Chính quyền Malaysia cứng nhắc và bị cô lập
Thủ tướng Malaysia Najib Razak và phu nhân.DR
Sau năm 2014 tang thương với ba thảm họa hàng không cùng những trận lũ lụt lịch sử, năm 2015 bắt đầu với đầy bấp bênh tại Malaysia. Các biện pháp tăng cường an ninh, thanh toán nội bộ hay các vụ tai tiếng chính trị-tài chính đang đe dọa một cuộc khủng hoảng tại quốc gia giầu nhất và an ninh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trước những chỉ trích độc tài và tham nhũng, «chính quyền trở nên cứng nhắc và bị cô lập ». Đây là nhận định trên tờ Le Monde trong số cuối tuần.
Thủ tướng Najib Razak không ngừng tăng cường quyền lực từ tháng Hai vừa qua với việc bắt Anwar Ibrahim, người đứng đầu phe đối lập. Ngày 04/04, Nghị viện đã thông qua luật « chống khủng bố » viện cớ mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ một số phần tử cực đoan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, chỉ một ngày sau khi 17 người bị bắt.
Thực tế, đạo luật này cho phép cảnh sát tạm giam một nghi phạm trong vòng 59 ngày, thậm chí tới hai năm, mà không cần xét xử. Ngày 09/04, một đạo luật bóp nghẹt tự do khác cũng được thông qua. Văn bản này cho phép ngăn chặn mọi chỉ trích tới hệ thống dưới mọi hình thức, tôn giáo hay chính trị, với lý do đảm bảo thống nhất quốc gia.
Không chỉ vấp phải sự phản đối từ phía cộng đồng thiểu số người Hoa và Ấn Độ, Thủ tướng Razak còn phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng người Mã Lai Hồi giáo, chiếm tới 60% dân số. Và gần đây, ông cũng bị chính đồng minh phản đối. Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad lên tiếng yêu cầu ông Najib Razak giải thích khoản nợ của công ty phát triển chiến lược « 1 Malaysia Development Berhad » (1MDB). Hiện nợ của quỹ này lên tới 12 tỉ đô la (11,1 tỉ euro) trong khi đó lại không có một hoạt động nào.
Một cựu nhân viên của quỹ cho rằng 1MDB không dành đầu tư cho đất nước, mà thực ra, để thỏa mãn cuộc sống xa hoa của ông Najib Razak vì mức lương Thủ tướng không đáp ứng được. Quả thực, vợ của ông nổi tiếng thích sưu tập túi Hermes. Một nghị viên dân chủ nhận định : « Với quỹ này, Najib đã gây ra vụ tai tiếng lớn nhất trong lịch sử Malaysia ». Tổng giám đốc tập đoàn LVMH (Pháp), Bernard Arnault, cũng là một thành viên ban quản trị của quỹ đầu tư trên. Ông cho biết chưa bao giờ tham gia một cuộc họp nào và cũng không được tham khảo ý kiến hay thông báo về các dự án đầu tư.
Thủ tướng Najib Razak còn phải đối mặt với một vụ tai tiếng nghiêm trọng khác. Năm 2006, một người mẫu Mông Cổ, đóng vai trò trung gian và phiên dịch trong thương vụ Pháp bán tầu ngầm cho Malaysia vào năm 2002, bị ám sát ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur. Thi thể của cô bị cài chất nổ tan xác. Vào thời điểm đó, ông Najib Razak giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Một trong hai cảnh sát bị kết tội ám sát đã trốn chạy sang Úc và dọa sẽ tiết lộ sự thật. Viện kiểm soát Paris đang điều tra 114 tỉ euro tiền hoa hồng từ hợp đồng bán ba tầu ngầm cho hải quân Malaysia.
Trước khủng hoảng trong nội bộ chính phủ, phe đối lập hy vọng sẽ thắng cử trong các cuộc bầu cử sắp tới. Thế nhưng, rất nhiều khả năng Thủ tướng Razak sẽ đẩy lùi cuộc bầu cử lập pháp tới năm 2018.
Sa Hoàng Putin nghĩ gì?
Qua lời kể của những người quen biết và đã từng tiếp xúc Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuần báo L’Obs phác họa chân dung của một trong những người kín tiếng nhất và quyền lực nhất thế giới.
Tổng thống Putin bị truyền thông ám ảnh, đặc biệt là truyền hình. Tác giả lật lại vụ « mất tích» bất ngờ và đầy bí ẩn của Tổng thống Putin kéo dài 10 ngày (06-16/03/15). 10 ngày chính trường Nga dường như dừng lại. Một nhà báo được điện Kremlin tin tưởng cho biết đây chỉ là một trong những cách điều khiển thông tin của ông Putin.
Tổng thống Nga quyết định « biến mất » để đánh lạc hướng ngôn luận sau vụ ám sát nhà đối lập Nemtsov ngày 27/02. Ông tranh thủ thời gian nghỉ ngơi này để tiêm một chút botox, vì mọi người đều biết bạn gái của Tổng thống Nga trẻ hơn ông rất nhiều. Nhưng lần đó chiến lược của ông suýt đi quá đà. Ông buộc phải nhanh chóng quay lại chính trường và tận dụng cơ hội Tổng thống Kirghizistan sang thăm con gái theo học trường ở Saint-Petersbourg để tổ chức một cuộc gặp gỡ chính thức.
Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu từ một buổi truyền hình do chính ông « đạo diễn » và nhận được tài trợ của ngân hàng của đảng Cộng sản thành phố Saint-Petersbourg, nơi một người bạn thân của Putin làm việc. Sau này, người bạn thân trên trở thành một trong những tỉ phú và sở hữu ngân hàng Rossia, được coi là ngân hàng bí mật của Putin và những người người bạn tỉ phú của ông. Ngân hàng này bị Hoa Kỳ trừng phạt từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina. Vào thời điểm đó, Putin, 39 tuổi, làm trợ lý cho Thị trưởng thành phố Saint-Petersbourg nhưng vẫn chưa rời KGB.
Trước ông Sobtchak, Putin sử dụng biện pháp của KGB, luôn tỏ ra khiêm nhường, lặng lẽ giải quyết khó khăn. Cứ thế, ông càng thêm mạnh, đồng thời cũng dính vào vài vụ tranh giành quyền lực. Thậm chí, ngay sau vụ tai tiếng bán kim loại quý đổi lương thực với Đức và vài triệu đô la biến mất một cách đáng nghi, ông tự kiểm điểm là có thiếu sót. Thế nhưng, Thị trưởng Sobtchak vẫn bảo vệ tới cùng và từ chối sa thải nhân viên tận tụy. Một nghị viên nhận định : « Nếu ông ấy (thị trưởng Saint-Petersbourg) nghe chúng tôi, lịch sử thế giới chắc chắn sẽ khác ».
Trong cuộc bầu cử năm 1996, Thị trưởng Sobtchak thua cuộc, Putin thất nghiệp. Ông được bạn bè giới thiệu cho Tổng thống Elsine. Vào điện Kremlin qua cánh cửa hẹp, bốn năm sau Putin trở thành Tổng thống Nga. Trong suốt thời gian làm việc dưới thời Tổng thống Elsine, Putin đã gây được lòng tin như một người đáng tin và minh bạch nhất.
Trong nhiệm kì đầu (2000-2004), ông tỏ ra khiêm nhường. Nhưng sau khi tái cử năm 2004, cảm thấy đủ mạnh và dạn dày, ông đổi chiến lược. Ông xem xét lại nền dân chủ mà chưa bao giờ ông tin vào, dừng mọi cải cách kinh tế mới và bắt đầu chia tài sản công cho bạn bè thời Saint-Petersbourg mà bắt đầu từ tập đoàn Gazprom. Đối với các nguyên thủ quốc gia, thời gian đầu ông tỏ ra thân thiệt. Sau này, ông giữ khoảng cách ngày càng khó vượt qua và làm mọi việc để « vượt mặt » các đồng nhiệm quốc tế.
Nhiều người đã từng chung bước từ thuở đầu trở nên lo lắng trước cách điều hành hiện nay của Tổng thống Nga. Một chuyên gia Pháp từng gặp gỡ Putin nhiều lần nhận xét : « Người Nga biết ơn ông ấy vì đã sáp nhập Crimée, nhưng không bị đánh lừa về cách điều hành đất nước. Với họ, thế là quá đủ. Có điều gì đó không ăn nhập giữa Putin và người dân… Vì thế mà tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ không ra tranh cử nhiệm kì thứ tư, vào năm 2018 tới ».
Một nhà báo Nga, tường tận mọi việc diễn ra tại Kremlin đánh giá : « Theo thời gian, ông ấy rất tự tin. Từ giờ, ông ấy tin tưởng tuyệt đối vào chính bản thân. Ông ấy một mình điều hành chính phủ. Ông ấy nghĩ rằng nước Nga là mình và mình là nước Nga. Không một ai có thể đưa ra một quyết định quan trọng mà không được ông ấy phê duyệt. Nhóm làm việc thân cận của ông ấy, gồm sáu cựu sĩ quan của KGB, chỉ áp dụng những quyết định của Putin. Tình hình cực kì nguy hiểm ».
Trung Quốc thách thức Ngân hàng Thế giới
Liên quan tới lĩnh vực kinh tế tại khu vực Đông Bắc Á, tờ Le Figaro đánh giá sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng là một thách thức đối với Ngân hàng Thế giới.
50 nước tham gia vào AIIB, đây là thành công chưa từng có đối với ngành ngoại giao kinh tế của Trung Quốc, nhằm khẳng định vị trí của quốc gia này trong lục địa Châu Á đang phát triển. Mục tiêu của tổ chức này là đáp ứng nhu cầu về hạ tầng ngày càng tăng tại khu vực, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng địa-chính trị của Trung Quốc. Tăng cường xây dựng hệ thống đường cao tốc, đường sắt hay mạng lưới viễn thông sẽ giúp Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa và đạt được lòng trung thành của các chính phủ trong khu vực, đang bị kẹp giữa hai cường quốc Trung-Mỹ.
