Wednesday, April 22, 2015

Chiến lược hải quân mới của Mỹ: Kẻ thù chính là Trung Quốc (1)

Chiến lược hải quân mới của Mỹ: Kẻ thù chính là Trung Quốc (1)

VietnamDefence - Ngày 13/3/2015, Mỹ công bố chiến lược hải quân mới với tên gọi “Chiến lược hợp tác cho Hải lực thế kỷ XXI (A Cooperative Strategy for 21st Century Seapower). Văn kiện này gồm 4 phần: An ninh toàn cầu; Sự hiện diện và đối tác; Hải lực yểm trợ an ninh quốc gia; Hình ảnh tương lai của lực lượng vũ trang.

Văn kiện này khá thú vị vì nó phản ánh những thay đối chiều hướng chính trị-quân sự Mỹ. Chúng ta sẽ tìm hiểu những vấn đề cốt yếu trong mỗi chương và đưa ra kết luận về tầm quan trọng của chúng.


An ninh toàn cầu 


1) Những thay đổi địa-chính trị 

Chiến lược viết rằng, vai trò của các nước khu vực Ấn Độ Dương/Châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng gia tăng. Mỹ muốn tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh ở khu vực này: Australia, Nhật Bản, New Zealand, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan. Họ cũng có ý đồ phát triển quan hệ đối tác với các nước như Bangladesh, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Micronesia, Pakistan, Singapore và Việt Nam.

Trung Quốc đồng thời được xem vừa như là quốc gia mà Mỹ cần phát triển hợp tác, ví dụ như trong hoạt động chống cướp biển, vừa như là nước cần phải dè chừng vì theo quan điểm của Mỹ, người Trung Quốc đang thi hành chính sách hiếu chiến trong khu vực và có các yêu sách lãnh thổ đối với các nước láng giềng.

Cận Đông và châu Phi được xem là vùng bất ổn với nhiều tổ chức khủng bố và cực đoan đang hoạt động như “Nhà nước Hồi giáo” (ISIS), Hezbollah, Hamas, Al-Qaeda, Boko Haram... Các hành động của Hải quân Mỹ và các đồng minh đã giúp đối phó với nạn cướp biển ở vùng Sừng châu Phi, nhưng tình hình vẫn còn căng thẳng ở bờ biển Tây Phi, nhất là ở vịnh Guinea. Tình hình này, theo người Mỹ, đang đe dọa ổn định kinh tế toàn cầu.

Ở châu Âu và Bắc Mỹ, thế lực thống trị vẫn là NATO, thể chế chiếm vị trí trung tâm trong nền an ninh xuyên Đại Tây Dương. Mỹ đang tích cực hợp tác với các nước NATO và phát triển các dự án chung như triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore ở Romania và Ba Lan, hay lập các cụm hải quân thường trực của NATO.

Việc hiện đại hóa quân đội Nga, chiếm giữ phi pháp Crimea và cuộc xâm lược quân sự tiếp diễn ở Ukraine nhấn mạnh tầm quan trọng của mong muốn của chúng ta đối với an ninh và ổn định ở châu Âu, văn kiện khẳng định.

Chiến lược cũng nêu ra tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh cho hoạt động vận chuyển năng lượng bằng đường biển, khi xét đến việc vào năm 2040, dự kiến nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng 56%. Chủ đề ấm lên toàn cầu cũng được chú ý khi nó mở ra những cơ hội và thách thức mới ở Bắc Cực.


2) Những thay đổi quân sự 
Sự phát triển các hệ thống vũ khí chống hạm và phòng không của các đối phương tiềm tàng đang tạo ra cho Hải quân Mỹ những khó khăn nhất định - việc tiếp cận một số vùng biển trở nên khó khăn. Điều đó cũng liên quan đến hoạt động di chuyển ở các vùng ven bờ và tiếp cận đất liền. Các tên lửa đường đạn và tên lửa hành trình, các tàu ngầm hiện đại, các hệ thống phòng không tiên tiến, tiêm kích thế hệ 5, các hệ thống tác chiến điện tử mới, các phương tiện chiến tranh mạng... đang tạo ra mối nguy hiểm.

Chiến lược cũng rất nhấn mạnh đến các thách thức mới trong không gian mạng và phổ điện tử. Đối phương sẽ có thể gây tổn hại nghiêm trọng, kể cả về vật chất, bằng các phương tiện này.

Được Mỹ coi là một thách thức nữa là vũ khí hủy diệt lớn vốn đang đe dọa cả các đồng minh và đối tác của Mỹ. Được nêu ra làm ví dụ là Bắc Triều Tiên, quốc gia đang liên tục phát triển dự án hạt nhân và các tên lửa tầm xa. Iran cũng bị coi là một mối đe dọa vì Mỹ cho rằng, Iran đang ráo riết phát triển vũ khí hạt nhân. Trong văn kiện chiến lược cũng nêu lên sự quan ngại về khả năng vũ khí hủy diệt lớn lọt vào tay khủng bố.


Sự hiện diện và đối tác 

Với ngân sách quốc phòng hiện nay, đến năm 2020, Hải quân Mỹ sẽ có trong biên chế hơn 300 hạm tàu, 120 tàu trong số đó sẽ được bố trí ở tuyến trước (năm 2014 có 97 tàu).

Các hướng chính phát triển Hải quân Mỹ, cho phép tăng cường sự hiện diện và nâng cao hiệu quả hiện diện là:

- Tăng số lượng tàu trú đóng ở nước ngoài, điều sẽ cho phép giảm chi phí triển khai và luân phiên.

- Bảo đảm cho các lực lượng viễn chinh được phân tán trên toàn cầu và có liên hệ với nhau trong việc phối hợp với các đồng minh và đối tác của chúng ta để nâng cao hiệu quả sự hiện diện hải quân, phản ứng chiến lược và linh hoạt.

