Các nhà đầu tư Mỹ lạc quan về tương lai quan hệ kinh tế Việt Mỹ
Một đoàn 29 đại diện những doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ vừa đến thăm Việt Nam vào trung tuần tháng 3 vừa qua trong chuyến thăm định kỳ hàng năm do Hội đồng kinh doanh Mỹ ASEAN tổ chức. Đoàn đại diện các doanh nghiệp Mỹ đã làm việc với các quan chức chính phủ Việt Nam để đưa ra các đề nghị liên quan đến tái cơ cấu và cải cách kinh tế nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào Việt nam. Nhân dịp này, Việt Hà phỏng vấn ông Carr Slayton, Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam thuộc Hội đồng Kinh doanh Mỹ ASEAN về quan hệ kinh tế Việt Mỹ sau 20 năm bình thường hóa quan hệ. Trước hết nhận xét về quan hệ kinh tế giữa hai nước trong 20 năm qua, ông Carr Slayton cho biết:
Carr Slayton: theo tôi, nhìn chung quan hệ Việt Mỹ đang lên cao nếu như chưa muốn nói là cao nhất. Thương mại hai chiều đã đạt 36 tỷ đô la trong khi con số này gần như bằng không vào lúc hai nước mới bắt đầu bình thường hóa quan hệ thương mại. Theo tôi đây là một tiên bộ rất đáng kể nếu tính đến lịch sử giữa hai nước. Hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất của ASEAN vào Mỹ và đây là một thành tựu rất đáng kể.
Việt Hà: thưa ông, trong chuyến thăm lần này, đoàn các doanh nghiệp Mỹ đã đưa ra những khuyến nghị cho chính phủ Việt Nam liên quan đến cải cách kinh tế. Theo ông thì những cải cách nào mà chính phủ Việt nam còn cần phải thực hiện để thu hút nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Mỹ nói riêng?
Carr Slayton: trước hết tôi muốn khen ngợi những nỗ lực cải cách mà chính phủ Việt Nam đã thực hiện, những thay đổi tuyệt vời mà họ đã thực hiện. Lấy ví dụ như trong lĩnh vực tài chính, vốn không thực hiện đã là một thách thức lớn trong một thời gian dài và cản trở sự tiếp cận với vốn vay của doanh nghiệp. Chính phủ đã cố gắng chấn chỉnh và đã làm cho hệ thống này mạnh hơn. Hướng tới phía trước là những cải cách trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Tái cơ cấu các doanh nghiệp này sẽ giúp chính phủ đạt được hiệu quả, đồng thời sẽ giúp cho khu vực tư nhân phát triển và tạo đà cho sự tăng trưởng chung. Giảm những thủ tục hành chính, tạo sự dễ dàng qua các văn phòng phê duyệt, và giảm chi phí điều hành doanh nghiệp nói chung luôn là điều tốt cho các cải cách của chính phủ và sẽ có lợi cho bất cứ nhà đầu tư nào.
Nhìn chung quan hệ Việt Mỹ đang lên cao nếu như chưa muốn nói là cao nhất. Thương mại hai chiều đã đạt 36 tỷ đô la trong khi con số này gần như bằng không vào lúc hai nước mới bắt đầu bình thường hóa quan hệ thương mạiCarr Slayton
Việt Hà: Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam mới đây có nói rằng ông hy vọng là Hoa Kỳ sẽ là nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam trong thời gian tới. Theo ông với những tiềm năng mà hai nước đã có, điều gì đã cản trở những nhà đầu tư Mỹ đầu tư nhiều hơn vào Việt nam và khiến Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam thời gian qua?
Carr Slayton: Các doanh nghiệp Mỹ rất quan tâm đến Việt Nam. Họ đã ở đó và những đầu tư lớn của các công ty như Microsoft và Intel đã được thực hiện ở Việt Nam. Có những thách thức cũng như cơ hội. Đó là vấn đề về cơ sở hạ tầng, sự chặt chẽ rõ ràng trong các quy định, và việc am hiểu cách làm ăn kinh doanh ở Việt nam vẫn là những thách thức đối với một số doanh nghiệp. Tuy nhiên chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến để làm cho nó đơn giản hơn. Cho nên theo tôi đó là tin tốt. Một điều mà tôi muốn nói là các doanh nghiệp Mỹ và nhiều doanh nghiệp được cơ cấu theo các cách khác nhau cho nên con số đầu tư có thể là một thách thức…. Nó cũng phụ thuộc vào các doanh nghiệp khác nhau và cách mà họ tiếp cận đầu tư ở ASEAN và Việt Nam. Theo tôi khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp hiểu hơn về cách làm ăn ở Việt nam thì tình hình sẽ được cải thiện và sẽ có nhiều đầu tư hơn.