Một giáo sư tại đại học Phục Đán (Fudan) đánh giá : « Các quốc gia này đang trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa. Chúng tôi có thể cung cấp cho họ kinh nghiệm thành công của mình thu được từ 40 năm mở cửa kinh tế và phát triển. Đã tới lúc Trung Quốc phổ biến mô hình của mình ».
Cùng với quỹ Con đường Tơ lụa và Ngân hàng Phát triển mới, AIIB là ngân hàng thứ ba đồng thời là cánh tay chủ lực chính giúp Trung Quốc phát triển tham vọng trên. Ngân hàng này sẽ mang lại luồng khí mới cho các tập đoàn xây dựng Trung Quốc đang phải đối mặt với lượng cầu giảm do tăng trưởng kinh tế của nước này chững lại. AIIB cũng sẽ là công cụ quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, ưu tiên chiến lược của Bắc Kinh.
Để trấn an các thành viên phương Tây, Bắc Kinh cam kết đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động mời thầu hay các tiêu chuẩn về môi trường và chính trị. Washington kêu gọi đồng minh gây ảnh hưởng ngay trong nội bộ AIIB. Về phía mình, các quốc gia phương Tây, thông qua tổ chức tài chính này, muốn mở thêm một lối vào các nước Châu Á đang phát triển. Thế nhưng, chiếm tới 50% số vốn, với tổng đầu tư 50 tỉ đô la, Bắc Kinh sẽ giữ vai trò chủ đạo tại AIIB.
Tại Singapore, không được nhổ lên mộ của Lý Quang Diệu
Dưới tựa đề : « Tại Singapore, cấm được nhổ lên mộ của Lý Quang Diệu » trong chuyên mục «Mỗi ngày một chuyện », Le Monde trở lại việc thiếu niên Amos Yee, bị bắt đúng ngày an táng cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Sau hai ngày tạm giam, Amos Yee được tại ngoại sau khi nộp số tiền bảo lãnh 15 000 euro.
Thế nhưng, dù các luật sư bào chữa miễn phí, nhưng blogger 16 tuổi này cần tới 30 000 đô la Singapore (20 800 euro) để thanh toán chi phí, vì tại đảo quốc Sư tử, dính tới pháp luật phải trả giá rất đắt. Ngày 15/04, dù bị cấm đăng tải bất kì loại hình gì lên internet, blogger trẻ vẫn đăng lời kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người, vì Amos Yee chỉ còn 70 đô la trong tài khoản và gia đình không giúp được.
Bài viết nhận xét chỉ cần xem những gì đăng lên internet, người ta hiểu ngay rằng cậu đang trong giai đoạn « khủng hoảng » của tuổi dậy thì, phản đối người cha quá khắt khe. Các đoạn video chỉ ra những mặt trái của xã hội Singapore : Một quốc gia giầu có nhưng đằng sau là sự chênh lệch thu nhập như tại các quốc gia phát triển khác ; hay sau các thể chế dân chủ là một chế độ mà Amos Yee cho là chuyên chế.
Blogger 16 tuổi không phải là trường hợp đầu tiên bị dọa trừng phạt vì dám nói những gì cậu nghĩ. Theo bài viết, cậu đã chọn nhầm thời điểm để lên tiếng chỉ trích.
Thanh niên Trung Quốc tới Pháp làm đám cưới
Lưu lại những khoảnh khắc lãng mạn tại Pháp để chuẩn bị cho cuốn album cưới vào ngày trọng đại đang trở thành mốt thời thượng của thanh niên Trung Quốc. Tạp chí cuối tuần của Le Monde có bài phản ánh hiện tượng ngày càng phổ biến này.
Sau thành công của bộ phim truyền hình « Giấc mơ sau tấm rèm pha lê » được quay tại Pháp năm 2006, giới trẻ Trung Quốc muốn sang tận Paris để thực hiện bộ ảnh cưới lãng mạn. Các nhà tổ chức tour không ngừng đưa ra những tour du lịch trọn gói giá 3000 euro cho 10 ngày cho các dịch vụ: Chụp ảnh trước tháp Eiffel, hay các công trình nổi tiếng với những chú bồ câu bay xung quanh, tổ chức cưới trong một lâu đài cổ hay trên cánh đồng oải hương. Họ có một cửa hàng cho thuê áo cưới, chuyên gia trang điểm, để phục vụ khách du lịch Trung Quốc, hàng năm mang lại 10-20% tổng doanh thu của các cửa hàng này.
Các chủ lâu đài tư nhân của Pháp vẫn mong chờ du khách Trung Quốc. Liệu hy vọng của họ có được thỏa mãn ? Theo đánh giá, ngành công nghiệp cưới đang phát triển mạnh tại Hoa lục. Chi phí cho sự kiện trọng đại này được thẩm định hơn 1 tỉ euro mỗi năm và việc cấp visa du lịch cũng dễ dàng hơn.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment