm đạt được kết quả giải quyết công bằng và thỏa đáng cho cả hai bên.
Về thác Bản Giốc ở tỉnh Cao Bằng và khu vực Hữu Nghị Quan ở tỉnh Lạng Sơn thì sự thực như sau:
Hai khu vực này thuộc các khu vực phức tạp, nhạy cảm nhất trong quan hệ biên giới giữa hai nước. Trên thực tế, tại hai khu vực này đã từng xẩy ra tranh chấp phức tạp và kéo dài trong nhiều năm. Các văn bản pháp lý về hoạch định và phân giới cắm mốc giữa chính quyền Pháp và Nhà Thanh cũng có những điểm quy định không rõ ràng. Đường biên giới được vẽ trên bản đồ tỷ lệ lớn (1/100.000), địa hình ở khu vực Hữu Nghị Quan được vẽ tổng hợp, không phù hợp với địa hình tự nhiên trên thực địa, nên rất khó xác định hướng đi của đường biên giới. Những hạn chế về cơ sở pháp lý và điều kiện tự nhiên đó đã dẫn đến hai bên có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới ở hai khu vực này.
Trên cơ sở vận dụng tổng hợp các cơ sở và yếu tố có liên quan, hai bên đã thống nhất giải quyết hai khu vực nêu trên như sau:
a. Khu vực thác Bản Giốc là một trong số các khu vực đường biên giới đi theo sông, suối. Do đó, cũng như ở các khu vực sông, suối khác đường biên giới ở khu vực này được giải quyết theo tập quán quốc tế là theo trung tuyến dòng chảy chính; việc xác định trung tuyến dòng chảy chính ở thác Bản Giốc sẽ do hai bên cùng đo đạc xác định trong quá trình phân giới, cắm mốc và dòng chảy chính vẫn ở trên thác. Như vậy, hoàn toàn không có việc ta mất thác Bản Giốc mà chỉ là việc xác định hướng đi của đường biên giới phù hợp với nguyên tắc xác định hướng đi của đường biên giới trên sông, suối đã được hai bên thỏa thuận, phù hợp với tập quán quốc tế.
b. Khu vực Hữu Nghị Quan có liên quan đến đoạn biên giới đi qua đường bộ nối liền hai nước và đi qua tuyến đường sắt. Đối với đoạn đường bộ thì Biên bản hoạch định Pháp - Thanh năm 1886 quy định rằng đường biên giới "nằm ở phía Nam Ải Nam Quan, trên con đường từ Nam Quan đến làng Đồng Đăng". Khi phân giới, hai bên đã cắm mốc số 18 để xác định đường biên giới và vị trí của mốc này cũng được mô tả là nằm trên đường từ Nam Quan đến Đông Đăng (mốc này đã bị mất); còn trên bản đồ cắm mốc Pháp - Thanh năm 1894 thì địa danh Nam Quan nằm ở phía Bắc đường biên giới. Như vậy, đường biên giới luôn luôn ở phía Nam của Nam Quan, chứ không phải đi qua địa danh đó. Đối với đoạn đường sắt, phía Trung Quốc cho rằng đường biên giới đi qua điểm nối ray, nhưng qua đàm phán hai bên đã đi đến giải pháp là đường biên giới nằm ở phía Bắc điểm nối ray 148 m, chứ không phải ở điểm nối ray như ý kiến của Trung Quốc.
Như vậy, có thể khẳng định rằng về tổng thể, các giải pháp đạt được trong việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền nói chung và đối với hai khu vực cụ thể nói trên là thỏa đáng, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của cả hai bên; những thông tin do bọn phản động và cơ hội chính trị tung ra là hoàn toàn bịa đặt, không có căn cứ và chỉ nhằm phục vụ cho những ý đồ chính trị đen tối.
Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc giải quyết biên giới trên đất liền giữa ta và Trung Quốc?
- Đối với bất kỳ quốc gia nào, giải quyết vấn đề về biên giới, lãnh thổ là vấn đề rất thiêng liêng và nhạy cảm, đồng thời luôn là một công việc khó khăn, phức tạp. Ý thức được trọng trách nặng nề đó, chúng ta đã đàm phán và ký với Trung Quốc Hiệp ước biên giới trên đất liền ngày 30/12/1999.
Với việc ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền, ta đã giải quyết dứt điểm được một trong ba vấn đề biên giới, lãnh thổ tồn tại lâu nay với Trung Quốc (biên giới trên đất liền, Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông). Hiệp ước là kết quả của quá trình đàm phán lâu dài, thể hiện nỗ lực của hai bên, có tính đầy đủ đến luật pháp quốc tế, thực tiễn quốc tế cũng như sự nhân nhượng từ cả hai phía.