- Phát triển một hệ thống module, cho phép thay thế không phải các hạm tàu, mà chỉ là các “cơ cấu phóng vũ khí” với tải trọng hữu ích cần thiết cho một nhiệm vụ cụ thể, điều này sẽ cho phép tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

1) Khu vực Ấn Độ Dương/Châu Á-Thái Bình Dương 
Xét đến tầm quan trọng gia tăng của khu vực, đến năm 2020, 60% hạm tàu và máy bay của Hải quân Mỹ sẽ có mặt ở đây. Mỹ dự định triển khai các loại vũ khí rất khác nhau như tàu ngầm hạt nhân, tiêm kích F-35, tàu khu trục tối tân Zumwalt...

2) Cận Đông 
Cận Đông vẫn là khu vực cần thiết sống còn đối với Mỹ và đồng minh. Sự hiện diện của Hải quân Mỹ dự định sẽ gia tăng từ 30 lên 40 tàu vào năm 2020. Mục đích là duy trì ổn định trong khu vực, chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hủy diệt lớn. Ngoài ra, còn dự định tăng cường bảo vệ hoạt động vận chuyển năng lượng bằng đường biển.

3) Châu Âu
NATO và các đồng minh châu Âu là rất quan trọng đối với lợi ích an ninh của Mỹ cả ở bản thân khu vực, lẫn trên toàn thế giới nói chung. Sự liên kết và tiến hành các chiến dịch chung với các đồng minh là một ưu tiên. Hải quân Anh đã tham gia vào việc triển khai một cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ, các chiến dịch chung có sử dụng cụm tàu sân bay chiến đấu đang được tiến hành với Pháp.

Để bảo vệ đồng minh trước tên lửa đường đạn, Mỹ đang chế tạo và triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore (trên bờ) và Aegis Aflot (trên tàu). Chẳng hạn, đến cuối năm 2015, ở bờ biển Tây Ban Nha sẽ bố trí 4 tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis.

4) Châu Phi
Mục đích hiện diện của Hải quân Mỹ ở châu Phi sẽ vẫn là chống khủng bố, buôn người, cướp biển và duy trì ổn định tại lục địa này. Các nhiệm vụ này sẽ được thực hiện với sự phối hợp với các lực lượng của các nước châu Âu và châu Phi. Các lực lượng được triển khai ở bờ biển Phi châu sẽ thường xuyên tổ chức tập trận, và thường là các cuộc tập trận chung với hải quân các nước khác.

5) Tây bán cầu 
Mỹ sẽ tăng cường quan hệ đối tác và tiềm lực ở Tây bán cầu để bảo đảm an ninh cho Mỹ và đối phó hiệu quả với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Sẽ tăng cườn tuần tra trên không ở vịnh Mexico, biển Caribe và Đông Thái Bình Dương. Căn cứ quân sự Mỹ ở vịnh Guantanamo sẽ tiếp tục hoạt động.

6) Bắc Cực và Nam Cực 
Do sự gia tăng dự kiến của hoạt động hàng hải tại Bắc Cực và Nam Cực, Mỹ sẽ đánh giá các nhu cầu hiện diện tại các khu vực này và phát triển sự hợp tác với các đối tác Bắc Cực nhằm tăng cường an ninh trong khu vực. Tất cả những điều này sẽ đòi hỏi tiếp tục phát triển các công nghệ cho phép hoạt động ở trong vùng biến có băng bao phủ.


Kết luận

1) Mỹ bắt đầu thật sự lo ngại đối thủ toàn cầu mới là Trung Quốc. Hơn nữa, trong học thuyết hải quân mới thấy rõ rằng, điểm tựa chính được đặt vào việc bành trướng sang khu vực Ấn Độ Dương/Châu Á-Thái Bình Dương.

2) Điều thú vị là Nga không được nhắc đến nhiều trong văn kiện. Tuy nhiên, các kế hoạch triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa trên tàu và trên bờ ở châu Âu về thực chất là điểm chính trong phát triển Hải quân Mỹ ở châu Â. Điều đó nhằm chống lại ai nếu không phải là Liên bang Nga? Ngoài ra, Nga thực tế bị tuyên bố là địch thủ duy nhất của Mỹ ở châu Âu.

3) Chính sách hiếu chiến và phá hoại của Mỹ ở Cận Đông sẽ tiếp tục. Hơn nữa, có thể nó sẽ đạt đến cấp độ cao hơn vì sự hiện diện quân sự ở vịnh Persique dự định tăng hơn 30%. Dĩ nhiên, tất cả những điều đó có thể giải thích là nhằm chống tổ chức ISIS, nhưng liệu các cuộc ném bom và can thiệp vào công việc nước khác có đem lại hòa bình hay không? Hiện tại thì tất cả đều là ngược lại.

4) Nhìn chung, các mục tiêu tuyên bố sẽ đòi hỏi không ít đầu tư bất chấp sự cắt giảm chi phí quốc phòng của Mỹ. Rõ ràng là Mỹ sẽ vẫn tìm ra tiền, hơn nữa họ còn luôn luôn có thể “in” ra tiền.

5) Chiến tranh không gian mạng dường như thực sự bắt đầu được nhìn nhận nghiêm túc. Mặc dù ở đây người Mỹ là nước đi đầu thế giới với những bê bối gián điệp toàn cầu mấy năm qua.

(Còn tiếp)
Nguồn: Leonid Nersysyan // voenpolit, 20.3.2015.
 PrintPrintShare on Zing MePrintPrintPrintChia sẻ bài này lên Yahoo Messenger
E-mailPrint

No comments:

Post a Comment