Việt Hà: Ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư tại Việt Nam so với những nước ASEAN khác, đặc biệt là ASEAN 6?
Carr Slayton: môi trường đầu tư ở Việt Nam rất mạnh, và tiếp tục thu hút sự chú ý của các công ty Mỹ. Đây là một trong 3 thị trường hàng đầu mà chúng tôi đặt các câu hỏi và mọi người đang khám phá. Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của những người tham gia thị trường, của những nhà đầu tư về những thông tin mà họ cần và những thách thức mà họ đang phải đối mặt. Thị trường Việt Nam có một xu hướng về nhân khẩu học rất tốt, có lực lượng lao động thông minh và rất hấp dẫn đối với các công ty hoặc muốn đầu tư hoặc muốn xuất khẩu hàng hóa. Cho nên tôi đánh giá là môi trường kinh doanh ở Việt Nam là tốt.
Việt Hà: Việt Nam hiện xuất siêu vào thị trường Mỹ. Đây là điều tốt cho Việt Nam nhưng chắc là phía Mỹ cũng muốn xuất khẩu thêm nhiều hàng hóa vào thị trường Việt Nam. Theo ông, còn những lĩnh vực nào mà các doanh nghiệp Mỹ chưa khám phá hết tại Việt Nam hoặc muốn Việt Nam mở rộng thị trường hơn nữa cho các sản phẩm của Mỹ?
Việc am hiểu cách làm ăn kinh doanh ở Việt nam vẫn là những thách thức đối với một số doanh nghiệp. Tuy nhiên chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến để làm cho nó đơn giản hơn. Cho nên theo tôi đó là tin tốtCarr Slayton
Carr Slayton: nó phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp luôn muốn mở rộng sự có mặt của mình ở ASEAN, và Việt Nam. Nó phụ thuộc vào tình hình cụ thể. Tôi không thể nói là có một khu vực nào cụ thể cần thay đổi để có thêm đầu tư…. Các công ty Mỹ xuất khẩu nhiều sản phẩm sang Việt Nam và cả dịch vụ nữa và đó là khu vực sẽ có thêm những tăng trưởng trong thời gian tới.
Việt Hà: Trong thông cáo báo chí mới đây của Hội đồng Kinh doanh Mỹ ASEAN, Chủ tịch Hội đồng có nói đến rằng nếu Việt Nam muốn tiếp tục tăng trưởng thì cần phải đảm bảo việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo luồng thông tin và dữ liệu tự do qua biên giới. Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của luồng tự do thông tin tại Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi mà trên thực tế có những hạn chế nhất định về tiếp cận thông tin trên internet tại Việt Nam?
Carr Slayton: duy trì luồng thông tin và dữ liệu tự do qua biên giới là rất quan trọng. Nó rất quan trọng cho hoạt động kinh doanh nhất là ở một khu vực năng động nơi có rất nhiều hoạt động diễn ra qua biên giới. Nó quan trọng không chỉ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài mà còn quan trọng cả đối với doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam cần được tiếp cận với các thông tin từ các khu vực khác để phục vụ cho hoạt động tốt cũng như các doanh nghiệp nước ngoài. Cho nên theo tôi duy trì luồng tự do thông tin là quan trọng, nhất là trong những lĩnh vực có sự minh bạch về công nghệ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương. Việc không được tiếp cận đối với các ý tưởng mới trong dịch vụ sẽ làm cho các doanh nghiệp trong nước không thể phát triển như mong muốn. Cho nên điều quan trọng là phải duy trì luồng thông tin tự do.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần được tiếp cận với các thông tin từ các khu vực khác để phục vụ cho hoạt động tốt cũng như các doanh nghiệp nước ngoài. Cho nên theo tôi duy trì luồng tự do thông tin là quan trọngCarr Slayton
Việt Hà: Lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam đã từng bày tỏ quyết tâm hoàn tất hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ năm ngoái nhưng đã không đạt được. Ông đánh giá thế nào về triển vọng đạt được hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương giữa Mỹ và các nước trong đó có Việt Nam trong năm nay, trong khi vẫn còn những trở ngại và bất đồng giữa một số nước với Mỹ trong quá trình đàm phán, đấy là chưa kể giữa Việt Nam và Mỹ.
Carr Slayton: có nhiều biến số trong phương trình này. Tôi vẫn muốn lạc quan về triển vọng của TPP. Tôi nghĩ hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam trong khuôn khổ của TPP sẽ là một trong những viên gạch xây quan trọng để đưa quan hệ đối tác toàn diện lên mức tiếp theo. Vì vậy tôi vẫn duy trì sự lạc quan về triển vọng của TPP.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
No comments:
Post a Comment