Một điểm cần nhấn mạnh là so với những quy định của các Công ước Pháp - Thanh trước đây thì lời văn của Hiệp ước biên giới trên đất liền ký ngày 30/12/1999 đã xác định cụ thể và rõ ràng hơn đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việc xác định rõ ràng hơn đường biên giới trên đất liền bằng các phương tiện hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý và duy trì ổn định ở vùng biên giới.
Bước phát triển này giúp chúng ta thực hiện được mục tiêu xây dựng biên giới Việt - Trung thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định, góp phần tăng cường sự tin cậy giữa hai bên, tạo động lực thúc đẩy và phát triển quan hệ hợp tác mọi mặt với Trung Quốc theo phương châm"Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".
Việc giải quyết được vấn đề biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lịch sử đối với nước ta cũng như quan hệ Việt- Trung, đồng thời là một nhân tố góp phần vào sự ổn định trong khu vực, được nhân dân cả nước hoan nghênh, thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và khu vực.
Nước ta đã ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia với Lào và Campuchia, Hiệp định phân định vùng biển với Thái Lan; thỏa thuận về khai thác chung vùng biển chồng lấn với Malaysia; hiện nay đang tích cực thúc đẩy đàm phán giải quyết một số vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ với Campuchia và đàm phán với Indonesia về thềm lục địa. Trong bối cảnh đó, việc giải quyết được vấn đề biên giới trên đất liền qua việc ký Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa ta và Trung Quốc là bước tiến mới quan trọng trong việc tăng cường quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng, góp phần tích cực vào việc củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực.
Tình hình triển khai công việc phân giới cắm mốc trên thực địa hiện nay như thế nào?
- Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã được Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước ta phê chuẩn ngày 9/6/2000 và chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7/2000. Để thực hiện Hiệp ước này, căn cứ vào quy định của Hiệp ước, ta và Trung Quốc đã lập Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc nhằm phân giới đường biên giới trên thực địa và đánh dấu đường biên giới này bằng hệ thống mốc giới ổn định, bền vững và chính xác. Việc hai bên tổ chức cắm những mốc giới đầu tiên tại các cặp cửa khẩu lớn Móng Cái - Đông Hưng, Lào Cai - Hà Khẩu, Thanh Thủy - Thiên Bảo, Ma Lu Thàng - Kim Thủy Hà và Tà Lùng - Thủy Khẩu là những bước đi quan trọng trong việc triển khai công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa. Tại các vòng đàm phán cấp Chính phủ lần thứ 7, 8, 9, Đoàn đàm phán hai bên đã kiểm điểm quá trình chuẩn bị phân giới cắm mốc. Cho đến nay, Ủy ban liên hợp đã cơ bản hoàn thành các công việc chuẩn bị cho việc phân giới, cắm mốc trên thực địa như lập 12 nhóm phân giới, cắm mốc, thỏa thuận sẽ cắm 1533 mốc giới (trước đây Pháp - Thanh chỉ cắm hơn 300 mốc giới) và ký kết các văn kiện pháp lý - kỹ thuật cần thiết.
Hiện nay, 12 nhóm phân giới cắm mốc liên hợp đang tiến hành họp để bàn cụ thể và triển khai công tác phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến bắt đầu từ tháng 9/2002. Hai bên đang phấn đấu để hoàn thành công việc phân giới, cắm mốc trong vòng 3 năm. Sau đó ký Nghị định thư phân giới, cắm mốc cũng như Hiệp định về quy chế biên giới như thông thường lâu nay vẫn làm.
TTXVN
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 20:31, 09/04/2012 - mã số 55883
Phân giới cắm mốc Việt-Trung ở những khu vực nhạy cảm
Thứ tư, 25 Tháng hai 2009, 09:11 GMT+7
Tags: Việt Nam, Trung Quốc, Tục Lãm, Bắc Luân, Thác Bản Giốc, Vũ Dũng, cung cấp thông tin, khu vực này, đường biên giới, Ải Nam Quan, điểm nối ray, hai bên, cắm mốc, phân giới, thứ trưởng, định
Hôm qua Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng đã cung cấp thông tin xung quanh việc phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc tại các khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân.
Thứ trưởng nêu rõ, đây là những khu vực nhạy cảm, có lịch sử tranh chấp lâu đời và dư luận hai nước Việt Nam - Trung Quốc quan tâm. Các khu vực này đã được đưa ra bàn bạc trong nhiều vòng đàm phán của Ủy ban Liên hợp phân giới cắm mốc nhưng chưa giải quyết được. Đến đầu năm 2008, hai bên đã nhất trí giải quyết tổng thể các khu vực tồn đọng trong đó có 3 khu vực này bằng giải pháp “cả gói” trên cơ sở các nguyên tắc: phù hợp với lời văn và bản đồ Hiệp ước 1999; giải quyết tất cả các khu vực trong một gói theo cùng một tiêu chí; công bằng hợp lý, hai bên đều có thể chấp nhận được; tôn trọng các dấu tích lịch sử và ưu tiên ổn định đời sống cư dân biên giới.
Về khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Thứ trưởng Vũ Dũng nhấn mạnh: đây là cửa khẩu lâu đời nhất trên tuyến biên giới Việt-Trung, đã được đề cập trong Đại Nam nhất thống chí, “Vân đài loại ngữ” của bác học Lê Quý Đôn và một số thơ văn của Nguyễn Du và Mạc Đĩnh Chi. Tại khu vực này có 3 vị trí rất quan trọng liên quan đến đường biên giới. Đó là Ải Nam Quan, các mốc cũ do Pháp và Nhà Thanh cắm cuối thế kỷ thứ 19 và điểm nối ray của tuyến đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường.
Về Ải Nam Quan, các sử sách còn lưu giữ đều khẳng định Ải Nam quan do các triều đại phong kiến Trung Quốc xây dựng và tồn tại cho đến ngày nay. Về các mốc Pháp – Thanh, mốc 19 vẫn còn tồn tại và nằm đúng vị trí cũ. Mốc 18 đối diện với mốc 19, do yếu tố thời gian, hai bên đều không thể xác định được. Về điểm nối ray, do có bị lệch về phía Việt Nam so với đường biên giới lịch sử, hai bên đồng ý điều chỉnh. Kết quả: đường biên giới đi qua Km0 rồi đến mốc 19 cũ và đến điểm cách điểm nối ray 148 mét về phía bắc.
Theo Thứ trưởng, hiện nay mốc 1116 và 1117 đã được cắm đối xứng với nhau qua quốc lộ 1A của Việt Nam, và mốc 1118 trùng vị trí mốc 19 (cũ). Như vậy, đường biên giới lịch sử tại khu vực này không những đã được tôn trọng mà còn được cụ thể hóa bằng một hệ thống cột mốc mới hiện đại.
Về khu vực Thác Bản Giốc, Thứ trưởng cho biết các bản đồ Pháp – Thanh đã khẳng định sông Quây Sơn là sông biên giới và Thác Bản Giốc là thác chung của Việt Nam và Trung Quốc. Khi ký Hiệp ước 1999, hai bên chỉ chưa giải quyết được cồn Pò Thoong nằm trên thác, có diện tích khoảng 2,6 hécta. Theo luật pháp quốc tế và Hiệp ước 1999, tại khu vực này đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy chính. Vễ kỹ thuật, dòng chảy chính được xác định nằm ở phía Nam cồn Pò Thoong, cồn Pò Thoong quy thuộc Trung Quốc. Qua nhiều vòng đàm phán, hai Bên thỏa thuận giải quyết khu vực thác Bản Giốc kết hợp giải pháp chính trị và giải pháp kỹ thuật. Kết quả là: Đường biên giới đi từ mốc 53 (cũ) lên cồn Pò Thoong rồi đến điểm giữa của mặt thác chính. Như vậy, toàn bộ thác phụ và ½ thác chính quy thuộc Việt Nam. Hai bên cũng thỏa thuận sẽ bàn bạc việc hợp tác phát triển tiềm năng du lịch tại thác Bản Giốc.
Khu vực cửa sông Bắc Luân kéo dài từ thượng lưu bãi Tục Lãm đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ, có độ dài khoảng 14 kilômét. Khu vực này đã được Pháp - Thanh hoạch định và cắm mốc, nhưng vào thời điểm đó các cồn bãi Tục Lãm, Tài Xẹc, Dậu Gót đều chưa xuất hiện trên bản đồ hoạch định. Khi ký Hiệp ước 1999, hai Bên cũng chưa thống nhất được phương án giải quyết khu vực này. Vào ngày đàm phán cuối cùng 31/12/2008, hai Bên thống nhất giải quyết khu vực cửa sông Bắc Luân bằng giải pháp chính trị: Đường biên giới đi lên bãi Tục Lãm, 3/4 bãi Tục Lãm thuộc Việt Nam 1/4 bãi Tục Lãm thuộc Trung Quốc sau đó đi tiếp lên hòn Dậu Gót (1/3 hòn Dậu Gót thuộc Việt Nam 2/3 hòn Dậu Gót thuộc Trung Quốc) rồi đi đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ.
Thứ trưởng Vũ Dũng cho biết thêm hai Bên đã thỏa thuận không xây dựng công trình nhân tạo tại các khu vực này đồng thời nhất trí thiết lập khu vực đi lại tự do cho cư dân biên giới tại cửa sông.
Thứ trưởng khẳng định, như vậy, những kết quả trên hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc “cả gói” mà hai bên đã nhất trí. Đây cũng là kết quả của quá trình kiên trì đàm phán của hai đoàn đại biểu phân giới cắm mốc dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo hai nước và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân các địa phương biên giới.
(Theo TTXVN)
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 16:55, 08/04/2012 - mã số 55824
VÀI HÌNH ẢNH THÁC BẢN GIỐC.
Nguyễn Xuân Quang
maile (khách viếng thăm) gửi lúc 14:05, 08/04/2012 - mã số 55821
Em xin lỗi các bác đã ghi sai nguồn trong còm trước.
Nguồn đúng là câu trả lời của ông Trương Nhân Tuấn cho PV Nguyễn An, được đưa lên bởi, trong còm của:
Khách Qua Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 04:14, 08/04/2012 - mã số 55805
Ông Trương Nhân Tuấn :
" Và cũng xin mở dấu ngoặc là Thác Bản Giốc này mặc dù là (Hà Nội) chưa công bố bản đồ, tức là không ai biết cái Thác Bản Giốc này trên bản đồ (đính kèm hiệp ước biên giới năm 1999), nhưng mà phía bên Trung Quốc đã cho tổ chức đi du lịch ở vùng này và họ gọi cái thác Bản Giốc là Đức Thiên Mộc Bố (Thác Đức Thiên)."
Xin lỗi bác Mai Thái Lĩnh.
maile (khách viếng thăm) gửi lúc 13:54, 08/04/2012 - mã số 55820
Trích bài chủ:
" Và cũng xin mở dấu ngoặc là Thác Bản Giốc này mặc dù là (Hà Nội) chưa công bố bản đồ, tức là không ai biết cái Thác Bản Giốc này trên bản đồ (đính kèm hiệp ước biên giới năm 1999), nhưng mà phía bên Trung Quốc đã cho tổ chức đi du lịch ở vùng này và họ gọi cái thác Bản Giốc là Đức Thiên Mộc Bố (Thác Đức Thiên)." Hết trích.
50 năm nữa, nhà nước VN và Trung Quốc sẽ công bố bản đồ chính thức. Như TT Phạnm Văn Đồng đã ký với TQ về Hoàng Sa Trường Sa cách đây 50 năm.
Lúc đó con cháu của chúng ta sẽ được biết ai là người đã ký.
Mà ai ký thì cũng vậy thôi. Không ai dám ký nếu không có đồng thuận và chỉ thị từ TW đảng CS VN và Chính Phủ VN.
Chẳng thấy các bác Phan Sơn, Kép Tư Bền, WB1981...... tham gia thảo luận chiện này.
Buồn nhỉ.
Em chưa được đi tới thác Bản Giốc. Chắc phải đi năm nay trước khi quá muộn.
Nghĩ mà buồn.

Gửi phản hồi mới (xin gõ tiếng Việt có dấu và tuân thủ Nguyên tắc Dân Luận để được chấp nhận)

Bạn có thể bịa một địa chỉ email bất kỳ, ví dụ test@gmail.com. Thông tin này sẽ không xuất hiện công khai khi phản hồi được đăng.
  • Bạn có thể sử dụng các thẻ BBCode trong bài. Các địa chỉ URL sẽ được tự động chuyển thành liên kết.
  • Bạn có thể trích bài của người khác bằng thẻ [quote], ví dụ: [quote]Nội dung muốn trích dẫn[/quote]
  • Bạn có thể sử dụng những thẻ HTML sau: <a> <em> <strong> <ins> <b> <i> <u> <br> <cite> <code> <ul> <ol> <li> <dl> <dt> <dd> <h1> <h2> <h3> <h4> <h5> <table> <tbody> <td> <tr> <pre> <img> <div> <span> <object> <hr> <center> <font> <blockquote> <strike> <embed> <param> <del> <ins> <sub> <sup>
  • Bạn có thể chèn video vào bài viết bằng thẻ [video:địa_chỉ_url_của_video]
  • Cách dòng và cách đoạn sẽ được tự động chuyển thành xuống dòng.
CAPTCHA
Bạn bắt buộc phải trả lời câu hỏi kiểm tra dưới đây. Nó giúp chúng tôi nhằm lọc bỏ các nội dung spam do robot tự động thực hiện.
10 + 7 = 
Giải bài toán đơn giản này và nhập kết quả vào ô phía trên. Ví dụ, nếu thấy 1+3, thì hãy nhập 4.

No comments:

Post a Comment